Đức Thánh Cha thiết lập cơ cấu mới về kinh tế tại Vatican
VATICAN. Hôm 24-2-2014, ĐTC Phanxicô đã ban hành tự sắc thiết lập cơ cấu mới điều hợp các hoạt động kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Cụ thể là ngài thành lập một Văn Phòng về kinh tế, một sứ ”siêu bộ” của Tòa Thánh do một Hồng Y làm chủ tịch.
Quyết định của ĐTC được công bố với Tự Sắc về vấn đề này ban hành cùng ngày 24-2-2014 và công bố trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh.
Ngài đi tới quyết định trên đây theo những đề nghị nghiêm túc duyệt lại các hoạt động kinh tế và hành chánh của Vatican, do Ủy ban tường trình (COSEAC) được ĐTC thiết lập về vấn đề này. Các đề nghị cũng đã được Hội đồng 8 Hồng y cố vấn của ĐTC cũng như Hội đồng 15 Hồng Y đặc trách các vấn đề kinh tế và quản trị của Tòa Thánh cứu xét và chấp thuận.
Ủy ban tường trình (Coseac), do ĐHY Farina dòng Don Bosco, nguyên thư viện trưởng của Tòa Thánh làm chủ tịch, đề nghị những thay đổi và đơn giản hóa cũng như củng cố các cơ cấu quản trị hiện hữu và cải tiến việc điều hợp và giám sát trong toàn thể các cơ quan Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Những cải tiến trên đây nhắm tận dụng tài nguyên tốt đẹp hơn, tăng cường sự hỗ trợ dành cho các chương trình, đặc biệt là những chương trình nhắm làm việc với người nghèo và những người bên lề xã hội.
Những thay đổi do ĐTC loan báo gồm:
1. Thiết lập một Văn phòng mới về Kinh Tế, có thẩm quyền trên tất cả các hoạt động kinh tế và hành chánh trong Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Văn phòng này có trách nhiệm chuẩn bị ngân sách thường niên của Tòa Thánh và Quốc Gia thanh Vatican, và đề ra kế hoạch tài chánh, cũng như các chức năng hỗ trợ khác nhau, như nguồn nhân lực và tài lực. Ngoài ra, Văn phòng phải thiết lập kết toán chi tiết của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.
2. Văn phòng kinh tế sẽ thi hành các chỉ thị do một Hội đồng mới về kinh tế đề ra: hội đồng này gồm có 15 thành viên trong đó có 8 HY hoặc GM, phản ánh tính chất hoàn vũ của Giáo Hội, và 7 chuyên gia giáo dân thuộc các quốc tịch khác nhau, chuyên về tài chánh và được nhìn nhận khả năng chuyên môn của họ. Hội đồng sẽ nhóm định kỳ để đánh giá các chỉ thị và đường lối thực hành cụ thể, cũng như chuẩn bị và phân tích các phúc trình về cc hoạt động kinh tế hành chánh của Tòa Thánh.
3. Văn phòng kinh tế sẽ do 1 Hồng Y làm Chủ tịch, tham chiếu Hội đồng kinh tế. Một vị Tổng thư ký sẽ cộng tác với ĐHY Chủ tịch trong việc điều hành các hoạt động hằng ngày.
4. ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Georg Pell, hiện là TGM giáo phận Sydney, Australia, làm Chủ tịch Văn phòng kinh tế của Tòa Thánh.
5. các qui định mới sẽ bao gồm cả việc bổ nhiệm một vị Tổng kiểm toán (Revisore Generale) do ĐTC bổ nhiệm, có quyền duyệt xét bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.
6. Những thay đổi khẳng định vai trò của Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, Apsa, như Ngân hàng trung ương của Vatican, với tất cả các nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức tương tự trên toàn thế giới.
7. Cơ quan thẩm quyền thông tin tài chánh, gọi tắt là AIF, tiếp tục vai trò hiện nay, canh chừng khôn ngoan và thi hành kỷ luật về các hoạt động trong nội bộ Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.
ĐTC yêu cầu vị Chủ Tịch mới của Văn phòng Kinh tế bắt đầu công tác càng sớm càng tốt. ĐHY sẽ chuẩn bị các qui chế chung kết và các vấn đề khác liên hệ, nhờ sự trợ giúp của các cố vấn cần thiết và sẽ làm việc với Ủy ban tường trình nghiên cứu và xác định hướng đi trong việc tổ chức cơ cấu kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh, gọi tắt là COSEA.
Trên đây là nội dung thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh tóm lược nội dung Tự Sắc ”Fideles dispensatur et prudens (Lc 12,42) của ĐTC.
Thông cáo không nói gì về Viện Giáo Vụ (IOR) quen gọi là ”Ngân hàng Vatican”. Việc duyệt xét cơ quan này có một Ủy ban tường trình khác đảm trách.
Với Tự Sắc trên đây, Hội đồng 15 Hồng y đặc trách các vấn đề kinh tế và tổ chức của Tòa Thánh do ĐGH Gioan Phaolô 2 thành lập, chấm dứt nhiệm vụ. (SD 24-2-2014)
G. Trần Đức Anh OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét