label

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi



Phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondonbo và Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio

Chiều ngày 28-5-2014 một nhóm người vũ trang, có lẽ là cựu phiến quân hồi giáo Seleka, đã dùng lựu đạn tấn công nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui, khiến cho ít nhất 17 người chết kể cả một linh mục.

Tin địa phương nói số nạn nhân khoảng 40 người. Ngày 30-5-2014 hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Bangui để phản đối và lên án vụ khủng bố đã man này, đồng thời để phản đối các lực lượng quốc tế, tuy ở gần đó nhưng đã can thiệp chậm trễ. Vị linh mục bị thiệt mạng là cha Paul Emile Nzale, 76 tuổi. Cha đang thăm người tỵ nạn trong giáo xứ. Người ta cũng cho biết là đã có một số tín hữu bị nhóm phiến quân hồi bắt làm con tin.

Trung Phi rộng gần 623 ngàn cây số vuông, có khoảng 5 triệu dân gồm nhiều chủng tộc khác nhau, hơn 80% theo Kitô giáo gồm 51,4% Tin Lành 28,9% Công Giáo, 15% hồi giáo và 9.6% theo đạo thờ vật linh. Từ năm 2012 lực lượng Seleka gồm các phiến quân hồi nổi lên tiến chiếm miền bắc và miền trung và từ năm 2013 đánh chiếm thủ đô Bangui và lên nắm quyền. Các lực lượng dân quân kitô quy tụ thành phong trào Chống Balaka đánh nhau với lực lượng Seleka, khiến cho nội chiến kéo dài tại Trung Phi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondobo về tình hình Trung Phi hiện nay.

Hỏi: Thưa cha, tại sao các binh sĩ lực lượng phiến quân Seleka lại tấn công và gieo chết chóc cho các kitô hữu như thế?

Đáp: Tin khủng bố sát hại này thật là buồn và trầm trọng. Ban đầu chúng tôi đã dấn thân nói rằng cuộc xung khắc này là chính trị, chứ không phải là cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo. Nhưng sự kiện cố ý tấn công một họ đạo như vậy làm cho chúng tôi lo sợ, bởi vì nó là một dữ kiện mạnh mẽ để nói rằng cuộc xung đột đang ngày càng trở thành tôn giáo nhiều hơn. Và điều này cũng giúp chúng tôi nói rằng các tôn giáo chúng tôi phải tỉnh táo mở mắt, để không bị lèo lái bởi các nhà chính trị, bởi vì chỉ cần lơ là một chút là rơi vào cạm bẫy này. Dân tộc này đã luôn luôn chung sống với nhau với các tôn giáo khác nhau hiện diện tại đây, và vì thế ngày hôm nay chúng tôi không thể bắt đầu gây chiến với nhau được. Tuy nhiên, chúng tôi phải sẵn sàng và tỉnh thức để tránh tất cả các cạm bẫy này. Tôi xin lập lại, với điều đã xảy ra, chỉ cần một chút thôi là lại nảy sinh ra sự báo thù trong trái tim con người.

Hỏi: Theo cha thì tại sao lại xảy ra cuộc tấn công này?

Đáp: Tôi không có một tư tưởng rõ ràng về các lý do chính xác của vụ tấn công. Nhưng cần nói rằng giáo xứ Đức Bà Fatima này nằm trong một vùng rất gần một khu phố, nơi đã có lời đồn thổi rằng vài phiến quân đã len lỏi vào và tập trung tại đây. Và như thế một giáo xứ rất ngoại ô là một vùng hơi nóng bỏng. Do đó chỉ cần một chút là xảy ra các vụ tấn công loại này.

Hỏi: Giáo Hội nằm giữ vai trò nào trong tình trạng hiện nay tại Trung Phi? Và các giáo xứ trong thủ đô Bangui hiện đang làm gì, một cách đặc biệt để trợ giúp dân chúng?

Đáp: Kể từ khi cuộc xung khắc bắt đầu, Giáo Hội công giáo đã luôn luôn làm rất nhiều để trợ giúp dân chúng. Giáo Hội công giáo ủng hộ hòa bình. Vì thế họ đạo Đức Bà Fatima, cũng như tất cả các họ đạo khác trong thủ đô Bangui, đã trở thành nơi tiếp đón. Tất cả những người không cảm thấy an ninh đã tìm được nơi trú ẩn trong nhà thờ này: đó là sự kiện quan trọng. Mọi họ đạo của chúng tôi đều tiếp đón rất nhiều người. Nhưng các nhà thờ không được bảo vệ. Và tiện đây tôi xin kêu gọi các cơ quan quốc tế để họ mở mắt nhìn một họ đạo yểm trợ hòa bình tiếp đón biết bao nhiêu người tỵ nạn, mà lại không được bảo vệ, thì đây không phải là điều bình thường. Do đó trong số các nạn nhân, ngoài đa số là tín hữu kitô, cũng có những người không kitô. Họ đã bỏ khu phố của họ để đến trú ẩn nơi đây vì không cảm thấy an ninh.

Hỏi: Xem ra tình hình tại Trung Phi lắng dịu hơn một chút có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Các tin tức cuối cùng cho biết như thế. Tại Trung Phi nói chung tình hình không yên ổn. Nhưng tại thủ đô thì đã có nhiều kiểm soát hơn một chút, trong nghĩa các sinh hoạt đã bắt đầu trở lại, nghĩa là cuộc sống bắt đầu trở lại trong thủ đô Bangui. Đó là các tin mới nhất. Tuy nhiên, điều này giúp hiểu rằng còn có rất nhiều việc phải làm.

Hỏi: Dân chúng trong thủ đô Bangui đã mất hy vọng rồi hay sao thưa cha?

Đáp: Người dân đã không hoàn toàn mất hy vọng, nhưng họ có một chút nghi ngờ. Nói một cách nhân loại thì họ có mất hy vọng. Dĩ nhiên là sự sợ hãi lại nảy nở trong con tim người ta. Tôi tin rằng ngày nay khó đi lang thang trong các khu phố này của thủ đô hay ra khỏi nhà. Chắc chắn là người ta lo sợ. Vì không có an ninh. Nhưng chúng tôi luôn luôn có niềm hy vọng, bởi vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải đi tới hòa bình thôi.

Hỏi: Các nhóm quân bảo hòa liên hiệp quốc đã làm những gì, và có thể làm những gì trong tình trạng này, thưa cha?

Đáp: Nói thật ra, họ đã có thể can thiệp nhanh nhất có thể. Từ các tin tức mà tôi đã nhận được các toán quân đó ở cách xa chỗ xảy ra khủng bố ngót một cây số. Họ đã được liên lạc, nhưng họ đã mất hàng giờ hàng giờ để can thiệp. Nếu ho đã can thiệp trước, thì tôi tin rằng đã có thể tránh được được tình hình tồi tệ này.

Tiếp theo đây là một số nhận định của Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio, và là người quen biết cha Nzale.

Hỏi: Thưa cha Yakanda, cha Paul Emile Nzale là người như thế nào?

Đáp: Cha là một người tốt lành, sống gần gũi dân chúng và là người không sợ hãi ai. Cha đang thăm các gia đình tỵ nạn trong giáo xứ thì bị bắn.

Hỏi: Cha có kỷ niệm nào với cha Nzale hay không?

Đáp: Chính cha Nzale đã dậy tôi giảng. Ngài đã đậy tội sống với dân chúng. Khi tôi còn là chủng sinh tôi đã biết cha tại giáo xứ Chúa Ba Ngôi và ngài đã hướng dẫn tôi từ từ cho tới khi tôi làm linh mục cách đây 18 năm.

Hỏi: Cha có nhớ vài lời khuyên hay vài lời nói của ngài hay không?

Đáp: Có chứ. Ngài khuyên tôi kiên trì trong lời cầu nguyện, đừng bao giờ chán nản ngã lòng và luôn luôn hy vọng: ngài lập đi lập lại các lời khuyên này.

Hỏi: Nghĩa là cha Nzale đã luôn luộn sống giữa dân chúng và đã được người dân rất thương mến?

Đáp: Vâng, ngài đã luôn luôn sống giữa người dân và được dân chúng trong thủ đô Bangui rất thương mến.

Hỏi: Vậy bây giờ dân chúng thủ đô ra sao?

Đáp: Người dân sống trong sợ hãi. Trong thành phố không có điện, nhưng có cuộc tổng đình công bãi thị. Dân chúng khua đĩa inh ỏi để phản đối.

Hỏi: Cha có hy vọng gì không?

Đáp: Tôi hy vọng người ta thôi bạo lực. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế giúp chúng tôi làm một cái gì đó để tìm lại được hòa bình, bởi vì Trung Phi đã là một quốc gia luôn luôn sống trong hòa bình. Chỉ từ 15 năm qua ma qủy đã tỉnh thức: ma qủy chia rẽ đã tỉnh thức và gieo tai họa. Chúng tôi khÔng thành công trong việc ngăn chặn hận thù và sự căng thẳng này.

Hỏi: Cũng có các vụ phản đối lực lượng bảo hòa đã không mau chóng can thiệp, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng vậy. Các binh sĩ ở cách họ đạo không xa và có các phương tiện tạo dựng hòa bình. Nhưng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra tại đó mà họ đã không hành động.

Hỏi: Cha có muốn đưa ra lời kêu gọi nào không?

Đáp: Có. Chúng tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng nhắm mắt và để cho dân chúng Trung Phi biến mất khỏi bản đồ địa lý thế giới. Ước chi họ hành động và yểm trợ người dân Trung Phi. Dân Trung Phi chỉ muốn có hòa bình, chỉ muốn sống. Xem ra người dân nước này bị bỏ rơi cho số phận của họ. Điều này không đúng! Xin cộng đồng quốc tế hãy can thiệp và làm một cái gì đó để nâng đỡ những người dân vô tội đang phải chết này!

(RG 29.30-5-2014)

Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét