label

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

ĐTC Phanxicô gặp gỡ chính quyền, các giới chức xã hội Ailen

ĐTC Phanxicô gặp gỡ chính quyền, các giới chức xã hội Ailen

Trong buổi gặp gỡ chính quyền, và các giới chức xã hội, ngoại giao, sáng ngày 25-8-2018, ĐTC Phanxicô tái bày tỏ quyết tâm bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
 G. Trần Đức Anh OP – Vatican
Giã từ phủ tổng thống Ailen, ĐTC đã đến Lâu Đài Dublin cách đó 5 cây số vào lúc quá 12 giờ trưa để gặp chính quyền và đại diện xã hội dân sự cùng với ngoại giao đoàn, tổng cộng khoảng 250 người tại hội trường của Lâu Đài.
 Hội kiến với thủ tướng
 Thủ tướng Ailen, Ông Leo Varadkar, đã đón tiếp ĐTC và mời ngài ký vào sổ vàng lưu niệm, và hội kiến với ngài. Ông năm nay 39 tuổi (1979), đã từng làm bộ trưởng bảo vệ xã hội, bộ trưởng y tế và bộ trưởng giao thông, du lịch và thể thao, trước khi được bầu làm thủ tướng hồi năm 2017.
 Sau đó, lúc 12 giờ rưỡi, ĐTC cùng thủ tướng tiến vào Hội trường thánh Patrick, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với các khách mời.
 Lên tiếng sau lời chào mừng của thủ tướng Ailen, trong đó ông cũng nhắc đến tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, ĐTC nhắc đến mục đích cuộc viếng thăm của ngài:
 Gặp gỡ và nêu cao các giá trị của gia đình
 ”Như quí vị biết, lý do cuộc viếng thăm của tôi là để tham dự Cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới, năm nay diễn ra tại Dublin. Giáo Hội là gia đình của các gia đình, cảm thấy cần nâng đỡ các gia đình trong nỗ lực trung thành và hân hoan đáp lại ơn gọi Chúa trao cho họ trong xã hội. Đối với các gia đình, cuộc gặp gỡ này là cơ hội không những để tái khẳng định quyết tâm chung thủy yêu thương, giúp đỡ nhau và tôn trọng đối với hồng ân sự sống mà Chúa ban dưới mọi hình thức nhưng cũng để làm chứng về vai trò có một không hai mà gia đình đảm trách trong việc giáo dục các phần tử của mình và trong sự phát triển một mô thức xã hội lành mạnh và triển nở”.
 ĐTC cũng đề cập đến những khó khăn các gia đình đang gặp phải ngày nay trong đời sống hôn nhân và gia đình, nhưng ngài tái khẳng định tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi người và với xã hội.. Ngài đề cao vai trò của gia đình với những đức tin của nó đối với xã hội rộng lớn hơn. Ngài khẳng định rằng:
 Nhân loại như đại gia đình
 ”Sở dĩ chúng ta nói về toàn thế giới như một gia đình duy nhất, chính là vì chúng ta nhìn nhận những liên hệ trong nhân tính chung của chúng ta và trực giác được lời mời gọi đoàn kết, hiệp nhất và liên đới, nhất là đối với những anh chị em yếu thế nhất. Nhưng quá nhiều khi, chúng ta cảm thấy bất lực đứng trước những tai ương còn kéo dài như sự oán ghét về chủng tộc và bộ tộc, đứng trước những cuộc xung đột và bạo lực khôn tả, sự khinh rẻ phẩm giá con người và các nhân quyền căn bản, sự gia tăng hố chia cách giữa giàu và nghèo. Chúng ta rất cần phục hồi trong mọi lãnh vực của đời sống chính trị và xã hội, cảm thức là một gia đình thực sự của các dân tộc! Và không bao giờ mất hy vọng, và can đảm kiên trì trong giới răn luân lý là trở thành những người xây dựng hòa bình, hòa giải và giữ gìn nhau.
 20 năm sau cuộc xung đột tại Bắc Ai Len
 ĐTC cũng nhắc đến tình trạng 20 năm trước đây những xung đột tại miền bắc Ai Len, và hiệp định ký kết ngày thứ sáu tuần thánh đã chấm dứt tình trạng ấy và bày tỏ hy vọng tiến trình hòa bình vượt lên trên mọi chướng ngại còn tồn đọng và tạo điều kiện để nảy sinh một tương lai hòa hợp, hòa giải và tín nhiệm nhau.
 Quan tâm đến những người bị gạt bỏ trong xã hội
 Đề cập đến tình trạng những người bị gạt bỏ không được hưởng sự thịnh vượng kinh tế, do sự tăng trưởng của một nền văn hóa duy vật, gạt bỏ, khiến con ngừơi ngày càng dửng dưng đối với những người nghèo và các phần tử yếu thế nhất, những người vô phương tự vệ trong gia đình nhân loại, kể cả những thai nhi chưa sinh ra, không được quyền sống. Có lẽ thách đố khích động lương tâm chúng ta nhiều nhất trong thời đại này là cuộc khủng hoảng lớn về di cư, chưa có dấu hiệu biến mất và giải pháp cho cuộc khủng hoảng này đòi phải có sự khôn ngoan, nhìn xa trông rộng,và quan tâm về nhân đạo, đi xa hơn những quyết định chính trị ngắn hạn.
 Giáo hội Công giáo và nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em
 Trong bối cảnh những anh chị em dễ bị tổn thương nhất, ĐTC nói vế gương mù trầm trọng xảy ra tại Ailen do nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do các thành phần của Giáo Hội có nhiệm vụ bảo vệ và giáo dục các em. Ngài nói:
 ”Sự thất bại của giáo quyền - các GM, các bề trên dòng, các LM và những người khác, trong việc xử lý một cách thích hợp các tội ác đáng kinh tởm này đã tạo nên sự phẫn nộ và tiếp tục là nguyên nhân đau khổ và ô nhục cho cộng đoàn Công Giáo. Chính tôi cũng chia sẻ những tâm tình ấy. Vị tiền nhiệm của tôi, ĐGH Biển Đức, đã không dè sẻn lời nói khi nhìn nhận tình trạng trầm trọng ấy và yêu cầu đề ra những biện pháp ”thực sự hợp với tinh thần Tin Mừng, chính đáng và hữu hiệu” để chống lại sự phản bội lòng tín nhiệm (Xc Thư mục vụ gửi các tín hữu Công Giáo Ailen, 10). Sự can thiệp thẳng thắn và quyết liệt của Ngườii tiếp tục là một khích lệ các cố gắng của giáo quyền để sửa chữa những lỗi lầm quá khứ và đề ra những qui luật nghiêm ngặt nhắm bảo đảm cho những sai lầm ấy khỏi tái diễn.”
 Các trẻ em là hồng ân quí giá cần bảo vệ
 ĐTC nói thêm rằng ”Mỗi trẻ em là một hồng ân quí giá của Thiên Chúa cần phải bảo tồn, khích lệ để triển nở các năng khiếu của các em và đưa tới sự trở thành tinh thần và sung mãn về mặt nhân bản. Giáo Hội tại Ailen đã giữ trong quá khứ và hiện nay một vai trò thăng tiến thiện ích của các trẻ em, vai trò ấy không thể bị lu mờ. Tôi mong ước rằng sự trầm trọng của những gương mù vì lạm dụng, đã cho thấy những thiếu sót của bao nhiêu người, giúp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương từ phía toàn thể xã hội. Theo nghĩa đó tất cả chúng ta cần ý thức nhu cầu cấp thiết phải cống hiến cho người trẻ một sự đồng hành khôn ngoan và các giá trị lành mạnh cho con đường tăng trưởng của các em”.
 Sau cuộc gặp gỡ với các giới chính quyền, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 5 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi. Khi ngài đến đây có một nhóm các bạn trẻ đón tiếp và bên trong có một ca đoàn hát mừng ngài...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét