Châu Âu: Các giám mục mời gọi thiết lập một “không gian của lòng hào hiệp”
WHĐ/Zenit (18.01.2012) – “Xã hội cần có một không gian của lòng hào hiệp”, các giám mục của Ủy ban các Hội đồng giám mục trong Cộng đồng Châu Âu (COMECE) khẳng định như trên. Để đạt được điều này, các giám mục kêu gọi phải xem xét lại biến chuyển của châu Âu trên nền kinh tế xã hội của thị trường, bằng cách khôi phục lại truyền thống nhân bản và tôn trọng nguyên tắc bổ trợ của mình.
Hôm 12-01 vừa qua tại Bruxelles, Đức Hồng y Reihnard Marx, Tổng giám mục Munich và Freising, phó chủ tịch COMECE, đã giới thiệu văn kiện “Một Cộng đồng châu Âu liên đới và trách nhiệm”.
Trong văn kiện này, các giám mục khẳng định “một xã hội không thể vận hành chỉ với quyền mưu cầu lợi nhuận, mà còn cần đến một không gian của lòng hào hiệp”.
Các giám mục mong muốn văn kiện này sẽ là một sự bổ trợ cho châu Âu “để một mặt sự tự do của thị trường được củng cố, và mặt khác, để sự tự do này không bị biến chất”, như Đức giám mục Gianni Ambrosio, giám mục Piacenza-Bobbio, đại biểu của Hội đồng giám mục Italia tại COMECE, cho biết. Vẫn theo Đức cha Ambrosio, điều này có nghĩa là sự tự do của thị trường không biến thành một thứ tự do bất kể đạo đức, không đếm xỉa tới các giá trị của tình liên đới vốn có tính cách căn bản.
Theo Đức hồng y Marx, văn kiện này của các giám mục muốn cổ vũ châu Âu chấp nhận một mô hình kinh tế có thể tạo được “một sự ràng buộc giữa tự do của thị trường, nguyên tắc của công bằng và mệnh lệnh của bác ái”.
Văn kiện của các giám mục cũng đề cập đến gốc gác tư tưởng của châu Âu: châu Âu cần phải đặt lên hàng đầu các nguyên tắc tư tưởng và pháp lý của thời cổ đại La-Hy và cả nền thần học Thánh Kinh. Thực vậy, theo văn kiện, truyền thống Thánh Kinh “đem lại ý nghĩa của tình liên đới”, khuyến khích cái nhìn “hướng thượng”, bằng cách nhìn nhận “chúng ta không phải là những người tạo dựng nên thế giới”. Mặt khác, tư tưởng La-Hy đem lại “ý nghĩa về sự công bằng vốn đã được truyền thống Roma đưa ra ánh sáng”.
Theo Đức giám mục Ambrosio, tất cả các khía cạnh này làm thành “tính nhân bản của châu Âu”. Không có các khía cạnh này, các chọn lựa của châu Âu sẽ chỉ xoay quanh đồng euro hay một quyết định nào đó có tính cách tài chính, và các quyết định này sẽ “không có thị trường tiêu thụ và chắc chắn không có tương lai”. Theo ngài, khôi phục lại “truyền thống nhân bản” này sẽ là một sự “bổ trợ lớn đối với tương lai của châu Âu” và của “cả thế giới” .
Được biết Ủy ban các Hội đồng giám mục trong Cộng đồng Châu Âu (COMECE) là một tổ chức được thành lập từ năm 1980, với vai trò làm cầu nối giữa các Hội đồng giám mục và cộng đồng châu Âu.
(Theo Anne Kurian, Zenit 13-01-2012)
An Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét