label

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Bài giảng trong Thánh lễ an táng Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm

 

Ước mơ Hiệp nhất và Truyền giáo
Bài giảng của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục phụ tá Xuân Lộc,
trong Thánh lễ an táng Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Bùi Chu,
tại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, 21 tháng 8 năm 2013
(Các bài đọc: G 19, 23-27 ; 2 Tim 2, 8-13 ; Ga 17, 20-26)
Trọng kính Đức cha Giuse, người cha rất đáng mến của con cái Bùi Chu,
1. Giờ đây, tất cả chúng con, con cái Bùi Chu, xin được hiệp ý cùng Đức cha Chủ tế: Đức Tổng Phêrô, Chủ tịch HĐGM/VN, Đức Tổng Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh, quý Đức cha, quý cha Tổng đại diện, quý Bề trên các Hội Dòng và Tỉnh Dòng, quý linh mục tu sĩ, đặc biệt quý Cha Dòng Salêsien, quý thân nhân linh tông và huyết tộc và quý khách, chúng con xin kính chào Đức cha, với tất cả lòng kính mến của chúng con.
Chúng con kính chào Đức cha, vì chúng con biết Đức cha vẫn sống và như thể Đức cha đang nói với chúng con qua lời sách Gióp mới được công bố trong Thánh lễ: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống… Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, không còn xác thân này, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người và đôi mắt tôi sẽ chiêm ngắm Người, thân thiện chứ không phải như người xa lạ” (G 19,25-27) .
Trọng kính Đức cha, trong những ngày vừa qua, con cái Bùi Chu, với lòng quý mến và tiếc thương, dìu dắt nhau, ùn ùn về Tòa Giám Mục, đông vô kể, để kính chào Đức cha. Trong giây phút chia ly này, lòng chúng con bồi hồi, xúc động và muốn nói nhiều điều về Đức cha và về những công việc Đức cha đã thực hiện khi còn ở giữa chúng con. Nhưng trong bầu khí linh thiêng của Thánh Lễ, chúng con lại muốn đi vào cõi sầu lắng của tâm hồn để thưa truyện với Đức cha và nhất là để lắng nghe Đức cha. Xin Đức cha dạy bảo chúng con và cắt nghĩa Lời Chúa cho chúng con, như bao lần Đức cha đã từng làm trong những buổi lễ của giáo phận.
2. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ người con yêu quý của ngài là Timôtêô trong bài đọc thứ II: “Con hãy nhớ là Đức Giêsu Kitô, xuất thân từ dòng dõi Đavít, đã sống lại từ cõi chết, như cha vẫn nói trong Tin Mừng cha loan báo. Vì Tin Mừng ấy, cha chịu khổ đến độ phải mang xiềng xích như một tên gian phi… Bởi vậy, cha cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời” (2Tim 2,8-10). Hôm nay, chúng con đón nhận những lời đó như thể là lời nhắn nhủ mà chính Đức cha nói với chúng con. Đó là những lời đem lại niềm vui và niềm cậy trông, đồng thời, dẫn đưa chúng con mở rộng tầm nhìn và đi vào chiều sâu của sứ mệnh tông đồ được Chúa trao phó.
“Con hãy nhớ là Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết” (2Tim 2,8). Còn gì an ủi hơn khi được biết là Đấng mình tin tưởng và tôn thờ vẫn đang sống. Ngài mạnh hơn cả sự chết. Chính Ngài mới thực là nguồn mạch sự sống và Ngài cần được tôn thờ. Sự thật này cần phải nhắc đi nhắc lại cho nhau, nhất là trong hoàn cảnh của một xã hội hôm nay trong đó, người ta đang thi nhau tranh giành quyền lực và tiền bạc, tìm mọi cách để hưởng thụ thú vui cho dù có phải hy sinh danh dự, phẩm giá con người và ngay cả phần rỗi đời đời. Họ như những con thiêu thân trước đống lửa. Chính vì vậy, những lời thánh Phaolô đã nói với người con yêu quý Timôtêô phải là khuôn vàng thước ngọc cho mỗi môn đệ của Chúa, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân.
“Vì Tin Mừng, cha chịu khổ đến độ phải mang xiềng xích như một tên gian phi… Cha cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn” (2Tim 2,9-10). Khi nói đến đời sống kitô và sứ mệnh tông đồ, người ta thường nghĩ ngay đến việc phục vụ, đến các dự án, đến những công tác phải làm và các sinh hoạt phải tổ chức, còn đau khổ thì bị coi thường và còn tìm cách xa lánh. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy, làm phép lạ, chữa lành các bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo. Tất cả những điều đó cần thiết và tốt lành, nhưng không đủ. Cuối cùng, Chúa Giêsu còn phải chấp nhận Tuần Thương Khó, kết thúc với cái chết đớn đau và nhục nhã trên cây Thánh Giá. Đau khổ được đón nhận với lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, với lòng bao dung và tình yêu dâng hiến sẽ trở thành nguồn ơn cứu độ và đem phúc lành đến cho chính mình, cho gia đình mình, cho Giáo hội và thế giới. Chính vì vậy, thánh Phaolô đã thổ lộ với các tín hữu của ngài ở Colossê: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24).
3. Bài sách Tin Mừng thánh Gioan được công bố trong Thánh Lễ tiễn biệt Đức cha đã ghi lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Nhờ vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,20-21). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu được công bố hôm nay trở thành như lời nhắn nhủ của Đức cha để lại cho đàn con giáo phận Bùi chu, đang thương tiếc Đức cha: Hiệp nhấttruyền giáo. Đó chính là ước mơ của Chúa Giêsu. Ước mơ đó của Chúa, Đức cha đã đón nhận và hôm nay Đức cha truyền lại cho con cái Bùi Chu, như thể Đức cha muốn nói: “Hỡi tất cả con cái giáo phận Bùi Chu, hãy hiệp nhất trong tình yêu của Chúa để cùng nhau ra đi thông truyền tình yêu đó cho anh chị em lương dân, mà ở giáo phận Bùi Chu chúng ta vẫn còn rất nhiều. Đó là chưa nói đến số anh chị em lương dân trên khắp đất nước Việt Nam và trên thế giới. Làm thế nào để anh chị em lương dân, còn vô vàn vô số, nhận biết ra là Chúa Giêsu đúng là kho tàng quý báu? Ngài quý giá hơn mọi sự quý giá trên đời! Làm thế nào để anh chị em lương dân nếm được niềm vui và sự ngọt ngào của môn đệ Chúa chỉ vì đã gặp được Chúa?”
Ước mơ hiệp nhấttruyền giáo là một công trình còn dang dở, chưa được thực hiện vẹn toàn trước khi Đức cha rời bỏ đàn con giáo phận ra đi. Hôm nay, ước mơ đó, chúng con đón nhận trong Thánh Lễ tiễn biệt Đức cha, như một di chúc Đức cha để lại mà đàn con Bùi Chu sẽ phải ghi tâm tạc dạ để cùng với vị Chủ Chăn mới của giáo phận, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, chung sức thực hiện như nhiệm vụ mà chính Chúa Giêsu, qua Đức cha, ký thác nơi con cái giáo phận Bùi Chu.  
4. Trong giây phút này, con cái Bùi Chu lại nhớ đến khẩu hiệu Giám mục của Đức cha: “Người bảo sao cứ làm vậy” (Ga 2,5). Khẩu hiệu này đã là câu tâm niệm hướng dẫn Đức cha trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ giám mục của Đức cha.
Với khẩu hiệu “Người bảo sao cứ làm vậy”, Đức cha dẫn đưa con cái Bùi Chu vào tâm tư sầu lắng của Chúa Giêsu, Đấng đã lấy việc thi hành Thánh Ý Thiên Chúa Cha như của ăn nuôi sống Ngài (x. Ga 4,34). Đây cũng chính là bí quyết của con đường hạnh phúc thật. Đó là con đường tình yêu, vì khi yêu ai, người ta mong mỏi muốn biết người mình yêu ưa thích điều gì và cố gắng đáp ứng. Thánh vịnh 119 đã reo lên: “Trong Thánh Ý Ngài là niềm vui mừng của chúng con!” (Tv 119,16). Nhưng hỏi mấy ai đã thực sự hiểu và trân trọng bí quyết này và mấy ai thực sự đã muốn bước theo con đường mà chính Chúa đã vạch ra?
Hành trình thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa đặt ra trước mắt hai khó khăn rất lớn. Đó là hiểu và làm theo Thánh Ý Chúa. Để hiểu và vâng theo ý Chúa, cần phải thực sự ao ước và tìm kiếm, mà tìm kiếm với lòng khiêm nhượng, vì, như thánh Phêrô đã nói: “Chúa chống lại những kẻ kiêu căng và ban ơn phúc cho những người khiêm nhượng” (1Pr 5,5). Giáo huấn của thánh Phêrô đã được thánh Gandhi diễn đạt lại cách mạnh mẽ hơn: “Ai muốn tìm kiếm Thiên Chúa là Sự Thật, phải khiêm nhượng, hạ mình xuống như cát bụi. Chỉ khi đó mới hy vọng đón nhận được đôi tia sáng của Sự Thật”.
Khẩu hiệu giám mục của Đức cha cũng chính là lời của Đức Mẹ đã nói với những người giúp việc trong tiệc cưới Cana: “Các anh hãy làm những gì ngài sẽ bảo”. Như vậy, khẩu hiệu giám mục đã cho thấy vị trí và tầm quan trọng của Mẹ Maria trong cuộc đời của Đức cha. Có lẽ không phải là ngoa ngôn nếu nói là mọi con cái Bùi Chu, già trẻ lớn bé, ai cũng nhận ra là Đức cha có lòng yêu mến Đức Mẹ rất tha thiết và luôn phó thác nơi Đức Mẹ. Tên Đức Mẹ luôn ở trên môi trên miệng Đức cha. Khi nghe nói Đức cha được Chúa gọi về Nhà Cha vào ngày thứ Bảy, con cái Bùi Chu đã nói ngay cách hết sức bộc phát: “Đúng là Đức Mẹ đã xuống đón Đức cha về trời vì Đức cha chúng con có lòng mến yêu Đức Mẹ lắm.”
5. Lời cầu nguyện Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha, đã được thánh Gioan ghi lại và hôm nay được công bố trong Thánh lễ tiễn biệt Đức cha: Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,25). Ôi những lời ngọt ngào yêu thương, chứa chan hy vọng và niềm vui phát xuất từ chính cửa miệng của Chúa mà mọi con cái Chúa, ai cũng mong muốn được nghe.
Hôm nay, Đức cha đã được nghe những lời đầy yêu thương của Chúa, cùng với các Đức giám mục tiền nhiệm của Đức cha tại Tòa Bùi Chu này. Cả chúng con nữa, chúng con cũng ao ước sẽ được nghe những lời ngọt ngào đầy yêu thương đó, để cùng với Đức cha hưởng hạnh phúc trên Quê Hương Nước Trời, nơi “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt, sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4). Trong khi chờ đợi ngày vui vẻ hạnh phúc đó, đoàn con cái Bùi Chu chúng con, với lòng kính mến và tiếc thương, chúng con xin tạm biệt Đức cha.
 
Gm Giuse Đinh Đức Đạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét