HÌNH ẢNH THÁNH LỄ NGÀY 2 TẾT KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN
SỐNG HIẾU THẢO
Thảo
kính cha mẹ và các bậc tổ tiên là việc làm vừa phù hợp với tập tục,
truyền thống hiếu thảo của dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với điều răn
thứ tư trong mười điều răn Đức Chúa Trời
Hằng
năm, vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, Giáo hội Việt Nam dành riêng ngày Mồng
Hai Tết để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Thảo kính cha mẹ và các bậc
tổ tiên là việc làm vừa phù hợp với tập tục, truyền thống hiếu thảo của
dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với điều răn thứ tư trong mười điều răn
Đức Chúa Trời, đồng thời thực hiện lời Chúa trong đoạn Tin Mừng được đọc
trong ngày Mồng Hai Tết:
"Bấy
giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy Kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức
Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân,
không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao
các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên
Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào
nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai
nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm
dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như
thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”
(Mt 15, 1-6).
Đoạn
Tin Mừng Mt 15, 1-6 thuật lại cuộc tranh luận của nhóm Pharisiêu và các
Kinh sư với Chúa Giêsu, xoay quanh vấn đề rửa tay trước bữa ăn. Họ
trách môn đệ của Chúa Giêsu không giữ các tập tục của tiền nhân.
Những
người Pharisêu và các Kinh sư trách môn đệ của Chúa Giêsu không giữ các
tập tục của tiền nhân, không hẳn là vì họ yêu mến tiền nhân, nhưng là
vì họ muốn tránh điều căn bản nhất là: "thảo kính cha mẹ". Họ cho rằng:
“những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì
người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”.
Thực
vậy, những người Pharisiêu và Kinh sư, bề ngoài xem ra đạo mạo, đạo
đức, nhưng bên trong lại toàn những ý đồ độc ác. Họ sống cái vỏ bên
ngoài chứ thực ra họ chẳng sống cái cốt lõi của Tin mừng là: bác ái yêu
thương. Họ cố gắng giữ những tập tục của tiền nhân để khoả lấp đi những ý
đồ gian ác bên trong của họ. Họ giới hạn bổn phận làm con trong những
việc làm thuần túy thế tục, vật chất, để bỏ đi lòng hiếu thảo, kính
trọng và yêu mến cha mẹ. Chính vì thế, Chúa Giêsu nhắc lại cho những
người Pharisiêu, những kinh sư và cho con người mọi thời: “Ngươi hãy thờ
cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,
4).
Rõ
ràng, đối với Chúa Giêsu, nghĩa vụ đối với cha mẹ không chỉ dừng lại ở
vật chất, nhưng còn đi tới cả nghĩa vụ tinh thần, thái độ yêu mến, kính
trọng đối với cha mẹ, đến nỗi ai nguyền rủa cha mẹ sẽ bị xử tử. Và thiết
tưởng rằng, nguyền rủa ở đây không chỉ giới hạn trong những lời nói, mà
còn là đời sống của những người con. Khi con cái không nghe lời cha mẹ,
sống bê tha tội lỗi, sống không tốt làm cho cha mẹ phải xấu hổ, phiền
lòng, thì đó còn là một sự nguyền rủa ghê gớm hơn nhiều so với những lời
nói.
Ông
bà cha mẹ, tổ tiên là những người có công sinh thành, dưỡng dục và xây
dựng cuộc đời cho chúng ta. Các ngài tận tụy dạy dỗ chúng ta sống đời
sống làm người, đặc biệt nhờ các ngài mà chúng ta được biết Chúa và yêu
mến Ngài. Công lao của các bậc tiền nhân, ông bà, cha mẹ thật bao la
trời biển. Chính vì thế mà Ca dao Việt Nam có câu: “Công cha như núi
Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính
cha cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Chữ hiếu đối với chúng ta rất có
giá trị hợp với đạo lý làm người. Hiếu là yêu thương, là lòng kính yêu
và biết ơn. Chúng ta phải sống chữ “Hiếu” đối với tổ tiên, ông bà, cha
mẹ, vì cuộc đời chúng ta được dệt nên bởi biết bao công sức, sự hy sinh
của các ngài. Thế nhưng, chúng ta phải sống chữ “Hiếu” thế nào?
Sống
chữ “Hiếu” là chúng ta yêu mến, vâng lời, chăm lo cho ông bà cha mẹ
ngay khi các ngài còn sống với chúng ta. Nhất là chúng ta phải luôn cố
gắng trở nên con người tốt trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Vì, tất
cả những hy sinh mà ông bà cha mẹ dành cho chúng ta là muốn cho chúng
ta được trở nên tốt.
Năm
nay tôi được về gia đình nghỉ dịp Tết, trước khi nhận công việc mới. Mẹ
tôi bị tai biến nhẹ. Tôi về ở nhà thấy mẹ vui hơn khi mẹ ở với những
người em của mẹ. Và có lẽ mẹ vẫn có thể tự lo cho mình bữa cơm mỗi ngày,
nhưng khi tôi chuẩn bị cho mẹ những bữa cơm, dù chỉ là những bữa cơm
rau mắm, thì mẹ rất vui. Tôi có thể nhờ người khác chuẩn bị cho mẹ những
bữa cơm ngon hơn, thịnh soạn hơn, nhưng chắc chắn mẹ sẽ không vui cho
bằng những bữa cơm do chính tôi chuẩn bị cho mẹ. Một đời vất vả lo cho
con, bây giờ nó chỉ có thể lo cho mẹ bữa cơm rau mắm, vậy mà lại vui và
hạnh phúc!
Thật
ra, cha mẹ chẳng cần con cái phải lo cho các ngài đầy đủ về vật chất.
Đời các ngài đã phải trải qua những khổ cực để nuôi dạy con cái, giả như
có phải chịu thêm chút nữa thì cũng chẳng sao. Điều các ngài muốn là
tấm lòng của những đứa con dành cho các ngài.
Chúng
ta đang sống trong một xã hội bị tục hoá. Mọi giá trị cuộc sống dường
như được đặt trên nền tảng giá trị vật chất. Các giá trị của đời sống
gia đình dường như bị lung lay khá nhiều, nếu không nói là đang bị dao
động đến tận gốc rễ, đến tận cuộc sống của nhiều người, của nhiều gia
đình. Vì bị ảnh hưởng bởi một xã hội tục hoá như vậy, nên có nhiều người
định mức giá trị cuộc sống bằng việc làm ra của cải vật chất nhiều hay
ít. Và cũng vì thế mà họ cho rằng, việc báo hiếu cũng tuỳ thuộc vào việc
có lo cho cha mẹ được đầy đủ tiện nghi vật chất hay không, mà họ quên
đi thái độ sống cần thiết đối với các ngài là “thờ cha, kính mẹ”.
Có
một điều còn đáng quan ngại hơn là: có những người khi cha mẹ còn sống
thì chẳng chăm sóc, hết đùn đẩy cho người này người khác, nhưng khi cha
mẹ chết thì lại tranh giành của cải. Rồi cũng có những người, khi cha mẹ
còn sống, nhất là những khi các ngài tuổi già sức yếu, chẳng chăm lo
cho các ngài, nhưng khi các ngài qua đời thì lại tổ chức tang lễ, giỗ
chạp linh đình, và coi đó như là việc báo hiếu cho ông bà cha mẹ. Chính
vì thế, mà tục ngữ ca dao đã viết rất dí dỏm, nửa khóc, nửa cười: “Khi
sống mà chẳng cho ăn, đến khi thác xuống làm ma tế ruồi”. Nếu sống như
vậy, con người ngày nay cũng na ná như Pharisiêu và Kinh sư ngày xưa.
Tóm
lại, sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ là ta phải sống thế nào để làm
cho các ngài cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi sống với chúng ta
và cả khi chỉ cần nghĩ đến chúng ta. Lòng hiếu thảo với các ngài khổng
phải được thể hiện qua những gì là vật chất, nhưng chính yếu là tấm lòng
của ta đối với các ngài, được thể hiện bằng một đời sống tốt lành của
chúng ta. Lời của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng Mt 15, 1-6, được đọc
trong ngày Mồng Hai Tết, nhắc chúng ta: không được biện hộ cho thái độ
bất kính, bất hiếu đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ bằng những giá trị vật
chất, mà phải có một lòng hiếu thảo thật sự với các ngài, với một lòng
yêu mến và kính trọng, nhất là hãy trở nên là những con người tốt. Sống
được như vậy, chắc chắn tổ tiên, ông bà cha mẹ của chúng ta sẽ rất hài
lòng, dù các ngài có phải chịu thiếu thốn hơn về vật chất, dù các ngài
còn sống hay đã qua đời.
Hà Vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét