label

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

THƯ MỤC VỤ Đức Giám Mục Giáo Phận Tháng 3 năm 2018

THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận Tháng 3 năm 2018
THÁNH GIA  
GƯƠNG MẪU CHO CÁC GIA ĐÌNH TRẺ

Anh chị em thân mến,
Hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam về điểm nhấn mục vụ năm 2018 là đồng hành với các gia đình trẻ, giáo phận Long Xuyên, trong tháng ba kính thánh Giuse, được mời gọi thực hiện chương trình tu đức, mục vụ và loan báo Tin Mừng với chủ đề “Thánh Gia là gương mẫu cho các gia đình trẻ” .

Trước hết, chúng ta cùng chiêm ngắm ơn gọi sống cộng đoàn gia đình của một chàng thanh niên tên là Giuse (Mt 1,18-25) và một cô thiếu nữ tên là Maria (Lc 1,26-38) trong Tin Mừng. Ba (03) ý tưởng chính giúp chúng ta suy tư và cầu nguyện: Thứ nhất, Thiên Chúa có chương trình đặc biệt cho chàng thanh niên Giuse và cô thiếu nữ Maria. Chương trình này tập trung vào Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, với tư cách là con của Đức Maria, và là con nuôi của thánh Giuse, để thực hiện lời hứa của Thiên Chúa dành cho ơn cứu độ của toàn thể nhân loại (St 3,15). Thứ Hai, chương trình này được mạc khải cho Thánh Giuse và Mẹ Maria. Với suy tư và cầu nguyện trong bầu khí truyền thống của Do Thái, hai người bạn trẻ khám phá ra lời mời gọi của Chúa và quảng đại đáp lại lời mời gọi ấy. Và thứ ba, kết quả là một cộng đoàn được thành hình với một người chồng cũng là người cha, một người vợ cũng là người mẹ, và một người con, vừa là con của con người vừa là con của Thiên Chúa. Chính trong mối tương quan gia đình này, mà ý định của Thiên Chúa được thực hiện.

Ơn gọi của cộng đoàn thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu phản ánh vẻ đẹp và tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình trong chương trình của Thiên Chúa. Thật vậy, hiện nay, rất nhiều gia đình Công giáo tại Việt Nam đang sống và thể hiện vẻ đẹp này. Đây là vẻ đẹp của Hội Thánh tại gia khi cùng nhau xây dựng gia đình mình thành đền thờ cầu nguyện, thành ngôi nhà sống tình liên đới hiệp thông, và thành nôi ấm để nuôi dưỡng và phát triển sự sống. Kết quả là những gia đình này đã và đang góp phần rất lớn vào đời sống Hội Thánh bằng việc cống hiến cho Hội Thánh những Kitô hữu nhiệt thành và đạo đức, vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Hơn nữa, với sự thánh thiêng của các gia đình, chúng ta xác tín rằng gia đình thực sự là con đường Hội Thánh phải đi, và mọi kế hoạch mục vụ của Hội Thánh phải khởi đi từ gia đình (Đại hội Dân Chúa Việt Nam, 2010).

Tuy nhiên, ngày nay có nhiều hiện tượng của các gia đình làm ta phải quan tâm. Đó là tỷ lệ các gia đình Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, tình trạng bạo hành gia đình tới mức báo động, tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường. Một vài nguyên nhân được đề cập đến. Đây là hệ lụy của tình trạng phát triển xã hội không cân đối giữa những giá trị vật chất và giá trị đạo đức. Đây cũng là hệ quả của tình trạng di dân gây ra cho gia đình nhiều nguy cơ cho tình liên đới trong gia đình. Ngoài ra, tình trạng nghiện ngập (ma túy, rượu chè, cờ bạc) cũng như nạn bạo hành ảnh hưởng trực tiếp lên sự bình an và hạnh phúc của gia đình. Và cũng phải kể đến nguyên nhân từ nền văn hóa đề cao cá nhân đến mức ích kỷ cực đoan, làm suy yếu những mối liên kết trong gia đình. Kết hợp với nền văn hóa đề cao lối sống hưởng thụ, những người trẻ chỉ muốn thụ hưởng chứ không muốn nhận trách nhiệm. Nền văn hóa này biến quan hệ tình dục thành món hàng mua vui, nhìn người khác như dụng cụ cho mình thỏa mãn. Đó cũng là nền văn hóa chủ trương sống vội và người ta chỉ muốn những quan hệ mau qua mà không muốn cam kết lâu dài.

Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ các gia đình vượt qua khó khăn và thử thách, làm mới lại vẻ đẹp của hôn nhân và gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa? Theo tâm thư của HĐGMVN, giáo phận Long Xuyên cùng nhau nỗ lực giúp các gia đình, đặc biệt là các gia dình trẻ, kiến tạo gia đình thành Hội Thánh tại gia, nghĩa là ngôi nhà thờ phượng, mái ấm tình yêu, ngôi trường giáo dục.

Trước hết, gia đình là ngôi nhà thờ phượng với sự hiện diện của Chúa. Việc cầu nguyện chung trong gia đình là điều rất quan trọng với gia đình Công giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn. Với ít lời lẽ đơn sơ, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Niềm vui của tình yêu, 318).

Là mái ấm tình yêu, gia đình được coi là cung thánh của sự sống. Vì thế, các gia đình hãy can đảm dứt khoát với hành động phá thai. Hãy trở thành người xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Trong mái ấm của tình yêu, cần quan tâm đến bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, nhất là với cha mẹ già yếu bệnh. Cũng phải nói đến bổn phận chăm sóc người cao tuổi, vốn là nét đẹp truyền thống trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Gia đình cũng là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản, nhất là về mặt nhân bản, đạo đức và đức tin tôn giáo. Thật vậy, gia đình là môi trường tập sống mối liên hệ với người khác, tập lắng nghe và tôn trọng tha nhân. Về giáo dục đạo đức, chính cha mẹ phải tập cho con những thói quen tốt, hình thành những nguyên tắc và luật lệ trong đời sống, học cách sử dụng tự do cách khôn ngoan và đúng đắn. Ngoài ra, cha mẹ Công giáo, phải rất quan tâm đến giáo dục đức tin. Những giờ kinh gia đình và những việc đạo đức có giá trị tâm linh. Đồng thời, để phát triển đời sống đức tin nơi con cái, cha mẹ cũng cần khuyến khích con tham gia các lớp giáo lý và sinh hoạt đạo đức tại giáo xứ. Một cách cụ thể, giáo phận Long Xuyên, qua các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các tông đồ giáo dân, cụ thể là các giáo lý viên, các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể cùng nhau thực hiện các đề xuất sau đây:

* Sử dụng những bài suy tư Năm Mục Vụ Gia Đình 2018 của UB Gia Đình trực thuộc HĐGMVN hàng tháng để giúp các gia đình trẻ học hỏi, suy tư, cầu nguyện và sống ơn gọi đời sống gia đình.

* Các giáo xứ, giáo họ hay liên xứ hay giáo hạt, được mời gọi thực hiện những đề xuất trong thư mục vụ 2017 của HĐGMVN. Đó là: (1) Cổ võ việc cầu nguyện chung trong gia đình, năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích.  (2) Tổ chức những buổi tĩnh tâm cho các đôi vợ chồng trẻ, kết hợp với việc lãnh nhận bí tích hòa giải. (3) Tổ chức thánh lễ nhân dịp kỷ niệm hôn phối, để tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho đời sống gia đình. (4) Tổ chức những buổi nói chuyện về đề tài cụ thể như: sinh sản và giáo dục con cái, những vấn đề thường gặp sau khi kết hôn, cách giải quyết xung đột trong gia đình. (5) Chia sẻ kinh nghiệm của các đôi vợ chồng đi trước, đặc biệt gương sáng và kinh nghiệm của cha mẹ đôi bên có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với các gia đình trẻ. (6) Sinh hoạt nhóm nhỏ theo mô hình “cộng đoàn Giáo Hội cơ bản”, ở đó các gia đình trẻ có thể chia sẻ và nâng đỡ nhau cách cụ thể.

* Ngoài ra, riêng giáo phận Long Xuyên: (1) Cổ vũ các cộng đoàn giáo xứ giáo họ tổ chức cầu nguyện, làm giờ thánh, lần chuỗi lòng Chúa Thương Xót, lần chuỗi Môi Khôi, và cử hành Thánh Lễ vào những ngày thứ Tư, đặc biệt là thứ Tư đầu tháng để cầu nguyện cho các gia đình trẻ trong cộng đoàn của mình. (2) Thiết lập tòa án Hôn Phối để phục vụ các gia đình, cụ thể là (*) giải quyết những vấn đề hôn phối, đặc biệt là thực hành thủ tục tuyên bố hôn phối vô hiệu theo ơn rộng của ĐGH Phanxicô, và (*) tư vấn hôn nhân và gia đình qua gặp gỡ - điện thoại – email – trang mạng – tập tĩnh tâm. (3) Ban Mục Vụ Gia Đình của giáo phận sẽ tổ chức những cuộc gặp gỡ đặc biệt dành cho các gia đình trẻ trong từng giáo hạt, để cùng trao đổi, suy tư, cầu nguyện và khích lệ nhau sống ơn gọi gia đình.

Anh chị em thân mến,
Chúng ta phó thác các gia đình trong giáo phận cho Thánh Gia, Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, xin các ngài bảo trợ và chăm sóc các gia đình. Và cùng với các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh với lòng sám hối và canh tân. Xin Chúa chúc lành cho giáo phận chúng ta.

+ Giuse Trần Văn Toản                                            + Giuse Trần Xuân Tiếu
         Giám Mục Phó                                          Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên


Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

ĐƯỢC BIẾN HÌNH ĐỔI DẠNG (25.2.2018 – Chúa nhật 2 Mùa Chay, Năm B)

ĐƯỢC BIẾN HÌNH ĐỔI DẠNG 
Lời Chúa: Mc 9, 2-10
Hôm ấy, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Ðức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái”. Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.  Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta Yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Ðức Giêsu với các ông mà thôi.
Ở trên núi xuống, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con Người đã từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
Suy nim:
Ðức Giêsu mê những ngọn núi vắng vẻ,
đó là nơi Ngài gặp gỡ Cha, chìm đắm trong cầu nguyện.
Có nhiều ngọn núi trong cuộc đời Ðức Giêsu:
núi của Bài Giảng về các mối phúc,
núi Tabo nơi Ngài biến hình,
núi Sọ và núi Ôliu nơi Chúa thăng thiên.
Những ngọn núi trở thành cột mốc đánh dấu.
Những ngọn núi đan vào nhau làm nên cuộc hành trình.
Ba môn đệ thân tín được Ngài đưa lên núi Tabo,
để củng cố niềm tin của họ,
trước khi họ thấy Ngài như người bị Cha bỏ rơi
và bị mọi người khai trừ ruồng rẫy trên núi Sọ.
Nhưng vinh quang của núi Tabo
chỉ là một loé sáng bất ngờ và tạm thời,
báo trước vinh quang viên mãn khi Ngài về Thiên Quốc.
Biến hình là một hành động của Thiên Chúa Cha.
Sau khi gặp Cha, Ðức Giêsu được Cha biến hình.
Sự biến đổi này ảnh hưởng đến thân xác và khuôn mặt,
và đến cả y phục của Ngài.
Vinh quang của Con Thiên Chúa làm người vốn bị che khuất,
nay được Cha hé mở cho các môn đệ.
Ông Môsê ngày xưa, sau khi lên núi gặp Ðức Chúa
cũng đã phải che lại khuôn mặt chói lọi của mình.
Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình.
Ðời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa
làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ.
Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình,
như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá.
Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình:
tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa.
Từ khi chịu phép Thánh Tẩy,
chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình,
từ từ và liên tục.
Nếu chúng ta chấp nhận đi vào đường hẹp của Thầy Giêsu
chúng ta sẽ được biến hình đổi dạng
và phản ánh ngời sáng hơn vinh quang Chúa (x. 2Cr 3,18).
Chúng ta phải trở thành điều chúng ta đang là.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi
và xuống núi với Chúa Kitô mỗi ngày.
Cần cảm nếm được sự dịu ngọt và hạnh phúc
khi được chiêm ngắm Chúa Giêsu trên núi cao.
Nhưng cũng phải xuống núi với Chúa
để đi đến nơi hiến mình, nơi phục vụ,
đi cùng và đi sau Chúa Giêsu
đến với Vườn Dầu và Núi Sọ.
Ước gì chúng ta dám đón nhận những gai góc đời thường
và nhìn mọi khổ đau bằng cái nhìn mới mẻ.
Người Kitô hữu lên núi gặp Chúa
để rồi được sai xuống núi hành đạo.
Nhưng xuống núi rồi, lại có khi thấy cần lên núi.
Cầu nguyn:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Những vị nào sẽ được tấn phong Hồng Y trong công nghị sắp tới

Những vị nào sẽ được tấn phong Hồng Y trong công nghị sắp tới? Việt Nam không còn Hồng Y cử tri vào tháng Tư tới.

Theo thông lệ trong quá khứ, năm nào Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tổ chức một công nghị tấn phong (22/2/2014, 14/2/2015, 19/11/2016, 28/6/2017). 



Ngày 6 tháng Ba tới đây, Đức Hồng Y Paolo Romeo, Tổng giám mục hiệu tòa của Palermo, Sicily, đã 80 tuổi, nghĩa là ngài không còn là một “Hồng Y cử tri” nữa, không thể tham gia bỏ phiếu bầu một vị tân giáo hoàng. 

Cho đến tháng Sáu tới đây nhiều vị Hồng Y khác cũng lần lượt quá tuổi bầu Giáo Hoàng. Đó là Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, Ý (ngày 6/2), Đức Hồng Y Keith O'Brien của Scotland (ngày 17/3), Đức Hồng Y Manuel Monteiro de Castro, Bồ Đào Nha (ngày 29/3), Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Việt Nam (ngày 1/4), Đức Hồng Y Angelo Amato, Ý (ngày 8/6).

Như thế, một cách hợp lý, người ta có thể trông đợi Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập một công nghị tấn phong Hồng Y cho ít nhất là 6 vị vào ngày 29 tháng Sáu, lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.

Cũng có khả năng là ngài sẽ tổ chức một công nghị tấn phong Hồng Y vào tháng Mười khi một số Hồng Y trên thế giới tập trung về Rôma để tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về thanh thiếu niên.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô bỏ không tổ chức công nghị tấn phong Hồng Y trong năm 2018, thì lần lượt sẽ có thêm 9 Hồng Y nữa sẽ quá tuổi bầu Giáo Hoàng là các Đức Hồng Y Orlando Beltran Quevedo, Phi Luật Tân; Edwin O'Brien, Hoa Kỳ; Stanislaw DZiwisz, Ba Lan; Gioan Thang Hán, Hương Cảng; Sean Baptist Brady, Ái Nhĩ Lan; Laurent Monsengwo Pasiyna, Cộng hòa Dân chủ Congo; Zenon Grocholewski, Ba Lan; Edoardo Manichelli, Ý; và Telephore Placidus Toppo, Ấn Độ.

Trong Hồng Y đoàn hiện nay, 49 vị Hồng Y (41%) được Đức Phanxicô tấn phong; 52 vị (43%) được Đức Bênêđictô XVI tấn phong; và 19 vị (16%) được Đức Gioan Phaolô II nâng lên hàng Hồng Y.

Việc đoán xem những vị nào có khả năng được tấn phong Hồng Y đã trở nên phức tạp hơn nhiều so với trong quá khứ, khi người ta chỉ đơn giản là lập một danh sách các vị trí chính trong giáo triều Rôma và các tổng giáo phận có tòa Hồng Y trên khắp thế giới nhưng hiện đang được cai quản bởi những vị không phải là Hồng Y.

Với Đức Phanxicô, điều đó không dễ dàng chút nào, bởi vì ngài có khuynh hướng gây ngạc nhiên - bỏ qua các trung tâm quyền lực Giáo hội và vươn tới các vùng “ngoại vi.” Cho đến nay, ngài đã tấn phong Hồng Y cho 15 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y như Miến Điện, Cộng hòa Trung Phi, Bangladesh và Tonga.

Tuy nhiên, cũng có một vài vị xem ra có nhiều triển vọng. Người được xem là ứng cử viên sáng giá nhất là Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria của Tây Ban Nha được bổ nhiệm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin vào năm 2017. Ngài cũng là một tu sĩ dòng Tên, như Đức Giáo Hoàng.

Người thứ hai là Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào cuối năm 2017. Paris là một trong những giáo phận lớn trên thế giới và vị Tổng Giám Mục thủ đô nước Pháp có vai trò lãnh đạo trong toàn thể Giáo hội nói tiếng Pháp.

Người thứ ba là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine. Việc bổ nhiệm này có vẻ gần như hiển nhiên, vì Đức Hồng Y Lubomyr Husar, người giữ chức vụ này, đã qua đời vào năm 2017. Hơn nữa, việc lựa chọn Đức Tổng Giám Mục Shevchuck xem ra có thể giúp xoa dịu những chỉ trích về thái độ của Vatican đối với quốc gia này. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đến nay vẫn còn là một nghi ngại đối với người Ukraine là quốc gia đang bị Nga xâm lược.

Đặng Tự Do (VCN)

LỄ GIỖ ĐẦU CỦA ĐỨC CỐ GIÁM MỤC “CHÚT XÍU”

LỄ GIỖ ĐẦU CỦA ĐỨC CỐ GIÁM MỤC “CHÚT XÍU”


          Với tất cả tâm tình, quý Đức cha, quý linh mục, tu sĩ nam nữ, gia đình và bạn bè con cái thân hữu xa gần của Đức cố giám mục Giuse Vũ Duy Thống – giám mục “Chút Xíu” đã quy tụ về ngôi thánh đường Vinh Sơn, đường 3 tháng 2 để dâng thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cha “Chút Xíu” nhân dịp giỗ đầu. Không thương sao được “Chút Xíu” vì “Chút Xíu” quá dễ thương để rồi hôm nay là ngày quy tụ rất đông những người thương của “Chút Xíu”.
          Có thể nói, Ban tổ chức thánh lễ giỗ đầu của “Chút Xíu” hôm nay do Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức thánh lễ rất “văn hóa”.  Chúng tôi nhận thấy từ khâu đón tiếp đến tất cả các việc liên quan đến thánh lễ được chuẩn bị hết sức chu đáo đến mức trọn vẹn nhất có thể.

          Từ rất sớm ngày 24 tháng 2 năm 2018, góc đường 3 tháng 2 gần Hồ Kỳ Hòa nhộn nhịp hơn bởi lượt người về với Vinh Sơn thật đông đảo.
          Gần đến giờ Lễ, cộng đoàn hân hoan chào đón sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Đức cha Giuse phụ tá Đỗ Mạnh Hùng và cha Tổng đại diện giáo phận Sài Gòn.
10g 00, đoàn đồng tế cất bước lên bàn thờ.


          Chủ tế thánh lễ giỗ cầu nguyện cho đức giám mục “Chút Xíu” là Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng giám mục giáo phận Sài Gòn. Cùng đồng tế với Đức Tổng có Đức cha Giuse phụ tá giáo phận Sài Gòn, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh và các giám mục khác nữa thuộc giáo tỉnh Sài Gòn. Và đặc biệt, có sự hiện diện của Đức ông Barnabe Nguyễn Văn Phương đến từ giáo phận Vĩnh Long.

         
Trong bài chia sẻ, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân – giám mục giáo phận Đà Nẵng đã mời gọi cộng đoàn về ý nghĩa của thánh lễ giỗ hôm nay : thánh lễ của sự gặp gỡ trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh. Thánh lễ hiệp nhất của tình huynh đệ giám mục, linh mục tu sĩ, và gia đình của Đức cha cố Giuse. Thánh lễ của sự gặp gỡ và niềm hy vọng vào sự sống lại trong Đức Kito. Xin Chúa ban ơn cho chúng ta trong hành trình sống ơn gọi Kitô hữu.

          Sau đó, dựa vào bài tin mừng 2 môn đệ làng Emmau quen thuộc, Đức cha Giuse mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại đời sống và niềm tin của các môn đệ. Các môn đệ không hiểu và lo lắng cho một tương lai bất ổn … còn ai để nâng đỡ cho họ. Phải chăng còn một sự lựa chọn duy nhất là trở về với quê hương. Điều 2 môn đệ không ngờ là Đức Giêsu phục sinh đã hiện diện và nâng đỡ đời họ. “Xin Thầy ở với chúng tôi vì trời đã xế chiều”. Và Chúa đã ở lại và hiện diện với họ. Đức Giêsu phục sinh đã biến đổi đời họ làm chứng nhân tin mừng phục sinh. Chúng ta cùng hiệp với tâm tình 2 môn đệ trên đường Emmau để nhìn lại cuộc đời của Đức cha cố Giuse.

          Tiếp đến, Đức cha Giuse gợi lại với cộng đoàn hình ảnh thân thương và những điểm son của cuộc đời Đức cha cố Giuse. Đức cha Giuse mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại cuộc đời của Đức cha cố Giuse gắn liền với khẩu hiệu mà ngài đã chọn : Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi.
          Để kết, Đức cha Giuse mời gọi cộng đoàn hy vọng lòng thương xót của Chúa và xin Chúa cho Đức cha cố mau hưởng nhan Thánh Chúa.

          Lời nguyện kết lễ kết thúc, cha Giuse Trịnh Tín Ý – Cha chính xứ Vinh Sơn cũng là cha thư ký Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xin phép cộng đoàn để cha ngỏ chút tâm tình với Đức cha cố Giuse.
          Cha Giuse ngỏ với cộng đoàn rằng thánh lễ này không để hình Đức cha cố Giuse vì nghĩ rằng ngài như hạt lúa gieo vào lòng đất và giờ trở thành phân bón, thành chất để cho giáo phận Phan Thiết sinh nhiều hoa trái.
          Hết sức dễ thương khi cộng đoàn cùng nhau hát bài “Ba ngọn nến lung linh” để diễn tả tình thương trong một gia đình.

          Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh ngỏ đôi lời cảm ơn Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức thánh lễ này vì gần tới đây các đức cha đi Roma để viếng mộ 2 Thánh. Đức Tổng ngỏ lời khen ban tổ chức tổ chức đúng nghĩa với cái tên “văn hóa” của mình.
“Một chút những viên đá nhỏ hợp thành ngọn núi lớn

Một chút những bước chân đi xa về muôn lối 

Một chút những phút ủi an dịu xoa ngàn nỗi sầu 

Chỉ một chút khởi đầu tương lai sẽ đẹp màu 

Một chút trong đời chỉ một chút chút xíu thôi 

Nhiều chút chút bé nhỏ mà làm cho đời thêm mới 

Một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời…” chính là tâm tình hết sức dễ thương của Đức cố giám mục Giuse để lại cho mọi người và cộng đoàn cùng cất lên để kết thúc thánh lễ giỗ đầu của đức giám mục “Chút Xíu” sáng hôm nay.
          Và sau khi thánh lễ khép lại, mọi người được nghe ca đoàn hết sức tâm tình gửi đến cộng đoàn với tác phẩm của đức cố giám mục Giuse Thông Vi Vu : “Bài ca lửa cháy”.

          Sau thánh lễ, mọi người đã cùng nhau dùng bữa cơm thân mật diễn tả tình hiệp thông huynh đệ với nhau, Trong bữa cơm, hình ảnh thân thương, những sẻ chia, những tâm tình của đức cố giám mục Giuse được gợi lại như nhắc nhớ những kỷ niệm thân thương mà mọi người vẫn nhớ đến đức cha. Đức cha tuy không còn hiện diện bằng xương bằng thịt nhưng trong mầu nhiệm Hội thánh hiệp thông, đức cha hiện diện rất gần với mỗi người. Hy vọng và vững tin khi đức cha ở gần Chúa, đức cha sẽ chuyển cầu cho những người ở lại, trong đó có bỉ nhân đây được nhiều ơn Chúa để bỉ nhân và mọi người đi trọn hành trình làm người và làm con Chúa như đức cố giám mục Giuse.

          Xin đức cha thương và cầu nguyện đặc biệt cho kẻ mọn này. Hẹn gặp đức cha trên Nước Trời. 











Người Giồng Trôm
         

THÁNH LỄ NHẬN CHỨC TÂN GIÁM ĐỐC TIỀN CHỦNG VIỆN TÊRÊSA, AN CHÂU

THÁNH LỄ NHẬN CHỨC TÂN GIÁM ĐỐC TIỀN CHỦNG VIỆN TÊRÊSA, AN CHÂU

Sáng ngày 23/02/2018, Quý Đức cha, cha Tổng đại diện, cha đại diện giám mục và quý cha đã đến Nhà Dự tu Terêsa, An Châu để dâng thánh lễ nhận chức của cha Tân giám đốc Tiền Chủng viện Têrêsa Vinhsơn Đinh Việt Hùng.


Tham dự thánh lễ có sự hiện diện của các quý chức và một số giáo dân thuộc giáo xứ Ngọc Thạch, nơi cha Vinhsơn đã coi sóc trong hơn 8 năm qua. Trên khuôn mặt của mọi người vẫn thoáng hiện lên nỗi buồn vì họ phải chia tay cha nguyên chánh xứ, người mà giáo dân rất mến mộ bởi cuộc sống đạo đức, giản dị và đặc biệt là những bài chia sẻ Lời Chúa rất sâu lắng và dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên, giáo dân rất cũng vui mừng bởi từ hôm nay, cha sẽ bắt đầu với sứ vụ mới: đào tạo cho Chúa những linh mục như lòng Chúa mong ước, một sứ vụ rất cao cả nhưng cũng không kém phần nặng nề và nhiều bỡ ngỡ. Bỡ ngỡ như Mẹ Maria khi được sứ thần truyền tin, như Samuel khi được Chúa gọi… và còn nhiều bỡ ngỡ như những chia sẻ trong lời cám ơn của cha .

Chúng ta cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với cha trong sứ vụ mới, để cha có nghị lực và ơn khôn ngoan trong việc đào tạo ơn gọi cho giáo phận. Xin chúc mừng các chú dự tu Nhà Têrêsa có cha giám đốc mới, người sẽ đồng hành và giúp các chú biện phân ơn gọi.