Những suy tư tản mạn từ Đức giáo hoàng Phanxicô
Tư tưởng nơi mỗi người được
hình thành qua thời gian với sự tích lũy của suy tư và kinh nghiệm sống. Không
lạ gì khi muốn tìm hiểu về Đức giáo hoàng Phanxicô, ngay sau khi ngài được bầu
chọn, người ta tìm đọc cuốn On Heaven and Earth – cuốn sách ghi lại cuộc
đối thoại giữa Hồng y Jorge Mario Bergoglio và Rabbi Abraham Skorka, vì ở đó,
người ta có thể gặp được quan điểm và lập trường của vị giáo hoàng mới về nhiều
vấn đề.
Đúng là khi đọc toàn bộ cuốn sách
này, người ta gặp được khá nhiều những tư tưởng mà Đức giáo hoàng Phanxicô đang
chia sẻ qua những bài giảng trong các Thánh Lễ hằng ngày của ngài. Bài viết này
muốn ghi lại những gợi ý của Đức Thánh Cha về một số vấn đề gần gũi với tín hữu
Việt Nam trong hoàn cảnh sống ngày nay.
Tôn giáo là gì? “Lạy
Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc
khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Từ quan trọng nhất trong lời cầu
nguyện này của thánh Augustinô là từ băn khoăn, khắc khoải. Nếu chúng ta
thành thật với chính mình thì phải nhìn nhận rằng có một cảm giác khắc khoải
sâu xa phía đằng sau những kiếm tìm siêu việt nơi chúng ta, sự kiếm tìm thúc
đẩy chúng ta đến chỗ gặp gỡ Thiên Chúa. Và khi ta bước vào cuộc gặp gỡ này thì
lại tiếp tục tìm kiếm, mỗi lúc mỗi sâu hơn. Tôi muốn diễn tả sự khắc khoải này
như hơi thở của Thiên Chúa mà ta mang trong bản thân mình, là dấu ấn Thiên Chúa
để lại trong chúng ta. Nhiều khi, ngay cả nơi những người không nghe Thiên Chúa
nói, hoặc những người có lập trường chống tôn giáo, hoặc những người chủ trương
duy nội tại, thì bất ngờ, họ gặp được cái gì đó siêu việt. Bao lâu cảm giác
khắc khoải này còn tồn tại, bấy lâu tôn giáo còn tồn tại, vẫn sẽ có những cách
thế kết nối với Thiên Chúa. Đúng ra, từ tôn giáo có nghĩa là đảm nhận một
mối dây liên kết với Chúa qua sự tìm kiếm. Nếu một tôn giáo thuần túy chỉ là
nghi lễ mà không có nội dung tìm kiếm này, thì nó sẽ chết, bởi vì tuy nó đầy rẫy
nghi lễ bên ngoài nhưng tâm hồn bên trong lại trống rỗng. Tôn giáo sẽ còn mãi
bởi lẽ sự khắc khoải kia nội tại nơi bản tính nhân loại”, nhưng tôn giáo sẽ như
thế nào trong tương lai?
Tôn giáo sẽ ra sao trong
tương lai? “Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy những hình thái tôn giáo
nơi Công giáo đã thay đổi cách đáng kể. Chẳng hạn, thử nghĩ đến những “vương
quốc giáo hoàng”, ở đó thế quyền là một với thần quyền. Đó là một hình thái sai
lạc của Kitô giáo, không phù hợp với những gì Đức Giêsu mong và Thiên Chúa
muốn. Nếu trong suốt lịch sử, tôn giáo đã thay đổi rất nhiều thì tại sao lại không
thể nghĩ rằng trong tương lai, tôn giáo sẽ thích ứng với văn hóa của thời đại?
Như Công đồng Vatican II nói, cuộc đối thoại giữa tôn giáo và văn hóa là cuộc đối
thoại thiết yếu. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã đòi hỏi sự canh tân liên lỉ (Ecclesia semper reformanda), và sự canh
tân ấy đã được thể hiện bằng nhiều cách theo thời gian, mà vẫn không thay đổi
tín điều. Trong tương lai, sẽ có những cách thế khác để thích nghi với thời kỳ
mới, cũng như ngày nay, đã có những thay đổi so với thời chủ trương duy lề
luật, duy tuyệt đối”.
Vai trò của các giáo xứ:
“Đây là điều then chốt vì cộng đoàn nhỏ đáp ứng nhu cầu về căn tính, không
những căn tính tôn giáo mà cả căn tính văn hóa nữa. Tôi thuộc về khu vực này, câu
lạc bộ kia, gia đình này, tôn giáo này… nghĩa là tôi có một nơi mà ở đó tôi cảm
nhận mình thuộc về cách gần gũi. Nguồn gốc Kitô giáo cũng ở những cộng đoàn nhỏ
như thế. Khi đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy Kitô giáo thuở đầu lan ra
rất nhanh. Ngay khi thánh Phêrô giảng những bài đầu tiên, đã có cả 2.000 người được
rửa tội. Rồi họ được phân thành những cộng đoàn nhỏ… Điều đem lại sự sống cho
một giáo xứ là cảm nhận “thuộc về” một cộng đoàn… Đời sống giáo xứ dẫn chúng ta
đến chỗ chăm sóc cho người anh em của mình, cũng có nghĩa là tôn giáo được
chuyển thành hành động. Khi đó, vấn đề không chỉ là phát chẩn mà còn là giáo
dục, thăng tiến đời sống… Về những hành động này, người ta có thể tố cáo chúng
ta là dấn mình vào những chuyện không thuộc phạm vi của mình. Cách đây ít lâu,
tôi dâng lễ tại một điểm truyền giáo cho các nạn nhân buôn người: nô lệ trong
các nhà máy, các cô gái bị bắt làm nô lệ tình dục, các trẻ em bị bắt đi buôn ma
túy. Kết thúc Thánh lễ là cả một cuộc phản kháng nạn buôn người, trong đó cả
những người ngoài Công giáo cũng tham gia, vì tuy họ không chia sẻ cùng một niềm
tin nhưng họ có chung mối quan tâm đến anh em mình. Tôi không làm chính trị
nhưng tôi quan tâm đến anh em mình đang bị nghiền nát trong cỗ máy nô lệ. Đúng
là có những người lợi dụng việc này để làm chính trị; vì thế điều quan trọng là
phải phân định để hành động cho thích hợp trong những hoàn cảnh tương tự”.
Một tôn giáo dấn thân: “Niềm
tin tôn giáo hàm chứa sự dấn thân chứ không phải trốn chạy. Đã có một thời kỳ
trong linh đạo Công giáo có khái niệm “chạy trốn thế gian” (fuga mundi); nhưng bây giờ là hoàn toàn
khác, nghĩa là cần phải dấn thân vào thế giới, nhưng luôn luôn là từ kinh
nghiệm tôn giáo… Vấn đề trở thành nghiêm trọng khi cái thiêng liêng bị giảm
thiểu thành ý thức hệ, và kinh nghiệm tôn giáo mất đi sức mạnh, chỉ còn sự
trống rỗng, rồi quay về những ý tưởng thế gian. Một nguy cơ nữa khi làm việc bác
ái là hành động như những tổ chức phi chính phủ chứ không phải từ kinh nghiệm
tôn giáo. Đã có những cộng đoàn tôn giáo rơi vào nguy cơ biến mình thành một tổ
chức phi chính phủ. Vấn đề không chỉ là làm cái này làm cái kia để cứu giúp tha
nhân, nhưng là: Bạn cầu nguyện như thế nào? Bạn có giúp cộng đoàn của mình bước
vào kinh nghiệm gặp gỡ Chúa không? Đây là những câu hỏi thiết yếu”.
Về lãnh đạo tôn giáo:
“Tôi hoàn toàn đồng ý với khái niệm “khiêm tốn” nhưng tôi cũng thích dùng từ hiền
lành. Hiền lành không có nghĩa là yếu đuối. Một nhà lãnh đạo tôn giáo có
thể rất mạnh mẽ, kiên quyết, nhưng không gây hấn. Chúa Giêsu nói người nào muốn
cai trị phải là tôi tớ. Theo tôi, ý tưởng ấy phải được áp dụng cho mọi tôn
giáo. Quyền lực đích thực nơi lãnh đạo tôn giáo phải đến từ sự phục vụ. Khi
người lãnh đạo không còn phục vụ nữa, người đó biến thành nhà quản lý thuần
túy, thành nhân viên của tổ chức phi chính phủ. Nhà lãnh đạo tôn giáo phải chia
sẻ và chịu đau khổ với anh em mình, phục vụ anh em mình”.
Tầm quan trọng của sự thánh
thiện: “Trong lịch sử Giáo Hội Công giáo, những nhà cải cách đích thực là
những vị thánh. Các ngài là những người làm thay đổi, biến đổi, thúc đẩy và hồi
sinh con đường thiêng liêng. Thánh Phanxicô Assisi đã đem tinh thần nghèo khó
vào Kitô giáo khi đối diện với sự giàu sang, kiêu ngạo và trưởng giả của thế
quyền cũng như thần quyền trong thời đại của ngài. Ngài đã đem đến một nền thần
bí về sự khó nghèo và từ bỏ, và ngài đã thay đổi lịch sử”.
(03-07-2013)
Thiên Triệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét