label

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

VIẾT CHO U 23 VIỆT NAM

VIẾT CHO U 23 VIỆT NAM

Chứng kiến bàn thắng của đối phương ghi vào những giây phút cuối vừa qua, chúng ta không khỏi tiếc nuối và xót xa! Rất nhiều người đã khóc, triệu trái tim nghẹn ngào. Nhưng biết sao được, bóng đá luôn có những bất ngờ như thế.


Đội tuyển thân mến,

Những ngày này đúng là cả nước được sống trong bầu không khí của bóng đá và của tình yêu quê hương đất nước. Trong suốt những ngày lịch sử của bóng đá nước nhà, dĩ nhiên tôi và người dân Việt Nam đều rất hãnh diện và vui mừng. Hãnh diện vì chúng ta đã làm nên kỳ tích, vui mừng vì thấy các bạn đã làm được những điều không tưởng ở giải U 23 Châu Á năm nay.
Chứng kiến bàn thắng của đối phương ghi vào những giây phút cuối vừa qua, chúng ta không khỏi tiếc nuối và xót xa! Rất nhiều người đã khóc, triệu trái tim nghẹn ngào. Nhưng biết sao được, bóng đá luôn có những bất ngờ như thế. Bởi đó mà bóng đá xứng đáng là môn thể thao vua.
Là người Công giáo, tôi lại học được từ các bạn những điều bổ ích cho đời sống thiêng liêng. Bởi người ta thường nói: “Đời là một cuộc chiến đấu” hay “Đời là một đấu trường”; dẫu cuộc chiến ấy nhiều cam go, nhưng cũng không kém phần thú vị.
  1. Tinh thần chiến đấu
Qua những màn trình diễn quá tuyệt vời của các bạn, chúng tôi thấy tinh thần chiến đấu nơi các bạn quá kiên cường. Cho dù yếu thế hơn và thậm chí bị dẫn bàn trước, các bạn vẫn hiên ngang nhập cuộc với hết sức mình. Trong hành trình tin theo Chúa Giêsu, đúng là chúng tôi cũng không thiếu những khó khăn thách đố như thế. Có những lần chúng tôi đã thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa và mất tinh thần chiến đấu cho những điều cao cả. Kết quả là chúng tôi nhận những kết quả đau lòng, hạnh phúc không mỉm cười với chúng tôi. Thế là nhiều người hoang mang về sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa.
Ước gì những cảm xúc của bóng đá, những tinh thần của các bạn giúp tôi phản tỉnh để luôn giữ vững niềm tin để sống, và quảng đại cống hiến hết sức trước những lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mình!
Hơn nữa khi tin tưởng vào Thiên Chúa, chúng tôi có tinh thần vững mạnh, và tình yêu để dám đương đầu với những thử thách cam go. Dù gì dẫu gì chúng tôi luôn tự tin vào chính mình, vì chúng tôi tin rằng Thiên Chúa không bỏ rơi những người con đang vất vả lầm than. Bởi đó mà những thế hệ cha anh, những bậc thánh nhân đã làm nên những cuộc đời cao thượng và được hậu thế noi theo.
  1. Tinh thần rèn luyện và vươn lên
Đúng là đội nhà đã thua, nhưng với giải á quân, chúng ta vẫn thắng trong hành trình vươn đến đỉnh cao. Thành quả ấy phải là quá trình rèn luyện và vươn lên không mệt mỏi của từng cầu thủ. Đó cũng là bài học giúp tôi biết rằng để chạm tay vào chiến thắng, chúng ta không thể bỏ qua những bài tập rèn luyện vất vả. Hơn nữa, trong đời sống thiêng liêng, Ma Quỷ luôn là những thế lực mạnh mẽ, lắm mưu mô để lôi con người về phe chúng. Chỉ qua những tập luyện thiêng liêng nghiêm túc, chu toàn đời sống làm con Chúa từng ngày, mới cho chúng tôi đủ sức để thắng thế lực xấu xa. Nói cách khác, như lời thánh Phêrô nhắn nhủ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a).
Và sau mỗi lần vấp ngã, ước gì chúng tôi cũng biết đứng lên để tiếp tục chiến đấu. Thiên Chúa không cho phép chúng ta bỏ cuộc. Bởi Thiên Chúa tiến bước nơi những nẻo đường gian khổ của cuộc sống chúng ta. Ngài đáp ứng mọi khát vọng tình yêu và hạnh phúc của ta bằng việc mời chúng ta hãy vui lên. Trong tâm thế đó, hy vọng chúng ta có thể cho vinh quang Chúa được cả sáng nơi những hành động kiên cường của chúng ta.
  1. Ý nghĩa của chiến thắng
Trước và sau trận đấu, chúng ta ấn tượng với tâm tình người hâm mộ dành cho đội tuyển: Dù thế nào các bạn vẫn luôn chiến thắng trong lòng người hâm mộ. Quả đúng như thế vì tất cả những gì các bạn đã cống hiến, tất cả!
Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, có những lúc ta hoàn toàn thất bại bởi những điều ta không lường trước và không muốn nó xảy ra. Dù ta đã cố gắng hết mình vững tin vào Thiên Chúa, nhưng dường như chiến thắng vẫn thuộc về Ma Quỷ. Nhưng xét cho cùng, những gì họ dành cho Thiên Chúa, những gì họ nỗ lực hết mình để chiến đấu với Ma Quỷ, Thiên Chúa sẽ không quên trao cho họ phần thưởng lớn lao. Dẫu cho trước thiên hạ có khi họ thất bại ê chề, nhưng với Thiên Chúa, họ đã mang về chiến thắng vẻ vang. Bởi trong khó khăn, thách đố, họ vẫn chiến đấu vì tình yêu Thiên Chúa.
Đó là món quà vô giá giúp người con của Chúa biết mình chiến đấu vì ai, và làm thế nào để đẹp lòng Thiên Chúa dù có gặp vất vả khổ đau. Dẫu có thất bại trước người ta, nhưng họ lại được Thiên Chúa trao cho phần thưởng lớn lao.
Sau cùng, chúng tôi chúc mừng đội tuyển có giải đấu lịch sử cho bóng đá nước nhà. Chúc các bạn viết tiếp những điều tuyệt vời như thế trong những giải đấu tầm cỡ tiếp theo. Phần tôi, hy vọng trong cuộc sống thường nhật, tôi biết rèn luyện bản thân, tin tưởng theo những lời chỉ dạy của Thầy Giêsu. Được như thế, tôi tin mình cũng sẽ làm được những gì Thiên Chúa ước mong. Và mình có thể viết tiếp trang sử cuộc đời bằng những ngày tháng thăng trầm luôn đậm dấu ấn của Thầy Giêsu.
Chúc mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam và xin Thiên Chúa luôn đồng hành cùng các bạn!
Ngày lịch sử 27-1-2018
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ (dongten.net)

Chứng từ của một linh mục được chào đời nhờ người mẹ can đảm không phá thai

Chứng từ của một linh mục được chào đời nhờ người mẹ can đảm không phá thai

Tôi biết có một phụ nữ mang thai, khi bà đi siêu âm, các bác sĩ nói với bà rằng các cơ phận của thai nhi không phát triển bình thường và đứa trẻ có lẽ sẽ không sống được một năm sau khi sinh. Rồi họ đã khuyên bà nên phá thai. Người phụ nữ đó chính là mẹ của tôi và tôi là đứa trẻ đó.” Đó là chứng từ của cha Martino Choi, cha sở của giáo xứ thánh Patrick ở Rockville, bang Maryland, Hoa kỳ. Trước 18 ngàn bạn trẻ và người lớn tại cuộc biểu tình và Thánh lễ vì sự sống dành cho người trẻ được tổ chức tại thủ đô Washington, Hoa kỳ, cha Choi đã trình bày chứng tá của mẹ mình trong quyết định bảo vệ sự sống.

Cha Choi kể tiếp rằng các bác sĩ nói với mẹ của cha là phá thai sẽ bảo vệ đứa con và người mẹ khỏi những đau khổ không cần thiết. Vị linh mục trẻ nhận định: “Ma quỷ biết cách che đậy, ngụy trang cho sự ác bằng một lời nói dối rằng dù sao chết vẫn tốt hơn là sống. … nhưng sự chết không bao giờ tốt hơn sự sống.”

Cha Choi cũng chia sẻ những câu chuyện mà cha đã trải qua tại giáo xứ của cha, nơi cha đã cố vẫn cho những cha mẹ bị mất những đứa con chỉ mới nhìn thấy ánh mặt trời vài ngày hay vài tháng. Cha nói: “Không có gia đình nào đến với tôi và nói ‘Cha biết không thưa cha, chúng con ước là chúng con đã không có đứa trẻ này. Chúng con ước giá như chúng con không phải đau khổ vì điều này.’ Không có ai trong họ nói những điều như thế. Tất cả họ nói: ‘Cám ơn Chúa là chúng con đã yêu thương đứa trẻ này, dù cho là chỉ một ít ngày.’

Cha Choi kể tiếp: “Có một gia đình có đứa con không bao giờ được rời bệnh viện cho đến khi qua đời, họ đã nói rằng cuộc sống chỉ kéo dài 3 tháng của đứa con trai đã dạy cho họ về sự sâu sắc của tình yêu cũng như lòng can đảm, điều mà họ đã không thể hiểu được trước khi đứa con ra đời.”

Những câu chuyện của cha Choi vang dội trong lòng các bạn trẻ đến từ các giáo phận trên khắp Hoa kỳ và cả quốc tế đển thủ đô để tham dự Thánh lễ vì sự sống.

Kelly Lambers, một học sinh trung học thuộc tổng giáo phận Cincinnati đã chia sẻ: “Mẹ của cha đã không từ bỏ cha ngay cả khi bà biết là con của mình sẽ không sống lâu, nhưng giờ đây hãy nhìn vào cha kìa; cha là một linh mục!” Lambers đã cùng với các bạn học của mình tại trường trung học Mẹ lòng thương xót đi xe buýt 9 tiếng để tham dự cuộc tuần hành vì sự sống. Cô cảm thấy hãnh diện rất nhiều vì các bạn của cô mang bảng hiệu “Ủng hộ sự sống là ủng hộ người nữ.”

Tajil Baptiste là một người trẻ đến từ quần đảo Virgin. Anh đã chia sẻ tại sao anh và các bạn đến thủ đô Washington để tham gia cuộc tuần hành vì sự sống. Anh nói: “Đối với chúng tôi, đó là một sự kiện tôn giáo. Đi thật xa từ hòn đảo nhỏ đến đây, nhưng sứ điệp mà chúng tôi mang về cho cộng đoàn và giáo xứ chúng tôi là “Hãy ủng hộ sự sống, hãy thay đổi thế giới.”

Cuộc tuần hành vì sự sống năm nay là lần thứ 45 nó được tổ chức, có chủ đề “Tình yêu cứu giữ sự sống”. Có một điều đặc biệt là từ Nhà Trắng – dinh tổng thống, tổng thống Donald Trump đã ngỏ lời trực tiếp với các tham dự viên qua hệ thống vệ tinh. Ông nói: “Tôi muốn cám ơn mọi người ở đây hôm nay, những người hoạt động với trái tim vĩ đại để bảo đảm cho các phụ huynh có được sự chăm sóc và ủng hộ cần thiết để họ chọn sự sống. Chính nhờ các bạn, hàng ngàn người Mỹ được sinh ra và đạt được sức mạnh đầy đủ mà Chúa ban cho họ … Các bạn là những chứng nhân sống của chủ đề “Tình yêu cứu giữ sự sống.”

Nghị viên Jaime Herrera Beutler cũng kể lại câu chuyện gia đình mình trước sự hiện diện của gia đình, trong đó có đứa con gái Abigail 4 tuổi, đứa con được coi như là của phép lạ. Bà Beutler kể rằng khi bà đang mang thai cháu Abigail, kết quả siêu âm là một tin thất vọng – con gái của họ không phát triển các cơ phận bình thường trong lòng mẹ và hầu như nó sẽ bị ngộp thở và chết ngay khi được sinh ra. Con gái bà được dự đoán là có 0% hy vọng. Các cha mẹ ở trong trường hợp này thường chọn phá thai. Bà Beutler kể tiếp: “Chúng tôi đã cầu nguyện, đã khóc và trong sự suy sụp đó, chúng tôi đã nhìn thấy Chúa.” Không muốn phá thai, vợ chồng bà đã tìm bác sĩ và các trị liệu để có thể cho con gái họ cơ hội sống. Bà khẳng định rằng chính tình yêu dành cho con gái và việc không muốn đầu hàng, đã cứu mạng con gái. Cuối cùng với sự can thiệp thần linh và một số bác sĩ can đảm sẵn lòng chịu nguy hiểm, gia đình bà đã có được con gái Abigail, nay là đứa trẻ 4 tuổi khỏe mạnh. (CNA 19/01/2018)

(Vatican 25/01/2018)

Hồng Thủ
y

Vấn đề đào tạo linh mục tương lai ở Philippine

Vấn đề đào tạo linh mục tương lai ở Philippine

CEBU CITY.  Tổng thư ký Bộ giáo sĩ, Tổng giám mục Jorge Calos Patron Wong đã giải thích mục đích chính của National Seminary Formators Assembly, Đại hội các nhà huấn luyện chủng sinh  toàn quốc, được tổ chức trong những ngày vừa qua tại Cebu City, Philippine, là nhằm đào sâu việc đào tạo cho các chủng sinh làm sao có một hiệu quả trong công việc truyền giáo. Ngài nói: “Chúng tôi muốn các linh mục tương lai lãnh hội sự đào tạo một cách toàn bộ, không chỉ ở mặt tri thức hàn lâm nhưng còn ở những chiều kích khác như chiều kích con người và tinh thần. Các linh mục là tương lai của Giáo Hội và của đất nước, chúng tôi mong muốn điều tốt nhất cho họ bởi vì họ chính là những người sẽ nhân rộng các ân huệ của Thiên Chúa”.
Có ít nhất bốn trăm giáo sư đến từ khắp các nơi trong đất nước, cũng có các giáo sư đến từ Singapo và Malaysia. Tất cả tham dự sự kiện này để đào sâu văn bản hướng dẫn mới của Tòa Thánh được công bố vào ngày 18-12-2016 của Bộ Giáo sĩ Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis intitolata; “Hồng ân ơn gọi linh mục”. Những thách thức mới đến từ xã hội hiện đại đòi hỏi phải có sự thích nghi cho việc chuẩn bị linh mục tương lai. Đây là một giai đoạn rất quan trọng mà ĐTC Phanxicô rất mong muốn nơi đời sống linh mục. ĐHY Patron Wong nói: “ĐTC hy vọng rằng trong sự tiển triển ơn gọi linh mục, Ngài muốn có những linh mục là những vị mục tử, được đào tạo có lòng nhân hậu và có tâm hồn của Chúa Giêsu".
Theo báo cáo của AsiaNews, tại cuộc gặp ở Cebu City, thủ phủ của vùng Central Visayas, có sự hiện diện của Sứ thần Tòa thánh ở Philippine, Tổng Giám mục Gabriele Giordano Caccia, Giám mục San Carlos, Gerardo A. Alminaza, Chủ tịch Ủy ban các chủng viện của Hội đồng Giám mục Philippine, Tổng Giám mục Cebu, Jose S. Palma, Tổng Giám mục Davao, Romulo G. Valles, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, cũng như Tổng Giám mục Manila, Hồng y Luis Antonio G. Tagle người tham dự ở những buổi làm việc cuối cùng của Hội nghị. Đức ông Alminaza đã nói rằng các giáo sư cố gắng tìm ra trong một cách thức đặc biệt để trình bày một bản dự thảo bàn luận về làm thế nào để có thể cập nhật việc đào tạo: “Sự quan tâm của chúng tôi là chuẩn bị các linh mục tương lai: như các môn đệ của Chúa, chúng ta không bao giờ ngừng học hỏi. Chúng ta phải vun xới và trau dồi tối đa hồng ân ơn gọi linh mục; hội nghị phải xác định cụ thể và cùng nhau suy nghĩ để đưa ra một cách thức phù hợp và có thể áp dụng ở Philippine. Bởi vậy tôi mong muốn sau Đại hội này, có một tài liệu quan trọng có thể trở thành phần không thể tách rời trong việc hội nhập văn hóa cho những chỉ dẫn về đào tạo ơn gọi linh mục. Mục đích là để chia sẻ tình hình thực tế của đất nước, học hỏi những chỉ dẫn mới. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện để cho cuộc gặp này không là một sự vô ích nhưng mang đế một sự canh tân cho xã hội”
Ý kiến nền tảng – chúng ta đọc trong phần giới thiệu của Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis – “Các chủng việc có thể đào tạo các môn đệ truyền giáo ‘say mê’ Thầy, những mục tử ‘với mùi của chiên’, những người sống giữa đàn chiên để phục vụ và mang đến cho chiên lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì điều này mỗi linh mục cần phải cảm nhận luôn luôn rằng mình là một người môn đệ lữ hành, được hiểu như là tiếp tục hình ảnh hóa của Chúa Giêsu”. Bốn đặc điểm cho việc đào tạo được trình bày trong văn bản là “duy nhất, toàn bộ, cộng đoàn, truyền giáo” (L’OSSERVATORE ROMANO 28/01/2018)
Ngọc Yến

Đức Thánh Cha khai mạc năm tư pháp của tòa Rota

Đức Thánh Cha khai mạc năm tư pháp của tòa Rota

Đức Thánh Cha khai mạc năm tư pháp của tòa Rota
29/01/2018 14:19
VATICAN. ĐTC đề cao tương quan giữa lãnh vực lương tâm và các vụ án cứu xét hôn phối vô hiệu, và cảnh giác đừng phản bội lương tâm.
 Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29-1-2018, dành cho các vị thẩm phán tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới.
 Ngài nói: ”Mối liên hệ chặt chẽ giữa lãnh vực lương tâm và lãnh vực các vụ xét xử hôn phối mà anh em thi hành hằng ngày, đòi anh em phải tránh làm cho việc thực thi công lý bị thu hẹp vào một hoạt động bàn giấy thuần túy. Nếu các tòa án của Giáo hội rơi vào cám dỗ ấy, thì sẽ phản đội lương tâm Kitô. Chính vì thế, trong các vụ xét xử vắn tắt các vụ án hôn phối, không những tôi đã qui định rằng cần làm nổi bật minh bạch vai trò canh chừng của GM giáo phận, nhưng đồng thời cũng nêu bật sự kiện chính GM là thẩm phán bẩm sinh trong giáo phận được ủy thác cho ngài, vì thế GM xét xử ở cấp 1 những vụ tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Chúng ta phải làm sao để lương tâm của các tín hữu gặp khó khăn về hôn nhân đừng khép kín đối với một hành trình ơn thánh. Chúng ta có thể đạt tới mục đích đó bằng sự đồng hành mục vụ, với sự phân định lương tâm (Xc Amoris laetitia) qua các hoạt động của các tòa án hôn Phối” (Rei 29-1-2018)
 G. Trần Đức Anh OP

    Ở đâu có Mẹ Maria, ở đó là mái ấm và ma quỷ không thể lẻn vào

    Ở đâu có Mẹ Maria, ở đó là mái ấm và ma quỷ không thể lẻn vào

    Thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả, 28.01.2018 - AP
    28/01/2018 12:24
    Roma. Sáng Chúa nhật 28.01.2018 Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả nhân dịp di chuyển bức ảnh Đức Mẹ có tước hiệu “Phần rỗi của dân thành Roma” (Salus Populi Romani). Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có ĐHY Giám quản Đền thờ và các vị kinh sĩ của Đền thờ. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy đón Mẹ Maria vào cuộc đời mình.
    Bức ảnh Đức Mẹ vẽ trên gỗ rất cổ kính. Theo lưu truyền, bức ảnh được thánh sử Luca họa lại bức ảnh tại nhà thờ Lidda bên Palestine. Về sau, ảnh được giữ tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Roma. Hồi thế kỷ XVI đã xảy ra phép lạ lớn. Khi ấy Roma bị dịch tễ. Thánh giáo hoàng Pio V đã tổ chức cuộc rước ảnh Đức Mẹ đến Đền thờ thánh Phero và sau đó dịch tễ chấm dứt. Lễ di chuyển bức ảnh thường được cử hành vào Chúa nhật cuối cùng của tháng giêng hàng năm.
    Bài giảng của Đức Thánh Cha:
    Cùng với dân Chúa, hôm nay chúng ta quy tụ nơi đây trong Đền Thờ Đức Bà Cả. Sự hiện diện của Đức Mẹ làm cho đền thờ này trở thành một mái ấm gia đình cho các con cái là chính chúng ta. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, người dân thành Roma cùng nhau nhận đền thờ này là nhà của mình, là nơi để tìm thấy sự bình yên, sự an ủi, sự bảo vệ, nơi nương ẩn. Ngay từ thời đầu, dân Kitô đã hiểu được rằng, giữa những khó khăn thử thách, họ cần đến Mẹ Maria, như lời thánh ca cổ xưa: Lạy Mẹ Thiên Chúa, dưới sự bảo trợ của Mẹ, chúng con tìm nơi nương ẩn; xin Mẹ đừng chê bỏ lời chúng con nguyện xin, nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi hiểm nguy, ôi Nữ Trinh vinh quang và đầy ơn phúc.
    Chúng con tìm đến nương ẩn dưới tà áo Mẹ
    Chúng con chạy đến tìm nơi náu nương. Trong đức tin, các giáo phụ đã dạy rằng, vào những giây phút đen tối hỗn loạn, chúng ta phải quy tụ dưới tà áo của Mẹ Thiên Chúa, nơi được coi là bất khả xâm phạm, nơi sẽ bảo vệ giữ gìn chúng ta. Đức Mẹ là người nữ cao quý nhất trong nhân loại. Tà áo của Mẹ luôn mở ra để chào đón chúng ta và quy tụ chúng ta. Các Kitô hữu Đông phương cũng có một bức tranh rất đẹp, vẽ tà áo Mẹ che chở đoàn con và toàn thế giới. Ngay cả các ẩn sĩ thời xưa cũng kể lại về sự bảo vệ che chở của Mẹ Thiên Chúa. Các vị ấy lặp đi lặp lại lời cầu nguyện: Lạy Mẹ Thiên Chúa, lạy Mẹ Thiên Chúa…
    Sự khôn ngoan ấy giúp chúng ta biết rằng: Đức Mẹ luôn bảo vệ nâng đỡ đức tin, luôn thăng tiến các mối tương quan, luôn cứu giúp chúng ta trong cơn hoạn nạn, và bảo vệ chúng ta khỏi ác thần. Ở đâu có Mẹ Maria thì ở đó là mái nhà, và nơi đó ma quỷ không thể lẻn vào. Ở đâu có Mẹ Maria, thì ở đó sự xáo trộn không thể thắng thế, ở nơi đó nỗi sợ hãi sẽ bị khuất phục. Có ai trong chúng ta lại không cần điều ấy? Có ai trong chúng ta lại không có những lúc xao xuyến lắng lo? Những thổn thức của con tim giữa cơn giông tố bão táp của biết bao vấn đề chồng chất! Giữa những lụt lội giông bão ấy, Mẹ Maria là chiếc thuyền chắc chắn. Chẳng phải tư tưởng hay công nghệ mang lại cho chúng ta sự an toàn và hy vọng, nhưng là Đức Mẹ với khuôn mặt dịu hiền, và cánh tay Mẹ ôm lấy cuộc đời chúng ta, che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Chúng ta hãy học cách tìm đến nương ẩn nơi Mẹ, bước đi mỗi ngày cùng Mẹ.
    Hãy thân thưa cùng Mẹ, Mẹ sẽ mau mắn chuyển cầu
    Chúng ta đừng xem thường những lời cầu nguyện. Khi cầu nguyện với Mẹ, Mẹ sẽ chuyển cầu cho ta. Có một tước hiệu rất đẹp về Mẹ trong tiếng Hy Lạp rằng: Mẹ là Đấng chuyển cầu rất nhanh. Điều này đã được thánh Luca kể trong Tin Mừng việc Mẹ Maria đi thăm bà chị Elisabet. Mẹ lên đường ngay, ngay lập tức. Sự can thiệp của Mẹ luôn kịp thời, không chút chậm trễ, như chúng ta biết trong Tin Mừng Gioan. Mẹ nhìn thấy nhu cầu thực tế của đôi tân hôn, và Mẹ nói ngay với Chúa: Họ hết rượu rồi. Chúng ta cũng hãy làm như thế, hãy khẩn cầu cùng Mẹ, mỗi khi chúng ta mất hy vọng, mỗi khi chúng ta không thấy niềm vui, mỗi khi bóng tối tràn ngập cuộc đời. Khi ta khẩn cầu, Mẹ sẽ can thiệp kịp thời. Mẹ rất nhạy cảm lắng nghe con tim chúng ta. Đừng bao giờ coi nhẹ lời cầu nguyện của chúng ta, đừng bao giờ ngã lòng trông cậy. Mẹ Maria là Mẹ chúng ta, Mẹ không bao giờ xấu hổ vì chúng ta. Mẹ luôn đợi chờ để cứu giúp các con cái của Mẹ.
    Có đoạn phim nọ có thể giúp chúng ta hiểu. Cạnh một chiếc gường trong bệnh viện, có người mẹ chăm chú nhìn đứa con trai đau đớn vì bị tai nạn. Người mẹ luôn ở đó ngày đêm. Có lần người mẹ phàn nàn với vị linh mục rằng: “Chúa đã không cho phép một điều!” Vị linh mục hỏi: “Điều gì thế?” Người mẹ thưa: “Đó là con muốn chịu đau đớn thay cho con trai của con”. Và đó là tâm hồn người mẹ. Người mẹ không xấu hổ vì những vết thương, yếu đuối của con mình, nhưng người mẹ muốn ở bên con, muốn mang lấy nơi bản thân tất cả những đau đớn ấy. Và Đức Mẹ, Mẹ chúng ta, Mẹ Thiên Chúa biết làm thế nào để an ủi, để quan tâm, để chữa lành các con cái của Mẹ.
    Chúng ta cần Mẹ Maria giữa bao phong ba cuộc đời
    Chúa biết rằng, chúng ta cần nơi trú ẩn, cần sự chở che giữa những sóng gió hiểm nguy. Vì thế, ngay trên thập giá, Chúa đã nói với người môn đệ yêu dấu và cũng là với từng người môn đệ: Này là Mẹ của con! (Ga 19:27). Đây không phải là điều gì đó tùy chọn, nhưng là chính di chúc của Chúa Kitô. Chúng ta cần có Mẹ, giống như một em bé cần có vòng tay nâng đỡ. Thật là vô cùng nguy hiểm cho đức tin, khi chúng ta sống mà không có Mẹ Maria. Vì nếu không có Mẹ, chúng ta không được bảo vệ, chúng ta sẽ bị gió cuộc đời cuốn đi. Chúa biết điều ấy, và Chúa nói với chúng ta đón Mẹ vào cuộc đời. Đây không phải là nghi thức mang tính tinh thần, nhưng thực sự là một nhu cầu của cuộc sống. Bởi vì nếu không có Mẹ, thì chúng ta đâu phải là những người con. Trên tất cả, chúng ta là những người con, những người con yêu dấu. Chúng ta có Thiên Chúa là Cha và có Mẹ Maria là Mẹ.
    Công đồng Vatican II dạy rằng, Đức Mẹ là dấu chỉ hy vọng vững chắc và an ủi cho dân Chúa trong cuộc lữ hành. Mẹ là dấu chỉ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Nếu chúng ta không theo dấu chỉ ấy, chúng ta sẽ lạc lối. Bởi vì có biển báo trong đời sống thiêng liêng để chúng ta có thể quan sát biết đường. Biển báo sẽ giúp chúng ta khi chúng ta đang phải lang thang và lâm vòng nguy hiểm. Mẹ là người đã đạt tới đích. Ai là người tốt hơn Mẹ để đồng hành với chúng ta trên suốt chặng đường? Chúng ta đang chờ mong điều gì? Giống như người môn đệ đứng dưới chân thập giá, chúng ta hãy rước Mẹ Maria về nhà, chúng ta hãy đón Mẹ vào cuộc đời. Chúng ta không thể không đón Mẹ hoặc tách rời Mẹ. Bởi vì nếu tách rời Mẹ Maria, chúng ta sẽ mất đi căn tính của những người con, sẽ mất đi căn tính của dân Thiên Chúa. Bởi vì khi ấy, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu sống theo các ý tưởng và chương trình mà không còn đức tin, không còn lòng từ nhân. Và nếu như thế, thì cũng chẳng còn tình yêu mến. Khi ấy đức tin chỉ còn là một câu chuyện đẹp giữa muôn vàn câu chuyện khác.
    Thế nhưng, với Mẹ Maria, Mẹ luôn bảo vệ các con cái. Mẹ yêu mến và bảo vệ thế giới. Hãy mời Mẹ vào nhà chúng ta, mời Mẹ thường xuyên hiện diện trong nhà chúng ta, để Mẹ trở thành nơi trú ẩn an toàn của chúng ta. Hãy phó thác cho Mẹ từng ngày sống. Hãy kêu cầu Mẹ khi chúng ta ở giữa những thử thách gian nan. Và đừng quên quay lại để tạ ơn Mẹ. Giờ đây chúng ta hãy nhìn lên Mẹ một cách trìu mến và thân thương chào Mẹ ba lần: Lạy Mẹ Thiên Chúa! Lạy Mẹ Thiên Chúa! Lạy Mẹ Thiên Chúa!
    Tứ Quyết SJ

    Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

    CĂN NHÀ TÌNH NGHĨA ẤM LÒNG NGÀY XUÂN

    CĂN NHÀ TÌNH NGHĨA ẤM LÒNG NGÀY XUÂN

    Con đường vào Tu Viện Nguồn Sống trước đây thật là xấu, lầy lội, ổ gà…Từ khi Cha sở giáo xứ Cần Xây Linh mục Trần Văn Khoa nhận thêm nhiệm vụ Bề trên Tu Viện, Ngài đã sửa chữa và nâng cấp thành một con đường khang trang sạch sẽ, cả Tu Viện và những người dân chung quanh thật là phấn khởi vì từ nay không còn phải sợ trời mưa lầy lội nữa. Tưởng rằng đã ổn định, nhưng mỗi lần xuống Tu viện, Cha sở không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy nhưng ngôi nhà quá ọp ẹp là nơi nương tựa của một số gia đình trong giáo xứ. Bao nhiêu trăn trở cũng như nhiều câu hỏi hiện ra trong đầu người Mục Tử: làm sao đây? thay đổi thế nào? Đất đâu? tiền đâu ra?  Phân vân mãi nhưng không làm thì tội nghiệp những người dân nghèo thiếu mái ấm mùa đông. Phải liều thôi, có gì Chúa lo. Thế là ngài quyết định lấy một phần đất của giáo xứ hỗ trợ các gia đình này cất những căn nhà tình nghĩa với cuốn nền, tường gạch, lót gạch, lợp tôn, khung nhà tiền chế. Sáu căn nhà được dựng liền kề nhau khang trang và mùa xuân này các gia đình đã được ở trong nhưng ngôi nhà sạch sẽ, ấm cúng. Thị sát lúc đang xây dựng các gia đình rất vui và hớn hở khoe nhà này của gia đình này, nhà này của gia đình kia và khen rộng lắm, vì chiều rộng 4m5 và chiều dài gần 10m có nhà tắm nhà vệ sinh riêng.
    Về giáo xứ chưa lâu nhưng cha sở đã xây dựng được nhiều công trình có ý nghĩa. Sơn phết lại cung thánh; xây và dời đài Đức Mẹ cũng như lót lại sân nhà thờ; xây cổng đất thánh khang trang; tráng đường trước tu Viện nguồn Sống; xây nhà nguyện các cha hưu dưỡng; và công trình cuối của năm 2017 là sáu căn nhà tình nghĩa.
    Có nhiều người nói cha rất bình dân và lo cho công việc của giáo xứ. Thực vậy, từ lúc về giáo xứ đến nay, chưa bao giờ nghe cha la giáo dân nhưng lại rất quan tâm đến giáo dân, nhất là những gia đình nghèo. Cha thường xuyên xin những phần quà từ các nơi để gửi đến từng gia đình khó khăn. Thoải mái hơn nữa, bình dân hơn nữa, sáng nào cũng vậy, sau thánh lễ ai uống được café thì vào nhà xứ, café đã được chuẩn bị sẵn và cha con ngồi nhâm nhi tâm sự chuyện vui buồn. Đúng là người Mục tử vì đoàn chiên. Kính chúc cha nhiều sức khoẻ để tiếp tục con đường chúa đã giao.
    Thiên Sinh

    Hình ảnh những căn nhà đang xây dựng




    Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện Hiệp Nhất Kitô

    Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện Hiệp Nhất Kitô

    Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện Hiệp Nhất Kitô

    ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 25-1-2018, ĐTC đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
     Tuần này đã tiến hành từ ngày 18-1-2018 với chủ đề là câu trích từ sách Xuất Hành (15,6) ”Lạy Chúa, cánh tay Chúa vinh hiển hùng mạnh”.
     Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Gennadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM Bernard Ntahoturi, tân đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo ở Roma. Ngoài ra có hàng chuc sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.
     Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC đã nói đến sự kiện các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, đều có chung một bí tích rửa tội và ngài khẳng định rằng: Khi chúng ta tuyên bố nhìn nhận phép rửa của các tín hữu Kitô thuộc các truyền thống khác, chúng ta tuyên xưng rằng cả họ cũng lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa và ơn thánh của Chúa hoạt động trong họ. Chúng ta đón nhận việc phụng tự của họ như biểu hiện chân thành sự chúc tụng Chúa vì những gì Chúa thực hiện. Vì thế chúng ta muốn cùng nhau cầu nguyện, liên kết tiếng nói của chúng ta, và cả khi những dị biệt chia cách chúng ta, chúng ta nhìn nhận mình thuộc về dân được cứu thoát, thuộc cùng một gia đình anh chị em được Chúa Cha duy nhất yêu thương.
     ĐTC cũng nhắc đến sự kiện Dân Chúa được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, qua Biển Đỏ và tiến qua sa mạc về Đất Hứa, trải qua bao khó khăn trong hành trình. Ngài nói: ”Cả các tín hữu Kitô ngày nay cũng gặp nhiều khó khăn, bị bao nhiêu sa mạc tinh thần vây quanh, làm cho hy vọng và niềm vui của họ bị khô héo. Ngoài ra có bao nhiêu nguy hiểm trầm trọng, đe dọa sinh mạng của họ: bao nhiêu Kitô hữu ngày nay bị bách hại vì danh Chua Giêsu! Bao nhiêu máu đã đổ ra, dù họ thuộc các hệ phái Kitô khác nhau, họ cùng trở thành những chứng nhân đức tin, thành các vị tử đạo, liên kết với nhau trong ơn của bí tích rửa tội. Cùng với nhiều người bạn thuộc các truyền thống tôn giáo khác, các tín hữu Kitô ngày nay đang đương đầu với những thách đố hạ giá nhân phẩm: họ phải trốn chạy trước những tình trạng xung đột và lầm than, cũng như những thứ nô lệ tân thời; chịu cực khổ và đói khát, trong một thế giới ngày càng giàu các phương tiện, nhưng lại nghèo tình thương, trong đó những chênh lệch ngày càng gia tăng. Nhưng cũng như người Israel trong cuộc Xuất Hành, các tín hữu Kitô đang được kêu gọi cùng nhau bảo tồn ký tức về những gì Thiên chúa đã làm cho họ. Phục hồi ký ức đó, chúng ta có thể nâng đỡ nhau và đương đầu với mọi thách đố với lòng can đảm và hy vọng, được võ trang bằng Chúa Giêsu và sức mạnh dịu dàng Tin Mừng của Chúa.“
     Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này (SD 25-1-2018)
     G. Trần Đức Anh OP 

    Đức Giáo hoàng Phanxicô rửa tội cho bé gái bại não ở Lima

    Đức Giáo hoàng Phanxicô rửa tội cho bé gái bại não ở Lima

    Đức Giáo hoàng Phanxicô và bé gái bại não
    23/01/2018 14:42
    Một trong những hoạt động cuối cùng của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Pêru là rửa tội cho bé gái Danielita, một bé gái bị bại não.
    Báo chí Pêru thuật lại lời của những người tình nguyện tại “nhà thánh Phêrô”, là căn nhà chăm sóc bé Danielita, bị cha mẹ bỏ rơi khi chỉ mới được 3 tháng vì bị bệnh hiểm nghèo.
    Nhân viên nhà thánh Phêrô đã ao ước có thể gặp Đức Giáo hoàng từ khi ngài đến Lima, thủ đô Pêru, và đã tìm cách có thể chào ngài bên ngoài tòa sứ thần ở Lima. Những nhân viên tình nguyện kiên nhẫn đứng sau những hàng rào, cùng với Danielita. Cuối cùng khi Đức Giáo hoàng trở vào tòa sứ thần sau Kinh Truyền tin tại quảng trường de Armas, một nhân viên an ninh đã nhìn thấy họ và đưa nhóm nhỏ này đến gặp Đức Giáo hoàng.
    Margarita Navarro, một tình nguyện viên của nhà thánh Phêrô kể: “Khi nhìn thấy chúng tôi, ngay lập tức Đức Giáo hoàng đến gần và hỏi chúng tôi về bé Danielita và cha mẹ của bé đâu. Tôi nói với ngài là em là trẻ mồ côi và chưa được rửa tội. Lúc đó Đức Giáo hoàng đã yêu cầu mang nước đến và ngài đã rửa tội cho em trước mặt chúng tôi.”
    Danielita đã 15 tuổi nhưng vì bị bệnh nên cần được chăm sóc giúp đỡ, là một trong số 29 bệnh nhân, 8 trẻ vị thành niên và 21 người lớn, được đón tiếp và yêu thương tại nhà thánh Phêrô, do Dòng truyền giáo các thánh Tông đồ điều hành. (Sismografo 23/01/2018)
    Hồng Thủy