Gà ông cha và người mục tử tốt lành
Buổi ban đầu…
Sau
hơn một năm được thụ phong linh mục, ngày 1.11.2007, lễ kính Các Thánh
Tử Đạo Việt Nam, cha Ngân nhận bài sai về làm chánh xứ tiên khởi của Tân
Khai. Ngày đó, đây là một xứ đạo vừa mới thành lập độ ba tháng, trước
là một họ lẻ thuộc giáo xứ Minh Hưng. Khi cha về, khuôn viên nhà xứ chỉ
là khu đất trống với cây xanh và cỏ dại bao phủ được giáo dân dâng cúng.
Tất nhiên là cũng chưa có thánh đường. Thương ông cha trẻ, mọi người
gợi ý mời ngài về một nhà giáo dân để trú ngụ tạm thời. Nhưng cha nhẹ
nhàng từ chối. Là người phục vụ, cha muốn được sống và cảm nhận trên
chính mảnh đất đã được dành riêng cho họ đạo. Và hành trình xây dựng
giáo xứ mới bắt đầu từ buổi gian nan ấy.
Phân phát những loại thuốc thiết yếu cho bà con |
Cha
dựng lên căn chòi tạm để ở và dùng vào các sinh hoạt cộng đồng. Thánh
lễ hằng ngày được cử hành trên mô đất bên cạnh. Dầu vậy, do một thời
gian dài không có các sinh hoạt phụng tự, đường đến Minh Hưng lại xa nên
nhiều người dần sinh ra nguội lạnh, do đó mỗi thánh lễ chỉ có vài chục
người tham dự. Với sự nhiệt huyết vốn có, sáng dâng lễ, trưa chiều cha
dành thời gian đi đến từng nhà viếng thăm, chuyện trò và gỡ rối cho
nhiều gia đình. Ban hành giáo, các giáo khu, hội đoàn của xứ cũng lần
hồi được thành lập. Tân Khai ngày một thêm sức sống.
Vốn
xuất thân là một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Việt Nam, ngoài việc chăm
lo họ đạo, cha vẫn dành thời giờ đi vào các sóc người dân tộc gần đó để
gặp gỡ, thăm hỏi, sẻ chia khó khăn với bà con. Khi thì tặng các gia đình
thiếu ăn vài thùng mì, chục ký gạo; lúc lại chia cho cả sóc những phần
quà được ân nhân biếu tặng; đặc biệt mỗi lần phát hiện có người ốm đau,
bệnh nặng, cha giúp họ đến bệnh viện chữa trị. Mới đây, chị Thị Lơ phát
hiện ung thư, không dám đi viện do không đủ tiền. Hay tin, cha lo xe
cùng giúp chi phí chuyển chị lên Sài Gòn điều trị. Đến nay bệnh tình đã
thuyên giảm nhiều, đều đặn hằng tháng đi tái khám, chị được cha phụ tiền
xe, tiền thuốc thang chạy chữa. “Nếu không nhờ có cha, chắc giờ này tôi không còn sống nổi”, chị thật lòng.
...bên đàn gà |
Những
người không Công giáo thì nhận ra người “chú”, người “anh” mà trước nay
vẫn hay quen gọi là một linh mục, họ cảm mến và dần dà muốn tìm hiểu về
đạo. Trước thực tế là người dân tộc phần lớn không biết chữ, cha Ngân
không nản lòng mà nhẫn nại giảng giải, cắt nghĩa giáo lý. Trong chín năm
dày công vun trồng, chia sẻ yêu thương, cha đã rửa tội cho trên 230 tín
hữu sắc tộc, đa số là anh em dân tộc S’tiêng. Trong vùng có tất cả sáu
sóc người S’tiêng thì nay nơi nào cũng đều có tín hữu Công giáo, đặc
biệt, sóc Bưng là sóc toàn tòng.
Từ
vùng đất hoang sơ, đến nay nhà giáo lý, nhà xứ đã mọc lên khang trang.
Tháng 7.2010, giáo xứ khởi công xây dựng nhà thờ mới và dự tính vào cuối
tháng 10 năm nay sẽ khánh thành, khép lại chuỗi ngày dự lễ chịu nắng,
chịu mưa trước đó.
… và hành trình tiếp bước
Thương
đoàn con chiên hằng tuần phải cuốc bộ ra nhà thờ trên khúc đường đất
quanh co, trồi sụt, lắm khi trơn trượt vì trời mưa, cha xin về một chiếc
xe bị bỏ đi, mang sơn sửa để chở mọi người ra dự lễ và học giáo lý. Qua
mối quen biết cùng dày công lặn lội, cha còn đem về những thùng lớn
chứa các loại thuốc men thông dụng để phân phát lại cho bà con. Cứ vài
tuần, sau thánh lễ sáng Chúa nhật, giáo dân lại được nhận thuốc từ tay
“ông cố”. Cũng có nhiều hôm sân nhà thờ trở thành bệnh viện dã chiến bởi
những đoàn từ thiện, y bác sĩ từ nhiều nơi được cha mời về khám bệnh,
phát thuốc miễn phí cho bà con. Khuôn viên kín bóng người chờ đợi, vẻ
nhộn nhịp khuấy động bầu khí thanh vắng vùng thôn quê.
Lớp học hè trong những ngày đầu Tân Khai được thành lập |
Trong
những lần ghé thăm bà con, điều làm cha ray rứt là không ít gia đình
phải sống dưới mái nhà xập xệ, mong manh tạm bợ. Thế nên, sau khoảng
thời gian dài ngược xuôi lo toan, cha đã giúp xây dựng nhiều căn nhà
tình thương cho những hộ nghèo trong vùng. Ngoài ra, cha còn gởi đến tay
họ thẻ bảo hiểm y tế để hỗ trợ khi ốm đau.
Lớp
trẻ cũng được chú tâm không kém. Mỗi mùa hè đến, nhiều em phải phụ ba
mẹ cắt cỏ, đi mót mủ cao su, nếu có được chơi thì cũng chỉ quanh quẩn
trong vườn nhà với mấy trò dân dã như đá banh, lò cò, nhảy dây… Hiểu và
thương cho sự thiệt thòi ấy, cha mở thư viện mời một số thầy bên Hội
Thừa Sai, các bạn sinh viên tới dạy văn hóa cùng kỹ năng sống cho các
em. Những gương mặt đen nhẻm, bụi bặm rạng rỡ hẳn vì được thả hồn vào
những trang sách, những trò sinh hoạt mới.
Một
lần đi xức dầu cho bệnh nhân mắc bệnh lao, trước khi về, cha khuyên bà
nên ăn uống bồi bổ mới đủ sức chống chọi bệnh tật. Trên đường về, cha
nhận ra lời khuyên của mình không thực tế vì cuộc sống nghèo khó khiến
họ đâu đủ khả năng thực hiện. Cả đêm trằn trọc, cha nghĩ ra cách “chữa
cháy” là mỗi Chúa nhật mời bà con dân tộc đến dự lễ ăn một bữa chất
lượng nhằm bổ sung dinh dưỡng. Thấy đây chưa phải là cách làm bền vững,
cha lại mày mò dày công học hỏi, rồi cùng với các thầy giúp xứ dựng
trại, làm chuồng nuôi gà để tự túc nguồn thực phẩm chất lượng hơn.
Chuyến xe chuyên chở bà con từ các sóc ra tham dự thánh lễ |
Đến
nay, đàn gà đã có khoảng 500 con và cha dự tính năm sau sẽ phát triển
lên con số vài ngàn, lớp lấy trứng, lớp làm thịt để phục vụ bà con và
cung cấp gà giống, dạy kỹ thuật nuôi giúp sinh kế cho người dân. Cha tỏ
ra lạc quan: “Nuôi gà không mất nhiều vốn. Nếu mọi người biết chú tâm, đây cũng là một hướng đi trong tương lai”.
Mặt
trời vừa đứng bóng, dọn lại số thuốc vừa phát, cha lại mau mắn bưng xô,
bê chậu mang thức ăn ra cho lũ gà. Vị mục tử vẫn đang âm thầm từng ngày
chăm chút cho đời sống của bà con nghèo trong họ đạo.
ĐÌNH QUÝ
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét