label

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Thư mục vụ Giáo phận Long Xuyên tháng 01-2021: Hàng giáo sĩ sống hiệp hành


  •  
  •  


Thư mục vụ Giáo phận Long Xuyên Tháng 01-2021

HÀNG GIÁO SĨ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN SỐNG HIỆP HÀNH TRONG GIAI ĐOẠN HỌC HỎI VỀ MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH

Anh chị em thân mến,

Giáo Phận Long Xuyên tổ chức Thượng Hội Đồng cấp Giáo Phận thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là học hỏi, từ Chúa Nhật I Mùa Vọng 28/11/2021 đến Chúa Nhật II Phục Sinh 24/02/2022. Giai đoạn hai là thỉnh ý hiệp hành, từ Chúa Nhật II Phục Sinh đến 30/06/2022. Theo “Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp hành”, thì các linh mục và phó tế có một vai trò cốt yếu trong việc đồng hành với toàn thể Dân Chúa trên con đường hiệp hành. Vì thế, thư mục vụ tháng Một có chủ đề: Hàng Giáo Sĩ Long Xuyên sống hiệp hành trong giai đoạn học hỏi về một Giáo Hội hiệp hành.

Chúng ta cùng chiêm ngắm tập thể các tông đồ được Thầy Giêsu huấn luyện sống hiệp hành trong trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14, 13-21, Mc 6:30-44; Lc 9:10 -17; Ga 6:1-14 ). Khởi đầu, đây là tập thể nhỏ gồm có mười hai tông đồ hiện diện với Thầy Giêsu; tập thể này muốn có một không gian và một thời gian riêng chung sống với nhau (Mc 6, 30-32). Tập thể này trở nên đông đảo hơn vì có dân chúng đi theo Thầy Giêsu. Họ cùng các tông đồ làm thành một đám đông lắng nghe lời giảng dạy của Thầy Giêsu, chứng kiến các dấu lạ Thầy thực hiện cho những kẻ đau yếu (Ga 6,1-2). Tập thể này đang phải đối diện với một khó khăn thực tế; đó là giữa hoang địa, trời đã về chiều, mà dân chúng thì đông và đói. Bởi hiện diện giữa đám đông, tập thể nhỏ đã phát hiện ra khó khăn này (Lc 9, 12). Đây là cơ hội để Thầy Giêsu huấn luyện về tính hiệp hành. Thực vậy, để giải quyết khó khăn, Thầy Giêsu mời gọi các tông đồ hiệp hành trong sứ vụ "Chính anh em hãy lo cho họ ăn” (Mt 14, 17).  Hiệp hành với Thầy bằng gặp gỡ, lắng nghe và phân định trước hiện tình cụ thể, trước tiên, các tông đồ được Thầy huấn luyện để nhận ra sự giới hạn của mình (Ga 6,5). Vì giới hạn, các ông đón nhận sự hỗ trợ, dù ít ỏi, chỉ là 5 chiếc bánh và hai con cá, dù của một người hèn kém, là một bé trai (Ga 6, 8-9). Sống trong hiệp hành với Thầy để thi hành sứ vụ Thầy trao, các ông cảm nhận được mình cần sự hiệp hành của tha nhân. Sống hiệp hành làm cho các tông đồ trở thành trung gian giữa đám đông dân chúng với Thầy Giêsu; các ông nhận bánh và cá từ con người để trao dâng lên Thầy (Mt 14, 18). Tin tưởng vào quyền năng của Thầy, nên các ông nhận bánh đã được tạ ơn từ tay Thầy để trao cho đám đông (Mt 14, 19). Đến đây, xuất hiện sự hiệp hành giữa đám đông với các tập thể các tông đồ, khi các tông đồ tổ chức từng nhóm để trao bánh và cá, để từng người nhận bánh và cá, bẻ ra và trao cho người khác (Mc 6, 40-41). Phép lạ đã xẩy ra nhờ tính cách hiệp hành “Ai nấy đều ăn và được no nê”. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy” (Lc 9, 17). Theo Tin mừng Gioan, phép lạ này là phần mở đầu dẫn đến bài giảng về Bí tích Thánh Thể (Ga 6, 22-59). Bí tích Thánh Thể là một phép lạ hiệp hành của Thiên Chúa với con người, trong lệnh truyền sứ vụ và trong lời hứa hiện diện với con người, cho đến ngày tận thế: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 19-20).

Anh em linh mục thân quý!

Với trình thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều trên đây, anh em linh mục chúng ta được giới thiệu một mô hình hiệp hành giữa các tông đồ với Thầy Giêsu, giữa các tông đồ với nhau và giữa các tông đồ với dân chúng. Học hỏi về tính hiệp hành của Thượng Hội Đồng lần thứ 16 này, chúng ta được biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy rằng, con đường hiệp hành là chính con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba. Vì, con đường hiệp hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Giáo Hội với tư cách là Dân Thiên Chúa lữ hành và thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Như vậy, Thượng Hội Đồng là một hồng ân và một nhiệm vụ cho Giáo Phận. Vì, đây phải được xem đây là cơ hội thúc đẩy sự hoán cải mục vụ và hiệp hành của Giáo Phận để việc loan báo Tin Mừng trổ sinh hoa trái dồi dào hơn. Trong bối cảnh của Giáo Phận, anh em linh mục đóng một vai trò quan trọng của tập thể nhỏ là các tông đồ giữa một đám đông là quần chúng, cùng hướng về một Giáo Hội Hiệp Hành, cụ thể trong giai đoạn học hỏi về Thượng Hội Đồng.

Linh mục có vai trò quan trọng, nhưng “Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành” cảnh báo chúng ta về kẻ thù của tính hiệp hành đó là virus tự mãn. Phải vượt thắng được tính ảo tưởng tự mãn, linh mục chúng ta mới có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường ngăn cách và chia rẽ trong cộng đoàn. Phải vượt thắng tính tự mãn, chúng ta mới có thể khiêm tốn học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau, và phục vụ lẫn nhau.

Theo dự kiến, tuần tĩnh tâm năm của linh mục đoàn Giáo Phận sẽ được diễn ra trong tháng 01/2022 và ngày 16/01/2022 sẽ là ngày truyền chức phó tế cho 13 ứng viên phó tế trong Giáo Phận. Hiện tại, Giáo Phận có 289 linh mục triều và 62 linh mục dòng. Là linh mục thuộc linh mục đoàn Giáo Phận Long Xuyên, chúng ta được sai đến hiện diện giữa các cộng đoàn dân Chúa rải rác trong phần đất của Giáo Phận. Đây là bối cảnh để chúng ta sống mầu nhiệm Chúa Kitô hiệp hành giữa đoàn chiên của Ngài. Vì hiệp hành, nên với trách nhiệm của đức ái mục tử, người linh mục can đảm đi trước đoàn chiên để bảo vệ khỏi sói dữ. Vì hiệp hành, nên với sự hòa đồng của một mục tử, người linh mục đi giữa đoàn chiên để có mùi chiên. Vì hiệp hành, nên với sự khiêm tốn, người linh mục lùi về phía sau để vác những con chiên đau yếu chậm chạp. Hình ảnh linh mục và giám mục giữa đoàn người trong logo của Thượng Hội Đồng diễn tả tính hiệp hành này.

Để có kinh nghiệm hiệp hành trong giai đoạn học hỏi, anh em linh mục được mời gọi thực hiện các công việc cụ thể sau đây:

1/ Cùng với Giáo Phận học hỏi những tài liệu về Thượng Hội Đồng, đặc biệt là “Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành, và Tài liệu chuẩn bị”. Cụ thể là tham dự tích cực các buổi học hỏi dành cho linh mục đoàn trong dịp tĩnh tâm, dành cho tập thể các linh mục trong từng giáo hạt, trong từng nhóm linh mục…

2/ Giúp cho cộng đoàn học hỏi về Thượng Hội Đồng, cụ thể là các bài học hàng tuần do Ban Hiệp Hành Giáo Phận soạn thảo cho toàn Giáo Phận, được đăng trên trang mạng của Giáo Phận.

3/ Cộng tác với Ban Điều Hành và Ban Hiệp Hành Giáo Phận tổ chức các cuộc học hỏi cho các thành phần dân Chúa trong cộng đoàn, đặc biệt là hội đồng mục vụ giáo xứ, các đoàn thể và hội đoàn.

4/ Một trách nhiệm không thể thiếu được của các linh mục là sự cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng, trong cầu nguyện chúng ta lắng nghe được tiếng Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn và huấn luyện đi vào con đường hiệp hành.

5/ Tổ chức chầu Thánh Thể và làm giờ thánh vào các ngày thứ Năm trong tuần; cổ vũ và khích lệ cộng đoàn tham dự, để cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng.

Ước mong, linh mục đoàn Giáo Phận trở thành gia đình của Thiên Chúa giữa gia đình Giáo Phận, hiệp hành với nhau và hiệp hành với Giáo Hội để thi hành sứ vụ xây dựng Nước Thiên Chúa trong thế giới hôm nay.  

Anh chị giáo dân cùng với các chủng sinh và tu sĩ thân quý!

Vì tính hiệp hành trong Giáo Phận, anh chị em được mời gọi hiệp hành với các linh mục và phó tế trong tiến trình tổ chức Thượng Hội Đồng trong các giai đoạn, cụ thể trong giai đoạn học hỏi do Giáo Phận tổ chức. Hiệp hành bằng cầu nguyện và cộng tác với các linh mục và phó tế tổ chức các cuộc học hỏi trong cộng đoàn của mình, theo chương trình của Ban Điều Hành và Ban Hiệp Hành Giáo Phận tổ chức.

Xin Chúa Thánh Thần là Thần chân lý, hướng dẫn toàn thể Dân Chúa của Giáo Phận, đặc biệt là hàng giáo sĩ, hướng về một hội thánh hiệp hành, hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

+ Giuse Trần Văn Toản
Giám mục giáo phận Long Xuyên

Nguồn: giaophanlongxuyen.org (28.12.2021) 

Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô

 

Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô



Từ khi được bầu làm Giáo Hoàng ngày 13/3/2013 đến nay, ĐTC Phanxicô đã tiến hành chương trình cải tổ giáo triều Roma để phục vụ hữu hiệu hơn Giáo Hội hoàn vũ và sứ mạng của Giáo Hội nói chung.

G. Trần Đức Anh O.P

Người ta cũng thấy rõ tiến trình này qua các huấn từ trong các buổi tiếp kiến dành cho Hồng Y đoàn và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh, khoảng 50 hồng y và 40 giám mục, đến chúc mừng ngài vào mỗi cuối năm nhân dịp lễ Giáng Sinh và năm mới.

Thực vậy, đối với các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm như Đức Gioan Phaolô 2 hoặc Biển Đức 16, những buổi tiếp kiến này là dịp để ĐGH kiểm điểm những biến cố nổi bật trong sinh hoạt của Tòa Thánh trong năm sắp kết thúc. Nhưng đối với ĐTC Phanxicô, đây là dịp để ngài nhận định về đường lối hoạt động của Giáo Triều Roma, vạch rõ những khuyết điểm, nhấn mạnh những đức tính cần có, và đề ra hướng đi mới trong chương trình cải tổ Giáo Triều.

Buổi tiếp kiến năm 2013

Ngay trong buổi tiếp kiến đầu tiên ngày 21/12/2013, ĐTC Phanxicô nêu bật 3 đặc tính những người phục vụ tại các cơ quan trung ương Tòa Thánh cần phải có, đó là khả năng chuyên môn, tinh thần phục vụ và đời sống thánh thiện. Về đời sống thánh thiện, ngài nói: “Chúng ta biết rõ đây là điều quan trọng nhất trong thứ tự các giá trị, nó ở nơi nền tảng chất lượng làm việc và phục vụ. Sự thánh thiện có nghĩa là đời sống được chìm đắm trong Thánh Linh, cởi mở tâm hồn đối với Thiên Chúa, cầu nguyện liên lỷ, khiêm tốn sâu xa, bác ái huynh đệ trong tương quan với các đồng nghiệp.”

Buổi tiếp kiến năm 2014

Trong buổi tiếp kiến năm sau đó, 2014, ĐTC liệt kê 15 thứ bệnh những người phục vụ tại giáo triều Roma cần loại trừ, trong số này có bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là tối quan trọng không thể thiếu được. Hoặc bệnh cạnh tranh và háo danh, rồi bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc sống: sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình và dần dần trở nên trống rỗng về tinh thần.

Rồi có bệnh ‘ngồi lê đôi mách’, lẫm bẩm và nói hành: “Tôi đã nói nhiều về bệnh này và không bao giờ cho đủ”. Hoặc Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo. Đó là bệnh của những kẻ dua nịnh cấp trên, hy vọng được ân huệ của họ.

Cũng có bệnh những nhóm khép kín, trong đó sự thuộc về một nhóm nhỏ trở nên mạnh hơn thuộc về cả thân mình và trong một số trường hợp, mạnh hơn cả sự thuộc về chính Chúa Kitô.

Buổi tiếp kiến năm 2015

Khác với năm 2014, trong buổi tiếp kiến Giáo triều năm 2015, ĐTC đã liệt kê một danh sách 12 các đức tính cần thiết cho những người phục vụ trong giáo triều và tất cả những người làm cho sự thánh hiến hoặc việc phục vụ của họ dành cho Giáo Hội được phong phú.

Trong số các đức tính đó có: tinh thần truyền giáo và mục vụ, khả năng thích hợp và tinh tế, linh đạo và tình người, gương mẫu và trung thành, hợp lý và dễ mến, thận trọng và cương quyết, bác ái và sự thật, lương thiện và trưởng thành, tôn trọng và khiêm tốn, quảng đại và quan tâm, can đảm và mau mắn, đáng tín nhiệm và điều độ (12).

Buổi tiếp kiến thứ năm 2016

Sau khi chuẩn bị tâm hồn của các chức sắc và nhân viên Giáo Triều, trong buổi tiếp kiến cuối năm 2016, ĐTC đã trình bày về việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Ngài nhấn mạnh rằng: “Cuộc cải tổ chỉ hữu hiệu nếu được thực hiện với những người được đổi mới, chứ không phải với những người mới mà thôi. Không thể chỉ hài lòng với việc thay đổi nhân sự, nhưng cần làm sao để các nhân viên Tòa Thánh canh tân về tinh thần, về nhân bản và khả năng chuyên môn. Trong thực tế, sự thường huấn không đủ, còn cần phải có sự hoán cải và thanh tẩy trường kỳ. Nếu không có sự thay đổi não trạng thì nỗ lực cải tổ sẽ vô hiệu.”

Buổi tiếp kiến năm 2017

Tiếp nối chương trình cải tổ Giáo Triều, trong buổi tiếp kiến năm 2017, ĐTC kêu gọi mọi người hành động theo tinh thần “quyền tối thượng phục vụ” của Người Kế vị Thánh Phêrô.

“Tính chất phổ quát trong việc phục vụ của các cơ quan trung ương Tòa Thánh phát xuất và nảy sinh từ đặc tính công giáo của sứ vụ Phêrô. Một giáo triều khép kín vào mình thì phản bội mục tiêu sự hiện hữu của mình và rơi vào tình trạng tự tham chiếu chính mình, và sẽ bị hủy diệt”.

Dùng hình ảnh các phó tế được kêu gọi trở thành tai mắt của Giám Mục, giúp ngài đi tới những quyết định mưu ích cho toàn thân mình, cho cộng đồng Giáo Hội, ĐTC nhấn mạnh rằng tương quan của những người thuộc Giáo Triều Roma với người kế vị Thánh Phêrô là tương quan hiệp thông con thảo, vâng phục để phục vụ dân thánh của Chúa. Sự hiệp thông với Phêrô củng cố và tăng cường sự hiệp thông giữa mọi phần tử”.

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC phê bình những nhân viên Giáo Triều hành động trong những nhóm nhỏ, mưu mô; họ như thứ bệnh ung thư đưa tới tình trạng tự tham chiếu mình, thứ ung thư xâm nhập cả vào trong các cơ quan của Giáo Hội.

ĐTC đặc biệt cảnh giác chống lại một nguy hiểm khác, nguy hiểm của những kẻ phản bội sự tín nhiệm hoặc những người lợi dụng tình mẫu tử của Giáo Hội, tức là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng để tăng cường sức mạnh cho thân mình và cho sự cải tổ, nhưng rồi họ không hiểu trách nhiệm cao cả của họ, để cho mình bị hư hỏng vì những tham vọng hoặc hư danh và khi họ bị loại trừ một cách tế nhị, thì họ tự tuyên bố một cách sai lầm là những người tử đạo của chế độ, của một Giáo Hoàng “không được thông tin đầy đủ”, của bè phái cũ, thay vì đấm ngực nhìn nhận tội lỗi của mình.

Buổi tiếp kiến năm 2018

Trong buổi tiếp kiến Giáo Triều cuối năm 2018, ĐTC Phanxicô đề cao kết quả cuộc cải tổ giáo triều được tiến hành cho đến nay và cám ơn các Linh Mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân nhiệt thành.

Trong bối cảnh của những giáo sĩ, tu sĩ bị tố lạm dụng tính dục trẻ em, ĐTC đề cao đông đảo các các giám mục, linh mục, tu sĩ hằng ngày trung thành sống ơn gọi, sự thinh lặng, thánh thiện và từ bỏ. Họ là những người soi sáng tăm tối của nhân loại, với chứng tá tin, yêu và bác ái của họ.

Buổi tiếp kiến năm 2019

Sau 5 năm chuẩn bị tinh thần của những người phục vụ tại Tòa Thánh, trong huấn từ cuối năm 2019, ĐTC nói về việc cải tổ Bộ giáo lý đức tin, Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, Bộ truyền thông và Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện.

Đặc biệt về hai Bộ đầu tiên, ĐTC nhận xét rằng thế giới ngày nay không còn ở trong bối cảnh như thời hai bộ Đức tin và Bộ truyền giáo được thành lập. Ngày nay những người dân chưa được nghe Tin Mừng ở mọi nơi, nhất là tập trung trong những khu thành thị rất đông đảo. Vì thế chúng ta cần thay đổi tâm thức mục vụ.

ĐTC nói: “Ngày nay Giáo Hội phải đương đầu với những thách đố khác, hướng về các biên cương mới trong việc truyền giáo cho dân ngoại cũng như trong việc tái truyền giảng Tin Mừng cho những dân tộc đã được loan báo về Chúa Kitô. Cần có một sự loan báo Tin Mừng mới, hay là tái truyền giảng Tin Mừng. Tất cả những điều đó nhất thiết bao hàm những thay đổi và những chú ý khác đối với các bộ vừa nói cũng như toàn thể Giáo Triều Roma.

Sau cùng, ĐTC đặc biệt tái cảnh giác chống lại thái độ “cứng nhắc”. Ngài nói: “Thái độ cứng nhắc nảy sinh từ sự sợ hãi thay đổi, và rốt cuộc, thay vì tháo gỡ những cột rào và chướng ngại ra khỏi thửa đất công ích, người ta lại biến nó thành một bãi mìn đầy sự thiếu cảm thông và oán ghét. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng đàng sau mỗi thái độ cứng nhắc có một sự thiếu quân bình nào đó. Cứng nhắc và thiếu quân bình nuôi dưỡng nhau như một cái vòng lẩn quẩn”.

Buổi tiếp kiến năm 2020

ĐTC mời gọi mọi người vượt thắng các cuộc khủng hoảng mà bản thân mỗi người, xã hội và Giáo Hội đang trải qua:

“Đừng vội vã xét đoán Giáo Hội dựa trên các cuộc khủng hoảng do những gương mù gương xấu hôm qua và ngày nay. Bao nhiêu lần, cả những phân tích của chúng ta về Giáo Hội dường như là những trình thuật không có hy vọng. Một nhận xét về thực tại không hy vọng không thể được gọi là thực tế. Niềm hy vọng mang lại cho những phân tích của chúng ta điều mà bao nhiêu lần những cái nhìn thiển cận của chúng ta không nhận thức được. Tại Giáo Triều này có nhiều người đang làm chứng tá bằng công việc khiêm hạ, kín đáo, âm thầm, trung thành, với khả năng chuyên môn và lương thiện. Không phải từ chúng ta nhưng từ Thiên Chúa”.

Buổi tiếp kiến năm 2021

Sau cùng, trong buổi tiếp kiến Giáo Triều hôm 23/12 vừa qua, ĐTC mời gọi mọi người bước qua cánh cửa “khiêm nhường” và đồng thời ngài đề cao nhân đức này như động lực giúp thi hành tiến trình Thượng HĐGM thế giới về sự hiệp hành trong Giáo Hội.

ĐTC nhắc đến “Vua các vua” đến trong trần thế qua “cánh cửa khiêm nhường và mời gọi chúng ta bước qua đó”, và như đến tướng Naaman dũng cảm, bị phong cùi được lành mạnh sau khi hạ mình, tuân lời ngôn sứ, cởi bỏ áo giáp, xuống tắm 7 lần tại sông Giordan và “thân thể ông trở nên như thân thể trẻ thơ, ông được lành lặn” (2 V 5,14).

Cả chúng ta cũng cần tháo cởi những y phục, những đặc quyền, các vai trò, tước vị, để được chữa lành.

Tinh thần khiêm hạ này cũng giúp đặt chúng ta trong tư thế đúng để có thể gặp gỡ và lắng nghe, đối thoại và phân định cần có để thực hiện tiến trình 2 năm chuẩn bị Thượng HĐGM thế giới năm 2023 về sự hiệp hành như một đặc tính của Giáo Hội. Ngài nói: “Nếu ai tiếp tục khép kín trong những xác tín của mình, trong lối sống, trong cái vỏ ốc của mình với cảm thức và suy nghĩ, thì thật khó nhường chỗ cho kinh nghiệm về Thánh Linh”.

ĐTC nhấn mạnh rằng “Đặc tính hiệp hành là một đường lối mà chúng ta phải hoán cải để theo, nhất là chúng ta là những người ở đây và sống kinh nghiệm phục vụ Giáo Hội hoàn vũ qua công việc ở giáo triều Roma.”


Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Tin Buồn Thầy ROLAND NGUYỄN VĂN MỘ dòng Thánh Gia Đã từ Trần

 

Tin Buồn Thầy ROLAND NGUYỄN VĂN MỘ dòng Thánh Gia Đã từ Trần




Sáng nay lúc 4 giờ 55 phút ngày 28-12-2021 được tin thầy ROLAND Nguyễn Văn Mộ dòng Thánh Gia đã được Chúa gọi về. Cha sở, cha phó, Hội đồng mục vụ và toàn thể giáo dân giáo xứ Cần Xây xin chia buồn với Hội Dòng, đồng thời cầu nguyện cho linh hồn thầy sớm hưởng thánh nhan Chúa. 

Tiểu sử Thầy ROLAND NGUYỄN VĂN MỘ 

                Thầy sinh ngày 20/9/1931 tại Vĩnh Phước đất nước Campuchia. Là người con thứ 3 trong một gia đình đạo đức có ba người đi tu. Vào dòng Thánh gia ngày 25/8/1946 tại Banam.

            Sau 5 năm tu học, ngày 29/8/1951 Thầy đươc vào Tập viện lớp chữ R, với tên thánh Dòng là Tu huynh ROLAND. Thầy tuyên khấn vĩnh viễn ngày 21/6/1962. Sau khi tuyên khấn thầy đã phục vụ rất nhiều nơi kể cả Campuchia và Việt nam.
    Mấy năm gần đây với tuổi già sức yếu thầy đã về nghỉ hưu tại nhà dòng mẹ Cần Xây. Khoảng hai tháng nay thầy bị bệnh nhưng thầy đã chịu đưng một cách can đảm và mong muốn về nhà cha. Vào lúc 4 giờ 55 sáng ngày 28/12/2021 Thầy đã được Chúa gọi về sau khi đã được nhận lãnh cách sốt sắng các Bí tích cuối cùng. Thầy ra đi với sự hiện diện của gần như toàn bộ anh em về  Nhà Mẹ để mừng lễ bổn mạng dòng. Hưởng thọ 90 tuổi. Nghi thức khâm liệm vào lúc 16 giờ ngày 28/12/2021 và thánh lễ an táng sẽ được cử hành lúc 9 giờ ngày 29/12/2021, sau đó an táng tại đất thánh của Hội dòng. Xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện cho thầy sớm hưởng thánh nhan Chúa

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH, NĂM MỚI

 CHÚC MỪNG GIÁNG SINH, NĂM MỚI


Giáng Sinh năm 2021 đã về. Trong niềm vui kỷ niệm con Chúa giáng trần và một năm mới sắp đến. Ban biên tập kính chúc quí đọc giả Giáng sinh an bình, lãnh nhận được nhiều hồng ân từ Chúa Hài nhi. Năm mới bình an và mọi sự như ý trong thánh ý của Thiên Chúa

HANG ĐÁ VÀ CÁC TU SĨ HIỆN DIỆN TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG TÂM AN GIANG

 

HANG ĐÁ VÀ CÁC TU SĨ

HIỆN DIỆN TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG TÂM AN GIANG

 Réveillon Liên hoan mừng Chúa Giáng sinh tại bênh viện: mì gói, trái cây nhưng không thiếu nụ cười

        Do nhu cầu của Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang cần thêm người phục vụ và chăm sóc những bệnh nhân Covid, các tu sĩ lại tình nguyện lên đường đợt II. Đợt một nhu cầu chỉ có 4 sơ, đợt hai nhu cầu cần nhiều hơn nên tổng cộng có 10 sơ bao gồm: Dòng Chúa Quan Phòng 5 sơ; Dòng Đa Minh 5 sơ; Dòng Nữ Tử bác ái Vinh Sơn cộng đoàn Cần Xây 01 sơ, chia thành hai ca, mỗi ca 5 sơ.

Đi vào nơi nguy hiểm nhưng ai cũng vui mừng phấn khởi vì mình đang được phục vụ những Ki tô khác. Phải chăng ý Chúa nhiệm màu muốn đem niềm vui đến chốn u sầu và sự an bình cho các bệnh nhân cô đơn không người thân bên cạnh.

Đặc biệt hơn, trong đợt này trùng với lễ Giáng sinh. Tưởng rằng cứ phải ở nhà Dòng, nhà Thờ mới có hang đá và kỷ niệm Chúa sinh ra mà tại chính nơi bệnh viện có một hang đá đơn sơ đón Chúa thời Covid do các sơ làm. Tiếng nhạc Giáng sinh vang lên và Chúa ngự đến giữa chốn đau thương để đem an lành và tình thương của Ngài qua bàn tay và trái tim yêu thương của các sơ.

Xin Chúa ban bình an, sức khoẻ để các sơ luôn là ngọn lửa yêu thương xoa dịu tâm hồn và thể xác các bệnh nhân, đồng thời cũng là ngọn đuốc làm sáng lên những tâm hồn chưa tìm thấy Chúa là nguồn ủi an. Chúc các sơ mùa Giáng sinh an bình bên Chúa Hài nhi.

Thiên Sinh

Hang đá làm từ miệng cái quạt hơi nước, giấy A4 đã đã xử dụng, khẩu trang 





























Bữa tiệc Réveillon đêm Giáng sinh của các sơ tại bệnh viện: mì gói, nước tương, trái cây nhưng niềm vui phục vụ và nụ cười vẫn nở trên môi


Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

ĐTC Phanxicô tiếp kiến Giáo triều Roma - chúc mừng Giáng sinh và năm mới

 

ĐTC Phanxicô tiếp kiến Giáo triều Roma - chúc mừng Giáng sinh và năm mới



Sáng ngày 23/12/2021, như truyền thống hàng năm trước Giáng Sinh, Đức Thánh Cha tiếp các Hồng y, Giám mục và các chức sắc cấp cao của Toà Thánh, đến chúc mừng Giáng sinh và năm mới Đức Thánh Cha. Trong bài diễn văn đáp từ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự khiêm nhường của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng sinh. Ngài mời gọi Giáo triều sống tinh thần này trong tiến trình Thượng Hội Đồng.

Ngọc Yến - Vatican News

Mầu nhiệm Giáng sinh: Thiên Chúa đến thế gian qua con đường khiêm nhường

Đức Thánh Cha bắt đầu bài diễn văn, nhắc lại buổi gặp gỡ là cơ hội để bày tỏ tình huynh đệ, qua việc trao cho nhau những lời chúc Giáng sinh, nhưng cũng là dịp để suy tư và nhìn lại chính mình, để ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể chỉ cho chúng ta thấy chúng ta là ai và sứ vụ của chúng ta.

Với chủ đích trên, Đức Thánh Cha nói rằng để diễn tả một cách hay và đẹp nhất mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta phải sử dụng cụm từ “khiêm nhường”. Các sách Tin Mừng đã nói về một cảnh nghèo khó, giản dị, không thích đáng cho một phụ nữ sắp sinh con. Vua các vua đến thế gian không gây chú ý, nhưng khơi gợi một sự lôi cuốn cách mầu nhiệm trong tâm hồn những ai cảm nhận một sự hiện diện hoàn toàn mới, một điều gì đó đang chuẩn bị thay đổi lịch sử. Khiêm nhường là cánh cửa của những điều này và mời gọi chúng ta bước vào.

Khiêm nhường của tướng Naaman

Theo Đức Thánh Cha, không dễ để hiểu khiêm nhường là gì. Vì đó là kết quả của một sự thay đổi mà chính Thánh Thần hoạt động trong chúng ta qua lịch sử chúng ta đang sống như trường hợp của ông Naaman trong thời ngôn sứ Êlisa (2 V 5). Ông Naaman là một vị tướng thế giá và uy tín của quân đội vua Aram, nhưng lại bị bệnh phong. Bộ áo giáp đem lại cho ông sự nổi tiếng nhưng cũng là thứ che đậy thân phận mỏng manh, bị thương, và bệnh của ông. Chúng ta thường chứng kiến sự mâu thuẫn này trong cuộc sống chúng ta.

Ông Naaman hiểu một chân lý nền tảng: người ta không thể ẩn trốn cả cuộc đời sau bộ áo giáp, một phận vụ, một sự công nhận xã hội. Rồi sẽ đến lúc, mỗi người không còn muốn sống đàng sau lớp vỏ hào quang của thế gian, nhưng sống một cuộc đời chân thật, không cần áo giáp, mặt nạ. Mong muốn này thúc đẩy tướng chỉ huy Naaman lên đường tìm kiếm một ai đó có thể giúp ông.

Khi ngôn sứ Êlisa yêu cầu ông thực hiện một việc đơn giản là tắm trong sông Giođan như điều kiện duy nhất để được chữa lành, ông đã từ chối, vì đối với ông điều này quá tầm thường, quá đơn giản, dễ làm. Dường như sức mạnh của sự đơn giản không có trong trí tưởng tượng của ông. Nhưng rồi ông đã nghe lời tôi tớ và đi tắm bảy lần trong sông và đã được sạch, da thịt trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Bài học thật tuyệt vời! sự khiêm nhường bộc lộ nhân tính của ông, theo Lời Chúa, đã giúp Naaman được chữa lành.

Giáng sinh mời gọi mỗi người cởi bỏ bộ áo giáp: phận vụ, ảnh hưởng xã hội

Từ câu chuyện của tướng Naaman, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của Giáo triều nhớ rằng Giáng sinh là thời điểm mà mỗi người phải can đảm cởi bỏ bộ áo giáp của mình, bước ra khỏi phận vụ, ảnh hưởng, sự công nhận xã hội, của ánh hào quang thế gian, và đảm nhận chính sự khiêm nhường của mình. Chính mẫu gương vĩ đại của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể làm người trong thân phận hài nhi bé nhỏ giúp mỗi người thực hiện điều này.

Đức Thánh Cha giải thích tiếp về sự khiêm nhường: “Khiêm nhường là khả năng biết sống thân phận con người của chúng ta, một cách thực tế với niềm vui và hy vọng. Khiêm nhường là hiểu rằng chúng ta không phải xấu hổ về sự yếu đuối của chúng ta. Nếu Naaman chỉ tiếp tục lo tích luỹ huân chương để gắn lên bộ áo giáp, thì cuối cùng ông sẽ bị bệnh phong nuốt chửng, sống nhưng khép kín trong ốc đảo của căn bệnh”.

Đối lập với khiêm nhường là kiêu ngạo

Đức Thánh Cha trích lời ngôn sứ Malakhi để nói kẻ thù của sự khiêm nhường: “Đối lập với khiêm nhường là kiêu ngạo. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng – Đức Chúa các đạo binh phán – không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào” (Ml 3, 19). Ngài nhấn mạnh: “Những ai kiêu ngạo, cuối cùng sẽ bị mất tất cả những gì quan trọng nhất, đó là cội nguồn, gốc rễ. Rễ cho chúng ta biết mối liên hệ của chúng ta với quá khứ, nơi chúng ta lấy nhựa sống cho hiện tại. Mầm sống là hiện tại, không chết, nhưng trở thành tương lai. Vì thế, nếu ở trong hiện tại không có gốc rễ, không có mầm sống có nghĩa là người ta đang ở giờ sau cùng. Người kiêu ngạo sống khép kín trong thế giới nhỏ bé của mình, không có hiện tại và tương lai. Trái lại, người khiêm nhường luôn được hướng dẫn bởi hai động từ: ghi nhớ và sinh sôi, hoa trái trổ sinh từ gốc rễ và chồi xanh, như thế sống trong niềm vui mở ra của sự phong nhiêu.

Người khiêm nhường luôn ghi nhớ và sinh sôi

Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng, ghi nhớ có nghĩa là “trở lại tâm hồn”. Ký ức quan trọng mà chúng ta có về truyền thống, cội nguồn, không phải là sự sùng bái quá khứ, nhưng là cử chỉ nội tâm, những gì đưa chúng ta đến đây. Nhưng để việc ghi nhớ không trở thành nhà tù của quá khứ, chúng ta cần sinh sôi. Người khiêm nhường cũng quan tâm đến tương lai, không chỉ quá khứ, bởi vì họ biết nhìn về phía trước, nhìn những chồi non, với một ký ức đầy biết ơn. Người kiêu ngạo trái lại, lặp đi lặp lại, khép mình trong sự lặp lại của mình, cảm thấy chắc chắn về những gì đã biết và sợ hãi cái mới vì không thể kiểm soát nó, cảm thấy bất ổn... bởi vì họ đã mất ký ức.

Khiêm nhường để sống tiến hình Thượng Hội Đồng

Sau khi nói về giá trị của sự khiêm nhường, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đem áp dụng vào thực tế, đó là Thượng Hội đồng Giám mục được khai mạc hôm 17/10. Ngài nói: “Chỉ có sự khiêm nhường mới có thể đưa chúng ta vào điều kiện thích hợp để có thể gặp gỡ và lắng nghe, đối thoại và phân định. Nếu mọi người vẫn khép kín trong những xác tín của mình, trong cái vỏ của cảm giác và suy nghĩ duy nhất của mình, thì khó có chỗ cho kinh nghiệm về Thần Khí, như thánh Tông đồ Phaolô nói, được liên kết với xác tín rằng tất cả chúng ta đều là con của ‘một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người’” (Ep 4, 6).

Đức Thánh Cha lưu ý phải hiểu cụm từ “Mọi người” cho đúng. Vì nếu không, thái độ giáo sĩ trị như một cám dỗ diễn ra hàng ngày khiến chúng ta suy nghĩ một Thiên Chúa chỉ nói với một số ít, trong lúc những người khác phải lắng nghe và thực hiện.

Thượng Hội Đồng là kinh nghiệm để cảm nhận rằng tất cả chúng ta đều là thành viên của một Dân Thánh trung thành của Chúa. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng Thượng Hội Đồng là một sự kiện dành riêng cho Giáo hội như một thực thể trừu tượng. Chính trong việc phục vụ Giáo hội hoàn vũ, Giáo triều phải làm chứng về điều này trước tiên. Vì thế, nếu Lời Chúa nhắc nhở toàn thế giới về giá trị của sự nghèo khó, thì chúng ta, những thành viên của Giáo triều, phải là những người đầu tiên dấn thân vào việc hoán cải sống tiết kiệm. Nếu Tin Mừng loan báo công lý, trước hết chúng ta phải cố gắng sống minh bạch, không thiên vị và bè phái. Nếu Giáo Hội đi theo con đường hiệp hành, chúng ta phải là người đầu tiên hoán cải để có một phong cách làm việc khác, cộng tác và hiệp thông. Và điều này chỉ có thể thực hiện được qua con đường khiêm nhường.

Tham gia, hiệp thông và sứ vụ: chìa khoá sống khiêm nhường

Theo Đức Thánh Cha, ba từ khoá của Thượng Hội Đồng chính là phong cách để sống khiêm nhường.

Trước hết tham gia: Điều này phải được thể hiện qua tinh thần đồng trách nhiệm. Đức Thánh Cha nói ngài luôn ấn tượng khi thấy trong Giáo triều có sự sáng tạo, và khuyến khích mọi người tiếp tục thi hành sứ vụ cộng tác. Bởi vì quyền bính trở thành phục vụ khi chia sẻ, tham gia và giúp phát triển.

Thứ hai là hiệp thông: Hiệp thông được sinh ra từ tương quan với Chúa, đặt Chúa ở trung tâm. Cùng nhau làm việc nhưng phải cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa. Nếu không có điều này, chúng ta trở thành những người xa lạ, những đối thủ cạnh tranh.

Thứ ba là sứ vụ: Sứ vụ tập trung vào Chúa Giêsu, dấn thân cho người nghèo, mọi hình thức của nghèo đói. Sứ vụ giúp chúng ta nhớ thân phận môn đệ của chúng ta và cho phép chúng ta tái khám phá niềm vui Tin Mừng.

Tham gia, sứ vụ và hiệp thông là những đặc điểm của một Giáo hội khiêm tốn, lắng nghe Thánh Thần và không đặt mình là trung tâm.

Bài học khiêm nhường của ba nhà chiêm tinh

Đức Thánh Cha kết thúc với lời mời gọi các thành viên của Giáo triều noi gương ba nhà chiêm tinh, những người có địa vị xã hội cao hơn Đức Mẹ và Thánh Giuse, hay các mục đồng, nhưng cũng đã sấp mình thờ lạy Hài Nhi. Nhưng để làm được như thế, ba nhà chiêm tinh phải khiêm nhường. Ngài cũng cầu chúc mọi người lưu ý đến căn bệnh phong của chính mình, và tránh suy nghĩ theo kiểu thế gian, đánh mất cội nguồn và mầm sống. Bài học của Giáng sinh là khiêm nhường. Khiêm nhường là điều kiện tuyệt vời cho đức tin, đời sống thiêng liêng và sự thánh thiện.


Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hòa bình năm 2022

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hòa bình năm 2022

  •  
  •  


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH NĂM 2022  

Vatican News (21.12.2021) - Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 55, sẽ được cử hành vào ngày 1/1/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra ba con đường để xây dựng một nền hòa bình lâu dài: đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và việc làm.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô
nhân dịp cử hành Ngày Thế giới Hòa bình
(01/01/2022)

Đối thoại liên thế hệ, Giáo dục và Việc làm: Những công cụ để xây dựng hòa bình bền vững

1. "Đẹp thay, trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an" (Is 52,7).

Những lời của ngôn sứ Isaia nói về sự an ủi, nói lên tiếng thở dài nhẹ nhõm của một dân tộc đang bị lưu đày, mệt mỏi vì bạo lực và áp bức, phải sống trong điều kiện không xứng với phẩm giá và chịu đựng sự chết chóc. Ngôn sứ Barúc đã thắc mắc: “Vì đâu, Israel hỡi, vì đâu ngươi phải nương thân trên đất thù địch, phải hao mòn nơi xứ lạ quê người? Vì đâu ngươi bị nhiễm uế giữa đám thây ma, phải nằm chung với những người ở trong âm phủ?" (3,10-11). Đối với dân Israel, sự xuất hiện của sứ giả hòa bình có nghĩa là hy vọng về sự tái sinh từ đống đổ nát của lịch sử, khởi đầu cho một tương lai tươi sáng.

Ngày nay, con đường hòa bình mà thánh Phaolô VI đã gọi bằng tên mới là phát triển toàn diện[1], không may là vẫn còn xa cách với cuộc sống thực của nhiều người và do đó, xa cách với gia đình nhân loại của chúng ta, hiện đang hoàn toàn liên kết với nhau. Bất chấp nhiều nỗ lực nhắm đến việc đối thoại mang tính xây dựng giữa các quốc gia, tiếng ồn ào chói tai của chiến tranh và xung đột đang ngày càng gia tăng. Trong khi các căn bệnh ở tầm mức đại dịch đang lan rộng, tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, thảm cảnh đói khát ngày càng gia tăng, và mô hình kinh tế dựa trên chủ nghĩa cá nhân thay vì chia sẻ liên đới tiếp tục thống trị. Như trong thời của các vị ngôn xứ xa xưa, ngày nay cũng thế, tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của trái đất[2] không ngừng vang lên cầu xin công lý và hòa bình.

Ở mọi thời đại, hòa bình vừa là món quà từ ơn trên vừa là kết quả của sự dấn thân chung. Thật vậy, chúng ta có thể nói về một “khoa kiến trúc” của hòa bình, mà các thể chế khác nhau của xã hội đóng góp vào đó, và một “nghệ thuật” của hòa bình bao gồm mỗi người chúng ta cách trực tiếp[3]. Tất cả có thể cùng nhau hợp tác để xây dựng một thế giới hòa bình hơn, bắt đầu từ trái tim của mỗi người và từ các mối quan hệ trong gia đình, trong xã hội và với môi trường, cho đến các mối quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia.

Ở đây, tôi muốn đề xuất ba con đường để xây dựng một nền hòa bình lâu dài. Thứ nhất, đối thoại giữa các thế hệ như là nền tảng cho việc hiện thực hóa các dự án chung. Thứ hai, giáo dụcnhư một yếu tố của tự do, trách nhiệm và phát triển. Cuối cùng, việc làm, như một phương tiện để nhận thức đầy đủ phẩm giá của con người. Đây là ba yếu tố không thể thiếu để “có thể tạo ra một khế ước xã hội”[4], mà nếu thiếu nó mọi dự án hòa bình đều không bền vững.

2. Đối thoại giữa các thế hệ để xây dựng hòa bình

Trong một thế giới vẫn còn bị bao trùm bởi trận đại dịch đã tạo ra quá nhiều vấn đề, “một số người cố gắng trốn chạy khỏi thực tế, trú ẩn trong thế giới nhỏ bé của riêng họ; những người khác phản ứng với nó bằng bạo lực hủy diệt. Tuy nhiên, giữa sự thờ ơ ích kỷ và sự phản kháng bạo lực luôn có một lựa chọn khả thi khác: đó là đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ”[5].

Tất cả các cuộc đối thoại trung thực, bên cạnh việc trao đổi quan điểm đúng đắn và tích cực, luôn đòi hỏi có sự tin tưởng cơ bản giữa những người tham gia. Chúng ta cần học cách lấy lại sự tin tưởng lẫn nhau này. Cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay đã làm tăng cảm giác bị cô lập và xu hướng co cụm lại trong chính mình của chúng ta. Sự cô đơn của người cao tuổi tương ứng với cảm giác bơ vơ và thiếu tầm nhìn chung về tương lai nơi người trẻ. Cuộc khủng hoảng thực sự rất đau đớn, nhưng nó cũng giúp mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người. Thật vậy, trong đại dịch, chúng ta đã gặp thấy những tấm gương quảng đại của lòng thương xót, chia sẻ và liên đới ở mọi nơi trên thế giới.

Đối thoại có nghĩa là lắng nghe nhau, chia sẻ những quan điểm khác nhau, đi đến thống nhất và bước đi cùng nhau. Cổ võ sự đối thoại như vậy giữa các thế hệ có nghĩa là phá vỡ mảnh đất khô cứng và cằn cỗi của xung đột và sự dửng dưng để gieo hạt giống của một nền hòa bình chung và lâu dài.

Mặc dù sự phát triển công nghệ và kinh tế có xu hướng tạo ra sự chia rẽ giữa các thế hệ, nhưng các cuộc khủng hoảng hiện nay của chúng ta cho thấy nhu cầu cấp thiết của mối quan hệ đối tác giữa các thế hệ. Một đàng, người trẻ cần sự khôn ngoan và kinh nghiệm của người lớn tuổi; đàng khác, những người cao tuổi hơn cần sự hỗ trợ, tình cảm, sự sáng tạo và năng động của lớp trẻ.

Những thách thức lớn lao của xã hội và các tiến trình hòa bình nhất thiết đòi hỏi sự đối thoại giữa những người lưu giữ ký ức - những người già - và những người đưa lịch sử tiến bước - những người trẻ. Mỗi người phải sẵn sàng dành chỗ cho người khác và không khăng khăng muốn độc chiếm toàn cảnh bằng cách theo đuổi lợi ích trước mắt của riêng mình, như thể không có quá khứ và tương lai. Cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta đang trải qua cho thấy rõ ràng rằng cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ phải là động lực thúc đẩy của một nền chính trị lành mạnh, vốn không hài lòng với việc quản trị những gì đã có “bằng các sửa chữa hoặc các giải pháp nhanh chóng”[6], nhưng xem bản thân nó như một hình thức nổi bật của tình yêu dành cho người khác[7], trong việc tìm kiếm các dự án chung và bền vững cho tương lai.

Nếu, giữa những khó khăn, chúng ta có thể thực hành kiểu đối thoại giữa các thế hệ này, “chúng ta có thể bám rễ vững chắc vào hiện tại, và từ đây, nhìn lại quá khứ và hướng đến tương lai. Nhìn lại quá khứ để rút kinh nghiệm và chữa lành những vết thương cũ mà đôi khi chúng ta vẫn còn trăn trở. Hướng đến tương lai để nuôi dưỡng lòng nhiệt thành của chúng ta, khiến ước mơ xuất hiện, đánh thức những lời ngôn sứ và giúp hy vọng nở rộ. Bằng cách này, khi đoàn kết, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau”[8]. Vì nếu không có rễ, làm sao cây cối sinh trưởng và kết trái?

Chúng ta chỉ cần nghĩ đến việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của mình. Trên thực tế, môi trường “được cho từng thế hệ vay mượn, và thế hệ này phải chuyển giao nó cho thế hệ sau”[9]. Chúng ta phải đánh giá cao và khuyến khích tất cả những người trẻ tuổi làm việc cho một thế giới công bằng hơn, một thế giới cẩn thận bảo vệ công trình sáng tạo đã được giao phó cho chúng ta quản lý. Họ làm việc này với sự khắc khoải, nhiệt tình và hơn hết là với tinh thần trách nhiệm trước sự thay đổi khẩn cấp về phương hướng[10] mà những khó khăn nảy sinh từ cuộc khủng hoảng đạo đức và môi trường xã hội ngày nay đang đặt ra cho chúng ta.[11]

Mặt khác, cơ hội để cùng nhau xây dựng những con đường hòa bình không thể bỏ qua giáo dục và công việc, vốn là những nơi chốn và bối cảnh đặc quyền cho đối thoại giữa các thế hệ. Giáo dục cung cấp ngữ pháp để đối thoại giữa các thế hệ, và trong kinh nghiệm lao động, những người nam nữ thuộc các thế hệ khác nhau thấy mình có thể hợp tác và chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng vì lợi ích chung.

3. Dạy dỗ và giáo dục như các động cơ của hòa bình

Trong những năm gần đây, nguồn tài trợ cho giáo dục và đào tạo đã giảm đáng kể trên toàn thế giới; chúng bị xem là tiêu tốn hơn là đầu tư. Tuy nhiên, chúng là phương tiện chính để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người; chúng khiến cho các cá nhân trở nên tự do và có trách nhiệm hơn, và chúng rất cần thiết cho việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình. Nói cách khác, giảng dạy và giáo dục là nền tảng của một xã hội dân sự gắn kết có khả năng tạo ra hy vọng, thịnh vượng và tiến bộ.

Ngược lại, các chi tiêu quân sự đã tăng vượt quá mức vào cuối Chiến tranh Lạnh và chúng dường như chắc chắn sẽ tăng vượt mức.[12]

Do đó, đã đến lúc các chính phủ cần cấp thiết phát triển các chính sách kinh tế nhằm đảo ngược tỷ lệ công quỹ dành cho giáo dục và vũ khí. Việc theo đuổi một quá trình giải trừ quân bị quốc tế thực sự chỉ có thể mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của các dân tộc và quốc gia, giải phóng các nguồn lực tài chính để sử dụng một cách thích hợp hơn cho y tế, trường học, cơ sở hạ tầng, chăm sóc lãnh thổ và v.v..

Tôi hy vọng rằng đầu tư vào giáo dục cũng sẽ đi kèm với những nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy văn hóa chăm sóc.[13] Đối mặt với sự rạn nứt của xã hội và sự ù lì của các thể chế, giáo dục có thể trở thành ngôn ngữ chung phá vỡ các rào cản và xây dựng cầu nối. “Một quốc gia phát triển mạnh mẽ khi đối thoại mang tính xây dựng diễn ra giữa nhiều thành phần văn hóa phong phú của nó: văn hóa đại chúng, văn hóa đại học, văn hóa giới trẻ, văn hóa nghệ thuật, văn hóa công nghệ, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình và văn hóa truyền thông”.[14] Do đó, điều cần thiết là phải hình thành một mô hình văn hóa mới thông qua “một hiệp ước toàn cầu về giáo dục cho và với các thế hệ tương lai, một hiệp ước trong đó các gia đình, cộng đồng, trường học, trường đại học, tổ chức, tôn giáo, chính phủ và toàn bộ gia đình nhân loại dấn thân đào tạo những người nam nữ trưởng thành”.[15] Một hiệp ước có thể thúc đẩy giáo dục trong hệ sinh thái toàn vẹn, theo một mô hình văn hóa hòa bình, phát triển và bền vững, tập trung vào tình huynh đệ và giao ước giữa con người và môi trường.[16]

Đầu tư vào dạy dỗ và giáo dục thế hệ trẻ là con đường chính dẫn họ, thông qua đào tạo cụ thể, có được vị trí xứng đáng trên thị trường lao động.[17]

4. Tạo ra và đảm bảo việc làm xây dựng hòa bình

Việc làm là nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng và giữ gìn hòa bình. Nó là sự thể hiện bản thân và những tài năng của chúng ta, nhưng cũng là sự dấn thân, vất vả và sự hợp tác của chúng ta với những người khác, bởi vì chúng ta luôn làm việc với hoặc vì ai đó. Nhìn theo quan điểm xã hội rõ ràng này, việc làm là nơi giúp chúng ta học cách đóng góp phần của mình cho một thế giới tươi đẹp và đáng sống hơn.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới lao động, vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Hàng triệu hoạt động kinh tế và sản xuất đã thất bại; các công nhân lao động ngắn hạn ngày càng dễ bị tổn thương; nhiều người trong số những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu càng không được công chúng và thế giới chính trị biết đến; và trong nhiều trường hợp, giáo dục từ xa đã tạo ra một sự thụt lùi trong học tập và và chậm hoàn thành chương trình học. Hơn nữa, những người trẻ tuổi tham gia thị trường việc làm và những người trưởng thành thất nghiệp hiện đang đối mặt với triển vọng ảm đạm.

Đặc biệt, tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế phi chính thức, vốn thường liên quan đến lao động nhập cư, đang rất nặng nề. Nhiều người trong số họ thậm chí không được luật pháp quốc gia công nhận; như thể họ không tồn tại. Họ và gia đình sống trong những điều kiện vô cùng bấp bênh, là con mồi của nhiều hình thức nô lệ khác nhau và không có hệ thống phúc lợi nào bảo vệ họ. Hiện chỉ có một phần ba dân số thế giới trong độ tuổi lao động được hưởng hệ thống bảo trợ xã hội hoặc chỉ được hưởng lợi từ hệ thống này theo những cách hạn chế. Bạo lực và tội phạm có tổ chức đang gia tăng ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng đến tự do và phẩm giá của con người, đầu độc nền kinh tế và cản trở sự phát triển của công ích. Câu trả lời duy nhất cho tình trạng này chỉ có thể thông qua việc mở rộng các cơ hội việc làm xứng với nhân phẩm.

Thực tế, việc làm là nền tảng để xây dựng công bằng và tình liên đới trong mọi cộng đồng. Vì lý do này, "chúng ta không nên tìm cách ngày càng thay thế công việc của con người bằng các tiến bộ công nghệ, vì điều này sẽ gây tổn hại cho nhân loại. Việc làm là nhu cầu thiết yếu, là một phần ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, là con đường để trưởng thành, phát triển con người và hoàn thiện bản thân”.[18] Chúng ta cần kết hợp các ý tưởng và nỗ lực của mình để tạo ra các giải pháp và điều kiện có thể cung cấp cho mọi người trong độ tuổi lao động cơ hội, thông qua công việc của họ, đóng góp cho cuộc sống của gia đình họ và của toàn xã hội.

Điều cấp bách hơn bao giờ hết là thăng tiến, trên khắp thế giới của chúng ta, các điều kiện làm việc đàng hoàng và xứng đáng, hướng đến lợi ích chung và bảo vệ công trình sáng tạo. Cần đảm bảo và hỗ trợ tự do của các sáng kiến ​​kinh doanh; đồng thời phải nỗ lực để khuyến khích ý một sự đổi mới về trách nhiệm xã hội, để lợi nhuận không phải là tiêu chí chỉ đạo duy nhất.

Vì vậy, cần phải thúc đẩy, hoan nghênh và hỗ trợ các sáng kiến, ở tất cả các cấp, thúc giục các công ty tôn trọng các nhân quyền cơ bản của người lao động, nâng cao nhận thức không chỉ của các tổ chức, mà còn của người tiêu dùng, xã hội dân sự và các thực thể doanh nhân. Khi các thực thể doanh nhân ngày càng ý thức hơn về vai trò của mình trong xã hội, họ sẽ càng trở thành những nơi mà phẩm giá con người được tôn trọng. Bằng cách này, họ sẽ góp phần xây dựng hòa bình. Ở đây, chính trị được kêu gọi đóng một vai trò tích cực bằng cách thúc đẩy sự cân bằng giữa công bằng tự do kinh tế và công bằng xã hội. Tất cả những ai làm việc trong lĩnh vực này, bắt đầu từ các công nhân và doanh nhân Công giáo, đều có thể tìm thấy các hướng dẫn chắc chắn trong Học thuyết xã hội của Giáo hội.

Anh chị em thân mến, khi chúng ta tìm cách kết hợp những nỗ lực của mình để thoát khỏi đại dịch, tôi xin lặp lại lời cảm ơn của tôi với tất cả những người tiếp tục làm việc với lòng quảng đại và trách nhiệm trong các lĩnh vực giáo dục, an toàn và bảo vệ quyền, trong việc cung cấp chăm sóc y tế, tạo điều kiện cho các cuộc gặp gỡ giữa các thành viên trong gia đình và người bệnh, và hỗ trợ kinh tế cho những người khó khăn và những người bị mất việc làm. Tôi bảo đảm nhớ đến các nạn nhân và gia đình của họ trong lời cầu nguyện của tôi.

Tôi đưa ra lời kêu gọi các nhà lãnh đạo chính phủ và tất cả những người chịu trách nhiệm chính trị và xã hội, các linh mục và nhân viên mục vụ, cũng như tất cả những người nam nữ có thiện chí để chúng ta cùng nhau bước đi với lòng dũng cảm và sự sáng tạo trên các con đường đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và việc làm. Chớ gì ngày càng nhiều người nam nữ phấn đấu hàng ngày, với sự khiêm tốn thầm lặng và lòng dũng cảm, trở thành những nghệ nhân của hòa bình. Và cầu xin cho họ luôn được soi dẫn và đồng hành bởi phúc lành của Thiên Chúa bình an!

Vatican, 8/12/2021

[1] Xem Thông điệp Populorum Progressio (26/3/1967), 76tt.

[2] Xem Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 49.

[3] Xem Thông điệp Fratelli Tutti (3/10/2020), 231.

[4] Sđd., 218.

[5] Sđd., 179.

[6] Sđd., 179.

[7] Xem sđd., 180.

[8] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christus Vivit (25/03/2019), 199.

[9] Thông điệp Laudato Si', 159.

[10] Xem sđd., 163; 202.

[11] Xem sđd., 139.

[12] Xem Sứ điệp gửi các Tham dự viên Diễn đàn hoà bình Paris lần thứ 4, 11-13/11/2021.

[13] Xem Thông điệp Laudato Si' (24/05/2015), 231; Sứ điệp cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2021: Một Văn hoá quan tâm như Con đường đến Hoà bình (08/12/2021).

[14].Thông điệp Fratelli Tutti (03/10/2020), 199.

[15] Xem Sứ điệp Video cho Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục: Cùng nhau nhìn vượt xa hơn (15/10/2020)

[16] Xem Sứ điệp Video cho Hội nghị Thượng đỉnh Cấp cao trực tuyến về Tham vọng Khí hậu (13/12/2020).

[17] Xem Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (14/09/1981), 18.

[18] Thông điệp Laudato Si' (24/05/2015), 128.

Nguồn: vaticannews.va/vi/