label

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

NẾU ĐƯỢC CẢ THẾ GIỚI (31.8.2014 – Chúa nhật 22 Thường niên, Năm A)

NẾU ĐƯỢC CẢ THẾ GIỚI
Lời Chúa: Mt 16, 21-27
Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Ðức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Rồi Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”
Suy nim:
Ðức Giêsu đã gặp nhiều cám dỗ trong đời.
Cám dỗ bởi ma quỷ trong sa mạc.
Cám dỗ bởi đám đông đòi xem phép lạ từ trời.
Cám dỗ bởi nhiều người thách xuống khỏi thập giá.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
Ðức Giêsu bị cám dỗ bởi chính Phêrô,
người mà Ngài đã đặt làm nền tảng cho Hội Thánh.
Cơn cám dỗ này nguy hiểm biết bao,
vì đến từ tình thương của một người môn đệ.
Phêrô không thể nào chấp nhận được
chuyện Ðấng Mêsia phải chịu khổ đau và chịu chết.
Ðức Giêsu đã mạnh mẽ chống lại cơn cám dỗ này.
Ngài nói với ông như nói với Xatan trước đây:
“Xatan, lui lại đàng sau Thầy!”
Phêrô đã đi trước Thầy.
Ông quên mất vị trí đi sau của người môn đệ.
Ông không ngờ mình trở nên viên đá làm Thầy suýt vấp.
Lối nghĩ của Phêrô rất tự nhiên, rất “người”,
nhưng đó không phải là lối nghĩ của Thiên Chúa.
Dần dần ông mới chấp nhận số phận bi đát của Thầy
và dám mất tất cả vì Thầy.
Sống ở đời ai cũng tranh phần được, và sợ mất.
Vấn đề là phải xác định xem
đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn,
đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất.
Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu,
vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời:
mất công, mất của, mất thì giờ,
mất uy tín, mất tương lai và mất cả mạng nữa.
Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả.
Mọi sự họ mất vì Thầy Giêsu, họ đều được lại.
Mất tạm thời để giữ được mãi mãi.
Từ bỏ chính mình là để tìm lại
cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.
Các vị tử đạo là những người say mê sự sống,
đến nỗi dám chấp nhận cái chết.
Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình
hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.
Lắm người tưởng mình được, hoá ra lại mất
Lắm người vui lòng mất, hoá ra lại được.
Chúng ta cần suy nghĩ sâu về cái được, cái mất,
để không phải hối hận sau này.
Ðức Giêsu đã mất tất cả và đã được lại tất cả.
Ðó là lý do khiến chúng ta dám từ bỏ, hy sinh,
dám vượt lên trên lối sống thực dụng, ích kỷ.
Không cần đợi sau cái chết, ta mới thấy mình được.
Bình an, niềm vui, triển nở trong tự do và yêu thương
là những cái được ta có ngay từ đời này.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết chiến đấu
trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của thập giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng
chúng con không thể nên hoàn thiện
nếu như không biết từ bỏ chính mình
và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay,
không gì có thể làm cho chúng con
khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất diệt,
là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;
xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp linh mục quản xứ Dải Gaza


Đức Thánh Cha Phanxicô gặp linh mục quản xứ Dải Gaza
WHĐ (30.08.2014) – Hôm qua, thứ Sáu 29-08, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho linh mục George Hernandez, gốc Argentina, quản xứ tại Dải Gaza, một cuộc tiếp kiến riêng. Trong buổi tiếp, Đức Thánh Cha cho biết ngài luôn ở gần bên những người đang chịu đau khổ tại miền đất đang bị chiến tranh tàn phá này.
Trong 45 phút yết kiến, vị linh mục đồng hương Argentina thuộc Tổng giáo phận Giêrusalem đã trình bày với Đức Thánh Cha về các hoạt động cứu trợ của Toà Thượng phụ Giêrusalem đối với những nạn nhân chiến cuộc: các giáo xứ và các trường Công giáo mở rộng cửa tiếp đón những người tị nạn đã mất hết nhà cửa trong cuộc xung đột gần đây.
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã kết thúc vào ngày 26 tháng Tám vừa qua, sau bảy tuần lễ phe Hamas tấn công bằng phi đạn vào lãnh thổ Israel và cuộc trả đũa bằng không kích của quân đội Israel vào lãnh thổ Palestine. Cuộc xung đột đã để lại hơn 2000 chết, phần lớn là người Palestine và nhiều nạn nhân trong số đó là trẻ em.
Theo Portland Trust (tổ chức phi lợi nhuận, cổ võ sự ổn định và hoà bình giữa Palestin và Israel bằng việc phát triển kinh tế, hiện đảm nhận việc giám sát nền kinh tế Palestine), cuộc xung đột vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề các nhà máy điện và đã dẫn đến “tình trạng ở mức độ nghiêm trọng” đối với các vấn đề về nước uống, điều kiện vệ sinh môi trường và cá nhân con người, cụ thể là 40% người dân không có nước sạch để dùng.
Trong bản phúc trình ngày thứ Tư vừa qua, Portland Trust cho biết 15 trong 32 bệnh viện ở Gaza đã bị phá hủy và 9 bệnh viện phải đóng cửa. Ủy ban Độc lập về Nhân quyền cho biết có 60.000 căn nhà đã bị thiệt hại một phần hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Hội đồng Kinh tế Palestine về Phát triển và Tái thiết ước tính chi phí tái thiết nhà cửa và cơ sở hạ tầng có thể đến hơn 1,7 tỉ đôla.
Phát biểu với Radio Vatican phát thanh bằng tiếng Ý, linh mục Hernandez nói được yết kiến Đức Thánh Cha là một “đặc ân” – nhưng không phải là lần đầu, vì “trong lúc chiến cuộc diễn ra, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn luôn gần gũi chúng tôi”.
Vị thừa sai Argentina này nói Đức Thánh Cha luôn khuyến khích cộng đoàn Công giáo bé nhỏ “hãy trở nên muối đất ở miền đất Gaza”. Cha cho biết đã đặc biệt xúc động bởi sứ điệp chứng từ Kitô giáo của Đức Thánh Cha. Vị linh mục này nói người Công giáo ở Gaza được kêu gọi cách riêng làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô ngay trên mảnh đất Chúa đã nhận làm quê hương, “mảnh đất đã chứng kiến Chúa chịu đau khổ, chịu chết… nhưng cũng lại được thấy Người sống lại”.
Cha Hernandez nói với Radio Vatican rằng giáo dân của ngài hy vọng thỏa thuận ngừng bắn giữa các lực lượng Israel và Palestine sẽ được kéo dài. “Hãy nhìn xem cả hai dân tộc đang chịu đau khổ!”, cha nói. “Các bạn cần hiểu điều này: với chiến tranh, chẳng có ai là kẻ chiến thắng. Không một ai! Bên nào cũng phải chuốc lấy hậu quả, cách này hay cách khác. Cuối cùng, chẳng ai thu được lợi từ chiến tranh, tất cả chúng ta đều mất mát. Mong sao Chúa ban ơn giúp sức cho chúng ta khởi sự lại từ đầu”.
Để xây dựng một nền hoà bình lâu dài, cha Hernandez nói, cần phải lấy công lý mà kiến tạo hoà bình. “Hoà bình đòi phải biết hy sinh, và điều đó có thể thực hiện được”.
Cha Hernandez tiếp tục bày tỏ lòng biết ơn đối với mọi người trên khắp thế giới đã sát cánh với cộng đoàn của ngài trong những tuần lễ khó khăn vừa qua – nhất là với các bệnh nhân “những người đã dâng mọi đau khổ để cầu nguyện và nài xin Chúa ban hoà bình”.
Cha cho biết các giáo dân Gaza luôn nhớ đến những người cầu nguyện cho mình, trong Thánh lễ, lúc lần hạt Mân côi và khi chầu Thánh Thể. “Tôi muốn nhân dịp này nói lời cảm ơn các bạn và xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn”, cha nói.
Cha Hernandez đã yết kiến Đức Thánh Cha sau khi ngài đến Toà Thượng phụ Latinh Giêrusalem gặp gỡ các vị chức trách tại đây vào hôm thứ Tư 27-08.
(Theo Zenit)

Thành Thi

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện thoại cho cha mẹ của phóng viên James Foley


Phóng viên James Foley sau khi được trả tự do vào tháng 5/2011
Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện thoại cho cha mẹ của phóng viên James Foley
WHĐ (23.08.2014) – Trước nỗi đau mất mát không gì bù đắp được, ông bà John và Diane Foley, cha mẹ của phóng viên James Foley mới bị nhóm chiến bình Nhà nước Hồi giáo ở Syria hành quyết cách man rợ–, đã bất ngờ nhận được điện thoại của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha an ủi họ đoan chắc cầu nguyện cho họ.
Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cha Federico Lombardi xác nhận rằng Đức Thánh Cha đã gọi điện thoại cho ông bà John và Diane Foley hôm thứ Năm 21-08. Trong cuộc điện đàm bằng tiếng Anh, ông bà Foley nói họ “rất cảm động biết ơn về cử chỉ của Đức Thánh Cha.
Cha Paul Gousse, giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi, nói về cuộc gọi điện thoại của Đức Thánh Cha: Được chính Đức Thánh Cha gọi điện thoại đến gia đình để bày tỏ sự cảm thông nói lời an ủi, tôi nghĩ đó điều rất lớn lao cho họ”.
James Foley, năm nay 40 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo ở Rochester thuộc tiểu bang New Hampshire, Hoa Kỳ. Ông từng làm việc tại Syria bị bắt cóc cách nay hai năm, khi đang làm nhiệm vụ mà ông mô tả là “tiết lộ những câu chuyện chưa được kể ở các khu vực đang có xung đột.
Ông cũng từng có mặt ở một khu vực khác có xung đột Libya vào năm 2011, và ở đây ông cũng đã bị bắt cóc. Sau khi được trả tự do, James Foley kể lại trên tờ báo của trường học cũ của mình Đại học Marquette do Dòng Tên điều hành–, rằng khi bị giam giữ ông đã bắt đầu đọc kinh Mân Côi ra sao, và điều đó đã giúp tâm trí tôi luôn tập trung.
Phát biểu sau cái chết của con trai mình, ông bà Foley nói đến đức tin của họ nói rằng họ tự hào rằng James đã thi hành công việc của Thiên Chúa.
Chúng tôi biết Jimmy sẽ được tự do. Cuối cùng Jimmy cũng được tự do. Và chúng tôi biết rằng Jimmy trong tay Thiên Chúa, ở trên thiên quốc”.
Một Thánh lễ tưởng niệm James Foley dự kiến ​​sẽ được cử hành vào Chúa nhật 24-08 tại quê hương của ông, ở Rochester, New Hampshire.
(Vatican Radio)
 
Minh Đức

Chúa Kitô không loại bỏ các nền văn hóa nhưng đưa chúng tới chỗ thành toàn

Chúa Kitô không loại bỏ các nền văn hóa nhưng đưa chúng tới chỗ thành toàn



Trong lịch sử đức tin tại Đại Hàn người ta thấy Chúa Kitô không hủy bỏ các nền văn hóa, không xóa bỏ con đường của các dân tộc, qua các thế kỷ và các kỷ nguyên tìm kiếm sự thật và thực thi tình yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Chúa Kitô không loại bỏ điều tốt lành, nhưng làm cho nó tiến tới và đưa nó tới chỗ thành toàn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương tham dự buoi tiếp kiến sáng thứ tư 20-8-2014 trong đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vaticăng.

Như qúy vị và các bạn biết, Đức Thánh Cha vừa mới công du Nam Hàn về, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu kinh nghiệm và một số cảm tưởng của ngài. Đức Thánh Cha nói: Trong những ngày vừa qua tôi đã hoàn thành chuyến tông du bên Đại Hàn, và hôm nay cùng anh chị em tôi cảm tạ Thiên Chúa vì ơn trọng đại này. Tôi đã có thể viếng thăm một Giáo Hội trẻ trung và năng động, được xây dựng trên chứng tá của các vị tử đạo và được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo, trong một đất nước, nơi các nền văn hóa á châu và sự mới mẻ trường tồn của Tin Mừng gặp gỡ nhau.

Tôi muốn một lần nữa bầy tỏ lòng biết ơn của tôi đối với các anh em Giám Mục thân mến của Đại Hàn, với bà tổng thống Cộng hòa, các giới chức lãnh đạo và tất cả những ai đã cộng tác vào chuyến viếng thăm này.

Ý nghĩa của chuyến tông du có thể được cô đọng trong ba từ: ký ức, hy vọng và chứng tá. Cộng Hòa Đại Hàn là một quốc gia đã có một sự phát triển kinh tế đáng kể và nhanh chóng. Dân chúng là những người làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, trật tự và phải duy trì sức mạnh đã thừa hưởng của cha ông.

Trong tình trạng này Giáo Hội là người giữ gìn ký ức và niềm hy vọng: đó là một gia đình thiêng liêng trong đó người lớn thông truyền cho giới trẻ ngọn đuốc đức tin đã nhận được từ người già; ký ức của các chứng nhân trong hiện tại và niềm hy vọng trong tương lai. Trong viễn tượng này có thể đọc hai biến cố chính của chuyến viếng thăm: việc phong chân phước cho 124 vị Tử Đạo Đại Hàn, thêm vào số các vị đã được phong hiển Thánh cách đậy 30 năm bởi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; và cuộc gặp gỡ với giới trẻ nhân Ngày giới trẻ công giáo Á châu kỳ 6.

Người trẻ luôn luôn là một con người tìm kiếm cái gì đáng để sống, và vị Tử đạo làm chứng tá cho cái gì đó, còn hơn thế nữa cho Một Ai Đó, đáng để hiến mạng sống mình cho Vị ấy. Thực tại này là Tình Yêu của Thiên Chúa, đã nhập thể nơi Đức Giêsu, Chứng Nhân của Thiên Chúa Cha. Trong hai thời điểm của chuyến viếng thăm dành cho giới trẻ Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã làm cho chúng tôi tràn ngập niềm vui và niềm hy vọng, mà các người trẻ sẽ đem theo về trong các quốc gia khác nhau, và nó sẽ sinh biết bao thiện ích!

Giáo Hội tại Đại Hàn cũng giữ gìn ký ức và vai trò ưu tiên, mà các giáo dân đã có ngay từ thời bắt đầu của đức tin, cũng như trong công tác rao truyền Tin Mừng. Thật thế, trên phần đất này cộng đoàn kitô đã không được thành lập bởi các thừa sai, nhưng bởi một nhóm người trẻ đại hàn thuộc hậu bán thế kỷ 18. Họ bị hấp dẫn bởi vài văn bản kitô, họ học hiểu chúng và chọn chúng làm luật sống. Một người trong nhóm họ đã được gửi sang Bắc Kinh để lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và rồi, tới lượt mình, giáo dân đó đã rửa tội cho các bạn. Từ hạt nhân đầu tiên đó đã phát triển một cộng đoàn lớn, ngay từ ban đầu và trong khoảng một thế kỷ đã chịu các bắt bớ tàn bạo, với hàng ngàn vị tử đạo. Như vậy Giáo Hội tại Đại Hàn đã được xây dựng trên đức tin, trên dấn thân truyền giáo và sự tử đạo của các giáo dân trung thành.

Các kitô hữu đại hàn đầu tiên lấy cộng đoàn kitô tiên khởi Giêrusalem thời các tông đồ làm mô thức, bằng cách thực thi tình yêu thương huynh đệ vượt mọi khác biệt xã hội. Vì thế tôi đã khích lê các kitô hữu ngày nay quảng đại trong việc chia sẻ với các anh chị em nghèo túng và các người bị gạt bỏ, theo Tin Mừng thánh Mátthêu chương 25: ”Tất cả những gì các ngươi đã làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta, là đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Anh chị em thân mến, trong lịch sử đức tin tại Đại Hàn người ta thấy Chúa Kitô không hủy bỏ các nền văn hóa, không xóa bỏ con đường của các dân tộc, qua các thế kỷ và các kỷ nguyên tìm kiếm sự thật và thực thi tình yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Chúa Kitô không loại bỏ điều tốt lành, nhưng làm cho nó tiến tới và đưa nó tới chỗ thành toàn.

Trái lại, điều mà Chúa chiến đấu và đánh bại là kẽ dữ, kẻ gieo cỏ lùng giữa con người với nhau, giữa các dân tộc với nhau. Nó gieo thuốc độc của hư vô trong trái tim người trẻ. Điều này thì Chúa Giêsu Kitô đã chiến đấu và đã thắng với Hy tế tình yêu của Người. Và nếu chúng ta ở trong Người, trong tình yêu của Người, thì cả chúng ta nữa, như các vị Tử Đạo, chúng ta có thể sống và làm chứng cho chiến thắng của Người. Với niềm tin này chúng tôi đã cầu nguyện và giờ đây chúng tôi cũng cầu nguyện để mọi con cái của đất nước Đại Hàn, đang chịu đau khổ vì các hậu qủa của chiến tranh và chia rẽ, có thể hoàn thành con đường của tình huynh đệ và sự hòa giải.

Chuyến công du này đã được soi sáng bởi lễ Đức Maria hồn xác lên trời. Từ trên cao, nơi Mẹ hiển trị với Chúa Kitô, Mẹ Giáo Hội đồng hành với lộ trình của dân Chúa, nâng đỡ các bước chân mệt mỏi nhất, an ủi những người đang sống trong thử thách, và giữ gìn cho chân trời của niềm hy vọng được rộng mở. Nhờ lời bầu cử hiền mẫu của Mẹ, xin Chúa luôn chúc lành cho dân tôc Đại Hàn, ban cho họ bòa bình và thịnh vượng, và xin Chúa chúc lành cho Giáo Hôi sống trên vùng đất này, để Giáo Hội luôn luôn phong phú và tràn đầy niềm vui của Phúc Âm.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện. Chào các nhóm nói tiếng Pháp ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho toàn Giáo Hôi và các cộng đoàn Á châu, cũng như cho tất cả các kitô hữu bị bách hại trên thế giới, cách riêng các kitô hữu tại Irak, cũng như cho các nhóm tôn giáo thiểu số không kitô nhưng cũng bi bách hại. Ngài chào một gia đình Pháp về Roma hành hương với 6 người con và hai con lừa.

Đức Thánh Cha cũng chào các trẻ em giúp lễ đảo Malta và cám ơn các em đã giúp lễ tại đền thờ Thánh Phêrô trong tháng vừa qua. Ngỏ lời với các đoàn hành hương nói tiếng Đức ngài chào các anh chị em Đại Hàn sống tại Đức, Áo và Thụy Sĩ về hành hương Roma. Ước chi chúng ta có thể học từ nhau và nâng đỡ nhau trong đức tin. Chúng ta hãy tin tưởng cầu xin Thiên Chúa để nhân dân Đại Hàn khổ đau vì các hậu qủa của chiến tranh và chia rẽ có thể hoàn thành con đường hòa giải trọn vẹn.

Chào các tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha nói ngài hướng tới Ngày quốc tế giới trẻ tại Cracovia, và cầu xin cho các chuẩn bị là dịp cho tất cả mọi người đào sâu đức tin, đức cậy và đức mến. Ngài đặc biệt cám ơn các bạn trẻ đã tham dự các buổi tĩnh tâm hay hành hương trong mùa hè để bầy tỏ lòng yêu mến và cầu nguyện theo các ý chỉ của ngài.

Chào các tín hữu Italia Đức Thánh Cha ca ngợi lòng can đảm của các tham dự viên hành hương bằng canô từ Loreto về Roma, cũng như đoàn hành hương Pháp đi lừa về Roma. Bên cạnh đó là các tham dự viên cuộc hành hương Phanxicô cho hóa bình đi bộ từ đảo Siclila về Assisi. Ngài cầu chúc các sáng kiến này thúc đẩy mọi người dấn thân cho hòa bình trên thế giời.

Ngài cũng cám ơn tín hữu về các lời chia buồn vì tai nạn xe hơi xảy ra cho gia đình ngài bên Argentina, khiến cho vợ và hai con của môt người cháu ruột tử nạn. Ngài nói: Đức Giáo Hoàng cũng có một gia đình. Chúng tôi gồm 5 anh em, tôi có 16 đứa cháu, và một trong các người cháu này đã bị tai nạn xe hơi. Vợ và hai con nhỏ một tuổi và mấy tháng bị chết, còn anh ta đang trong tình trạng nguy kịch ở nhà thương. Tôi xin cám ơn anh chị em rất nhiều về các lời chia buồn và cầu nguyện.

Chào các bạn trẻ Đức Thánh Cha mời gọi họ luôn học nhìn lên Mẹ Maria và khẩn cầu Mẹ để đừng bị tội lỗi chiến thắng, và có thể sống các hoa trái của ơn thánh mà Chúa Giêsu Con Mẹ đem đến cho chúng ta.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha giúp 1 triệu mỹ kim cho người tị nạn Irak

Đức Thánh Cha giúp 1 triệu mỹ kim cho người tị nạn Irak



VATICAN. ĐTC Phanxicô đã giúp 1 triệu mỹ kim để góp phần cứu trợ các tín hữu Kitô và những người tị nạn khác ở Irak.

Số tiền này được chính ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đặc sứ của ĐTC, mang tới cho dân tị nạn trong cuộc viếng thăm của ngài tại thành phố Erbil ở miền bắc Irak từ ngày 12 đến 20-8 vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, ĐHY Filoni cho biết 75% ngân khoản được trao cho các tín hữu Công Giáo và 25% dành cho cộng đoàn người Yézidi theo một tôn giáo hỗn hợp gồm Hồi giáo và các yếu tố tôn giáo truyền thống địa phương. ĐHY cũng nói: ”ĐTC sai tôi đi thực hiện một sứ vụ nhân đạo chứ không phải sứ vụ ngoại giao. Đó cũng là điều tôi nhấn mạnh với các vị lãnh đạo chính quyền”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho 3 tờ báo ở Italia (Corriere della sera, Avvenire và La Repubblica), ĐHY đề nghị LHQ tổ chức một đội quân mũ xanh để bảo vệ các tín hữu Kitô bị quân Hồi giáo ISIS trục xuất khỏi gia cư vì không chịu trở lại Hồi giáo. ĐHY cũng nói đến các nhóm khủng bố Hồi giáo: ”Các nhóm này hoạt động mạnh, với võ khí đầy đủ và tối tân, và nhiều tiền bạc. Người ta đặt câu hỏi: làm sao việc chuyển những số tiền và các võ khí như thế có thể chuyển giao mà những người có nhiệm vụ kiểm soát lại không làm gì?” (Ansa 23-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Thánh Lễ an táng Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan


Thánh Lễ an táng Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Ngày 21.08.2014, tại Nguyện đường Bát phúc của Tu Đoàn Bác ái Xã hội, Thánh lễ an táng Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan đã được cử hành cách long trọng vào lúc 9g00 do Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết chủ tế.
Đồng tế với Đức giám mục Phan Thiết còn có 14 Giám mục khác của các giáo phận: Hà Nội, Huế, Lạng Sơn, Bùi Chu, Vinh, Đà Nẵng, Kontum, Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Xuân Lộc, Bà Rịa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên (Đức cha Phụ tá) và Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương cùng 200 linh mục đến từ nhiều giáo phận và dòng tu. Đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý vị trong linh tông huyết tộc của Đức cố giám mục Phaolô và hàng ngàn người từ nhiều giáo xứ của giáo phận. Cả anh chị em lương dân cũng đến hiệp thông.
Trước Thánh lễ, cộng đoàn được nghe đọc lại tiểu sử và di chúc của Đức cha Phaolô. Sau đó là các điện văn phân ưu từ khắp nơi, đặc biệt, có điện văn phân ưu của Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh; Đức hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc; Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Toà Thánh; Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Mở đầu Thánh lễ, Đức cha chủ tế mời gọi cộng đoàn:
Nếu như trong các thánh lễ trước đây Đức cha Phaolô cử hành trong tư cách là chủ tế hiến dâng của lễ cầu dâng cứu độ cho tất cả mọi người, thì hôm nay ngài diện diện giữa cộng đoàn ấm áp với mọi thành phần trong Hội Thánh Việt Nam là trong tư cách của của lễ, ngày hôm nay được mọi người hiến dâng cho Thiên Chúa. … Xin cộng đoàn chung lời cầu nguyện để của lễ hiến dâng đời ngài được Thiên Chúa chuẩn nhận, thanh luyện và thánh hoá, mở cửa thiên đàng cho ngài và dẫn dắt ngài vào quê hương vĩnh phúc.
Trong phần giảng lễ, Đức cha Giuse suy niệm Tin mừng Mt 5,1-12a về mối phúc thứ nhất “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”, là tâm niệm sống của Đức cố giám mục Phaolô:
“Cách nay 2 năm, khi chuẩn bị khánh thành nguyện đường Tu đoàn Bác ái Xã hội, chuyện trò với Đức cha Phaolô, được biết ước nguyện của ngài là trình bày một nguyện đường gói gọn cả “Bài giảng trên núi”: vị trí phải ở trung tâm của cộng đoàn, như xưa Chúa Giêsu ngồi đó, môn đệ vòng trong, dân chúng vòng ngoài và xa hơn là cỏ xanh ngút mắt; cấu trúc phải là bát giác hình tượng hoá “tám mối phúc thật” và chất liệu phải đơn sơ nhưng giầu ý nghĩa biểu trưng, như cộng đoàn thấy đây. Nghe xong, nhất là vào phòng khách, dừng chân trước bức phù điêu “Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ”, mới hiểu tấm lòng của ngài gắn bó thế nào với bát phúc, hay cụ thể hơn với mối phúc thứ nhất dành cho người nghèo. Và đó cũng chính là nét tiêu biểu trong đời Đức cha Phaolô, xin chia sẻ với cộng đoàn trong thánh lễ an táng ngài hôm nay.
1. Từ một xác tín “Phúc cho người nghèo”
Nếu trong “tám mối phúc thật” như bài Phúc Âm ghi lại, mối phúc dành cho người nghèo đứng vị trí đầu tiên, khiến một cách nào đó người ta hiểu đây là mối phúc phổ biến nhất, chẳng những vì nghèo thường là số đông lúc nào và ở đâu cũng dễ dàng gặp thấy, mà còn vì nghèo thường dắt díu cả gia đình dòng tộc như nghèo đói, nghèo cực, nghèo khốn, nghèo khổ… Nghèo có ai ham, và nghèo có xã hội nào thích. Nhưng nếu Chúa Giêsu dạy “phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” thì chẳng phải Ngài tôn vinh sự nghèo khổ, mà ngược lại chỉ muốn cho thấy nghèo có thể là cơ hội để làm giàu về hạnh phúc Nước Trời. Sau này Giáo hội nhận diện giá trị của đời sống nghèo, vì đó là theo gương Chúa Giêsu hiến mình vì Nước Trời, nhất là khi thanh thoát với của cải vật chất, người ta sẽ tín thác hơn vào tình yêu của Thiên Chúa quan phòng và dễ dàng cảm thông sẻ chia hơn với những người đồng cảnh ngộ.
Đức cha Phaolô đã sống mối phúc này với niềm xác tín đầy đặn. Những ai có dịp sống gần ngài đều công nhận như vậy. Cha Etcharren, nguyên bề trên Hội Thừa sai Paris (MEP), là cha sở của Đức cha Phaolô trước đây ở Đông Hà, Quảng Trị, nhận định: Đức cha Phaolô là một người vô cùng lạc quan, trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ, cách riêng thời chiến tranh ly tán và dịp tản cư vào Nam, ngài đã vui vẻ nhận cảnh sống nghèo và sẵn sàng chia sẻ cũng như cưu mang những người nghèo gặp được trên đường.
2. Đến bận tâm mục vụ “lo cho người nghèo”
Không chỉ trong đời sống riêng mà còn trong sinh hoạt mục vụ, Đức cha Phaolô đặc biệt quan tâm đến người nghèo, làm sao cho những người yếu thế này được nâng đỡ về tinh thần, giúp đỡ về vật chất và bênh đỡ khỏi những thiệt thòi về quyền lợi nhân sinh cũng như kinh tế. Có thể bảo đây chính là bận tâm lớn nhất của ngài, khi còn là linh mục hay khi đã nhận thêm trọng trách giám mục. Chẳng phải nói đâu xa, mới thứ Năm tuần trước, ngày 14/8, trong Hội nghị cấp tỉnh, phát biểu về “mô hình xây dựng đời sống văn minh tại các vùng dân cư”, ngài còn nêu lên kinh nghiệm: một lần đi mục vụ vùng Long Hương nơi cực bắc giáo phận Phan Thiết, cách đây chừng 150 km, ngang qua một bãi rác thấy có nhiều gia đình lầm than bới tìm cuộc sống trên đống phế thải, vừa tổn hại sức khỏe thân xác vừa tổn thất năng lực tinh thần, ngài đã giải quyết không đắn đo là lo cho 19 gia đình ấy có chỗ định cư, rồi đề nghị việc làm mới để người lớn có thể ổn định cuộc sống và trẻ thơ có điều kiện đến trường.
Phúc cho người nghèo, nhưng cũng phúc cho người biết chăm lo cho người nghèo. Cuộc đời Đức cha Phaolô là một dấu ấn không quên liên quan đến những người lâm cảnh túng quẫn mọi mặt, nhất là vào thời kỳ tao loạn phải dắt díu gánh gồng cô nhi người trẻ từ vĩ tuyến 17 vào Nam lập nên xứ Đông Hà nay còn đó, hay trường trại “Bồ câu Trắng” nay thành xứ Thánh Linh cận kề đây. Nhiều cô nhi năm nào giờ đã trưởng thành và chẳng bao giờ quên người cha đã cho mình cuộc sống xã hội, để xưng hô với ngài “bố bố-con con” nghe ấm áp tình cảm gia đình.
3. Để hình thành Tu đoàn Bác ái Xã hội, đem “Tin Mừng cho người nghèo”
Khi được Toà Thánh chọn làm Giám mục phó giáo phận Phan Thiết vào năm 2001, Đức cha Phaolô đã không ngần ngại chọn khẩu hiệu “Tin Mừng cho người nghèo” vốn đã là châm ngôn sống của ngài từ lâu. Với chức giám mục, nếu điều bất lợi là không còn được sống gần gũi với người nghèo như trước kia nữa, thì điều thuận lợi hơn là thực hiện được nhiều chương trình phát triển cho người nghèo không phân biệt lương giáo, từ dự án “đập nước tưới tiêu” cho vùng nông thôn khô cằn lửa cháy vùng Tân Hà (dân địa phương quen gọi là đập “cha Hoan”), đến những dự án “chăn nuôi gia súc” hàng trăm con, không chỉ để cải thiện đời sống mà còn hướng đến tích lũy làm giầu. Hồi chưa về giáo phận Phan Thiết, nghe ngài báo cáo trong các Hội nghị thường niên Hội đồng giám mục, nhất là thấy ngài coi trọng việc làm cụ thể hơn là tư duy lý thuyết, thú thực tôi không hiểu lắm, nhưng khi được mắt thấy tại chỗ, tôi đã bị thuyết phục: đúng là muốn đem Tin Mừng cho người nghèo, trước hết cần đem bác ái vào xã hội.
Thảo nào, trong nhiệm kỳ 2 làm chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội, năm 2004, ngài đã mạnh dạn thành lập Tu đoàn cùng tên gọi với Uỷ ban ngài đặc trách, với linh đạo truyền giáo qua nẻo bác ái, trong ước nguyện mỗi thành viên tu đoàn trở thành “Tin Mừng cho người nghèo”. Tại lối vào Tu đoàn đây, chắc cộng đoàn cũng kịp nhìn thấy tấm bảng ghi chữ “Thiên Thảo Đường”. Đó là chương trình thuốc chữa bệnh miễn phí tại vùng dân cư này cũng như tại các giáo điểm do ngài thiết lập, và theo nhãn giới của bài Phúc Âm, đây chính là “Tin Mừng cụ thể cho người nghèo” mọi lúc mọi nơi.
Đó là đôi nét khái quát về hành trình sống “bát phúc” của Đức cha Phaolô. Sống được như thế, vì ngài đã chọn Chúa trong người nghèo làm hạnh phúc. Những gì ngài tâm huyết chọn lựa và thực hiện chắc đã được Chúa lượng giá. Hôm nay, trong Thánh lễ an táng, chỉ xin Chúa nhớ lại lòng thương xót ngàn đời của Chúa, thương thanh tẩy lỗi lầm và ban hạnh phúc đời đời cho Đức cha Phaolô, người tôi trung đã hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội.
Và thưa Đức cha Phaolô, sinh thời ngài đã sống gắn bó với bát phúc, nhất là với “mối phúc dành cho người nghèo”, hôm nay cộng đoàn cầu nguyện cho Đức cha đạt tới đích điểm hạnh phúc là chính Thiên Chúa hằng sống, và một khi rời “Thiên Thảo Đường” đây để về thiên đường vĩnh phúc, xin Đức cha cũng nhớ đến mọi người đang thương mến cầu nguyện cho ngài. Amen”.








Sau lời nguyện hiệp lễ, linh mục niên trưởng Phanxicô Xaviê Phạm Quyền thay mặt Linh mục đoàn Phan Thiết từ biệt Đức cha Phaolô và linh mục tiên khởi của Tu đoàn, cha Giuse Đặng Văn Tiếp, dâng lời cảm tạ quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn.
Sau nghi thức tiễn biệt do cha Niên trưởng cử hành, linh cữu Đức cha Phaolô được đưa đến trước nguyện đường Bát phúc, an táng trong phần mộ theo di chúc ngài để lại. Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng chủ sự nghi thức trước phần mộ.
Đứng trước mộ phần giữa những hàng cây xanh, cộng đoàn phụng vụ cùng trầm tư tĩnh lặng, cảm nhận cuộc sống như được nối dài đến cõi thiêng liêng.
Mồ mả là chốn thiêng liêng nhất trong tâm thức người Việt. Mồ yên mả đẹp bao giờ cũng là phần thưởng lớn nhất và cũng là cuối cùng của một đời người. Trong mạch thời gian, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự sống thay đổi chứ không mất đi.
Sự tôn trọng đối với người đã chết hoà chung với sự tôn trọng đối với người còn sống. Ngôi mộ Đức cha Phaolô nằm trước nguyện đường có tiếng chuông ngân, có lời kinh hạt, có thánh lễ hằng ngày, giữa đoàn con cái Tu đoàn với cây xanh ruộng vườn nương rẫy. Một vòng đời đi qua, giống như một đoạn đường từ nhà ra đồng ruộng, lên rừng, rồi lại về nhà... Con người sinh ra ở trần gian không phải để rồi vĩnh viễn cư ngụ tại đó, trái lại, đây chỉ là khởi đầu một cuộc hành trình về với Chúa.
Một cuộc sống hiến dâng phục vụ được ân thưởng bằng một cái chết bình yên. Trong sự tiễn đưa nghĩa tình của mọi thành phần dân Chúa, trong sự đón nhận ấm áp của đất trời... Đức cha Phaolô thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu.
(Theo gpphanthiet.com)
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
C