label

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Đức Thánh Cha khuyến khích các tù nhân đổi mới cái nhìn

Đức Thánh Cha khuyến khích các tù nhân đổi mới cái nhìn

Đức Thánh Cha khuyến khích các tù nhân đổi mới cái nhìn
ROMA. ĐTC khuyến khích các tù nhân hãy lợi dụng hoàn cảnh hiện nay của họ để đổi mới cái nhìn, để thanh tẩy và canh tân tâm hồn.
 Ngài đưa ra lời khích lệ trên đây trong lời nhắn nhủ trước khi rời nhà tù Regina Coeli ở Roma, nơi ngài đến thăm và cử hành thánh lễ rửa chân chiều thứ 5 tuần thánh, 29-3-2018.
 Đáp lời chào của bà giám đốc và một đại diện tù nhân, ĐTC nói: ”Anh vừa nhắc đến việc canh tân cái nhìn.. đó là điều tốt, vì ở tuổi của tôi chẳng hạn, thường bị bệnh đục tinh thể (cateratte) làm cho người ta không thấy rõ thực tại: năm tới tôi sẽ phải mổ mắt. Nhưng đó cũng là điều xảy ra với tâm hồn: công việc trong cuộc sống, mệt mỏi, sai lầm, thất vọng che lấp cái nhìn của tâm hồn. Và vì thế, điều mà anh nói thật là đúng: cần lợi dụng hoàn cảnh để đổi mới cái nhìn. Như tôi đã nói trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư vừa qua (28-3), tại nhiều làng, kể cả tại quê hương tôi, khi người ta nghe thấy tiếng chuông nhà thờ ngày lễ Phục Sinh, các bà mẹ, các bà nội ngoại mang hài nhi đi rửa mắt để chúng được cái nhìn hy vọng của Chúa Kitô phục sinh. Các bạn đừng bao giờ mệt mỏi trong việc đổi mới cái nhìn. Hãy giải phẫu hằng ngày cho cái bệnh đục thủy tinh thể của con mắt linh hồn”.
 Rửa chân
 Trước đó trong thánh lễ lúc 4 giờ với nghi thức rửa chân cho 12 tù nhân, ĐTC đã nhắc nhở họ về ý nghĩa cử chỉ rửa chân mà Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ. Rửa chân là việc phục vụ của các đầy tớ. Chúa đã làm như vậy để nêu gương cho chúng ta về việc phục vụ nhau. Chúa Giêsu đã đảo lộn tập quán lịch sử và văn hóa của thời ấy và cả thời nay nữa.
 ”Giả sử các vua và các vị quốc trưởng nghĩ đến điều này thì người ta tránh được bao nhiêu chiến tranh, bao nhiêu cuộc chém giết. Và vì có những người kiêu ngạo, nên bao nhiêu người phải chịu đau khổ, những người bị xã hội gạt bỏ. Nhưng Chúa nói với họ: Con là người quan trọng đối với cha.
 Và ĐTC nói với các tù nhân rằng: ”Hôm nay, tôi là người tội lỗi như anh em, nhưng tôi đại diện Chúa Giêsu, tôi là sứ giả của Chúa Giêsu. Ngày hôm nay, khi tôi cúi mình trước mỗi người trong anh em, anh em hãy nghĩ: ”Chúa Giêsu đã dùng người này, một người tội lỗi, để đến gặp tôi và nói với tôi rằng Ngài yêu thương tôi”. Đây là một việc phục vụ, việc này là của Chúa Giêsu: Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta, Ngài không bao giờ ngừng tha thứ cho chúng ta và rất yêu thương chúng ta”.
 Nhà tù Regina Coeli
 Nhà tù này được thành lập hồi thế kỷ 17 như một Đan viện với danh hiệu là Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Quốc rồi bị nhà nước trất hữu hồi thế kỷ 19. Đầu thế kỷ 20, khu nhà được biến thành trường cảnh sát khoa học, cho đến thập niên 1920 thì trở thành nhà tù như hiện nay. Nhà này dự kiến dành cho tối đa 750 tù nhân, nhưng ngày nay con số này lên tới hơn 1 ngàn người.
 Khi đến nhà tù lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC đã thăm các tù nhân bị bệnh tại bệnh xá, rồi cử hành thánh lễ trong đó ngài rửa chân cho 12 nam tù nhân từ 7 nước, gồm 4 người Ý, 2 người Philippines, 2 người Maroc, 1 người Moldavo, 1 Colombia, 1 Nigeria và 1 từ Sierra Leone. 8 người trong số họ là tín hữu Công Giáo, 2 người Hồi giáo, 1 Chính thống giáo và 1 người là Phật tử.
 Sau lễ ĐTC đã gặp chúng gặp một số tù nhân trước khi trở về Vatican.
 Đây là lần thứ 4 trong 5 năm làm giáo hoàng, ĐTC Phanxicô chọn một nhà tù để cử hành thánh lễ chiều thứ 5 tuần thánh. (Rei 29-3-2018)
 G. Trần Đức Anh OP
 

Có phải Đức Thánh Cha Phanxicô chối bỏ sự thật về hỏa ngục?

Có phải Đức Thánh Cha Phanxicô chối bỏ sự thật về hỏa ngục?

ĐTC Phanxicô cử hành Lễ Lá - REUTERS
Phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra thông cáo để xác định rằng những lời bình luận cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô chối bỏ hỏa ngục là sự tái dựng lại các ý kiến của Đức Thánh Cha và không phải là một bản ghi lại trung thành những lời thật sự của ngài. 
Nhà báo Eugenio Scalfari của nhật báo La Repubblica của Ý, 93 tuổi, người xưng mình là vô thần, đã vài lần trao đổi qua điện thoại và gặp trực tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô Phục sinh. Ông nói rằng Đức Thánh Cha đã mời ông đến nơi ngài cư ngụ hôm 27/03 và trong cuộc đàm thoại, Đức Thánh Cha đã nói trong khi linh hồn của những tội nhân thống hối “nhận ơn tha thứ của Chúa và được vào số những linh hồn chiếm ngắm Chúa, thì các linh hồn của những người không thống hối và như thế không thể được tha thứ, sẽ biến mất. Và ông Scalfari cho rằng Đức Thánh Cha đã nói trong cuộc phỏng vấn là “hỏa ngục không tồn tại, và các linh hồn tội lỗi sẽ biến mất.”
Ông Scalfari từng nói là ông không ghi âm hay ghi lại các cuộc trò chuyện; ông viết lại bằng cách nhớ lại.
Thông cáo của phòng báo chí Vatican cho biết Đức Thánh Cha có tiếp ông  Scalfari nhưng không trả lời phỏng vấn.
Theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo, “ngay sau khi chết, linh hồn của những người chết trong tình trạng tội trọng sẽ xuống hỏa nguc, nơi họ đau khổ vì các hình phát tội lỗi, ‘lửa đời đời’”. Giáo lý cũng dạy rằng: “Hình phạt chính của hỏa ngục là sự xa cách đời đời với Chúa, chỉ duy nhất nơi Người con người có thể đạt được sự sống và hạnh phúc và họ được tạo dựng và tồn tại vì điều này.”
Những lời nhà báo Scalfari cho là lời chối bỏ hỏa ngục của Đức Giáo hoàng mâu thuẫn với những lời chính ngài đã nói trong các buổi giáo lý hay trong các bài giảng. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định hỏa ngục – sự xa cách Chúa đời đời  –  là một sự thật. Trong bài giảng lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng 22/11/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định rằng thế giới không thích  nghĩ về những thực tại sau cùng. Điều gì sẽ xảy ra sau thế giới này? Đức Thánh Cha nhớ lại khi ngài còn nhỏ, khi đi học giáo lý, ngài được dạy về “tứ chung” ( 4 sự sau cùng): chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng dù điều này có thể làm người ta sợ hãi nhưng mà điều này là sự thực. Ngài giải thích rằng nếu chúng ta không chăm sóc tâm hồn mình để cho Chúa ở với mình thì mình sẽ xa Chúa mãi mãi. Có thể có nguy hiểm là tiếp tục bị xa cách Chúa mãi mãi như thế.
Hỏa ngục không phải là “căn phòng tra tấn”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như thế trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta ngày 25/11/2016. Ngài nói rằng hỏa ngục là sự xa cách Chúa vĩnh viễn, xa cách Đấng ban hạnh phúc, Đấng mong muốn điều tốt cho chúng ta. Lòng thương xót Chúa muốn cứu độ chúng ta khỏi sự hư hoại đời đời. Như đã xảy ra với người trộm lành trên thập giá, đã tín thác vào Chúa trong những giây phút cuối đời, và Chúa Giêsu đã nói với anh ta: “Tôi nói thật với anh, hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với ta.”
Ma quỷ ở trong hỏa ngục. Khi viếng thăm giáo xứ Đức Maria Mẹ Đấng cứu độ ở Roma và gặp gỡ các thiếu nhi và thanh thiếu niên vào ngày 08/03/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tín hữu: “Chúa không đưa bạn vào hỏa ngục nhưng bạn đi đến đó, bởi vì bạn chọn ở đó. Hỏa ngục là  muốn xa cách Chúa bởi vì tôi không muốn tình yêu của Chúa. Ngài cũng nói thêm: “Ma quỷ ở trong hỏa ngục bởi vì chúng không yêu Chúa” và “đó là loại duy nhất mà chúng ta chắc chắn là ở trong hỏa ngục.”
Vào cuối đời này tất cả chúng ta sẽ bị phán xét. Cuộc phán xét chung sẽ phán xét về tình yêu. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi đọc Kinh Truyền tin ngày 21/08/2016 như sau: “Tôi đói và anh chị em đã cho tôi ăn…” “Thiên Chúa cho chúng ta rất nhiều cơ hội để cứu độ chúng ta và để chúng ta đi vào qua cánh cửa cứu độ.” Và cho đến cuối cùng, dù chúng ta tội lỗi, Người không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta và chờ đợi chúng ta: đay là lòng Thương xót của Người. Nhưng chúng ta có tự do để chối từ điều này: đây là sự hư mất. Một tội nhân không hối cải nghĩa là từ chối tình yêu Chúa.
Đức Thánh Cha cũng nói về ơn cứu độ đời đời. Trong buổi đọc Kinh Truyền tin ngày 21/08/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt câu hỏi: “Nhưng nếu Thiên Chúa tốt lành và yêu thương chúng ta, tại sao Người đóng cửa lại vào một lúc nào đó? Bởi vì cuộc sống của chúng ta không phải là một trò chơi điện tử hay một show truyền hình; cuộc sống của chúng ta là điều nghiêm túc và mục đích cần đạt đến thật quan trọng: đó là ơn cứu độ đời đời.
Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra giải pháp cho những nỗi sợ hãi của chúng ta: “Nếu mỗi người trong chúng ta trung thành với Chúa thì khi giờ chết đến, chúng ta sẽ nói như thánh Phanxicô: ‘chị tử thần, xin hãy đến’. Nó không làm chúng ta sợ hãi.” Và ngay cả ngày phán xét, “chúng ta sẽ ngắm nhìn Thiên Chúa” và chúng ta sẽ có thể nói: “Lạy Chúa, con đã phạm tội rất nhiều, nhưng con đã tìm cách trung thành với Chúa.” Và “bởi vì Thiên Chúa tốt lành” chúng ta sẽ không sợ hãi. Đức Thánh Cha đã nói điều này trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta ngày 22/11/2016. (Rei 29/03/2018)
Hồng Thủ
y

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

TUẦN THÁNH CỦA TÔI

TUẦN THÁNH CỦA TÔI

1. Tuần thánh là thời gian sôi động bởi nhiều sinh hoạt đạo đức. Có những sinh hoạt do luật phụng vụ của toàn Giáo Hội. Có những sinh hoạt do thói quen truyền thống của từng cộng đoàn, của mỗi địa phương. Chúng ta tham dự những sinh hoạt đó với lòng sốt sắng.
2. Thiết tưởng một cách tham dự tốt nhất, để Tuần thánh mang lại cho ta lợi ích thiêng liêng tối đa, đó là mỗi người chúng ta hãy coi Tuần thánh là của chung Hội Thánh, nhưng cũng là của riêng mình ta.
3. Thế nào là tuần thánh này trở thành Tuần thánh riêng tôi? Thưa là trong Tuần thánh này, tôi tìm đến Chúa Cứu Thế và đón nhận Ngài với tình trạng hiện nay của riêng tôi.
Xin coi đây là một ví dụ. Tình trạng hiện nay của tôi là bất ổn bởi nhiều thiếu thốn sự sống.
·       Sự sống thể xác thường xuyên bị bầm dập bởi nhiều thứ bệnh.
·       Sự sống tâm linh nhiều khi như cảnh sấm chớp, mây mù và hạn hán.
·       Sự sống của những liên đới giữa con người với con người đôi khi bị giằng co giữa tin tưởng và nghi ngờ.
·       Sự sống với Quê hương là nỗi thao thức trước khủng hoảng về niềm tin.
·       Sự sống với nhân loại là nỗi đau xót sâu đậm trước bao cảnh chết chóc vô tội và tàn phá tang thương do chiến tranh bạo tàn ngạo mạn.
·       Sự sống với Chúa có lúc thân mật như cảm tưởng thấy Ngài ở bên, nhưng có lúc nguội lạnh như bị Ngài ruồng bỏ, mặc mình cô đơn vật lộn với bao thử thách nặng nề.
Thân phận như trên là của riêng tôi. Tôi mang thân phận riêng tư đó đi vào Tuần thánh. Tôi có gì, tôi là gì, tôi thế nào, thì tôi đến với Chúa Giêsu như vậy.
4. Đối với những người mang thân phận riêng tư như thế, Chúa Giêsu có những cách cứu độ thích hợp. Thí dụ, riêng với tôi, Ngài luôn nhắc nhở lời Ngài nói xưa: “Phần Thầy, Thầy đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10, 10).
Với một số người đang rất thiếu sự sống như tôi, lời Chúa phán trên đây là một an ủi rất lớn.
Tôi càng được thêm an ủi, khi nhớ lại những lời Chúa Giêsu nói về sự sống do Ngài ban tặng.
Thí dụ những lời sau đây:
Thầy là đường, là sự thực và là sự sống” (Ga 14, 6).
Chính Thầy là sự sống và là sự sống lại, ai tin vào Thầy, dù có chết, cũng sẽ được sống lại” (Ga 11, 25).
Chúa Cha ban cho kẻ chết trỗi dậy và ban cho họ sự sống thế nào, thì Người Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý” (Ga 5, 21).
Những lời trên đây, khi đọc trong Phúc Âm và nghe đọc trong phụng vụ, tôi có cảm tưởng là Chúa Giêsu nói chung cho mọi người, nhưng cũng chủ ý gởi đến riêng tôi.
Đang khi tôi đón nhận những lời của Chúa về sự sống, và suy đi nghĩ lại, thì chính Chúa đến với tôi.
5. Chúa đến một cách thiêng liêng trực tiếp, nhẹ nhàng, âm thầm. Và Chúa cũng đến một cách hữu hình qua những con người và những biến cố. Tất cả mọi hình thức Ngài đến đều mang lại sự sống.
Bao biến cố hằng ngày đã đem lại cho tôi sự sống. Cho dù nhỏ bé. Một chiếc lá bay, một bông hoa nhỏ, cũng mang trong nó những tia nắng đến từ rất xa, những thời tiết bốn mùa của vùng đất lạ. Chúng đến để cuộc sống hôm nay của tôi được tươi hơn.
Cũng vậy, bao người hằng ngày đã đem lại cho tôi sự sống về nhiều mặt. Từ cơm ăn, nước uống đến bao nghĩa tử tốt đẹp.
Với con mắt đức tin, tôi nhận ra Chúa trong mọi sự xảy đến cho tôi. Kể cả những sự xảy ra là thánh giá. Mục đích để thanh luyện, để chữa trị, để thánh hóa. Tôi tin Chúa Giêsu đem lại sự sống đến. Tôi tin sự sống Ngài ban sẽ rất dồi dào. Nhất là tôi tin Chúa Giêsu là sự sống của tôi. Một sự sống từ Chúa Cha, để tôi có thể được trở nên con của Chúa.
6. Điều quan trọng tôi phải thực hiện ưu tiên là tôi phải biết đón nhận Chúa Giêsu. Đón nhận bằng cách mở lòng ra với niềm tin vững mạnh. Tin Ngài là Đấng cứu độ của tôi (17, 3). Tin Ngài là Con Thiên Chúa Cha (Ga 11, 27). Tin Ngài được Chúa Cha sai đến (Ga 11, 42). Tin Ngài ở trong Cha và Cha ở trong Ngài (Ga 11, 10-11).
7. Đón nhận Ngài còn là xin theo Ngài. Bởi vì Ngài quả quyết: “Ai đến với Thầy, sẽ không bị đói, ai tin vào Thầy sẽ không phải khát bao giờ” (Ga 6, 35).
8. Đón nhận Ngài cũng còn là quyết tâm đặt số phận đời mình trong Ngài: “Ai tin vào Con sẽ có cuộc sống đời đời” (Ga 3, 36).
9. Đón nhận Ngài cũng là chọn cho mình một số việc dấn thân vì yêu. Thí dụ mỗi ngày dành một ít thời giờ cho việc tham dự thánh lễ, viếng Mình Thánh, suy niệm Phúc Âm, thực hiện bác ái, trau dồi khả năng phục vụ vv…
10. Trong hành trình đón nhận Đức Kitô như thế, tôi sẽ được thấy chính Đức Kitô dẫn tôi về với Chúa Cha. Và dần dần một chân lý tuyệt vời được sáng lên: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8).
11. Tôi sẽ đến với Thiên Chúa tình yêu bằng cuộc sống phục vụ yêu thương mọi người, như Chúa truyền dạy, trong sứ vụ Chúa trao. Phục vụ yêu thương một cách khiêm nhường. Phục vụ yêu thương bằng các việc cụ thể. Phục vụ yêu thương bằng cách liên đới mật thiết với tình yêu thương phục vụ của Chúa Cứu Thế, Đấng đã cam lòng chịu chết trên thánh giá, để cứu chuộc chúng ta.
12. Như vậy, Tuần thánh của tôi sẽ là một cuộc gặp gỡ chính Chúa Giêsu cứu độ.
Cùng với Ngài, tôi sẽ đi vào vườn Cây Dầu của tôi, ở đó tôi xin sẵn sàng được chia sẻ nỗi cô đơn rợn rùng của Ngài xưa, nhưng sau cùng tôi vẫn chọn theo ý Chúa Cha.
Cùng với Ngài, tôi sẽ chết đi với những cái chết nhỏ, đó là thực hiện những việc hy sinh, chịu khó hằng ngày.
Cùng với Ngài, tôi sẽ vác thập giá trên cuộc đời tôi, với những khổ cực nhọc nhằn lớn nhỏ.
Cùng với Ngài, tôi sẽ cầu xin ơn tha thứ cho tất cả mọi người, nhất là những người làm hại tôi.
Cùng với Ngài, tôi sẽ dâng mình làm hy lễ tình yêu, hy lễ đền tội, hy lễ tỏ bày tinh thần vâng phục ý Chúa Cha cho đến cùng.
Cùng với Ngài, tôi sẽ phó thác mình tôi và đời tôi, sự sống và sự chết của tôi trong tay Chúa Cha nhân từ.
Dù trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn tin lời Chúa: “Phần Thầy, Thầy đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10, 10).
Đối với tôi, sự sống dồi dào Ngài ban chính là tình yêu giàu lòng thương xót, vô bến vô bờ, quá mọi tính toán, suy nghĩ và tưởng tượng của con người tốt nhất trên trần gian này.
Long Xuyên, ngày 25.3.2018
+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN

THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU

THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU

Sáng nay 27/03/2018, quý đức cha và gần 300 cha trong linh mục đoàn giáo phận đã quy tụ về Nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp để cử hành thánh lễ làm phép dầu.


Hôm nay cũng là ngày đặc biệt đối với các linh mục khi cùng nhau thề hứa lại lời hứa với giám mục của mình trong ngày chịu chức. Để khơi lại tinh thần hiến thân trong chức linh mục và sự vâng phục, Đức cha phó Giuse trong bài chia sẻ Lời Chúa đã nhắc lại tư tưởng của Đức Thánh cha Phaxicô nhắn nhủ các giám mục Việt Nam trong ngày tiếp kiến ĐTC dịp Ad Limina vừa qua: "Giám mục, linh mục phải mang mùi chiên và mùi hương của Thiên Chúa lan tỏa ra". Các linh mục, đặc biệt là các linh mục Triều hãy theo gương Đức Kitô sống hiến thân và phục vụ qua việc chấp nhận chuyển đổi nhiệm sở như là thánh ý của Thiên Chúa, mặc dù thánh ý đó nhiều khi trái với ý muốn của bản thân. Kết thúc bài chia sẻ, Đức cha phó Giuse thay mặt cho Đức cha chánh Giuse xin lỗi các anh em linh mục vì nhiều khi các giám mục đã không làm tròn bổn phận của mình và không quan tâm đủ đến các linh mục. Ngài cũng thay mặt cho linh mục đoàn trong giáo phận xin lỗi anh chị em giáo dân vì rất nhiều khi anh em linh mục đã làm cớ vấp phạm cho giáo dân và không còn là tấm gương sáng của Đức Kitô.

Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các linh mục luôn trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước và cùng nhau bước vào Tam Nhật Thánh trong tâm tình sốt sáng để thông phần vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.




















Cho hồi tục 9 đan sĩ Ukraina vì theo tiên tri giả

Đức Giáo Hoàng cho hồi tục 9 đan sĩ Ukraina vì theo tiên tri giả


Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa chấp thuận quyết định trục xuất 9 nam đan sĩ Ukraina vì đã thực hiện việc trừ tà không được uỷ quyền và đi theo một "nữ tiên tri" tự xưng.

Hôm thứ ba 20/3/2018, Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraina thông báo việc cất chức một số đan sĩ theo một sắc lệnh tuyệt đối mà Đức Giáo Hoàng ban hành vào 9/2/2018. Theo sắc lệnh trên, 9 đan sĩ sẽ bị tước bỏ các quyền và nghĩa vụ do lời khấn dòng của họ, bị cấm mặc đồ tu sĩ và không được ở lại tu viện, đồng thời cấm chỉ thi hành bất cứ nhiệm vụ trong tư cách thầy tu nào bên ngoài tu viện.

Sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô được ban hành sau khi 9 đan sĩ từ chối tuân theo một chỉ định tái tổ chức hàng lãnh đạo Đan viện Thánh Theodor Studit của Hội đồng Giám Mục địa phương. Các đan sĩ này đã vi phạm luật Hội Thánh khi nghe theo chỉ đạo của nữ tu Maria Baran, người tự tuyên bố mình nghe được hướng dẫn của Thiên Chúa, của Đức Mẹ và các Thánh.

Từ năm 2004, người ta bắt đầu nói về sơ Maria Baran thuộc một đan viện ở vùng Velyki Borky. Sơ này tự tuyên bố mình nghe được tiếng nói của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, cả tiếng nói của Đức Trinh Nữ Maria và một số vị Thánh. Một số thông điệp đã được linh mục Anthony-Grygory Planchak ghi chép lại. Vị linh mục này tự tiện tuyên bố các thông điệp trên là chân thật và có nguồn gốc thần linh, dù thực chất linh mục không có quyền tuyên bố như vậy khi chưa được Hội đồng Giám Mục xem xét. Đáng tiếc là một số tu sĩ lại bất tuân luật dòng để nghe theo các mệnh lệnh của vị tiên tri tự xưng.

Điều tra của Hội đồng Giám Mục cho thấy những người đi theo vị tiên tri tự xưng có tên là Baran đã thực hiện những cuộc trừ tà bất hợp pháp, vi phạm tu luật, bất tuân bề trên cũng như phá huỷ phẩm trật thẩm quyền trong Hội Thánh. Hội đồng Giám Mục đã đưa ra chỉ đạo cho các đan sĩ tổ chức lại hàng lãnh đạo của đan viện, hợp tác với quyền bính Hội Thánh để điều tra về các thị kiến cũng như xin phép trừ tà hợp pháp, cũng như xin phép bề trên theo tu luật để duy trì các nghĩa vụ mà các đan sĩ tự nguyện chấp nhận.

 Khi quá trình tái tổ chức hàng lãnh đạo đan viện, 9 trong số các đan sĩ đã không tuân theo nghị định của các Giám Mục và tiếp tục đi theo các thị kiến tự xưng của Baran.

Hội đồng Giám Mục thông báo: "Họ tiếp tục vi phạm tu luật và cuối cùng đã cư ngụ bất hợp pháp tại làng Posich, vùng Ivano-Frankivsk. Họ không muốn sửa đổi hành vi của họ. Sau khi đã được cảnh báo phù hợp nhiều lần, 9 đan sĩ đã bị cất bỏ khỏi tư cách đan sĩ. Quyết định này được chấp thuận cách cá nhân bởi Đức Giáo Hoàng Rôma."

Cũng nên biết thêm, theo tu luật thông thường của các đan viện thì các đan sĩ không được tự ý rời khỏi đan viện của mình, cũng như không được thi hành thêm bất cứ nhiệm vụ nào, dù là một việc đạo đức, khi chưa xin phép bề trên tu viện. Và theo giáo luật thì chỉ các linh mục được Giám Mục uỷ quyền mới được thi hành sứ vụ trừ tà công khai, nếu không là trừ tà bất hợp pháp.

Tác giả:  Gioakim Nguyễn lược dịch (thanhlinh.net)

Trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Thông tin về nhóm lừa đảo

Trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Thông tin về nhóm lừa đảo


TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Toà Tổng Giám Mục ngày 26 tháng 03 năm 2018
Kính gởi : Quý Đức cha, Quý cha,
                      Quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân

Thông tin về nhóm lừa đảo
Thời gian gần đây, lợi dụng việc Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP. HCM tiến hành trùng tu Nhà thờ Chính Toà Đức Bà, có một nhóm người lừa đảo -cả nam lẫn nữ- đã tạo email giả, mạo danh cha Tổng Đại Diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân để nhận tiền quyên góp của nhiều người. Về vấn đề này, Văn phòng Toà Tổng giám mục xin xác nhận :
1/ Trong việc đóng góp cho Quỹ Trùng Tu Nhà Thờ Chính Toà Đức Bà, ngoài thư kêu gọi của Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, cha Tổng Đại Diện Inhaxiô không hề gởi thư hay email cho bất cứ ai để xin giúp đỡ.
2/ Ngoài ra, có một phụ nữ trong nhóm lừa đảo này tự xưng là người thay mặt cha Tổng Đại Diện Inhaxiô để nhận tiền của các giáo phận hay các ân nhân. Cha Inhaxiô xác nhận không ủy quyền cho ai đại diện ngài thực hiện việc này. Đây là việc làm của nhóm người lừa đảo nói trên.
Xin quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân vui lòng cảnh giác để không tiếp tay hay bị thiệt hại do những người lừa đảo.

      TM. Toà Tổng Giám Mục
           (đã ký và đóng dấu)

  Lm. Phêrô KIỀU CÔNG TÙNG
            Chánh Văn Phòng


Đức Thánh Cha chia buồn về vụ khủng bố tại Nam Pháp

Đức Thánh Cha chia buồn về vụ khủng bố tại Nam Pháp

Đức Thánh Cha chia buồn về vụ khủng bố tại Nam Pháp - AP
VATICAN. ĐTC chia buồn về vụ khủng bố tại miền Carcassone và ở làng Trèbes mạn nam Pháp khiến cho cho 4 người bị sát hại.
 Trong điện văn gửi đến Đức Cha Alain Planet, GM giáo phận Carcassonne và Narbonne, được công bố hôm 26-3-2018, ĐTC Phanxicô viết:
 ”Sau khi hay tin về những vụ khủng bố bi thảm tại Carcassonne và Trèbes, gây ra nhiều nạn nhân, tôi bày tỏ với Đức Cha nỗi đau buồn của tôi và phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa những người bị thiệt mạng, và hiệp ý cầu nguyện với thân quyến của họ. Tôi đặc biệt ca ngợi cử chỉ quảng đại và anh hùng của trung tá Arnaud Beltrame đã hiến mạng sống vì muốn bảo vệ con người. Tôi bày tỏ lòng thiện cảm với những người bị thương và gia đình họ, cũng như tất cả những người bị thương tổn vì thảm trạng này, xin Chúa ban cho họ ơn nâng đỡ và an ủi. Tôi tái lên án những hành vi bạo lực mù quáng như thế, gây ra bao nhiêu đau khổ, và sốt sắng cầu xin Chúa ban ơn an bình, đồng thời khẩn cầu phúc lành của Chúa trên các gia đình bị thử thách và mọi người dân Pháp”. (Rei 26-3-2018)
 Chia buồn vụ hỏa hoạn tại Siberia, Nga
 ĐTC cũng chia buồn về vụ hỏa hoạn tại một rạp xinê thuộc trung tâm thương mại ở Kemerovo thuộc miền Siberia bên Nga làm cho ít nhất 60 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.
 Trong điện văn nhân danh ĐTC, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh cho biết:
 ”ĐTC rất đau buồn khi hay tin hỏa hoạn xảy ra tại khu vực ”Hoa Anh Đào Mùa Đông” ở Kemerovo, ngài thành tâm chia buồn với tất cả những người bị thương tổn vì thảm trạng này. ĐTC phó thác những người bị thiệt mạng, đặc biệt nhiều trẻ em, cho lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng, ngài đoan hứa cầu nguyện cho tất cả những người đang khóc thương những người thân yêu bị thiệt mạng. ĐTC Phanxicô bày tỏ sự gần gũi trong tinh thần với các giới chức chính quyền và các nhân viên cứu giúp những người bị thương và tiếp tục tìm kiếm những người mất tích, ngài khẩn cầu phúc lành an bình và ủi an của Thiên Chúa”.
 Hỏa hoạn xảy ra tại một rạp xinê và các nhân viên cứu hỏa không vào được. Các trẻ em bị kẹt trong đó vì người canh gác đã chặn cửa, để các em khỏi chạy ra các hành lang.
 Theo hãng tin Rita Novosti của Nga, không có hệ thống báo động nào hoạt động khi xảy ra hỏa hoạn (Rei 26-3-2018)
 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha cám ơn cảnh sát Italia cạnh Vatican

Đức Thánh Cha cám ơn cảnh sát Italia cạnh Vatican

Đức Thánh Cha cám ơn cảnh sát Italia cạnh Vatican
VATICAN. Sáng 26-3-2018, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn hàng trăm nhân viên thuộc phân bộ cảnh sát Italia cạnh Vatican.
 Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có chỉ huy trưởng cảnh sát Italia, Ông và tỉnh trưởng Roma.
 Trong lời cám ơn, ĐTC đề cao sự cộng tác của Phân bộ cảnh sát này vào sứ vụ mục vụ của GM Roma và nói: ”Tôi cám ơn anh chị em vì sự hiện diện cảnh giác và sự giúp đỡ trong các buổi cử hành phụng vụ cũng như nhiều hoạt động khác liên hệ tới Đền thờ Thánh Phêrô và toàn thành Vatican. Ngoài ra tôi, cũng như các cộng sự viên, biết mình có thể cậy dựa vào sự cộng tác của anh chị em trong các cuộc viếng thăm mục vụ tại các giáo xứ cũng như các tổ chức dân sự và của Giáo Hội ở Roma, và cả trong những dịp viếng thăm mục vụ của tôi ở Italia.
 ”Nhờ hoạt động canh chừng kín đáo và hữu hiệu của anh chị em, các tín hữu hành hương, từ các nơi, có thể sống kinh nghiệm đức tin quan trọng này trong an ninh. Anh chị em thi hành nghĩa vụ thường nhật, được nuôi dưỡng bằng những lý tưởng dân sự và nhân bản, là đặc tính của các thành viên ngành cảnh sát quốc gia Italia. Tuy nhiên, sự tiếp xúc với các biến cố có tầm mức cao về tôn giáo và văn hóa, cũng như với cac LM, tu sĩ và giáo dân cộng tác vào sứ vụ hoàn vũ của Người Kế Vị Thánh Phêrô, chắc chắn mang thêm cho công việc của anh chị em những động lực để dấn thân và tận tụy chu toàn. Hoàn cảnh đặc biệt trong đó anh chị em hoạt động giúp anh chị em củng cố lòng tận tụy theo nghề nghiệp, kín múc sinh lực và sức mạnh tư chân lý ngàn đời của Tin Mừng. Khi làm chứng như thế về các giá trị nhân bản và tinh thần của Kitô giáo, qua hoạt động của anh chị em, anh chị em cũng có thể góp phần vào sứ mạng của Giáo Hội”.
 Phân bộ cảnh sát Italia cạnh Vatican có khoảng 150 người, có nhiệm vụ bảo vệ Đức Giáo Hoàng trong các cuộc viếng thăm của ngài trên lãnh thổ Italia và canh gác tại Quảng trường thánh Phêrô với sự thỏa thuận của Tòa Thánh. Đoàn này cũng có nhiệm vụ bảo vệ ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh và ĐHY niên trưởng Hồng y đoàn, và các nhân vật khác của Vatican khi di chuyển trên lãnh thổ Italia.
 Ngoài ra, Phân bộ này cũng có một văn phòng, cộng tác với sở cảnh sát Roma, để lo việc cấp giấy cư trú cho các linh mục tu sĩ nước ngoài đến Roma để làm việc hoặc học hành.
 Chỉ huy trưởng phân bộ cảnh sát Italia cạnh Vatican hiện là bà Maria Rosaria Maiorino (cấp bậc tương đương với đại tá cảnh sát) (Rei 26-3-2018)
 G. Trần Đức Anh OP
 

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Arnaud Beltrame làm chứng cho đức tin đến cùng

"Arnaud Beltrame làm chứng cho đức tin đến cùng"



Trung tá Arnaud Beltrame, người anh hùng chết trong khi thi hành nghĩa vụ ngày 23 tháng 3-2018.

Linh mục Dominique Arz, cha tuyên úy của hiến binh quốc gia phản ứng trước cái chết của Trung tá Arnaud Beltrame bị giết trong cuộc tấn công bắt con tin ở siêu thị Super U ở Trebès.

Tấm gương nào Trung tá Beltrame đã cho khi ông thay thế chỗ cho một con tin?
Đây là tấm gương anh hùng trong tinh thần phục vụ quốc gia. Trước hết vì đây chính là mạng sống của ông và tiêu biểu cho tinh thần phục vụ của một quân nhân. Một tinh thần phục vụ đi đến tận cùng là hy sinh mạng sống mình để cứu người khác. Nghề của các hiến binh không phải chỉ để làm cho người dân tôn trọng luật nhưng còn là bảo vệ lợi ích chung. Và cũng là chấp nhận hy sinh mạng sống mình để phục vụ cho công việc này. Tấm gương này cũng là tấm gương cho các hiến binh và cho tất cả công dân Pháp.

Đâu là bối cảnh kitô giáo trong sự hy sinh của Trung tá Beltrame?
Trung tá Beltrame là người công giáo giữ đạo. Ông không che giấu đức tin của mình, ông làm tỏa rạng, ông làm chứng cho đức tin. Chúng ta có thể nói nghĩa cử hy sinh mạng sống thì nhất quán với những gì ông tin. Ông đi đến tận cùng trong việc phục vụ tổ quốc, đi đến tận cùng trong việc làm chứng cho đức tin. Tin, không phải chỉ giữ các giáo luật. Tin trước hết là mến Chúa và yêu người, là làm chứng đức tin của mình một cách cụ thể trong đời sống hàng ngày. Trong lúc thịnh vượng cũng như trong lúc khó khăn, kể cả lúc nguy kịch trong đời sống chúng ta. Người phụ nữ mà ông xin được thay thế chỗ để cứu là khuôn mặt của toàn nhân loại. Trung tá Arnaud Beltrame bỗng đến gần bà để thay chỗ cho bà. Một người vô danh bỗng nhiên thành người anh em, và đó là điều chúng ta gọi là làm chứng cho đức tin. 

Cha đã phản ứng như thế nào khi nghe tin Trung tá Beltrame chết?
Tôi lo không biết cha tuyên úy tại chỗ lúc đó có làm được nhiệm vụ của mình, có nghĩa là gần gũi với các hiến binh bị rúng động vì các sự kiện này và cha có ở bên cạnh vị chỉ huy để nâng đỡ ông.
Riêng tôi, tôi đã gởi một tin nhắn cho vị chỉ huy vùng. Và tôi bắt liên lạc với văn phòng tổng tư lệnh hiến binh quốc gia nói lên sự nâng đỡ và tình cảm của tôi. Tôi chia buồn với nỗi đau quá lớn lao này của các hiến binh.

Chúng ta chờ một buổi lễ tưởng niệm trên toàn quốc gia?
Một hiến binh cho tôi biết sáng nay “chúng tôi rất buồn nhưng cũng rất tự hào”. Niềm tự hào là lòng biết ơn đối với những người vào sinh ra tử trong công việc gìn giữ an ninh và hòa bình cho đồng bào của họ. Chúng ta chờ một buổi lễ vinh danh trong tinh thần hiệp thông và hiệp nhất. Cộng đoàn quốc gia của chúng ta chắc chắn bị rúng động và đau buồn nhưng cộng đoàn của chúng ta cũng tự hào về các công dân đã hoàn tựu được các nghĩa cử như vậy.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

ARNAUD BELTRAME, MỘT QUÂN NHÂN THEO BƯỚC CHÂN THÁNH MAXIMILIEN KOLBE

Nghĩa cử của Trung tá Arnaud Beltrame, người xin thế chỗ con tin ở siêu thị Super U ở Trèbes nhắc lại nghĩa cử của linh mục Dòng Phanxicô Maximilien Kolbe (1894-1941) đã hy sinh mạng sống mình ở trại tập trung Auschwitz. Sắp đến Lễ Lá, sự hy sinh của ông mang một âm hưởng đặc biệt.

Ông đã liều mạng sống mình để cứu mạng sống của một người khác. Ngày thứ sáu 23 tháng 3 – 2018, trong vụ bắt con tin ở siêu thị Super U, ông đã tự nguyện xin thế cho một phụ nữ đang bị bắt làm con tin. Khi tên khủng bố hồi giáo Radouane Lakdim gieo kinh hoàng trong tiệm Super U thì ông quyết định đi vào tiệm, ông ở đó cho đến khi lực lượng đặc biệt tấn công vào. Ông để “mở điện thoại của mình trên một cái bàn”, nhờ đó mà các bạn của ông đã biết để hành động được. Ông bị trúng nhiều phát đạn, một trúng vào cổ họng và được trực thăng tải đi cứu cấp.

Làm sao nghĩa cử này lại không làm chúng ta nhớ lại nghĩa cử của Thánh Maximilien Kolbe (1894-1941)? Để cứu ông François Gajowniczek, một người cha gia đình, vị Thánh người Ba Lan đã tự nguyện xin chết thay cho ông trong hầm giam đói của trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan. Nghĩa cử thể hiện tinh thần của Phúc Âm ngày Lễ Lá sẽ mãi ghi khắc trong ký ức của chúng ta.

Ngày 31 tháng 7 năm 1941, vào khoảng 3 giờ chiều, còi tử thần hú inh ỏi ở trại tập trung. Một tù nhân vừa đào thoát. Mười người vô tội bị lên án. Một im lặng khủng khiếp bao trùm trại. Bỗng, một trong những người bất hạnh này bật khóc: “Vợ tôi!… Con tôi!…” Sự tuyệt vọng của ông François Gajowniczek không phá vỡ quả tim bọc sắt của những tên cai tù đức quốc xã, nhưng lại xuyên qua quả tim của tu sĩ Dòng Phanxicô, một tâm hồn dịu dàng thương cảm. Linh mục Kolbe đi ra khỏi hàng ngũ. Cha đi lên hàng đầu. Ngừng lại trước ông trưởng đội cai tù đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì. Cầm mũ bê-rê trong tay, cha nói: “Thưa ông chỉ huy, tôi muốn xin ông một chuyện”, – Ông muốn gì? – Tôi muốn chết thế chỗ cho người tù này”, cha vừa trả lời vừa chỉ tay vào người cha gia đình đang khóc vì rúng động. Tên tra tấn lùi một bước, im lặng, rồi hét lên: “Nhưng ông là ai? – Một linh mục công giáo”. Sau vài giây im lặng rợn người, câu trả lời như một lằn roi quất rát vào mặt: “Chấp nhận lời yêu cầu!” Bằng một cú đá chân, ông François Gajowniczek được đưa về hàng ngũ của những người bị giam giữ. Ông không thể nào hiểu chuyện gì vừa mới xảy ra, nó vượt vô cùng tận ngoài suy nghĩ của ông: ông, người bị lên án, ông sẽ được sống vì có người sẽ chết thế cho ông. Các tù nhân nhận lệnh giải tán, người được thoát chỉ có thể cám ơn người cứu mình bằng đôi mắt. Và từ những cặp mắt tê dại này nhìn theo một nhóm nhỏ đi về khối 11, về các hầm nơi họ sẽ bị chôn sống.

Thánh Phaolô đã nói: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng?” (Rm 5, 7). Nhưng một người mình không quen biết? Cũng như Trung tá Arnaud Beltrame trong siêu thị Trèbes, ông hy sinh cho một người vô tội, cha Kolbe không hề biết ông François Gajowniczek này, nhưng cha biết Chúa Giêsu. Từ Chúa Giêsu, tất cả chúng ta đều là anh em. Chúa Kitô đã nói hôm trước ngày mình chịu nạn: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15, 13). Và Thánh Gioan còn nhấn mạnh: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1  Ga 3, 16). Điều răn tình yêu của Đấng cứu chuộc – không vụ lợi, nhưng không, trọn vẹn –, Thánh Maximilien Kolbe đã sống trong máu thịt mình. Tháng 10 năm 1982, để bảo vệ cho quyết định phong thánh người đồng hương của mình, Đức Gioan-Phaolô II đã chất vấn: “Cái chết đối diện một cách ngẫu phát này, vì tình thương cho một người, có phải là hoàn tựu một cách đặc biệt lời của Chúa Kitô không? Cái chết này đã không làm cho Maximilien đặc biệt giống Chúa Kitô, Đấng  gương mẫu cho tất cả các vị tử đạo, Đấng đã hy sinh mạng sống mình cho anh em mình đó sao”.

Bộ trưởng bộ Nội vụ Gérard Collomb đã cho nghĩa cử của Trung tá Arnaud Beltrame là “nghĩa cử anh hùng”. Đối với tín hữu kitô, nghĩa cử này mang thêm một chiều kích khác trước ngày Lễ Lá vào ngày chúa nhật sắp tới này.

Marta An Nguyễn dịch