ĐTC Phanxicô gặp Đức Thượng phụ Kirill qua cuộc gọi video
Ngọc Yến - Vatican News
Trong tuyên bố của Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, ông Matteo Bruni cho biết rằng, buổi gặp gỡ còn có sự tham gia của Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu; và Đức Tổng Giám mục Chính Thống giáo Hilarion, Đặc trách ngoại giao của Toà Thượng phụ Mátxcơva.
Tuyên bố cho biết cuộc trò chuyện của hai vị lãnh đạo Giáo hội tập trung vào “cuộc chiến ở Ucraina và vai trò của các Kitô hữu và các mục tử trong các nỗ lực đạt đến hoà bình”.
Đức Thánh Cha cám ơn Đức Thượng phụ về cuộc gặp và đồng ý với Đức Thượng phụ rằng “Giáo hội sử dụng ngôn ngữ của Chúa Giêsu, không sử dụng ngôn ngữ chính trị”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “chúng ta là những mục tử của cùng một Dân Thánh, những người tin vào Thiên Chúa, vào Ba Ngôi Chí Thánh, vào Mẹ Thiên Chúa: đó là lý do tại sao chúng ta phải hiệp nhất trong nỗ lực hỗ trợ hòa bình, giúp đỡ những người đau khổ, tìm cách đạt đến hòa bình và ngăn chặn chiến tranh”.
Ông Bruni cũng cho biết Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của quá trình đàm phán đang diễn ra, bởi vì, theo Đức Thánh Cha, “những người phải trả giá cho chiến tranh là người dân; những người lính Nga và những người bị chết vì bom đạn”.
Tuyên bố tiếp tục trích dẫn lời Đức Thánh Cha: “Là những mục tử chúng ta phải có bổn phận gần gũi và giúp đỡ tất cả những ai đang phải đau khổ vì chiến tranh. Đã có thời, ngay cả trong các Giáo hội của chúng ta, người ta nói về một cuộc thánh chiến hay một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Ngày nay chúng ta không thể nói theo cách này. Nhận thức của Kitô hữu về tầm quan trọng của hòa bình đã phát triển”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Các cuộc chiến tranh luôn bất công. Bởi vì người phải trả giá là dân Chúa. Con tim chúng ta không thể không khóc trước những trẻ em, các phụ nữ bị giết, tất cả các nạn nhân của chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ là một con đường. Thánh Thần, Đấng liên kết chúng ta, mời gọi chúng ta, những mục tử trợ giúp các dân tộc đang đau khổ vì chiến tranh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét