label

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha tại Chile

Chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha tại Chile

Chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha tại Chile - RV
28/12/2017 10:27
SANTIAGO. Công việc chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ĐTC tại Chile từ ngày 15 đến 18-1-2018 đang tiến hành tốt đẹp.
 Đức Ông Héctor Gallardo, giám đốc về phụng vụ thuộc Ủy ban toàn quốc Chile chuẩn bị cuộc viếng thăm của ĐTC cho biết tổng cộng có 550 ca viên, và nhạc công, giáo dân và tu sĩ, trong ca đoàn đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ĐTC sẽ cử hành tại Công viên O'Higgins lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày 16-1 tới đây ở thủ đô Santiago. Địa điểm này có thể tiếp nhận nửa triệu người. Trong thánh lễ các tín hữu sẽ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình.
 Cha Patricio Trujillo, đặc trách tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC tại miền Araucania, cho biết ngày 17-1-2017, tại thành phố Temuco cách Santiago 600 cây số về hướng nam, trong thánh lễ, ĐTC sẽ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các thổ dân và hòa bình tại miền nam Chile. Việc kiến thiết bàn thờ đã được khởi sự tại căn cứ không quân Maquehue, cùng với việc chuẩn bị khu vực hành lễ.
 Cha Trujillo cho biết sẽ có buổi cầu nguyện của ĐTC với các thổ dân Mapuche thuộc 23 cộng đoàn. Về vấn đề có thể có những cuộc biểu tình của người Mapuche chống đối Nhà Nước và Giáo Hội, nhân dịp ĐTC đến viếng thăm vùng Araucania, Cha Trujillo nói: Giáo Hội an tâm về vấn đề này, vì dân tộc Mapuche nói chung là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, thích gặp gỡ và hội họp. Chỉ có một thiểu số người Mapuche gây khó khăn.
 Thổ dân Mapuche sống ở miền nam Chile và Argentina. Họ thuộc vào số những người nghèo nhất và ít được học hành nhất trong dân chúng tại Chile. Sau khi nước này được độc lập hồi năm 1818 đã xảy ra những vụ quân đội xâm nhập các vùng của thổ dân, truất hữu tài sản, bài trừ truyền thống và ngôn ngữ của người Mapuche. Từ lâu vẫn đòi chính quyền nước này trả lại đất đai cho họ. Nhiều vụ biểu tình phản đối đã diễn ra. Một số thành phần cực đoan Mapuche đã đốt nhiều thánh đường và cơ sở Công Giáo tại một số nơi vì cho rằng Giáo Hội đứng về phe nhà nước.
 Về việc có thể có nhiều tín hữu hành hương từ nước ngoài đến Chile để tham dự các cuộc gặp gỡ với ĐTC trong 3 ngày viếng thăm của ngài, Thứ trưởng nội vụ Mahmud Aleuy cho biết có sự tăng cường các dịch vụ hải quan. Chính phủ sẽ gia tăng nhân viên và phương tiện kiểm soát ở biên giới, đồng thời thiết lập các hạ tầng cơ sở thích hợp để đón tiếp những người nước ngoài và người Chile tham dự các sinh hoạt của ĐTC.
 Chặng chót trong cuộc viếng thăm của ĐTC ở Chile sẽ diễn ra tại thành phố Iquique ở mạn bắc. Tại đây ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ với nghi thức đội triều thiên cho tượng Đức Mẹ Camêlô, như ĐGH Gioan Phaolô 2 đã làm hồi năm 1987. Trong số các tín hữu tham dự thánh lễ cũng có nhiều người di dân.
 Các cộng tác viên của ban tổ chức đang chuẩn bị 600 ngàn bánh lễ và kiến thiết 4.500 mét khối bàn thờ. (Radio.uchile.cl 20171226)
 G. Trần Đức Anh OP 

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 - ANSA
27/12/2017 14:20
VATICAN. Hôm 26-12-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết giống như mọi năm, ngày 21-12 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã đến Đan viện Mẹ Giáo Hội ở Nội thành Vatican để chúc mừng Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 nhân dịp lễ Giáng Sinh.
 Hai vị đã gặp gỡ và trao đổi với nhau nửa tiếng đồng hồ.
 Đức Biển Đức 16 năm nay 90 tuổi và sẽ tròn 91 tuổi vào tháng 4-2018.
 Mặt khác, ký giả Peter Seewald người Đức, mới viếng thăm Đức Biển Đức 16 và kể với báo Kurier số ra ngày 24-12-2017 ở Áo rằng ”sức khỏe của Đức nguyên Giáo Hoàng thoạt nhìn có vẻ không tốt: Hồi tháng 10, ngài bị ngã và bị thương nhẹ ở mặt. Vết thương nay đã lành. Việc đi đứng của ngài ngày càng khó khăn. Ngài nói nhỏ, nhưng vẫn rất tỉnh táo và chăm chú, vui tính và khôi hài”.
 Hồi năm ngoái, ký giả Seewald đã xuất bản cuốn sách mới phỏng vấn Đức Biển Đức 16 với tựa đề ”Những cuộc nói chuyện cuối cùng” (Letzte Gaspraeche) (KNA 26-12-2017)
 G. Trần Đức Anh OP 

NGÀY ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA CÁC CHA HƯU DƯỠNG 2017

NGÀY ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA CÁC CHA HƯU DƯỠNG

Sáng nay ngày 27/12/2017, theo truyền thống hàng năm, giáo phận Long Xuyên chọn ngày lễ kính thánh Gioan Tông đồ để ghi ơn đáp nghĩa đối với quý cha hưu dưỡng.


Tất cả quý cha đã hưu dưỡng tại các nhà hưu trong giáo phận đã quy tụ về Nhà hưu Cần Xây để cùng với Đức cha, quý cha, quý ân nhân và thân nhân dâng thánh lễ tạ ơn Chúa đã ban muôn ơn lành cho quý cha hưu trong năm vừa qua. Trong dịp này, Giáo phận cũng tỏ lòng ghi ơn đối với quý cha đã dâng hiến cả cuộc đời của mình để phục vụ giáo phận qua bữa cơm thân tình và những chia sẻ vật chất cũng như tinh thần.

Nhân dịp này, Đức cha chánh cũng làm phép ngôi nhà nguyện vừa được xây dựng trong khuôn viên nhà hưu Cần Xây để giúp quý cha dễ dàng đi lại trong việc dâng thánh lễ chung với nhau.










Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Sứ điệp Giáng sinh Urbi et Orbi 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô





Sứ điệp Giáng sinh Urbi et Orbi 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô
WHĐ (26.12.2017) – Theo truyền thống vào lễ Chúa Giáng sinh hằng năm, lúc 12g trưa thứ Hai 25-12-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp Giáng sinh cùng với Phép lành Urbi et Orbi (cho thành Roma và cho toàn thế giới), từ ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô.
Năm nay, qua hình ảnh Hài nhi Giêsu, Đức Thánh Cha đặc biệt nhớ đến các trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới đang lao đao khốn khổ vì chiến tranh và xung đột, vì khủng hoảng nhân đạo, vì cha mẹ thất nghiệp, vì tuổi thơ bị cướp mất, các trẻ em bị cưỡng bức lao động hay cầm súng, và các trẻ em phải lìa bỏ quê hương làm mồi ngon cho những kẻ buôn người…
Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người “dấn thân kiến tạo thế giới trở nên nhân bản hơn, xứng đáng hơn dành cho trẻ em hôm nay và mai sau”.
Sau đây là toàn văn Sứ điệp Giáng sinh Urbi et Orbi 2017 của Đức Thánh Cha:
***
Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em mừng lễ Giáng Sinh trong niềm hân hoan!
Chúa Giêsu đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Bêlem. Người đã chào đời, không do ý muốn của nam nhân, nhưng do tình yêu của Thiên Chúa Cha ban tặng. Chúa Cha là Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không bị hư mất, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Chính hôm nay, biến cố này được tái diễn trong Giáo hội đang lữ hành. Đức Tin của người Kitô hữu, qua Phụng vụ lễ Giáng Sinh, làm sống lại mầu nhiệm Chúa đến, nhận lấy thân xác phải chết của con người, trở nên thấp hèn và nghèo khổ để cứu độ chúng ta. Chúng ta xúc động biết bao trước lòng từ bi lân tuất của Chúa Cha.
Những người đầu tiên nhìn thấy vinh quang khiêm hạ của Đấng Cứu Thế, sau Đức Mẹ và Thánh Giuse, là các mục đồng Bêlem. Họ nhận ra dấu chỉ đã được các thiên thần loan báo và đã thờ lạy Hài nhi. Những người khiêm hạ và tỉnh thức này là tấm gương cho các tín hữu mọi thời. Đứng trước mầu nhiệm Chúa Giêsu, niềm tin của họ không bị chao đảo trước vẻ bần hàn của Người. Trái lại, như Mẹ Maria, họ tin vào lời Chúa nói và chiêm ngắm vinh quang của Người với đôi mắt đơn sơ. Trước mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, các Kitô hữu khắp nơi đều dùng những lời của Thánh Gioan Thánh sử mà tuyên xưng: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).
Ngày nay, giữa lúc những cơn gió chiến tranh thổi khắp thế giới và mô hình phát triển lỗi thời vẫn tiếp tục gây suy thoái về nhân bản, xã hội và môi trường, lễ Chúa Giáng Sinh mời gọi chúng ta tập trung vào dấu chỉ của Hài nhi và nhận ra Người trên gương mặt các trẻ thơ, nhất là những trẻ giống như Chúa Giêsu “không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7).
Chúng ta gặp Chúa Giêsu nơi trẻ em Trung Đông vẫn phải chịu đau khổ vì những căng thẳng đang gia tăng giữa Israel và Palestin. Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta hãy nài xin Chúa ban hoà bình cho Giêrusalem và toàn Thánh Địa. Chúng ta cầu nguyện cho các bên nối lại cuộc đối thoại và cuối cùng có thể đạt được cách giải quyết thông qua đàm phán để hai Nhà nước cùng tồn tại trong hoà bình với đường biên giới được cả hai bên chấp thuận và được quốc tế công nhận. Cũng xin Chúa nâng đỡ mọi nỗ lực của tất cả những người trong cộng đồng quốc tế có thiện chí giúp đỡ vùng đất tang thương này, mặc dù đang có biết bao trở ngại nghiêm trọng, tìm được sự hoà hợp, công lý và an ninh được mong đợi đã lâu.
Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu trên gương mặt trẻ thơ Syria còn in hằn dấu vết chiến tranh trong những năm qua, nay máu vẫn đang đổ trên đất nước này. Xin cho đất nước Syria thân yêu rồi cũng khôi phục sự tôn trọng phẩm giá của từng con người qua việc cùng nhau dấn thân tái thiết cơ cấu xã hội, bất kể thành phần sắc tộc và tôn giáo. Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu nơi trẻ thơ Iraq đã chịu thương tích và bầm dập vì những xung đột suốt mười lăm năm qua trên đất nước này, và nơi những trẻ thơ Yemen, đất nước vẫn diễn ra cuộc xung đột chẳng mấy ai để ý, đang đặt ra những vấn đề nhân đạo nghiêm trọng đối với dân chúng đang chịu đói khổ và dịch bệnh lan tràn.
Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em châu Phi, nhất là các trẻ đang chịu đau khổ tại Nam Sudan, Somalia, Burundi, Cộng hoà Dân chủ Congo, Cộng hoà Trung Phi và Nigeria.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi những trẻ em trên khắp thế giới, những nơi mà nền hoà bình và an ninh đang bị các hiểm họa căng thẳng và xung đột mới phát sinh đe dọa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho việc giải quyết cuộc đối đầu trên bán đảo Triều Tiên và cầu nguyện cho toàn thế giới biết quan tâm đến việc tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta trao đất nước Venezuela cho Chúa Hài Đồng, xin Người ban cho cuộc đối thoại giữa các thành phần trong xã hội được nối lại vì lợi ích của mọi người Venezuela mến yêu. Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em và gia đình các em đang gánh chịu đau khổ vì bạo lực trong cuộc xung đột tại Ukraina đã gây hậu quả nặng nề về nhân đạo; xin Chúa sớm ban hoà bình cho đất nước thân yêu này.
Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em có cha mẹ lâm cảnh thất nghiệp, đang phải nhọc nhằn vất vả với mong muốn cho con cái mình được một tương lai yên ổn. Và nhìn thấy Người nơi những trẻ em bị cướp mất tuổi thơ, những trẻ em dù còn rất nhỏ đã bị cưỡng bức lao động hay bị những đội quân đánh thuê táng tận lương tâm cưỡng bức đi lính.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi nhiều trẻ em bị buộc phải lìa bỏ quê hương, sống trong những điều kiện phi nhân và dễ dàng trở thành mồi ngon cho những kẻ buôn người. Qua đôi mắt các em, chúng ta nhìn thấy thảm kịch của tất cả những người bị buộc phải tản cư, tính mạng bị đe dọa trong những chuyến hành trình vắt kiệt sức lực, nhiều khi kết thúc trong bi thảm. Tôi lại gặp Chúa Giêsu nơi những trẻ thơ trong cuộc tông du mới đây tại Myanmar và Bangladesh, và tôi mong cộng đồng quốc tế sẽ không ngừng làm việc để bảo vệ một cách thích đáng phẩm giá của các nhóm thiểu số tại khu vực này. Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi đau đớn của người không được đón nhận và tình cảnh cơ cực biết bao khi không có chỗ ngả đầu. Xin cho lòng chúng ta đừng khép lại như những cõi lòng tại các ngôi nhà ở Bêlem.
Anh chị em thân mến,
Chúa Giáng Sinh còn được tỏ cho chúng ta qua dấu chỉ: “một hài nhi được bọc tã” (Lc 2,12). Như Đức Mẹ và Thánh Giuse, như các mục đồng Bêlem, chúng ta hãy chào đón Hài nhi Giêsu, tình yêu của Thiên Chúa, làm người vì chúng ta. Đồng thời, nhờ ơn Chúa Hài Đồng trợ giúp, chúng ta hãy dấn thân kiến tạo thế giới trở nên nhân bản hơn, xứng đáng hơn dành cho trẻ em hôm nay và mai sau.
Anh chị em thân mến,
Tôi thân ái gửi lời chào anh chị em từ khắp nơi trên thế giới đang quy tụ tại quảng trường này, và chào tất cả anh chị em tại các quốc gia khác nhau đang hợp cùng chúng tôi qua truyền thanh, truyền hình và những phương tiện truyền thông khác.
Xin cho biến cố giáng sinh của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ, canh tân tâm hồn, khơi dậy khát vọng kiến tạo một tương lai ngày càng thắm tình huynh đệ và liên đới, mang lại an vui và hy vọng cho mọi người. Chúc anh chị em mừng lễ Giáng Sinh trong niềm hân hoan!
(Nguồn: http://w2.vatican.va)
 
Thành Thi chuyển ngữ

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh 2017

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh 2017

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh 2017
24/12/2017 16:06

PHẦN:

VATICAN. Trong bài giảng lễ Vọng Giáng Sinh, ĐTC mời gọi các tín hữu nhận ra sự hiện của Chúa trong tất cả những tình trạng mà chúng ta tưởng Ngài vắng bóng.
Thánh lễ ĐTC Phanxicô đã cử hành bắt đầu lúc 21 giờ 30 tối ngày 24-12-2017, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu ngồi chật Đền Thờ Thánh Phêrô, trong đó có nhiều vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Đồng tế với ngài có khoảng 40 Hồng Y, 25 Giám Mục và 250 linh mục.
Đầu thánh lễ, ĐTC đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính. Gần bàn thờ có đặt một tượng bằng gỗ nhiều mầu hình Đức Mẹ đang ẵm Chúa Hài Nhi. 12 em bé, từ 6 đến 11 tuổi, trong y phục cổ truyền của 9 nước, đã đặt các bó hoa cạnh ảnh tượng Chúa Hài Đồng. Các em được chọn từ những nước như Italia, Ấn độ, Phi châu, Ba Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Chile và Peru.
Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Luca về sự giáng sinh của Chúa Giêsu. Mẹ Maria ”sinh con đầu lòng, bọc trong tã và đặt trong máng cỏ, vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (Lc 2,7)... ”Con Thiên Chúa đã phải sinh ra trong một hang súc vật vì không có chỗ cho Ngài. 'Ngài đến giữa dân Ngài, nhưng dân Ngài không đón nhận Ngài' (Ga 1,11)... Nhưng chính giữa tăm tối của một thành thị không có không gian cũng chẳng có chỗ cho người lạ đến từ phương xa, giữa tối tăm của một thành phố đang chuyển động và trong trường hợp này, dường như muốn xây dựng bằng cách quay lưng lại với người khác, chính tại đó đã nảy sinh một tia sáng cách mạng của Thiên Chúa dịu dàng. Tại Bethlehem đã hé mở cho những người đã bị mất đất đai, tổ quốc, các giấc mơ; cả những người đã bị ngộp vì một cuộc sống khép kín”.
ĐTC nhận xét rằng ”trong những bước chân của Thánh Giuse và Mẹ Maria có tiềm ẩn bao nhiêu những bước chân khác. Chúng ta thấy những dấu vết của những gia đình ngày nay buộc lòng phải ra đi. Chúng ta thấy những dấu vết của hằng triệu người không chọn ra đi, nhưng họ buộc lòng phải tách rời những người thân yêu, bị trục xuất khỏi quê hương họ. Trong nhiều trường hợp, sự ra đi đó đầy hy vọng, đầy tương lai; trong nhiều trường hợp khác, sự khởi hành ấy chỉ có một tên, đó là sự sống còn. Sống còn trước những Vua Hêrôđê ngày nay, để áp đặt quyền bính và gia tăng giàu sang, họ không do dự đổ máu người vô tội.”
ĐTC nhắc đến ”những người chăn súc vật là những người đầu tiên được Tin Mừng. Do công việc, họ là những người phải sống ngoài lề xã hội. Do hoàn cảnh sống, do những nơi họ buộc lòng phải cư ngụ tại đó, họ không chu toàn được mọi giới luật nghi thức thanh tẩy tôn giáo, và vì thế bị coi là người ô uế.. xa cách người khác, và sợ hãi.. Nhưng Thiên Thần nói với họ: ”Đừng sợ, này đây tôi loan báo cho anh em một tin vui lớn, sẽ là tin vui của toàn dân: Ngày hôm nay, trong thành của Vua Davít, một vị Cứu Thế đã sinh ra cho anh em, là Chúa Kitô” (Lc 2,10-11).
”Đó là niềm vui mà trong đêm nay chúng ta được mời gọi chia sẻ, cử hành và loan báo. Niềm vui mà Thiên Chúa, theo lượng từ bi vô biên, ôm lấy chúng ta là dân ngoại, là kẻ tội lỗi và ngoại kiều, và Ngài thúc đẩy chúng ta cũng làm như vậy”.
Trong ý hướng đó, ĐTC mời gọi các tín hữu nhận ra Thiên Chúa trong tất cả những trình trạng mà chúng ta tưởng Ngài vắng bóng. Chúa ở trong người khách lạ âm thầm viếng thăm, bao nhiêu lần ta không nhận ra, người khách lạ bước đi trong các thành thị và khu phố của chúng ta, đi trên xe bus với chúng ta, gõ cửa nhà chúng ta”.
ĐTC kêu gọi các tín hữu đừng sợ cảm nghiệm những hình thức tương quan mới trong đó không một người nào phải cảm thấy tại lãnh thổ này mình không có chỗ. Giáng sinh là mùa để biến sức mạnh của sợ hãi thành sức mạnh của bác ái.. Lòng bác ái không trở nên quen thuộc với những bất công, coi nó như thể là điều tự nhiên, trái lại, giữa những căng thẳng và xung đột, có cản đảm trở thành ”căn nhà bánh”, trở nên phần đất đón tiếp.
”Nơi Hài nhi Bethleem, Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta để làm cho chúng ta trở thành người giữ vai chính trong cuộc sống chung quanh. Chúa hiến thân để chúng ta bồng ẵm Ngài trên đôi tay, để chúng ta bế lên và ôm lấy Ngài. Để trong Ngài, chúng ta không sợ ẵm lấy, nâng lên và ôm lấy người khác, người ngoại kiều, kẻ trần trụi, người bệnh và tù mhân (Xc Mt 25,35-36)
Và ĐTC kết thúc với lời cầu nguyện dâng lên Chúa Hài Đồng: ”Lạy Hài Nhi bé nhỏ ở Bethlehem, xúc động vì niềm vui của hồng ân này, chúng con xin Chúa để cho tiếng khóc của Chúa thức tỉnh chúng con khỏi thái độ dửng dưng, xin mở mắt chúng con trước những người đau khổ. Ước gì sự dịu dàng của Chúa đánh thức sự nhạy cảm của chúng con và làm cho chúng con cảm thấy mình được mời gọi nhận ra Chúa nơi tất cả những người đến trong thành thị, trong lịch sử và cuộc sống chúng con. Ước gì sự dịu dàng cách mạng của Chúa thuyết phục chúng con cảm thấy được mời gọi đảm trách niềm hy vọng và dịu dàng của dân chúng con”
Sau khi ban phép lành cuối thánh lễ, ĐTC đã bồng tượng Chúa Hài Đồng Giêsu đi rước tới hang đá tại nhà nguyện có giếng rửa tội. (SD 24-12-2017)
G. Trần Đức Anh OP

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

GIÁNG SINH 2017 TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

GIÁNG SINH 2017 TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

    Năm nay Giáng sinh về trong tiết trời se lạnh, làm cho mọi người cảm nghiệm được giá trị của ngày Chúa sinh ra. Người đi vãn cảnh, người đi dự lễ đôi khi chỉ nhìn thấy bề ngoài với hang đá đồ sộ, đèn hoa rực rỡ và tấm tắc khen hang đá đẹp chứ chưa nhìn được giá trị thật của Hài Nhi nằm trong đó. Tại giáo xứ Cần Xây, hang đá trang hoàng theo hai thái cực, cho người tham quan và cho giáo dân suy niệm. Phần trang hoàng lộng lẫy thu hút khách vãn cảnh cũng là để quảng bá niềm tin và biết đâu được trong những dịp lễ như thế này, họ tìm hiểu về Chúa, biết Chúa và gặp Chúa. Còn người Công Giáo hãy dừng tại hang đá nơi Chúa ngự, là một túp lều trống trải nơi tránh rét của bò lừa, mùi hôi hám của nhưng con vật phóng uế và cái lạnh cắt da cắt thịt. Vua vũ trụ đã sinh ra trong nghèo hèn như vậy đó. Cái lạnh chúng ta đang có, không thấm thía gì cái lạnh lúc Chúa sinh ra, vậy mà phải mặc áo ấm mới chịu nổi, còn Chúa chỉ nhờ rơm rạ, hơi thở của bò lừa để giữ ấm. Cha Kiệt trong bài giảng thánh lễ đêm đã nói chỉ vì chữ yêu, yêu ai? Yêu mỗi người chúng ta, Thiên Chúa trở nên quái gở, từ ngai vàng xuống cung lòng mẹ Maria và sinh ra trong chuồng bò. Là vua vũ trụ trở thành nghèo hèn, đau khổ, vâng phục, chết nhục nhã…Thật là yêu hết mình, yêu như điên để cứu người mình yêu. Còn chúng ta đã yêu lại Chúa thế nào? có dâng cho Chúa món quà sinh nhật nào không? Hãy làm như con nhện bằng chính công việc của mình là nhả tơ phủ kín cửa hang bảo vệ Chúa lúc người đi trốn Herode. Mỗi người chúng ta cũng vậy, hãy làm tốt bổn phận của người chồng, người vợ, người con là món quà quí giá nhất dâng tặng sinh nhật Chúa Hài Nhi như lời cha Thành Giảng thánh lễ rạng đông.
   Do hiệu ứng hang đá và tiếng đồn về Cần Xây, nên dòng người vãn cảnh rất đông chật cứng cả một đoạn đường và sân nhà thờ nhưng rất trật tự, họ thưởng thức diễn nguyện chúa sinh ra cũng rất nghiêm túc. Diễn nguyện năm nay là năm: ‟Đồng hành cùng các gia đình trẻ” ngoài công bố về lịch sử ơn cứu độ, còn lồng thêm vài cảnh gia đình, cũng như sự quí trọng hài nhi từ trong bụng mẹ, đánh động vào lương tâm các gia đình, nhắc nhở bậc làm cha mẹ quan tâm đến con cái và hạnh phúc gia đình, để gia đình trở thành mái ấm cho mọi thành viên muốn quay về.
   Kết thúc thánh lễ là cung nghinh Chúa Hài Đồng về hang đá. Bài hát ‟Hát khen mừng Chúa giang sinh ra đời” vừa cất lên là từ các núi đá pháo hoa đã bắn lên, mọi người đều vỗ tay chúc mừng giáng sinh và chúc mừng nhau, kết thúc 40 ngày của mùa vọng. Sau đây là một số hình ảnh đêm Giáng sinh.

Thiên Sinh
































Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH



CHÚC MỪNG GIÁNG SINH

Ban biên tập 
xin kính chúc quí Đức Cha, quí Cha, 
quí Thầy, quí Sơ và toàn thể dân Chúa 
một Mùa Giáng Sinh An Lành Thánh Đức. Nguyện xin Chúa Hài Đồng 
luôn đồng hành với các Đấng và toàn thể quí vị 
trên mọi hành trình của cuộc sống.