label

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

TAM NHẬT VƯỢT QUA NGÀY CỦA YÊU THƯƠNG, DI CHÚC VÀ ĐỔI ĐỜI

 

TAM NHẬT VƯỢT QUA

 NGÀY CỦA YÊU THƯƠNG, DI CHÚC VÀ ĐỔI ĐỜI



          Chúng ta đang sống trong Tam nhật vượt qua, chúng ta cảm nghiệm được gì?

          1/ Ngày của yêu thương và di chúc:

          Một người khi biết mình sắp rời bỏ trần thế, họ hay dặn dò con cái và chuẩn bị di chúc về tài sản. Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi chấp nhận cái chết vì yêu thương, Ngài đã để lại cho nhân loại một thứ mà chẳng ai có thể để lại, đó là chính mình và máu Ngài. Để duy trì sự hiện diện bằng máu, bằng thịt liên tục trên trái đất này, Ngài đã lập bí tích Thánh thể và bí tích Truyền chức “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”(Lc 22,19). Thật vậy, trái đất có nhiều múi giờ khác nhau nơi này ngủ, nơi kia thức. Vì thế, thánh lễ liên tục tái diễn và Chúa hiện diện ở khắp nơi như lời Ngài nói trước khi về trời “Đây, Thầy ở cùng anh  em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Chúng ta có Ngài, hòa hợp với Ngài trong thịt và máu của chúng ta nếu chúng ta siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời (G 6.54)”.

          Một hành động đặc biệt hơn là quì xuống rửa chân cho các môn đệ, Ngài muốn các ông rửa chân cho nhau để tỏ tình huynh đệ yêu thương. Mục đích cao xa hơn nữa Chúa muốn dạy cho các ông bài học khiêm nhượng, phục vụ. Là những người nối bước thầy để phục vụ, rao giảng cho muôn dân cần phải khiêm hạ như thầy. Ngày nay Linh mục đang thay thế các môn đệ để thực hiện sứ mệnh Chúa trao, chúng ta không đến với giáo dân bằng uy quyền mà bằng sự phục vụ trong yêu thương. Đừng đánh mất bản chất và tinh thần phục vụ này. “Ta là thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau”

          2/ Ngày của đổi đời:

          Nếu chúa chết luôn và không sống lại thì chẳng có ý nghĩa gì cho người giữ đạo, vì chết là hết. Các tôn giáo bạn đều cho rằng có kiếp sau, còn người Công Giáo tin rằng khi chết đi là chúng ta được trở về với Chúa, nếu chúng ta trung thành với Chúa ở đời tạm này. Chúa đã sống lại để chứng minh cho ta thấy có sự sống đời sau. Ngài cũng chuẩn bị nơi chốn để đón chúng ta về: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo (G 13.36)”. Vậy thì cái chết của Chúa là một cuộc đổi đời cho chúng ta. Cuộc sống trần thế rất ngắn, cao lắm là trăm tuổi nhưng toàn là đau khổ vậy thì, chúng ta hãy cô gắng sống tốt, thực hiện giới răn của Chúa để đổi lấy một cuộc sống vĩnh cửu hạnh phúc tuyệt vời bên Chúa. Hãy nhìn lên Thánh giá để cảm nghiệm cái chết đau thương của Ngài và chấp nhận những đau khổ ngắn ngủi của trần đời. Hãy là Maria Magdalena nhìn thấy Chúa phục sinh để rồi chúng ta cũng được phục sinh với Ngài.

          Tại giáo xứ Cần Xây để chuẩn bị bước vào Tam nhật một cách sốt sáng, cha sở đã mời cha khách nói về chủ đề Xám hối và Khổ giá trong hai buổi tĩnh tâm, đồng thời các cha cũng ngồi tòa giúp giáo dân tẩy rửa tâm hồn. Mọi người đến tham dự các buổi tĩnh tâm và tìm đến tòa cáo giải khá đông. Thánh lễ tiệc ly và nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó hầu như nhà thờ và hành lang chật kín người.   

          Chúc mọi người đồng hành, cảm nghiệm được những ngày yêu thương, đón nhận di chúc để đổi đời với Ngài.

Thiên Sinh



























ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia

 

ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia



Vào lúc 4 giờ chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh lễ Tiệc ly tại nhà tù Rebibbia ở mạn đông Roma với các tù nhân và nhân viên nhà tù. Ngài đã rửa chân cho 12 tù nhân nữ.

Hồng Thủy - Vatican News

ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ

Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha viếng thăm và cử hành Thánh lễ Tiệc ly tại nhà tù Rebibbia, sau lần thứ nhất vào chiều thứ Năm Tuần Thánh năm 2015. Trong Thánh lễ năm 2015 ngài đã rửa chân cho 6 tù nhân nữ: hai người Nigeria, một người Congo, một người Ecuador và hai người Ý, và 6 tù nhân nam, trong đó có một người Brazil và một người Nigeria.

Năm nay, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại cơ sở dành cho tù nhân nữ, được thành lập vào những năm 1950, hiện là trung tâm cải tạo lớn nhất trong số 4 nhà tù dành cho phụ nữ ở Ý, và đây cũng là nhà tù lớn nhất của châu Âu, với nhiều phụ nữ người nước ngoài. 

Phục vụ và cầu xin sự tha thứ

Trong bài giảng ngắn, Đức Thánh Cha ứng khẩu chia sẻ về hai điểm nổi bật trong phụng vụ Thánh lễ Tiệc Ly.

Trước hết, nói về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng việc Chúa khiêm nhường hạ mình xuống giúp chúng ta hiểu điều Người đã nói: "Ta không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ"; Người muốn dạy chúng ta con đường phục vụ.

Điểm thứ hai, một tình tiết buồn, là sự phản bội của Giuđa, người không có khả năng tiếp tục yêu thương và đã để cho tiền bạc và sự ích kỷ dẫn đến hành động phản bội Chúa. Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu tha thứ tất cả. Chúa Giêsu luôn tha thứ. Người chỉ yêu cầu chúng ta cầu xin sự tha thứ. "Chúa Giêsu không bao giờ mệt mỏi tha thứ: chúng ta mới là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ".

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy cầu xin Chúa ơn không mệt mỏi xin thứ tha. Bởi vì, "chúng ta đều luôn có những thất bại nhỏ, những thất bại lớn - ai cũng có câu chuyện của riêng mình. Nhưng Chúa luôn chờ đợi chúng ta, với vòng tay rộng mở và không bao giờ mệt mỏi tha thứ".

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy làm như Chúa Giêsu đã làm: rửa chân. Đó là phục vụ. Và hãy cầu xin Chúa để được lớn lên trong ơn gọi phục vụ.


Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Cáo phó (Ông Tư Thừa khu 5)

 CÁO PHÓ 

Một người con của giáo xứ

Ông GIOAN KIM NGUYỄN VĂN THỪA
sinh năm 1933
Hiện ngụ tại khu 5 giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 17 giờ 20 ngày 27/03/2024
HƯỞNG THỌ 91 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
28-03-2024
Vì là tam nhật vượt qua nên không được cử hành thánh lễ an táng.  nghi thức an táng sẽ được cử hành vào lúc 7 giờ ngày 30-3-2024 tại đất Thánh giáo xứ Cần Xây

Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn ông GIOAN KIM sớm hưởng thánh nhan Chúa

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

CHƯƠNG TRÌNH TUẦN THÁNH TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

 CHƯƠNG TRÌNH TUẦN THÁNH TẠI 

GIÁO XỨ CẦN XÂY



MỘT CHÚT SUY NIỆM VỀ THÁNH GIUSE VỚI LIÊN HỆ THỰC TẾ

 

MỘT CHÚT SUY NIỆM VỀ THÁNH GIUSE VỚI LIÊN HỆ THỰC TẾ


          Nhân ngày lễ thánh Giuse tôi cảm nghiệm được nơi ngài một con người sống rất đặc biệt với nhiều đức tính tuyệt vời như Thinh lặng,Vâng lời, Niềm tin, phó thác và khiêm nhượng. Trong bài này tôi chỉ nói về sự thinh lặng và vâng lời của Ngài.

          THINH LẶNG: Thật vậy, trong Phúc Âm đã không để lại một lời nói nào của Thánh cả. Lẽ ra Thánh cả phải nói nhiều hơn Đức Mẹ vì là gia trưởng trong một xã hội trọng nam và phụ nữ chỉ là thứ yếu. Phải chăng đó cũng là một sự kiện đặc biệt đáng cho chúng ta suy nghĩ. Thế giới hôm nay là một thế giới của âm thanh, của ồn ào. Con người ngày nay thích nói, thích dao to búa lớn để câu like. Trong khi đó sự thinh lặng lắng nghe rất cần thiết. Bề trên thinh lặng lắng nghe bề dưới, bề dưới thinh lặng lắng nghe bề trên, vợ chồng thinh lặng lắng nghe nhau, bạn bè lắng nghe nhau sẽ dễ cảm thông lẫn nhau. Càng nói nhiều càng dễ sai và từ lời nói bất cẩn đã làm phiền lòng nhiều người. Ném một nắm lông vịt vào trong gió, thì làm sao nhặt lại được. Một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo cũng không kịp. Bởi đó, hay thận trọng trong lời nói, bởi vì: Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

          Hãy học cùng thánh cả Giuse bài học yên lặng. Hãy biết yên lặng trong những giây phút căng thẳng và sóng gió, bởi vì nếu biết yên lặng đúng lúc, thì có thể chặn đứng được 90% những đổ vỡ đáng tiếc. Thánh Giuse đã yên lặng khi nghe tin đức Mẹ thụ thai không phải con của mình. Nếu ngài phản ứng như cách thông thường của một người đàn ông chắc chắn sự việc đã khác hẳn, nhưng ngài đã yên lặng âm thầm dự kiến bỏ đi. Trong các Gia đình, Tu viện, Giáo xứ, Giáo phận nếu bề trên không phủ đầu bề dưới bằng những lời cay nghiệt và ngược lại chắc mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa. Bao nhiêu những vụ xô sát đến chết người chỉ vì lời nói, vậy yên lặng là vàng, là thái độ khôn ngoan nhất của con người và là phương thuốc chữa lành những bất đồng trong cuộc sống.

          VÂNG LỜI: Phúc Âm đã kể lại ba lần thiên thần hiện ra trong giấc mộng để báo cho Thánh cả biết ý định của Thiên Chúa và lần nào Thánh cả cũng đã cúi đầu xin vâng mà không hề phản đối. Lần thứ nhất Thánh cả đã xin vâng, đón nhận Maria về nhà làm bạn mình, dù đang phân vân và nghi ngờ. Lần thứ hai Thánh cả đã xin vâng đưa Mẹ Maria và Hài nhi Giêsu lên đường trốn sang Ai Cập. Và lần thứ ba Thánh cả đã xin vâng trở về Palestine, định cư tại Nagiarét. Cả ba lần, Thánh cả đều vâng lời mau mắn, không đặt vấn đề, không hỏi tại sao. Nói thì dễ nhưng không phải dễ đâu, chỉ là truyền phán trong giấc mơ, nếu không có niềm tin chắc chỉ cho là mộng mị, nhưng Thánh Giuse đã tìm được Thánh ý Chúa. Con người ngày nay thích truyền lệnh hơn là vâng lời. Sống theo ý riêng mặc dù việc sắp xếp có lời nói và văn bản. Họ tìm ý mình hơn là ý Chúa. Kể cả các bậc cao hơn như Linh mục, Tu sĩ là nhưng người có lời khấn và lời hứa vâng lời nhưng khi Bề trên chuyển đổi đến nơi không đúng ý mình hoặc sắp xếp một công việc mình không thích thì không vui vẻ đón nhận hoặc phản đối huống chi người đời.  Thánh Giuse chắc hẳn Ngài cũng đâu thích những việc trái ý mình nhưng khi đón nhận lời phán truyền ngài đã vui vẻ thực hành kể cả trong đêm khuya.  Hãy học nơi Thánh Giuse sống yên lặng, làm việc và vâng phục thánh ý Thiên Chúa qua những người đại diện Chúa, để chúng ta sẽ trở thành những tôi tớ trung thành và khôn ngoan như Ngài trước mặt Chúa.

Thiên Sinh

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61 năm 2024


Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61 năm 2024



Sáng ngày 19/3, Phòng báo chí Toà Thánh đã phổ biến Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61, được cử hành vào Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, 21/4 tới đây. Sứ điệp có chủ đề: “Được kêu gọi gieo hy vọng và xây dựng hoà bình”.

 

 

LẦN THỨ 61, NĂM 2024:
ĐƯỢC KÊU GỌI GIEO HY VỌNG VÀ XÂY DỰNG HOÀ BÌNH

 

Anh chị em thân mến!

Mỗi năm, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi mời gọi chúng ta suy tư về hồng ân quý giá lời mời gọi của Chúa dành cho mỗi người chúng ta, như dân trung thành của Người trên hành trình, để chúng ta có thể tham gia vào kế hoạch tình yêu của Người và thể hiện vẻ đẹp Tin Mừng trong những bậc sống khác nhau. Lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, không phải là một nghĩa vụ được áp đặt từ bên ngoài, ngay cả nhân danh một lý tưởng tôn giáo; trái lại, đó là cách chắc chắn nhất để chúng ta có để thực hiện niềm khao khát hạnh phúc sâu thẳm nhất của chúng ta. Cuộc sống của chúng ta được viên mãn khi chúng ta khám phá ra mình là ai, hồng ân của chúng ta là gì, chúng ta có thể làm cho hồng ân này sinh hoa trái ở đâu, và chúng ta có thể đi con đường nào để trở thành dấu chỉ và khí cụ của tình yêu, đón nhận quảng đại vẻ đẹp và hòa bình, trong bối cảnh chúng ta đang sống.

 

Vì vậy, Ngày này luôn là một cơ hội tốt đẹp để nhớ lại với lòng biết ơn Chúa về những nỗ lực trung thành, kiên trì và thường ẩn giấu của những người đã đáp lại lời mời gọi liên quan đến cả cuộc đời họ. Tôi nghĩ đến những người cha, người mẹ không nghĩ đến mình trước tiên và không theo những gì nhất thời chóng qua, nhưng đặt nền tảng cuộc sống qua việc chăm sóc các mối tương quan, bằng tình yêu và sự quảng đại, mở lòng đón nhận hồng ân sự sống và dấn thân cho con cái và sự phát triển của chúng. Tôi nghĩ đến những người thực hiện công việc của mình với sự tận tâm và tinh thần cộng tác; những người dấn thân, trong các lĩnh vực và cách thức khác nhau, xây dựng một thế giới công bằng hơn, một nền kinh tế liên đới hơn, một nền chính trị công bằng hơn, một xã hội nhân đạo hơn. Tóm lại, đó là tất cả những người nam nữ thiện chí, những người cống hiến cuộc đời cho công ích. Tôi nghĩ đến những người thánh hiến, những người hiến dâng cuộc sống cho Chúa trong thinh lặng cầu nguyện và hoạt động tông đồ, đôi khi ở những nơi xa xôi và nỗ lực thực thi đoàn sủng một cách sáng tạo và sẵn sàng giúp đỡ những người họ gặp gỡ. Và tôi nghĩ đến những người đã đón nhận ơn gọi linh mục và cống hiến cho việc loan báo Tin Mừng và hiến dâng cuộc đời mình, cùng với Thánh Thể, cho anh chị em, gieo rắc niềm hy vọng và cho mọi người thấy vẻ đẹp của Vương quốc Thiên Chúa. 

 

Với những người trẻ, đặc biệt những người cảm thấy xa cách hoặc nghi ngờ Giáo hội, tôi muốn nói điều này: các bạn hãy để Chúa Giêsu lôi cuốn, mang đến cho Người những câu hỏi quan trọng bằng cách đọc Tin Mừng, hãy để Người thách đố các bạn bởi sự hiện diện của Người, điều luôn tạo nên cho chúng ta một cuộc khủng hoảng lành mạnh. Hơn ai hết, Người tôn trọng tự do của chúng ta. Người không áp đặt nhưng đề nghị. Hãy dành chỗ cho Người và bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc khi theo Người. Và nếu Người yêu cầu, hãy dâng hiến toàn bộ cuộc sống cho Người.

 

Một dân đang bước đi

Sự đa dạng của các đoàn sủng và ơn gọi khác nhau mà cộng đoàn Kitô giáo nhìn nhận và đồng hành giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn căn tính Kitô của mình: như dân Thiên Chúa trong thế giới được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và là những viên đá sống động trong Thân Mình Chúa Kitô, mỗi người khám phá ra rằng mình là thành viên của một đại gia đình, con cái của Cha và là anh chị em của nhau. Chúng ta không phải là những hòn đảo khép kín nhưng là những phần của một tổng thể lớn hơn. Vì vậy, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi có tính hiệp hành: giữa sự đa dạng của các đặc sủng, chúng ta được mời gọi lắng nghe và cùng nhau bước đi để nhận ra các đặc sủng này và phân định điều Chúa Thánh Thần đang kêu gọi chúng ta vì lợi ích của tất cả.

 

Vào thời điểm lịch sử hiện tại, hành trình chung đang dẫn chúng ta đến Năm Thánh 2025. Chúng ta hãy bước đi như những người hành hương hy vọng hướng tới Năm Thánh, bởi vì trong việc tái khám phá ơn gọi của mình và bằng cách liên kết các ân sủng khác nhau của Thánh Thần, chúng ta có thể trở thành những sứ giả và chứng nhân cho thế giới về giấc mơ của Chúa Giêsu: một gia đình nhân loại duy nhất, hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa và trong mối dây bác ái, chia sẻ và tình huynh đệ.

 

Ngày này được dành một cách đặc biệt để cầu xin Chúa Cha ban ơn gọi thánh thiện để xây dựng Vương quốc Người: “Anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2). Và cầu nguyện – như tất cả chúng ta đều biết – được thực hiện bằng việc lắng nghe hơn là những lời hướng về Chúa. Chúa nói với tâm hồn chúng ta và muốn thấy tâm hồn rộng mở, chân thành và quảng đại. Lời Người đã trở thành xác phàm trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng mạc khải và thông truyền cho chúng ta tất cả ý muốn Chúa Cha. Trong năm 2024 này, được dành cho việc cầu nguyện và chuẩn bị Năm Thánh, tất cả chúng ta được kêu gọi tái khám phá hồng ân vô giá là có thể đối thoại với Chúa, từ trái tim đến trái tim, nhờ đó trở thành những người hành hương hy vọng. Vì “cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của hy vọng. Bạn cầu nguyện và niềm hy vọng lớn lên, tiến về phía trước. Tôi có thể nói rằng cầu nguyện mở ra cánh cửa hy vọng. Niềm hy vọng có đó, nhưng nhờ cầu nguyện, tôi sẽ mở được cánh cửa” (Giáo lý, ngày 20/5/2020).

 

Những người hành hương hy vọng và những người xây dựng hòa bình

Nhưng trở thành người hành hương có nghĩa là gì? Những người hành hương trước hết tìm cách chú tâm vào mục tiêu và luôn giữ nó trong tâm trí và trái tim. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, cần tập trung vào từng bước đi, nghĩa là di chuyển nhẹ nhàng, bỏ những gánh nặng không cần thiết, chỉ mang theo những thứ cần thiết và cố gắng mỗi ngày để gạt bỏ mọi mệt mỏi, lo sợ, bất an và do dự. Như thế, là một người hành hương có nghĩa là mỗi ngày bắt đầu lại, tái khám phá lòng nhiệt thành và sức mạnh để theo đuổi các giai đoạn khác nhau của hành trình, dù mệt mỏi và khó khăn, luôn mở ra trước mắt chúng ta những chân trời mới và những khung cảnh trước đây chưa từng được biết tới.

 

Ý nghĩa đích thực của hành hương Kitô giáo là: chúng ta bắt đầu hành trình khám phá tình yêu Thiên Chúa và đồng thời khám phá chính mình, qua một hành trình nội tâm được nuôi dưỡng bởi các mối tương quan. Vì thế, chúng ta là những người hành hương bởi vì được kêu gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau. Hành trình của chúng ta trên mặt đất này không phải là chuyến đi vô nghĩa hay lang thang không mục đích; trái lại, mỗi ngày, bằng cách đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta cố gắng thực hiện những bước có thể hướng tới một thế giới mới, nơi mọi người có thể sống trong hòa bình, công lý và yêu thương. Chúng ta là những người hành hương hy vọng bởi vì chúng ta đang tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn, dấn thân xây dựng trong hành trình.

 

Cuối cùng, mục đích của mọi ơn gọi là: trở thành những người nam nữ hy vọng. Với tư cách là những cá nhân và cộng đoàn, trong nhiều đặc sủng và mục vụ khác nhau, tất cả chúng ta đều được mời gọi “trao ban thể xác và tâm hồn” cho niềm hy vọng Tin Mừng trong một thế giới bị đánh dấu bởi những thách đố mang tính thời đại: sự tiến triển đầy đe doạ của chiến tranh thế giới thứ ba từng phần; làn sóng người di cư chạy trốn quê hương để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn; sự gia tăng không ngừng của nghèo; mối nguy hiểm tổn hại không thể phục hồi tới sức khỏe hành tinh chúng ta. Thêm vào nữa là những khó khăn chúng ta gặp phải hàng ngày, đôi khi có nguy cơ đẩy chúng ta vào tình trạng cam chịu hay chủ bại.

 

Vì thế, trong thời đại chúng ta, điều quyết định là chúng ta, những Kitô hữu phải vun trồng một cái nhìn đầy hy vọng để có thể làm việc hiệu quả đáp lại ơn gọi được trao phó cho chúng ta, trong việc phục vụ vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình của Thiên Chúa. Niềm hy vọng này – Thánh Phaolô đảm bảo với chúng ta – “không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5, 5), vì đó là lời hứa mà Chúa đã thực hiện với chúng ta là sẽ luôn ở với và đưa chúng ta vào công cuộc cứu chuộc mà Người muốn thực hiện trong trái tim của mỗi cá nhân và trong “trái tim” của mọi thụ tạo. Niềm hy vọng này tìm thấy sức mạnh trong sự phục sinh của Chúa Kitô “chứa đựng một sức mạnh sự sống đã thấm nhuần thế giới này. Ở nơi mà tất cả có vẻ như đã chết, các dấu hiệu phục sinh đột nhiên xuất hiện. Đó là một sức mạnh không gì sánh bằng. Thường chúng ta thấy Thiên Chúa có vẻ như không hiện hữu: chúng ta thấy khắp nơi những cảnh bất công, tội ác, thờ ơ, tàn bạo không ngừng. Nhưng cũng đúng là giữa cảnh tối tăm luôn luôn có một cái gì mới phát sinh và sớm hay muộn sẽ sinh hoa kết quả” (Evangelii Gaudium, 276). Một lần nữa, Thánh Tông đồ Phaolô nói với chúng ta “trong niềm hy vọng chúng ta đã được cứu” (Rm 8, 24). Ơn cứu độ được thực hiện trong Phục sinh mang lại hy vọng, một niềm hy vọng chắc chắn và đáng tin cậy, nhờ đó chúng ta có thể đối diện với những thách đố của hiện tại.

 

Vì vậy, trở thành những người hành hương hy vọng và những người xây dựng hòa bình có nghĩa là đặt chính sự hiện hữu của chúng ta trên đá tảng phục sinh Chúa Kitô, biết rằng mọi dấn thân của chúng ta, trong ơn gọi mà chúng ta đã đón nhận và tiến bước, sẽ không bao giờ vô ích. Những thất bại và trở ngại có thể nảy sinh trên đường đi, nhưng những điều tốt lành mà chúng ta gieo đang âm thầm lớn lên và không gì có thể tách chúng ta ra khỏi mục tiêu cuối cùng: đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và niềm vui sống mãi mãi trong tình yêu huynh đệ. Chúng ta phải luôn thấy trước được lời kêu gọi này: tương quan tình yêu với Chúa và anh chị em phải thực hiện ngay bây giờ để thực hiện giấc mơ hiệp nhất, hòa bình và tình huynh đệ của Chúa. Không ai cảm thấy bị loại trừ khỏi ơn gọi này! Mỗi chúng ta, theo cách nhỏ bé của mình, trong bậc sống cụ thể của mình, có thể, với sự trợ giúp của Thánh Thần, trở thành người gieo hạt giống hy vọng và hòa bình.

 

Can đảm dấn thân

Dưới ánh sáng này, một lần nữa tôi muốn nói như đã nói trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon: “Hãy đứng lên!”. Hãy tỉnh thức khỏi giấc ngủ, bỏ lại đằng sau sự thờ ơ, hãy mở những cánh cửa tù ngục mà đôi khi chúng ta tự nhốt mình, để mỗi người có thể khám phá ra ơn gọi của mình trong Giáo hội và thế giới, và trở thành người hành hương hy vọng và xây dựng hoà bình! Chúng ta hãy say mê cuộc sống và dấn thân chăm sóc yêu thương những người đang ở xung quanh và môi trường chúng ta đang sống. Tôi nói lại lần nữa: “Hãy can đảm dấn thân!” cha Oreste Benzi, một tông đồ bác ái không mệt mỏi, luôn đứng về phía người nhỏ bé và những người không có khả năng tự vệ, thường lặp lại rằng không ai nghèo đến mức không có gì để cho đi, và không ai giàu đến mức không cần nhận một thứ gì đó.

 

Vậy chúng ta hãy chỗi dậy và lên đường như những người hành hương hy vọng, để, như Đức Maria đã làm với Thánh Elizabeth, chúng ta cũng có thể trở thành những sứ giả của niềm vui, tạo ra sự sống mới và những nghệ nhân của tình huynh đệ và hòa bình.

 

Roma, Gioan Lateranô, ngày 21 tháng 4 năm 2024, Chúa nhật IV Phục Sinh.

Bản dịch của Vatican News Tiếng Việt

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

DÒNG THÁNH GIA: LỄ TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ

DÒNG THÁNH GIA: LỄ TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ

 

Vào lúc 05g00 thứ Hai ngày 18 tháng 03 năm 2024, tại nhà nguyện Dòng Thánh Gia đã diễn ra thánh lễ truyền chức Phó tế cho tu sĩ Ferdinand Nguyễn Hoàng Minh, CSF.

 

 

Thánh lễ do Đức cha Giuse Trần Văn Toản – giám mục giáo phận Long Xuyên chủ tế. Cùng đồng tế có linh mục Đaminh Ninh. Nguyễn Thông Phán, CSF – bề trên Hội Dòng, cùng hơn 20 linh mục trong và ngoài giáo phận. Tham dự thánh lễ còn có sự tham dự đông đảo của quý tu sĩ, quý ông bà cố, thân nhân, ân nhân của Hội dòng và tiến chức.

 

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức cha nhấn mạnh đến tính độc đáo của ơn gọi Phó tế, đồng thời ngài cũng liên hệ tới sứ vụ mà Tu sĩ Ferdinand sắp đảm nhận trong vai trò là Phó tế: “Thầy sẽ phải ra đi, ra đi khỏi Việt Nam, ra đi khỏi quê hương đất nước của mình để đến những vùng đất mới, con người mới và văn hóa mới. Ở đây, thầy sẽ phải thích nghi và làm chứng cho Chúa trong bối cảnh mới của cuộc đời”.

 

Sau bài giảng là nghi thức truyền chức Phó tế với các phần tuyển chọn, phong chức và diễn nghĩa.

 

Trước khi Thánh lễ kết thúc, linh mục Đaminh Ninh. Nguyễn Thông Phán, CSF và Tân phó tế có lời cảm ơn tới Đức cha, quý cha và cộng đoàn hiện diện.

 

Thánh lễ kết thúc lúc 06h30.

 

Truyền Thông Thánh Gia

Sự phù phiếm làm thoái hoá chúng ta

Sự phù phiếm làm thoái hoá chúng ta

  •  
  •  


SỰ PHÙ PHIẾM LÀM THOÁI HOÁ CHÚNG TA

Đức Hồng y Felipe Arizmendi

WHĐ (21.03.2024) – Chúng ta cần mang những tài năng của mình để phục vụ gia đình và cộng đoànđồng thời luôn học từ Lời Chúa lối sống tốt nhất, đó là tình yêu dành cho Chúa và tha nhân.

XEM

Tất cả chúng ta đều dễ bị cám dỗ bởi sự phù phiếm. Vì tôi được bổ nhiệm làm hồng y, nên thị trấn của tôi đã làm cho tôi một tượng đài, đó là một bức tượng đá mà tôi không hề biết trước và cũng không hề có sự đồng ý của tôi. Điều đó có thể khiến tôi cảm thấy mình lớn lao, quan trọng và tin rằng tôi còn vĩ đại hơn mình là; Vì vậy, việc đến nhìn bức tượng đó vào mỗi cuối tuần để sống với cội nguồn của mình giúp mang lại cho tôi rất nhiều điều tốt đẹp, hầu tính phù phiếm của chức danh Hồng y không chi phối tôi.

Có những người khoe khoang và coi thường người khác vì mình sử dụng điện thoại đời mới hơn, phục sức theo thời trang hơn, lái xe sang trọng hơn, ở nhà khang trang hơn, có bằng đại học với tương lai kinh tế tốt hơn, và có thân hình hấp dẫn hơn, v.v…. Bạn phải luôn tán thưởng những người đã nỗ lực vượt lên chính mình; nhưng thật đáng buồn khi vì vẻ bề ngoài hay thành tựu vật chất mà họ lại xem thường những người thiếu những thứ đó; Họ thậm chí còn xúc phạm người khác như thể những người ấy kém giá trị hơn mình. Vẻ bề ngoài có thể đánh lừa người khác và chính chúng ta. Chúng ta không có giá trị hơn vì những gì chúng ta có hoặc vì ngoại hình, nhưng là vì những gì chúng ta là.

Trong việc lãnh đạo, sự cám dỗ của thói phù phiếm này có thể làm ô nhiễm mọi thứ. Giống như những người chỉ khoe khoang về thành tích của mình, điều này có thể đúng nhưng họ lại không nhận ra những khuyết điểm, sai lầm của mình. Họ so sánh mình với người khác và loại trừ người khác; họ dễ dàng xúc phạm và tẩy chay những người bất đồng với họ.

Điều quan trọng là phải khiêm tốn và kín đáo trong những gì chúng ta làm cho người khác chứ không phô trương; Chính điều này làm cho cuộc sống của chúng ta thành công và hữu ích, ngay cả khi chúng ta không được người khác công nhận và ca ngợi.

XÉT

Chúng ta mang cơn cám dỗ này sâu thẳm trong tâm hồn, như Sách Sáng Thế kể lại: nguyên tổ của chúng ta đã xem mình như các vị thần, song vẫn trần truồng, ở bên ngoài vườn địa đàng (x. St 3,1-24). Chúa Giêsu đã vượt thắng cơn cám dỗ mà ma quỷ dụ Người gieo mình từ trên nóc đền thờ ở Giêrusalem để được ngưỡng mộ và tỏ ra đắc thắng (x. Lc 4, 9-12). Vì lý do này, Chúa Giêsu khuyên chúng ta: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Những người chỉ trích nhiều nhất là những người Biệt Phái, những người sống theo bề ngoài (x. Mt 23,5-7).

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giáo lý hằng tuần vào hôm thứ Tư ngày 28.02.2024, dạy rằng:

Thói kiêu ngạo háo danh song hành với con quỷ đố kỵ, và cả hai thói xấu này là điển hình của một người khao khát trở thành trung tâm của thế giới, tự do lợi dụng mọi thứ và mọi người, đối tượng của mọi lời khen ngợi và yêu mến. Thói kiêu ngạo háo danh là lòng tự trọng bị thổi phồng và vô căn cứ. Người háo danh có cái “tôi” cồng kềnh: họ không có sự đồng cảm và không nhận ra rằng trên thế giới này còn có những người khác ngoài mình. Các mối tương quan của họ luôn mang tính công cụ, đặc trưng bởi sự lấn áp người khác. Bản thân, những thành tích, những thành công của họ phải được mọi người nhìn thấy: họ luôn là kẻ ăn xin sự chú ý. Và nếu đôi khi những phẩm chất của mình không được thừa nhận thì họ sẽ trở nên tức giận dữ dộiNhững người khác thật bất côngthiếu hiểu biết, và không đủ trình độ.

Để chữa lành tính háo danh, các bậc thầy tu đức không đề xuất nhiều phương thuốc. Bởi vì về căn bản, tính xấu kiêu ngạo cũng có cách chữa trị của nó: những lời khen ngợi mà kẻ háo danh hy vọng gặt hái được trên thế giới sẽ sớm chống lại họ. Và biết bao người, bị ảo tưởng bởi hình ảnh sai lầm của mình, đã sa vào những tội lỗi mà họ sẽ sớm phải xấu hổ!

Tính háo danh thể hiện ở sự tự tôn thái quá và vô căn cứ. Người khoe khoang—phù phiếm, kiêu ngạo—là người cho mình là trung tâm và thường xuyên đòi hỏi sự chú ý. Trong mối tương quan với người khác, họ không có sự đồng cảm và cũng không coi người khác ngang hàng với mình. Họ có xu hướng biến mọi thứ và mọi người thành công cụ để đạt được điều mình mong muốn.

LÀM

Thay vì phán xét và lên án người khác như thể mình là người hoàn hảo, chúng ta cần khiêm tốn nhận ra điều tốt lành chúng ta đã đạt được và tạ ơn Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch mọi điều tốt lành. Ngoài ra, chúng ta còn cần phải cầu xin sự tha thứ vì những thiếu sót và tội lỗi, nhất là vì chúng ta tự tin thái quá và luôn cho là mình hơn người khác. Chúng ta cần mang những tài năng của mình để phục vụ gia đình, cộng đoàn và luôn học hỏi từ Lời Chúa lối sống tốt nhất, đó là tình yêu dành cho Chúa và tha nhân. Đây mới là điều khiến chúng ta trở nên có giá trị nhất.​

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Lược dịch từ: exaudi.org (06. 03. 2024)