label

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Bổ nhiệm Giám quản Tông toà Giáo phận Hưng Hoá

 

Bổ nhiệm Giám quản Tông toà Giáo phận Hưng Hoá


  •  
  •  


 

Bổ nhiệm Giám quản Tông toà Giáo phận Hưng Hoá

Hôm nay, ngày 29 tháng 08 năm 2020, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức thánh cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Gioan Maria Vũ Tất từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính toà Giáo phận Hưng Hoá; đồng thời bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục hiệu toà Megalopoli di Proconsolare và đang là Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh, làm Giám quản Tông toà Giáo phận Hưng Hoá “trống toà và theo ý Toà Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

---------------

Tiểu sử Đức Giám mục Gioan Maria Vũ Tất

 Sinh ngày 10 tháng 03 năm 1944 tại làng Bến Thôn, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội)

 1955 – 1962: Học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Sơn Lộc, Sơn Tây

 1962 – 1966: Giảng viên Tiểu chủng viện Sơn Lộc

 1966 – 1990: Lao động tại quê nhà, hướng dẫn các tu sinh

 1977 – 1987: Học Triết học và Thần học với Đức cha Giuse Phan Thế Hinh (Hưng Hoá) và Đức cha Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng (Bắc Ninh)

 Thụ phong linh mục ngày 01 tháng 04 năm 1987

 1987 – 1995: Làm việc mục vụ tại Giáo phận Hưng Hoá, đặc trách việc đào tạo linh mục; trong thời gian này có một năm tu nghiệp tại Ðại chủng viện Thánh Giuse, Hà Nội

 1995 – 1997: Học Giáo luật tại Ðại học Urbaniana, Roma, tốt nghiệp cử nhân Giáo luật

 1997 – 1998: Theo học Khoá Mục vụ tại Ðại học Công giáo Paris, Pháp

 1998 – 2003: Trợ tá tại Toà Giám mục Hưng Hoá, phụ trách mục vụ tại tỉnh Lào Cai

 1999 – 2004: Giảng viên môn Giáo luật tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Hà Nội

 2003 – 2010: Chính xứ giáo xứ Bách Lộc, Giáo phận Hưng Hoá

 2005 – 2010: Phó giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse, Hà Nội

 Ngày 29 tháng 03 năm 2010, được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hoá (hiệu toà Thisiduo). Thánh lễ Truyền chức Giám mục tổ chức tại Nhà thờ Chính toà Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2010. Châm ngôn Giám mục: “Sự thật trong yêu thương”

 Ngày 01 tháng 03 năm 2011, được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục chính toà Giáo phận Hưng Hoá.

----------------

Tiểu sử Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên

 Sinh ngày 08 tháng 01 năm 1965 tại giáo xứ Hướng Phương, Giáo phận Vinh (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam)

 1972 – 1983: Học chương trình phổ thông

 1984 – 1987: Thi hành nghĩa vụ quân sự phía Bắc, Việt Nam

 1987 – 1992: Học tại Đại học Nông nghiệp II, Huế, Khoa Kinh tế, tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế

 1993 – 1999: Học tại Đại chủng viện Vinh Thanh, Giáo phận Vinh

 Thụ phong Linh mục ngày 03 tháng 10 năm 1999

 2000 – 2009: Du học Australia, tốt nghiệp với văn bằng Tiến sĩ Thần học và 3 văn bằng Thạc sĩ

 2009 – 2014: Phó Giám đốc và Giáo sư Tín lý tại Đại chủng viện Phanxicô Xaviê (Vinh Thanh); từ 2014: Giám đốc Đại chủng viện

 2010: Tổng Đại diện Giáo phận Vinh

 Ngày 13 tháng 06 năm 2013 được Đức giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh (hiệu toà Megalopoli di Proconsolare)

Thánh lễ Truyền chức Giám mục ngày 04 tháng 09 năm 2013. Châm ngôn Giám mục: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27)

 Tại Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ XIII (3–7/10/2016), Đức cha Phêrô được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi trực thuộc HĐGMVN, và được tái cử tại Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ XIV (30/9/2019 – 04/10/2019).


WHĐ (29.8.2020)

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

CÁO PHÓ (anh Phạm Đức Duy khu 5)

 CÁO PHÓ 

Một người con của giáo xứ


 


 
Anh PHÊRÔ PHẠM ĐỨC DUY sinh năm 1985.
Hiện ngụ tại khu 5, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 17 giờ 00 ngày 29/08/2020
HƯỞNG DƯƠNG 35 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
30-08-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 01-09-2019, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn anh PHÊRÔ sớm hưởng thánh nhan Chúa

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

KHÔNG THỂ NÀO QUÊN ĐƯỢC CHA PHAO LÔ VŨ SỬU

         KHÔNG THỂ NÀO QUÊN ĐƯỢC 

          CHA CỐ PHAO LÔ VŨ SỬU

 

 

Sáng này lúc 9 giờ tại giáo xứ Cần Xây những người thân, học trò và giáo dân giáo xứ đã cùng dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha cố Vũ Sửu sau 100 ngày Ngài về với Chúa. Mặc dù hạn chế số người để ngăn ngừa dịch bệnh nhưng số người đến dự cũng rất đông chứng tỏ tình cảm và cách sống của cha đã thể hiện qua mọi người. Cũng vậy, trong thánh lễ an táng chỉ tính các linh mục không đã lên tới 150 cha và số giáo dân ở mọi nơi đến thì khỏi phải nói.

Sao lại có sự quí mến và ngưỡng mộ cha như vậy? ai đã tiếp xúc với cha một lần thì không thể nào quên Ngài. Một linh mục có rất nhiều tài, đã từng du học nhiều nước, tiếng anh, tiếng pháp nói chuyện như bẻ cây, ngón đàn uyển chuyển với những bản nhạc cổ điển điêu luyện và còn một tài vặt nữa là ngày nào cũng trồng chuối bằng đầu mỗi lần cả nửa giờ. Đã làm giám đốc tiểu chủng viện Á thánh Quí nhiều năm nhưng Ngài lại rất đơn sơ, hiền từ, khiêm nhường, đạo đức và chẳng bao giờ giận ai, nhiệt tình trong dạy dỗ cũng như rất thánh thiện, vâng phục hoàn thành tốt bất cứ công việc gì trong cương vị nào được giao. Chả thế mà cha Cần một học trò của cha giảng trong thánh lễ 100 ngày đã nói: “tất cả chúng ta không thể nào quên cha dù sau 100 ngày hay 1000 ngày hay cả mấy chục năm về sau. Khi nào còn sống, chúng ta không thể nào quên, không thể nào quên cha được, vì cách sống, vì tình thương của cha, vì gương sáng của cha đã in đậm, in sâu đậm trong lòng, trong tim mỗi người chúng ta”.

Đặc biệt hơn trong bài giảng hôm nay có nhắc về cô ba Liên với một lời cám ơn chân thành, một người theo cha để hỗ trợ về cơm nước cũng như chăm sóc cha lúc tuổi già. Đúng là một mẫu gương bà bếp quảng đại, không tính toán, chăm sóc và nuôi dưỡng cha như chăm sóc cha mẹ trên tinh thần kính trọng, vô vị lợi, còn là cầu nối tốt giữa cha với các học trò, người thân và bạn bè của cha. Xin cám ơn cô

Nói về cha, chúng con chỉ thốt lên được câu ôi! một linh mục tuyệt vời, một người cha thương yêu đoàn còn. Về quê trời xin cha hãy tiếp tục yêu thương chúng con và cầu nguyện cho chúng con với.

Thiên Sinh

Hình ảnh lễ an táng và lễ 100 ngày

 




Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

CÁO PHÓ (Bà Phan Thị Bích Duyên khu I)

 CÁO PHÓ 

Một người con của giáo xứ

  
Bà ISAVE PHAN THỊ BÍCH DUYÊN sinh năm 1962.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 5 giờ 40 ngày 22/08/2020
HƯỞNG DƯƠNG 59 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
22-08-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 00 ngày 24-08-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây

Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà ISAVE sớm hưởng thánh nhan Chúa

Đại chủng viện Montréal dời nhà sau 150 năm

Đại chủng viện Montréal dời nhà sau 150 năm





Đại Chủng viện Montréal, Canada

Trong nhiều tuần qua, tất cả chủ đề báo chí đều nói về Covid-19. Nhưng chúng ta sẽ nói gì nếu không có đại dịch? Các nhà báo thắc mắc, bây giờ nên đưa tin gì khi các tin tức thời sự là nạn nhân của vụ nhật thực truyền thông này.

Cách đây sáu mươi năm, hàng năm có hơn 200 thanh niên trẻ vào Đại Chủng viện Montréal ở đường Sherbrooke West để được huấn luyện làm linh mục. Bây giờ trung bình chỉ có ba chủng sinh cho mỗi năm!

Linh mục Guy Guindon, giám đốc Đại Chủng viện giải thích: “Trung bình chúng tôi có khoảng 20 chủng sinh với thời gian đào tạo kéo dài 8 năm. Và bây giờ cơ sở này quá lớn với chúng tôi.”

Sự thay đổi là căn bản: thay vì ở nhà cũ, các chủng sinh sẽ dời về khu dân cư đông đúc ở góc đường Boyer và Bélanger. Đây là nơi ở gần đây của khoảng hai mươi nữ tu Dòng Thánh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, bây giờ các nữ tu về nhà mẹ ở Longueuil.

Đại Chủng viện mới của thành phố Montréal

Linh mục Guindon thuộc Dòng Xuân Bích như tất cả các giám đốc của Đại Chủng viện có từ năm 1840, ngài nói: “Trước đây Đại Chủng viện ở khu phố ít có đời sống đời cộng đồng. Thành phần dân số tại đó đã thay đổi, thường họ chỉ sống vài năm trong thời gian theo học Đại học Concordia gần đó. Bây giờ chúng tôi về khu phố Villeray, nơi đây có đời sống cộng đồng mạnh hơn, người dân nói tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ của người nhập cư, một cộng đồng đại diện cho thành phố Montréal.”

Theo Đức Tổng Giám mục Christian Lépine, Tổng Giám mục giáo phận Montréal, bước ngoặt này là hình ảnh “Giáo hội đi ra”, đi về với giáo dân, một khái niệm được Đức Phanxicô cổ động.

Các chủng sinh sẽ luôn sẵn sàng với giáo dân

Theo ông Sébastien Froidevaux, chủ tịch Hội Đại Chủng viện, công việc sửa chữa đã xong vào tháng sáu để kịp khai giảng vào tháng 8. Ông đưa nhà báo đi thăm một vòng cơ sở. Các phòng của các nữ tu được sửa mới, hai dãy phòng dành cho giám đốc và khách vãng lai được sửa lại, các phòng không còn cần thiết như bệnh xá và tiệm cắt tóc được loại bỏ. Phòng may của các nữ tu được thay bằng phòng tập thể dục. Các nữ tu cũng tặng lại Đại Chủng viện các dụng cụ, chén bát, khăn trải giường và 30 thùng sách của nhà nguyện của họ ở Rive-Sud.

Nhà mới của Đại Chủng viện Montréal

Ông Froidevaux nói: “Cuối cùng chúng tôi có thể thực hiện các sinh hoạt với các bạn trẻ trong khu vực lân cận. Khi còn ở đường  Sherbrooke, chúng tôi chơi hockey với các học sinh trường Collège de Montréal.”

Linh mục Guy Guindon, Giám đốc Đại Chủng viện

Linh mục giám đốc Đại Chủng viện cho biết, các nhà cũ quá lớn và chúng tôi không muốn phải cho thuê phòng để trang trải chi phí. Vấn đề duy nhất ở đây là chúng tôi không có vườn, nhưng ông Froidevaux nghĩ chúng tôi có thể làm vườn trên sân thượng, với cảnh nhìn ngoạn mục xuống khu phố và Núi Royal.

Đại Chủng viện ở đường Sherbrooke được xây năm 1854-1857, tại đây các tu sĩ Dòng Xuân Bích đã truyền giáo từ thế kỷ 17. Giáo phận Montréal được thành lập  năm 1836, trước đây các linh mục Montréal được đào tạo ở tòa nhà của Dòng Xuân Bích ở đường Saint-Paul.

Vào tháng ba vừa qua, báo chí được mời đi thăm Đại Chủng viện Montréal nhưng ngày thứ tư 11 tháng 3 Cơ quan Y tế Quốc tế tuyên bố Covid thực sự là đại dịch, Quebec công bố các biện pháp ngăn chặn đầu tiên, vì thế chuyện thăm bị hủy bỏ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn) 

Thông báo về hoạt động của Huynh đoàn Thánh Phêrô

 

Tổng Giáo phận Sài Gòn: Thông báo về hoạt động của Huynh đoàn Thánh Phêrô





 

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

( (84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com
Số: 257.3_200821_01

Ngày 21 tháng 8 năm 2020

THÔNG BÁO
Về hoạt động của Huynh đoàn Thánh Phêrô

 

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ
và anh chị em giáo dân trong Tổng giáo phận

 

Thời gian vừa qua, Tòa Tổng giám mục nhận được một số thư trình báo và thắc mắc liên quan đến các hoạt động của Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô tại Tổng giáo phận Sài Gòn - TP. HCM, do linh mục Laurent Demets làm tuyên úy. Gần đây nhất, có thông tin về “Sắc lệnh thành lập Cộng đoàn Huynh đoàn Thánh Phêrô tại Tổng giáo phận Sài Gòn” đang được phổ biến. Tòa Tổng giám mục xin thông báo:

 

1. Sắc lệnh nói trên là hoàn toàn giả mạo. Tòa Tổng giám mục chưa ban hành một văn bản nào liên quan đến Huynh đoàn Thánh Phêrô.

 

2. Về phụng vụ thánh lễ ngoại thường (tiếng Latinh) mà các linh mục thuộc Huynh đoàn này quảng bá: vì là ngoại thường, Đức Tổng Giuse chỉ cho phép linh mục Laurent Demets cử hành riêng tư mà thôi, không được cử hành tại nhà thờ giáo xứ, và không mời gọi giáo dân tham dự.

 

3. Linh mục Laurent Demets cũng chưa được Bản quyền Giáo phận ban cho bất cứ năng quyền nào trên các tín hữu thuộc quyền.

 

4. Trong Tổng giáo phận, các giáo xứ hay cộng đoàn chỉ được cử hành phụng vụ theo nghi thức canh tân do Bộ Phụng tự ban hành và theo các bản văn được Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận.

 

Xin quý cha giải thích giúp các tín hữu luôn yêu mến và hiệp thông trong Giáo hội qua các cử hành phụng vụ của cộng đoàn.

 

TL. Đức Tổng Giám Mục
Lm. Chưởng Ấn
(đã ký)
Phêrô Kiều Công Tùng

Dòng Thánh Gia: Kỷ niệm 89 năm lập dòng và hồng ân Vĩnh khấn

 Dòng Thánh Gia: Kỷ niệm 89 năm lập dòng và hồng ân Vĩnh khấn



“Với 89 năm hiện diện trong lòng Giáo hội, 50 năm trong giáo phận Long Xuyên, chắc chắn Dòng Thánh Gia là một kỳ công của Thiên Chúa”.
 

dongThanhGia_01.jpg

 

Đây là những chia sẻ của đức cha Giuse Trần Văn Toản – giám mục giáo phận Long Xuyên trong thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được cử hành vào lúc 09g ngày 15.8.2020 tại nhà nguyện Dòng Thánh Gia. Dịp này, Dòng Thánh Gia cũng kỉ niệm 89 năm lập dòng (1931-2020), đồng thời có 04 Tu huynh tuyên khấn trọn đời.

 

Cùng đồng tế với ngài có cha Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Gia cùng khoảng 40 linh mục trong và ngoài giáo phận. Tham dự thánh lễ cũng có sự hiện diện đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà cố, thân nhân, ân nhân và quý khách của Hội dòng.

 

Thánh lễ được bắt đầu với đoàn rước gồm có: Thánh Giá đèn hầu, quý Tu huynh Vĩnh khấn, ông bà cố của các Tu huynh Vĩnh Khấn, quý cha đồng tế, Đức cha chủ tế.

 

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse đã quảng diễn đoạn Tin Mừng Lc 1,39-56 nói về việc Đức Maria đến thăm chị họ mình là bà Elisabeth và bài ca  Magnificat nổi tiếng mà Mẹ đã cất lên để ca khen và cảm tạ Chúa. Ngài chia sẻ: “Với đặc ân Lên Trời Cả Hồn Lẫn Xác mà chúng ta mừng kính hôm nay, cùng với 03 đặc ân khác mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ: Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trọn Đời Đồng Trinh, chúng ta sẽ nhận ra ý định đời đời của Thiên Chúa nơi Đức Mẹ. Mẹ là công trình vĩ đại của Thiên Chúa được đặt để nơi thế gian này”. Liên hệ từ cuộc đời Đức Mẹ và nhìn vào những biến cố thăng trầm của Dòng Thánh Gia, đức cha nhận định: “Với 89 năm hiện diện trong lòng Giáo hội, 50 năm trong giáo phận Long Xuyên, chắc chắn Dòng Thánh Gia là một kỳ công của Thiên Chúa”.

 

Sau bài giảng là nghi thức Vĩnh khấn.

 

Mở đầu nghi thức, một Tu huynh trong Ban Phục Vụ xướng tên các ứng sinh cho nghi thức Vĩnh khấn và các Ứng sinh này sẽ bày tỏ ước nguyện của mình trước mặt Bề trên và cộng đoàn đang hiện diện. Các Ứng sinh Vĩnh khấn:

 

1.         Tu huynh Felix Ngô Thành Hưng, CSF 

2.         Tu huynh Grégoire Phạm Hữu Sở, CSF 

3.         Tu huynh Georges Đoàn Ngọc An, CSF 

4.         Tu huynh Germain Lê Phát Nhu, CSF.

 

Sau phần thẩm vấn của Bề trên là Kinh Cầu Các Thánh. Các Ứng sinh nằm phủ phục trước bàn thờ trong khi ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh.

 

Tiếp đến, các Ứng sinh tiến lên trước mặt bề trên và 02 nhân chứng đọc công thức tuyên khấn trọn đời.

 

Sau khi đọc công thức tuyên khấn, Đức cha chủ tế đọc lời nguyện Thánh Hiến trên các Tân khấn sinh.

 

Kết thúc nghi thức khấn dòng là nghi thức ôm chúc bình an. Cha Bề trên sẽ ôm chúc bình an cho từng Tân khấn sinh.

 

Kết thúc nghi thức khấn dòng, thánh lễ được tiếp tục như thường lệ với phần Phụng Vụ Thánh Thể.

 

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, cha Bề trên Tổng quyền Louis Gonzaga Phạm Thế Nhung, CSF thay mặt nhà dòng cảm ơn Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể cộng đoàn.

 

Thánh lễ kết thúc lúc 11g. Sau thánh lễ là bữa tiệc mừng tại khuôn viên Hội Dòng.

 

Joseph Hoàng Văn Thương, CSF

 

 dongThanhGia_02.jpg

dongThanhGia_03.jpg

dongThanhGia_04.jpg

dongThanhGia_05.jpg

dongThanhGia_06.jpg

dongThanhGia_07.jpg

dongThanhGia_08.jpg

dongThanhGia_09.jpg

dongThanhGia_10.jpg

dongThanhGia_11.jpg

dongThanhGia_12.jpg

 


Chọn lựa ưu tiên vì người nghèo là câu trả lời của Tin Mừng

 ĐTC Phanxicô:Chọn lựa ưu tiên vì người nghèo là câu trả lời của Tin Mừng

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo trong Phúc âm và yêu cầu rằng những người cần nhất cũng được xem xét trong việc tìm kiếm phương pháp chữa trị vi-rút corona. Nếu ưu tiên vắc-xin cho những người giàu nhất thì đó là một điều đáng buồn.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến vào sáng thứ Tư 19/08, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài suy tư về đại dịch Covid-19 với chủ đề “Chữa lành thế giới”. Bài suy tư thứ ba nói về “Chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo và đức ái”. Đức Thánh Cha nói rằng đại dịch làm cho chúng ta nhậy cảm với một thứ vi-rút còn trầm trọng hơn đang ảnh hưởng thế giới: đó là vi-rút bất công xã hội, thiếu các cơ hội công bằng và những người nghèo và những người thiếu thốn nhất bị loại ra bên lề xã hội.

Đức Thánh Cha nhắc rằng gương mẫu và giáo huấn của Chúa Ki-tô cho chúng ta thấy rằng một chọn lựa ưu tiên cho người nghèo là tiêu chuẩn thiết yếu trong căn tính đích thực của các môn đệ Chúa Ki-tô. Bác ái Ki-tô giáo yêu cầu chúng ta đi xa hơn những trợ giúp xã hội, khi biết lắng nghe tiếng nói của họ và hành động để vượt qua tất cả những gì cản trở sự phát triển vật chất và tinh thần của họ. Ngài mong ước rằng Tin Mừng có thể soi sáng cho chúng ta để tìm ra những cách thức sáng tạo để thực hành đức ái được kiến tạo trong đức tin và đâm rễ trong đức cậy; đức ái này có thể chữa lành thế giới bị thương tích và thăng tiến lợi ích thật sự cho toàn thể gia đình nhân loại.

Bắt đầu buổi tiếp kiến, các tín hữu đã nghe đọc đoạn thư thứ hai của thánh Phao-lô gửi tín hữu Corinto chương 8 (1-2.9), trong đó thánh nhân khen ngợi các tín hữu Ma-kê-đô-ni-a: “trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại”; thánh nhân cũng nhắc lại gương mẫu của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. Từ tấm gương yêu thương tự hạ của Chúa Giê-su và lòng bác ái của tín hữu Ma-kê-đô-ni-a, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý của ngài. Đức Thánh Cha nói:

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đại dịch đã phơi bày tình cảnh của người nghèo và sự bất bình đẳng to lớn đang thống trị thế giới. Và vi-rút, trong khi không phân biệt người nào, đã tìm thấy, trên con đường tàn phá của nó, sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử mạnh mẽ. Và nó đã làm những điều này gia tăng thêm!

Lựa chọn ưu tiên vì người nghèo - câu trả lời của Tin Mừng

Do đó, phản ứng với đại dịch là phản ứng kép. Một mặt, phải cấp bách tìm ra cách chữa trị loại vi-rút nhỏ bé nhưng kinh khủng, đang khiến cả thế giới phải quỳ gối. Mặt khác, chúng ta cũng phải chữa khỏi một loại vi-rút to lớn, đó là sự bất công xã hội, bất bình đẳng về cơ hội, việc gạt ra ngoài lề xã hội và thiếu bảo vệ cho những người yếu đuối nhất. Trong phản ứng kép để chữa trị này, có một lựa chọn, mà theo Tin Mừng, không thể thiếu được: đó là lựa chọn ưu tiên cho người nghèo (x. Tông huấn Evangelii gaudium [EG] - Niềm vui Tin Mừng, 195).

Người đầu tiên sống lựa chọn vì người nghèo

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Đây không phải là một lựa chọn chính trị; cũng không phải là lựa chọn lý tưởng, hay lựa chọn đảng phái. Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo nằm ở trung tâm của Tin Mừng. Và người đầu tiên thực hiện lựa chọn này chính là Chúa Giê-su; chúng ta đã nghe về điều này trong đoạn thư gửi các tín hữu Cô-rin-tô vào đầu buổi tiếp kiến. Chính ngài, Đấng giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có. Ngài làm vì mỗi người chúng ta và do đó, ở trung tâm của Tin Mừng, ở trung tâm lời rao giảng của Chúa Giê-su, có chọn lựa này.

Chính Chúa Giê-su Ki-tô, là Thiên Chúa, đã tự hạ, trở nên giống như con người; và Người không chọn một cuộc sống đặc ân, mà đã chọn điều kiện của một tôi tớ (x. Pl 2,6-7). Người tự hủy chính mình khi tự trở nên một đầy tớ. Người  sinh ra trong một gia đình khiêm hạ và làm nghề thủ công. Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Người đã loan báo rằng trong Nước Thiên Chúa, người nghèo được chúc phúc (x. Mt 5,3; Lc 6,20; EG, 197). Người ở giữa những người bệnh tật, người nghèo và những người bị loại trừ, tỏ cho họ thấy tình yêu thương xót của Thiên Chúa (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2444). Rất nhiều lần Người đã bị đánh giá là người ô uế vì đến gặp người bệnh, người phong cùi ... Và theo não trạng của luật thời đó, những người này làm cho người ta bị ô uế. Và Người đã chấp nhận để gần gũi với những người nghèo.

Các tiêu chí của môn đệ Chúa Ki-tô

Từ mẫu gương của Chúa Ki-tô, Đức Thánh Cha nhắc lại các tiêu chí của môn đệ Chúa Ki-tô: Vì thế, người ta nhận ra các môn đệ Chúa Giêsu qua sự gần gũi của họ với người nghèo, những người bé mọn, những người bệnh tật và tù đày, những người bị loại trừ và bị lãng quên, những người thiếu cơm ăn áo mặc (x. Mt 25,31-36; GLCG, 2443). Chúng ta có thể đọc thấy tiêu chuẩn nổi tiếng này trong Tin mừng thánh Mát-thêu chương 25, tiêu chuẩn mà theo đó chúng ta sẽ được xét xử. Đây là tiêu chuẩn nòng cốt để chứng tỏ đặc tính Ki-tô chân chính (x. Gl 2,10; EG, 195). Một số người lầm tưởng rằng tình yêu ưu tiên đối với người nghèo là nhiệm vụ của một số ít người, nhưng trên thực tế, đó là sứ mệnh của toàn thể Giáo hội (x. thánh GIOAN PHAO-LÔ II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis – Mối quan tâm về các vấn đề xã hội, 42). “Mọi Kitô hữu và mọi cộng đoàn đều được kêu gọi trở thành khí cụ của Thiên Chúa để giải phóng và thăng tiến người nghèo” (EG, 187).

Hành động để thay đổi những cấu trúc xã hội tồi tệ

Đức Thánh Cha nói tiếp: Lòng tin cậy mến nhất thiết thúc đẩy chúng ta hướng tới sự ưu tiên dành cho những người túng thiếu nhất[1], điều này còn vượt xa sự trợ giúp cần thiết (xem EG, 198). Thật vậy, nó ám chỉ việc đi cùng nhau, để mình được truyền giảng Tin Mừng bởi họ, là những người biết rõ về Chúa Kitô đau khổ, để chúng ta được “lây nhiễm” bởi kinh nghiệm cứu độ, bởi sự khôn ngoan và sáng tạo của họ (x. Ibid). Chia sẻ với người nghèo nghĩa là làm giàu cho nhau. Và, nếu có những cấu trúc xã hội bệnh tật ngăn cản họ mơ ước về tương lai, chúng ta phải cùng nhau hoạt động để chữa lành chúng, để thay đổi chúng (x .ibid., 195). Tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương chúng ta đến tận cùng, đưa chúng ta đến điều này (x. Ga 13,1) và đi đến các biên giới, các tận cùng, các biên giới hiện sinh. Đưa những vùng ngoại vi vào trung tâm có nghĩa là tập trung cuộc sống của chúng ta vào Đức Kitô, Đấng đã “tự trở nên nghèo” vì chúng ta, để làm giàu cho chúng ta “nhờ sự nghèo khó của Người” (2Cr 8, 9).[2]

Tất cả chúng ta đều quan tâm đến hậu quả xã hội của đại dịch. Nhiều người muốn trở lại cuộc sống bình thường và tiếp tục các hoạt động kinh tế. Tất nhiên, nhưng “sự bình thường” này không được bao gồm những bất công xã hội và sự suy thoái môi trường. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng và chúng ta không thoát khỏi khủng hoảng như chúng ta đã từng là: hoặc chúng ta sẽ tốt hơn hoặc chúng ta sẽ tệ hơn. Chúng ta phải thoát khỏi đại dịch tốt hơn, để cải tiến tình trạng bất công xã hội và suy thoái môi trường.

Cần thăng tiến, phát triển người nghèo, chứ không chỉ trợ giúp

Về cơ hội chúng ta có thể có trong đại dịch, Đức Thánh Cha nói:Hôm nay chúng ta có cơ hội để xây dựng một điều gì đó khác biệt. Ví dụ, chúng ta có thể thúc đẩy một nền kinh tế phát triển toàn diện cho người nghèo chứ không phải nền kinh tế duy trợ giúp. Tôi không muốn lên án việc trợ giúp; các hoạt động trợ giúp rất quan trọng. Chúng ta hãy nghĩ đến hoạt động tình nguyện, đó là một trong những công trình kiến ​​trúc đẹp nhất mà Giáo hội Ý có. Họ đang trợ giúp, nhưng chúng ta phải đi xa hơn, để giải quyết những vấn đề thúc đẩy chúng ta chỉ “duy trợ giúp”.

Đức Thánh Cha giải thích thêm: Một nền kinh tế mà không tìm các biện pháp chữa trị thì trong thực tế, nó đầu độc xã hội, chẳng hạn như lợi nhuận không đi liền với việc tạo ra công ăn việc làm xứng đáng (xem EG, 204). Loại lợi nhuận này bị tách ra khỏi nền kinh tế thực sự, là nền kinh tế đáng lẽ mang lại lợi ích cho người dân thường (x. Thông điệp Laudato si '[LS], 109), và hơn nữa, đôi khi thờ ơ với những thiệt hại gây ra cho ngôi nhà chung.

Lựa chọn xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa

Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, sự đòi hỏi đạo đức - xã hội này, xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa (xem LS, 158), cho chúng ta động lực để suy nghĩ và hoạch định một nền kinh tế, nơi mà mọi người, và đặc biệt là những người nghèo nhất, ở trung tâm. Và nó cũng khuyến khích chúng ta hoạch định việc chữa trị vi-rút bằng cách ưu tiên cho những người cần nó nhất. Đức Thánh Cha lưu ý: Thật đáng buồn biết bao nếu vắc xin Covid-19 được ưu tiên dành cho những người giàu nhất! Và sẽ là một vụ bê bối nếu tất cả hỗ trợ kinh tế mà chúng ta đang thấy - hầu hết bằng tiền công - đều tập trung vào việc cứu các ngành công nghiệp không góp phần vào việc bao gồm những người bị loại trừ, thăng tiến những người rốt cùng nhất, cho công ích hoặc chăm sóc công trình sáng tạo (sđd. .). Đây là bốn tiêu chí để lựa chọn những ngành công nghiệp cần trợ giúp.

Chữa lành vi-rút dịch bệnh và cả vi-rút bất công xã hội

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi: Nếu virus lại bùng phát trong một thế giới không công bằng với những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất, chúng ta cần thay đổi thế giới này. Theo gương của Chúa Giêsu, vị lương y của tình yêu toàn vẹn của Thiên Chúa, vị lương y chữa lành thể xác, xã hội và tâm linh (x. Ga 5,6-9), chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để chữa lành những bệnh dịch do những vi-rút nhỏ bé vô hình gây ra, và để chữa lành những vi-rút do những bất công xã hội to lớn và hữu hình gây ra. Tôi đề nghị rằng điều này được thực hiện bắt đầu từ tình yêu của Thiên Chúa, bằng cách đặt các vùng ngoại vi ở trung tâm và những người cuối cùng lên hàng đầu. Bắt đầu từ tình yêu cụ thể này, được neo giữ trong đức cậy và được đặt nền trên đức mến, một thế giới lành mạnh hơn sẽ là điều có thể. Ngược lại, chúng ta sẽ tồi tệ hơn khi ra khỏi cuộc khủng hoảng. Xin Chúa giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh để tốt hơn khi thoát khỏi khủng hoảng, bằng cách đáp lại các nhu cầu của thế giới hôm nay.

[1] X. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị về một số khía cạnh của “Thần học Giải phóng”, (1984), 5

[2] ĐGH Biển Đức XVI, Diễn văn khai mạc Đại hội của châu Mỹ Latinh và vùng Caribê (13/05/2007), 3.