label

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Sứ điệp Video ĐGH gửi các bạn trẻ Scholas Occurentes

Sứ điệp Video ĐGH gửi các bạn trẻ Scholas Occurentes

Trong sứ điệp Video gửi các bạn trẻ tham dự cuộc gặp gỡ của tổ chức Scholas Occurentes ở Buenos Aires, Argentina, hôm 29-10-2018, ĐTC đặc biệt nhắn nhủ họ luôn nhớ đến căn cội, nguyên quán và căn tính của mình.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
 Trong sứ điệp, ĐTC khẳng định rằng ”Mỗi căn tính có một lịch sử. Và vì nó có một lịch sử, nên nó cũng có căn cội. Căn tính của tôi đến từ một gia đình, một đất nước, một cộng đoàn. Các bạn không thể nói về căn tính mà không nói mình thuộc về đâu, xuất xứ thế nào”.
 Nguy hiểm khi quên lịch sử của mình
 ĐTC cũng nhận xét rằng ”Nguy hiểm thường xảy ra ngày nay là khi căn tính quên đi lịch sử của mình, không cởi mở đối với sự khác biệt trong cuộc sống chung hiện nay, nhìn tha nhân với nỗi sợ hãi, coi họ như kẻ thù, và thế là chiến tranh bắt đầu.. Vì lý do đó, để căn tính không trở nên bạo lực, độc đoán, phủ nhận sự khác biệt, thì luôn luôn cần gặp gỡ với tha nhân, cần đối thoại, cần tăng trưởng trong mỗi cuộc gặp gỡ, cần nhớ mình thuộc về đâu, đâu là căn cội của mình”.
 Scholas Occurentes là gì?
 Scholas occurentes là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, một liên mạng các trường học, nhắm liên kết các trường học trên thế giới và cộng tác với các cộng đồng giáo dục, được ĐTC Phanxicô đặc biệt nâng đỡ. Tổ chức này bắt nguồn từ năm 2001 tại giáo phận Buenos Aires của ĐTC Phanxicô, và nay có trụ sở trung ương này tại khu vực San Calisto thuộc lãnh thổ quốc gia thành Vatican. Ngoài trụ sở này, ngày 12-5 năm nay, qua Video viễn liên, ĐTC đã khánh thành 3 trụ sở mới tại Argentina, Mozambique và Colombia (Rei 29-10-2018)

Thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thứ 15 về giới trẻ

Thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thứ 15 về giới trẻ

Lúc 10 giờ sáng chúa nhật 28-10, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tạ ơn bế mạc Thượng HĐGM. Vì trời mưa gió, nên lễ được cử hành bên trong Đền thờ thánh Phêrô, đông chật 9 ngàn tín hữu và hàng ngàn người khác dự lễ qua màn hình ở quảng trường bên ngoài.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
 Đồng tế với ĐTC có các nghị phụ, trong đó có 50 Hồng Y, 6 vị Thượng Phụ, phần lớn còn lại là các GM đại biểu của các HĐGM cùng với một số LM, trong đó có 10 vị do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên và 10 vị do ĐTC bổ nhiệm. Hơn 40 dự thính viên ngồi tại những hàng ghế gần bàn thờ.
 Bài đọc thứ I bằng tiếng Anh trích từ sách Ngôn Sứ Giêrêmia (31,7-9) do anh Cao Hữu Minh Trí, dự thính viên thuộc giáo phận Sàigòn, tuyên đọc.
 Bài giảng của ĐTC
 Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào trình thuật Tin Mừng theo thánh Marco về việc Chúa Giêsu chữa lành anh Bartimeo bị mù bẩm sinh, ĐTC đã rút ra 3 bài học từ thái độ của Chúa Giêsu, đó là lắng nghe, trở nên gần gũi và làm chứng, để áp dụng vào hành trình Thượng HĐGM vừa chấm dứt và hành trình tiếp sau đó.
 Lắng nghe
 Trước hết Chúa Giêsu đã lắng nghe tiếng kêu của anh mù Bartimeo nằm một mình bên vệ đường, không được yêu thương, bị bỏ rơi. Anh ta mù và không có ai nghe anh. Chúa Giêsu lắng nghe tiếng kêu của anh. Và khi gặp anh, Ngài để anh ta nói và anh đã xin cho mình được thấy. ĐTC nói:
 Đó bước đầu tiên để giúp hành trình đức tin là lắng nghe. Đó là tông đồ bằng tai: lắng nghe trước khi nói.
 Trái lại, nhiều người ở với Chúa Giêsu đã khiển tránh anh Bartimeo để anh im đi (Xc v.48). Đối với các môn đệ này, kẻ túng quẫn là người gây xáo trộn trên đường, một sự bất ngờ xảy trong chương trình định trước. Họ thích thời kỳ của họ hơn là thời kỳ của Thầy, thích lời nói của họ hơn là nghe người khác.. Trái lại, đối với Chúa Giêsu, tiếng kêu của người cầu cứu không phải là điều làm phiền, cản trở bước đường, nhưng là một yêu cầu sinh tử. Đối với chúng ta, thật là quan trọng dường nào khi lắng nghe cuộc sống! Các con của Cha trên trời lắng nghe anh em mình: không nghe những chuyện tầm phào vô ích, nhưng nghe những nhu cầu của tha nhân...
 Trong chiều hướng trên đây, ĐTC đã nhân danh tất cả những người lớn xin lỗi những người trẻ vì - ngài nói - nhiều khi ”chúng tôi đã không lắng nghe các bạn.. Trong tư cách là Giáo Hội của Chúa Giêsu, chúng tôi muốn lắng nghe các bạn với tình yêu thương, xác tín chắc chắn về hai điều: thứ I, cuộc sống của các bạn là quí giá đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa trẻ trung và yêu thương người trẻ; thứ hai cuộc sống của các bạn là quí giá đối với chúng tôi, cần thiết để tiến bước”.
 Đồng hành trong đức tin
 Sau khi lắng nghe, bước thứ hai là để đồng hành trong đức tin là trở nên gần gũi. Chúa Giêsu hỏi anh mù: Anh muốn gì? Anh muốn tôi làm gì cho anh? Làm chứ không phải chỉ nói mà thôi. Chúa đặt mình trong tư thế của Bartimeo, không xa cách những mong đợi của anh. Đó là cách thức hành động của Thiên Chúa; đích thân can dự trong tình yêu thương đặc biệt đối với mỗi người. Trong cách hành động của Ngài, Ngài thông truyền sứ điệp, và nhờ đó đức tin nảy mầm trong cuộc sống... đức tin là sự sống. Chúng ta không thể là những người duy đạo lý hoặc duy hành động; chúng ta được kêu gọi thi hành công việc của Chúa cho thế giới của Thiên Chúa, trong sự gần gũi, gắn bó với Chúa, hiệp thông giữa chúng ta, gần gũi các anh chị em..
 Làm chứng
  ”Bước thứ ba là làm chứng. Chúng ta hãy nhìn các môn đệ gọi anh mù Bartimeo: họ không đến gặp anh đang ăn xin, với một đồng tiền nhỏ hoặc ban cho anh những lời khuyên; họ đến nhân danh Chúa Giêsu, nói với anh ba lời của Chúa: ”Can đảm lên, hãy đứng lên, Người gọi anh kìa!” (v.49).
 ĐTC giải thích: ”Chờ đợi những người anh em đang tìm kiếm đến gõ cửa của chúng ta, đó không phải là điều hợp với tinh thần Kitô; chúng ta phải đi đến gặp họ, không mang bản thân chúng ta, nhưng mang Chúa Giêsu. Chúa sai chúng ta, như những môn đệ ấy, nhân danh Chúa khích lệ và nâng đỡ dậy. Chúa sai chúng ta nói với mỗi người: ”Thiên Chúa yêu cầu bạn hãy để cho Ngài yêu thương bạn”. Bao nhiêu lần thay vì mang sứ điệp giải thoát ấy, chúng ta đã mang chính mình, mang những công thức, những nhãn hiệu trong Giáo Hội! Bao nhiêu lần thay vì đón nhận lời Chúa, chúng ta coi những ý tưởng của chúng ta là Lời Chúa! Bao nhiêu lần dân chúng cảm thấy gánh nặng của các cơ cấu tổ chức của chúng ta hơn là sự hiện diện thân hữu của Chúa Giêsu! Thế là chúng ta trở thành một tổ chức phi chính phủ, không phải là cộng đoàn những người được cứu độ sống niềm vui của Chúa”.
 Lời cám ơn của ĐTC
 Trong phần kết của bài giảng, ĐTC cám ơn tất cả những người đã tham dự vào cuộc đồng hành với nhau, cám ơn vì chứng tá của mọi người. Ngài nói: ”Chúng ta đã làm việc trong tình hiệp thông và thẳng thắn, với ước muốn phụng sự Thiên Chúa và dân của Ngài. Xin Chúa chúc lành cho những bước đường của chúng ta để chúng ta có thể lắng nghe những người trẻ, trở nên gần gũi và làm chứng cho họ niềm vui cuộc sống của chúng ta là Chúa Giêsu. (Rei 28-10-2018)

Photogallery

Những hình ảnh Thượng HĐGM

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy. (28.10.2018 Chúa Nhật 30 TN năm B)

Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy. (28.10.2018 Chúa Nhật 30 TN năm B)


  •  
  •  
  •  
Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy. (28.10.2018 Chúa Nhật 30 TN năm B)
Tin Mừng: Mc 10, 46-52

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng : “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” Đức Giê-su đứng lại và nói : “Gọi anh ta lại đây !” Người ta gọi anh mù và bảo : “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. Người hỏi : “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh mù đáp : “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói : “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.


Suy niệm:

Con mắt là một bộ phận hết sức mong manh,
dễ bị tổn thương, dễ bị nhiễm trùng,
nhất là trong điều kiện vệ sinh ngày xưa.
Chúng ta không rõ nguyên nhân khiến anh Báctimê bị mù,
chỉ biết anh không mù từ lúc lọt lòng mẹ.
Anh đã từng được thưởng thức ánh nắng ban mai
hay nhìn ngắm những người thân yêu, bè bạn.
Bây giờ chỉ có bóng tối triền miên.
Anh Báctimê sống bằng nghề hành khất,
ngồi ăn xin bên vệ đường, sống bên lề xã hội.
Danh tiếng của Ðức Giêsu Nadarét, anh đã được nghe nhiều.
Ngài có thể làm người mù bẩm sinh sáng mắt.
Anh tin vào Ngài, thầm mong có ngày được gặp.

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc hạnh ngộ ấy.
Rất tình cờ, Ðức Giêsu đi ngang qua đời anh.
Anh mù lòa, ngồi đó như chỉ chờ giây phút này.
Khi nghe biết là Ðức Giêsu cùng với đám đông đi qua,
anh thấy cơ may đã đến.
Tất cả sức mạnh của anh nằm ở tiếng kêu,
tiếng kêu thống thiết bi ai của một người đau khổ,
nhưng cũng là tiếng kêu đầy tin tưởng, hy vọng.

“Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít, xin thương xót tôi!”
Tiếng kêu báo hiệu một sự hiện diện, một cầu cứu.
Nhiều người muốn bịt miệng anh,
nhưng anh chẳng sợ gì đe dọa.
Càng bị đe dọa, anh càng gào to hơn nhiều.
Cuối cùng tiếng của anh đã đến tai Ðức Giêsu.
Ngài dừng lại và sai người đi gọi anh,
vì Ngài cũng chưa rõ anh đang ở đâu.
Khi biết mình được gọi, anh vội vã và vui sướng
vất bỏ cái áo choàng vướng víu,
nhẩy cẫng lên mà đến với Ðức Giêsu.
Anh đi như một người đã sáng mắt,
bởi thực ra mắt của lòng anh đã sáng rồi.
Khi được khỏi, lòng tin của anh thêm mạnh mẽ hơn.
Anh thấy lại mặt trời, anh gặp Ðấng cho anh ánh sáng.
Không ngồi ở vệ đường nữa, anh đứng lên đi theo Ðức Giêsu.

“Xin thương xót tôi. Xin cho tôi nhìn thấy lại”.
Ðây có phải là tiếng kêu của tôi không?
Khả năng thấy là một khả năng mỏng dòn.
Ta có thể thấy điều này mà không thấy điều kia.
Tôi có thể lúc thấy lúc không, hay cố ý không muốn thấy.
Lắm khi tôi không đủ sức để ra khỏi sự mù lòa của mình.
Tôi có kêu gào với Chúa để xin được ơn thấy lại không?
Một người mù chữ, dù đã được xóa mù, vẫn có thể mù lại.
Chính vì thế tôi cứ phải xin cho mình được thấy luôn.
Thấy mình bé nhỏ, thấy Chúa bao la, thấy anh em dễ mến.
Thấy là đi vào một con đường dài hun hút.
Chúng ta phải được Chúa xóa mù suốt đời.
Chỉ trong ánh sáng của Chúa, tôi mới nhìn thấy ánh sáng.

Cầu nguyện:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu giãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Nhận ra mình tội lỗi là bước đầu tiên để nhận biết Chúa Giêsu

ĐTC Phanxicô: Nhận ra mình tội lỗi là bước đầu tiên để nhận biết Chúa Giêsu

Nhận biết chúng ta là những kẻ tội lỗi và nhận biết tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, để không là “những Kitô hữu chỉ bằng lời nói”. Đó là lời mời gọi của ĐTC Phanxicô trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng thứ năm, 25.10.2018.
Hồng Thủy - Vatican
Đối với bạn, Chúa Giêsu Kitô là ai? Trong bài giảng, ĐTC Phanxicô đã đặt câu hỏi này với các tín hữu hiện diện. Nếu ai đó hỏi chúng ta “Chúa Giêsu Kitô là ai”, chúng ta có lẽ sẽ trả lời theo những điều chúng ta đã học: Người là Đấng Cứu độ thế gian, là Con Thiên Chúa, những điều mà “chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính, nhưng khó hơn một chút là trả lời câu hỏi Chúa Giêsu Kitô là ai “đối với tôi”. Đây là câu hỏi khiến chúng ta hơi bối rối, bởi vì để trả lời nó, “tôi phải đi vào trái tim của mình”, nghĩa là từ kinh nghiệm của tôi.
Thánh Phaolô khởi đi từ chính kinh nghiệm của mình
Thật vậy, thánh Phaolô nôn nóng muốn nói cho các tín hữu biết rằng ngài đã biết Chúa Giêsu Kitô qua kinh nghiệm của ngài khi ngã từ lưng ngựa xuống, khi Chúa Giêsu nói với con tim của ngài. Thánh nhân không biết Chúa Kitô từ những nghiên cứu thần học, ngay cả nếu sau đó ngài đã đi tìm xem Thánh kinh loan báo về Chúa Giêsu thế nào.
Điều mà thánh Phaolô đã nghe, ngài muốn rằng các Kitô hữu chúng ta cũng được nghe. Trả lời cho câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra cho ngài: “Phaolô, Chúa Kitô là ai đối với ngài?”, thánh nhân sẽ trả lời bằng chính kinh nghiêm của mình, cách đơn giản: “Người đã yêu tôi và đã nộp chính mình vì tôi”. Thánh nhân đã gắn kết với Chúa Kitô, Đấng đã đền tội cho ngài và ngài muốn rằng các Kitô hữu – trong trường hợp này là các Kitô hữu giáo đoàn Êphêsô – cũng có kinh nghiệm này, đi vào kinh nghiệm này cho đến độ mỗi người có thể nói: “Người đã yêu tôi và phó mình vì tôi”, nhưng nói điều này bằng chính kinh nghiệm của mình.
Được chọn vì tình yêu nhưng là kẻ tội lỗi
Trong bài đọc thứ nhất trong Thánh lễ hôm nay trích từ thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô (Ep 3,14-21), thánh tông đồ Phaolô nói: “được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, anh em đủ sức hiểu thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu và nhận biết tình thương của Đức Kitô là tình thương vượt quá sự hiểu biết, để anh em được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.”
Chúng ta có thể đạt được kinh nghiệm mà thánh Phaolô có với Chúa Giêsu bằng cách đọc Kinh Tinh Kính nhiều lần, nhưng cách tốt nhất để có kinh nghiệm này chính là nhận biết mình là người tội lỗi: đó là bước đầu tiên. Thật sự khi thánh Phaolô nói rằng Chúa Giêsu đã nộp mình vì ngài, thánh nhân muốn nói rằng Chúa Kitô đã đền tội cho ngài và ngài kể lại trong các thư của ngài. Bởi thế, định nghĩa đầu tiên mà thánh nhân nói về mình chính là “một người tội lỗi”, bởi vì ngài đã bách hại các Kitô hữu, và ngài khởi đi từ chính việc “được chọn vì yêu thương, nhưng là kẻ tội lỗi”.
Bước đầu tiên để biết Chúa Kitô, để đi vào mầu nhiệm này chính là nhận biết tội của chính mình, những tội lỗi của chính mình, Trong bí tích hòa giải chúng ta xưng các tội của chúng ta nhưng bên cạnh việc xưng các tội, còn có việc nhận ra mình là người tội lỗi tự bản chất, có khả năng làm bất cứ điều gì đó, nhận ra mình nhơ bẩn. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm đau thương này, kinh nghiệm rằng mình cần được cứu đô, kinh nghiệm rằng có người đã đền thay cho ngài để ngài được quyền xưng mình là “con Thiên Chúa”: tất cả chúng ta là con Thiên Chúa nhưng nói điều này, cảm thấy điều này, cần sự hy sinh của Chúa Kitô. Do đó, nhận ra mình tội lỗi cách cụ thể và xấu hổ về chính mình.
Biết Chúa Giêsu nhưng không phải chỉ là Kitô hữu bằng lời nói
Bước thứ hai để nhận biết Chúa Giêsu: đó là sự chiêm ngắm, cầu nguyện để xin nhận biết Chúa Giêsu. Có một kinh nguyện rất hay của một vị thánh: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”: biết chính mình và biết Chúa Giêsu. Ở đây thánh nhân nói về một mối tương quan cứu độ. Đừng hài lòng với việc mình nói 3 hay 5 điều đúng về Chúa Giêsu, bởi vì biết Chúa Giêsu là một cuộc phiêu lưu khám phá, một cuộc phiêu lưu nghiêm chỉnh, chứ không cuộc phiêu lưu của một thiếu niên, bởi vì tình yêu của Chúa Giêsu thì không giới hạn.
Chính thánh Phaolô nói: “Người có toàn quyền để làm nhiều hơn những gì chúng ta có thể cầu xin hay nghĩ tới. Người có quyền năng để làm điều đó. Nhưng chúng ta phải xin Người. “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa; xin cho khi con nói với Chúa, con không nói những lời như con vẹt, nhưng nói những lời xuất phát từ kinh nghiệm của con”, và như Phaolô nói: “Ngài đã yêu tôi và phó mình vì tôi” và nói với sự xác tín và thuyết phục”. Đây là sức mạnh của chúng ta, đây là chứng tá của chúng ta. Các Kitô hữu của lời nói thì chúng ta có rất nhiều; cả chúng ta cũng thể, nhiều lần chúng ta cũng là Kitô hữu chỉ bằng lời nói như thế. Điều này không phải là sự thánh thiện; sự thánh thiện là trở nên Kitô hữu, những người thực hành trong đời sống điều mà Chúa Giêsu đã dạy và điều mà Chúa Giêsu đã gieo trong tâm hồn họ.
Mỗi ngày hãy cầu nguyện xin biết Chúa Giêsu và biết chính chúng ta
Có hai bước để biết Chúa Giêsu. Bước thứ nhất, biết chính mình: là những người tội lỗi, tội lỗi. Nếu không biết điều này và không có sự xưng thú nội tâm rằng mình là một người tội lỗi, thì chúng ta không thể tiến bước. Bước thứ hai là cầu nguyện với Chúa, Đấng với quyền năng của Người có thể làm cho chúng ta biết được mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Đấng là lửa mà Chúa Cha mang đến thế gian. Thật là một thói quen tốt đẹp nếu mọi ngày, trong vài giây phút, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con.” Và như thế chúng ta sẽ tiến bước.

ĐTC tiếp Tổng tu nghị Dòng Thương Khó

ĐTC tiếp Tổng tu nghị Dòng Thương Khó

ĐTC khuyến khích các tu sĩ dòng Thương Khó trở thành những thừa tác viên sự chữa lành tâm linh và hòa giải là những điều rất cần thiết trong thế giới ngày nay.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
 Ngài đưa ra lời mời gọi trên trên trong buổi tiếp kiến sáng 22-10-2018 dành cho 100 thành viên Tổng tu nghị dòng Thương Khó, đang tiến hành tại Roma từ ngày 6 đến 27-10 tới đây về chủ đề: ”Canh tân sứ vụ của chúng ta: biết ơn, ngôn sứ và hy vọng”.
 Đoàn sủng và sự thánh thiện của Thánh Phaolô Thánh Giá
 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến đoàn sủng và linh đạo của Thánh Phaolô Thánh Giá vị sáng lập dòng Thương Khó. Thánh Nhân nói với các anh em cùng dòng rằng ”Ước gì sự thương khó của Chúa Giêsu Kitô luôn ở trong tâm hồn chúng ta” và Người muốn các cộng đoàn của dòng là những trường dạy cầu nguyện, trong đó các tu sĩ có thể cảm nghiệm về Thiên Chúa. Sự thánh thiện của thánh Phaolô Thánh Giá được sống giữa những tối tăm và sầu muộn, nhưng cũng với niềm an vui đánh động tâm hồn những người thánh nhân gặp gỡ”.
 Phục vụ sự chữa lành tâm linh và hòa giải
 Và ĐTC nhắn nhủ các tu sĩ của dòng rằng: ”Tôi khuyến khích anh em hãy là những người phục vụ sự chữa lành tâm linh và hòa giải rất cần thiết trong thế giới ngày nay, vốn mang đậm những vết thương cũ và mới. Hiến pháp dòng mời gọi anh em hãy dồn hết bản thân cho việc ”loan báo Tin Mừng và tái truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc, đặc biệt ưu tiên cho những người nghèo ở những nơi bị bỏ rơi nhất” (HP số 70)
 Đi tới các khu ngoại ô của cuộc sống
 ĐTC nói thêm rằng: ”Giáo Hội ngày nay cảm thấy tiếng gọi mạnh mẽ hãy ra khỏi mình và đi tới những miền ngoại ô về địa lý cũng như về hiện sinh. Sự dấn thân của anh em bao gồm cả những biên cương mới của sứ vụ truyền giáo, không những có nghĩa là anh em đi tới những vùng lãnh thổ mới để loan báo Tin Mừng, nhưng còn đương đầu với những thách đố mới của thời đại chúng ta, như hiện tượng di dân, trào lưu tục hóa, và thế giới kỹ thuật số. Điều này có nghĩa là hiện diện trong những hoàn cảnh nơi mà người ta cảm thấy sự vắng bóng của Thiên Chúa, và anh em tìm cách gần gũi, bằng bất cứ cách thức và hình thức nào với những người đang chịu đau khổ”.
 Dòng Thương Khó
 Dòng Thương Khó được thành lập năm 1720 và theo niên giám năm nay của Tòa Thánh (2018) hiện có 1964 tu sĩ trong đó có 1540 LM hoạt động tại 361 nhà.
 Như ĐTC đã nhận xét trong bài huấn dụ, trong Tổng tu nghị hiện nay, ngoài việc bầu ban lãnh đạo mới của dòng, còn tìm cách thực hiện một hành trình mới trong việc thường huấn cho các các cộng đoàn, hành trình này ăn rễ trong kinh nghiệm của đời sống thường nhật; ngoài ra, Tổng tu nghị muốn thực hiện một sự phân định về phương pháp mục vụ đối với các thế hệ trẻ”. (Rei 22-10-2018)

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Con Người hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (21.10.2018 Chúa Nhật 29 TN năm B)

Con Người hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (21.10.2018 Chúa Nhật 29 TN năm B)


  •  
  •  
  •  
Con Người hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (21.10.2018  Chúa Nhật 29 TN năm B)
Tin Mừng:  Mc 10, 35-45
Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi : “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?” Các ông thưa : “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giê-su bảo : “Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?” Các ông đáp : “Thưa được.” Đức Giê-su bảo : “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Suy niệm:
Ghế tượng trưng cho địa vị, quyền lực và quyền lợi,
nên ghế là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Ghế trưởng phòng, ghế giám đốc, ghế đại biểu...
Tất cả nỗ lực dồn vào việc có một ghế,
sau đó là giữ ghế, hay tìm cách lên ghế cao hơn.

Ngay cả những người đã bỏ mọi sự để theo Chúa
cũng bị ám ảnh bởi những chiếc ghế danh dự.
Chính lúc Ðức Giêsu nói đến cái chết gần kề của mình,
thì Gioan và Giacôbê lại xin được ngồi hai bên tả hữu.
Có vẻ họ không bắt được tần số của Thầy!
Thanh tẩy mình khỏi tội lỗi không khó lắm.
Nhưng thanh tẩy mình khỏi nhân đức và công trạng của mình
thì khó hơn bội phần.

Hai môn đệ đã từ bỏ những điều rất cao quý,
nhưng bây giờ lại muốn kiếm chút lợi lộc
từ chính sự từ bỏ và phục vụ của mình.
Họ dám lên tiếng đòi hỏi Ðức Giêsu:
“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con điều chúng con xin”.
Thái độ bực tức của mười môn đệ còn lại
có thể bắt nguồn từ một sự ganh tỵ ngấm ngầm.
Nhiều môn đệ cũng ước mơ hai ghế tả hữu.

Ðức Giêsu kéo hai ông ra khỏi tham vọng và đam mê
để đưa họ trở về với thực tại gai góc sắp đến.
Họ muốn được chung phần với Ngài trong vinh quang,
nhưng liệu họ có dám chia phần với Ngài trong đau khổ?
Uống chung chén đắng Thầy sắp uống,
chịu chung phép Rửa Thầy sắp chịu
là chấp nhận bị dìm sâu xuống dòng nước khổ đau.
Thật ra được ngồi hai bên tả hữu Thầy trong vinh quang
đâu phải là phần thưởng để trả công cho người bền chí.
Trung tín theo Chúa đến cùng đã là phần thưởng rồi.
Chúng ta không giữ đạo để đòi một chỗ thật cao,
nhưng mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa.

Người đứng đầu, người làm lớn, người có quyền
thường dễ có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách.
Chức vụ và quyền lực trở thành phương tiện phục vụ bản thân.
Ðó là lối lãnh đạo dễ thấy nơi người đời.
Ðức Giêsu không chấp nhận chuyện đó nơi Hội Thánh:
“Nơi anh em thì không như vậy”.
Ngài đề xướng một lối lãnh đạo mới.
Ai muốn làm lớn, làm đầu trong Hội Thánh
phải trở nên đầy tớ và nô lệ cho mọi người.
Ðức Giêsu mời chúng ta làm một cuộc cách mạng lớn,
không phải chỉ là đổi ngôi, mà là đổi lòng.
Tận diệt trong tim những tham vọng ăn trên ngồi trước.
Ðức Giêsu không ủng hộ một xã hội hay Giáo Hội vô tổ chức.
Nhưng Ngài coi lãnh đạo là khiêm nhường phục vụ.

Phục vụ là động từ tóm kết toàn bộ đời Ðức Giêsu.
Ngài đến trần gian để phục vụ, sống như người phục vụ,
và chết như dấu chứng lớn nhất của phục vụ trong yêu thương.

Cầu nguyện:

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J