label

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

UKRAINE, CÂU CHUYỆN PHI THƯỜNG CỦA MỘT NỮ TU TÂY BAN NHA

UKRAINE, CÂU CHUYỆN PHI THƯỜNG CỦA MỘT NỮ TU TÂY BAN NHA

WHĐ (11.3.2022) - Cho đến nay, cuộc chiến tranh tại Ukraine không chỉ khiến hàng trăm thường dân bị chết - trong đó có nhiều trẻ em – cùng với sự tàn phá khủng khiếp các thành phố và thị trấn mà còn gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, buộc hơn 2 triệu người phải tị nạn ở các nước khác. Nhưng chính cuộc chiến này cũng đã khơi lên một làn sóng liên đới trên khắp lục địa, những điều tưởng như đã không còn xuất hiện kể từ năm 1945.

Một ví dụ điển hình về sự liên đới này là nỗ lực đáng kinh ngạc của một nữ tu người Argentina thuộc Dòng Đa Minh, hiện sống ở Tây Ban Nha: Sơ Lucía Caram, OP. Thật thế, trong chuyến đi vỏn vẹn 4 ngày, Sơ Lucía đã trải qua hơn 6000 cây số trên chiếc xe buýt nhỏ đi từ Tây Ban Nha tới biên giới phía bắc của Romania với Ukraine để đón những người tị nạn và đưa về tu viện tại Manresa, Tây Ban Nha.

Chuyến đi được khởi hành từ Manresa lúc 6 giờ sáng ngày 04.3 và đến Romania vào tối hôm sau. Sáng ngày kế tiếp, 06.3, Sơ Lucía lên đường trở về Tây Ban Nha, mang theo 6 người tị nạn: 3 phụ nữ và 3 trẻ vị thành niên, là những không còn nơi nào để đi.

Và, đây là câu chuyện phi thường của Sơ Lucía.

Là một nữ tu Đa Minh chiêm niệm, năng nổ, với kỹ năng tổ chức tuyệt vời Sơ Lucía, có nhiều hoạt động hỗ trợ những người tị nạn và chống lại nạn trẻ em đói nghèo. Trong 4 năm qua, Sơ Lucía và cộng đoàn đã giúp đỡ 3 gia đình Ukraine, và hiện đang chăm sóc cho 1 bà mẹ cùng đứa con bé đến từ Ukraine.

Một ngày sau khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine, hôm 25.2, Sơ Lucía đã tổ chức một buổi cầu nguyện cho hòa bình tại nhà nguyện lớn của tu viện. Sơ Lucía nghĩ rằng chắc sẽ chỉ có một số ít người tham dự, nhưng thực tế thì lại đã có rất đông người đến, khiến nhà nguyện không có đủ chỗ cho họ.  Điều này đã giúp Sơ Lucía nhận ra rằng: “Khát vọng hòa bình là điều có thật, và có thể chạm tới được!

Với quan niệm rằng, “Chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ, vì hòa bình phụ thuộc vào tất cả mọi ngườiTất cả chúng ta đều bị đe dọa, và người Ukraine là anh chị em của chúng ta," Sơ Lucía đã tham gia một cuộc biểu tình vì hòa bình cùng các gia đình Ukraine đang sống tại Manresa vào ngày 26.2. Ấn tượng sâu sắc trước đám đông phản đối chiến tranh, Sơ Lucía lại càng thấy rõ: "mọi người muốn hòa bình, không phải chiến tranh".

Sau cuộc biểu tình, Inna, một phụ nữ trẻ người Ukraine hiện được các Sơ giúp đỡ sống ở Manresa, tâm sự với Sơ Lucía rằng cô ấy rất lo lắng cho cha mẹ của cô, mà một người có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, đang sống ở Kyiv. Cô hy vọng là cha mẹ cô sẽ di tản đến miền bắc Romania trong những ngày tới; Inna hỏi Sơ Lucía xem liệu Sơ Lucía có thể giúp đưa họ đến nơi an toàn ở Tây Ban Nha không.

Sau khi nghe Inna tâm sự của Inna, Sơ Lucía cho biết: “Tôi đã trải qua một số đêm trằn trọc và tự hỏi: Tôi có thể giúp đỡ bằng cách nào đây?"

Cho đến ngày 01.3, khi Luis, một trong những tình nguyện viên giúp đỡ công việc của tổ chức, nói nửa đùa nửa thật: “Sơ Lucía à, tại sao chúng ta không làm một chuyến đến Romania và đưa họ về đây?" Sơ Lucía đã suy nghĩ về lời đề nghị này, rồi cầu nguyện và sau cùng, đi đến quyết định là Sơ sẽ đến Romania để đưa cha mẹ của Inna về Tây Ban Nha. Và rồi, sáng sớm ngày 04.3, Sơ Lucía và Luis bắt đầu chuyến hành trình từ Tây Ban Nha tới biên giới bắc Romania trên một chiếc xe buýt nhỏ, và 2 người đã thay phiên nhau để lái xe trên đoạn đường hơn 3.200 cây số.

Dòng người tị nạn

Khi đến Romania vào tối ngày 05.3, Sơ Lucía nhận được tin nhắn từ Inna cho biết rằng cha mẹ cô không thể rời khỏi Kyiv vì các vụ đánh bom ở khu vực xung quanh. Tuy nhiên, Inna cho biết, cô có 1 người bạn cùng với đứa con đã tìm cách chạy trốn khỏi thành phố và hiện đang đến Sighet, một thành phố ở miền bắc Romania. Inna gửi cho Sơ Lucía những bức ảnh của người phụ nữ và đứa trẻ này và hỏi liệu Sơ Lucía có thể đưa họ về Tây Ban Nha thay vì đưa cha mẹ của cô không.

Sơ Lucía đã đến Sighet để tìm 2 mẹ con người bạn của Inna. Khi tới trại tị nạn ở thành phố Satu Mare, nơi mọi người đang được cấp thực phẩm, quần áo và chỗ nghỉ ngơi sau trốn thoát bom đạn. Tại đây, Sơ Lucía tình cờ gặp lại Marian, một người Romania từng làm thợ mộc 18 năm ở Tây Ban Nha, nhưng hiện giờ đang làm tình nguyện viên, giúp đỡ những người tị nạn. Ông Marian đã giúp Sơ Lucía tìm 2 mẹ con ấy trong số hàng ngàn người tại đây.

Tại Satu Mare, “Tôi vô cùng xúc động khi thấy từng ​​đoàn xe chở người tị nạn Ukraine và dòng người tị nạn đi bộ rất nhiều cây số để đến đây. Họ đi tay không, hoặc chỉ đem theo một ít đồ đạc. Họ thực sự kiệt sức. Tất cả đều có vẻ sợ hãi; họ giống như những con cừu". Sơ Lucía cho biết thêm: "Chúng tôi đã chứng kiến những gì được xem là tốt đẹp nhất của bản chất con người," nhưng bên cạnh đó, cũng có mặt tăm tối rất đau lòng, đó là tại một số điểm nhập cảnh ở biên giới của Romania với Ukraine và Hungary, có những "mafia" đang đòi tiền những người tị nạn để được phép vào Romania và Hungary.

Trước khi chiến tranh, có khoảng 75.000 công dân nước ngoài đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên khắp Ukraine, nhưng giờ đây, tình trạng của họ hoàn toàn bị xáo trộn. Tại trại tị nạn Satu Mare, Sơ Lucía đã thấy một nhóm 30 sinh viên y khoa đến từ Turkmenistan, cũng như những người đến từ Ấn Độ và Châu Phi, dù họ có giấy phép cư trú tại Ukraine nhưng họ không có giấy tờ cho phép họ vào Liên minh Châu Âu, ngoại trừ Romania. Quyền tị nạn của họ không được công nhận, vì vậy họ đã bị mắc kẹt. "Họ là những người nghèo nhất trong số những người nghèo!"

Sơ Lucía cũng nhận thấy rằng người Ukraine là “những người rất sùng đạo”, có  nhiều nhóm tôn giáo, bao gồm cả những người theo phái Ngũ tuần và Chính thống giáo, rất muốn được gần gũi với những người tị nạn vào thời điểm bi thảm này trong cuộc sống của họ.

Nhưng “Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của rất nhiều người đàn ông, mà nhiều người trong số họ, còn trẻ và đơn thân, đi ngược lại về phía biên giới Ukraine, mang theo một chiếc ba lô hoặc túi xách, với đôi mắt ngấn lệHọ đã trở lại để chiến đấu cho quê hương của mình".

Tiếp rước khách lạ

Khi Sơ Lucía đi lại trong trại, người bạn của Inna, Olena Rozhova, đã nhận ra Sơ Lucía, nhờ một bức hình mà Inna đã gửi cho cô. Rozhova chạy đến phía Sơ Lucía và nói, "Con yêu Chúa Giêsu rất nhiều." Sơ Lucía thực sự bị xúc động mạnh! Sơ ôm lấy Olena và Nikita, con trai 12 tuổi của cô. “Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời!

Một lúc sau, Sơ Lucía chú ý đến một phụ nữ khác, Irina Antonenko, 39 tuổi, có 2 đứa con tuổi thanh thiếu niên — Illia, 13 tuổi và Alexandra, 14 tuổi. Cô Antonenko đã nói lời chia ly với chồng ở Kyiv, nơi anh ở lại để tiếp tục chiến đấu. Cô không biết ai trong trại và không có nơi nào để đi. Do đó, Sơ Lucía đã mời cô Antonenko và các con gia nhập nhóm trở về Tây Ban Nha, và họ vui vẻ nhận lời. Sau đó, Sơ Lucía còn nhận thấy một phụ nữ khác, Alessa, 39 tuổi, trông có vẻ rất buồn bã, lạc lõng; cô đã phải bỏ mẹ ở lại Kyiv. Nên Sơ Lucía cũng mời Alessa đi cùng.

Thế là, Sơ Lucía mời 6 người tị nạn lên chiếc xe buýt nhỏ, bắt đầu hành trình tới biên giới Hungary vào sáng sớm ngày 6. 3. Không ai trong số họ biết nhau, và họ đã gặp nhau lần đầu tiên trong hoàn cảnh bi đát này.


Sơ Lucía và nhóm người tị nạn Ukraine dừng lại để ăn nhẹ trên hành trình tới Tây Ban Nha

Trong chuyến trở về dài dài hơn 3.200 cây số, sau hơn 4 giờ đồng hồ bị kẹt xe, họ sớm gặp rắc rối ngay khi tới biên giới Hungary. Vì Antonenko và 2 con không có hộ chiếu mà chỉ có thẻ căn cước do chính phủ Ukraine cấp, nên không được đi qua biên giới. Sơ Lucía đã cố gắng thuyết phục các quan chức biên giới Hungary cho phép 3 mẹ con cô Antonenko đi qua. Tưởng chừng như thất vọng, nhưng cuối cùng, Sơ Lucía đã thành công. Với  Sơ Lucía, “đây là trải nghiệm khó khăn nhất mà tôi có trong cuộc hành trình này”.

Trên đường về lại Tây Ban Nha, 6 người tị nạn, không có gì cả, ngoại trừ vỏn vẹn bộ quần áo mặc trên người, họ đã ngủ suốt cuộc hành trình, và chỉ thức giấc khi xe dừng lại để ăn nhẹ một chút gì đó.

Về đến tu viện ở Manresa, cả nhóm đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ những nữ tu trong cộng đoàn, từ những tình nguyện viên trẻ cũng như lớn tuổi và từ cả những phóng viên báo chí. Và rồi, tin tức về việc làm táo bạo của Sơ Lucía đã được lan truyền nhanh chóng.


Cộng đoàn Đa Minh của Sơ Lucía chào đón những người tị nạn Ukraine

Bước tiếp theo của Sơ Lucía là giúp những người tị nạn hòa nhập với cuộc sống mới. Trước hết là dạy họ tiếng Tây Ban Nha và sau đó là tìm chỗ ở cho họ. Theo dự kiến, trong tuần đầu tiên cả 6 người tị nạn sẽ ở lại tu viện, sau đó Sơ Lucía sẽ chuyển họ đến các căn hộ ở Manresa và khu vực gần đó. Tin tức về sáng kiến ​​của Sơ Lucía đã khơi dậy tình liên đới cách mạnh mẽ: Hơn 500 căn hộ đã được cung cấp cho những người tị nạn, cùng với những hình thức hỗ trợ khác.

Sơ Lucía làm việc với 17 cặp vợ chồng tình nguyện viên là giáo dân, họ sẽ giúp lo những thủ tục cần thiết để đảm bảo những người tị nạn được cấp giấy phép cư trú và thẻ an sinh xã hội. Liên minh châu Âu đã thông qua luật đảm bảo giấy phép cư trú lên đến 2 năm cho những người tị nạn Ukraine, với đầy đủ các phúc lợi xã hội.

Dù thế, sau khi hoàn tất chuyến đi táo bạo này, Sơ Lucía không cho mình thời gian để nghỉ ngơi. Vì, hiện Sơ đã liên lạc với một số Tổ chức phi chính phủ và một công ty địa phương. Với sự giúp đỡ của họ, vào ngày 12.3 tới đây, Sơ Lucía lên kế hoạch sẽ thuê một chiếc máy bay đi từ Tây Ban Nha đến Ba Lan để đưa thêm 200 người tị nạn Ukraine đến Manresa.

Với câu chuyện phi thường hầu như không tưởng của Sơ Lucía, có lẽ không chỉ khiến chúng ta ngưỡng mộ, thán phục, nhưng còn khơi lên một cảm thức rất sâu xa rằng: đứng trước đau khổ của anh chị em mình, chẳng ai được quyền cho phép mình dửng dưng, đứng ngoài cuộc, như người vô can, xa lạ. Để rồi, trong bất cứ cảnh huống nào của cuộc sống, sự trằn trọc, của người nữ tu Đa Minh 55 tuổi này, cũng sẽ là nỗi băn khoăn của chính chúng ta: “Tôi có thể giúp đỡ bằng cách nào đây?"

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Đa Minh Thánh Tâm

Theo: Gerard O’Connell, americamagazine.org (10.3.2022) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét