label

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

ĐẾN VÀ Ở LẠI (1.5.2016 – Chúa nhật 6 Phục sinh, Năm C)


ĐẾN VÀ Ở LẠI 
Lời Chúa: Ga 14, 23-29
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em, nhưng khi Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự ấy xảy ra”.
Suy nim:
Khi được hỏi Ðức Kitô hiện diện ở đâu,
chúng ta thường nghĩ ngay tới nhà thờ, nhà Tạm.
Tiếc thay lắm khi chúng ta dừng lại ở đó.
Chúng ta ít nghĩ đến một lối hiện diện khác của Ngài.
Không phải chỉ là ở với, ở bên, ở trước mặt,
mà còn là ở trong con người yếu đuối của ta.
Chúng ta ít nghĩ, vì chúng ta không dám tin
vào hồng ân quá đỗi lớn lao đó.
Chính vào lúc sắp chia tay các môn đệ để về với Cha,
Ðức Giêsu đã long trọng loan báo chuyện Ngài ở lại:
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy,
Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy.
Chúng ta sẽ đến với người ấy
và sẽ làm nhà nơi người ấy” (Ga 14,23).
Ðại từ Chúng Ta ở đây để chỉ Chúa Cha và Chúa Con,
mà ở đâu có Chúa Cha, Chúa Con thì cũng có Thánh Thần.
Vì yêu Ðức Kitô, tôi được đón nhận thế giới Ba Ngôi.
Vì yêu tôi, Ba Ngôi muốn đến thăm tôi và cư ngụ tại đó.
Trong tình yêu hai chiều này, thiên đàng chớm nở.
Thiên đàng thật gần, ngay trong lòng tôi.
Thiên đàng ấm áp ở nơi nghèo hèn, bé nhỏ,
nơi tâm hồn biết yêu Ðức Kitô và tuân giữ lời Ngài.
Ðôi khi tôi cần tự hỏi Thiên Chúa có ở trong tôi không.
Tôi có cảm nghiệm được chút nào sự hiện diện đó chăng?
Có bao giờ tôi thờ lạy sự hiện diện đó của Ngài không?
Kitô hữu không chỉ là bạn hữu của Ðức Kitô,
mà còn là người Ðức Kitô nơi chính mình.
Họ là những cung thánh, những nhà thờ lưu động.
Họ không chỉ chứa đựng Ðức Kitô như một Nhà Tạm,
họ còn nên một với Ngài trong tình yêu.
Các bí tích chúng ta lãnh nhận đều nhằm mục đích
làm cho tình yêu giữa ta với Ðức Kitô được lớn lên.
Trước khi tôi rước lễ, Ðức Kitô đã ở trong tôi rồi.
Sau khi tôi rước lễ, Ngài cũng chẳng bỏ tôi.
Nhưng mỗi lần rước lễ, sự hiện diện Ngài lại tăng trưởng.
Ngay cả khi không thể đến nhà thờ,
tôi vẫn có thể gặp Ðức Kitô nơi cung lòng mình.
Chỉ cần để lòng mình lắng xuống,
là tôi có thể gặp Ngài và bước vào cuộc đối thoại.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”
Yêu mến Ðức Kitô không phải chuyện dễ.
Yêu một người ta chưa gặp mặt và sống xa ta 20 thế kỷ.
Giữ lời Ðức Kitô chẳng phải chuyện dễ.
Lời đòi chúng ta ra khỏi mình và bay lên cao.
Chính Thánh Thần sẽ giúp ta thấy Ðức Kitô thật gần
để có thể say mê Ngài,
thấy Lời Tin Mừng trở nên sống động và bừng sáng
để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh.
Hội Thánh của chúng ta sẽ là một Hội Thánh vô hồn,
nếu chẳng có sự hiện diện của Chúa nơi lòng các tín hữu.
Cầu nguyn:

Ngài đã xuống tận đáy lòng con,
xin cho con chỉ tập trung
vào tận đáy lòng con.

Ngài là thượng khách của lòng con,
xin cho con bước vào nhà
là chính đáy lòng con.

Ngài chọn cư ngụ trong lòng con,
xin cho con biết ngồi yên
ngay tại đáy lòng con.

Duy Ngài ở lại trong con,
xin cho con biết chìm sâu
xuống tận đáy lòng con.

Duy Ngài hiện diện trong lòng con,
xin cho con biết xóa mình
khi Ngài ở bên con.

Khi con đã gặp Ngài,
không còn con và Ngài nữa.
Con chẳng là gì cả,
và Ngài là tất cả.
(Theo Swami Abhisiktananda)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Một phụ nữ bị chôn sống ở Trung Quốc báo hiệu làn sóng đàn áp mới

Một phụ nữ bị chôn sống ở Trung Quốc báo hiệu làn sóng đàn áp mới
 
Phá Thánh giá ở Trung Quốc
 
Hai thành viên của một đội phá dỡ nhà thờ ở Trung Quốc vừa bị bắt giam vì tội danh ủi đất chôn sống vợ của một mục sư khi bà cố gắng ngăn họ phá hủy nhà thờ.
 
Bob Fu, chủ tịch NGO Cứu trợ Trung Quốc, nói rằng Kitô giáo bị xem là ‘mục tiêu chính’ và là ‘mối đe dọa an ninh và chính trị’ đối với chế độ.
 
‘Việc ủi đất và chôn sống bà Ding Cuimei, một phụ nữ Kitô hữu ôn hòa và nhiệt thành, đó là một tội ác, một hành vi giết người. Vụ việc này là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với quyền được sống, vi phạm tôn giáo và cả pháp luật. Nhà chức trách Trung Quốc phải bắt những kẻ giết người này chịu trách nhiệm, đồng thời phải có những biện pháp cụ thể để bảo vệ tự do tôn giáo cho các tín hữu.’
 
Bà Ding Cumei và chồng mình là mục sư Li Jiangong, đã bị đẩy xuống một đường rãnh và bị chôn sống bằng xe ủi trước mắt các tin hữu. Chồng bà ngoi lên được, nhưng bà thì không.
 
Mục sư Li Jiangong là lãnh đạo của Nhà thờ Beitou ở thành phố Trú Mã Điếm.
 
Một công ty được chính quyền chống lưng đã đưa đội phá hủy đến nhà thờ, có khả năng là để chiếm đất cho một nhà đầu tư địa phương. Một thành viên của đội phá hủy đã nói rằng, ‘Chôn sống họ cho tôi … Tôi sẽ chịu trách nhiệm mạng sống của họ.’
 
Một cảnh sát địa phương cho biết hai thành viên trong đội phá dỡ đã bị bắt giam, nhưng cảnh sát chưa xác định tội trạng. Các Kitô hữu địa phương nói rằng các viên chức phụ trách của chính quyền trong vùng không đến để giám sát việc phá dỡ. Mục sư Li cho biết, sau khi được báo về vụ giết người, cảnh sát mất khá nhiều thời gian hơn bình thường để đến hiện trường.
 
Nhà thờ Trung QuốcÔng Bob Fu thì cho biết tình trạng của Kitô hữu ở Trung Quốc đã thay đổi kể từ sau khi Tập Cận Bình nắm quyền vào năm 2013. Ông nói tình trạng này giống như ‘Cách mạng Văn hóa’ trở lại vậy. Ông nghĩ rằng dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, thì Kitô giáo không bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng như bây giờ.
 
Các giáo hội không đăng ký với chính quyền, cả trong Tin Lành lẫn Công giáo, đều bị thanh trừng. Bây giờ, ngay cả các giáo hội đã đăng ký cũng phải đối diện với sự kiểm tra và đàn áp ngày càng khắc nghiệt hơn. ‘Các Kitô hữu bị ép phải chuyển qua một dạng niềm tin khác dưới chiêu bài ‘Hán hóa tôn giáo’ để nhằm làm cho Kitô giáo tương hợp với chủ nghĩa xã hội.’
 
Ông Fu nhất quyết rằng, ‘Tự do tôn giáo là tự do tiên quyết, căn bản, và chung nhất. Tự do tôn giáo cho Kitô giáo có thể thúc đẩy một Trung Quốc thịnh vượng và ổn định hơn.’
 
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
                                                                                                                                 (Phanxico.vn)

TÌM ĐƯỢC THÁNH TÍCH CỦA TÔNG ĐỒ GIOAN

TÌM ĐƯỢC THÁNH TÍCH CỦA TÔNG ĐỒ GIOAN
 
Các nhà khảo cổ học ở Bulgaria cho rằng họ đã tìm thấy tro thuộc về một trong 12 vị tông đồ của Chúa Giêsu, cụ thể là của thánh Gioan, người duy nhất trải qua cái chết già trong số những môn đệ của Đức Kitô.
Các cuộc khai quật tại một khu cảng và pháo đài từ thời trung cổ ở Bulgaria đã mở đường cho nhóm khảo cổ học tìm đến một số cổ vật hết sức quan trọng từ thời Chúa Giêsu. Theo tạp chí The Week, một chiếc vò làm bằng chì đựng tro đã được tìm thấy trong ngôi mộ được cho là hài cốt của Thánh Gioan tông đồ, cùng một cái triện hoàng gia Bulgaria từ thế kỷ thứ 10.
 
Tàn tích nhà thờ Thánh Gioan ở Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ) - ảnh: José Luiz Bernardes Ribeiro
 
Thánh tích linh thiêng
 
Theo trang Archaeologyinbulgaria.com, các cổ vật trên được phát hiện trong lúc khai quật pháo đài cổ đại Rusocastro và cảng Burgos (Poros), nơi hiện nay là Burgas, thành phố lớn thứ hai của  Bulgaria nằm bên bờ Hắc Hải. Chiếc vò nhỏ làm bằng chì chứa tro được tìm thấy bên trong hòm thánh tích. Hòm thánh tích này được đặt bên trong một nhà thờ Công giáo đời đầu, với thiết kế xây sâu kèm theo hai dãy cột có từ thế kỷ thứ 6. Bản thân chiếc vò rất nhỏ, chỉ dài 2,2 cm. Lớp vỏ ngoài của cổ vật được trang trí bằng nhiều hình chữ thập có hai nhánh dài bằng nhau, và một tay cầm đã bị mất.
 
Được mô tả là “tài sản thiêng liêng nhằm bảo quản một vật chất thần thánh”, thánh tích được tin là mang theo những quyền năng chữa lành bệnh tật, theo Milen Nikolov, Giám đốc của Bảo tàng Lịch sử Khu vực Burgas. Trong buổi họp báo thông tin về phát hiện mới, ông Nikolov giải thích rằng, thánh tích quan trọng trên gắn liền với những đức tin cổ đại. “Cứ mỗi năm, vào ngày vía của Thánh tông đồ Gioan, lại có bột manna xuất hiện tại mộ của Ngài”, theo vị giám đốc bảo tàng. Dựa trên các dữ liệu lịch sử, các tín hữu Công giáo hành hương từ mọi nơi trên thế giới thường tập trung tại địa điểm đặt ngôi mộ của Thánh tông đồ Gioan ở thành phố cổ đại Hy Lạp là Ephesus (hiện thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), và đặt những cánh hoa hồng lên mộ trước khi tiếp nhận bột có công dụng chữa lành vết thương. Nhiều người quyết định lên đường đến mộ Thánh Gioan với hy vọng có thể nhận được ít tro hoặc bột manna mang trở về ngôi làng của mình để thờ phụng với mục đích trừ tà, đuổi quỷ.
 
 Do các hoa văn trang trí trên chiếc vò hợp với những đặc điểm kiến trúc ở Ephesus, các nhà nghiên cứu cho rằng chiếc vò tìm được ở Bulgaria có lẽ cũng xuất xứ từ nơi đó, và mang về nước thông qua một chuyến hành hương, theo trang tin Novinite. “Tất cả các trung tâm hành hương Công giáo đời đầu đều tạo ra các vò đất sét chứa nước thánh; và đến giờ phút này, chỉ có đúng 43 vò chì được ghi nhận trên toàn thế giới”, theo trang Archaeologyinbulgaria.com.
 
Môn đệ được Chúa yêu quý
 
Theo Tân Ước, Thánh Gioan là một trong 12 Tông đồ của Chúa Giêsu, là một trong bốn Thánh sử viết Phúc Âm. Người Kitô giáo từ thuở ban sơ đến nay đều ghi nhận Gioan có một vị trí nổi bật trong số các tông đồ. Cùng với Phêrô và Giacôbê, Gioan là nhân chứng khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ cho con gái ông Giarô sống lại (Mc 5:37), Chúa biến hình (Mt 17:1) và trong Vườn Cây Dầu (Mt 26:37).
 
Thánh tích của Gioan trong vò chì -  ảnh: Regional Museum Burgas
 
 Gioan và Phêrô cũng là hai người được sai vào thành phố để thực hiện các việc chuẩn bị cho Bữa tiệc Ly (Lc 22:8). Trong bữa ăn, thánh nhân được ngồi bên cạnh và ngả đầu vào ngực Chúa Giêsu (Gioan 13:23-25). Gioan cũng là môn đệ duy nhất đứng dưới chân thập giá trên đồi Canvê cùng với Đức Mẹ Maria và các phụ nữ khác. Ông cũng là người được Đức Giêsu trối lại cho Mẹ Maria (Gioan 19:25-27). Cũng theo Phúc Âm, trong sự kiện Phục Sinh, Gioan và Phêrô là hai người chạy về hướng hầm mộ và chính ngài là người đầu tiên tin rằng Đức Giêsu thực sự sống lại (Gioan 20:2-10). Nhiều đoạn trong Tân Ước gọi Gioan là “môn đệ được Chúa yêu”.
 
LING LANG
(WGP.Phan Thiết 30.04.2016)
 
Kho tàng cổ vật Burgos
 
Các dự án khai quật lần đầu tiên đã được triển khai tại cảng và pháo đài Burgos từ năm 2008 và tiếp tục đến ngày nay. Bất chấp một số gián đoạn trong những năm qua vì hạn chế đến từ một căn cứ quân sự gần đó, các chuyên gia đã tìm được một villa từ thời La Mã cổ đại, nhiều cổ vật quý, tàn tích dinh thự, những đồ gốm sứ và các bức tường công sự cũng như tháp của pháo đài. Những phát hiện đáng chú ý khác trong lĩnh vực khảo cổ học tại Bulgaria bao gồm di hài của người đàn ông thành Varna, một người giàu sụ có địa vị cực cao vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên; và hang động khổng lồ ở vùng Devetashka, nơi cư trú của người cổ suốt chiều dài 70.000 năm. Cho đến nay, Bulgaria vẫn được xem là một khu vực chôn giấu lịch sử dồi dào của nhân loại, và nhiều di tích quan trọng vẫn còn chờ được khám phá.
 
 
Triện cổ của Đại đế Petal I
 
Giám đốc Nikolov cũng công bố việc tiếp nhận triện hoàng gia Bulgaria từ thế kỷ thứ 10. Dân địa phương đã tìm thấy dấu triện này và trao lại cho giới hữu trách. Dấu triện cổ làm bằng chì độc nhất vô nhị từng thuộc về Đại đế Petar I (năm 927-970) và hoàng hậu Maria thuộc đế quốc thứ nhất của Bulgaria. Đây cũng là triện đầu tiên từng thuộc về một vương triều nước này được tìm thấy tại khu vực.
 

Đức Thánh Cha cổ võ cảm thông đối với người bị bệnh họa hiếm

Đức Thánh Cha cổ võ cảm thông đối với người bị bệnh họa hiếm

Đức Thánh Cha cổ võ cảm thông đối với người bị bệnh họa hiếm - OSS_ROM
VATICAN. ĐTC cổ võ sự cảm thông đối với những người bị các bệnh họa hiếm, đồng thời chống lại nền kinh tế loại trừ và bất công.
 Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29-4-2016 dành cho 700 tham dự viên Hội nghị quốc tế về y khoa tái sinh (medicina rigenerativa) do Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa cùng với một số cơ quan khác tổ chức.
 Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, trước tiên ĐTC cổ võ sự nhạy cảm hóa, gây ý thức về tình trạng những người bị bệnh họa hiếm. Ngài nói: ”Điều rất quan trọng là thăng tiến trong xã hội sự gia tăng mức độ cảm thông, để không một ai tỏ ra dửng dưng đối với các ơn gọi trợ giúp tha nhân, kể cả khi họ bị một thứ bệnh họa hiếm. Chúng ta biết rằng nhiều khi không thể tìm được những giải pháp mau lẹ cho các bệnh phức tạp, nhưng ta luôn có thể quan tâm đối với các bệnh nhân ấy, họ thường cảm thấy bị bỏ rơi và bị lơ là.”
 ĐTC cũng khuyến khích đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học và giáo dục. Trong lãnh vực này cần luôn để ý tới những khía cạnh luân lý đạo đức đẻ có thể là dụng cụ bảo vệ sự sống và phẩm giá con người.
 Sau cùng, ĐTC kêu gọi đảm bảo sao cho mọi bệnh nhân đều có thể được chữa trị. Về lãnh vực này, ngài nhấn mạnh rằng “Cần chống lại thứ kinh tế loại trừ và bất công” (EG 53), đang gieo rắc các nạn nhân khi cơ cấu tìm lợi lộc trổi vượt lên sự sống con người. Chính vì thế cần phải lấy việc hoàn cầu hóa sự dửng dưng bằng sự hoàn cầu hóa sự cảm thông. Vì thế chúng ta cần phổ biến vấn đề các bệnh họa hiếm trên bình diện hoàn cầu, đầu tư vào việc huấn luyện thích hợp, gia tăng tài nguyên cho việc nghiên cứu, cổ võ những luật lệ thích đáng, thay đổi các mô thức kinh tế, để dành ưu tiên cho nhân vị con người” (SD 29-4-2016)
 G. Trần Đức Anh OP

Luôn có đối kháng trong Giáo hội chống lại Thánh Thần

Luôn có đối kháng trong Giáo hội chống lại Thánh Thần

Thánh lễ sáng thứ Năm, 28.04, tại nguyện đường Thánh Marta - OSS_ROM
29/04/2016 10:09
VATICAN. “Ngày hôm nay trong Giáo hội cũng như xưa kia, luôn có những đối kháng chống lại Thánh Thần. Có những người không chấp nhận những đổi mới mà Thánh Thần mang đến. Nhưng Thánh Thần giúp chúng ta chiến thắng, tiến về phía trước và luôn kiên vững trên con đường của Đức Giêsu.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, 28.04, tại nguyện đường Thánh Marta.
Khởi đi từ bài đọc một trích sách Công vụ Tông đồ thuật lại các cuộc tranh luận đang diễn ra ở ‘Công đồng’ Giê-ru-sa-lem, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Nhân vật chính hoạt động trong Giáo hội chính là Chúa Thánh Thần. Ngay từ buổi đầu, Ngài đã ban sức mạnh cho các Tông đồ để loan truyền Tin Mừng. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thực hiện tất cả và khiến cho Giáo hội không ngừng tiến lên phía trước, cho dù có gặp phải những khó khăn và ngay cả khi những cuộc bách hại bùng nổ dữ dội. Chính Chúa Thánh Thần ban sức mạnh và lòng can đảm cho các tín hữu để họ kiên vững trong đức tin cho dù có gặp phải chống đối và sự giận dữ điên cuồng của những kinh sư, luật sĩ. Có một sự đối kháng kép chống lại hoạt đông của Thần Khí: Một là từ những người xác tín rằng Đức Giêsu chỉ đến với dân được tuyển chọn, chứ dân ngoại không có phần; hai là từ những người muốn áp đặt luật Mô-sê, gồm cả việc cắt bì, lên những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa. Hai sự đối kháng này ẩn chứa những nhầm lẫn lớn.
Thánh Thần đặt những tâm hồn bước đi trên một con đường mới. Đó là việc kỳ diệu của Thần Khí. Các Tông đồ đã bắt gặp những tình huống mà họ chưa nghĩ đến bao giờ. Đó là những hoàn cảnh hoàn toàn mới lạ. Và họ đã đương đầu với những hoàn cảnh này như thế nào? Bài đọc một ngày hôm nay bắt đầu như thế này: ‘Trong những ngày ấy, đã diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi’, một cuộc tranh luận nảy lửa, vì họ đang thảo luận với nhau về vấn đề những người gốc dân ngoại quay trở lại với Thiên Chúa. Họ có sức mạnh của Thần Khí – nhân vật chính – Đấng thúc đẩy họ tiến lên. Nhưng Thần Khí cũng mang đến những điều mới mẻ, những điều chưa hề được ai thực hiện trước đây bao giờ và cũng chưa có ai nghĩ đến. Đó là việc người gốc dân ngoại cũng được lãnh nhận Thánh Thần.
Các môn đệ nắm trong tay ‘ngọn lửa nhiệt huyết cháy bỏng’ nhưng không biết phải làm gì. Bởi thế họ mới triệu tập một công nghị ở Giê-ru-sa-lem để mỗi người có thể thuật lại những kinh nghiệm của họ về việc dân ngoại đã được lãnh nhận Thánh Thần như thế nào. Và cuối cùng, họ đã đi đến sự đồng thuận. Nhưng trước đó, cả công nghị đã chìm trong thinh lặng và chăm chú lắng nghe khi Phao-lô và Ba-na-ba thuật lại những dấu lạ điềm thiêng mà Thiên Chúa đã thực hiện giữa dân ngoại ngang qua các môn đệ. Chúng ta đừng sợ hãi khi lắng nghe với lòng khiêm tốn. Khi sợ hãi không dám lắng nghe, chúng ta không có Thánh Thần trong tâm hồn. Khi các Tông đồ lắng nghe, họ đã quyết định sai nhiều môn đệ tới Hy Lạp, các cộng đoàn dân ngoại, là những người đã trở lại với Chúa để củng cố họ.
Những người dân ngoại trở lại với Thiên Chúa không buộc phải cắt bì. Điều này đã được thông truyền đến với họ ngang qua lá thư, trong đó các Tông đồ nói rằng: ‘Chúa Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định rằng....’ Đây chính là cách thức mà Giáo hội đối mặt với những điều mới mẻ. Không phải những điều mới lạ thuộc kiểu thế trần nhưng là sự đổi mới của Thần Khí, Đấng luôn khiến chúng ta phải ngỡ ngàng vui sướng. Giáo hội đã giải quyết những vấn đề này như thế nào? Giáo hội giải quyết bằng cách ngang qua những buổi gặp gỡ và thảo luận, lắng nghe và cầu nguyện, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Đây chính là cách thức của Giáo hội khi Thánh Thần khiến chúng ta ngạc nhiên bởi những điều mới mẻ. Và chúng ta cũng nhớ lại những chống đối đã phát sinh trong thời gian diễn ra công đồng Vaticano 2.
Những chống đối ấy vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay bằng cách này cách khác. Nhưng Thánh Thần vẫn đi tiên phong. Và cách thức Giáo hội diễn tả sự đồng thuận của mình là ngang qua công nghị với những cuộc gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi, cầu nguyện và đưa ra quyết định. Chúa Thánh Thần luôn là nhân vật chính và Thiên Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ hãi khi Thánh Thần lên tiếng với chúng ta. Như khi xưa Thánh Thần đã dừng Thánh Phao-lô lại và dẫn ngài đi trên đường ngay nẻo chính, thì Thánh Thần cũng ban cho chúng ta sự can đảm và lòng kiên nhẫn để chúng ta vượt qua những đa dạng, khác biệt và kiên vững trong ơn phúc tử đạo. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn để hiểu Giáo hội đã hành xử như thế nào trước những đổi mới, ngỡ ngàng mà Thần Khí mang đến. Chúng ta cũng xin ơn được trở nên ngoan ngoãn và đi theo con đường mà Đức Kitô đã mời gọi chúng ta cũng như toàn thể Giáo hội.”
Vũ Đức Anh Phương, SJ

LỊCH CHUYỂN ĐỔI LINH MỤC THÁNG 5,6 & 7/2016

LỊCH CHUYỂN ĐỔI LINH MỤC THÁNG 5,6 & 7/2016
 
1.       Cha GB. Nguyễn Thế Hùng từ Tân Hiệp đến Minh Châu, U Minh Thượng, KG

2.       Cha Giuse Trần Thành Thái từ Minh Châu đến Truyền Tin, Kinh 8. KG

3.       Cha Giuse Hoàng Ngọc Minh từ Tân Châu đến An Châu, Châu Thành, AG

4.       Cha Phê-rô Phạm Minh Tâm từ An Châu đến Vàm Cống, Chợ Mới, AG

5.       Cha Phê-rô Trần Thanh Liêm từ Vàm Cống đến Núi Sam, Châu Đốc, AG

6.       Cha Phê-rô Nguyễn Văn Sơn từ Núi Sam đến Tân Châu, An Giang

7.       Cha Phê-rô Cao Văn Hoành từ Têrêsa số 4 đến  Cản Đá, Vĩnh Thọ, AG

8.      Cha Phê-rô Bùi Thanh Tâm từ Cản Đá đến Trụ Sở 2 LX, Sài Gòn- (Đi học)

9.       Cha Đaminh Vũ Hồng Nho từ Bờ Bao đến Bình Cát, Kinh B1, CT

10.     Cha Giuse Bùi Hữu Nghị  làm cha xứ Bờ Bao

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

RAO BÁO PHONG CHỨC LINH MỤC

Toà Giám Mục Long Xuyên
80/1 Bùi Văn Danh, Tp. Long Xuyên, An Giang
 
RAO BÁO PHONG CHỨC LINH MỤC
   
Kính gửi: Quý Cha, Quý Tu sĩ và Anh Chị Em giáo dân,
 
Theo dự kiến, Đức Giám Mục Giáo phận Long Xuyên sẽ phong chức linh mục tai Giáo xứ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, vào lúc 9 giờ sáng ngày 03/06/2016, cho Quý Thầy Phó tế có tên sau đây:
 
* HẠT CHÂU ĐỐC, HẠT CHỢ MỚI VÀ HẠT LONG XUYÊN:
- Giuse Lưu Phước Đại, Giáo xứ Núi Tượng
- Phaolô Nguyễn Minh Đăng, Giáo xứ Fatima - Cần Đăng
- Gioan Baotixita Nguyễn Công Lệnh, Giáo xứ Núi Sập
- Gioan Nguyễn Minh Nhựt, Giáo xứ Cần Thay
- Giuse Huỳnh Phong Phú, Giáo xứ Cồn Phước
- Anrê Mai Thanh Toàn, Giáo xứ Chi Lăng
 
* HẠT VĨNH AN VÀ HẠT VĨNH THẠNH:
- Phêrô Bùi Minh Chiến, Giáo xứ Long Thạnh – Kinh C2
- Stêphanô Nguyễn Quốc Thắng, Giáo xứ Thanh Long – Kinh D1
 
* HẠT TÂN HIỆP VÀ HẠT TÂN THẠNH:
- Gioan Bosco Trần Hoàng Đăng Tâm, Giáo xứ Đồng Phú - Kinh 2b
- Giuse Vũ Đức Thiện, Giáo xứ Tân Bùi - Kinh 4a
- Giuse Đinh Phi Thoàn, Giáo xứ Thức Hóa - Kinh 5a
- Phêrô Cao Quang Vinh, Giáo xứ Thái Hòa – Kinh Rivêra
 
* HẠT RẠCH GIÁ VÀ HẠT HÀ TIÊN:
                  - Phanxicô Xavier Maria Trần Đình Hoành, Giáo xứ Hòa Phú
                  - Gioan Baotixita Maria Nguyễn Đức Thảo, Giáo xứ Hòa Phú
                  - Phêrô Nguyễn Hoàng Tú, Giáo xứ Hòa Hưng.
 
Xin Quý Cha, Quý Tu sĩ và Anh Chị Em cầu nguyện cách đặc biệt cho Quý Thầy và nếu thấy Quý Thầy có điều gì không xứng đáng để lãnh nhận thánh chức linh mục, thì theo lương tâm, phải trình bày cho Đức Giám Mục Giáo phận.
Xin trân trọng cám ơn Quý Cha, Quý Tu sĩ và Anh Chị Em.
 
 
                                                                               Long Xuyên, ngày 25 tháng 04 năm 2016
                                                                                                      
                                                                                    (đã ký)
                                                  Linh mục Luy Gonzaga Huỳnh Phước Lâm
                                                                                 Tổng Đại Diện Giáo Phận Long Xuyên
 

Tình hình các tôn giáo năm 2050 sẽ như thế nào?


Một nhà thờ và một ngôi đền Hồi giáo tại Nagaa Hammadi thuộc miền Nam Ai Cập



Tình hình các tôn giáo năm 2050 sẽ như thế nào?
WHĐ (26.04.2016) Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew, Kitô giáo có thể vẫn còn tôn giáo lớn nhất trên thế giới cho đến giữa thế kỷ 21, đặc biệt là ở châu Phi. Nghiên  cứu cho biết, ước tính đến năm 2050, số Kitô hữu chiếm 31,4% dân số thế giới và số người Hồi giáo 29,7%.
Tháng Tư năm nay, Trung tâm nghiên cứu Pew của Hoa Kỳ chuyên về các vấn đề tôn giáo, đã công bố một nghiên cứu về bức tranh toàn cảnh tôn giáo trên thế giới vào năm 2050.
Ghi nhận đầu tiên của dự báo này là sự phát triển rất mạnh mẽ của Hồi giáo (tăng 73%): từ 1,6 tỉ lên 2,76 tỉ tín đồ, theo sát Kitô giáo (từ 2,17 tỷ lên 2,92 tỉ).
Tại châu Âu, số người Hồi giáo sẽ vào khoảng từ 8,4% đến 10,2%, tùy thuộc vào tác động của phong trào di dân. Một số quốc gia như Bosnia-Herzegovina hoặc Macedonia có thể trở thành quốc gia đa số là người Hồi giáo.
Người Hồi giáo có tỉ suất sinh cao nhất
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Hồi giáo chủ yếu có nguyên nhân nhân khẩu học: với tỉ suất sinh là 3,1 con trên một phụ nữ, người Hồi giáo có một t suất sinh cao hơn nhiều so với những người theo các tôn giáo khác: Kitô giáo là 2,7 và Phật giáo là 1,6.
Thật vậy, đối với các Phật tử, t suất sinh thấp này sẽ dẫn đến tình trạng chựng lại về số các tín đồ (khoảng 486 triệu). Ngược lại, Ấn giáo (từ 1 tỉ lên 1,38 tỉ tín đồ) và Do Thái Giáo (từ 13,8 triệu lên 16 triệu tín đồ) chưa bao giờ nhiều tín đồ như thế trong suốt lịch sử của mình; dù vậy tại Hoa Kỳ, Do Thái giáo sẽ không còn là tôn giáo lớn nhất (ngoài Kitô giáo), và phải nhường vị trí dẫn đầu cho Hồi giáo.
Mặc dù số lượng người vô thần, bất khả tri hay không theo tôn giáo nào tiếp tục gia tăng (từ 1,1 tỉ lên 1,3 t người), nhưng tỉ lệ của họ so với dân số thế giới vẫn sẽ giảm từ 16% xuống 13,2%, trừ ra tại một số nước phương Tây.
Về lĩnh vực này, Hoa Kỳ và Pháp sẽ là ngoại lệ: số người không theo tôn giáo tiếp tục gia tăng tại hai quốc gia này, đến đ tại Pháp, họ sẽ trở thành nhóm đa số vào năm 2050 (44% dân số)
Tương lai của Kitô giáo ở châu Phi
Cho đến năm 2050, Kitô giáo vẫn là tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Và tương lai của Kitô giáo chắc chắn nằm ở châu Phi: vào năm 2050, cứ 10 Kitô hữu thì có 4 người vùng Nam Sahara.
Sau đó, Trung tâm Nghiên cứu Pew dự báo Hồi giáo sẽ dần dần bắt kịp Kitô giáo. Đến năm 2070, tín đồ của hai tôn giáo này đều chiếm 32,3% dân số thế giới;đến năm 2100 Hồi giáo sẽ vượt lên với 34,9% dân số thế giới so với 33,8% của Kitô giáo.
Nicolas Senèze (La-Croix)
 
Minh Đức

Người thân cận là bất cứ ai cần sự trợ giúp của chúng ta

Người thân cận là bất cứ ai cần sự trợ giúp của chúng ta

ĐTC Phanxicô chào vài thổ dân Da Đỏ Mỹ châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 27-4-2016 - OSS_ROM
27/04/2016 15:03
Bẩt cứ ai cần sự trợ giúp của chúng ta đều là người thân cận
Nếu có lòng cảm thương trong con tim, bạn có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai đang cần sự trợ giúp. Không phải ai lui tới Nhà Chúa và biết lòng thương xót của Ngài đều biết yêu thương người lân cận đâu.
Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 80.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong số các đoàn hành hương cũng có một đoàn tín hữu Việt Nam do các cha dòng Tên hướng dẫn.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa dụ ngôn Người Samaritano nhân hậu, như thánh sử Luca kể trong chương 10. Có một tiến sĩ Luật muốn thử Chúa Giêsu nên hỏi Ngài: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu xin ông tự trả lời cho mình, và ông trả lời một cách toàn vẹn: “Ngươi phải yêu Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và trí tuệ ngươi, và yêu thương người thân cận như chính mình vậy” (c. 27). Khi đó Chúa Giêsu kết luận: “Ông hãy làm như thế và sẽ sống” (v. 28). Ông này lại đặt một câu hỏi khác, rất quý báu đối với chúng ta: “Ai là người thân cận của tôi?” (c. 29), và ông ta hiểu ngầm: cha mẹ tôi? các người đồng hương của tôi? Các người đồng đạo với tôi?”. Nghĩa là, ông ta muốn có một luật lệ rõ ràng cho phép ông sắp loại các người khác thành những người “thân cận” và “không thân cận”, thành những người có thể trở thành thân cận và những người không thể trở thành thân cận.
Và Chúa Giêsu trả lời ông với một dụ ngôn, có ba nhân vật: một tư tế, một thầy Lêvi và một người Samaritano. Hai gương mặt đầu tiên liên quan tới việc phụng tự trong đền thờ; người thứ ba là một người Do thái ly giáo, bị coi như ngoại quốc, dân ngoại và ô uế. Trên đường từ Giêrusalem  xuống Giêricô thầy tư tế và Lêvi gặp một người hấp hối, vì bị cướp đánh và bỏ rơi. Trong các trường hợp như thế Lề Luật của Chúa dự trù bổn phận cứu giúp, nhưng cả hai đi qua mà không dừng lại. Họ vội vã… Thầy tư tế có lẽ đã nhìn đồng hồ và nói: “Tôi đễn trễ lễ… Tôi phải làm lễ”. Và người kia thì nói: “Tôi không biết Luật có cho phép tôi không, bởi vì có máu ở đó và tôi sẽ bị ô uế…” Họ đi một con đường khác và không tới gần.
Và ĐTC rút tiả ra giáo huấn đầu tiên như sau:
Ở đây dụ ngôn cống hiến cho chúng ta một giáo huấn đầu tiên: không phải tự động ai lui tới nhà Thiên Chúa và biết lòng thương xót của Ngài là biết yêu thương người lân cận. Nó không tự đông đâu! Bạn có thể biết toàn sách Thánh Kinh, bạn có thể biết tất cả các chữ đỏ của Phụng Vụ, bạn có thể biết toàn thần học, nhưng từ việc biết không tự động yêu: yêu thương có một con đường khác, cần sự thông minh, nhưng cũng cần một cái gì khác nữa…
Vị tư tế và thầy Lêvi trông thấy, nhưng không biết; nhìn thấy nhưng không lo liệu. Nhưng không có phụng tự thật, nếu nó không được thể hiện ra bằng việc phục vụ người lân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: trước nỗi khổ đau của biết bao nhiêu người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả. Không biết nỗi khổ đau của con người, có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nếu tôi không đến gần người đàn ông đó, đến gần người đàn bà đó, đến gần đứa trẻ đó, ông già đó hay bà già đó, tôi không đến gần Thiên Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: chúng ta hãy bước vào trọng tâm của dụ ngôn: người Samaritano, nghĩa là chính người bị khinh miệt này, chính người mà có lẽ không ai sẽ đánh cá gì hết, và cả ông ta cũng có các dấn thân và công việc phải làm,  khi trông thấy người bị thương, ông không bỏ qua như hai người kia, là những người gắn liền với đền thờ, nhưng  mà “cảm thương” (c. 33). Phúc Âm nói thế: “Ông cảm thương”, nghĩa là trái tim, ruột cảm động. Đây là sự khác biệt. Hai người kia “trông thấy”, nhưng con tim của họ đóng kín, lạnh lùng. Trái lại, con tim của người samaritano đồng điệu với chính con tim của Thiên  Chúa. Thật vậy, sự “cảm thương” là  một đặc tích nòng cốt của lòng thương xót Chúa. Thiên Chúa cảm thương chúng ta. Nó có nghĩa là gì?  Ngài đau khổ với chúng ta, các khổ đau của chúng ta Ngài cảm nhận được. Cảm thương có nghĩa là “đau khổ với”. Động từ ám chỉ ruột máy động và run rẩy trước nỗi đau của con người. Và trong các cử chỉ và hành động của người samaritano nhân hậu chúng ta nhận ra hành động thương xót của Thiên Chúa trong tất cả lịch sử cứu độ. Nó cũng chính là sự cảm thương, qua đó Chúa đến gặp gỡ từng người trong chúng ta: Ngài không giả vờ không biết chúng ta, Ngài biết các khổ đau của chúng ta, Ngài biết chúng ta cần sự trợ giúp và ủi an biết chừng nào. Ngài đến gần chúng ta, và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi và trả lời trong tim: “Tôi có tin điều đó không? Tôi có tin rằng Chúa cảm thương tôi, như tôi là không, là người tội lỗi, với biết bao nhiêu vấn đề và biết bao nhiêu sự?” Hãy nghĩ tới điều đó và câu trả lời là: “Có!” Nhưng mỗi người phải nhìn vào con tim mình xem mình có tin vào sự cảm thương này của Thiên Chúa không, của Thiên Chúa nhân hậu, là Đấng đến gần, chữa lành chúng ta, vuốt ve chúng ta. Và nếu chúng ta khước từ Ngài, Ngài chờ đợi: Ngài kiên nhẫn và luôn luôn ở bên cạnh chúng ta.
Người Samaritano hành xử với lòng thương xót đích thật: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta. Và ĐTC rút tiả ra thêm một giáo huấn khác:
Tất cả những điều này dậy cho chúng ta biết rằng sự cảm thương, tình yêu, không phải là một tâm tình mông lung,  nhưng có nghĩa là lo lắng cho tha nhân cho tới độ chính mình phải trả giá. Nó có nghĩa là để cho mình bị liên lụy bằng cách làm mọi sự cần thiết để tới gần người khác cho tới độ tự đồng hóa với họ: “Hãy yêu tha nhân như chính mình”. Đó là giới răn của Chúa.
Kết luận dụ ngôn Chúa Giêsu nêu bật câu hỏi của vị tiến sĩ Luật và hỏi ông: “Ai trong ba người, theo ông, đã là người thân cận của người bị rơi vào tay bọn cướp?” (c. 36). Sau cùng câu trả lời không thể mập mờ được: “Đó là người đã thương xót ông ta” (v.27). Mở đầu dụ ngôn đối với thầy tư tế và thầy Lêvi người thân cận là kẻ hấp hối; vào cuối dụ ngôn đò là người Samaritano đã trở thành người lân cận. Chúa Giêsu nhấn mạnh viễn tượng: đừng có đứng đó mà sắp xếp các người khác để xem ai là thân cận ai không. Bạn có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai bạn gặp trong cần thiết, và bạn sẽ là người thân cận, nếu trong tim bạn có sự cảm thương, nghĩa là nếu bạn có khả năng đau khổ với người khác.
Dụ ngôn này là một món qua tuyệt diệu cho tất cả chúng ta, và cũng là một dấn thân nữa! Chúa Giêsu lập lại với từng người trong chúng ta điều Ngài đã nói với vị tiến sĩ Luật: “Hãy đi và làm như vậy” (c. 37). Chúng ta tất cả được mời gọi đi cùng con đường của người Samaritano nhân hậu, là gương mặt của Chúa Kitô: Chúa Giêsu cúi xuống trên chúng ta, biến thành tôi tớ của chúng ta, và như thế Ngài đã cứu chuộc chúng ta, để cả chúng ta nữa cũng có thể yêu thương  nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta, theo cùng một cách thức.
ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khàc nhau. Trong các đoàn nói tiếng Pháp ngài chào tín hữu đến từ các giáo phận Montpellier, Nantes, San Claude và Moulins, do các GM sở tại hướng dẫn. Ngài khuyến khích mọi người đừng thờ ơ trước các khổ đau của tha nhân, nhưng hãy bắt chước người Samaritano nhân hậu cảm thương săn sóc và thoa dịu các khổ đau của họ.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Thuỵ Điển, Slovachia, Trung quốc, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Việt Nam, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Ngài xin Chúa Kitô phục sinh chúc lành cho họ và gia đình họ.
Với các tín hữu A Rập ĐTC chào đoàn hành hương của đại học Thánh Giuse Beirut nhân kỷ niệm 140 năm thành lập. Ngài nhắc cho mọi người biết kitô hữu được mời gọi là dụng cụ hòa giải, đem ơn tha thứ và lòng xót thương của Thiên Chúa tới cho người khác qua các cử chỉ bác ái yêu thương.
  Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào phái đoàn giáo phận Bolzano Bresanone và các nhóm đến từ Đức, đặc biệt các bạn trẻ và cầu mong họ là các người Samaritano nhân hậu đối với tha nhân.
Trong số các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ngài chào tín hữu đến từ Zurich, Brasilia, các linh mục giáo phận Serrinha, các nữ tu Phansinh thánh Giuse, và chúc mọi người biết hiến dâng cuộc sống như món quà tình yêu cho tha nhân.
Chào các đoàn hành hương Ba Lan và Slovachia, ĐTC cầu mong tín hữu noi gương người Samaritano nhân hậu đến với những người nghèo nàn đói khổ, săn sóc gia đình, môi sinh và xứ đạo, và được nhiều ơn Chúa khi bước qua các Cửa Thánh.
Trong số các phái đoàn Ý ĐTC chào tín hữu các giáo phận Chieti-Vasto, Novara, Alessandria, Chiavari và Pavia, do các Giám Mục hướng dẫn; các thừa sai dòng Chúa Cứu Thế; các linh mục giáo sư các đại chủng viện liên hệ với đại học Urbaniana của Bộ Truyền Giáo; và các tham dự viên tuần hội học do đại học Thánh Giá tổ chức.
Chào đông đảo các bạn trẻ ĐTC chúc họ luôn trung thành với bí tích Rửa Tội và hăng say làm chứng cho Chúa. Với người đau yếu ĐTC khích lệ họ biết nhìn lên  Chúa Kitô khổ nạn và dâng mọi khổ đau lên cho Chúa để góp phần mưu cầu ơn cứu rỗi cho mọi người. Sau cùng ngài chào các đôi tân hôn và cầu chúc họ biết thực thi giáo huấn của thánh Phaolô: yêu thương nhau, tha thứ tất cả và chịu đựng tất cả trong cuộc sống thường ngày.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải