label

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ 
VÀ QUÍ ÔNG TRONG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ
kính dâng lên cha sở và quí ông lăng hoa lòng

Ngày mai 29-06 lễ thánh Phêrô và thánh PhaoLô tông đồ bổn mạng của cha sở 
Phêrô Mai Đức Vượng 
và của các ông trong ban Hội đồng giáo xứ:
Ông PhaoLô Trần Văn Bính
Ông PhaoLô Trần Văn Tuấn
Ông PhaoLô Nguyễn văn Sang
Ông Phêrô Nguyễn Văn Thiên Sinh
Toàn thể giáo dân Cần Xây xin chúc mừng bổn mạng Cha sở và quí ông, nguyện xin Thiên chúa ban nhiều hồng ân và sức khỏe để cha sở và quí ông giúp xứ đạo ngày càng đi lên. Chúng con sẽ cầu nguyện thật nhiều cho cha và quí ông trong thánh lễ ngày mai và chúa nhật 28/6 kính trọng thể hai thánh.
                                                            Giáo dân Cần xây

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi người Hồi giáo nhân tháng Ramadan và lễ ’Id al-Fitr








Sứ
điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi người Hồi giáo
nhân tháng Ramadan và lễ ’Id al-Fitr
(1436 H. / 2015 AD)
Kitô hữu và người Hồi giáo:
Cùng nhau chống lại bạo lực nhân danh tôn giáo
Quý Anh Chị Em tín hữu Hồi giáo thân mến,
1. Tôi vui mừng gửi đến Anh Chị Em, nhân danh tất cả những người Công giáo trên toàn thế giới và nhân danh tôi, những lời chúc tốt đẹp nhất cho một ngày lễ Id al-Fitr bình an và vui tươi. Trong tháng Ramadan, Anh Chị Em thực hiện nhiều thực hành tôn giáo và xã hội, như chay tịnh, cầu nguyện, bố thí, giúp đỡ người nghèo, thăm người thân trong gia đình và bạn bè. Tôi hy vọng và cầu xin cho hoa trái của những thực hành tốt đẹp này làm cho cuộc sống của Anh Chị Em được thêm phong phú.
2. Đối với một số người trong Anh Chị Em và một số người thuộc các cộng đồng tôn giáo khác, niềm vui của ngày lễ này bị lu mờ khi nhớ đến những người thân yêu đã thiệt mạng hay mất mát tài sản, hoặc phải gánh chịu đau khổ về thể chất, tinh thần và cả tâm linh nữa vì bạo lực. Các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo ở một số nước trên thế giới đã trải qua nhiều đau khổ bất công to lớn: nhiều thành viên bị giết hại, các di sản tôn giáo và văn hóa bị phá hủy, nhiều người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và thành phố, phụ nữ bị lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp, có người bị bắt làm nô lệ, buôn bán, bán nội tạng, và thậm chí các xác chết cũng bị đem bán!
3. Tất cả chúng ta đều ý thức được sự trầm trọng của những tội ác này như thế nào. Nhưng điều làm cho chúng càng thêm ghê tởm là người ta lại nhân danh tôn giáo để biện minh cho các tội ác ấy. Đây rõ ràng là một biểu hiện của việc sử dụng tôn giáo như một công cụ để đạt được quyền lực và sự giàu có.
4. Những người có trách nhiệm về an ninh, trật tự công cộng phải bảo vệ người dân và tài sản của họ khỏi nạn bạo lực mù quáng của những kẻ khủng bố: điều đó không cần phải nói; nhưng đó cũng là trách nhiệm của những người có nhiệm vụ giáo dục: gia đình, trường học, chương trình đào tạo, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các phát biểu về tôn giáo, các phương tiện truyền thông. Bạo lực và khủng bố trước hết hình thành trong đầu óc của những người lệch lạc, rồi sau đó mới trở thành hành động.
5. Tất cả những ai tham gia vào việc giáo dục người trẻ và trong nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau phải dạy rằng sự sống có tính thánh thiêng và vì thế nên ai cũng có phẩm giá, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, địa vị xã hội và sự lựa chọn chính trị. Không có cuộc sống nào quý hơn cuộc sống khác vì nó thuộc về một chủng tộc hay tôn giáo nào đó. Vì vậy, không ai được giết người. Không ai được nhân danh Thiên Chúa để giết người; đó là một tội ác kép: vừa chống lại Thiên Chúa vừa chống lại chính con người.
6. Không được có bất kỳ sự hàm hồ nào trong giáo dục. Tương lai của một con người, của cộng đồng và của toàn thể nhân loại không thể được xây dựng trên sự hàm hồ hay chân lý giả tạo như thế. Người Kitô hữu và người Hồi giáo, theo truyền thống tôn giáo của mình, chiêm ngắm Thiên Chúa và tương quan với Ngài như là Chân lý. Đời sống và hành vi của các tín hữu chúng ta phải phản ánh niềm xác tín ấy.
7. Theo Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo dành “ưu tiên cho việc cầu nguyện” (Diễn văn với các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Kaduna, Nigeria, 14-02-1982). Lời cầu nguyện của chúng ta thật khẩn thiết: cầu nguyện cho công lý, hoà bình và an ninh trên thế giới; cầu nguyện cho những ai xa lìa khỏi con đường đích thực của sự sống và nhân danh tôn giáo để gây bạo lực, biết trở về với Chúa và thay đổi đời sống; cầu nguyện cho người nghèo và các bệnh nhân.
8. Trong các lễ hội, những ngày lễ tôn giáo của chúng ta nuôi dưỡng niềm hy vọng cho hiện tại và tương lai. Với niềm hy vọng ấy chúng ta nhìn vào tương lai của nhân loại, nhất là khi chúng ta làm hết sức mình để hiện thực hoá những ước mơ chính đáng của chúng ta.
9. Cùng với Đức giáo hoàng Phanxicô, chúng tôi cầu chúc cho những hoa trái của tháng Ramadan và niềm vui của ngày lễ ’Id al-Fitr sẽ mang lại bình an và thịnh vượng, giúp Anh Chị Em tăng triển về nhân bản và tâm linh.
Kính chúc tất cả Anh Chị Em ngày lễ hạnh phúc!
Vatican, ngày 12 tháng 6 năm 2015
Hồng y Jean-Louis Tauran,
Chủ tịch
Linh mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, M.C.C.I.
Thư ký
 
(Huy Hoàng chuyển ngữ)
 
Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn

Mọi đổ vỡ và lựa chọn sai lầm của cha mẹ gây khổ đau cho con cái

Mọi đổ vỡ và lựa chọn sai lầm của cha mẹ gây khổ đau cho con cái

Một bé gái hôn ĐTC trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 24-6-2015 - OSS_ROM
24/06/2015 17:35
Trong gia đình tất cả đều gắn liền với nhau. Vì thế mọi lời nói việc làm và thiếu sót của cha mẹ đều gây ra các thương tích trong tâm hồn con cái, và để lại các hậu qủa trầm trọng trong cuộc sống của chúng. Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết trong suốt cuộc đời.
Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu. Trong số hàng trăm đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu cũng có các phái đoàn đến từ các nước Australia, Indonesia, Nhật Bản và một phái đoàn 40 người đến từ Việt Nam. Ngoài ra cũng có các đoàn hành  hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Brasil.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý các vết thương trong cuộc sống chung của gia đình. Ngài nói : thật là điều xấu, khi trong gia đình người ta làm cho nhau đau khổ. Chúng ta biết là không có lịch sử gia đình nào mà lại không có các thời gian, trong đó sự thân tình của các trìu mến bị xúc phạm bởi thái độ sống của các thành phần trong gia đình. ĐTC giải thích điểm này như sau :
Các lời nói, các hành động và các thiếu sót, thay vì diễn tả tình yêu thương, thì lại lấy mất đi, hay tệ hại hơn, gây khổ đau cho tình yêu thương. Khi các vết thương này còn có thể sửa chữa được, chúng bị lơ là, trở nên trầm trọng và biến thành các ưu quyền, sự thù nghịch và khinh rẻ. Và lúc đó chúng có thể trở thành các xâu xé sâu đậm, chia rẽ vợ chồng, và dẫn đưa tới chỗ tìm ở nơi khác sự cảm thông, nâng đỡ và an ủi. Nhưng thường khi các “nâng đỡ” ấy không nghĩ tới hạnh phúc của gia đình.
Sự trống rỗng tình yêu hôn nhân làm lan tràn sự oán hận trong các tương quan. Và thường khi sự tan vỡ đổ ập trên con cái. Con cái, đó là điểm tôi muốn đề cập tới một chút. Mặc dù sự nhậy cảm của chúng ta bề ngoài xem ra đã tiến triển, và mọi phân tích tâm lý tinh tế của chúng ta, tôi tự hỏi chúng ta cũng có đang gây mê đối với các vết thương trong tâm hồn các trẻ em hay không. Người ta càng tìm cách bù trừ bằng quà cáp và bánh ngọt bao nhiêu, thì lại càng đánh mất đi ý thức về các vết thương  của tâm  hồn – đau đớn và sâu đậm hơn – bấy nhiêu. Chúng ta nói nhiều về các thái độ hỗn loạn, về sức khỏe tâm thần, vể hạnh phúc của trẻ em, sự lo âu của cha mẹ và con cái… Nhưng chúng ta có còn biết vết thương của tâm hồn là cái gì không? Chúng ta cảm thấy sức nặng của quả núi đè bẹp tâm hồn một trẻ em, trong các gia đình, trong đó người ta đối xử tàn tệ với nhau và làm cho nhau đau khổ, cho tới chỗ bẻ gẫy mối dây liên kết của sự chung thuỷ hôn nhân? Các lựa chọn của chúng ta có sức nặng nào trên tâm hồn của các trẻ em? Có sức nặng nào trong các lựa chọn của chúng ta – các lựa chọn sai lầm chẳng hạn, có sức nặng biết bao nhiêu trên tâm hồn của các trẻ em?
Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết suốt cả cuộc đời.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:
Trong gia đình tất cả đều gắn bó với nhau: khi tâm hồn của trẻ em bị thương tích tại một điểm nào đó, thì sự nhiễm trùng lan sang mọi nguời. Và khi một người đàn ông và một người đàn bà dấn thân để trở nên “một thân thể duy nhất” và thành lập một gia đình, nghĩ tới các đòi hỏi riêng của họ liên quan tới sự tự do và tưởng thưởng một cách ám ảnh, thì sự lệch lạc này tấn kích con tim và cuôc sống của con cái một cách sâu đậm. Biết bao lần các trẻ em lẩn trốn để khóc một mình… Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Chồng vợ là một thịt xác duy nhất. Nhưng các thụ tạo của họ là thịt xác của thịt xác họ. Nếu chúng ta nghĩ tới sự cứng rắn mà Chúa Giêsu dùng để cảnh cáo người lớn đừng gây gương mù gương xấu cho các trẻ em, như đã nghe trong đoạn Tin Mừng (x. Mt 18,6), thì chúng ta cũng có thể hiểu một cách dễ dàng hơn lời nói của Ngài liên quan tới trách nhiệm trầm trọng phải gìn giữ mối dây hôn nhân khai mào gia đình nhân loại (x, Mt 19,1-9). Khi người nam và người nữ đã trở nên một thịt xác duy nhất, thì mọi vết thương và các bỏ rơi của người cha hay người mẹ ghi đậm dấu vết trên thịt xác sống động của con cái họ.
Đàng khác, cũng đúng thật là có những trường hợp, trong đó sự chia ly không thế tránh được. Đôi khi nó có thể trớ thành cần thiết trên bình diện luân lý, khi người ta tìm lấy khỏi người phối ngẫu yếu duối hơn, những đứa con còn bé khỏi các vết thương trầm trọng hơn, bị gây ra bởi ưu quyền và bạo lực, sự nhục nhã và khai thác bóc lột, sự xa lạ và thờ ơ.
Nhưng cám ơn Chúa không thiếu những người được nâng đỡ bởi đức tin và tình yêu thương đối với con cái, làm chứng cho sự chung thủy của họ đối với mối dây ràng buộc mà họ đã tin, dù xem ra không thể làm nó sống lại được. Tuy nhiên, không phải mọi nguời ly thân đều cảm thấy ơn gọi này. Không phải ai cũng thừa nhận  trong thinh lặng một tiếng gọi của Chúa hướng tới họ. Chung quanh chúng ta chúng ta tìm thấy các gia đình khác nhau trong những hoàn cảnh bất bình thường. Tôi không thích từ này và chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi? Làm sao trợ giúp các gia đình? Làm thế nào để đồng hành với chúng? Làm thế nào để đồng hành với các gia đình để con cái không trở thành con tin của cha hay mẹ?
Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một đức tin lớn lao để nhìn thực tại với cái nhìn của Thiên Chúa; và một tình bác ái lớn lao để đem con người tới gần trái tim thuơng xót của Chúa.
ĐTC đã chào một nhóm thành viên phong trào Đức tin và Ánh sáng Pháp. Ngài khích lệ các anh chị em tàn tật  ý thức mình rất quý báu đối với Giáo Hội.
Chào các đoàn hành hương Đức ngài xin Chúa chữa lành các vết thương trong gia đình và biến chúng thành các chứng nhân lòng thuơng xót và tình yêu của Chúa. Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC khích lệ mọi người nhớ tới mùa hè như thời gian Chúa ban cho để cho thân xác và tinh thần được nghỉ ngơi, cũng như để củng cố các tương quan giữa gia đình, với bạn bè và với Thiên Chúa; không quên tham dự thánh lễ Chúa Nhật và làm việc bác ái trọ giúp người túng thiếu.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ sinh nhật thánh Gioan Baotixita. Ngài xin thánh nhân giúp các bạn trẻ  noi gương thánh nhân biết can đảm lựa chọn  sự thiện. Ngài cầu mong sự mạnh mẽ của thánh nhân trợ lực các anh chị em đau yếu vác thánh giá khổ đau kết hiệp với Chúa, và củng cố tình yêu của các đôi tân hôn.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
 

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

CÔ BÉ TRUNG QUỐC ĐÃ ĐÁNH ĐỘNG LÒNG KÍNH MÌNH THÁNH CHÚA CỦA TỔNG GIÁM MỤC FULTON J SHEEN

CÔ BÉ TRUNG QUỐC ĐÃ ĐÁNH ĐỘNG LÒNG KÍNH MÌNH THÁNH CHÚA CỦA TỔNG GIÁM MỤC FULTON J SHEEN

Câu chuyện cảm động của cô bé 11 tuổi người Trung Quốc tử đạo vì Mình Thánh Chúa.
Vài tháng trước khi chết, tổng giám mục Fulton J. Sheen, địa phận Rochester, New York trả lời câu hỏi của đài truyền hình quốc gia: “Kính Tổng giám mục, cha đã cảm hứng được cho hàng triệu tín hữu trên khắp hoàn cầu. Vậy ai là người đã cho cha cảm hứng? Có phải là một Giáo hoàng?”. “Không phải Giáo hoàng, cũng không phải hồng y hay một giám mục nào khác, nhưng người đã cho tôi cảm hứng là một cô bé 11 tuổi người Trung Quốc!”

32 bánh thánh trong chén thánh…

Và lúc đó tổng giám mục Sheen kể câu chuyện cô bé Trung Quốc này. Khi cộng sản nắm chính quyền ở Trung Quốc, họ giam một linh mục trong chính nhà xứ của cha, nhà xứ này ở gần nhà thờ của cha. Từ cửa sổ nhà mình ngó qua nhà thờ, cha kinh hoàng thấy các người cộng sản đến phá nhà thờ, họ xông lên bàn thờ. Lòng đầy hận thù, họ phạm thượng đến Nhà Tạm, vứt Chén thánh xuống đất, các bánh thánh rớt tung tóe dưới đất. Vào thời buổi bị bách hại, linh mục biết chính xác con số bánh thánh của mình trong Chén thánh: 32 bánh thánh.

Mỗi ngày, một giờ thánh

Khi các người cộng sản ra đi, có thể họ không thấy hoặc họ không chú ý đến một cô bé đang quỳ cầu nguyện ở dưới nhà thờ, em đã chứng kiến tất cả cảnh này. Buổi tối, em trở lại nhà thờ, thoát được sự canh phòng của người canh gác trước nhà xứ, em vào nhà thờ. Em quỳ chầu một giờ, một hành vi yêu thương để đền bù cho hành động hận thù. Em tiến gần bàn thờ, quỳ xuống và bò bốn chân để nhận Mình Thánh Chúa, vì thời đó giáo dân không dùng tay để nhận Mình Thánh Chúa mà Mình Thánh Chúa được linh mục đưa tận lưỡi.

Mỗi ngày em mỗi đến chầu giờ thánh và rước Chúa Giêsu trong Thánh Thể bằng lưỡi. Một ngày nọ, chỉ còn một bánh thôi và em rước như thường lệ nhưng vô tình em đã gây tiếng động và người canh gác biết được, ông này chạy đến sau lưng em và dùng báng súng đánh em cho đến chết. Từ cửa sổ phòng mình, mà cũng là phòng giam của mình, linh mục bàng hoàng chứng kiến cảnh tử đạo này.

Lời hứa của Tổng giám mục Sheen…

Khi tổng giám mục Sheen nghe câu chuyện này, ngài quá xúc động và ngài hứa với Chúa, mỗi ngày cho đến chết, ngài sẽ để ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa: một lời hứa ngài giữ trong vòng 60 năm tu hành. Ngài mất ngày 9 tháng 12 năm 1979, và chính trước Nhà Tạm của nhà nguyện riêng của mình mà người ta tìm thấy thi thể của ngài. Nếu em bé gái tử đạo người Trung Quốc làm chứng bằng chính đời sống của mình cho sự hiện diện đích thực và cao đẹp của Thánh Thể thì một vị giám mục như mình cũng phải làm được như vậy. Từ đó, ước muốn duy nhất của ngài là đưa giáo dân về với Thánh Tâm bừng nóng của Chúa Giêsu trong Thánh Thể.

Em bé này đã nêu gương cho giám mục lòng can đảm và sốt sắng chân thực mà giáo dân phải có đối với Thánh Thể: đức tin đã có thể lấn lướt tất cả mọi nỗi sợ như thế nào và tình yêu chân thật với Chúa Giêsu trong Thánh Thể đã thăng hoa đời sống của mình như thế nào.

Câu chuyện này được giáo sư Felipe Aquino kể trên đài truyền hình Cançao Nova vào ngày lễ Lễ Mình Thánh Chúa.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 17.06.2015/
aleteia.org, Giáo sư Felipe Aquino, 2015-06-16)

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

ĐTC KHUYÊN CÁC BẬC CHA MẸ CẤT MÁY VI TÍNH KHỎI PHÒNG NGỦ CỦA CON CÁI

ĐTC KHUYÊN CÁC BẬC CHA MẸ CẤT MÁY VI TÍNH KHỎI PHÒNG NGỦ CỦA CON CÁI

Trên chuyến bay trở về từ chuyến tông du Sarajevo hôm thứ Bảy 6/6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các bậc cha mẹ đừng để máy vi tính trong phòng ngủ của con cái mình, để bảo vệ chúng khỏi “sự bẩn thỉu” của phim ảnh khiêu dâm và để giúp chúng khỏi bị gắn bó với các vật dụng của chúng.

Ngài nói với các phóng viên rằng việc quá gắn bó với máy vi tính sẽ “làm hại” bản thân và lấy đi sự tự do của mình.

“Nó làm cho bạn trở thành nô lệ cho máy vi tính”. “Thật kỳ quặc, trong nhiều gia đình, các bậc cha mẹ nói với tôi: chúng con cùng bàn ăn với con cái, và chúng lại ở trong một thế giới khác với điện thoại di động của chúng”.

Đức Thánh Cha nói thêm: việc quá gắn bó với công nghệ kỹ thuật “cất chúng ta khỏi cuộc sống đời thường, đời sống gia đình, đời sống xã hội, và ngay cả thể thao, nghệ thuật”. “Đây là một căn bệnh tâm lý, chắc chắn thế!”.

Đức Thánh Cha nói rằng “sự bẩn thỉu/tục tỉu” gây ô nhiễm tâm trí con cái ngày nay, và cướp đi khỏi chúng sự ngây thơ, lui tới với những phim ảnh khiêu dâm, với những chương trình rỗng tuếch và không có giá trị gì: chẳng hạn, những chương trình có tính duy tương đối chủ nghĩa, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa tiêu thụ và những thứ xúi giục như thế”.

Ngài cũng gọi chủ nghĩa tiêu thụ và chủ thuyết tương đối là “những bệnh ung thư của xã hội”, và nói rằng ngài sẽ tiếp tục nói điều này trong thông điệp sắp đến của ngài về môi trường. Thông điệp sắp đến có tựa đề “Laudato sii” (Ca tụng Chúa đi), theo câu mở đầu của “Bài Thánh ca của  các thọ tạo” của thánh Phanxicô Assidi, sẽ được công bố vào ngày 18/6/2015.

(Tý Linh, xuanbichvietnam.net 08.06.2015/ Aleteia.org)

CÂU CHUYỆN CHIỀU THỨ BẢY: SINH LY TỬ BIỆT- ĐAU LẮM NGƯỜI ƠI!

CÂU CHUYỆN CHIỀU THỨ BẢY: SINH LY TỬ BIỆT- ĐAU LẮM NGƯỜI ƠI!
 (Đôi dòng tản mạn từ câu chuyện “Vật mang hơi ấm”, trích “Ngọt như canh phụ tử” của Lm Giuse Bùi Thanh Minh)

 Tình cờ đọc được câu chuyện “Vật mang hơi ấm”, lòng cảm thấy bồi hồi rưng rưng cùng bao cảm xúc khó tả. Có lẽ câu chuyện đem đến cho tôi một sự đồng cảm vì nhiều lẽ. Trước hết là vì tôi cũng là một người mẹ nên tôi thấu hiểu tình yêu của cha mẹ dành cho con cái lớn lao đến mức nào. Vì thế tôi cũng đồng cảm với nỗi đau của bậc cha mẹ vì hoàn cảnh nào đó mà đành mất đi núm ruột của mình. Bên cạnh đó, câu chuyện cũng gợi cho tôi nhớ lại nỗi đau của bà và mẹ tôi , hai người phụ nữ kính yêu trong đời tôi cũng đã trải qua nỗi đau mất mát này với những câu chuyện khắc sâu vào kí ức tuổi thơ.

Chuyện “Vật mang hơi ấm” kể về đứa em út bị tai nạn giao thông, ra đi khi tuổi đời còn rất nhỏ- mới những ngày đầu vào lớp 1. Câu chuyện ngắn chỉ vỏn vẹn hai trang giấy nhưng chứa đựng một tình cảm yêu thương dạt dào và một nỗi đau lớn: nỗi đau sinh ly tử biệt. Dẫu câu chuyện đã trôi qua 18 năm nhưng với những gì là thương yêu nhất thì thời gian không thể nào xóa nhòa được. Câu chuyện đánh thức ở người đọc một niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau mất mát chia ly, nỗi đau không thể tránh khỏi trong cuộc đời con người. Bởi ai trong cuộc đời cũng sinh ra và tồn tại theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử, ai rồi cũng đến lúc già yếu và chết đi. Tuy nhiên, nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội khi nó đến bất ngờ hoặc đi ngược lại quy luật thông thường. Đó là khi người không nghĩ sẽ ra đi lại ra đi, hay kẻ đầu bạc phải tiễn kẻ tóc xanh, cha mẹ phải chứng kiến đứa con thương yêu của mình vì những bất trắc, tai nạn hay bệnh hoạn…mà phải ra đi trước.

Câu chuyện làm tôi nhớ đến bà tôi, một người bà cũng ôm mang nỗi đau mất con suốt cả cuộc đời. Chuyện vào một ngày mưa gió, có một người lính từ chiến trường xa mang theo gói di vật của người đồng đội không may nằm lại đất người.. Người lính ấy ghé nhà ngoại báo hung tin về đứa con trai thứ sáu của ngoại và trao lại gói di vật là mấy chiếc áo cũ và một cây sáo trúc. Người lính ấy là bạn của cậu tôi. Từ đấy, cứ vào những chiều mưa, ngoại lại âm thầm lôi mấy chiếc áo cũ và cây sáo trúc ra chiếc võng ở góc nhà và sì sụt cho đến khi nào mưa tạnh mới thôi. Chẳng biết bao chiều mưa và bao mùa mưa đi qua cho đến ngày ngoại tôi mất, chỉ biết hình ảnh quen thuộc nơi chiếc võng góc nhà với gói đồ cũ trong tay đã in đậm vào kí ức tôi cho đến tận bây giờ.

Câu chuyện cũng làm tôi nhớ đến mẹ cùng sự ra đi đột ngột của anh tôi. Mẹ tôi sinh con gái đầu lòng rồi sau đó đến anh. Anh là đứa con trai mong đợi của ba mẹ tôi. Niềm hạnh phúc tròn đầy vì có đủ nếp đủ tẻ của mẹ vơi dần khi anh tôi cứ đau ốm liên miên vì căn bệnh viêm phổi. Con nít đau bệnh là chuyện thường thế nhưng với anh tôi thì căn bệnh tiến triển khá nặng và thường xuyên phải nằm bệnh viện khi trái gió trở trời. Rồi ngày qua ngày, anh cũng sống chung với bệnh tật thuốc thang cho đến bốn tuổi. Cơ thể tuy ốm yếu nhưng anh rất khôn và rất ngoan. Ngày đó ba tôi vẫn thường đi làm đến quá trưa mới về. Cơm nước mẹ nấu sẵn ở nhà ăn trước chừa phần cho ba. Ấy vậy mà mỗi lần chị hai vào lấy cơm ăn là anh nhỏ tôi lại lẽo đẽo theo sau bảo chị: “Ăn nhớ chừa cho ba nữa đó nghe”. Câu nói ấy khắc sâu vào kí ức chị và mẹ khi anh tôi mãi ra đi không về nữa. Vào một ngày trở bệnh, anh được đưa vào bệnh viện như mọi khi và vĩnh viễn ra đi chỉ vì thuốc tiêm quá liều của một cô y tá thực tập. Trước đó, dọc đường vào bệnh viện, anh tôi còn đòi mua cây súng nước và ôm khư khư trong mình cho đến khi thân hình tím tái lịm đi vì sốc thuốc. Không giống ngoại và chắc không can đảm như ngoại, từ ngày anh mất, mẹ tôi chẳng bao giờ dám nhìn đến bất cứ một thứ vật dụng gì của anh. Đồ đạc của anh và cả cây súng nước mẹ tôi gói cất vào một góc tủ để không phải nhìn thấy nữa. Nhưng tôi biết mẹ vẫn nghẹn lòng và giấu nước mắt mỗi khi nghe đứa nào nói “ăn nhớ chừa cho ba nữa nghe”.

Từ câu chuyện “Vật mang hơi ấm” đến câu chuyện của bà và mẹ tôi, tôi hiểu rằng nỗi đau mất đi người mình yêu thương là nỗi đau không gì bù đắp nổi. Nó để lại những vết thương khó lành trong lòng người ở lại, đặc biệt là những bậc làm cha mẹ. Vì thế, không ai muốn đối mặt hay gây ra nỗi đau ấy cho người mình yêu thương. Ấy vậy mà trong cuộc sống hôm nay, nhiều người trẻ lại không biết quý trọng bản thân mình, gây ra nỗi đau sinh ly tử biệt cho chính gia đình mình và những người thân yêu. Ở đây tôi muốn nói đến những trường hợp tự hủy hoại bản thân, tước đi sinh mạng của mình chỉ vì một phút giận hờn, thất tình hay bế tắc trong cuộc sống. Đáng tiếc thay, trường hợp tự tử không chỉ dừng lại ở những thanh thiếu niên mới lớn mà còn xảy ra cả ở những người từng trải, đã lập gia đình và có địạ vị xã hội. Cách đây hơn một năm, một vụ tự tử từng gây xôn xao dư luận ở trường đại học. Một cô giáo trẻ mới lập gia đình chưa đầy năm đã treo cổ tự vẫn trong căn nhà sau khu tập thể của trường. Một giảng viên đại học với tuổi đời ngoài 30, lại từng đi du học nước ngoài thì chắc chắn không thể gọi là bồng bột hay thiếu kinh nghiệm sống được. Tuy nhiên thói thường, khi người ta quẩn trí, người ta chỉ nghĩ đến lý do để chết chứ không nghĩ đến lý do để bám víu cuộc đời. Thôi thì người chết là hết chuyện nhưng người sống sẽ là những người gánh chịu nỗi đau mất mát dai dẳng. Nhất là cha mẹ cô, người đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu kì vọng để cô có được vị trí xã hội như hôm nay.

Dẫu biết rằng trong cuộc sống, con người phải gánh chịu nhiều nỗi đau và nỗi đau sinh ly tử biệt là một trong những nỗi đau lớn mà mỗi người trong đời ít nhiều hay sớm muộn đều phải đối mặt. Tuy nhiên, bản thân mỗi người chúng ta vẫn có thể hạn chế gây ra nỗi đau cho bản thân và gia đình bằng cách sống có trách nhiệm hơn, biết trân trọng bản thân và những người mình yêu thương. Đối với tôi, bài học khi tôi cô đơn và thất vọng là nghĩ đến ba mẹ và những người thân yêu. Tôi luôn nghĩ dù cho cả thế giới có quay lưng lại với mình thì gia đình vẫn sẽ là nơi luôn chờ đón, bảo bọc và chở che mình trước mọi sóng gió của cuộc đời. Thật vậy, gia đình không chỉ là chỗ dựa mà còn là động lực để tôi phấn đấu vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Lời nhắn nhủ với các bạn trẻ hôm nay, hãy trân trọng bản thân và sống có ích. Khi bế tắc hay tuyệt vọng đừng nghĩ đến những chuyện dại dột mà hãy nghĩ đến cha mẹ và những người yêu thương mình để vượt qua tất cả. Bởi cha mẹ cho ta hình hài, cho ta đến trong cuộc đời bằng tình yêu thương vô bờ bến. ta tuyệt đối không được làm tổn hại bản thân gây ra nỗi đau cho cha mẹ dù bất cứ lý do nào.
                BXM- LONG XUYÊN

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin - OSS_ROM
11/06/2015 13:38
 VATICAN. Chiều ngày 10-6-2015, ĐTC đã tiếp kiến Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin, và đặc biệt thảo luận trong 50 phút về vấn đề Ucraina và Trung Đông.
 Trong cùng thời gian đó, ngoại trưởng Nga Ông Lavrov đã gặp gỡ và trao đổi với ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức TGM Paul Gallagher.
 Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: về vấn đề Ucraina, ĐTC đã lập lại với Tổng thống Putin lập trường ngài đặc biệt quan tâm, đó là cần dấn thân trong nỗ lực chân thành và mạnh mẽ để kiến tạo hòa bình, và hai bên đều đồng ý tầm quan trọng của việc tái tạo một bầu không khí đối thoại, và tất cả các phe liên hệ quyết tâm thực hiện hiệp định đã ký kết ở Minsk, thủ đô cộng hòa Bạch Nga. Ngoài ra cũng cần dấn thân đương đầu với tình trạng trầm trọng về nhân đạo, đảm bảo cho các nhân viên cứu trợ đến giúp đỡ dân chúng, và cần có sự đóng góp của mọi phe liên hệ để tiến tới một tình trạng dần dần hòa dịu trong vùng này”.
 Về các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, trên lãnh thổ của Siria và Irak, hai bên đồng ý về sự cấp thiết phải theo đuổi hòa bình với sự cộng tác của cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo đảm những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của mọi thành phần xã hội, kể cả các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các tín hữu Kitô”.
 Sau cuộc thảo luận, đến phần trao đổi quà tặng: Tổng thống Nga đã tặng ĐTC một bức tranh thêu diễn tả thánh đường Chúa Cứu Thế nổi tiếng ở thủ đô Mascơva, và ĐTC tặng tổng thống Putin mề đai lớn của nghệ sĩ Guido Veroi diễn tả thiên thần hòa bình và mời gọi kiến tạo một thế giới liên đới và hòa bình dựa trên công lý, cùng với một bản Tông huấn của ngài về ”Niềm Vui Phúc Âm” (SD 10-6-2015)
 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tái tố giác sự phung phí lương thực

Đức Thánh Cha tái tố giác sự phung phí lương thực

Đức Thánh Cha tái tố giác sự phung phí lương thực - OSS_ROM
11/06/2015 13:33
VATICAN. ĐTC Phanxicô tái tố giác sự phung phí lương thực và nạn đầu cơ làm cho giá cả lương thực trồi sụt thất thường để thủ lợi.
 Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 11-6-2015, dành cho 450 tham dự viên khóa họp lần thứ 39 của Tổ chức Lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, ở Roma.
 ĐTC nói: ”Những con số thống kê về sự phung phí lương thực gây lo âu rất nhiều. 1 phần 3 số lương thực sản xuất bị phí phạm. Ngoài ra một số lượng lớn nông phẩm được dùng vào những mục tiêu khác, tuy có thể đó là những mục tiêu tốt, nhưng chúng không phải là nhu cầu trước mắt của những người đói”.
 Trước tình trạng đó ĐTC kêu gọi giảm bớt sự phí phạm lương thực và suy tư về việc sử dụng nông phẩm, phần lớn được dùng để nuôi súc vật hoặc chế tạo nhiên liệu thực vật. ”Dĩ nhiên cần bảo đảm những điều kiện môi sinh ngày càng lành mạnh, nhưng phải chăng chúng ta có thể tiếp tục làm điều ấy mà loại trừ người khác.”
 ĐTC ghi nhận sự kiện ”từ năm 2008 đến nay, giá lương thực tăng gấp đôi, có khi giá dừng lại, nhưng rồi vẫn cao hơn so với trước đây. Giá lương thực trồi sụt như thế cản ngăn những người nghèo nhất đề ra các chương trình hoặc cậy dựa vào một sự dinh dưỡng tối thiểu.
Trong số nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này cũng có sự đầu cơ tài chánh, giá ngũ cốc được xác định theo lợi nhuận có thể mang lại khiến cho công việc của nhà nông ở trong tình trạng không chắc chắn, lo âu vì những điều kiện thời tiến, lo lắng vì sự tàn phá mùa màng có thể xảy ra”.
 ĐTC cổ võ các nước nghiêm túc thực thi các quyết định của hội nghị quốc tế hồi tháng 11 năm 2014 ở Roma về dinh dưỡng và ngài cũng cổ võ việc giáo dục con người về việc sử dụng lương thực đúng đắn. Ngài cho biết đó cũng là điều ngài cổ võ khi gặp gỡ các GM, các nhà chính trị, các vị lãnh đạo kinh tế và học giả trên thế giới (SD 11-6-2015)
 G. Trần Đức Anh OP

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

70.000 tín hữu dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Sarajevo

70.000 tín hữu dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Sarajevo


70 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Sarajevo - OSS_ROM

06/06/2015

 SARAJEVO. 70 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại thủ đô Sarajevo của Bosni Erzegovine sáng ngày 6-6-2015.
 Thánh lễ này là sinh hoạt thứ 2 của ngài trong cuộc viếng thăm từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối thứ bẩy, 6-6-2015 tại Cộng hòa Bosni Erzegovine.
 Sân vận động Kosevo, nơi ĐTC cử hành thánh lễ là nơi đã diễn ra thế vận hội Olimpic mùa đông năm 1984. ĐTC Gioan Phaolô 2 đã từng dâng thánh lễ tại đây trong cuộc viếng thăm của ngài hồi tháng 4 năm 1997.
 Khi từ Phủ Tổng thống Bosni đến nơi, ĐTC đã dành 20 phút tiến qua các lối đi ở thao trường để chào thăm 70 ngàn tín hữu chờ đợi tại đây. Họ đến từ các nơi ở Bosni Erzegovine nhưng còn từ các nước láng giềng, và cả những nước xa xăm như Trung Quốc và Ucraina.
 Chủ đề được chọn cho thánh lễ là ”Bình an cho các con!”. Đồng tế với ĐTC có khoảng 30 GM, đứng đầu là ĐHY Puljic TGM sở tại, ĐHY Josip Bozanic, TGM giáo phận Zagreb, các GM đến từ Cộng hòa Croát, Macedonia, Serbia, ngoài ra có hơn 1 ngàn LM đồng tế. Phần thánh ca do một ca đoàn 1.700 ca viên đảm trách.
 Vì đa số tín hữu hiện diện là người Croát nên thánh lễ được cử hành bằng tiếng này, nhưng ĐTC đọc các lời nguyện bằng tiếng la tinh.
 Bài giảng của ĐTC
 Bài giảng của ngài bằng tiếng Ý xen lẫn các đoạn dịch bằng tiếng Croát. Ngài khẳng định rằng hòa bình là một dự phóng của Thiên Chúa cho nhân loại, nhưng dự phóng này luôn gặp sự chống đối từ phía con người và ma quỉ. Cả ngày nay, khát vọng hòa bình và sự dấn thân xây dựng hòa bình đụng độ với sự kiện trên thế giới có nhiều cuộc xung đột võ trang đang diễn ra. Đó là một thứ thế chiến thứ 3 diễn ra từng mảnh, và trong bối cảnh thông tin hoàn vũ, người ta nhận thấy có bầu không khí chiến tranh. ĐTC tố giác rằng:
 ”Có những người muốn tạo ra bầu không khí chiến tranh ấy và cố tình nuôi dưỡng nó, đặc biệt những kẻ tìm kiếm sự đụng độ giữa các nền văn hóa và văn minh, và có cả những kẻ đầu cơ chiến tranh để bán võ khí. Nhưng chiến tranh có nghĩa là trẻ em, phụ nữ và người già ở trong các trại tị nạn; có nghĩa là bó buộc phải di tản; có nghĩa là nhà cửa, đường xá, công xưởng bị tàn phá; nhất là chiến tranh có nghĩa là bao nhiêu sinh mạng bị tàn hại. Anh chị em biết rõ điều đó, vì anh chị em đã cảm nghiệm nó tại đây: bao nhiêu đau khổ, tàn phá, đau nhiêu đau thương! Anh chị em thân mến, ngày nay một lần nữa từ thành phố này, tiếng kêu của dân Chúa và mọi người nam nữ thiện chí được gióng lên: không bao giờ chiến tranh nữa!
 ĐTC nhận xét rằng ”giữa bầu không khí chiến tranh ấy, có một tia sáng mặt trời chiếu qua các đám mây, vang vọng lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm: ”Phúc cho những người xây dựng hòa bình” (Mt 5.9). Đó là lời kêu gọi rất thời sự, có giá trị đối với mọi thế hệ. Chúa không nói: ”Phúc cho những người rao giảng hòa bình”: tất cả đều có khả năng công bố hòa bình, kể cả theo cách thức giả hình hoặc dối trá. Nhưng Chúa nói: ”Phúc cho những người xây dựng hòa bình”, nghĩa là những người thực thi hòa bình. Kiến tạo hòa bình là một công việc thủ công, nó đòi phải có sự say mê, kiên nhẫn, kinh nghiệm, kiên trì. Phúc cho những người gieo vãi hòa bình bằng những hành động thường nhật, bằng những thái độ và cử chỉ phục vụ, huynh đệ, đối thoại, từ bi.. Những người ấy sẽ được gọi là con Thiên Chúa, vì Thiên Chúa gieo vãi hòa bình, luôn luôn và ở mọi nơi; khi thời gian viên mãn, Ngài đã gieo Con của Ngài trong trần thế, để chúng ta được an bình! Kiến tạo hòa bình là một công việc cần phải thực hiện mỗi ngày, từng bước một, không bao giờ mệt mỏi”.
 ĐTC đặt câu hỏi: ”Nhưng làm thế nào để kiến tạo hòa bình? Ngôn sứ Isaia đã nhắc nhở chúng ta một cách ngắn gọn: ”Thực thi công lý sẽ mang lại hòa bình” (32,17). ”Opus justitiae pax”, theo bản Kinh Thánh Phổ Thông (Vulgata), trở thành khẩu hiệu thời danh đã được ĐGH Piô 12 đón nhận. Hòa bình là công trình của công lý. Ở đây cũng vậy, đó không phải là thứ công lý được công bố, lý thuyết hóa, kế hoạch hóa.. nhưng là thứ công lý thực hành, được sống thực. Và Tân Ước dạy chúng ta rằng sự thực thi trọn vẹn công lý chính là yêu tha nhân như chính mình. (Mt 22,39; Rm 13,9).
 ĐTC nói thêm rằng: ”Khi chúng ta theo giới răn này, với ơn Chúa, thì bao nhiêu điều sẽ thay đổi! Vì chúng ta thay đổi chính mình! Những người, những dân tộc mà trước đây tôi coi như kẻ thù, trong thực tế họ có cùng khuôn mặt của tôi, cùng trái tim, cùng linh hồn như tôi. Chúng ta có cùng Cha trên trời. Khi ấy công lý đích thực chính là làm cho người ấy, cho dân tộc ấy, điều mà tôi muốn được làm cho tôi, cho dân tộc tôi (Xc Mt 7,12).
 ”Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai chúng ta vừa nghe, đã chỉ cho chúng ta những thái độ cần thiết để thực thi hòa bình. Thánh nhân viết: ”Anh chị em hãy mặc lấy những tâm tình dịu dàng, nhân lành, khiêm tốn, hiền từ, đại đảm, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau, nếu ai có điều than phiền về người khác. Như Chúa đã tha thứ cho anh chị em, anh chị em cũng hãy làm như vậy” (3,12-13).
 Sau thánh lễ, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa với 6 GM của 4 giáo phận tại Bosni và các vị thuộc đoàn tùy tùng.
 Ban chiều ngài gặp các LM, tu sĩ, chủng sinh ở Nhà thờ chính tòa Sarajevo, rồi gặp các vị lãnh đạo tôn giáo tại Học viện quốc tế của dòng Phanxicô cách Nhà thờ chính tòa Sarajevo, sau cùng cuộc gặp gỡ giới trẻ Bosni tại Trung tâm giới trẻ ”Gioan Phaolô 2” của giáo phận vào lúc 6 giờ rưỡi chiều. Sau đó, ĐTC ra phi trường để đáp máy bay trở về Roma.
 G. Trần Đức Anh OP
 

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

NHỮNG HIỆN TƯỢNG SIÊU TỰ NHIÊN TRONG LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO ĐTGM OSCAR ROMERO

NHỮNG HIỆN TƯỢNG SIÊU TỰ NHIÊN TRONG LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO ĐTGM OSCAR ROMERO
 
 
Khi thánh tích Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero, là chiếc áo sơ mi vấy máu mà ngài mặc khi bị bắn chết được rước lên, và cộng đoàn bắt đầu hát kinh Vinh Danh, bầu trời xám xịt trong một tuần đầy mưa bão đột nhiên như mở ra và mặt trời ló dạng với một vầng hào quang, mà từ chuyên môn gọi là “solar halo”, một hiện tượng rất hiếm khi xảy ra.
 
Cha Manuel Dorantes, linh mục thuộc tổng giáo phận Chicagao Hoa Kỳ, phụ tá tiếng Tây Ban Nha cho Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho thông tấn xã Công Giáo CNA biết như trên hôm 29 tháng Năm. Ngài xác tín rằng hiện tượng siêu tự nhiên này cho thấy việc phong thánh cho Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero “rất đẹp lòng Đức Chúa Trời”.
Quý vị và anh chị em có thể thấy hiện tượng này được ghi lại trong video Vietcatholic đã phát trong tuần qua Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/05 – 27/05/2015: Chân Phước Tổng Giám Mục Oscar Romero, url: http://www.vietcatholic.net/News/Html/137744.htm (hoặc video phía bên phải trang web này).
Cha Manuel nói: “Thật tình mà nói, đây là hiện tượng siêu tự nhiên đầu tiên tôi chứng kiến trong đời mình”. 
Một vòng tròn hào quang tuyệt hảo hình thành phía trên mặt trời
Ngài thuật lại rằng sau khi Đức Hồng Y Angelo Amato Tổng trưởng Bộ Phong Thánh tuyên đọc sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận Đức Tổng Giám Mục là vị tử đạo vì đức tin và tuyên phong Chân Phước cho ngài; sắc lệnh này được đọc lại một lần nữa bằng tiếng Tây Ban Nha trước khi cộng đoàn bắt đầu hát Kinh Vinh Danh và thánh tích của Đức Cha Romero được rước lên cho Đức Hồng Y tôn kính. Lúc ấy, “một hiện tượng rất kỳ lạ đã xảy ra”. 
Cha Manuel cho biết tiếp: “Khi thánh tích được rước ra, và chúng tôi đang hát Kinh Vinh Danh, thì bất ngờ, trời như mở ra trên chúng tôi, mặt trời ló dạng. Một vòng tròn hào quang tuyệt hảo hình thành phía trên mặt trời”.
“Ngay khi tôi nói với anh đây, tôi vẫn còn thấy lạnh tóc gáy”. Ngài cho biết, mọi người không ai bảo ai đều nhìn lên.
“Có những linh mục bắt đầu khóc. Tôi cũng khóc, nhiều linh mục khóc. Các Giám Mục đứng trong khán đài có mái che không thấy nên bước hẳn ra ngoài để nhìn cho rõ chuyện gì đã xảy ra.” 
Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero sinh ngày 15/08/1917 trong một gia đình có 8 người con. Ngài được thụ phong linh mục tại Rôma vào ngày 04/04/1942. 
Sau khi thụ phong linh mục cha Romero tiếp tục ở lại Roma để theo học chương trình tiến sĩ thần học. Nhưng vì cuộc nội chiến tại El Salvador và Giáo Hội tại nước này thiếu linh mục, ngài được gọi về nước.
Và trong hơn 20 năm sau đó, ngài làm cha xứ và thư ký cho Tòa giám mục San Miguel. Năm 1970, cha Oscar Romero được tấn phong giám mục và làm phụ tá cho Đức Cha Chavéz, Tổng Giám Mục San Salvador và ngày 23/02/1977, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của San Salvador.
Ngày 12/03/1977, một linh mục dòng Tên, là cha Rutilio Grande – một trong những linh mục đầu tiên được ngài truyền chức và là một người can đảm đấu tranh cho những người nghèo – bị sát hại.
Chứng kiến cảnh một linh mục can đảm đấu tranh cho người nghèo bị giết hại như vậy, Ðức cha Romero đã phản ứng rất mạnh. Ngài đã ra lệnh đóng cửa trường học do Giáo Hội điều hành trong ba ngày và đình hoãn mọi thánh lễ trên toàn quốc trong tuần lễ kế tiếp, ngoại trừ một thánh lễ đặc biệt tại nhà thờ chính tòa San Salvador.
Trong bài giảng tại thánh lễ đặc biệt đó cũng như trong các thánh lễ các Chúa Nhật tiếp theo, ngài đã lên tiếng tố cáo những tội ác, bất công do giới cầm quyền gây nên.
Để phản đối việc chính phủ liên quan đến hay thinh lặng trước các vụ bắt bớ, giết hại, ngài đã không tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống của nước này. Ngài tuyên bố: “Giáo Hội không được đo lường bằng sự hỗ trợ của chính phủ mà bằng chính tính trung thực, tinh thần cầu nguyện theo tinh thần Tin Mừng, lòng tin tưởng, sự chân thành và công lý, nhất là khi Giáo Hội chống lại các lạm dụng”. 
Một cử chỉ khác được coi là mạnh dạn là việc ngài quyết định cho mở cửa chủng viện tại trung tâm thủ đô San Salvador và ngày thứ hai Phục Sinh năm 1978 để đón tiếp bất cứ nạn nhân nào của các vụ bạo động. Hàng trăm người vô gia cư, đói rách và bị hành hung đã đến chủng viện.
Và một quyết định nữa nói lên việc ngài toàn tâm toàn lực đấu tranh cho công lý, cho người nghèo là việc ngài cho ngưng xây cất nhà thờ Chính tòa San Salvador. Ngài nói: “Khi nào chiến tranh chấm dứt, những người đói khổ được ăn uống đầy đủ và trẻ con được giáo dục, lúc đó chúng ta sẽ tiếp tục xây cất nhà thờ chính tòa”.
Chính vì sự cương quyết và can đảm đó, ngài đã trở thành cái gai trong mắt những người có quyền, có thế lực tại El Salvador. Ngài luôn bị đe dọa, luôn phải đối diện với nguy hiểm. Biết vậy, ngài vẫn không im lặng, hay tìm một nơi khác an toàn. Chiều ngày 24/3/1980, Đức Cha Romero cử hành Thánh lễ cầu hồn cho thân mẫu của một người bạn tại nguyện đường của một bệnh viện ở thủ đô San Salvador. Ngài bị bắn chết ngay sau bài giảng nẩy lửa của mình.
Án phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Romero đã vấp phải những quan ngại cho rằng ngài đã bị giết vì tham gia chính trị, chứ không phải vì đức tin của mình. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã khai thông mọi bế tắc trong tiến trình phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám Mục Romero. Ngài nói rằng Đức Tổng Giám Mục Romero “đáng được phong Chân Phước, tôi không bao giờ hồ nghi về điều đó”.
 
Đặng Tự Do