Giáo hội đối diện với thách thức về tháp tùng tâm lý cho các linh mục
Gần đây ở Giáo hội công giáo Pháp cũng như ở các nước khác như ở Ấn Độ và Hoa Kỳ, đã bị đánh động qua một số vụ tự tử của các linh mục. Mỗi trường hợp là một câu chuyện cá nhân riêng, đôi khi có các nguyên nhân sâu xa cũng như không rõ lý do, nhưng Giáo hội ý thức dần về sự cần thiết phải quan tâm nhiều hơn đến các điểm yếu tâm lý của các linh mục và tu sĩ, trong bối cảnh áp lực của xã hội và phương tiện truyền thông đã làm cho nhiều người kiệt quệ.
Tại một số giáo phận, các đơn vị hỗ trợ tâm lý đã được thiết lập và ngày càng nhiều chủng viện có các biện pháp can thiệp của các nhà tâm lý học, và đôi khi tháp tùng riêng để giúp các chủng sinh nhận diện giới hạn của mình, dù phải ngưng tiến trình học. Thử thách này cũng giúp cho các linh mục tương lai đối phó với các khó khăn tâm lý của những người mà họ sẽ có trách nhiệm sau này.
Linh mục Stéphane Joulain, thành viên của Hiệp hội Truyền giáo Châu Phi, thường được gọi là “Các Cha Trắng”, cha cũng là nhà trị liệu tâm lý. Linh mục giải thích, Giáo hội cố gắng phát triển sự nâng đỡ tâm lý cho các thừa tác viên phụng vụ của mình, giúp họ tìm được cân bằng thực tế, đặc biệt trong đời sống tương giao của họ.
Trong tâm thức truyền thống của Giáo hội, tâm lý học đôi khi bị đánh giá thấp, bị coi là mâu thuẫn với sự phát triển đời sống tâm linh. Làm thế nào ngày nay khoa tâm lý có thể hội nhập vào tiến trình của các linh mục?
Linh mục Stéphane Joulain: Trước hết phải mời các chuyên gia sức khỏe tâm thần tham dự vào việc đào tạo các linh mục tương lai. Vì vậy, chúng tôi gặp gỡ mọi người, chúng tôi nói chuyện với họ. Và sau đó các nhà đào tạo quan tâm đến những gì mà các chủng sinh có thể trải qua, và nếu họ nhận thấy một số người cần giúp đỡ chuyên biệt hơn, cụ thể hơn, họ sẽ đáp ứng nhu cầu này.
Nhưng tiếc thay, hòn đá tảng vẫn là, nhiều linh mục tương lai và thậm chí kể cả các linh mục khác, họ xem việc nhờ đến chuyên gia về sức khỏe tâm thần là thất bại cho đời sống thiêng liêng của họ.
Ở đây chúng ta chạm vào điểm thiết yếu… Nhưng bản thân các linh mục, ngoài các yếu đuối cá nhân, trong cuộc sống của họ, trong tư cách cha xứ, họ còn phải đương đầu với những người gặp khó khăn về tinh thần. Liệu với việc chính bản thân mình được trị liệu có thể giúp họ nắm vững các hồ sơ này với độ chính xác, cân bằng và hiệu quả hơn không?
Đúng, hoàn toàn đúng. Ngay khi chính họ được tháp tùng, được nâng đỡ họ biết họ không phải là siêu anh hùng mà họ chỉ là con người, với bản chất mong manh và đôi khi cần được hỗ trợ, như vậy họ sẽ là những người đồng hành có hiệu năng cho Dân Chúa. Họ biết cách chú ý đến chiều kích này không tìm cách thiêng liêng hóa mọi chuyện. Như thế, chắc chắn là có hiệu quả nếu một linh mục, một chủng sinh đã theo tiến trình này, họ sẽ là người quan tâm nhiều hơn đến các đau khổ của Dân Chúa.
Một trong các hiện tượng phổ biến nhất trong xã hội hiện đại hoặc hậu hiện đại, kể cả ngoài dân chúng, cũng như các linh mục và tu sĩ là việc dùng không chừng mực các mạng xã hội, với tính tự mê trong đó… Có phải vấn đề tạo hình ảnh cho mình, sự khó khăn để ở tầm cao như mình muốn, là trọng tâm vấn đề ngày nay trong các khó khăn của một số linh mục và đặc biệt nơi các linh mục trẻ không?
Một số linh mục trẻ là con của thế hệ này, họ sinh ra với mạng xã hội, đó là một phần bản sắc của họ. Tôi, tôi thấy rõ vấn đề này nơi các linh mục trẻ đồng hữu của chúng tôi, họ có mặt rất nhiều trên mạng xã hội! Không nên đánh giá thấp chiều kích tông đồ và truyền giáo trên các mạng này. Có một số công việc được thực hiện đáng phâm phục. Nhưng vấn đề là khi trọng tâm của thông điệp và sự hiện diện trên mạng không còn là Chúa Giêsu Kitô mà là chính linh mục. Đó là khó khăn, và các mạng xã hội thường có khuynh hướng phóng đại các chuyện tích cực, lý tưởng hóa các khía cạnh tích cực, để đào sâu một cái gì đó ở tính tự mê của con người, nhưng cũng như mọi cộng cụ, tất cả đều có vùng tối, vùng sáng của nó.
Tương giao giữa tu sĩ và cộng đoàn cũng là vấn đề. Đôi khi chúng ta thấy các linh mục ở chung nhà xứ nhưng không nói chuyện, không chia sẻ bữa ăn chung, không hiểu nhau, đôi khi do khác biệt thế hệ… Làm thế nào để thành công trong việc tạo đồng cảm và lắng nghe giữa các linh mục?
Nó phải bắt đầu ngay ở nhà đào tạo, ở chủng viện. Nếu chúng ta không thấm nhuần cuộc sống đồng đội trong các chủng viện, thì sau này sẽ không có trong đời sống hàng ngày. Nhiều cố gắng đã được thực hiện trong lĩnh vực này, nhưng sau đó sẽ tùy thuộc vào tương giao cá nhân trong chức vụ của họ. Họ có xem người khác ở đó để làm việc với họ hay họ ở đó để làm việc với người khác, nhưng không chỉ, họ còn ở đó để hỗ trợ nhau trong cuộc sống linh mục, bởi vì đây là đời sống không hề dễ dàng… Thường thường, tu sĩ chúng ta quen với đời sống cộng đồng hơn, trong khi với một số linh mục ở địa phận thì vấn đề này khó hơn. Nhưng đã có các cố gắng lớn được thực hiện, chẳng hạn các nhóm sự sống, các nhớm linh mục cùng thế hệ, có cùng một cách đào tạo, họ thường xuyên gặp nhau để trao đổi.
Đôi khi có nhiều linh mục có mặc cảm tội lỗi vì họ cảm giác mình thiếu sẵn sàng, vì không biết cư xử đúng, chẳng hạn với các tang gia hoặc những người đau khổ. Làm thế nào để phương pháp tâm lý trị liệu có thể giúp họ vượt qua mặc cảm tội lỗi này, chẳng hạn khái niệm “đi theo Chúa Kitô” và trên thực tế, đôi khi khía cạnh con người phức tạp hơn ở các linh mục không?
Trước hết, nó sẽ giúp chúng ta chấp nhận giới hạn này, rằng linh mục không thể ở khắp nơi và đôi khi họ làm người khác thất vọng hoặc họ thất vọng với chính họ, với các lý tưởng của mình. Tâm lý học sẽ giúp họ đưa ra quan điểm trung thực về thực tế. Nó cũng có thể, giống như đồng hành thiêng liêng, giúp họ định hướng các ưu tiên của mình. Nếu linh mục nhận ra mình dành nhiều thì giờ cho các buổi họp của những việc không nhất thiết phải cần đến chức linh mục, thì linh mục nên nghĩ đến việc ủy quyền để họ có thì giờ hơn cho các việc khác.
Vấn đề là rất nhiều bạn trẻ khi bước vào sứ vụ đều tràn đầy nhiệt huyết, họ tung ra mọi hướng cho đến khi họ bị suy sụp, vì họ không thể tiếp tục như vậy được nữa. Và thời điểm này không phải là tiêu cực: vì đây là lúc họ nhận ra giới hạn của mình, họ thấy cần phải được đồng hành. Vì nhận ra mình có giới hạn là chuyện rất quan trọng, giúp cho linh mục không vấp phạm, nơi mình, nơi người khác… Vì vậy, đây là cả một công việc cần phải thực hiện, và thường các linh mục không gióng lên tiếng chuông báo động khi họ thấy mình chạm đến giới hạn hoặc các giới hạn.
Có các đơn vị được thành lập để hỗ trợ các linh mục với các nhà tâm lý học, các nhân viên xã hội, vì dù chúng ta thường nói về các linh mục trẻ, nhưng cũng có các linh mục lớn tuổi đôi khi cũng trải qua tình trạng suy sụp tinh thần rất con người này. Vì vậy, các giáo phận cũng phải quan tâm đến chuyện này, và nhiều giáo phận ở Pháp cũng như trên thế giới, đã thành lập các đơn vị đồng hành với các linh mục đang trong hoàn cảnh khó khăn về mặt nhân bản, tâm linh hoặc tâm lý.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 13.09.2020/ vaticannews.va, Cyprien Viet, 2020-09-11
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét