NHỮNG HÌNH ẢNH LỄ AN TÁNG CHA CỐ GIUSE NGUYỄN ĐỨC TRIÊM
DI QUAN RA NHÀ THỜ |
Đoàn đồng tế tiến về thánh đường |
Bắt đầu thánh lễ |
NHỮNG HÌNH ẢNH LỄ AN TÁNG CHA CỐ GIUSE NGUYỄN ĐỨC TRIÊM
DI QUAN RA NHÀ THỜ |
Đoàn đồng tế tiến về thánh đường |
Bắt đầu thánh lễ |
HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ I/2022: NGÀY LÀM VIỆC THỨ BA
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
WHĐ (28.4.2022) - Hội nghị bước sang ngày làm việc thứ ba với Kinh Sáng và Thánh lễ cầu cho công cuộc “Tân Phúc âm hoá” do Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chủ sự.
Trong hai phiên họp buổi sáng, Hội nghị đã nghe trình bày và chia sẻ về tiến trình xin phong chân phước và phong thánh cho hai Đức cha François Pallu cùng Đức cha Pierre Lambert de La Motte. Hội nghị cũng trao đổi thông tin chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 10 đến 14 tháng 10 năm nay.
Trong hai phiên họp buổi chiều, Hội nghị đã hoàn tất các sự vụ còn lại trong chương trình nghị sự: chấp thuận cho phép sử dụng bản văn phụng vụ tiếng J’rai theo thỉnh cầu của giáo phận Kontum, tiếp nhận tài liệu và văn bản của Uỷ ban Giáo sĩ HĐGM để tiến hành thủ tục thành lập và xây dựng cơ sở, chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp tổ chức tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục thế giới ở cấp giáo phận, giao Uỷ ban Giáo lý Đức tin HĐGM chuẩn bị thông cáo về “Nhóm trừ quỷ” tại Bảo Lộc thuộc giáo phận Đà Lạt.
Sau 14 phiên họp, Hội nghị hoàn tất chương trình nghị sự. Sáng mai, 29 tháng 4, HĐGM sẽ cùng với giáo phận Thái Bình tạ ơn và kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 85 năm thành lập giáo phận.
Đọc thêm:
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Hội Nghị Thường Niên kỳ 1 năm 2022
(25-29/4/2022)
BIÊN BẢN
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tiến hành Hội nghị thường niên kỳ 1 năm 2022 tại Tòa Giám mục Thái Bình, từ chiều thứ Hai ngày 25/4/2022 đến thứ Sáu ngày 29/4/2022, với sự tham dự đông đủ các thành viên của Hội Đồng Giám Mục, trừ Đức cha giáo phận Nha Trang vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Trong niềm hân hoan, Hội Đồng Giám Mục chào đón phái đoàn Tòa Thánh gồm có: Đức ông Miroslaw Stanislaw Wachowski, Thứ trưởng ngoại giao; Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung, viên chức Bộ Ngoại giao; linh mục Han Hyuntaek, viên chức Bộ Loan báo Tin Mừng. Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, cùng hiện diện với phái đoàn Tòa thánh trong dịp này.
Hội Đồng Giám Mục vui mừng lắng nghe những chia sẻ của phái đoàn Tòa Thánh về chuyến viếng thăm và làm việc với Nhà nước Việt Nam, về những đóng góp rất tích cực của mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam trong các hoạt động từ thiện bác ái, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đó là những chứng từ sống động của Tin Mừng.
Trong buổi gặp gỡ này, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski trình bày những suy tư và phương thế thực hành Thông điệp “Fratelli Tutti” (Tất Cả Anh Em) và Tự sắc “Vos estis lux mundi” (Các Con Là Ánh Sáng Thế Gian) của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hội Đồng Giám Mục chúc mừng Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh; Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa; Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục chính tòa giáo phận Hải Phòng.
Trong Hội nghị lần này, Hội Đồng Giám Mục:
1. Thảo luận chương trình và nội dung cho Đại hội của Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15 sắp tới;
2. Chia sẻ về tiến trình và góp ý cho Bản tường trình Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận và quốc gia: “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”;
3. Phê chuẩn bản dịch bốn sách Phúc Âm của ủy ban Kinh thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; bản dịch Sách Lễ Rôma bằng tiếng J’rai của giáo phận Kontum;
4. Tiếp tục thảo luận về tiến trình phong chân phước và phong thánh cho hai Tôi tớ Chúa là Đức cha François Pallu và Đức cha Lambert de la Motte;
5. Trao cho ủy ban Giáo lý Đức tin soạn thảo “Thông cáo” về “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”;
6. Trao đổi về:
- Đại hội Quốc tế Giáo lý viên lần thứ 3 tại Rôma, từ 9-10/9/2022;
- Việc tham dự Đại hội Gia đình Thế giới tại Rôma vào tháng 6 năm 2022;
- Việc tổ chức kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Loan báo Tin Mừng;
- Nghi thức tiếp nhận Thừa tác viên giáo lý;
- Đề án số hóa dữ liệu;
- “Quỹ giúp Đất thánh” và “Đồng Tiền Thánh Phêrô”.
Hội Đồng Giám Mục ấn định Đại hội lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, từ ngày 10/10/2022 đến 14/10/2022.
Hội Đồng Giám Mục kết thúc trong niềm vui cùng với Giáo phận Thái Bình cử hành Thánh lễ Tạ ơn, nhân kỷ niệm 85 năm thành lập giáo phận (1936 - 2021).
Tòa Giám mục Thái Bình, ngày 29/4/2022
Tổng thư ký
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
(đã ấn ký)
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho
CÁO PHÓ
“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2)
Trong niềm tin vào Đức Kitô phục sinh,
Tòa Giám mục Long Xuyên kính báo:
Sinh ngày: 24-9-1946
Tại: Long Điền B, Chợ Mới, An Giang
đã trở về Nhà Cha sáng ngày 28/04/2022
Hưởng thọ: 76 tuổi
Thánh lễ An táng sẽ được cử hành vào lúc 09g00 thứ Bảy
ngày 30/04/2022, tại nhà thờ giáo xứ Cần Xây,
Long Xuyên, An Giang
Xin quý Cha trong giáo phận dâng 3 Thánh lễ
cầu cho linh hồn Cha Cố Giuse
Xin anh chị em cầu nguyện cho Cha Cố Giuse
mau về hưởng Tôn Nhan Chúa.
Long Xuyên ngày 28/04/2022
TGM kính báo
TIỂU SỨ CHA CỐ GIUSE NGUYỄN ĐỨC TRIÊM
Tên thánh, tên gọi: Giuse Nguyễn Đức Triêm
Sinh ngày: 24-9-1946
Tại: Long Điền B, Chợ Mới, An Giang
Vào Tiểu chủng viện: Thánh Quý, năm: 1960, thuộc giáo phận: LX
Vào Đại Chủng viện: Thánh Giuse SG, năm 1968
Chịu chức linh mục ngày: 11-8-1975, Tại: Rạch Sâu
Do Đức cha: GB. Bùi Tuần
Từ khi chịu chức linh mục đã phục vụ tại:
- Gx. Cái Đôi: Năm 1975 -1976
- Gx. Năng Gù: Năm 1976 – 1977
- Gx. Trái Tim: Năm 1977 - 2009
- Gx. Núi Tượng: 2009 -2013
- Gx. Định Mỹ: 2013 -2018
- Nhà Hưu Cần Xây: 2018 - 2022
Qua đời ngày: 28/04/2022
Lễ an táng ngày: 30/04/2022
Ngày 12/04/2022, hơn 70 Hồng y và Giám mục đã gửi Thư ngỏ gửi các giám mục Đức quốc, nêu những quan ngại về Con đường hiệp hành của Hội Thánh Công giáo tại Đức. Số các Giám mục ký tên vào Thư Ngỏ tiếp tục gia tăng, đến nay 16/04, đã có các Giám mục thuộc 15 quốc gia và khắp cả 5 châu lục. Một trong những vị ký tên từ đầu là Đức cha Salvatore J. Cordileone, TGM San Francisco. Ngài cũng viết bài trình bày lý do tại sao ngài ký tên vào Thư Ngỏ, được đăng trên First Things ngày 14/04/2022. Xin giới thiệu bài viết này với độc giả.
“Với tư cách là thành viên của Giám mục đoàn và là người kế vị hợp pháp của các Tông đồ, mỗi Giám mục, do sự thiết định và mệnh lệnh của Đức Kitô, có bổn phận ân cần chăm lo cho toàn thể Hội Thánh, một sự chăm lo, cho dù không được thực thi bằng một hành động thuộc quyền tài thẩm, vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho Hội Thánh phổ quát”.
Đoạn văn trên trích từ Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh một trong những giáo thuyết chính yếu được trình bày và khai triển tại Công đồng: tính hiệp đoàn giữa các Giám mục với nhau và trong sự hợp nhất với Giám mục Rôma, và sự chăm lo mà mỗi Giám mục phải có đối với Hội Thánh hoàn vũ, vượt trên những biên giới của Hội Thánh địa phương.
Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Hội Thánh, Christus Dominus, nói về chủ đề này cách cụ thể hơn: “Là những người kế vị hợp pháp của các Tông đồ và là thành viên của Giám mục đoàn, các Giám mục phải hiểu rằng các ngài đã được liên kết chặt chẽ với nhau và phải ưu tư chăm sóc cho tất cả các Giáo đoàn. Vì do sự đặt định của Thiên Chúa và đòi hỏi của tác vụ tông đồ, mỗi vị phải cùng với các Giám mục khác đảm nhận trách nhiệm đối với toàn thể Hội Thánh. Đặc biệt, các ngài phải quan tâm đến những miền trên thế giới chưa được nghe rao giảng Lời Chúa, hay những nơi vì thiếu linh mục, các tín hữu có nguy cơ xa lìa các giới luật của đời sống Kitô giáo, thậm chí có thể đánh mất cả đức tin” (số 6).
Được gợi hứng bởi giáo huấn mà chúng ta lãnh nhận từ Công đồng Vaticanô II, tuần này tôi đã ký vào Thư ngỏ gửi anh em Giám mục tại Đức quốc, cùng với 70 Hồng y và Giám mục trên khắp thế giới (và con số này vẫn đang tăng lên). Bởi lẽ Con đường hiệp hành tại Đức đã xa rời cách triệt để khỏi những đạo lý của Hội Thánh cũng như những kỷ luật cổ kính và được thiết lập vững chắc, nó có nguy cơ tạo ra sự li khai trong Hội Thánh, kể cả vượt ra ngoài nước Đức. Mối quan tâm của chúng tôi về sự đe dọa này lại càng được thúc đẩy khi chúng tôi nghe những tiếng nói của hàng lãnh đạo Hội Thánh tại Đức phủ nhận quyền bính của Thánh Kinh và Thánh Truyền, đặc biệt là những giáo huấn vững bền của Hội Thánh về những vấn đề liên quan đến luân lý tính dục, lý thuyết về giới, các Bí tích, và việc thực thi quyền bính trong Hội Thánh.
Thư ngỏ này là sự thực thi quyền bính của Giám mục đoàn mà Chúa Kitô đã ban cho Hội Thánh, và tiếp nối những can thiệp khác gần đây của các thành viên trong Giám mục đoàn – cách riêng là Thư sửa lỗi huynh đệ của Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba Lan gửi Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức, và lá thư tương tự của Hội đồng giám mục Bắc Âu. Như chúng tôi đã nhắc nhở anh em Giám mục của mình trong Thư ngỏ:
“…Lịch sử Kitô giáo không thiếu những nỗ lực với ý định tốt lành nhưng lại không đặt nền trên Lời Chúa, trên sự gặp gỡ trung thành với Đức Giêsu Kitô, thực sự lắng nghe Chúa Thánh Thần, và quy phục thánh ý Chúa Cha. Những nỗ lực thất bại này đã không biết đến sự hiệp nhất, kinh nghiệm, và sự khôn ngoan được tích lũy của Phúc Âm và Hội Thánh. Vì những nỗ lực ấy đã không lắng nghe lời của Chúa Giêsu, “Không có Thầy, các con không làm được gì” (Ga 15,5), nên chúng không sinh hoa trái và gây tác hại cả cho sự hiệp nhất cũng như cho sinh lực Phúc âm của Hội Thánh. Con đường hiệp hành của Đức có nguy cơ đưa đến một kết thúc như thế.
Tôi ký Thư Ngỏ với tư cách là Tổng giám mục San Francisco để các tín hữu trong Giáo phận của tôi biết rằng tôi rất quan tâm đến hành động của các Giám mục Đức. Tôi ký Thư Ngỏ trong tinh thần liên đới với các Giám mục khắp thế giới, chống lại hướng đi của Con đường hiệp hành của Hội Thánh tại Đức. Qua các mối liên lạc với Hội Thánh tại Đức, tôi cũng nghe được lời kêu cứu của những tín hữu Công giáo tại Đức mong được Hội Thánh khắp thế giới nâng đỡ. Nâng đỡ và khích lệ các tín hữu Công giáo Đức cũng là một hành động liên đới vì sự hiệp nhất và bình an trong Hội Thánh.
Cách riêng, tôi hi vọng lá thư này làm sáng tỏ các vấn đề sau:
1. Các Hội đồng giám mục không có thẩm quyền giảng dạy những giáo thuyết đi ngược lại giáo huấn và truyền thống của Hội Thánh phổ quát, hoặc thiết lập Hội Thánh trong đất nước mình như một Hội Thánh quốc gia, độc lập với Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền.
2. Mười Điều Răn không phải là những điều cần xét lại. Không ai có quyền thay đổi bất cứ điều nào trong Mười Điều Răn. Thật là xúc phạm nếu có một Giám mục nào gợi ý rằng Hội Thánh Công giáo phải thay đổi luật Chúa liên quan đến đức khiết tịnh.
3. Độc thân linh mục là một giá trị cao quý trong đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh và không nên bị loại ra ngoài. Nếu ơn gọi linh mục khan hiếm, các cộng đoàn Công giáo nên xét mình xem họ đã sống Tin Mừng ra sao.
4. Hội Thánh không có quyền phong chức linh mục cho phụ nữ. Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố dứt khoát về vấn đề này. Trong khi chức Phó tế thuộc cấp bậc khác với cấp bậc của chức Linh mục, vẫn có sự duy nhất giữa các cấp bậc của Bí tích Truyền Chức Thánh, và việc gợi ý phong chức Phó tế cho phụ nữ chắc chắn sẽ dẫn đến việc hiểu như phong chức Linh mục.
Về điểm cuối cùng này, nên nói thêm mọi người nam và nữ đã chịu Phép Rửa đều thi hành chức tư tế chung, là nền tảng mạnh mẽ của tông đồ giáo dân. Lịch sử Hội Thánh tràn ngập những việc vĩ đại của các phụ nữ trong việc thúc đẩy vương quốc Chúa Kitô. Gợi ý rằng phụ nữ phải được phong chức linh mục để bình đẳng với người nam trong Hội Thánh, khôi hài thay, lại là hạ thấp người nữ, vì gợi ý đó giả thiết rằng điều mà truyền thống dành riêng cho người nam lại chính là tiêu chuẩn duy nhất để đo lường phẩm giá và công trạng, và như thế bất cứ điều gì là độc đáo của người nữ cũng đều thấp kém hơn. Đây không phải là tầm nhìn Kitô giáo về sự bình đẳng và bổ túc trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa và trong sự sắp xếp của Hội Thánh.
Tôi tin rằng không phải tình cờ khi nhiều Giám mục lên tiếng đầu tiên và ký vào Thư Ngỏ này là các vị thuộc châu Phi, nơi Hội Thánh đang phát triển vì cam kết mạnh mẽ của Hội Thánh trong việc duy trì những giáo huấn của Chúa Kitô về luân lý tính dục, kể cả khi phải chống lại nhiều tập tục truyền thống của châu Phi (gồm cả chế độ đa thê). Nếu đạo lý vững chắc của Hội Thánh, đã được giảng dạy và phát triển suốt hai thiên niên kỷ, nay bị bãi bỏ vì cho là xã hội không chấp nhận được, thì rồi mọi chân lý của đức tin Kitô cũng sẽ sụp đổ. Có thể là khôi hài với một vài người nhưng thực sự là Công giáo kinh điển đã làm tốt trong việc Phúc âm hóa. Đàng khác, tìm cách thích nghi với những giáo điều của chủ nghĩa thế tục không phải là nền móng cho sự canh tân.
Tôi hi vọng và cầu nguyện để các Giám mục Đức lắng nghe Đức Thánh Cha và các anh em Giám mục, để ngưng lại con đường gây chia rẽ. Kho tàng đức tin Công giáo không thể bị thay đổi, và những ai cố gắng thay đổi đức tin chỉ đem lại thiệt hại trầm trọng cho chính họ và cho các tín hữu.
Salvatore J. Cordileone
Tổng giám mục San Francisco
Nguồn: giaophanmytho.net
Thiên Triệu
CNS photo/Paul Haring
ĐÔI NÉT VỀ CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Lydia Borja
WHĐ (22.4.2022) - Kể từ năm 2000, Giáo hội hoàn vũ kết thúc Tuần Bát nhật Phục sinh bằng việc cử hành Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót. Ngày lễ trọng này mời gọi các tín hữu hân hoan vui mừng trong tình yêu thương xót của Thiên Chúa vì tình yêu ấy được biểu lộ một cách sâu xa nhất trong Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô.
Nhưng chính xác thì Lòng Chúa Thương Xót là gì? Sự sùng kính Lòng Chúa Thương Xót này bắt đầu từ đâu? Đây có phải là một ngày lễ mới trong Giáo hội không?
Lịch sử của Lòng Thương Xót
Trong thông điệp Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót (Dives in Misericordia) năm 1980, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết, “Tin vào tình yêu của Thiên Chúa có nghĩa là tin vào lòng thương xót. Lòng thương xót này là chiều kích cần thiết của tình thương; lòng thương xót là như tên gọi thứ hai của tình thương và đồng thời là cách độc đáo mà tình thương được mạc khải” (số 7)
Lịch sử cứu độ rất dồi dào những bằng chứng về chân lý này. Ngay từ đầu, Giao ước mà Thiên Chúa thiết lập với dân Israel phản ánh bản chất tình yêu của Ngài. Khi ban Mười Điều Răn cho Môsê, Thiên Chúa hứa sẽ bày tỏ “trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời đối với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta” (Xh 20, 6).
Sau đó, một lần nữa với Môsê, Thiên Chúa đã mô tả về chính mình như thế này: “Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34, 6-7).
Như trong các bài tường thuật Cựu ước sau đó, chúng ta thấy dân Israel có thói quen quay về với Thiên Chúa trong tội lỗi và đau khổ của họ giống như một đứa trẻ hướng về cha mình, tin cậy vào sự tha thứ nhân từ của Ngài.
Vua Đavít ngợi khen Thiên Chúa là Đấng “từ bi và nhân hậu”, “chậm giận và giàu tình thương” và là Đấng không xử với chúng ta dựa trên tội lỗi của chúng ta (x. Tv 103; 145). Ngay cả các ngôn sứ, vốn là những người thường rao giảng sứ điệp hủy diệt Israel vì sự bất trung của họ, cũng nói về lòng thương xót mà Thiên Chúa muốn ban tặng nếu dân chúng quay trở lại với Ngài (x. Gr 3,12; Hs 14, 3).
Mặc dù tính xác thực về lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa được thiết lập và xác nhận một cách chắc chắn trong lịch sử Cựu Ước, nhưng chính sự xuất hiện của Con Một Ngài đã mang đến cho thế giới sự nhập thể đích thực của tình yêu và lòng thương xót này. Thông điệp của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhìn nhận:
“Đức Kitô trao ý nghĩa chung cuộc cho toàn thể truyền thống Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng những Người nói và giảng giải về lòng thương xót … mà còn làm cho lòng thương xót này nhập thể và nhân cách hoá nó. Theo một nghĩa nào đó, Người chính là lòng thương xót” (số 2).
Toàn bộ cuộc đời của Đức Kitô có thể được xem như là bằng chứng rõ nét nhất lòng thương xót của Thiên Chúa.
Sau khi thụ thai Chúa Giêsu, Đức Mẹ đã cất lời tạ ơn với bài thánh ca tuyệt vời: “Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 50).
Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Kitô đã tuyên bố, “cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha” (Lc 4, 18), và sau đó, “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7).
Trong những lời cuối cùng của cơn hấp hối, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ” (Lc 23, 34). Thật vậy, sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong thế giới cho chúng ta thấy dung mạo của Thiên Chúa, Đấng là “Cha của lòng thương xót” (2Cr 1, 3).
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa
Có thể nói một cách đơn giản, “Lòng Chúa Thương Xót” là một tên gọi khác của sự mặc khải về tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa, mà đỉnh cao là sự sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Các Kitô hữu từ lâu đã biết đến và ca ngợi lòng thương xót bao la này. Do đó, lòng sùng kính đối với Lòng Chúa Thương Xót không phải là điều mới lạ.
Tuy nhiên, cách đây chưa đầy một thế kỷ, các Kitô hữu đã được chính Thiên Chúa yêu cầu để có một nhận thức mới và sự tín thác vào lòng thương xót của Ngài, điều này đã bắt đầu thổi bùng ngọn lửa sùng kính cũ thành một lòng tôn kính nồng nhiệt hơn.
Chúa Giêsu đã hiện ra với một nữ tu trẻ người Ba Lan, và trao cho chị một lời nhắc nhở vượt thời gian dành cho toàn thể nhân loại:
“Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với Lòng Thương Xót của Cha với niềm tín thác… Con hãy công bố rằng lòng thương xót là phẩm tính cao cả nhất của Thiên Chúa”
Nữ tu Mary Faustina Kowalska, sinh năm 1905, thuộc Dòng các Nữ tu Đức Mẹ nhân lành ở Ba Lan. Vào ngày 22.02.1931, Chúa Giêsu lần đầu tiên hiện ra với chị.
Chúa Giêsu mặc một chiếc áo choàng màu trắng, với hai tia sáng phát ra từ trái tim của Người - một tia màu đỏ và một tia màu trắng, tượng trưng cho máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người khi bị đóng đinh trên thập giá.
Chúa Giêsu yêu cầu chị Faustina vẽ lại hình ảnh này kèm theo lời ghi chú, “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” (Jesus, I trust in You) và Người hứa rằng, ngay cả những tội nhân cứng lòng nhất, nếu tôn kính ảnh này sẽ được cứu độ. Chúa Giêsu cũng nói với chị Faustina về ước muốn của Người đó là Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Phục Sinh được dành để “Kính Lòng Chúa Thương Xót”, và bức hình về lòng thương xót của Người được cả thế giới biết đến và tôn kính.
Sau đó, Chúa Giêsu hiện ra với nữ tu Faustina - người được mệnh danh là “Tông đồ của lòng thương xót” - nhiều lần khác nữa trong suốt vài năm, lần nào Người cũng đề cập về lòng thương xót bao la đối với các linh hồn.
Theo sự hướng dẫn của cha giải tội, nữ tu Faustina đã ghi lại tất cả các cuộc nói chuyện của chị với Chúa Giêsu trong cuốn sách mà chị gọi là “Nhật ký: Lòng Chúa thương xót trong tâm hồn tôi” và cuốn sách này đã được Bộ Giáo lý Đức tin của Giáo hội chấp thuận vào năm 1979.
Trong những trang nhật ký này, chúng ta đọc được lời khẩn cầu khẩn thiết được lặp đi lặp lại về tình yêu của Đức Chúa, và mục đích của các cuộc đối thoại của Người với nữ tu Faustina đó là:
“Trái tim Cha tràn đầy lòng thương xót đối với các linh hồn. … Giá mà họ có thể hiểu rằng Cha là người cha tốt nhất đối với họ và rằng chính Máu và Nước đã tuôn trào từ Trái tim Cha như từ một mạch nước chan chứa lòng thương xót” (Nhật ký, trang 165).
Ngày Lễ Lòng Chúa Thương Xót
Những thị kiến của nữ tu Faustina với Chúa Giêsu được coi là sự mặc khải tư - tức là sự mặc khải không thuộc kho tàng đức tin, do đó, các tín hữu không buộc phải tin. Dù thế, sứ điệp từ những thị kiến này đã được huấn quyền Giáo hội chính thức nhìn nhận là không có gì đi ngược với đức tin hoặc luân lý.
Ngoài ra, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã công nhận trong các bài viết của nữ tu Faustina một sứ điệp thực sự đến từ Chúa Kitô và phù hợp với tất cả nhân loại trong mọi thời đại.
Vào ngày 30.4.2000, Chúa nhật đầu tiên sau Lễ Phục sinh, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vừa phong thánh cho nữ tu chân phước Faustina Kowalska vừa tuyên bố trong bài giảng của ngày hôm đó mong muốn của chính ngài rằng “Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục sinh… từ nay trên toàn thế giới sẽ được gọi là ‘Chúa nhật lòng Chúa thương xót’”.
Cùng với mong muốn của Đức Gioan Phaolô II, vào ngày 5.5.2000, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành sắc lệnh chính thức thiết lập Chúa nhật thứ hai Phục sinh là “Chúa nhật lòng Chúa thương xót”.
Điều quan trọng nên biết: đây không phải là một ngày lễ mới trong Giáo hội. Như đã giải thích trong tài liệu của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót là một tên mới - một “danh hiệu” mới - cho ngày đã là lễ trọng của năm phụng vụ - tức là Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh. Liên quan đến phụng vụ ngày hôm đó, không có gì thay đổi trong các bản văn của Các Giờ Kinh Phụng vụ hoặc Thánh lễ. Trên thực tế, các bài đọc Phụng vụ vốn có của ngày này hoàn toàn phù hợp với chủ đề lòng thương xót. Trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu trao cho các tông đồ quyền cầm buộc và tháo cởi tội lỗi, được thể hiện qua Bí tích Sám hối.
Như vậy, lễ Lòng Chúa Thương Xót là sự tiếp nối của việc cử hành Lễ Phục sinh; như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nhận định, là “món quà Phục sinh” của Chúa Kitô cho thế giới.
Từ Trái tim của Chúa Kitô bị đóng đinh
Lễ Lòng Chúa Thương Xót không chỉ là một lời nhắc nhở tuyệt vời về tình yêu của Thiên Chúa, mà còn là một đòi hỏi để chúng ta hiểu sâu hơn về Thiên Chúa là ai, và chúng ta là ai trong mối tương quan với Ngài. Thánh Faustina đã nhận ra chân lý này và đáp lại trong sự yếu đuối của mình trước quyền năng của lòng thương xót của Chúa Kitô.
Khi cử hành lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta cùng lập lại lời cầu nguyện mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cầu nguyện với thánh nữ Faustina ngay trong Thánh lễ phong thánh cho thánh nữ:
“Lòng Chúa Thương Xót đến với nhân loại từ Trái Tim Chúa Kitô bị đóng đinh. … Hôm nay, khi cùng với ngài chăm chú nhìn vào khuôn mặt của Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho chúng con biết cầu nguyện bằng lời cầu nguyện của ngài cho sự tín thác bị lãng quên, và thưa lên với niềm trông cậy vững vàng: ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!’”
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com
(*) Chúa Giêsu đã ban cho Thánh Faustina một tập hợp những lời cầu nguyện để cầu khẩn lòng thương xót của Người, được gọi là chuỗi Lòng Chúa Thương Xót. Sau đây là cách Lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót đơn giản với chuỗi Mân côi.
Trước hết,
- Làm Dấu Thánh Giá,
- Đọc: 1 Kinh Lạy Cha; 1 Kinh Kính Mừng; 1 Kinh Tin Kính
Thứ đến:
- Hạt Lớn, thay vì Kinh Lạy Cha thì đọc:
Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha, Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Con rất yêu dấu Cha, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.
- 10 Hạt Nhỏ, thay vì 10 Kinh Kính Mừng, thì đọc 10 lần:
Tiếp theo:
Lặp lại 5 lần “hạt lớn” và “10 hạt nhỏ” đến hết chuỗi Mân Côi.
Cuối cùng, đọc 3 lần:
Lạy Đấng Chí Thánh, là Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.