label

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin

Thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha cử hành tại Castel Gandolfo



Lúc 10 giờ rưỡi sáng thứ năm 15-8-2013 lễ trọng kính Đức Mẹ hồn xác lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ và buổi đọc Kinh Truyền Tin cho tín hữu Castel Gandolfo, các thành phố lân cận và du khách hành hương.

Castel Gandolfo nằm bên bờ hồ Albano, là thành phố nhỏ có khoảng 5.000 dân cư, nơi có dinh thự nghỉ màt mùa hè của Đức Giáo Hoàng. Trong mùa hè các Đức Giáo Hoàng vẫn đến dinh thự này nghỉ mấy tháng và chỉ trở về Dinh Tông Tòa tại Roma vào đầu tháng 9. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khuyên Đức Phanxicô đi nghỉ hè ở đây. Còn Đức Phanxicô thì lại khuyên Đức Biển Đức XVI đi nghỉ hè ở Castel Gandolfo. Cuối cùng không có vị nào đi cả. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn duy trì truyền thống của các vị tiền nhiệm đến cử hành thánh lễ cho tín hữu thành phố ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Ngay từ 7 giờ sáng hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương đã tụ tập tại quảng trường Tự do, trước dinh nghỉ mát. Trong khi chờ đợi tham dự thánh lễ họ đã hát thánh ca và lần hạt kính Đức Mẹ. Một khán đài nhỏ rất đơn sơ đã được dựng ngay trước cửa vào dinh nghỉ mát.

Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có ba Hồng Y và Giám Mục trong đó có Đức Giám Mục giáo phận Albano, và 10 linh mục, gồm cả linh mục Pietro Diletti, cha sở giáo xứ thánh Toma thành Villanova Castel Gandolfo. Ca đoàn của giáo xứ đã đảm trách phần thánh ca. Các kinh Thương xót, Vinh Danh, Thánh Thánh Thánh và Lậy Chiên Thiên Chúa đã được hát bằng tiếng Latinh.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã khai triển ý nghĩa các bài đọc và tóm gọn trong ba từ chìa khóa thần học: chiến đấu, phục sinh và hy vọng. Mở đầu bài giảng ngài nói:

Vào cuối Hiến chế về Giáo Hội, Công Đồng Chung Vaticăng II đã để lại cho chúng ta một suy niệm rất đẹp về Đức Maria Rất Thánh. Tôi chỉ nhắc lại các kiểu diễn tả quy chiếu về mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay. Thứ nhất là ”Đức Trinh Nữ vô nhiễm, được giữ gìn tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ” LG 59). Thế rồi vào cuối chương còn có một kiểu nói khác nữa: ”Ngày nay Mẹ Thiên Chúa đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo hội phải hoàn thành đời sau; cũng thế dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến, Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” (LG 68).

Quảng diễn thị kiến cuộc chiến đấu giữa người phụ nữ và con rồng trong bái đọc thứ nhất trích từ sách Khải Huyền, Đức Thánh Cha nói: gương mặt của người phụ nữ diễn tả Giáo Hội, một đàng vinh hiển, chiến thắng, đàng khác vẫn còn khổ đau. Đức Thánh Cha giải thích:

Thật ra Giáo Hội cũng thế: nếu từ Trời nó đã được kết hiệp với vinh quang của Chúa mình, thì trong lịch sử nó liên tục sống các thử thách và các thách đố của cuộc xung đột giữa Thiên Chúa và kẻ dữ, kẻ thù từ luôn mãi. Và trong cuộc chiến mà các môn đệ Chúa Giêsu phải đương đầu, Đức Maria không bỏ chúng ta một mình; Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội luôn luôn ở với chúng ta. Cả khi Mẹ Maria, trong một nghĩa nào đó, chia sẻ điều kiện hai mặt này với chúng ta. Dĩ nhiên Mẹ đã bước vào trong vinh quang của Trời một lần cho luôn mãi. Nhưng điều này không có nghĩa là Mẹ ở xa, tách biệt khỏi chúng ta; trái lại Đức Maria đồng hành với chúng ta, chiến đấu với chúng ta, nâng đỡ các Kitô hữu trong cuộc chiến chống lại các lực lượng của sự dữ. Lời cầu với Mẹ Maria, đặc biệt là Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi, mà tôi không biết anh chị em có lần hạt kính Đức Mẹ mỗi ngày không vậy? Có chắc thế không? Kinh Mân Côi cũng có chiều kích ”chiến đấu” này, một lời kinh nâng đỡ trận chiến chống lại kẻ dữ và các đồng bọn của nó.

Bước sang bài đọc thứ hai trích từ thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô nói về sự phục sinh, Đức Thánh Cha nói: là Kitô hữu có nghĩa là tin rằng Chúa Kitô đã sống lại tự cõi chết. Ngài giải thích thêm:

Tất cả đức tin của chúng ta dựa trên sự thật nền tảng này: nó không phải là một tư tưởng mà là một biến cố. Cả mầu nhiệm Đức Maria hồn xác lên trời cũng được viết tất cả trong sự Phuc Sinh của Chúa Kitô. Nhân tính của Mẹ đã được ”lôi kéo” bởi Con Mẹ trong việc đi qua cái chết. Chúa Giêsu đã bước vào trong cuộc sống vĩnh cửu một lần cho luôn mãi, với tất cả nhân tính của Người, nhân tính mà Người đã nhận lấy từ Mẹ Maria; như thế Mẹ là Đấng đã theo Chúa một cách trung thành trong suốt cuộc sống, đã theo Người với con tim, đã cùng với Người bước vào trong cuộc sống vĩnh cửu, mà chúng ta gọi là Trời, Thiên Đàng, Nhà Cha.

Cả Mẹ Maria cũng đã biết tới sự tử đạo của thập giá: cuộc Khổ Nạn của Con Mẹ. Mẹ đã sống nó cho tới tận cùng thẳm linh hồn. Mẹ đã hoàn toàn hiệp nhất với Người trong cái chết, và vì thế Mẹ đã nhận được ơn phục sinh. Chúa Kitô là hoa trái đầu mùa của những kẻ sống lại, và Mẹ Maria là của đầu mùa của những người được cứu rỗi, ”người đầu tiên giữa những người của Chúa Kitô”.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: bài Phúc Âm gợi lên cho chúng ta niềm hy vọng. Hy vọng là nhân đức của người tin nơi sự Sống lại của Chúa Kitô, nơi chiến thắng cảu Tình Yêu, trong khi sống kinh nghiệm xung khắc, cuộc chiến đấu thường ngày giữa sự sống và cái chết, giữa sự thiện và sự dữ. Bài Thánh thi Magnificat là thánh thi của niềm hy vọng, là thánh thi của Dân Thiên Chúa bước đi trong lịch sử. Áp dụng vào cuộc sống các thành phần dân Chúa Đức Thánh Cha nói:

Đó là bài thánh ca của biết bao nhiêu vị thánh nam nữ, một số vị nổi tiếng, các vị khác, rất nhiều vị khác vô danh, nhưng được Thiên Chúa biết rõ: các bà mẹ, các người cha, các giáo lý viên, các thừa sai, các linh mục, nữ tu, người trẻ và cả các trẻ em nữa, là những người đã đương đầu với cuộc chiến đấu của sự sống đem theo trong tim niềm hy vọng của những người bé nhỏ và khiêm tốn. ”Linh hồn tôi chúc tụng Chúa”, ngày hôm nay Giáo Hội ở khắp nơi trên thế giới cũng hát lên như thế. Bài thánh thi này đặc biệt sâu đậm nơi đâu ngày nay Thân Mình Chúa Kitô phải chịu Khổ nạn. Và Mẹ Maria ở đó gần các cộng đoàn này, gần các anh chị em này, Mẹ bước đi với họ, đau khổ với họ và cùng họ hát lên bài Magnificat của niềm hy vọng.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng như sau: anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy hiệp ý với tất cả con tim với bài thánh thi của sự kiên nhẫn và chiến thắng, chiến đấu và niềm vui, kết hiệp Giáo Hội chiến thắng với Giáo Hội lữ hành, kết hiệp đất với Trời, lịch sử với vĩnh cửu.

Trong phần lời nguyện giáo dân tín hữu đã xin Mẹ hồn xác lên Trời bầu cử và đồng hành với Giáo Hội trong công tác rao truyền Tin Mừng và thánh hóa nhân loại; cầu cho Đức Thánh Cha Phanxicô được khỏe mạnh và nhiều ơn để hướng dẫn Giáo Hội; cho các Kitô hữu gặt hái nhiều hoa trái trong Năm Đức Tin; cho giới lãnh đạo biết chăm lo cho thiện ích của mọi người; cho công lý và hòa bình và tình bác ái huynh đệ ngự trị trong con tim của mọi người.

Vào cuối lễ trước khi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xông hương tượng Đức Mẹ. Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha nói con đường về Trời của Mẹ Maria đã bắt đầu từ tiếng ”xin vâng” tại Nagiarét, trả lời cho Sứ Thần từ trời đến báo cho Mẹ biết ý muốn của Thiên Chúa. Và thật ra đúng như thế. Mỗi một tiếng ”xin vâng” với Thiên Chúa là môt bước tiến về Trời, về cuộc sống vĩnh cửu. Bởi vì đó là điều Chúa muốn: Ngài muốn rằng tất cả mọi con cái Ngài có được sự sống dồi dào. Thiên Chúa muốn tất cả mọi người ở với Ngài trong nhà Ngài!

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại kỷ niệm 25 năm Đức Chân phước Gioan Phaolô II ban hành Tông thư ”Mulieris dignitatem” đề cao phẩm giá và ơn gọi của nữ giới. Tài liệu này có rất nhiều điểm đáng được lấy lại và khai triển. Ở nền tảng của tất cả những điều đó là gương mặt của Mẹ Maria, vì Tông thư đã được ban hành trong Năm Thánh Mẫu. Chúng ta hãy lấy lại lời cầu ở cuối Tông thư để khi suy niệm mầu nhiệm kinh thánh về nữ giới, được cô đọng nơi Mẹ Maria, tất cả mọi phụ nữ tìm thấy chính mình và ơn gọi tràn đầy của mình, và toàn Giáo Hội đào sâu và hiểu biết hơn vai trò quan trọng và vĩ đại của nữ giới.

Đức Thánh Cha đã không quên cám ơn tín hữu Castel Gandolfo cũng như các đoàn hành hương trong đó có đoàn hành hương Argentina.

Rồi ngài cất kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét