KHAI MẠC NĂM THÁNH MỪNG KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN
Chiều ngày 28/11/2019, Linh mục đoàn Giáo phận đang tĩnh tâm năm đã cùng với Đức Giám mục Giáo phận và Đức TGM Marek Zalewski, vị Đại diện Tòa Thánh dâng lễ tại nhà thờ Chánh tòa để khai mạc Năm thánh mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận.
Mở đầu thánh lễ, Đức Giám mục Giáo phận Giuse Trần Văn Toản đã thay mặt giáo phận chúc mừng Đức TGM Marek Zalewski, vị Đại diện Tòa Thánh đã đến thăm mục vụ Giáo phận, và Đức cha Giuse cũng kêu mời mọi người tạ ơn Chúa với Giáo phận nhân dịp trong đại này. Đáp lại lời chúc mừng, Đức TGM Marek Zalewski đã vui mừng cám ơn và dành nhiều lời tốt đẹp dành cho Giáo phận. Đặc biệt, ngài đã chuyển lời thăm hỏi từ ĐTC Phanxico đến Giáo phận Long Xuyên.
Bài giảng của Đức TGM Marek Zalewski:
Một phần thiết yếu để trở thành một người môn đệ của Đức Giêsu Kitô là sẵn sàng yêu thương. Đã bao lần chúng ta nghe bằng tai và bằng con tim của mình những lời trong đoạn Tin mừng hôm nay, “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Tất nhiên, đây là những lời của Chúa chúng ta. Những lời đó được ban ra không phải như một sự gợi ý hay như một sự lựa chọn, giống như điều gì đó mà nếu ta thấy phù hợp thì làm, còn không thì thôi. Đó thực sự là một lệnh truyền, một lời thách đố chúng ta phải thực hành ngày này qua ngày khác, cho tới hơi thở cuối cùng. Có lẽ chúng ta sẽ đồng ý rằng, nói thì dễ hơn làm.
Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng, giáo huấn của Đức Kitô không phải là một triết lý hay một lý thuyết, nhưng đó là một lối sống, một cách yêu thương, được biểu lộ bằng lời nói và việc làm. “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, đó là giáo huấn căn bản của Đức Kitô, và đó là công việc đầy thách đố đối với chúng ta, vì nó có thể và thậm chí là một nguyên nhân của đau khổ và cái chết.
Chúng ta có thể hỏi: Đức Kitô đã yêu như thế nào? Trước hết, yêu không tính toán, ngay cả khi việc yêu không tính toán đó đã dẫn đến đau khổ và cái chết trên thập giá. Thật vậy, Đức Kitô đã sống và chết cho người khác và Ngài không bao giờ làm ngơ trước những lời kêu cứu của những người nghèo khổ và túng quẫn. Ngài đã chữa lành cho những người bệnh, mở mắt cho người mù, cho kẻ chết sống lại, và tha tội cho những tội nhân.
Nói cách khác, Đức Kitô đã sẵn sàng chia sẻ những đau khổ và niềm vui của những người xung quanh Ngài. Nguyên tắc chủ đạo của Đức Kitô là, “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6, 37).
Đức Kitô có thể hiểu và hy vọng ở những người khác, cả khi xem ra có nguyên nhân cho sự chán nản hoặc tuyệt vọng. Qua tình yêu tự hiến của mình, Đức Kitô đã chia sẻ trọn vẹn thân phận con người của chúng ta, thậm chí, đến tột cùng của đau khổ và chết cho những người Ngài yêu thương.
Tình yêu của Đức Kitô đã và là một sự hiến tặng chính mình cách liên tục và hào phóng. Quả thế, trước khi hiến mạng sống mình trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao ban Mình và Máu Ngài trong bữa tiệc ly như một quà tặng vĩnh cửu cho những người có thể tin vào Ngài, sống theo giáo huấn và mẫu gương mà Ngài đã sống cách trọn vẹn trong cuộc sống của Ngài. Giáo huấn và mẫu gương đó là: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).
Lời mời gọi dành cho mỗi chúng ta là, mỗi ngày, chúng ta hãy noi gương Đức Kitô. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng biết được những gì chính yếu phải làm trong những hoàn cảnh nhất định của cuộc sống, cho nên, hãy tạo cho mình có được sự can đảm và sức mạnh để thực hành những gì chúng ta cảm thấy mình được mời gọi.
Chúng ta được hứa về sự hiện diện luôn mãi của Chúa Thánh Thần, Đấng đang sống và hoạt động trong Giáo hội, trong các Bí tích của Giáo hội, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, và trong cuộc sống của chúng ta, để hỗ trợ chúng ta trong cuộc chiến đấu để làm điều tốt. Ngay cả đôi khi hoặc thường xuyên thất bại, chúng ta cũng không được từ bỏ những nỗ lực của mình.
Chúng ta không thể thực sự yêu người khác nếu chúng ta thiếu đôi tai và trái tim rộng mở trước những nhu cầu của họ. Chúng ta có thể nhìn thấy cái đốm hay cái rác trong mắt người khác và từ chối giúp đỡ họ, trong khi thực tế chúng ta lại bỏ sót hay không thấy cái xà trong mắt của chính mình. Theo bước chân của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi thể hiện sự quan tâm thực sự đến hạnh phúc và lợi ích của người khác, ngay cả đối với những người mà chúng ta có thể thấy họ không có sức hấp dẫn đối với chúng ta.
Chân phước Charles de Foucauld tự gọi mình là “người anh em phổ quát”, và đó cũng là mục tiêu của chúng ta: một người anh chị em đối với tất cả những ai có nhu cầu, dù họ ở gần hoặc xa chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét