label

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

THƯ MỤC VỤ THÁNG 10/2020

 THƯ MỤC VỤ THÁNG 10/2020

KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP

GIÁO PHẬN LOAN BÁO TIN MỪNG NƯỚC THIÊN CHÚA

VỚI MẸ MARIA

***

 

Anh chị em thân quý!

Tháng Mân Côi tôn kính Mẹ Maria lại đến với chúng ta. Đồng thời, vào Chúa Nhật 16/10 toàn thể giáo hội cầu nguyện cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng. Và đặc biệt, năm nay là năm kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận. Chính vì thế, chủ đề của Thư Mục vụ tháng này là Kỷ Niệm 60 Năm Thành Lập – Giáo Phận Loan Báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa Với Mẹ Maria.

Lời rao giảng Tin Mừng đầu tiên của Chúa Giêsu là “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4, 17). Tin Mừng Nước Trời được Chúa Giêsu rao giảng trong bài giảng trên núi (Mt 5-7), trong đó trung tâm là Tám Mối Phúc Thật (Mt 5, 1-12), được gọi là Hiến Chương Nước Trời. Chính vì thế, Giáo phận được mời gọi sống Tám Mối Phúc Thật theo gương mẫu của Mẹ Maria để trở thành hạt giống Nước Thiên Chúa. Theo đó:

 

Thứ nhất, noi gương Mẹ Maria sống tinh thần nghèo khó, cụ thể là tại Nazareth, giáo phận được mời gọi chấp nhận sống một nếp sống bình dị, đơn giản, và luôn sẵn sàng chia sẻ đời sống của mình với những người thiếu thốn, vì giáo phận làm bạn với người nghèo.

 

Thứ hainoi gương Mẹ Maria sống hiền lành khi Mẹ tìm gặp con trong Đền Thánh, cộng đồng dân Chúa trong giáo phận được cổ vũ chấp nhận những giới hạn của mình và sẵn sàng chịu đựng những giới hạn của anh em, hơn nữa khiêm tốn và chân thành sửa lỗi cho anh chị em và đối xử với kẻ thù với lòng bao dung.

 

Thứ banoi gương Mẹ Maria than khóc trong biến cố Mẹ ẵm con trốn sang Ai Cập, giáo phận sẽ khóc than cho những đổ vỡ và ly tán trong cộng đoàn, than khóc cho những thành kiến, những lo sợ, tội lỗi và khổ sở chia rẽ, và biết chữa lành những thương tổn của tâm hồn anh chị em trong cộng đoàn.

 

Thứ tư, noi gương Mẹ Maria đói khát sự công chính khi Mẹ hiện diện giữa Giáo hội Sơ khai đợi chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, giáo phận sẽ không được mãn nguyện cho đến khi cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa hiện diện trong cộng đoàn. Đồng thời, giáo phận luôn thiết tha cầu xin sự can thiệp của TC để cho cộng đoàn ngày một an bình và hiệp nhất hơn.

 

Thứ năm, noi gương Mẹ Maria thương xót như khi Mẹ thăm bà Isave và ở lại phục vụ, giáo phận thể hiện sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với mọi thành viên và từng thành viên trong cộng đoàn, vì xác tín mọi người, trong đó có ta, là hình ảnh của Thiên Chúa và là đối tượng được Thiên Chúa xót thương.

 

Thứ sáu, noi gương Mẹ Maria sống yêu thương và phục vụ với một tâm hồn tinh ròng như Mẹ tại tiệc cưới Cana, giáo phận sẽ quan tâm và ý thức rằng Thiên Chúa chăm nom chúng ta, và đến lượt mình, giáo phận góp phần chia sẻ với sự lo toan của Thiên Chúa chăm sóc những công trình của Ngài trong thế giới.

 

Thứ bảynoi gương Mẹ Maria xây dựng hòa bình như lòng hiếu khách của Mẹ được thể hiện tại hang đá Belem đón tiếp các mục đồng và các nhà đạo sĩ, giáo phận biết nhận ra và khẳng định phẩm giá của từng người vì mỗi người đèu quý giá trong mắt Thiên Chúa, và là người đồng hành với ta trong cuộc đời này.

 

Thứ tám, noi gương Mẹ Maria chấp nhận đau khổ vì lẽ công chính khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá hiệp thông trong chương trình Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại, giáo phận chấp nhận bị loại trừ vì sống theo Tin Mừng Đức Kitô, bị tẩy chay khi nỗ lực chia sẻ Tin Mừng với anh chị em, và vì thế trở thành muối ướp và là ánh sáng cho thế gian.

 

Đặc biệt là mỗi khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta có cơ hội suy gẫm mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Đây cũng là cơ hội chúng ta học hỏi gương mẫu của Mẹ Maria, là dùng đời sống để làm chứng cho những giá trị tin mừng Nước Thiên Chúa trong Tám Mối Phúc Thật.

 

Trong lịch sử 60 năm của mình, giáo phận từng bước đã phát huy sự hiện diện hữu hình vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng các sinh hoạt và tổ chức của các cộng đoàn Kitô hữu nhằm loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Theo thống kê, khi được thành lập năm1960, giáo phận có 68 giáo xứ, 86 giáo họ, và 18 giáo điểm. Nay, năm 2020, giáo phận có 151 giáo xứ, 59 giáo họ, và 23 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Những con số trên chứng tỏ là giáo phận được đón nhận để cùng đồng hành với anh chị em địa phương với nền văn hóa miệt vườn, đồng hành với anh chị em tín đồ các tôn giáo bạn và các triết lý sống theo lương tâm, và chia sẻ cuộc sống với dồng bào để vượt khó, cùng nhau xây dựng một nền văn minh tình thương và sự sống. Giáo phận luôn tri ân cộng đồng dân cư tại đia phương. Những con số trên cũng chứng tỏ là giáo phận đã và đang được Chúa sử dụng thành muối, thành men, thành ánh sáng cho đời, để phục vụ, để cộng tác, và để biến đổi theo tình thần Hiến Chương Nước Trời.

Với những suy tư trên, thư mục vụ mời gọi giáo phận thực hiện các sinh hoạt cụ thể sau đây:

 

1. Mọi thành phần đân Chúa trong giáo phận sẽ siêng năng lần chuỗi Mân Côi và đọc kinh Truyền Giáo của Giáo phận để cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng của giáo phận. Cầu nguyện sẽ được kết hợp với những hy sinh và các công việc bác ái yêu thương phục vụ, đặc biệt là hướng tới những anh chị em chưa được lắng nghe Tin Mừng.

 

2. Các giáo xứ và giáo họ sẽ được xác định ranh giới theo hướng loan báo Tin Mừng. Nhờ đó, ý thức trách nhiệm về sứ vụ loan báo Tin Mừng được nâng cao, và giáo xứ giáo họ sẽ đề ra những sáng kiến cho công cuộc loan báo Tin Mừng trong toàn nhiệm sở của mình.

 

3. Các cộng đoàn tín hữu, đặc biệt là các đoàn thể và đoàn hội, được khích lệ thực hiện những sinh hoạt cụ thể với mục tiêu loan báo Tin Mừng, như thăm và kết thân với các điểm truyền giáo. Việc thăm viếng và kết thân được kết hợp với lời cầu nguyện và sự hỗ trợ về nhân sự cũng như tài chánh.

 

4. Uỷ ban Mục vụ Thiếu Nhi sẽ liên kết với Uỷ ban Loan báo Tin mừng thành lập Hội Nhi Đồng Truyền Giáo của giáo phận

 

5. Uỷ ban Loan báo Tin Mừng kết hợp với Ủy ban Bác ái Xã hội Caritas và Uỷ ban Di dân sẽ đề xuất một chương trình Loan Báo Tin Mừng năm 2021 cho giáo phận.

 

Xin Chúa qua lới bầu cử của Mẹ Maria cùng hai thánh Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng, chúc lành cho những thiện chí muốn noi gương Mẹ Maria loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa trên phần đất của giáo phận Long Xuyên.

 

+ Giuse Trần Văn Toản

Giám Mục Long Xuyên

ĐTC Phanxicô: Với đức tin, hãy làm cho tình yêu và hy vọng lan truyền khắp hoàn cầu

 

ĐTC Phanxicô: Với đức tin, hãy làm cho tình yêu và hy vọng lan truyền khắp hoàn cầu

Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu: Như Chúa Giê-su đã chữa lành thể lý cũng như tinh thần, là các môn đệ của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi mang sức mạnh chữa lành của Tin Mừng để kiến tạo xã hội công bình, đem tình yêu và hy vọng lan rộng khắp thế giới.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 30/9, Đức Thánh Cha đã kết thúc loạt bài giáo lý suy tư về hậu quả của đại dịch virus corona, dưới ánh sáng học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo. Ngài nhắc rằng nhiều loại virus ngày nay đang tấn công các cơ cấu xã hội; thế giới cần được chữa lành khỏi các virus xã hội bất công, bất bình đẳng và loại trừ.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý với lưu ý rằng: Trong những tuần gần đây, chúng ta đã cùng nhau suy tư dưới ánh sáng của Tin Mừng về cách chữa lành thế giới đang đau khổ vì tình trạng bất ổn phiền muộn mà đại dịch gây nên và nhấn mạnh. Chúng ta đã đi qua những con đường của phẩm giá, liên đới và phụ đới, những lối đi không thể thiếu để thăng tiến phẩm giá con người và công ích. Là các môn đệ của Chúa Giê-su, chúng ta được đề nghị bước theo chân Chúa bằng cách chọn người nghèo, suy nghĩ lại việc sử dụng của cải vật chất và chăm sóc ngôi nhà chung. Giữa cơn đại dịch đang hoành hành, chúng ta đã bámchặt vào các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội, để được hướng dẫn bởi đức tin, đức cậy và đức ái. Ở đây, chúng ta đã tìm thấy sự trợ giúp vững chắc để trở thành những người biến đổi có ước mơ lớn lao, không dừng lại ở những điều tồi tệ gây chia rẽ và tổn thương, nhưng khuyến khích chúng ta tạo ra một thế giới mới và tốt đẹp hơn.

Mong ước hành trình suy tư tiếp tục khi theo gương của Chúa Giê-su

Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng là cuộc hành trình này không phải kết thúc với những bài giáo lý này, nhưng chúng ta có thể tiếp tục bước đi cùng nhau, “mắt hướng về Chúa Giêsu” (Dt 12,2), Đấng cứu độ và chữa lành thế giới. Như Tin Mừng cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã chữa lành các loại bệnh tật (x. Mt 9,35), Người đã cho người mù nhìn thấy, cho người câm nói được, cho người điếc được nghe. Và khi chữa lành bệnh tật và tật nguyền về thể xác, Chúa cũng chữa lành tinh thần bằng cách tha thứ các tội lỗi, cũng như những “đau khổ về xã hội” bằng cách cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội được tham gia vào xã hội (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1421). Chúa Giêsu, Đấng đổi mới và hòa giải mọi thụ tạo (x 2Cr 5,17; Cl 1,19-20), ban cho chúng ta những ơn cần thiết để yêu thương và chữa lành, như Người đã biết cách làm (x. Lc 10,1-9; Ga 15,9-17), để chăm sóc tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hoặc quốc gia.

Chăm sóc tận tình và dịu dàng

Để điều này thực sự xảy ra, Đức Thánh Cha giải thích: chúng ta cần phải chiêm ngắm và quý trọng vẻ đẹp của mỗi con người, mỗi sinh vật. Chúng ta được hoài thai trong lòng Thiên Chúa (x. Ep 1,3-5). "Mỗi người chúng ta là hoa trái của một ý tưởng của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều được quý mến, mỗi người được yêu thương, mỗi người đều cần thiết"[1]. Hơn nữa, mọi sinh vật đều có điều gì đó để nói với chúng ta về Thiên Chúa - Đấng sáng tạo (xem TĐ. Laudatosi', 69.239). Nhận biết chân lý này và tạ ơn vì những mối dây liên kết mật thiết của sự hiệp thông phổ quát của chúng ta với mọi người và với mọi thụ tạo, sẽ làm nảy sinh "một sự chăm sóc quảng đại và thật dịu dàng" (ibid., 220). Nó cũng giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô đang hiện diện trong những anh chị em nghèo khó và đau khổ của chúng ta, để gặp gỡ họ và lắng nghe tiếng kêu của họ và tiếng kêu của trái đất đang vang vọng (x .ibid., 49).

Sự bình thường mà chúng ta được mời gọi đến chính là Nước Thiên Chúa

Đức Thánh Cha nói tiếp: Được đánh động nội tâm bởi những tiếng kêu này đòi hỏi nơi chúng ta có cách hành xử khác (x. ibid., 53), chúng ta sẽ có thể đóng góp vào việc hàn gắn các mối quan hệ bằng những ân sủng và khả năng của chúng ta (x. ibid., 19). Chúng ta sẽ có thể tái tạo xã hội và không quay trở lại cái gọi là "sự bình thường", bởi vì sự bình thường này đã bị nhiễm bệnh bởi những bất công, bất bình đẳng và suy thoái môi trường. Sự bình thường mà chúng ta được mời gọi chính là Nước Thiên Chúa, nơi “người mù tìm lại được thị giác, người què đi được, người phong cùi được sạch bệnh, người điếc được nghe, người chết sống lại, người nghèo được loan báo Tin Mừng” (Mt 11,5 ). Và không ai giả vờ ngây ngô nhìn đi chỗ khác.

Đây là những gì chúng ta cần làm, để thay đổi. Trong sự bình thường của Nước Thiên Chúa, mọi người nhận được thức ăn và dư đầy, các tổ chức xã hội dựa trên sự đóng góp, chia sẻ và phân phối, chứ không dựa trên sở hữu, loại trừ và tích lũy (x. Mt 14, 13-21). Hành động giúp cho một xã hội, một gia đình, một khu phố, một thành phố, mọi người cùng thăng tiến, đó là trao tặng chính mình, là cho, không phải là một việc bố thí mà là trao tặng chính mình từ tâm lòng. Một cử chỉ loại bỏ tích ích kỷ và lo lắng chiếm hữu. Nhưng cách làm của Ki-tô hữu không phải là cách máy móc: đó là cách của con người.

Loại virus gây nên vết thương thể lý, xã hội và tinh thần

Một loại virus nhỏ tiếp tục gây ra những vết thương sâu sắc và làm lộ ra những tổn thương về thể lý, xã hội và tinh thần của chúng ta. Nó đã vạch trần sự bất bình đẳng to lớn đang ngự trị trên thế giới: bất bình đẳng về cơ hội, của cải, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, giáo dục: hàng triệu trẻ em không thể đến trường. v.v. Những bất công này không phải tự nhiên mà có, cũng không thể không tránh khỏi. Chúng do con người tạo nên, chúng đến từ một mô hình tăng trưởng tách rời những giá trị sâu sắc nhất. Sự lãng phí thức ăn dư thừa: với sự lãng phí đó người ta có thể nuôi sống tất cả mọi người. Và điều này khiến nhiều người mất hy vọng và làm gia tăng sự bất ổn và lo lắng.

Máy móc không tạo nên được sự dịu dàng - dấu hiệu sự hiện diện của Chúa

Đức Thánh Cha nhắn nhủ: Chúng ta đừng để mình bị khuất phục bởi sự ích kỷ, "bởi nỗi lo chiếm hữu". Chúng ta không thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách "máy móc": trí tuệ nhân tạo quan trọng nhưng ngay cả những phương tiện tinh vi nhất cũng không thể làm được việc nuôi dưỡng sự dịu dàng, đó là "tín hiệu về sự hiện diện của Chúa Giêsu". Cuộc khủng hoảng, không chỉ về sức khỏe, và hậu quả của nó đòi hỏi một phương pháp chữa trị toàn diện, có khả năng tiêu diệt hiệu quả virus corona và cả nhiều tệ nạn đang ảnh hưởng đến thế giới. Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mô hình kinh tế hiện nay, trên cơ sở phát triển không công bằng, không thể giúp các dân tộc thoát khỏi đại dịch. Nó đã không và sẽ không, ngay cả khi một số tiên tri giả tiếp tục hứa hẹn "hiệu ứng dây chuyền từ trên đổ xuống", điều sẽ không bao giờ đến[2].

Một xã hội liên đới và công bằng có khả năng chống lại virus bất công

Đức Thánh Cha kêu gọi: Chúng ta phải khẩn trương làm việc để đưa ra các chính sách tốt, thiết kế các hệ thống tổ chức xã hội trong đó ưu tiên cho sự tham gia, chăm sóc và quảng đại, thay vì thờ ơ, bóc lột và các lợi ích đặc biệt. Một xã hội liên đới và công bằng là một xã hội lành mạnh hơn. Một xã hội có sự tham gia - nơi mà "những người cuối cùng" được quan tâm như "những người đầu" - củng cố sự hiệp thông. Một xã hội nơi sự đa dạng được tôn trọng sẽ có khả năng mạnh hơn nhiều để chống lại bất kỳ loại virus nào.

Lan truyền tình yêu và hy vọng lan khắp hoàn cầu

Cuối cùng, Đức Thánh Cha phó thác hành trình chữa lành này dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ của Sức Khỏe. Xin Mẹ, Đấng đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng, giúp chúng ta vững tin. Được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ có thể cùng nhau làm việc cho Vương quốc mà Chúa Kitô đã thiết lập trên thế giới này bằng cách đến giữa chúng ta. Một Vương quốc của ánh sáng giữa bóng tối, của công lý giữa bao nhiêu xúc phạm, của vui sướng giữa bao đau thương, của chữa lành và cứu rỗi giữa bệnh tật và cái chết. Chúng ta hãy "làm lan truyền" tình yêu và đưa niềm hy vọng lan khắp hoàn cầu dưới ánh sáng đức tin.

 

[1] BIỂN ĐỨC XVI, Bài giảng khai mạc sứ vụ Phê-rô (24/04/2005); x. Laudato Si’, 65.

[2] Trickle-down effect

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

CÁO PHÓ (ÔNG Phaolo Hồ Văn Tiên khu 1)

 CÁO PHÓ 1

Một người con của giáo xứ
 
Ông PHAOLÔ HỒ VĂN TIÊN sinh năm 1951.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 18 giờ 30 ngày 21/09/2020
HƯỞNG THỌ 69 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
22-09-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 24-09-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn ông PHAOLÔ sớm hưởng thánh nhan Chúa

Máu thánh Januarius ở nhà thờ chính tòa Napoli lại hóa lỏng

 

Máu thánh Januarius ở nhà thờ chính tòa Napoli lại hóa lỏng





Máu thánh Januarius lại hóa lỏng tại Napoli vào ngày lễ kính thánh nhân, ngày 19/9. Máu thánh nhân được tuyên bố đã hóa lỏng vào lúc 10:02 sáng. Đây là một phép lạ được lập lại hàng năm kể từ thế kỷ 14.

Đức Hồng y Sepe công bố máu thánh Januarius lại hóa lỏng tại Napoli ngày 19/9/2020 (ANSA)

 

Tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ lên trời, Đức Hồng y Crescenzio Sepe, giám mục Napoli, đã tuyên bố với các tín hữu hiện diện bên trong và bên ngoài nhà thờ: “Các bạn thân mến, các tín hữu quý mến, một lần nữa tôi vui mừng và xúc động báo tin với anh chị em rằng máu của thánh tử đạo Januarius, bổn mạng của chúng ta, đã hóa lỏng.” Đức Hồng y cũng cho biết máu đã hoàn toàn hóa lỏng, không có bất kỳ cục máu đông nào.

 

Đức Hồng y khẳng định phép lạ là “một dấu hiệu của tình yêu, sự tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa, và sự gần gũi, tình bạn, tình huynh đệ của thánh Januarius của chúng ta.”

 

Thánh Januarius, tên tiếng Ý là thánh Gennaro, là thánh quan thầy của Napoli. Ngài là giám mục của thành phố này vào thế kỷ thứ 3. Ngài đã tử đạo trong cuộc bách hại của hoàng đế Diocletianus. Xương và máu của ngài được kính trong nhà thờ chính tòa Napoli.

 

Phép lạ máu hóa lỏng

 

Máu thánh nhân hóa lỏng ít nhất 3 lần mỗi năm: ngày lễ kính thánh nhân 19/9; thứ Bảy trước ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng 5; và ngày 16/12, là ngày kỷ niệm núi lửa Vesuvius phun trào.

 

Đối với người dân địa phương, phép lạ là một dấu hiệu tốt cho thành phố Napoli và miền Campania của nó. Ngược lại, nếu phép lạ không xảy ra sẽ bị xem là dấu hiệu của chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc các thảm họa khác.

 

Khi phép lạ xảy ra, khối máu khô, có màu đỏ ở một mặt của bình đựng thánh tích trở thành chất lỏng bao phủ gần như toàn bộ mặt kính. Lần gần đây nhất máu không hóa lỏng là vào tháng 12/2016.

 

Phép lạ đã xảy ra trong khi Napolis bị phong tỏa vì đại dịch virus corona vào ngày 2/5. Đức Hồng Y Sepe đã dâng thánh lễ truyền chiếu trực tiếp và ban phước cho thành phố với thánh tích của máu hóa lỏng. Ngài tuyên bố: “Ngay cả trong thời gian đại dịch virus corona, qua lời chuyển cầu của thánh Januarius, Chúa đã cho máu hóa lỏng!”. (CNA 19/09/2020)

 

Hồng Thủy

(vaticannews.va 20.09.2020)

 

Tha thứ và thương xót có thể giúp tránh được chiến tranh, đau khổ và đổ vỡ

 

ĐTC Phanxicô: Tha thứ và thương xót có thể giúp tránh được chiến tranh, đau khổ và đổ vỡ

Đức Thánh Cha nhận định rằng trong cuộc sống, không phải mọi việc đều có thể giải quyết bằng công lý; tình yêu thương xót có thể ngăn chặn được bao đau thương, đổ vỡ, chiến tranh. Ngài mời gọi các tín hữu hãy có tình yêu thương xót trong mọi tương quan, từ gia đình đến cộng đoàn, xã hội và chính trị.

Hồng Thủy - Vatican News

Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 13 tháng 9, như thường lệ, từ cửa sổ Dinh Tông tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô.

Đức Thánh Cha bắt đầu buổi đọc kinh với bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XXIV Thường niên, nói về việc phải tha thứ luôn luôn. 

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha phân tích khoảng cách to lớn giữa hai món nợ được nói đến trong dụ ngôn: Trong dụ ngôn chúng ta đọc trong bài Tin Mừng hôm nay, dụ ngôn về vị vua nhân từ thương xót (x. Mt 18,21-35), hai lần chúng ta gặp thấy lời cầu xin: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (cc.26.29). Lần đầu tiên, lời cầu xin này được thốt lên bởi người đầy tớ phải trả cho ông chủ mười ngàn nén bạc, một số bạc khổng lồ, ngày nay có thể là hàng triệu hàng triệu euro. Lần thứ hai, nó được lập lại bởi một đầy tớ khác của cùng ông chủ đó. Anh ta cũng mắc nợ, nhưng không nợ ông chủ mà nợ người đầy tớ đang mắc món nợ khổng lồ, và món nợ của anh ta vô cùng ít ỏi, có thể chỉ bằng một tuần lương.

Chạnh lòng thương

Từ đó, Đức Thánh Cha giải thích dụ ngôn: Trọng tâm của dụ ngôn là sự tha nợ của ông chủ đối với người đầy tớ mắc món nợ khổng lồ. Thánh sử nhấn mạnh rằng “tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương cho y về và tha luôn món nợ.” (c. 27). Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Đừng bao giờ quên từ chạnh lòng thương, đó là lời của chính Chúa Giê-su: “Chạnh lòng thương xót”, Chúa Giê-su luôn thương xót. Một món nợ khổng lồ, do đó sự ân xá rất lớn! Nhưng ngay lập tức sau đó, người đầy tớ đó đã tỏ ra không thương xót đối với người bạn của mình, người chỉ nợ ông ta một số tiền nhỏ. Ông không lắng nghe anh ta, mắng nhiếc anh và tống anh vào ngục cho đến khi trả xong món nợ nhỏ đó (x. c. 30). Ông chủ biết được điều đó đã tức giận, gọi người đầy tớ gian ác đến và kết án ông (x. cc. 32-34): “Nhưng tôi đã tha cho ông rất nhiều và ông không thể tha thứ cho người nợ ít ỏi này sao?”

Lòng thương xót thắng vượt công lý

Đức Thánh Cha phân tích thái độ của hai chủ nợ: Trong dụ ngôn, chúng ta thấy có hai thái độ khác nhau: thái độ của Thiên Chúa – được biểu trưng bởi vị vua – Người tha thứ rất nhiều, bởi vì Thiên Chúa luôn tha thứ – và thái độ của con người. Trong thái độ của Thiên Chúa, lòng thương xót thắng vượt công lý, trong khi thái độ của con người chỉ giới hạn ở công lý. Đức Thánh Cha nhận định: Chúa Giê-su mời gọi chúng ta can đảm mở lòng ra với sức mạnh của tha thứ, bởi vì trong cuộc sống, không phải mọi thứ đều được giải quyết bằng công lý. Chúng ta biết điều đó. Cần có tình yêu thương xót, cũng là nền tảng trong câu Chúa Giê-su trả lời thánh Phê-rô trước dụ ngôn: “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (c. 21). Và Chúa Giê-su trả lời ông: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (c. 22). Trong ngôn ngữ tượng trưng của Thánh Kinh, điều này có nghĩa là chúng ta được kêu gọi luôn luôn tha thứ!

Tha thứ và thương xót có thể giúp tránh chiến tranh, đau khổ

Bao nhiêu đau khổ, đổ vỡ rách nát, chiến tranh sẽ có thể tránh được, nếu tha thứ và lòng thương xót là cách chúng ta sống! Ngay cả trong gia đình, bao nhiêu gia đình chia ly vì không biết tha thứ cho nhau , bao nhiêu anh chị em mang lòng thù ghét nhau. Cần áp dụng tình yêu thương xót vào trong tất cả các tương quan của con người: giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, trong cộng đoàn của chúng ta, trong Giáo hội và cả trong xã hội và trong chính trị.

“Hãy nghĩ đến điều sau hết và thôi hận thù”

Đức Thánh Cha chia sẻ: Hôm nay trong khi cử hành Thánh lễ, tôi đã dừng lại, tôi bị đánh động bởi một câu trong sách Huấn ca, nói thế này: “Ngươi hãy nhớ đền điều sau hết và chấm dứt hận thù”. Một câu thật hay! Hãy nghĩ đến sự chết! Hãy nghĩ rằng bạn sẽ nằm trong quan tài và bạn sẽ mang theo thù hận xuống đó. Hãy nghĩ về điều sau hết và  chấm dứt hận thù! Chấm dứt thù ghét. Chúng ta hãy nghĩ đến câu rất đánh động này: “Hãy nghĩ đến điều sau hết và thôi hận thù.”

Không dễ để tha thứ bởi vì trong lúc bình an người ta nói: “Đúng, người này đã gây cho tôi đủ điều nhưng tôi cũng đã gây nhiều điều cho họ. Thà tha thứ để được tha thứ ”. Nhưng rồi sự oán hận lại quay về, như con ruồi làm cho khó chịu trong mùa hè, cứ đến, cứ quay lại ... Tha thứ không phải chỉ là chuyện trong chốc lát, nó là một điều liên tục chống lại sự giận ghét, sự thù ghét cứ trở lại trong tâm trí. Hãy nghĩ đến điều sau hết, đừng thù ghét nữa.

Nếu chúng ta không tha thứ và yêu thương thì cả chúng ta cũng không được thứ  tha và thương yêu

Dụ ngôn hôm nay giúp chúng ta hiểu trọn vẹn ý nghĩa của câu chúng ta đọc trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Những lời này chứa đựng một chân lý tuyệt đối. Chúng ta không thể mong đợi ơn tha thứ của Thiên Chúa nếu chúng ta không tha thứ cho người lân cận. Đó là một điều kiện: hãy nghĩ về điều sau hết, hãy nghĩ về ơn tha thứ của Thiên Chúa để thôi thù hận, vất bỏ giận hờn. Nếu chúng ta không cố gắng tha thứ và yêu thương thì cả chúng ta cũng không được tha thứ và yêu thương.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi hãy phó thác cho lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Thiên Chúa: xin Mẹ giúp chúng ta ý thức mình là những người mắc nợ Thiên Chúa và giúp chúng ta luôn nhớ điều này, để chúng ta mở rộng tâm hồn ra với lòng thương xót và thiện hảo.


Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Báo động về tình trạng Giáo Hội thời hậu Covid-19

 Báo động về tình trạng Giáo Hội thời hậu Covid-19




Hơn kém 6 tháng, sau khi đại dịch Covid-19 lan tràn tại nhiều nước tạo nên tình trạng giới nghiêm và cách ly tại nhiều nước, ảnh hưởng nặng nề tới mọi khía cạnh trong đời sống dân chúng và cả Giáo Hội. Tình trạng giới nghiêm dần dần được giải tỏa tại nhiều nước. ĐTC và một số vị GM đã lên tiếng về những vấn đề thời hậu đại dịch.
 

 giaohoi.jpg

 

Đức Thánh Cha và tình hình thế giới hậu Covid-19

 

 Về phần ĐTC Phanxicô và Tòa Thánh nói chung cũng bị giới hạn rất nhiều. Các thánh lễ có đông tín hữu tham dự cũng như các buổi tiếp kiến chung không còn nữa. Mãi cho đến ngày 2-9-2020, các buổi tiếp kiến chung mới được mở lại ở Sân Thánh Damaso tại dinh Tông Tòa và số người tham dự cũng tương đối ít, khoảng 500 người, một phần vì diện tích của sân này, với biện pháp giãn cách an toàn, và đàng khác, du khách và tín hữu hành hương từ các đại lục khác ngoài Âu Châu kể như không có vì các chuyến bay rất giới hạn.

 

 Loạt bài giáo lý về hậu đại dịch

 

 Trong bối cảnh đó, mối quan tâm của ĐTC như mục tử hoàn vũ đối với cộng đồng Công Giáo, và đối với nhân loại nói chung nhiều lần thúc đẩy ngài lên tiếng khích lệ cuộc chiến chống Coronavirus và đặc biệt đối với xã hội thời hậu Covid-19, ngài đã dành loạt bài huấn giáo từ sau tháng 7, tháng nghỉ hè của ngài, để giải thích nghĩa vụ của con người, đặc biệt của các Kitô hữu, trong thời kỳ hậu đại dịch, dựa trên Giáo Huấn xã hội Công Giáo.

 

 Ngoài ra, trong đại dịch này, ĐTC cũng hoàn thành thông điệp thứ ba của ngài với tựa đề Tutti Fratelli - ”Tất cả là anh em” - về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội, sẽ được ngài ký và đích thân công bố sau thánh lễ cạnh mộ của thánh Phanxicô ở Assisi lúc 3 giờ chiều ngày 3-10 tới đây, ngày áp lễ kính thánh nhân.

 

 Có lẽ các bài và thông điệp này dường như quá lý tưởng, như tiếng vang trong sa mạc, đối với thực trạng thế giới ngày nay, trong đó sự ích kỷ cá nhân, phe nhóm và quốc gia, chiếm ưu thế, nhưng tiếng nói của ĐTC là tiếng nói mạnh mẽ duy nhất được gióng lên trong hoàn cảnh nhân loại ngày nay.

 

Số tín hữu dự lễ suy giảm

 

 Trong khi ĐTC lo lắng cho cả thế giới, đó đây cũng có một số vị mục tử tỏ ra quan tâm vì tình hình Giáo Hội địa phương bị tổn thương vì đại dịch. Cụ thể là sau những tuần lễ tham dự thánh lễ trực tuyến, khi được mở lại, số tín hữu tham dự thánh lễ giảm sút hẳn. Không có con số chính thức về mức suy giảm này, nhưng nhiều báo chí cho biết có sự suy giảm số người dự lễ từ 30 đến 50% sau khi các thánh lễ được mở lại.

 

 Đức Cha Sanguineti, GM giáo phận Pavia

 

 Hôm 28-8-2020, Đức Cha Corrado Sanguineti, GM giáo phận Pavia, ở miền bắc Italia, đã cử hành lễ kính thánh Augustino tiến sĩ Hội Thánh, - mộ thánh nhân ở giáo phận này - Đức Cha lên tiếng báo động rằng: ”Số tín hữu xa lìa thánh lễ gia tăng, sau khi tình trạng giới nghiêm chấm dứt”. Trong bài giảng, Đức Cha cũng nhắc đến ”thời kỳ dài, có lẽ quá dài, các thánh lễ được cử hành mà không có sự hiện diện trực diện của giáo dân, nay chúng ta phải nhìn nhận rằng sự xa lìa thánh lễ gia tăng, xa lìa cử chỉ căn bản của đức tin, và chúng ta có nguy cơ trở thành một dân tộc ngày càng bị phân tán”. Đức Cha nói: ”Chúng ta khiêm tốn nhận thực rằng các quảng trường với những sinh hoạt ăn chơi ban tối đầy người, những nơi nghỉ hè và giải trí cũng vậy, và chúng ta cảm thông một ước muốn tiêu khiển, những thời kỳ thanh thản hơn, chung với gia đình và bạn hữu. Nhưng không có nhiều người cảm thấy cần đến với Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa nơi bàn tiêc Lời Chúa và Bánh Sự Sống, và tất cả những điều đó đặt câu hỏi cho chúng ta như những mục tử, như Giáo Hội: những hoàn cảnh của thời nay bày ra ánh sáng một sự nghèo nàn về đức tin trong cuộc sống của bao nhiêu người và những hoàn cảnh ấy yêu cầu chúng ta, trong tư cách là cộng đoàn Kitô hãy để cho mình bị khiêu khích, và thanh tẩy lối sống và việc làm chứng bằng cuộc sống theo Tin Mừng”.

 

 Kêu gọi trở lại với Thánh Lễ

 

 Và Đức Cha Sanguinetti nói thêm rằng ”Chúng ta cần trở về với Thánh Thể dường nào, cần tái khám phá nguồn mạch ân phúc. Thật là điều thiết yếu dường nào đối với một cộng đoàn thực sự muốn sống và nuôi dưỡng đức tin, cùng nhau cử hành lễ như dân Chúa, quây quần quanh Chúa.. Giữa Thánh lễ và Giáo Hội có một mối liên hệ sâu xa và sinh tử: chính Giáo Hội làm nên Thánh Thể, vì nếu không có các tín hữu đã chịu phép rửa, những người tin nơi Đấng Phục Sinh, tụ họp nhau, quây quanh thừa tác viên chủ sự trong cương vị của Chúa Kitô, thì không có Thánh Thể, Thánh Lễ, thiếu người cử hành, thiếu người lãnh nhận, thiếu người chầu Mình Thánh. Nhưng sâu xa hơn nữa, chính Thánh Thể làm nên Giáo Hội, xây dựng Giáo Hội như thân mình sinh động của Chúa, Đấng nuôi dưỡng và biến đổi cuộc sống tín hữu của chúng ta”.

 

 ĐHY Antonio Marto, GM Leiria-Fatima

 

 Một vị mục tử khác cũng lên tiếng báo động trong cùng chiều hướng trên đây, đó là ĐHY António Marto, GM giáo phận Leiria-Fátima, Bồ đào nha, qua lá thư mục vụ công bố ngày 7-9-2020, trong đó ngài khẳng định rằng đại dịch Covid-19 đã trở thành một tiếng báo động về sự bỏ lễ chúa nhật nơi nhiều tín hữu. ĐHY viết:

 

 ”Nhiều người còn do dự không tham dự thánh lễ Chúa Chật, vì sợ hãi hoặc vì tìm sự thoải mái khác. Chúng ta cảm thấy buồn và lo, đặc biệt vì sự vắng bóng của các cha mẹ, trẻ em và người trẻ. Phải chăng đó là dấu hiệu báo động và cảnh giác mà đại dịch đã tỏ lộ và gia tăng điều đã xảy ra trước đó, nghĩa là các thế hệ trẻ bỏ lễ Chúa Chật?

 

 Thư mục vụ về Thánh Thể

 

 ĐHY Antonio Marto nói lên những quan tâm trên đây trong thư mục vụ tựa đề ”Thánh Thể, cuộc gặp gỡ và hiệp thông với Chúa Kitô và anh chị em”, qua đó ngài thông báo kế hoạch mục vụ 2 năm, từ năm nay 2020 đến 2022 cho giáo phận thuộc quyền và đề ra các dự án hoạt động trên 3 cấp độ: giáo phận, giáo hạt và giáo xứ.

 

 ĐHY Marto nhận xét rằng thời kỳ bị giới nghiêm vì đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật nhu cầu cầu phải sống thực đức tin. Ngài viết: ”Chúng ta không bao giờ tưởng tượng được những nhà thờ trống rỗng, những buổi lễ cộng đồng bị ngưng lại, cũng như các lớp giáo lý và bao nhiêu hoạt động khác, không thể lãnh nhận các bí tích, rước lễ thực sự, gặp gỡ anh chị em trong cộng đoàn, cử hành lễ nghi an táng xứng đáng cho những người thân yêu qua đời, sống cách ly trong mùa chay, mùa Phục sinh. Tất cả là những thử thách cam go.”

 

 ĐHY Marto cũng nhìn nhận khía cạnh tích cực trong thời kỳ bị giới nghiêm với óc sáng kiến mục vụ, có thể cảm nghiệm đức tin trong gia đình và với gia đình, như một Giáo Hội tại gia. Nay ngài đặc biệt cổ võ một Giáo Hội đi ra ngoài, gần gũi với dân chúng, nhất là những người đau khổ nhất. Trong bối cảnh đó, ”hai năm mục vụ, trong tình trạng đại dịch và hậu đại dịch, là cơ hội để cộng đoàn và các nhóm xã hội văn hóa được phục hồi sinh động, để đối phó với những hình thức nghèo đói khác nhau, những người đang cần được giúp đỡ.

 

 ĐHY GM Leiria-Fatima không quên cảnh giác rằng nơi nào có chia rẽ, không quan tâm đến tha nhân, không có khả năng chia sẻ, khép kín vào mình, thiếu tôn trọng phẩm giá con người, loại bỏ người nghèo và những người yếu thế, thì tại những nơi đó “Thánh Thể bị xúc phạm”.

 

Giuse Trần Đức Anh OP

(vaticannews.va 13.09.2020)

Giáo hội đối diện với thách thức về tháp tùng tâm lý cho các linh mục

 

Giáo hội đối diện với thách thức về tháp tùng tâm lý cho các linh mục





Giáo hội công giáo ngày càng xem trọng tình trạng mong manh về tâm lý của một số linh mục thường liên quan đến các căng thẳng trong quan hệ và nguy cơ cô đơn về cảm xúc. Ngày xưa Giáo hội thường có một mối nghi ngờ nào đó về chỗ đứng của khoa tâm lý trong việc đào tạo các linh mục, nhưng bây giờ khoa tâm lý được xem là nguồn lực quý giá để sống chức tư tế cân bằng và lâu dài.
 

giao-hoi-doi-dien-voi-thach-thuc.jpg

 

Gần đây ở Giáo hội công giáo Pháp cũng như ở các nước khác như ở Ấn Độ và Hoa Kỳ, đã bị đánh động qua một số vụ tự tử của các linh mục. Mỗi trường hợp là một câu chuyện cá nhân riêng, đôi khi có các nguyên nhân sâu xa cũng như không rõ lý do, nhưng Giáo hội ý thức dần về sự cần thiết phải quan tâm nhiều hơn đến các điểm yếu tâm lý của các linh mục và tu sĩ, trong bối cảnh áp lực của xã hội và phương tiện truyền thông đã làm cho nhiều người kiệt quệ.

 

Tại một số giáo phận, các đơn vị hỗ trợ tâm lý đã được thiết lập và ngày càng nhiều chủng viện có các biện pháp can thiệp của các nhà tâm lý học, và đôi khi tháp tùng riêng để giúp các chủng sinh nhận diện giới hạn của mình, dù phải ngưng tiến trình học. Thử thách này cũng giúp cho các linh mục tương lai đối phó với các khó khăn tâm lý của những người mà họ sẽ có trách nhiệm sau này.

 

 Pere-Stephane-Joulain.jpg

 

Linh mục Stéphane Joulain, thành viên của Hiệp hội Truyền giáo Châu Phi, thường được gọi là “Các Cha Trắng”, cha cũng là nhà trị liệu tâm lý. Linh mục giải thích, Giáo hội cố gắng phát triển sự nâng đỡ tâm lý cho các thừa tác viên phụng vụ của mình, giúp họ tìm được cân bằng thực tế, đặc biệt trong đời sống tương giao của họ.

 

Trong tâm thức truyền thống của Giáo hội, tâm lý học đôi khi bị đánh giá thấp, bị coi là mâu thuẫn với sự phát triển đời sống tâm linh. Làm thế nào ngày nay khoa tâm lý có thể hội nhập vào tiến trình của các linh mục?

 

Linh mục Stéphane Joulain: Trước hết phải mời các chuyên gia sức khỏe tâm thần tham dự vào việc đào tạo các linh mục tương lai. Vì vậy, chúng tôi gặp gỡ mọi người, chúng tôi nói chuyện với họ. Và sau đó các nhà đào tạo quan tâm đến những gì mà các chủng sinh có thể trải qua, và nếu họ nhận thấy một số người cần giúp đỡ chuyên biệt hơn, cụ thể hơn, họ sẽ đáp ứng nhu cầu này.

 

Nhưng tiếc thay, hòn đá tảng vẫn là, nhiều linh mục tương lai và thậm chí kể cả các linh mục khác, họ xem việc nhờ đến chuyên gia về sức khỏe tâm thần là thất bại cho đời sống thiêng liêng của họ.

 

Ở đây chúng ta chạm vào điểm thiết yếu… Nhưng bản thân các linh mục, ngoài các yếu đuối cá nhân, trong cuộc sống của họ, trong tư cách cha xứ, họ còn phải đương đầu với những người gặp khó khăn về tinh thần. Liệu với việc chính bản thân mình được trị liệu có thể giúp họ nắm vững các hồ sơ này với độ chính xác, cân bằng và hiệu quả hơn không?

 

Đúng, hoàn toàn đúng. Ngay khi chính họ được tháp tùng, được nâng đỡ họ biết họ không phải là siêu anh hùng mà họ chỉ là con người, với bản chất mong manh và đôi khi cần được hỗ trợ, như vậy họ sẽ là những người đồng hành có hiệu năng cho Dân Chúa. Họ biết cách chú ý đến chiều kích này không tìm cách thiêng liêng hóa mọi chuyện. Như thế, chắc chắn là có hiệu quả nếu một linh mục, một chủng sinh đã theo tiến trình này, họ sẽ là người quan tâm nhiều hơn đến các đau khổ của Dân Chúa.

 

Một trong các hiện tượng phổ biến nhất trong xã hội hiện đại hoặc hậu hiện đại, kể cả ngoài dân chúng, cũng như các linh mục và tu sĩ là việc dùng không chừng mực các mạng xã hội, với tính tự mê trong đó… Có phải vấn đề tạo hình ảnh cho mình, sự khó khăn để ở tầm cao như mình muốn, là trọng tâm vấn đề ngày nay trong các khó khăn của một số linh mục và đặc biệt nơi các linh mục trẻ không?

 

Một số linh mục trẻ là con của thế hệ này, họ sinh ra với mạng xã hội, đó là một phần bản sắc của họ. Tôi, tôi thấy rõ vấn đề này nơi các linh mục trẻ đồng hữu của chúng tôi, họ có mặt rất nhiều trên mạng xã hội! Không nên đánh giá thấp chiều kích tông đồ và truyền giáo trên các mạng này. Có một số công việc được thực hiện đáng phâm phục. Nhưng vấn đề là khi trọng tâm của thông điệp và sự hiện diện trên mạng không còn là Chúa Giêsu Kitô mà là chính linh mục. Đó là khó khăn, và các mạng xã hội thường có khuynh hướng phóng đại các chuyện tích cực, lý tưởng hóa các khía cạnh tích cực, để đào sâu một cái gì đó ở tính tự mê của con người, nhưng cũng như mọi cộng cụ, tất cả đều có vùng tối, vùng sáng của nó.

 

Tương giao giữa tu sĩ và cộng đoàn cũng là vấn đề. Đôi khi chúng ta thấy các linh mục ở chung nhà xứ nhưng không nói chuyện, không chia sẻ bữa ăn chung, không hiểu nhau, đôi khi do khác biệt thế hệ… Làm thế nào để thành công trong việc tạo đồng cảm và lắng nghe giữa các linh mục?

 

Nó phải bắt đầu ngay ở nhà đào tạo, ở chủng viện. Nếu chúng ta không thấm nhuần cuộc sống đồng đội trong các chủng viện, thì sau này sẽ không có trong đời sống hàng ngày. Nhiều cố gắng đã được thực hiện trong lĩnh vực này, nhưng sau đó sẽ tùy thuộc vào tương giao cá nhân trong chức vụ của họ. Họ có xem người khác ở đó để làm việc với họ hay họ ở đó để làm việc với người khác, nhưng không chỉ, họ còn ở đó để hỗ trợ nhau trong cuộc sống linh mục, bởi vì đây là đời sống không hề dễ dàng… Thường thường, tu sĩ chúng ta quen với đời sống cộng đồng hơn, trong khi với một số linh mục ở địa phận thì vấn đề này khó hơn. Nhưng đã có các cố gắng lớn được thực hiện, chẳng hạn các nhóm sự sống, các nhớm linh mục cùng thế hệ, có cùng một cách đào tạo, họ thường xuyên gặp nhau để trao đổi.

 

Đôi khi có nhiều linh mục có mặc cảm tội lỗi vì họ cảm giác mình thiếu sẵn sàng, vì không biết cư xử đúng, chẳng hạn với các tang gia hoặc những người đau khổ. Làm thế nào để phương pháp tâm lý trị liệu có thể giúp họ vượt qua mặc cảm tội lỗi này, chẳng hạn khái niệm “đi theo Chúa Kitô” và trên thực tế, đôi khi khía cạnh con người phức tạp hơn ở các linh mục không?

 

Trước hết, nó sẽ giúp chúng ta chấp nhận giới hạn này, rằng linh mục không thể ở khắp nơi và đôi khi họ làm người khác thất vọng hoặc họ thất vọng với chính họ, với các lý tưởng của mình. Tâm lý học sẽ giúp họ đưa ra quan điểm trung thực về thực tế. Nó cũng có thể, giống như đồng hành thiêng liêng, giúp họ định hướng các ưu tiên của mình. Nếu linh mục nhận ra mình dành nhiều thì giờ cho các buổi họp của những việc không nhất thiết phải cần đến chức linh mục, thì linh mục nên nghĩ đến việc ủy quyền để họ có thì giờ hơn cho các việc khác.

 

Vấn đề là rất nhiều bạn trẻ khi bước vào sứ vụ đều tràn đầy nhiệt huyết, họ tung ra mọi hướng cho đến khi họ bị suy sụp, vì họ không thể tiếp tục như vậy được nữa. Và thời điểm này không phải là tiêu cực: vì đây là lúc họ nhận ra giới hạn của mình, họ thấy cần phải được đồng hành. Vì nhận ra mình có giới hạn là chuyện rất quan trọng, giúp cho linh mục không vấp phạm, nơi mình, nơi người khác… Vì vậy, đây là cả một công việc cần phải thực hiện, và thường các linh mục không gióng lên tiếng chuông báo động khi họ thấy mình chạm đến giới hạn hoặc các giới hạn.

 

Có các đơn vị được thành lập để hỗ trợ các linh mục với các nhà tâm lý học, các nhân viên xã hội, vì dù chúng ta thường nói về các linh mục trẻ, nhưng cũng có các linh mục lớn tuổi đôi khi cũng trải qua tình trạng suy sụp tinh thần rất con người này. Vì vậy, các giáo phận cũng phải quan tâm đến chuyện này, và nhiều giáo phận ở Pháp cũng như trên thế giới, đã thành lập các đơn vị đồng hành với các linh mục đang trong hoàn cảnh khó khăn về mặt nhân bản, tâm linh hoặc tâm lý.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn 13.09.2020/ vaticannews.va, Cyprien Viet, 2020-09-11

 

Trở thành người bảo vệ sự sống và trái đất bằng việc chiêm ngắm và chăm sóc nó

ĐTC Phanxicô: : Trở thành người bảo vệ sự sống và trái đất bằng việc chiêm ngắm và chăm sóc nó

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tìm lại vị trí của chúng ta trong công trình sáng tạo của Chúa bằng việc chăm sóc cho nhau và học nghệ thuật chiêm ngắm công trình sáng tạo.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong buổi tiếp kiến chung tại sân Damaso vào sáng thứ Tư 16 tháng 9, Đức Thánh Cha tiếp tục suy tư về đại dịch dưới ánh sáng học thuyết xã hội của Giáo hội. Ngài nhắc lại vai trò quan trọng của rất nhiều người quảng đại chăm sóc tha nhân, đặc biệt là chăm sóc các bệnh nhân, người cao niên và người dễ tổn thương nhất. Đặc biệt ngài nhắc lại trách nhiệm của con người trong việc chăm sóc thế giới tự nhiên, hãy chiêm ngắm vẻ đẹp mà chúng ta thường bỏ qua khi chỉ nhắm khai thác tài nguyên của trái đất.

Cần quan tâm chăm sóc lẫn nhau

Bắt đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Để thoát ra khỏi đại dịch, chúng ta cần quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Và chúng ta cần hỗ trợ những người chăm sóc cho những người yếu nhất, các bệnh nhân và người già. Có một thói quen loại bỏ người già sang một bên, bỏ rơi họ. Điều này thật tồi tệ. Những người chăm sóc các bệnh nhân đóng một vai trò thiết yếu trong xã hội ngày nay, ngay cả khi họ thường không được nhìn nhận và không nhận được thù lao xứng đáng. Chăm sóc là quy tắc vàng của bản tính loài người chúng ta, và nó mang đến sức khỏe và hy vọng (xem TĐ. Laudatosi '[LS], 70). Chăm sóc người đau bệnh, người nghèo khổ, người bị loại sang một bên: đây là sự phong phú nhân bản và cũng của Ki-tô giáo.

Cũng phải chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta: trái đất và mọi sinh vật

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng chúng ta cũng phải dành sự chăm sóc này cho ngôi nhà chung của chúng ta: cho trái đất và cho mọi sinh vật. Tất cả mọi sự sống đều có mối liên hệ với nhau (x.sđd., 137-138), và sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào hệ sinh thái mà Thiên Chúa đã tạo dựng và được Người trao phó cho chúng ta chăm sóc (x. St 2,15). Trái lại, lạm dụng nó là một tội trọng làm thiệt hại, gây hại cho chúng ta và làm chúng ta bị bệnh (xem LS, 8; 66).

Chiêm ngắm thiên nhiên giúp chúng ta biết sử dụng nó đúng cách

Thuốc giải độc tốt nhất cho việc sử dụng không đúng cách ngôi nhà chung của chúng ta là chiêm ngắm (x.sđd., 85; 214). "Nếu bạn không học cách dừng lại và chiêm ngưỡng vẻ đẹp, thì không lạ gì khi mọi thứ đều bị bạn không ngần ngại biến thành một đồ vật để sử dụng và lạm dụng" (sđd, 215), ngay cả trở thành đồ vật để “dùng rồi vất bỏ”. Tuy nhiên, ngôi nhà chung của chúng ta, công trình sáng tạo, không chỉ là một nguồn tài nguyên.

Mỗi sinh vật phản chiếu sự khôn ngoan và tình yêu vô cùng của Chúa

Các sinh vật tự chúng có một giá trị và “mỗi loài phản chiếu theo cách riêng của nó, một tia sáng của sự khôn ngoan và tốt lành vô cùng của Thiên Chúa” (Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, 339). Giá trị này và tia sáng thần linh này phải được khám phá, và để khám phá nó, chúng ta cần phải thinh lặng, lắng nghe và chiêm niệm. Chiêm ngắm cũng chữa lành tâm hồn. Nếu không có sự chiêm ngắm, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào một chủ nghĩa mất quân bình, quá đề cao, xem con người là trung tâm, quá coi trọng vai trò của con người chúng ta, xem chúng ta là kẻ thống trị tuyệt đối tất cả các sinh vật khác.

Thay vì là người bảo vệ sự sống chúng ta trở thành "kẻ săn mồi"

Đức Thánh Cha lưu ý: Việc giải thích sai lệch các văn bản Kinh Thánh về sự sáng tạo đã góp phần vào sự hiểu sai này, dẫn đến việc khai thác trái đất đến mức bóp nghẹt nó. Khai thác bóc lột thiên nhiên là một tội. Chúng ta tin rằng chúng ta ở trung tâm, muốn chiếm chỗ của Chúa và vì vậy chúng ta phá hỏng sự hài hòa trong kế hoạch của Người. Chúng ta trở thành những kẻ săn mồi, quên đi thiên chức của mình là người bảo vệ sự sống.

Chúng ta có thể và phải canh tác trái đất để tồn tại và phát triển. Nhưng làm việc không đồng nghĩa với bóc lột, nhưng là luôn đi kèm với chăm sóc: cày và bảo vệ, làm việc và chăm sóc ... Đây là sứ mạng của chúng ta (x. St 2,15). Chúng ta không thể muốn tiếp tục phát triển trên bình diện vật chất mà không chăm sóc ngôi nhà chung đang chào đón chúng ta. Những người anh em nghèo nhất của chúng ta và đất mẹ than thở về những thiệt hại và bất công mà chúng ta đã gây ra, và yêu cầu chúng ta một cách sống khác. Họ yêu cầu chúng hoán cải, thay đổi con đường: chăm sóc cho cả trái đất, cho thiên nhiên.

Phục hồi cách chiêm ngắm: nhìn trái đất như món quà, khám phá giá trị nội tại của nó

Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: điều quan trọng là phải phục hồi chiều kích chiêm ngắm, nghĩa là nhìn trái đất, thiên nhiên như một món quà chứ không phải là thứ để khai thác vì lợi ích của tôi. Khi chúng ta chiêm ngắm, chúng ta khám phá ra nơi người khác và trong tự nhiên một điều gì đó lớn hơn nhiều so với tính hữu ích của họ. Ở đây có trọng tâm của vấn đề: chiêm ngắm là vượt qua sự hữu ích của một vật. Chiêm ngắm vẻ đẹp không có nghĩa là khai thác nó.  Chúng ta khám phá ra giá trị nội tại của mỗi sự vật được Thiên Chúa ban cho chúng. Như rất nhiều bậc thầy tâm linh đã dạy, bầu trời, mặt đất, biển cả, mọi sinh vật đều có khả năng mang tính biểu tượng hoặc thần bí này để đưa chúng ta trở lại với Đấng Tạo Hóa và hiệp thông với các loài thụ tạo. Ví dụ, thánh Inhaxiô thành Loyola, vào cuối cuốn Linh thao, mời gọi chúng ta thực hiện bài “Chiêm niệm để đạt tới tình yêu”, nghĩa là nhìn xem Thiên Chúa ngắm nhìn các thụ tạo của Người như thế nào và vui mừng với chúng; là khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong các thụ tạo của Người, với sự tự do và ân sủng, để yêu thương và chăm sóc chúng.

Chiêm ngắm từ vị trí của một thành phần của công trình sáng tạo

Theo Đức Thánh Cha, sự chiêm ngắm, điều dẫn chúng ta đến một thái độ chăm sóc, không nhìn vào thiên nhiên từ bên ngoài, như thể chúng ta không đắm mình trong đó. Đúng hơn, nó được thực hiện từ bên trong, nhận ra mình là một phần của công trình sáng tạo, biến chúng ta thành nhân vật chính chứ không chỉ là khán giả của một thực tại không có hình hài nhất định chỉ để khai thác. Bất cứ ai chiêm ngắm theo cách này đều ngạc nhiên không chỉ bởi những gì họ nhìn thấy, mà còn vì cảm thấy một phần không thể thiếu của vẻ đẹp này; và cũng cảm thấy mình được kêu gọi bảo vệ và gìn giữ nó.

Không biết chiêm ngắm thiên nhiên sẽ không biết chiêm ngắm con người

Và có một điều chúng ta không được quên: ai không biết chiêm ngắm thiên nhiên, và công trình sáng tạo thì không biết chiêm ngắm con người trong sự phong phú của chính họ. Và bất cứ ai sống để khai thác thiên nhiên, cuối cùng họ sẽ bóc lột con người và đối xử với họ như nô lệ. Đây là một quy luật phổ quát. Nếu bạn không biết chiêm ngắm thiên nhiên, bạn sẽ rất khó biết được cách chiêm ngắm con người, vẻ đẹp của con người, chiêm ngắm anh chị em.

Từ chiêm ngắm thiên nhiên dẫn đến thay đổi cách sống và bảo vệ nó

Những người biết chiêm ngắm sẽ dễ dàng bắt tay vào việc thay đổi những gì gây nên sự suy thoái và tổn hại cho sức khỏe. Họ sẽ nỗ lực giáo dục và cổ võ các thói quen mới trong sản xuất và tiêu dùng, đóng góp vào một mô hình tăng trưởng kinh tế mới đảm bảo tôn trọng ngôi nhà chung và tôn trọng con người. Người chiêm ngắm trong hành động hướng tới việc trở thành người bảo vệ môi trường. Mỗi người chúng ta phải trở thành người bảo vệ môi trường, bảo vệ sự trong sạch của môi trường, bằng cách cố gắng kết hợp kiến ​​thức của nền văn hóa có từ hàng ngàn năm của tổ tiên với kiến ​​thức kỹ thuật mới, để lối sống của chúng ta có thể bền vững.

Chiêm ngắm và chăm sóc

Hai thái độ chỉ ra cách điều chỉnh và cân bằng lại mối quan hệ của chúng ta, những con người, với thiên nhiên chính là chiêm ngắm và chăm sóc. Đức Thánh Cha nhận xét: Nhiều khi, mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên dường như là mối quan hệ giữa những kẻ thù: tiêu diệt thiên nhiên vì lợi ích của mình. Khai thác thiên nhiên vì lợi ích của riêng tôi. Đừng quên rằng bạn phải trả giá đắt cho điều này; chúng ta đừng quên câu nói của người Tây Ban Nha: “Thiên Chúa luôn tha thứ; đôi khi chúng ta tha thứ; thiên nhiên không bao giờ tha thứ ”.

Mối tương quan huynh đệ và bảo vệ trái đất

Đức Thánh Cha chia sẻ: Hôm nay tôi đã đọc trên báo về hai sông băng lớn ở Nam Cực, gần biển Amundsen, sắp sụp đổ. Sẽ thật khủng khiếp, bởi vì mực nước biển sẽ dâng cao và điều này sẽ mang lại rất nhiều khó khăn và rất nhiều thiệt hại. Tại sao? Bởi vì sự nóng lên của trái đất, sự không quan tâm đến môi trường, không quan tâm đến ngôi nhà chung. Thay vào đó, khi chúng ta có mối quan hệ này - cho phép tôi dùng  từ - “huynh đệ", một mối quan hệ “huynh đệ” với tạo vật, chúng ta sẽ trở thành những người bảo vệ ngôi nhà chung, người bảo vệ sự sống và người bảo vệ niềm hy vọng. Chúng ta canh giữ di sản mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta để các thế hệ mai sau được hưởng. Và có thể có người nói: "Nhưng, tôi đang làm như thế này." Nhưng vấn đề không phải là bạn sẽ quản lý như thế nào ngày hôm nay - điều này đã được Bonhoeffer, một nhà thần học Tin lành người Đức, nói - vấn đề không phải là cách bạn quản lý ngày hôm nay; vấn đề là di sản, sự sống của thế hệ mai sau sẽ như thế nào? Chúng ta hãy nghĩ đến con cháu: chúng ta sẽ để lại gì nếu chúng ta khai thác bóc lột thiên nhiên?

Chiêm ngắm để chăm sóc và để bảo vệ và để lại di sản cho thế hệ mai sau

Những ai đi theo con đường chiêm ngắm và chăm sóc thiên nhiên sẽ trở thành “người bảo vệ” của ngôi nhà chung, người bảo vệ của sự sống và hy vọng. Đức Thánh Cha giải thích: Họ canh giữ di sản mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta, để các thế hệ mai sau được hưởng chúng. Tôi đang nghĩ cách đặc biệt về những người dân bản địa mà tất cả chúng ta đều mắc nợ ân nghĩa, cả sự thống hối, để đền bù điều xấu mà chúng ta đã làm. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những phong trào, hiệp hội, nhóm quần chúng dấn thân bảo vệ lãnh thổ của họ với các giá trị tự nhiên và văn hóa của nó. Những thực tế xã hội này không phải lúc nào cũng được đánh giá cao, thậm chí đôi khi chúng còn bị cản trở bởi vì nó không sinh ra tiền; nhưng trên thực tế chúng đóng góp vào cuộc cách mạng hòa bình, "cuộc cách mạng của sự chăm sóc". Hãy chiêm ngắm để chăm sóc, chiêm ngắm để bảo vệ, bảo vệ chúng ta, thiên nhiên, con cháu chúng ta và bảo vệ tương lai. Chiêm ngắm để chăm sóc và để bảo vệ và để lại di sản cho thế hệ mai sau.

Chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên là nhiệm vụ của mỗi con người

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên là nhiệm vụ của mỗi con người. Mỗi người chúng ta có thể và phải trở thành một “người bảo vệ ngôi nhà chung”, có khả năng ca ngợi Thiên Chúa về các tạo vật của Người, có khả năng chiêm ngưỡng và bảo vệ chúng.