ĐỨC TGM MAREK ZALEWSKI THĂM GIÁO XỨ BÒ-ÓT
Sáng nay 30/11/2019, Giáo xứ Bò- Ót vui mừng chào đón Đức TGM Marek Zalewski đến thăm giáo xứ và dâng lễ tạ ơn cùng với Đức Cha Giáo phận Giuse Trần Văn Toản và đông đảo quý cha thuộc giáo hạt Long Xuyên..
Đây là chuyến thăm cuối cùng trong 3 ngày thăm mục vụ tại Giáo phận. Trước thánh lễ, Đức TGM đã gặp gỡ và có bài nói chuyện với các vị Đại diện Tông đồ giáo dân về vai trò của người Kitô hữu và đồng thời ngài cũng giải đáp một số thắc mắc của anh chị em.
Bước vào thánh lễ, Đức TGM và Đức Giám mục Giáo phận kêu mời mọi người tạ ơn Chúa nhân dịp Giáo phận bước vào Năm Thánh mừng kỷ niệm 60 năm thành lập.
Trong bài giảng, Đức TGM nhấn mạnh đến khía cạnh tạ ơn. Sau đây là nội dung bài chia sẻ:
TẠ ƠN
Qua các sách Tin mừng, chúng ta thấy rõ ràng rằng, Chúa của chúng ta có quyền năng chữa bệnh cho người ta. Có khi niềm tin của một người hay nhiều người muốn được chữa lành làm cho Chúa Giêsu phải hành động. Có khi một vài người khác cầu xin thay cho một người bạn, một người quen biết, người nô lệ hay người thân, làm cho Chúa Giêsu phải chạnh lòng thương và ra tay cứu chữa.
Chúa Giêsu thường xuyên chữa lành bệnh tật thể lý, nhưng sứ điệp của Tin mừng là, Chúa đến thực sự để mang lại sự cứu chữa sâu xa và lâu dài hơn, đó là, cứu chữa khỏi tội và sự chết, và kéo dài sự phục hồi tới đời sống mới và vĩnh cửu, ơn cứu độ và sự tham dự vào Vương quốc của Thiên Chúa đến muôn đời.
Sự cứu chữa thể lý mà Chúa Giêsu thực hiện trong suốt sứ vụ công khai của Ngài là những nhắc nhớ sâu sắc về việc chữa lành sâu xa và lâu dài hơn mà Ngài đã đến để trao ban, qua việc sống lại từ cõi chết và mở cửa Thiên đàng. Có thể không có sự cứu chữa nào tốt hơn sự cứu chữa này.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về câu chuyện mười người phong cùi. Đây là trích đoạn quen thuộc nói về quyền năng chữa lành của Thiên Chúa, cũng như về lòng biết ơn hay là vô ơn của con người.
Chúng ta có thể tự hỏi: Không phải người bị loại trừ, sống bên lề, chẳng hạn như người phong cùi, biết mình cần Thiên Chúa và không ngại thường xuyên kêu xin Ngài cứu chữa đó sao? Chúa Giêsu gọi những người này là những “người nghèo về tinh thần”, họ biết những giới hạn của mình và sẵn sàng kêu xin một quyền lực cao hơn chính họ, hơn là đặt niềm tin của họ vào những gì thực sự không thể cứu chữa họ.
Trong bài tường thuật Tin mừng hôm nay, những người phong cùi đứng từ “đàng xa” và kêu xin Chúa Giêsu, vì họ ý thức mình không thanh sạch. Dù vậy, họ cũng không ngại kêu xin Chúa. Họ là những người nghèo và túng quẫn, nhưng vẫn đủ can đảm kêu xin sự giúp đỡ từ nơi mà họ tin chắc là sẽ được.
Điều đang đòi hỏi chúng ta khi chúng ta suy niệm đoạn Kinh thánh hôm nay là sự mở ra và chuyển động hướng về Thiên Chúa, vươn rộng bàn tay của chúng ta, thậm chí từ xa, tới quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Quyền năng đến từ Thiên Chúa này thể hiện trong lời nói và hành động, trong Giáo hội và các Bí tích của Giáo hội, được ban tặng cho tất cả mọi người như một ân huệ nhưng không, và là sự nuôi dưỡng cho hành trình cuộc sống, được thực hiện trong đức tin mỗi ngày.
Chúng ta phải luôn biết ơn về những việc làm mang lại ơn cứu độ của Thiên Chúa cho chúng ta, trong Đức Giêsu Kitô, được thể hiện cách biểu trưng trong Tin mừng, qua việc chữa lành khỏi một căn bệnh làm cho người ta phải cách ly khỏi cộng đoàn.
Theo cách tương tự, Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự chết của tội, phục hồi sự sống cho chúng ta, và lôi kéo mọi người tới sự sống muôn đời. Vì Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa cứu độ được thực hiện từ lâu nơi Đức Giêsu Kitô, đó là, sự cứu chữa thực sự và sự sống bất tử, chúng ta sẽ được an ủi rất nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét