label

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Về nhà cha (Bà Võ Thị Lài)

CÁO PHÓ 1

Một người con của giáo xứ 
Bà MARTHA VÕ THỊ LÀI, sinh năm 1934. Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
vừa được Chúa gọi về lúc 03 giờ 15 ngày 27/02/2017
HƯỞNG THỌ 83 TUỔI 
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 11 giờ ngày 27-02-2017


Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ Cần Xây vào 

lúc 08 giờ30 ngày 01-03-2017,

 sau đó hỏa táng tại Mỹ Hòa và đưa về Tàng cốt đường
 Giáo Xứ Cần Xây.

Trong tinh thần hiệp thông xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn Bà Martha sớm về với Chúa

THÔNG BÁO TUYỂN SINH VÀO CHƯƠNG TRÌNH CỬ NHÂN THẦN HỌC (S.T.B.) VÀ CAO HỌC THẦN HỌC (S.T.L.) 2017–2018

HỌC VIỆN CÔNG GIÁO VIỆT NAM
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Email: hocvienconggiao@gmail.com - Tel.: 093 890 5015 - 096 725 7483
THÔNG BÁO TUYỂN SINH
VÀO CHƯƠNG TRÌNH CỬ NHÂN THẦN HỌC (S.T.B.) VÀ
CAO HỌC THẦN HỌC (S.T.L.)
2017–2018
Để chuẩn bị cho năm học 2017–2018, Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) sẽ mở cuộc thi tuyển sinh viên cho hai lớp:
– Năm I “Chương trình Cử Nhân Thần Học” (S.T.B.). Chương trình Cử Nhân Thần Học kéo dài năm năm, gồm hai năm triết học và ba năm thần học.
– Năm Chuẩn Bị “Chương trình Cao Học Thần Học” (S.T.L.). Chương trình Cao Học Thần Học có chuyên ngành thần học tín lý và thần học Thánh kinh, kéo dài hai năm, không kể Năm Chuẩn Bị.
Mọi thành phần Dân Chúa (linh mục, tu sĩ, giáo dân) đều có thể ghi danh tham dự cuộc thi tuyển.
1. Điều kiện ghi danh
a) Năm I “Chương trình Cử Nhân Thần Học”: Ứng sinh phải có Văn bằng Tú Tài (tốt nghiệp Chương trình Trung Học Phổ Thông, hoặc tương đương), Văn bằng Cử Nhân Đại Học (hoặc một văn bằng tương đương, được đấng bề trên bản quyền chứng thực).
b) Năm Chuẩn Bị “Chương trình Cao Học Thần Học”: Ứng sinh phải có Văn bằng Cử Nhân Thần Học (hoặc đã học hết Chương trình Triết Học và Thần Học tại một đại chủng viện hay học viện có chương trình tương đương).
2. Hồ sơ ghi danh
a) Giấy giới thiệu của đức giám mục giáo phận (linh mục, chủng sinh giáo phận, giáo dân) hay của vị bề trên dòng (tu sĩ), xác nhận đời sống nhân bản và Đức Tin xứng hợp theo ơn gọi và bậc sống. Nếu là hồ sơ của ứng sinh Năm Chuẩn Bị “Chương trình Cao Học Thần Học”, giấy giới thiệu cần cho biết chuyên ngành thần học ứng sinh sẽ theo học.
b) Thông tin cá nhân
– Ngày, tháng, năm sinh
– Nơi sinh
– Thuộc giáo phận hay dòng tu, giáo xứ
– Giấy chứng nhận Rửa Tội, Thêm Sức, Linh Mục, Tu Sĩ...
– Địa chỉ cư trú, địa chỉ liên lạc, địa chỉ điện thư (e-mail), số điện thoại.
c) Ứng sinh Năm I “Chương trình Cử Nhân Thần Học”: Văn bằng Tú Tài (tốt nghiệp Chương trình Trung Học Phổ Thông, hoặc tương đương), Văn bằng Cử Nhân Đại Học (hoặc một văn bằng tương đương, được đấng bề trên bản quyền chứng thực);
d) Ứng sinh Năm Chuẩn Bị “Chương trình Cao Học Thần Học”: Bảng điểm các môn học của chương trình học tại đại chủng viện hay học viện thần học. Văn bằng Cử Nhân Thần Học (S.T.B.), nếu có.
Toàn bộ hồ sơ có thể:
– Nộp tại văn phòng HVCGVN (lầu 5, số 72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) từ Thứ Hai đến Thứ Sáu trong tuần lúc 7g30 - 10g.
– Hoặc gửi dưới dạng pdf qua địa chỉ điện thư của học viện: hocvienconggiao@gmail.com. Bản gốc các văn bằng, giấy chứng nhận sẽ trình Văn phòng Học Viện khi nhập học.
3. Thời gian nhận hồ sơ ghi danh
Từ ngày ra Thông báo (25-02-2017) đến hết ngày 12-5-2017. Sau khi xét duyệt hồ sơ, học viện sẽ gửi thư tới các ứng sinh đã ghi danh, cho biết có đủ điều kiện hay không để tham gia kỳ thi tuyển. Đồng thời, học viện cũng cho biết thời giờ và nơi chốn của cuộc thi.
4. Ngày tổ chức cuộc thi
Thứ Tư – Thứ Năm (07 & 08-6-2017)
5. Nội dung bài thi
a) Năm I “Chương trình Cử Nhân Thần Học”
– Khả năng Việt văn
– Kiến thức căn bản về Đức tin Công Giáo
– Khả năng Anh ngữ – trình độ IELTS 3.0 (cần đạt điểm chuẩn IELTS 3.0 trước khi bắt đầu Chương trình Cử Nhân Thần Học).
b) Năm Chuẩn Bị “Chương trình Cao Học Thần Học”
– Kiến thức tổng quát các môn triết học và thần học
– Kiến thức chuyên ngành tín lý hay Thánh kinh (tùy theo chuyên ngành dự kiến sẽ học)
– Khả năng Anh ngữ IELTS 5.5 (cần đạt điểm chuẩn IELTS 5.5 trước khi bắt đầu Chương trình Cao Học Thần Học; HVCGVN sẽ tạo thêm điều kiện rèn luyện cho các ứng sinh chưa đạt mức độ Anh ngữ nói trên).
Học viện sẽ gửi đến các ứng sinh ghi danh những chỉ dẫn chi tiết hơn về việc chuẩn bị cho Kỳ thi Tuyển Sinh Năm Học 2017–2018.
Ngày 25 tháng 02 năm 2017
Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng
Tổng Thư ký HVCGVN

Học Viện Công Giáo Việt Nam

Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo

Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo

ĐTC Phanxicô chào tín hữu trong buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật 26-2-2017 - REUTERS
26/02/2017 14:29
Thiên Chúa là Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài: tín thác nơi Ngài không giải quyết các vấn đề một cách kỳ diệu, nhưng cho phép đương đầu với chúng với tâm tình đúng đắn và lòng can đảm.
 ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dư buổi đọc kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật 26—2-2017.
Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích ý nghĩa bài Phúc Âm, trong đó Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ đừng lo lắng cho của ăn, thức uống hay áo mặc, nhưng hãy biết tín thác nơi tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa và tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. Ngài nói:
Trang Tin Mừng hôm nay (x. Mt 6,24-34) là một lời nhắc nhở  mạnh mẽ tín thác nơi Thiên Chúa; xin đừng quên: tín thác nới Thiên Chúa. Ngài  là Đấng săn sóc các sinh vật trong thụ tạo. Ngài dự phòng thực phẩm cho mọi thú vật, và lo lắng cho bông huệ và cỏ của cánh đồng (cc.26-28); cái nhìn quảng đại và hiền phụ của Ngài canh thức mỗi ngày trên cuộc sống chúng ta. Cuộc sống qua đi dưới nỗi khổ tâm của biết bao âu lo, có nguy cơ lấy mất đi sự thanh thản và thế quân bình, nhưng nỗi âu lo này thường khi vô ích, vì nó không thay đổi được dòng chảy của các biến cố. Chúa Giêsu tha thiết khích lệ chúng ta đừng lo lắng cho ngày mai (cc.25.28.31), bằng cách nhắc cho chúng ta biết rằng trên tất cả có một người Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài: tín thác nơi Ngài không giải quyết các vấn đề một cách kỳ diệu, nhưng cho phép đương đầu với chúng với tâm tình đúng đắn, một cách can đảm. Và tôi can đảm, bởi vì tôi tín thác nơi Cha tôi là Đấng lo lắng cho tát cả và Ngài yêu thương tôi.
Thiên Chúa không phải là một bản vị xa vắng và vô danh: Ngài là nơi ẩn náu của chúng ta, là suối nguồn thanh thản của chúng ta, là sự bình an của chúng ta. Ngài là đá tảng cứu rỗi của chúng ta, mà chúng ta có thể bám lấy trong sự chắc chắn không rơi; ai bám chặt vào Thiên Chúa thì không bao giờ ngã! Ngài là sự bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ luôn rình rập. Đối với chúng ta Thiên Chúa là người bạn lớn, là đồng minh, là cha, nhưng chúng ta không luôn luôn ý thức được điều đó. Chúng ta không ý thức rằng chúng ta có một người bạn, một đồng minh, một người cha yêu thương chúng ta, và   chúng ta thích cậy dựa trên các thiện ích tức thì có thể sờ mó được, cậy dựa trên các của cải không cần thiết, mà quên đi và đôi khi từ chối, thiện ích tối cao, nghĩa là tình yêu hiền phụ của Thiên Chúa. Cảm thấy Ngài là Cha, trong thời đại mồ côi này thật là quan trọng! Trong thế giới mồ côi này, cảm thấy Ngài là Cha.
 Chúng ta xa rời tình yêu của Thiên  Chúa, khi chúng ta đi tìm kiếm một cách ám ảnh các của cải và giầu sang trần gian, và như vậy cho thấy một tình yêu thái quá đối với các thực tại này.
ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:
Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng  cái tìm kiếm vất vả này là ảo tưởng và là lý do của sự bất hạnh. Và Ngài ban cho các môn đệ một luật sống nền tảng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (c. 33). Đây là việc thực hiện chương trình Chúa Giêsu đã loan báo trong Diễn Văn trên Núi, tín thác nơi Thiên Chúa là Đấng không gây thất vọng; biết bao nhiêu người bạn hay biết bao nhiêu người mà chúng ta tin là bạn, đã làm chúng ta thất vọng. Thiên Chúa không bao giờ gây thất vọng! Phải  hoạt động như là các quản lý trung thành các của cải mà Ngài đã ban cho chúng ta, kể cả các của cải trần gian; nhưng không quá mức cần thiết, làm như thể cả sự cứu rỗi của chúng ta, chỉ tuỳ thuộc nơi chúng ta mà thôi. Thái độ tin mừng này đòi hỏi một sự lựa chọn rõ ràng, mà văn bản hôm nay chỉ cho chúng ta với sự chính xác: “Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của” (c. 24). Hoặc là Chúa, hoặc là các thần tượng  hấp dẫn nhưng là ảo tưởng. Sự lựa chọn này, mà chúng ta được mời gọi làm, ảnh hưởng trên biết bao cử chỉ, chương trình và dấn thân của chúng ta. Nó là một sự lựa chọn phải làm một cách rõ ràng và liên tục canh tân, bởi vì các cám dỗ giảm thiểu tất cả vào tiền bạc, thú vui và quyền bính theo đuổi chúng ta. Có biết bao cám dỗ đối với điều này.
Trong khi tôn vinh các thần tượng này đưa tới các kết quả có thể sờ mó được, nhưng cũng mau qua, thì lựa chọn cho Thiên Chúa và Nước của Ngài không luôn luôn cho thấy các kết quả một cách tức khắc. Nó là một quyết định, mà ta lấy trong niềm hy vọng và để cho Thiên Chúa thực hiện tràn đầy  nó. Niềm hy vọng kitô hướng tới việc thành toàn tương lai lời hứa của Thiên Chúa, và không dừng lại trước bất cứ khó khăn nào, bởi vì nó được xây dựng trên lòng trung tín của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ suy giảm. Ngài trung thành, Ngài là một nguời cha trung thành, một người bạn trung thành, một đồng minh trung thành.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tín thác nơi tình yêu thương và lòng lành cua Thiên Chúa Cha trên trời, và sống trong Ngài và với Ngài. Đó là giả thiết giúp thắng vượt các khổ não và đối nghịch của cuộc sống, và cả các bách hại nữa, như chứng tá của biết bao anh chị em của chúng tac chứng minh cho thấy.
Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép làn toà thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau, trong đó có các đoàn hành hương đến từ nhiều giáo phận Italia và nhiều nước khác, như Varsava Ba Lan, Ciudad Real bên Tây Ban Nha.
Ngài chào nhóm hành hương nhân “Ngày của các bệnh hiếm” được cử hành ngày thứ hai hôm nay. ĐTC nói: Xin cám ơn, xin cám ơn anh chị em về tất cả nhũng gì anh chi em làm. Xin cám ơn và cầu chúc các bệnh nhân và gia đình họ được trợ giúp trong lộ trình khó khăn trên bình diện y khoa và luật pháp.
Linh Tiến Khải

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

ĐỪNG LO LẮNG (26.2.2017 – Chúa nhật 8 Thường niên, Năm A)


ĐỪNG LO LẮNG
Lời Chúa: Mt 6, 24-34
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?
Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.
Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
Suy nim:
Dường như sự tiến bộ về nhiều lãnh vực
không làm con người trên thế giới cảm thấy thanh thản hơn.
Trái lại, nó tạo ra những mối lo âu mới,
khiến con người sống trong trạng thái bất an, căng thẳng.
Bao nhiêu triệu người phải đối mặt với nạn thất nghiệp do khủng hoảng,
với nạn đói và thiếu nước, với những bệnh mới chưa có thuốc chữa.
Bao nhiêu triệu gia đình sống trong bạo hành, bị tan vỡ;
giới trẻ bơ vơ, rơi vào nghiện ngập dưới đủ mọi hình thức.
Con người phải sống trong một thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt,
nên thiên nhiên tốt lành lại trở nên kẻ thù đe dọa con người.
Các nước lớn phải chạy đua vũ trang để giữ vị thế quân sự.
Nói chung người giàu, kẻ nghèo, nước giàu, nước nghèo
đều không sao thoát được nỗi lo âu trước tương lai
với bao bài toán mới chưa có lời giải đáp. 
Cách nay hai ngàn năm, Đức Giêsu đã dạy môn đệ Ngài đừng lo.
Xem ra nỗi lo âu đã có từ xa xưa rồi.
Người xưa cũng phải lo những nhu cầu căn bản: lo ăn, lo mặc (c. 25).
Đức Giêsu mời môn đệ nhìn ngắm những đàn chim trời (c. 26).
Chúng có vẻ thảnh thơi, không vất vả làm việc, cũng không tích trữ.
Nhưng chúng vẫn sống no đủ, vì được Cha trên trời dưỡng nuôi.
Ngài còn mời môn đệ nhìn ngắm những bông huệ ngoài đồng (c. 28),
ngắm vẻ đẹp của chiếc áo Thiên Chúa mặc cho chúng,
đơn sơ nhưng sang trọng hơn cả áo vua Salomon.
Khi ngắm chim trời và hoa huệ, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái,
vì Cha quan tâm săn sóc đến cả những sinh vật bé bỏng và tầm thường.
Khi biết mình có giá trị hơn chúng nhiều, được Cha quý hơn nhiều,
chúng ta được giải phóng khỏi nỗi lo canh cánh về đời sống vật chất. 
Thật ra kitô hữu không phải là người ngây thơ, không biết lo.
Họ cũng chẳng phải là hoa huệ hay chim trời sống vô tư, thụ động.
Kitô hữu cũng phải lo: lo liệu, lo toan, thậm chí lo xa nữa.
Nhưng họ lo mà như không lo, lo trong bình an thanh thản,
vì đó là cái lo của một người con biết Cha trên trời đã lo cho mình,
biết Cha thấu rõ nhu cầu thầm kín của mình và sẽ cung cấp đủ (cc. 32-33).
Đó không phải là cái lo âu, lo lắng xao xuyến, hay lo sợ bồn chồn
của người dân ngoại không có đức tin (cc. 30. 32).
Nhưng đó là cái lo của một người con có tinh thần trách nhiệm.
Kitô hữu không phải là kẻ ăn xổi ở thì, sống chỉ biết hôm nay.
Nhưng họ lại không để mình bị nỗi lo âu về ngày mai đè nặng,
đơn giản vì tương lai của họ ở trong tay Thiên Chúa. 
Sống tín thác vào sự quan phòng của Chúa không phải là khoanh tay
nhưng là nỗ lực làm mọi sự hết mình trong bình an.
Hãy để mọi nỗi lo toan của ta ở dưới và ở sau nỗi lo toan về Nước Chúa.
Hãy để cho đời mình chỉ phụng sự một chủ là Thiên Chúa (c. 24).
Khi dành ưu tiên cho Thiên Chúa, ta sẽ thấy mình chẳng thiếu gì.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.

Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên
bao người bất hạnh cần nâng đỡ.

Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Về nhà Cha (Ông Nguyễn Văn Rành)

CÁO PHÓ 

Một người con của giáo xứ 
Ông Phêrô NGUYỄN VĂN RÀNH, sinh năm 1931. Hiện ngụ tại khu 2, giáo xứ Cần Xây
vừa được Chúa gọi về lúc 13 giờ 30 ngày 23/02/2017
HƯỞNG THỌ 86 TUỔI 
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 21 giờ ngày 23-02-2017


Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ Cần Xây vào 

lúc 04 giờ45 ngày 25-02-2017,


 sau đó an táng tại đất Thánh Giáo Xứ Cần Xây.

Trong tinh thần hiệp thông xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn Ông Phêrô sớm về với Chúa

THƯ MỤC VỤ Đức Giám Mục Giáo Phận Tháng 3 năm 2017

THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 3 năm 2017

GIÁO PHẬN LONG XUYÊN SỐNG SỨ ĐIỆP MÙA CHAY
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Anh Chị em thân mến,
Ngày 1.3, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh 2017. Mùa Chay là mùa hoán cải và chúng ta được mời gọi trở về với Thiên Chúa “với tất cả tâm hồn” (Joel 2,12), để ngày càng sống hài hòa trong tương quan với Chúa, với tha nhân, và với chính mình. Để đạt được mục tiêu trên, Giáo phận Long Xuyên được mời gọi sống sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sứ điệp là một bài suy niệm về dụ ngôn Người Đàn Ông Giầu Có và Người Ăn Xin Khốn Khổ Lazarô (Lc 16,19-31). Giáo phận Long Xuyên tập trung vào 3 điểm chính sau đây:

1) Giá trị đích thực trong cuộc sống đời này không là“mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (c.19). Và sự đánh giá của chúng ta đối với tha nhân không tùy thuộc vào tình trạng “mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”. (c. 20-21). Theo sứ điệp Mùa Chay, giá trị đích thực mà chúng ta kiếm tìm trong mùa Chay năm nay là “Tha nhân là một hồng ân” và “Lời Chúa là Hồng ân”. Với ánh sáng của Lời Chúa, ta và anh chị em là con người. Ta có phẩm giá đích thực là một thụ tạo giống hình ảnh Thiên Chúa. Ta có một cuộc đời để thi hành sứ vụ trong chương trình của Thiên Chúa. Và ta có một định mệnh đời người với cùng đích là Thiên Chúa để đạt tới. Đức Thánh Cha viết tiếp: “Tương quan đúng đắn với con người bao gồm việc nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Ngay cả một người nghèo nơi cổng nhà của người giầu cũng không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi hoán cải và thay đổi cuộc sống, mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô.”

2) Nguy cơ chính là tiền bạc. Đức Thánh Cha dùng thư của gửi giáo đoàn Corintô để cảnh giác chúng ta: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1Tim 6,10). Quả thật, cuộc sống của chúng ta, kể cả trong lãnh vực tôn giáo, chúng ta cần tiềnCần tiền có thể dẫn đưa ta đến mê tiềnMê tiền có thể dẫn đưa ta đến thờ tiền. Trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Đức Thánh Cha viết: “Tiền bạc có thể thống trị chúng ta, thậm chí đến mức nó trở thành một thứ ngẫu tượng độc tài (số 55).Trong sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha viết: “Nơi ông nhà giầu, chúng ta có thể thoáng thấy sự băng hoại của tội lỗi, tiến triển qua ba giai đoạn kế tiếp nhau: yêu mến tiền của, phù hoa và tự hào”. Quả thật, vì mê tiền, con người sẽ tìm kiếm thiết lập tương quan với những người giầu, mà không quan tâm, thậm chí coi thường và loại trừ những người nghèo. Đồng thời, với tính ích kỷ, con người sẽ dùng tiền bạc để xây các bức tường đảm bảo sự an toàn của cái tôi. Bị bao quanh bởi những bức tường này, con người trở thành tù nhân và nô lệ cho tiền bạc. Kết quả là, con người bị mù lòa, không còn nhìn thấy tha nhân như một hồng ân, và cũng chẳng có Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.Vì Thiên Chúa của họ chính là tiền bạc và cái tôi ích kỷ.

3) Có sự công bằng và công lý ở đời sau. Đức Thánh Cha tiếp tục hướng dẫn chúng ta suy tư: “Người đàn ông giàu có chỉ nhận ra Ladarô giữa những đau khổ của thế giới bên kia. Ông muốn người đàn ông nghèo này làm giảm bớt đau khổ của mình bằng một giọt nước. Những gì ông van xin Ladarô (làm cho ông) cũng tương tự như những gì ông đã có thể làm nhưng không bao giờ làm (cho Lazarô). Abraham nói với ông: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.” (c. 25). Trong thế giới bên kia, một loại công lý đang được phục hồi và những điều bất hạnh trong cuộc đời được cân bằng bởi điều tốt lành. Chính niềm tin vào đời sau được biểu hiện trong hành trình thiêng liêng của Mùa Chay. Khởi đầu là thứ Tư lễ Tro với Lời Chúa: “Hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”. Cuộc hành trình Mùa Chay sẽ đạt tới cao điểm ở Tam Nhật Thánh với niềm vui Phục Sinh.
Hành trình thiêng liêng của mùa Chay cũng chính là cuộc hành trình của mỗi người chúng ta trong cõi đời này, như cuộc hành trình cuộc đời của ông phú hộ và ông Lazarô. Và chúng ta, sống lý tưởng “tha nhân là hồng ân; Lời Chúa là hồng ân”, chúng ta ước mong sẽ cùng nhau tham dự bàn tiệc trên Thiên Quốc.
Với những ý tưởng trên, cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận sống Mùa Chay với những sinh hoạt cụ thể được đề xuất sau đây:

1) Cơ bản là thực hiện 3 công việc đạo đức: Cầu nguyện, Ăn Chay, và bác ái, theo tinh thần của bài Tin Mừng (Mt 6,1-6;16-18) trong thứ Tư lễ tro.

2) Để sống lý tưởng Lời Chúa là Hồng Ân, ngoài bí tích Thánh Thể và bí tích Giải Tội, các cộng đoàn được khích lệ tổ chức các sinh hoạt đạo đức truyền thống của Mùa Chay, như đi chặng đàng Thánh Giá, suy gẫm sự thương khó (ngắm đứng, lễ đèn), lần chuỗi Mân Côi. Rất khích lệ các cha quan tâm đến giảng Lời Chúa ngay cả trong Thánh Lễ hàng ngày.

3) Để sống lý tưởng Tha Nhân là Hồng ân, các giáo xứ, giáo họ được cổ vũ thực hiện các công việc đạo đức, như thăm viếng nhau, nhất là trong trường hợp nghèo khổ, bị bỏ rơi, đau yếu bệnh tật, khô khan trễ nải. Rất khích lệ các cha dành thời gian thăm viếng các người già cả neo đơn, bệnh tật đau yếu. Và trong trường hợp có thể, các cha giải tội và dâng Thánh Lễ tại gia cho các người bị bệnh liệt giường lâu năm.

4) Để sống lý tưởng Cộng Đoàn là Hồng Ân, các cộng đoàn và đoàn thể trong cộng đoàn được khích lệ tổ chức các cuộc tĩnh tâm Mùa Chay với nghi thức sám hối và xưng tội. Rất khích lệ các cha quan tâm thăm viếng và gỡ rối hôn phối cho các gia đình có thể gỡ rối được.

5) Để sống lý tưởng Giáo Phận là Hồng Ân, mọi thành phần dân Chúa sẽ quan tâm đến việc xây dựng tình liên đới giữa các giáo xứ, giáo họ trong giáo phận như gia đình của Thiên Chúa, không để xảy ra tình trạng có những cộng đoàn “ngày ngày yến tiệc linh đình” bên cạnh những cộng đoàn “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”.

Chúng ta thực hiện các sinh hoạt trên theo lời dạy của Đức Thánh Cha: “Cơ sở của tất cả những điều này là Lời Chúa, mà trong suốt mùa này, chúng ta được mời gọi lắng nghe và suy gẫm sâu sắc hơn.”
Xin Thánh Giuse chúc lành cho gia đình giáo phận chúng ta.

+ Giuse Trần Văn Toản                             + Giuse Trần XuânTiếu
Giám Mục Phụ Tá                       Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên