label

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

THƯỜNG HUẤN ƠN GỌI TRONG CHỨC LINH MỤC (PDV 70)

THƯỜNG HUẤN
ƠN GỌI TRONG CHỨC LINH MỤC (PDV 70)


Trong Giáo hội, công việc đào tạo các linh mục là rất quan trọng. Công việc này quan trọng, không chỉ là việc đào tạo cho Giáo hội những linh mục để phục vụ các cộng đoàn và việc truyền giáo, mà nó quan trọng vì phải đào tạo thế nào hầu có được những linh mục “như lòng Chúa mong ước”. Nói như thế, rất có thể được hiểu việc đào tạo để có được những linh mục “như lòng Chúa mong ước” chỉ dừng lại ở giai đoạn đào tạo tại Chủng Viện. Hiểu như thế cũng đúng, nhưng chưa đủ. Chưa đủ, vì giai đoạn đào tạo linh mục tại Chủng Viện chỉ mới là giai đoạn đào tạo “khai tâm” hay đào tạo “căn bản”. Đủ, là công việc đào tạo linh mục phải được tiếp tục và liên tục sau giai đoạn đào tạo tại Chủng Viện, cho đến hết đời của linh mục. Đó là giai đoạn đào tạo trường kỳ hay thường huấn. Vì thế, hàng năm, trong Giáo phận vẫn có những kỳ thường huấn cho các linh mục, theo những lớp tuổi khác nhau.

Sau đây là Giáo huấn của Giáo hội về việc thường huấn các linh mục, dựa theo tài liệu: Đào Tạo Linh Mục – Định Hướng và Chỉ Dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 2012, từ số 423 – 486; Đào Tạo Linh Mục của Bộ Giáo Sĩ, năm 2016, từ số 80 – 88, với: 1/ Tầm quan trọng của việc thường huấn, 2/ Lý do của việc thường huấn, 3/ Mục đích và nội dung của việc thường huấn, 4/ Các giai đoạn thường huấn, và 5/ Trách nhiệm thường huấn.

1. Tầm Quan Trọng Của Việc Thường Huấn
Sau giai đoạn đào tạo căn bản tại Chủng Viện, người chủng sinh coi như đã tạm đủ hành trang cần thiết để được sai đi. Thế nhưng việc đào tạo không phải đã chấm dứt. Một giai đoạn đào tạo mới bắt đầu, được gọi là “đào tạo sau Chủng Viện”, hay “đào tạo trường kỳ”, hay “thường huấn”. Cụm từ “thường huấn” diễn tả ý tưởng rằng người được gọi vào chức linh mục không bao giờ được thôi trải nghiệm mình là người môn đệ. Người linh mục không chỉ “học biết Chúa Kitô” nhưng, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, còn ở trong tiến trình nên đồng hình đồng dạng tiệm tiến và bền bỉ với Chúa Kitô, nơi con người và hoạt động của mình. Điều này là một thách đố thường xuyên cho sự phát triển nội tâm của con người.

Thật vậy, thường huấn là một yêu cầu không thể thiếu trong đời sống và trong việc thi hành thừa tác vụ của mỗi linh mục. Thường huấn không chỉ là để “cập nhật” đơn thuần về văn hóa hay mục vụ cho tiến trình đào tạo khởi đầu tại Chủng Viện, mà đó còn là dịp để khơi dậy và làm cho thái độ nội tâm của linh mục luôn trong sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa, theo gương Chúa Kitô. Thái độ này hàm ý thái độ không ngừng hoán cải con tim, khả năng xem xét đời sống và các biến cố dưới ánh sáng của đức tin và nhất là dưới ánh sáng của Đức Ái Mục Tử, để có thể dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Giáo hội, theo ý định của Thiên Chúa.
Hiểu như vậy, việc thường huấn là một đòi hỏi cho tất cả các linh mục thuộc mọi lứa tuổi và được thực hiện cho tới cuối đời linh mục.


2. Lý Do Của Việc Thường Huấn
Lý do thường huấn, vì bổn phận của các linh mục là phải thường xuyên nuôi dưỡng “ngọn lửa” mang lại ánh sáng và nhiệt huyết để thi hành thừa tác vụ. Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã trình bày lý do của việc thường huấn về cả hai phương diện siêu nhiên và tự nhiên:

- Về phương diện siêu nhiên
Thường huấn hay đào tạo trường kỳ không những “là một đòi hỏi nội tại của ân ban ngày thụ phong và của thừa tác vụ bí tích đã lãnh nhận” (PDV 70), mà còn là những cơ hội để linh mục đổi mới và sống Đức Ái Mục Tử cách triệt để hơn, đi vào chiều sâu hơn. Thật vậy, khi các linh mục biết khơi dậy ân ban Thiên Chúa đã đặt để nơi mình, các ngài sẽ ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô hơn.
- Về phương diện tự nhiên
Việc đào tạo trường kỳ là một đòi hỏi của sự tăng trưởng con người nơi linh mục, vì mỗi cuộc đời là một cuộc hành trình lần bước liên lỉ tiến tới sự trưởng thành vốn đòi buộc phải không ngừng đào tạo. Hơn nữa, đó còn là một đòi hỏi của thừa tác vụ linh mục, nếu xét thừa tác vụ ấy theo bản chất tổng quát, phổ cập với mọi nghiệp vụ khác, như việc phục vụ tha nhân. (x. PDV 70; x. CD 16; PO 19).

3. Mục Đích Và Nội Của Việc Thường Huấn
Mục đích của việc đào tạo trường kỳ nhằm giúp các linh mục sống triệt để căn tính và sứ vụ linh mục của mình. Đó là căn tính và sứ vụ của “người rao giảng Tin mừng cho thế giới hôm nay và xây dựng Giáo hội, nhân danh Chúa Kitô và trong tư cách Chúa Kitô là Đầu, là Mục Tử, với ba chức năng: Rao giảng, Thánh hoá, Lãnh đạo cộng đoàn” (x. PDV 15; CNTTV, số 71).
Ngoài mục đích nhằm giúp các linh mục sống triệt để căn tính và sứ vụ linh mục của mình, việc thường huấn còn nhằm nâng đỡ để linh mục luôn trung thành với thừa tác vụ của mình theo một hành trình hoán cải liên tục, ngõ hầu làm sống lại ơn ban đã lãnh nhận vào lúc truyền chức. Quả vậy, sau vài năm kinh nghiệm mục vụ, những thách đố mới liên quan đến thừa tác vụ và đời sống linh mục có thể lộ diện, và chính những thách đố này làm cho linh mục bị “mất lửa”, thậm chí đánh mất “căn tính linh mục”, nếu không được liên tục khơi dậy. Những thách đố đó là:

- Kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân
- Nguy cơ cảm thấy mình là công chức của điều linh thánh
- Thách đố của nền văn hóa thời đại
- Sức hấp dẫn của quyền lực và sự giàu có
- Thách đố của đời sống độc thân
- Lòng tận tụy hoàn toàn cho thừa tác vụ

Như vậy, việc thường huấn giúp các linh mục triệt để đắm mình trong Mầu nhiệm Chúa Kitô để trở nên sự hiện diện sống động của Đức Kitô, là Đầu và là Mục Tử của Giáo hội, qua việc chu toàn ba chức năng của người mục tử (rao giảng, thánh hoá và lãnh đạo cộng đoàn). Đây chính là con đường nên thánh của người linh mục giáo phận: “Nên thánh trong mục vụ” (x. PO 13; PDV 51, LMMTLĐ 12).


4. Các Giai Đoạn Thường Huấn
- Năm mục vụ
Năm “mục vụ” hay năm “tập vụ” dành cho các ứng sinh sau khi đã kết thúc giai đoạn đào tạo tại Chủng Viện, chuẩn bị được phong chức phó tế hay linh mục. Có hai mục tiêu cho năm mục vụ: 1/ Một mặt là để cho các ứng sinh hòa nhập vào đời sống mục vụ qua việc đảm nhận dần dần nhiều trách nhiệm hơn trong tinh thần phục vụ; 2/ Mặt khác là chuẩn bị cách thích đáng để chịu chức linh mục nhờ được đồng hành một cách chuyên biệt. Nhờ năm mục vụ này mà Giám mục sẽ có được sự chọn lựa kỹ lưỡng và khôn ngoan hơn trong việc phong chức phó tế và linh mục cho các ứng sinh.

- Năm năm đầu đời: Các linh mục trẻ
Đây thường là các linh mục trẻ đã chịu chức từ 1 đến 5 năm. Họ đã được Đức giám mục sai đến các giáo xứ với tư cách là một cha phó xứ, giúp đỡ các cha xứ trong các việc được trao. Tính đặc thù của giai đoạn này là, tuy đã được huấn luyện kỹ lưỡng và cẩn thận tuyển chọn, nhưng các linh mục trẻ vẫn còn phải trải qua những bước chập chững dò dẫm lúc đầu khi mới bước vào môi trường giáo xứ ở giữa xã hội. Chính vì thế, cần có giai đoạn thường huấn năm năm đầu đời cho các linh mục trẻ để giúp các ngài loại trừ quan niệm hoàn toàn sai lạc và nguy hại cho rằng việc đào tạo linh mục đã chấm dứt khi rời bỏ Chủng Viện, hầu các ngài biết chấp nhận thực tế về mình, về con người, về cuộc sống, đồng thời luôn giữ được lòng nhiệt thành, hăng say khi gặp những vấp váp thất bại, cũng như rút được những kinh nghiệm từ những thất bại này.

- Những năm sau: Các linh mục trung niên
Đây thường là những linh mục đã chịu chức từ 6 năm trở lên. Tông huấn Pastores Dabo Vobis gọi là “những linh mục trung niên”. Họ có thể là các linh mục chính xứ hay lãnh những nhiệm vụ khác nhau trong giáo phận (quản lý, thư ký, tuyên úy, giáo sư Chủng Viện).
Thực vậy, với trách nhiệm là một cha xứ, dù là xứ lớn hay nhỏ, nhiều hay ít giáo dân, linh mục đã thực sự phải trở nên hình ảnh sống động và là sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, sống chết cho đoàn chiên. Việc thường huấn trong giai đoạn này sẽ giúp linh mục liên tục đổi mới “trong” và “ngoài”, hầu chu toàn trọng trách mà Chúa và Giáo hội tin tưởng trao phó.

Sự đổi mới “trong” và “ngoài” đó là việc kiện toàn bốn chiều kích của thừa tác vụ linh mục: 1/ Nhân bản: Đức Ái Mục Tử, sự trưởng thành về mặt tình cảm, sự hiệp thông với những tương quan, trách nhiệm đối với đoàn chiên; 2/ Thiêng liêng: thường huấn (thông thường là những dịp tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm) là dịp hỗ trợ đặc biệt cho đời sống thiêng liêng của linh mục với trọng tâm là việc gắn bó với Chúa Giêsu. Đời sống thiêng liêng này cần được bảo vệ và phát triển với những việc cụ thể như: trung thành với việc dâng lễ hằng ngày, xưng tội thường xuyên, cử hành đầy đủ và sốt sắng phụng vụ các giờ kinh; mỗi ngày xét mình, nguyện gẫm, đọc sách thiêng liêng, lectio divina; những giây phút kéo dài thinh lặng và đối thoại với Chúa; tĩnh tâm định kỳ; những hình thức quí báu kính Đức Mẹ như lần chuỗi”…; 3/ Trí thức: cập nhật hoá kiến thức Thần học, Kinh thánh, Tu đức, Giáo luật, Phụng vụ, Học thuyết Xã hội của Giáo Hội…; 4/ Mục vụ: những tâm tình, thái độ cư xử như Chúa Giêsu Mục Tử; kỹ năng mục vụ tinh thông mang tính khoa học; sự khéo léo trong thực hành.

- Những năm về hưu
Đây là các linh mục đã đến tuổi về hưu theo luật định. Các ngài được quyền nghỉ ngơi, không còn là chủ chăn của bất cứ một giáo xứ nào hay lãnh bất cứ nhiệm vụ nào khác trong Giáo phận. Giáo phận phải dự liệu việc cấp dưỡng và nhà ở xứng hợp (x. GL 538§3) để các ngài an tâm tĩnh dưỡng và dùng nhiều thời gian để “chìm sâu trong cầu nguyện và khám phá ý nghĩa chiêm niệm của đời linh mục, để thấy đời mình vẫn còn hữu ích” . Bởi lẽ, vì tuổi già, các ngài không còn hoạt động được nữa, nhưng “sự hiện hữu của ngài vẫn loan báo Tin mừng và xây dựng Giáo hội nhân danh Chúa Kitô và trong tư cách Chúa Kitô là Đầu và là Mục Tử”.

Việc thường huấn cho các linh mục nghỉ hưu chính là việc Giáo phận có trách nhiệm viếng thăm định kỳ để an ủi, khích lệ, xin các ngài cầu nguyện và cũng gởi thông tin cho các ngài về những sinh hoạt của Giáo phận, nhờ vậy các ngài vẫn cảm thấy mình là những thành phần sống động của linh mục đoàn và của Giáo hội toàn cầu. Thực vậy, vì tuổi cao, sức yếu, có khi lại thêm nhiều bệnh tật, các ngài cần được giúp đỡ để biết bình an chấp nhận giới hạn của kiếp người, hầu các ngài luôn biết biết chiêm ngắm Mầu nhiệm Thập giá và Thánh Thể. Đây chính là điều sẽ giúp các ngài tiếp tục biến đời mình thành của lễ kính dâng lên Chúa, thành tấm bánh nuôi sống nhân trần.

5. Trách Nhiệm Thường Huấn
Về trách nhiệm tổ chức thường huấn cho các linh mục, trước tiên là chính Đức Giám mục Giáo phận. Ngài là người có trách nhiệm lo cho việc thường huấn của các linh mục; kế đến là những người được Đức Giám mục uỷ thác phụ trách trực tiếp trách nhiệm thường huấn; trách nhiệm của giáo dân; trách nhiệm của gia đình, những người thân của chính các linh mục; và sau cùng là trách nhiệm của chính linh mục.

 Giáo dân phải có trách nhiệm góp phần vào việc thường huấn các linh mục, bởi vì, các linh mục không phải làm linh mục cho chính mình, nhưng là cho Dân Chúa, nên Dân Chúa có quyền đòi hỏi các linh mục phải thường xuyên tự đào tạo mình nhằm phục vụ Dân Chúa ngày một hiệu quả hơn nhờ biết thích nghi, cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, gia đình, những người thân của chính các linh mục cũng có một vị trí quan trọng không nhỏ trong việc thường huấn linh mục, qua việc gần gũi, khích lệ, an ủi, nâng đỡ cách tận tình nhưng kín đáo, không làm cản trở cho việc thi hành nhiệm vụ linh mục do Chúa và Giáo hội trao phó, và cầu nguyện cho linh mục là người con, cháu, người thân của gia đình. (x. PDV 79).

Bên cạnh trách nhiệm của Giáo hội (giám mục, những người phụ trách, giáo dân, gia đình) là trách nhiệm của chính linh mục trong việc thường huấn. Việc đào tạo trường kỳ được xem như một bổn phận luân lý và pháp lý (x. GL 279) của linh mục. “Chính linh mục là người đầu tiên và chính yếu có trách nhiệm về sự huấn luyện thường xuyên của mình trong Giáo hội” (PDV 79). Thật vậy, không ai có thể thay thế linh mục trong nhiệm vụ lo cho mình (x. 1 Tm 4,16). Ý thức mình có nhiệm vụ trung thành với ân huệ Thiên Chúa ban, mỗi linh mục phải lo cải thiện đổi mới mình mỗi ngày. Đây cũng là cơ hội để linh mục giữ được nét trẻ trung, luôn năng động sáng tạo để phục vụ con người trong thế giới hôm nay.

Nêu ra tầm quan trọng, lý do, mục đích, nội dung, các giai đoạn thường huấn, và trách nhiệm của việc thường huấn các linh mục như trên để mọi Kitô hữu ý thức và cầu nguyện việc đào tạo trường kỳ hay thường huấn cho các linh mục trong Giáo hội, cách riêng tại Giáo phận Long Xuyên. Chính Chúa sẽ ban cho Giáo hội những mục tử như lòng Ngài mong ước (x. Gr 3, 15), nếu tất cả mọi thành phần dân Chúa biết tích cực góp phần của mình cho công việc thường huấn các linh mục, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng “mà Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu” (x. Ga 14,26). Cách cụ thể, ba việc sau đây được đề nghị thực hiện để góp phần của mình trong việc thường huấn các linh mục trong Giáo hội, cách riêng tại Giáo phận Long Xuyên:

- Tuỳ theo khả năng, cá nhân và tập thể công đoàn dân Chúa trong giáo phận sẽ tích cực cộng tác với các linh mục, cụ thể là các linh mục phụ trách các cộng đoàn, trong những công việc mục vụ của cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, với lòng mến và kính trọng, qua sự trao đổi hỗ tương, bền bỉ và cởi mở. Được như vậy, chính người giáo dân sẽ khơi dậy nơi các linh mục việc ý thức rằng, trách nhiệm của các ngài không phải là “cai quản đức tin”, nhưng đúng hơn là “góp phần tạo niềm vui” cho tất cả các tín hữu (x. 2 Cr 1,24).
- Cá nhân và cộng đoàn được cổ vũ thường xuyên thăm viếng các linh mục hưu dưỡng trong Giáo phận, nhất là các linh mục đã từng phục vụ các cộng đoàn.
- Hằng ngày, mọi Kitô hữu hãy cầu nguyện cho các linh mục, nhất là cha xứ, cha phó đang phục vụ trong cộng đoàn của mình.

Sau cùng, với việc ý thức tầm quan trọng của việc thường huấn các linh mục, giáo phận phó dâng chương trình thường huấn của các linh mục trong Giáo phận cho Chúa, qua lời bầu cử của Thánh Gioan Maria Vianey, Bổn Mạng các Cha Sở, để nhờ ơn Chúa như là nguồn lực, chính việc thường huấn như là sự trợ lực, các linh mục phát huy được chính nội lực của mình, hầu sống trọn vẹn căn tính linh mục, với các thừa tác vụ: rao giảng, thánh hoá, và lãnh đạo cộng đoàn, trong niềm xác tín như Thánh Gioan Maria Vianey: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn.”

Linh mục Đaminh Hoàng Quốc Việt
Chủng viện Thánh Quý Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét