label

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

ĐTC gặp các lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo khác

ĐTC gặp các lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo khác

1574414656025.JPG
Chương trình buổi chiều thứ Sáu ngày 22/11 của ĐTC bắt đầu lúc 15h20 với việc gặp các lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo khác, các sinh viên, giáo sư tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok.
Văn Yên, SJ - Vatican News
Tại buổi gặp gỡ, ĐTC chào thăm các đại diện lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo khác. Sau đó ông Bundit Eur-arporn, hiệu trưởng trường Đại học Chulalongkorn và Đức cha Chusak Sirisut, chủ tịch Uỷ ban đối thoại liên tôn, chào mừng Đức Thánh Cha.
Trong diễn văn đáp lời, Đức Thánh Cha cảm ơn về lời mời và cơ hội được nói chuyện tại nơi đây.
Từ lịch sử nhìn về hiện tại
ĐTC nhắc lại biến cố “122 năm trước, năm 1897, Vua Chulalongkorn, người được lấy tên để đặt cho trường đại học đầu tiên này, đã đến thăm Roma và có một buổi tiếp kiến với Đức Giáo hoàng Leo XIII. Đây là lần đầu tiên một người đứng đầu nhà nước ngoài Kitô giáo được đón tiếp tại Vatican.”
Ký ức về cuộc gặp gỡ quan trọng đó, cũng như thời kỳ trị vì của vua với nhiều công trạng từ việc xóa bỏ chế độ nô lệ, thách thức chúng ta và khuyến khích chúng ta đảm nhận vai trò quyết định trên con đường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Đồng thời, điều này nên được thực hiện trên tinh thần đoàn kết huynh đệ, giúp chấm dứt nhiều chế độ nô lệ tồn tại trong thời đại của chúng ta, tôi nghĩ đặc biệt đến thảm họa của nạn buôn người.”
Bài học về chung sống
Nhu cầu được công nhận và tôn trọng lẫn nhau, cũng như sự hợp tác giữa các tôn giáo còn cấp bách hơn nữa đối với nhân loại đương đại; thế giới ngày nay đang phải đối mặt với những vấn đề phức tạp, như toàn cầu hóa kinh tế - tài chính và hậu quả nghiêm trọng của nó trong sự phát triển của các xã hội địa phương; sự tiến bộ nhanh chóng – tỏ ra thúc đẩy một thế giới tốt đẹp hơn – nhưng cũng tồn tại song song với các cuộc xung đột dân sự dai dẳng về người di cư, người tị nạn, nạn đói và xung đột chiến tranh; và đồng thời với sự xuống cấp và phá hủy ngôi nhà chung của chúng ta.
Tất cả những thách đố này cảnh báo và nhắc nhở chúng ta rằng không có địa hạt hay khu vực nào trong gia đình nhân loại của chúng ta có thể bị coi là cô lập và miễn nhiễm đối với khu vực khác. Tất cả những thách đố này đòi chúng ta phải can đảm tạo ra những cách thức mới để xây dựng lịch sử hiện tại, mà không chê bai hay thiếu tôn trọng người khác. Đã qua rồi thời kỳ một sự trổi vượt có thể chiếm ưu thế để giải quyết xung đột. Ngày nay đã đến lúc, bằng sự can đảm, phải nghĩ đến sự gặp gỡ và đối thoại lẫn nhau như là con đường, hợp tác chung như là thái độ, và kiến ​​thức như một phương pháp và tiêu chí; từ đó, theo cách này, đưa ra một mô hình mới để giải quyết xung đột, góp phần hiểu biết lẫn nhau và bảo vệ công trình sáng tạo.
Người trẻ cùng nhau lãnh trách nhiệm xây dựng tương lai
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: tất cả những điều chúng ta làm theo cách này là một bước quan trọng để đảm bảo quyền tương lai cho các thế hệ trẻ, và nó cũng sẽ phục vụ cho công lý và hòa bình. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới cung cấp cho họ những công cụ cần thiết để trở thành nhân vật chính trong cách tạo lập một lối sống bền vững và toàn diện.
Đây là thời đòi chúng ta xây dựng nền tảng vững chắc, dựa trên sự tôn trọng và nhìn nhận phẩm giá con người, thúc đẩy một chủ nghĩa nhân văn toàn diện, có khả năng nhận ra và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Các truyền thống tôn giáo vĩ đại của thế giới làm chứng về một di sản tinh thần, siêu việt và được chia sẻ rộng rãi, có thể mang lại những đóng góp bền vững theo nghĩa này, nếu chúng ta có thể can đảm gặp nhau mà không sợ hãi.
Tất cả chúng ta được kêu gọi không những chú ý đến tiếng nói của những người nghèo xung quanh chúng ta, mà còn không ngại tạo ra những cơ hội đẻ làm điều đó, mà thực sự đã bắt đầu rồi, một cách âm thầm làm việc cùng nhau. Đồng thời, chúng ta được yêu cầu đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ phẩm giá con người và tôn trọng quyền của lương tâm và tự do tôn giáo, tạo ra những không gian, nơi có thể cung cấp một không khí trong lành vì chắc chắn rằng “con người có đủ khả năng để tự hạ mình đến mức cuối, cũng có thể vượt lên chính mình, quyết định cho điều thiện và tự cải hóa mình nên tốt, loại bỏ tất cả những điều kiện tinh thần và xã hội đang đè nén họ.” (Thông điệp Laudato sì, 205).
Những giá trị căn bản
Đức Thánh Cha nhấn mạnh với các bạn trẻ về những vẻ đẹp tại Thái Lan, không chỉ vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn những giá trị phong phú đến nỗi có thể “xuất khẩu” được.
Trước hết, “các bạn đánh giá cao và quan tâm đến người lớn tuổi, tôn trọng và dành cho họ một vị trí ưu tiên. Với xu hướng ngày càng làm giảm các giá trị và văn hóa địa phương, bằng cách áp đặt một mô hình duy nhất, ‘chúng ta nhìn thấy một khuynh hướng đánh đồng người trẻ, làm mờ nhạt những gì là bản sắc riêng trong nguồn gốc và bối cảnh của họ, và biến họ thành một dòng hàng hóa mới dễ lèo lái. Điều này sinh ra một sự tàn phá văn hóa nghiêm trọng không kém sự diệt chủng các loài động vật hay thực vật.’” (Tông huấn Christus vivit, 186).
Kế đến, ĐTC khuyến khích: “Tôi diễn tả hy vọng rằng các bạn sẽ tiếp tục giúp cho những người trẻ khám phá ra di sản văn hoá của xã hội mà họ đang sống. Giúp cho người trẻ khám phá ra rằng kho tàng sống động của quá khứ và ký ức, là hành động yêu thương đích thực đối với họ, nhằm giúp họ trưởng thành và biết đưa ra các quyết định. (x. nt., 187).
Đức Thánh Cha quả quyết rằng: “Tất cả viễn tượng này nhất thiết liên quan đến vai trò của các tổ chức giáo dục như Đại học này. Nghiên cứu và kiến ​​thức sẽ giúp mở ra những cách mới để làm giảm sự bất bình đẳng giữa mọi người, thăng tiến công bằng xã hội, bảo vệ phẩm giá con người, tìm cách giải quyết các xung đột cách ôn hoà và bảo tồn tài nguyên mang lại sự sống cho vùng đất của chúng ta.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét