label

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

“Đức Phanxicô, nhà cách mạng?”

“Đức Phanxicô, nhà cách mạng?”

Một vài người cho Đức Phanxicô “bảo thủ” về mặt giáo điều và “tiến bộ” về mặt xã hội. Được bầu chọn cách đây ba năm, Đức Phanxicô không ngừng làm cho dân chúng và giới truyền thông ngạc nhiên. Quan điểm dứt khoát không những với thái độ truyền thống của Giáo hội công giáo mà còn với các lôgic của hệ thống kinh tế thống trị.

Đức Phanxicô, nhà cách mạng
Tu sĩ Dòng Tên Jorge Mario Bergoglio được bầu làm giáo hoàng ngày 13 thág 3-2013. Đây là cả một ngạc nhiên cho giới truyền thông. Được bầu sau năm lần bỏ phiếu, hồng y Argentina lúc đó đã 76 tuổi, từ đó là Đức Phanxicô, theo tên cảm nghiệm từ Thánh Phanxicô Axixi, Người Nghèo hèn Nhỏ bé (Poverello), cái tên là cả một chương trình!
Sự bầu chọn Tổng giám mục Buenos Aires – người Châu Mỹ La Tinh – tự nó đã là một sự kiện đầu tiên trong lịch sử công giáo La Mã. Lần đầu tiên một người Argentina lên ngôi giáo hoàng, và còn hơn nữa, một tu sĩ Dòng Tên trở thành giáo hoàng. Nếu ngài được xem như người có “khả năng làm giáo hoàng” trong lần bầu người kế nhiệm Đức Gioan-Phaolô II năm 2005 – khi đó ngài đã có một số phiếu khi bầu hồng y người Đức Joseph Ratzinger lên thành giáo hoàng Bênêđictô XVI -, thì lần này ngài không ở trong danh sách các ứng viên đầy hy vọng, chủ yếu là do tuổi.
 
Rất nhanh chóng, giới truyền thông đã làm cho ngài được mến chuộng
Rất nhanh chóng, giới truyền thông đã làm cho ngài được mến chuộng và các tín hữu cũng ngay lập tức cảm thấy ngài mang một luồng gió mới đến cho Giáo hội. Các công kích, ngay ngày hôm sau ngài được bầu chọn của ký giả Argentina Horacio Verbitsky –  người buộc tội linh mục Bergoglio đã bỏ rơi hai đồng hữu tích cực làm việc trong các khu phố nghèo ở Buenos Aires và họ bị tra tấn dưới chế độ độc tài đẫm máu quân sự – nhanh chóng bị xóa mờ.
Ông Adolfo Perez Esquivel, người Argentina được giải Nobel hòa bình, người bị tra tấn dưới chế độ độc tài ở Argentina từ năm 1976 đến năm 1983, là người đầu tiên phủ nhận một cách dứt khoát các luận cứ này. “Có các giám mục đồng lõa với chế độ độc tài, nhưng không phải Bergoglio”, người bảo vệ nhân quyền đã  khẳng định với đài “BBC Mundo” ngày 14 tháng 3-2013.
Một “giám mục của những vùng ngoại vi”, gần với dân và với các linh mục của mình
Linh mục Dòng Tên Albert Longchamp cũng cùng ý kiến, trong quyển sách “Vinh dự bị mất của các giám mục Argentina” (L’honneur perdu des évêques argentins), một tác phẩm phê bình xuất bản năm 1987, cũng không có đoạn nào nói đến Bergoglio. Cùng với các mục sư Alain Perrot và Sylvain de Pury của Hiệp hội Quốc tế chống tra tấn (AICT), linh mục tố cáo sự đồng lõa của các giám chức công giáo trong các vụ mất tích cưỡng bách và tra tấn dưới chế độ độc tài. Như thế tin đồn nhanh chóng bị phủ nhận, trong khi các chứng cứ về sự gần gũi của “giám mục của các vùng ngoại vi” với các linh mục của mình, với người dân nghèo nhất, người bên lề nhất lại được nói lên. Có lúc ngài đã ở trong khu phố ổ chuột với một trong các linh mục đang bị những người buôn ma túy đe dọa đó sao?
Khẩu hiệu giám mục của người con của các di dân Ý mà cha là nhân viên kế toán hỏa xa là Được chọn vì được thương xót (Miserando atque eligendo), trích từ các Bài giảng của Thánh Bède Đáng kính. Khẩu hiệu nhấn mạnh đến tầm quan trọng ngài dành cho lòng thương xót, và đối với ngài, đây không phải chỉ là một khẩu hiệu suông. Người ta để ý sự quan tâm đặc biệt của giáo hoàng Bergoglio về vấn đề ruồng bỏ, loại trừ và tất cả các hình thức khốn cùng mà ngài đã làm lúc còn là giám mục ở Buenos Aires, khi ngài tố cáo “chủ nghĩa phóng khoáng man rợ” trong thế giới toàn cầu hóa.
Các cơ cấu bất công, nguồn gốc của các bất bình đẳng.
Vì thế hồi đó ngài đã cho rằng nhân quyền không phải chỉ bị vi phạm bởi chủ nghĩa khủng bố, bách hại và các vụ ám sát, nhưng còn bởi các “cơ cấu bất công, nguồn gốc của những bất bình đẳng”. Đường hướng của ngài không thay đổi: ngài luôn đấu tranh, ngài, bây giờ là giáo hoàng, -người xây cầu-, luôn nhớ đến nguồn gốc khiêm tốn của mình, ngài chống lại tình trạng “toàn cầu hóa dửng dưng”.
Ngày 25 tháng 9-2015, trước Liên Hiệp Quốc ở New York, ngài đòi hỏi một sự dấn thân để chống lại nạn nghèo khổ, chống sự thay đổi khí hậu, nhưng cũng hành động để giải quyết các cuộc xung đột đã buộc hàng triệu người di dân phải ra đi.
Khắc khoải cho người di dân
“Những người di dân chết trên biển, trên những chiếc tàu thay vì đó là con đường hy vọng thì đó là con đường chết….  Tôi cảm thấy tôi phải đến đây hôm nay để cầu nguyện, để được gần gũi nhưng cũng để thức tỉnh lương tâm chúng tôi, để những gì đã xảy ra sẽ không được lặp lại. Ước mong những chuyện này không được lặp lại, xin vui lòng!” Đó là những lời của Đức Phanxicô trong phần đầu bài giảng ngày 8 tháng 7- 2013 ở đảo Lampedusa. Biểu tượng của chiếc tàu và các hiểm nguy trên biển cả được để trên bàn thờ khi ngài dâng lễ. Thập giá làm bằng gỗ của những chiếc tàu trôi dạt lên bờ…
Luôn luôn cho người di dân: sau Lampedusa, Đức Phanxicô đến đảo Lesbos, Hy Lạp ngày 16 tháng 4 vừa qua, để gặp những người tị nạn, trong khi Hy Lạp sắp gởi họ về lại Thổ Nhĩ Kỳ, theo thỏa hiệp đã ký những Liên hiệp Âu châu và Ankara.
Không chỉ ngừng ở bài diễn văn thế tục hay xã hội-chính trị
Nhưng, ngược với dư luận báo chí thống trị, không phải chỉ ngừng ở các bài diễn văn thế tục, ngay cả có tính cách xã hội-chính trị của các quan điểm của Đức Giáo hoàng hiện nay: chắc chắn như thế thì sẽ rất giảm thiểu. Bởi vì cùng lúc Đức Phanxicô lên án cả sự “đô hộ hóa ý thức hệ” áp đặt lên các dân tộc những “mô hình của đời sống bất bình thường và vô trách nhiệm”. Tại Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 25 tháng 9-2015, Đức Phanxicô đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc thừa nhận “một luật luân lý được ghi khắc trong chính bản chất con người, bao gồm sự phân biệt tự nhiên giữa đàn ông, đàn bà”, rõ rệt là ngài muốn nói đến lý thuyết về giống.
Khi còn là Tổng giám mục Buenos Aires, ngài cũng có ý kiến rõ ràng về vấn đề hôn nhân đồng tính. Vợ chồng tổng thống Kirchner – lúc đó còn tại chức ở Argentina – đã xem ngài như đối thủ kiên quyết của hôn nhân của những người cùng phái.
“Kết hiệp giữa người đàn ông và đàn bà là con đường tự nhiên cho việc sinh con đẻ cái: áp dụng một luật như vậy sẽ tạo nên thất bại nặng”, ngài đã lên tiếng.
Lòng thương xót trước phán xét!
Nhưng vượt lên lời phát biểu các nguyên lý căn bản này, Đức Phanxicô khẳng định phải “loan báo Phúc Âm trên từng con đường, rao giảng Tin Mừng Nước Chúa Trị Đến và chăm sóc tất cả các bệnh tật, các vết thương bằng lời rao giảng của chúng ta”. Trả lời phỏng vấn báo “Văn minh Công giáo, La Civiltà Cattolica” của linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí, ngài tuyên bố, “ở Buenos Aires, tôi nhận nhiều thư của những người đồng tính, họ là các người bị ‘thương tổn của xã hội’ vì họ luôn cảm thấy mình bị Giáo hội lên án. Nhưng đó không phải là những gì Giáo hội muốn. Trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về, tôi nói, nếu một người đồng tính có thiện tâm và họ đi tìm Chúa, tôi không phải là người lên án họ”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ngài nói tiếp: “Tôn giáo có quyền diễn tả ý kiến của mình để phục vụ con người, nhưng Chúa, trong tạo dựng của Ngài, Ngài làm cho chúng ta tự do: sự can dự về mặt thiêng liêng trong đời sống con người là chuyện không thể. Một ngày nọ, có người hỏi tôi một cách khiêu khích, liệu tôi có chấp nhận đồng tính không. Tôi trả lời người đó với một câu hỏi khác: ‘Anh cho tôi biết: Chúa, khi Ngài nhìn một người đồng tính, Ngài thừa nhận sự hiện hữu của họ với tình âu yếm hay Ngài sẽ lên án ruồng bỏ họ?’”.
Đối với Đức Phanxicô, luôn phải xem trọng con người
Đối với Đức Phanxicô, luôn phải xem trọng con người, vì “trong đời sống hàng ngày, Chúa luôn đồng hành với con người và chúng ta phải tháp tùng họ khởi đi từ điều kiện của họ. Tháp tùng họ với lòng thương xót. Khi điều này đến, Thần Khí sẽ cảm hứng cho linh mục để linh mục có thể nói điều đúng nhất!”. Và Linh mục Antonio Spadaro, trong tạp chí “Văn minh Công giáo” cho biết, Jorge Bergoglio đã mở ra “một cách thách thức tinh thần Phúc Âm”, nhưng với ưu tư luôn luôn đặt trong một “bối cảnh bao gồm chứ không loại trừ”. Bởi vì đối với Đức Phanxicô, “chúng ta phải đặt lòng thương xót trước phán xét!”
 
Marta An Nguyễn chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét