label

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Làm giáo hoàng có tất nhiên là thánh không?

Làm giáo hoàng có tất nhiên là thánh không?


Khi giáo hoàng Phanxicô phong thánh cho các giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan-Phaolô II, giáo hữu Công giáo trên khắp thế giới sẽ có lý do để ăn mừng. Người theo phái tự do công nhận Đức Gioan XXIII đã mở Giáo hội ra với thế giới hiện đại trong thập niên 1960, những người theo bảo thủ sẽ tôn vinh Đức Gioan- Phaolô vì ngài đã tái xác nhận tính chính thống sau một thời gian quá nhiều đổi mới.
Nhưng việc phong thánh kép chưa từng có này cũng gợi lên những câu hỏi sẽ khiến cả hai phái này phải chưng hửng: Tại sao Rôma phong thánh cho gần như tất cả mọi giáo hoàng thời hiện đại sau gần một thiên niên kỷ gần như không phong thánh cho giáo hoàng nào?
Trong 500 năm đầu tiên Kitô giáo, tông đồ Phêrô (được xem là giáo hoàng đầu tiên) và 47 trong số 48 giáo hoàng kế vị ngài được xem là thánh, chủ yếu là vì quá nhiều người trong số này đã tử đạo, một con đường đơn giản nhất để phong hiển thánh. Trong 500 năm kế tiếp, có 30 giáo hoàng khác được phong thánh, phần lớn là do danh tiếng thánh thiện của các ngài.
Nhưng theo lưu ý của Christopher Bellitto thuộc Đại học Kean, thì trong suốt 9 thế kỷ sau, chỉ có 3 giáo hoàng được phong thánh. Thời khô hạn này chỉ kết thúc khi giáo hoàng Piô X được phong thánh vào năm 1954, 40 năm sau ngày ngài mất.
“Nếu bạn có quyền chọn lựa trong việc phong thánh cho các giáo hoàng, có lẽ thời gian chờ đợi nên lâu hơn một ít, 50 hay 100 năm, và không thể bác bỏ thời gian trì hoãn này được,” theo lời của Bellitto, một sử gia Giáo hội, người ủng hộ việc tạm ngừng phong thánh cho tất cả các giáo hoàng.
Việc phong thánh kép này đã gợi lên những chỉ trích vốn không thường nhắm vào các vị thánh tương lai, và đặc biệt là hai giáo hoàng được tưởng nhớ và yêu mến hết mực này.
Ngay sau khi qua đời vào năm 2005, Gioan-Phaolô đã được giáo dân xưng tụng là “Gioan-Phaolô Cả”, một danh hiệu chỉ dùng cho 2 hay 3 giáo hoàng trong suốt lịch sử. Và trong lễ an táng của ngài, nhiều giáo dân đã trương biểu ngữ đòi “Phong thánh ngay lập tức!” (Santo Subito!)
Hơn một tháng sau, giáo hoàng Bênêđictô XVI đáp lại tình cảm dạt dào đó bằng việc bỏ qua thời gian5 năm, tiêu chuẩn chờ đợi trước khi xúc tiến án phong thánh đối với giáo hoàng Gioan-Phaolô II.
Nhưng trong những năm gần đây, những hành động mơ hồ của giáo hoàng Gioan-Phaolô về các vụ tai tiếng xâm phạm tính dục của các giáo sĩ đã làm bớt đi uy tín di sản của ngài, vào ngày thứ ba vừa rồi, 22 tháng 4, các viên chức Vatican đã phải lên tiếng bảo vệ ngài trong một buổi họp báo về việc tôn vinh hai vị giáo hoàng này.
Cùng lúc đó, một vài người bảo thủ cảm thấy buồn khi thấy “Giáo hoàng Tốt lành” hay Gioan XXIII, được phong thánh cùng một lần với Đức Gioan-Phaolô II, vì họ cho rằng di sản cải cách của Gioan XXIII đã làm xói mòn nghiêm trọng bản tính Công giáo.
“Không thể nói đến chuyện phong thánh cho ngài được,” theo lời Roberto de Mattei, giáo sư lịch sử giáo hội tại Đại học Âu châu tại Rôma và là một người có uy tín trong phái cánh hữu Công giáo.
Giờ đây, hầu hết giáo hoàng trong kỷ nguyên hiện đại, bắt đầu với Piô IX, giáo hoàng theo chủ trương truyền thống cực đoan của thế kỷ XIX, cho đến Piô XII (mất năm 1958), Phaolô VI và Gioan Phaolô I (trị vì trong chỉ 33 ngày năm 1978), đều đang trên đường được phong thánh.
Cương vị thánh này từ đâu mà ra?
Các chuyên gia xem đó là tích hợp của nhiều yếu tố. Có người cho rằng, các giáo hoàng gần đây được cho là thánh thiện hơn các vua chúa, và đặc biệt tốt lành khi so sánh với vô số những người lừa lọc và hiếu chiến đã ngồi trên ngai giáo hoàng trong thời Phục hưng.
“Xét theo mặt nào đó, họ là chứng tá cho đời sống Kitô giáo,” theo lời của Massimo Faggioli, một thần học gia tại Đại học thánh Tôma ở Minnesota và là tác giả quyển tiểu sử mới về giáo hoàng Gioan XXIII.
Faggioli cho rằng, các giáo hoàng thời hiện đại “ít lệ thuộc vào các ràng buộc chính trị và xã hội của thế giới Công giáo Âu châu thời trước, một thời mà khi trở thành giáo hoàng, người ta phải thuộc một gia tộc hay liên minh thích hợp, và bạo lực hay tàn nhẫn hay gần như là một tội phạm chiến tranh chẳng có gì là quan trọng.”
Ông thêm rằng, các giáo hoàng được xem là các vị thánh hơn là người cai trị, giáo hoàng phải là mục tử của một giáo hội ‘cố gắng gần lại với tin mừng hơn là gần với Đế chế La Mã.’
Một yếu tố khác nữa là: Gioan Phaolô II rất tận tâm với các thánh, và ngài đã phong thánh cho 482 người trong suốt 27 năm trị vì, vượt xa con số khoảng 300 vị thánh được các giáo hoàng tôn phong trong suốt 6 thế kỷ trước cộng lại.
Những người chỉ trích, họ buộc tội Gioan-Phaolô đã biến Vatican thành nhà máy “sản xuất thánh,” trong khi những người khác lại cho rằng ngài chỉ đơn giản là đang dân chủ hóa hệ thống mà thôi. Một chuyện nữa, là một vài giáo hoàng được hưởng lợi từ việc tăng con số phong thánh này, trong đó có cả chính Gioan-Phaolô.
Nhưng một lý do chính cho sự chuyển mình này là từ thế kỷ XIX, các giáo hoàng đã trở thành trung tâm điểm của Công giáo, một vị thế chưa từng có trước đây. Giáo hoàng vừa là biểu tượng đức tin đối với thế giới bên ngoài và là người cầm cờ tiên phong trong Giáo hội.
Nhưng, vấn đề là chiều hướng phong thánh cho tất cả các giáo hoàng có nghĩa là tiến trình phong thánh này có vẻ mang tính chính trị. Nó cũng dấy lên nguy cơ tập trung vào các giáo hoàng mà bỏ qua các ứng viên khác, vốn cũng được thừa nhận rộng rãi là thánh, như mẹ Têrêxa vẫn còn ở bậc chân phước.
“Chúng ta có đề đạt phong thánh cho những khía cạnh trong đời sống của giáo hoàng mà chúng ta thích, nhưng lại nói khía cạnh đó không áp dụng với những người mà chúng ta không thích không? Và ai ra quyết định đó? Bellitto cho rằng. “việc này đẩy cái kiểu tự quyền tự biến trong Công giáo trong lăng kính hệ tư tưởng lên một mức độ hoàn toàn mới”.
Hơn nữa, tiến trình phong thánh có thể biến thành một dạng trao đổi lợi ích, khi giáo hoàng đương vị phong thánh cho những vị tiền nhiệm để mong về sau mình cũng sẽ được phong thánh. Bênêđictô XVI, người chưa  được phong thánh vì còn sống, đã cấp kỳ mở án phong thánh cho Gioan- Phaolô, người đã làm việc cùng ngài suốt hơn 23 năm.
Cuối cùng, xu thế này có thể thực sự đem lại kết quả trái với mong đợi nếu giáo dân xem tất cả mọi giáo hoàng đều sẽ tự động, hay ít nhất được xem là, thánh.
Faggioli  cho rằng, “giờ đây, hầu hết các thánh là ‘thánh thức ăn nhanh’ và họ nhanh chóng bị quên lãng. Chúng ta sẽ xem liệu những thánh giáo hoàng này có bị quên lãng hay không”.
J.B. Thái Hòa dịch(phanxico.vn
)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét