Xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì?
Con
có một vài thói xấu, con đã đi xưng tội rất nhiều lần rồi. Nhưng xưng
xong lại phạm tội trở lại. Nhiều khi con chán nản, chẳng muốn đi xưng
nữa. Xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì?
Bạn thân mến,
Kinh
nghiệm của bạn là một kinh nghiệm rất thực tế mà bất cứ ai cũng trải
qua. Chúng ta luôn cố gắng để không phạm tội. Nhưng chúng ta đã không
thể chiến thắng được sự yếu đuối của bản thân, rồi chúng ta phạm tội.
Sau đó, chúng ta đi xưng tội và cảm thấy như được giải thoát khỏi một
gánh nặng nào đấy. Thế nhưng, không lâu sau, chúng ta lại tiếp tục phạm
tội. Vòng chu kỳ phạm tội – xưng tội – phạm tội – xưng tội… nhiều khi
làm chúng ta cảm thấy thất vọng về mình, có đôi khi còn khiến ta nghi
ngờ về hiệu quả của Bí tích Hoà Giải, rồi dẫn đến chán nản. Từ đó, ta tự
đặt câu hỏi nghe có vẻ rất có lý: cứ xưng tội rồi lại phạm tội, vậy
xưng tội để làm gì?
Có
người đã ví von “đối” lại câu hỏi này bằng một câu hỏi khác: ta ăn rồi
đói, vậy ăn để làm gì? Thoạt nghe qua, ta thấy “câu đối” này dường như
đã là một câu trả lời cho câu hỏi về vấn đề “phạm tội – xưng tội.” Nhưng
để ý kỹ, ta vẫn thấy có chút gì đó không được thoả mãn cho lắm. Cơ bản
là vì ví việc đi xưng tội với việc ăn uống, việc phạm tội với cái đói
xem chừng không chuẩn xác cho lắm. Thứ nhất, việc ăn uống làm ta khoái
khẩu; tự bản thân việc ăn khi đói mang đến cho người ta cảm giác sảng
khoái, thoả mãn. Trong khi việc đi xưng tội thì chẳng làm ta thích thú
chút nào vì nó bắt ta phải đối diện với biết bao điều xấu ta phạm phải.
Thứ hai, xem ra việc ăn uống thì dễ dàng hơn, vì ta có thể ăn bất cứ nơi
đâu và ăn cái gì ta thích, chẳng cần phải lệ thuộc vào ai. Trong khi
muốn xưng tội, ta phải tuỳ thuộc vào một linh mục, giả như vị linh mục
đó không chịu giải tội cho ta, hoặc gây khó dễ cho ta thì ta cũng đành
chịu, chứ không thể làm gì khác hơn. Thứ ba, việc ăn uống xem ra thiết
thực hơn, vì cơ thể của ta sẽ mách bảo cho ta rằng nếu ta không ăn thì
ta sẽ đói và có thể sẽ chết; trong khi không phải ai cũng cảm thấy nhu
cầu đi xưng tội. Không ăn thì ta trở nên tiều tuỵ và ai cũng nhận ra
điều này, trong khi không đi xưng tội thì rất nhiều người vẫn cảm thấy
chẳng có gì mất mát. Vì thế, dù ví von việc đi xưng tội với chuyện ăn
uống cũng có nét đúng, nhưng có lẽ ví việc ăn uống với bí tích Thánh Thể
thì hợp hơn.
Những
người hỏi câu hỏi “xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì” dường như đã
hiểu nhầm ý nghĩa của bí tích Hoà giải. Bí tích Hoà giải không phải là
thuốc tiên, ngay lập tức biến người lãnh nhận trở thành một vị thánh,
không còn yếu đuối, miễn nhiễm với tất cả mọi thói xấu trên đời. Họ cho
rằng chỉ cần xưng tội một lần là mình trở thành một vị thần sáng láng,
không cần vướng víu một chút gì nhơ nhớt giữa bụi trần này.
Kỳ
thực, đi xưng tội là đi hoà giải (vì thế mà nó có tên là bí tích Hoà
giải). Phạm tội là làm điều không đúng trước mặt Chúa, làm cho mối dây
liên kết giữa mình với Chúa bị rạn nứt, làm cho tương quan giữa mình và
Chúa bị sứt mẻ. Người ta tìm đến với Bí tích Hoà giải cũng giống như một
đứa con làm gì đó ngỗ nghịch với bố mẹ, khiến bố mẹ buồn, quay về với
bố mẹ và nói lời xin lỗi với bố mẹ. Có lỗi thì cần phải cầu xin sự tha
thứ, thế thôi, dù ta có phạm lỗi đến trăm nghìn lần. Ta xin lỗi Chúa để
nối lại mối dây thân tình và làm cho tương quan giữa ta với Người không
còn xa cách. Sau khi xưng tội, ngoài việc được tha thứ, ta vẫn là một
con người yếu đuối như trước. Và vì mang thân phận yếu đuối, ta vẫn có
thể phạm tội. Đây là chuyện rất bình thường. Nhưng qua việc phạm rồi
xưng rồi phạm này, ta càng nghiệm thấy rõ ràng hơn lòng bao dung, tình
yêu vô biên và sự kiên nhẫn của Chúa dành cho mình.
Tại
sao ta phải thường xuyên xưng tội? Vì càng đi xưng tội, ta càng ý thức
về tội của mình. Càng ý thức về nó, ta càng có thể tránh được nó và vượt
qua yếu đuối của mình hơn. Thực ra, những ai đi xưng tội với một ý
hướng chân thành và một quyết tâm chừa tội thì người đó sẽ ít rơi vào
cạm bẫy của tội hơn. Họ sẽ cảm thấy đỡ hơn rất nhiều khi phải chiến đấu
với cám dỗ. Còn người nào xưng rồi phạm thì có lẽ cũng nên xem xét lại
xem liệu mình đã có đủ lòng sám hối chưa, hay chỉ đi xưng tội vì “thủ
tục”, theo kiểu “cho có”.
Như
thế, ta đi xưng tội không phải vì bí tích Hoà giải có hiệu lực biến ta
thành một vị thánh ngay trong chốc lát, nhưng là để ý thức hơn về thân
phận mỏng dòn của mình và cảm nếm tình yêu dịu ngọt của Chúa. Toà giải
tội là một nơi tỏ bày tình yêu, là nơi nối kết những gì rạn nứt, nơi gặp
gỡ của sự thống hối và lòng xót thương. Chính qua nhiều lần gắn kết,
gặp gỡ đó mà ta mới dần dần trở nên một vị thánh.
(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét