label

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Thư Mục Vụ của Đức Giám Mục giáo phận tháng 1 năm 2014

Thư Mục Vụ của Đức Giám Mục giáo phận tháng 1 năm 2014
HIỆP NHẤT VÀ BÌNH AN, ÂN SỦNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH
Anh chị em thân mến,
Cùng với gia đình nhân loại, chúng ta vui mừng bước vào Năm Mới Dương Lịch 2014 với niềm hy vọng một thế giới liên đới và thịnh vượng. Cùng với Giáo Hội toàn cầu, giáo phận bước vào Năm Mới Dương Lịch với lời cầu nguyện cho Hòa Bình và Phát Triển các dân tộc. Và cộng đoàn Dân Chúa của giáo phận Long Xuyên cùng nhau bước vào năm mới với tâm tình tin tưởng và phó thác cho Nữ Vương Hòa Bình, bổn mạng của giáo phận, với ơn xin Hiệp Nhất và Bình An cho gia đình giáo phận.Trong bầu khí này, tôi xin gửi đến cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận thư mục vụ tháng giêng có chủ đề Hiệp Nhất và Bình An, Ân Sủng và Trách Nhiệm của gia đình.
Bài Tin Mừng của ngày Đầu Năm (Lc 2,16-21) cho chúng ta một hình ảnh đẹp và đáng mơ ước về sự Hiệp Nhất và Bình An của Thánh Gia tại nơi Chúa Giêsu sinh ra. Thánh Gia trú ngụ tại Belem là một gia đình nhiều long đong vất vả nhưng các thành viên luôn tìm hiệp nhất và bình an trong Thiên Chúa. Một gia đình nghèo vật chất, nhưng giàu tình thương để xây dựng sự hiệp nhất và bình an trong cộng đoàn gia đình. Một gia đình bị xã hội loại trừ nhưng lại mở rộng cửa để đón nhận và đem lại sự hiệp nhất và bình an cho những người thiện tâm như các mục đồng và các nhà đạo sĩ phương đông. Một gia đình đang phải đối diện với nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhưng luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, sống yêu thương nhau, và luôn hướng về phía trước với sự Hiệp Nhất và Bình An. Quả thật, đây là một gia đình Hiệp Nhất và Bình An.
Đối với niềm tin Kitô giáo, Hiệp nhất và Bình An là một Ân Sủng từ Chúa Giêsu. Quả thật, Hiệp Nhất là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: Xin cho chúng nên một. và Bình An là lời hứa của Chúa Giêsu Phục Sinh: Thầy ban bình an của Thầy cho anh chị em. Hiệp Nhất và Bình An cũng còn là hoa trái của trách nhiệm từ lời mời gọi. Lời mời gọi đón nhận Chúa Giêsu như một kho tàng quí giá hơn mọi của cải trần gian. Lời mời gọi phục vụ cho sứ vụ của Đấng Cứu Thế như một niềm tự hào vượt trên mọi địa vị trên trần thế. Và lời mời gọi giới thiệu Chúa Giêsu Kitô là một sứ mạng cao quí hơn mọi lo toan trần gian. Một gia đình Hiệp Nhất và Bình An là một cộng đoàn biết cầu nguyện và mở rông tâm hồn để đón nhận Ân Sủng và Trách Nhiệm với niềm tin tưởng và hy vọng.
Với ý thức Hiệp Nhất và Bình An như Ân Sủng và Trách nhiệm dành cho các gia đình, tôi xin đề xuất 3 sinh hoạt tu đức và sứ vụ cần được nhấn mạnh trong tháng đầu tiên của năm mới:
1. Sinh hoạt được nhấn mạnh trước tiên là việc các gia đình tham dự Thánh Lễ. Tông Huấn Bổn Phận Của Gia Đình Trong Thế Giới Hôm Nay của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo” (FC số 57). Thực tế là, tham dự thánh lễ làm cho các phần tử trong gia đình ý thức đời sống gia đình là một của lễ tiến dâng; tham dự bàn tiệc Lời Chúa là cơ hội để các thành viên trong gia đình cùng đón nhận Ý Chúa; và tham dự bàn tiệc Thánh Lễ là cơ hội gia đình cùng chia sẻ chính sự sống là Chúa Kitô. Tham dự Thánh Lễ là cơ hội quí giá để các gia đình đón nhận ơn Hiệp Nhất và Bình An của Chúa Kitô. Chính vì thế, một gia đình yêu mến việc tham dự Thánh Lễ là một gia đình đang quí trọng ơn Hiệp Nhất và Bình An. Trong sinh hoạt mục vụ gia đình, các chủ chăn tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình được tham dự tích cực vào Thánh Lễ cho giới mình (gia trưởng, hiền mẫu, giới  trẻ, thiếu nhi) hàng tuần hay hàng tháng (dịp đầu tháng), và những trường hợp đặc biệt (lễ bổn mạng của giới…).
2. Sinh hoạt thứ hai được nhấn mạnh là việc gia đình tôn sùng Thánh Thể. Chầu Thánh Thể, cầu nguyện trước Thánh Thể, lãnh nhận phép lành Thánh Thể… là những sinh hoạt phượng tự hữu ích cho đời sống gia đình. Vì tôn sùng Thánh Thể giúp các thành viên trong gia đình ý thức sụ hiện diện cách thiêng liêng của Chúa Giêsu ngay chính trong gia đình mình. Lúc đó, gia đình yêu mến Thánh Thể sẽ ý thức được gia đình mình chính là đền thờ của Chúa Thánh Thể hiện diện, và mỗi thành viên ý thức mình trở thành nhà tạm của Chúa Thánh Thể. Chính vì thế, các linh mục phụ trách các cộng đoàn cần cổ vũ cho các gia đình về việc tôn sùng Thánh Thể, như tổ chức các giờ chầu Thánh Thể, tổ chức làm giờ thánh cầu nguyện cho các thành viên trong gia đình, cũng rất nên tổ chức các phòng cầu nguyện trong khuôn viên nhà thờ, với các giờ qui định đặt Mình Thánh Chúa, thuận lợi cho giáo dân có thể cầu nguyện và suy tư trước Thánh Thể. Sẽ rất ý nghĩa khi vợ chồng cùng nhau đến cầu nguyện trước Thánh Thể, hay cha mẹ dẫn con cái đến trước Chúa Thánh Thể.
3. Và sinh hoạt thứ ba được nhấn mạnh là quan tâm đến bữa cơm gia đình. Theo văn hóa Việt Nam, một trong những sinh hoạt không thể thiếu được của gia đình Việt Nam là sự quây quần trong bữa cơm. Đây là dấu chứng cho sự hiệp nhất và bình an trong gia đình. Vì, bữa cơm là dấu chỉ cho sự phục vụ của cha mẹ dành cho con cái, là dầu chỉ niềm vui và hy vọng của con cái dành cho cha mẹ. Đây cũng là thời gian sống vui tươi của mọi thành viên trong gia đình, cùng chia sẻ của ăn nuôi thân, cùng chia sẻ tình yêu dành cho nhau, và xiết chặt tình thân trong gia đình. Đây cũng là những sinh hoạt tạo nên những kỷ niệm khó phai trong tâm khảm con người, nhất là khi nhớ về gia đình của thời quá khứ, hay nhớ về gia đình từ phương xa. Trong một xã hội quá bận rộn và lo toan chạy theo những giá trị vật chất, những giá trị tinh thần trong bữa cơm chung bị coi nhẹ. Chính vì thế, bậc phụ huynh cần quan tâm đến các bữa ăn chung trong gia đình, và làm nổi bật các giá trị tinh thần của bữa cơm gia đình, như chia sẻ niềm vui, sự phục vụ, sự lễ phép, lòng biết ơn, niếm hy vọng vào tương lai…
Anh chị em thân mến,
Giáo phận phó thác các gia đình cho Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình. Và chúng tôi, các giám mục của anh chị em, Đức Cha Cố Gioan Baotixita, và tôi, ban phép lành của Chúa trong dịp đầu năm Dương Lịch cho toàn thể quí cha, quí tu sĩ nam nữ, quí chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân rất thân thương của chúng tôi.
 
+ GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

Ngày truyền thống hiếu thảo

Ngày truyền thống hiếu thảo
"Cây có cội nước có nguồn” là câu nói dân gian lâu nay vẫn được lưu truyền biểu hiện cho lòng biết ơn, hiếu đễ của những bậc hậu bối, con cháu đối với những bậc tiền bối. Nêu cao tinh thần ấy, giáo phận Long Xuyên cũng có một truyền thống tốt đẹp, những ngày dành riêng để cầu nguyện, tỏ lòng hiếu thảo, tưởng nhớ đến quý cha hưu còn sống hay những cha đã qua đời.
Ghi nhận cho nét đẹp đậm tính nhân văn nói trên, sáng ngày 27.12.2013, Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu đã đến nhà hưu Cần Xây để chào thăm, tặng quà cho 15 cha hưu, thắp những nén hương lòng kính nhớ đến quý cha đã về với Chúa, và cùng với 46 cha đồng tế, quý tu sĩ, quyến thuộc, hiệp dâng thánh lễ tạ ơn, cầu nguyện cách riêng cho quý cha hưu thuộc 3 giáo hạt: Long Xuyên, Chợ Mới và Châu Đốc.
Cùng ngày, cha Tổng đại diện LG. Huỳnh Phước Lâm gửi lời chào thăm, lời chúc bình an của Đức Cha đến quý sơ hưu Nhà Gioan tại Tu viện Dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng, và dâng thánh lễ cầu nguyện cách riêng cho quý sơ trong bầu khí ấm cúng.
Tiếp đến, ngày 28.12.2013, Đức cha đã tới Đền Thánh Vinhsơn thuộc giáo xứ Trung Thành chào thăm, tặng quà cho 10 cha hưu, và cùng với 25 cha đồng tế, quý tu sĩ, quyến thuộc, hiệp dâng thánh lễ tạ ơn, cầu nguyện cho quý cha hưu thuộc 6 hạt: Vĩnh Thạnh, Vĩnh An, Tân Hiệp, Tân Thạnh, Rạch Giá và Hà Tiên. Hãy đón nhận quý cha già hưu, đó là thông điệp trong bài giảng tại Đền thánh Vinh-Sơn, Đức cha mời gọi mọi đón nhận quý cha hưu với những đau yếu bệnh tật, vụng về. Hãy như thánh Gioan Tông Đồ đón nhận và chăm sóc cho Đức Maria bằng cả tình yêu. Ngày hiếu thảo được Đức cha  trao cho UB Caritas đã tổ chức một cách chu đáo, thân tình. Tuy nhiên, vì tuổi già sức yếu, có một số cha nghỉ hưu ngoài Giáo phận, nên không thể có mặt trong ngày truyền thống này. Nhưng Đức Cha vẫn gửi quà và mời gọi mọi người hiệp thông cầu nguyện cho quý cha được sức khỏe, an vui sống trọn niềm với Chúa trong tuổi đã xế chiều.

 
 
 
 
 

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các gia đình


Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các gia đình
WHĐ (31.12.2013) – Trưa ­Chúa nhật 29-12, trong buổi đọc Kinh Truyền tin cùng với hàng vạn tín hữu và khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi lại ý suy niệm bài Tin Mừng lễ Thánh Gia thất và mời gọi mọi người hướng về các gia đình tại nhiều nơi trên thế giới đang lâm cảnh phải bỏ nhà cửa quê hương vì nghèo đói, chiến tranh và nhiều thảm họa khác. Đức Thánh Cha nói:
“Hôm nay, bài Tin Mừng trần thuật cho chúng ta tình cảnh đáng thương của Thánh Gia thất phải lên đường tị nạn, tìm nơi nương náu an toàn bên Ai Cập. Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu phải trải qua cảnh ngộ bi thảm của cuộc sống đầy những sợ hãi, bấp bênh, thiếu thốn. Đáng buồn thay, ngày nay cũng có hàng triệu gia đình phải rơi vào hoàn cảnh đau đớn này. Hầu như ngày nào truyền hình, báo chí cũng đều đưa tin về biết bao người phải lìa bỏ nhà cửa, quê hương vì nghèo đói, chiến tranh và nhiều thảm họa khác tìm nơi an toàn, mong cho bản thân và gia đình mình được hưởng một cuộc sống xứng đáng. Nơi đất khách quê người, những anh chị em di dân và tị nạn dù có tìm được việc làm cũng không phải lúc nào cũng được đón nhận, kính trọng và được thừa nhận các giá trị họ đem lại. Sự chờ đợi được hợp pháp hóa của những anh chị em này đã gặp phải các tình thế phức tạp, khó khăn, có khi rất bế tắc”.
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người noi gương Thánh Gia thất, nhất là gương mẫu Chúa Giêsu, và vững tin vào Thiên Chúa:
“Chúa Giêsu đã muốn sống trong một trong gia đình gặp phải những khốn khó này để không ai thấy mình không được ở gần tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc chạy trốn sang Ai Cập để thoát khỏi những mối đe dọa của vua Hêrôđê cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn ở bên những ai đang nguy nan, đang đau khổ, những ai phải tị nạn, bị khước từ và bị bỏ rơi”.
Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các gia đình hãy học theo Thánh Gia thất sống giản dị, trở thành “một cộng đoàn yêu thương, luôn biết tha thứ và hòa giải”, đồng thời hãy giữ gìn những vẻ đẹp truyền thống trong đời sống gia đình, như cách nói năng, cư xử hòa nhã, yêu thương, biết nói lời “xin phép, xin lỗi, cảm ơn”, ba từ ngữ thông thường nhưng rất có ý nghĩa trong gia đình.
Mừng lễ Thánh Gia và hướng về Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường về Gia đình trong năm 2014, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện cho các gia đình,:
Lạy Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, chúng con chiêm ngắm ánh quang rạng ngời của tình yêu đích thực nơi ba Đấng và xin tín thác dâng mình cho ba Đấng.
Lạy Thánh Gia Nazarét, xin ban cho các gia đình chúng con được trở thành nơi dành cho hiệp thông và căn phòng dành cho cầu nguyện, nên ngôi trường thực sự giảng dạy Phúc âm và thành những Giáo hội tại gia bé nhỏ.
Lạy Thánh Gia Nazarét, hơn bao giờ hết xin cho các gia đình đừng xảy ra cảnh bạo lực, sống khép kín và chia rẽ; xin cho bất cứ thành viên nào đã bị xúc phạm hoặc khủng hoảng cũng đều nhanh chóng tìm được sự ủi an và chữa lành.
Lạy Thánh Gia Nazarét, xin cho Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới khơi cho mọi người nhận biết các gia đình đều có tính chất linh thánh và bất khả xâm hại, đều là những công trình tuyệt đẹp trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, xin đoái nghe và nhậm lời chúng con cầu xin.
 
Thành Thi

Biết xin phép, cám ơn và xin lỗi là các thái độ sống đem lại an bình

Biết xin phép, cám ơn và xin lỗi là các thái độ sống đem lại an bình và niềm vui trong cuộc sống gia đình



Muốn có an bình và niềm vui trong gia đình, chúng ta hãy biết sống ba từ chìa khóa sau đây: xin phép, cám ơn và xin lỗi. Khi trong một gia đình người ta không xâm lần nhau, nhưng biết xin phép. Khi trong một gia đình người ta không ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn. Khi trong một gia đình một người nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia đình ấy có an bình và niềm vui.

Kính thưa qúy vị thưa các bạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100.000 tín hữu và du khàch hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường Thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ Đức thánh Cha nói phụng vụ Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Giáng Sinh mời gọi chúng ta cử hành lễ Thánh Gia Nagiarét. Thật thế, mọi hang đá đều cho chúng ta thấy Chúa Giêsu Đức Mẹ và Thánh Giuse trong hang đá Bếtlêhem. Thiên Chúa đã muốn sinh ra trong một gia đình nhân loại, đã muốn có một người mẹ và một người cha. Phúc Âm hôm nay giới thiệu với chúng ta Thánh Gia trên đường đầy ải đau đớn kiếm tìm nơi trú ẩn bên Ai Cập. Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu đã sống kinh nghiệm điều kiện thê thảm của những người tị nạn, ghi dấu bởi sự sơ hãi, bất an và các khó khăn (x. Mt 2,13-15.19-23). Áp dụng vào thảm cảnh của người di cư tị nạn ngày nay Đức Thánh Cha nói:

Rất tiếc ngày nay có hàng triệu gia đình có thể nhận ra mình trong thực tại buồn thương này. Hầu như mỗi ngày đài truyền hình và báo chí đưa tin các người di cư trốn chay đói khát, chiến tranh, và các hiểm nguy trầm trọng khác để tìm an ninh và một cuộc sống xứng đáng hơn cho mình và cho gia đình mình.

Trong các vùng đất xa xôi, cả khi tìm thấy công ăn việc làm, các người tị nạn và di cư không luôn luôn gặp được sự tiếp đón đích thật, lòng tôn trong và việc đánh gia cao các giá trị họ đem theo. Các chờ mong hợp pháp của họ thường gặp các tình trạng phức tạp và các khó khăn xem ra không thể vượt thắng được. Tuy nhiên, trong khi gắn chặt cái nhìn vào Thánh Gia Nagiarét phải bó buộc tị nạn, chúng ta nghĩ tới thảm cảnh của các người di cư ti nạn, nạn nhân của khước từ và khai thác bóc lột. Nhưng chúng ta cũng nghĩ tới ”những người bị đầy ải” trong chính các gia đình: chẳng hạn các người già cả, đôi khi bị đối xử như là những sự hiện diện kềnh càng ngăn cản. Rất nhiều lần tôi nghĩ rằng có một dấu chỉ giúp nhận biết một gia đính ra sao, đó là nhìn xem trong đó các trẻ em và người già được đối xử như thế nào.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Chúa Giêsu đã muốn thuộc về một gia đình đã sống kinh nghiệm càc khó khằn này, để không ai cảm thấy bị loại bỏ khỏi sự gần gũi yêu thương của Thiên Chúa. Rồi Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa cuộc trốn chạy sang Ai Cập của Thánh Gia như sau:

Việc chay trốn sang Ai Cập vì các đe dọa của vua Hếrốt cho thấy Thiên Chúa ở nơi đâu con người gặp nguy hiểm, ở nơi đâu con người khổ đau, ở nơi đâu con người trốn chạy, ở nơi đâu nó sống kinh nghiệm sự khước từ và bỏ rơi. Nhưng Thiên Chúa cũng hiện diện ở nơi đâu con người mơ ước, hy vọng trở về quệ hương trong tự do, dự phóng và lựa chọn cho sự sống và phẩm giá của mình và của nhưng người trong gia đình mình.

Hôm nay cái nhìn của chúng ta trên Thánh Gia cũng được lôi kéo bởi sự đơn sơ của cuộc sống tại Nagiarét. Đó là một thí dụ ích lợi cho các gia đình của chúng ta, giúp chúng luôn ngày càng trở thành cộng đoàn hiệp thông của tình yêu và sự hòa giải, trong đó người ta sống kinh nghiệm sự hiền dịu, tương trợ lẫn nhau, tha thứ cho nhau.

Muốn có an bình và niềm vui trong gia đình, chúng ta hãy biết sống ba từ chìa khóa sau đây: xin phép, cám ơn và xin lỗi. Khi trong một gia đình người ta không xâm lần nhau, nhưng biết xin phép. Khi trong một gia đình người ta khô sống ng ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn. Khi trong một gia đình một người nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia đình ấy có an bình và niềm vui.

Tôi cũng muốn khích lệ các gia đình ý thức được tầm quan trọng của mình trong Giáo Hội và trong xã hội. Thật thế, lời loan báo Tin Mừng trước hết đi qua các gia đình, rồi tới với các môi trường khác nhau của cuộc sống thường ngày.

Chúng ta hãy sốt sắng khẩn nài Mẹ Maria Rất Thánh, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta, hướng dẫn từng gia đình trên thế giới, để nó có thể chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó với phẩm giá và sự thanh thản.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã nhắc cho mọi người biết Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sắp tới sẽ thảo luận về đề tài Gia đình, và giai đoạn chuẩn bị đã bắt đầu rồi. Vì thế Đức Thánh Cha nói: hôm nay lễ Thánh Gia tôi muốn phó thác cho Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục này, bằng cách cầu xin cho các gia đình trên toàn thế giới. Tôi xin mời anh chị em hiệp nhất với tôi trong tinh thần trong lời cầu mà tôi đọc bây giờ:
”Lậy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, Nơi các Ngài chúng con chiêm ngưỡng ánh quang của tình yêu đích thật, chúng con hướng lên các Ngài với lòng tin tưởng.

Hỡi Thánh Gia Nagiarét, xin cũng hãy làm cho các gia đình chúng con trở thành nơi hiệp thông và nhà tiệc ly cầu nguyện, các trường đích thật của Phúc Âm và các Giáo Hội tại gia nhỏ.


Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin đừng bao giờ để xảy ra kinh nghiệm bạo lực, khép kín và chia rẽ trong các gia đình nữa: xin cho bất cứ ai đã bị thương tích hay gương mù gương xấu mau biết đến hòa giải và chữa lành.

Lậy Thánh Gia Nagiarét, ước chi Thượng Hội Đồng tới đây của các Giám có thể tái lập nơi tất cả mọi người ý thức về tính cách thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình và vẻ đẹp của nó trong chương trình của Thiên Chúa.

Lậy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, xin hãy lắng nghe và nhận lời khẩn nài của chúng con. Amen.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đặc biệt gửi lời chào tới các tín hữu theo dõi buổi đọc Kinh Truyền Tin trên kênh truyền hình nối với Nagiarét, trong Vương cung thánh đường Truyền Tin, nơi có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục; với vương cung thánh đường Thánh Gia bên Barcelona Tây Ban Nha, nơi có sự hiện diện của Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình; với Vương cung thánh đường Nhà Thánh của Đức Mẹ tại Loreto. Ngài cũng gửi lời chào tín hữu các nơi cử hành lễ các Gia đình như bên Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Ngoài ra ngài cũng chào các bạn trẻ thuộc nhiều giáo phận Italia, cách riêng các thành viên phong trào Tổ Ấm từ nhều nước trên thế giới hành hương Roma.

Linh Tiến Khải

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ Taizé

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ Taizé



VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ Kitô Âu Châu góp phần giúp đại lục này vượt thắng những lúc khó khăn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp do Đức TGM Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC gửi tới 30 ngàn bạn trẻ Kitô Âu Châu, gồm Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo, đang tham dự cuộc gặp gỡ lần thứ 36 do Tu viện Đại kết Taizé tổ chức tại Thành phố Strasbourg bên Pháp, từ ngày 28-12 đến 1-1 tới đây.

Đức TGM Parolin cho biết: ĐTC bày tỏ sự gần gũi với các bạn trẻ và nhắc lại kỷ niệm cuộc gặp gỡ của họ tại Roma hồi cuối năm ngoái. Ngài nhận định rằng: ”Miền Alsace và Ortenau đón tiếp cuộc gặp gỡ của các bạn năm nay, tuy đã trải qua những cuộc xung đột xâu xé, nhưng được biến thành biểu tượng hy vọng vì đã đón nhận nơi sinh của gia đình Âu Châu. Thật là một biểu tượng ý nghĩa vì cuộc gặp gỡ năm nay diễn ra đồng thời tại hai nước khác nhau, Pháp và Đức. Âu Châu đang cần sự dấn thân, lòng can đảm và đức tin của các bạn để vượt thắng những lúc khó khăn vẫn còn mạnh mẽ.”

ĐTC khẳng định rằng: ”Sứ mạng mà các bạn ấn định cho mình trong toàn năm 2014 là tìm kiếm sự hiệp thông hữu hình giữa tất cả những người yêu mến Chúa Kitô. Các bạn ý thức sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là một chướng ngại lớn ngăn cản sứ mạng được ủy thác cho Giáo Hội; sứ điệp Kitô sẽ đáng tín nhiệm hơn nếu các Kitô hữu khắc phục được những chia rẽ.”

ĐTC cũng cho biết ngài chia sẻ xác tín của các bạn trẻ theo đó có thể học được lẫn nhau rất nhiều điều, xét vì những thực liên kết chúng ta với nhau thì nhiều hơn.

Sau cùng, ĐTC chúc lành cho các bạn trẻ, các vị mục tử cũng như tất cả các gia đình đón thiếp họ. Ngài cầu mong rằng nhờ chứng tá của mình, các bạn trẻ có thể phổ biến tinh thần hòa bình và hòa giải theo tinh thần Phúc Âm nơi những người đồng thời”.

Cuộc gặp gỡ tại Strasbourg nằm trong khuôn khổ ”cuộc lữ hành tin tưởng” do Cộng đoàn Taizé linh hoạt vào dịp cuối năm, và năm nay có chủ đề là “tìm kiếm hiệp thông hữu hình giữa tất cả những người yêu mến Chúa Kitô”.
Trong số các bạn trẻ tham dự, có 4.500 người Ba Lan, 1.400 người Ý, 1.200 người Croát, và 1 ngàn người Bạch Nga, cùng với đông đảo các bạn trẻ người Pháp thuộc vùng Alsace, cũng như các bạn trẻ người Đức thuộc miền Ortenau.

Khi đến Strasbourg, các bạn trẻ nhận được lá thư của thầy Alois, Tu viện trưởng Taizé trong đó có 4 mệnh đề cho năm 2014, đó là: ”Những người yêu mến Chúa Kitô trên toàn trái đất họp thành một đại cộng đồng bằng hữu. Họ có một đóng góp cần trao tặng để chữa lành những vết thương của nhân loại: không hề muốn áp đặt, họ có thể tạo điều kiện cho sự hoàn cầu hóa tình liên đới, không loại trừ dân tộc nào, hoặc một ai”.

Các bạn trẻ được đón tiếp trong các gia đình và các giáo xứ Công Giáo cũng như Tin Lành trong vùng. Mỗi sáng họ tụ họp tại hơn 200 xứ đạo ở hai bên sông Rhin, Pháp và Đức, để cầu nguyện và chia sẻ. Ban chiều hai ngày 29 và 30-12, chương trình cuộc gặp gỡ có khoảng 20 đề tài các bạn trẻ có thể chọn để tham dự, ví dụ: ”cuộc khủng hoảng, nạn thất nghiệp, công ăn việc làm bấp bênh.. phải chăng cần phát minh một kiểu mẫu kinh tế mới?”; hoặc ”Công lý và nhân quyền; những suy tư cá nhân về thách đố làm tín hữu Kitô”; ”Đối thoại đại kết: để sống chung yên hàn hay để cho mình được biến đổi nhờ gặp gỡ?”; ”Chúng ta có cần Giáo Hội hay không? Suy tư Kinh Thánh và sự hiệp thông trong Chúa Kitô”; ”Âu châu; miền đất di dân tuyệt hảo: làm thế nào để sống chung với nhau?”

Trong cuộc gặp gỡ, các bạn trẻ tụ họp nhau ban trưa và ban tối để cầu nguyện chung. Các buổi cầu nguyện này diễn ra đồng thời tại 3 nơi là các hội trường tại Wacken, tức là khu vực triển lãm của thành Strasbourg; thứ hai tại Nhà thờ chính tòa của Công Giáo tại Strasbourg và nhà thờ Thánh Phaolô của Tin Lành. Các bài suy niệm do thầy Alois trình bày với các bạn trẻ. (SD 28-12-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với vị tiền nhiệm

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với vị tiền nhiệm



VATICAN. Trưa 27-12-2013, ĐTC Phanxicô đã mời vị tiền nhiệm Biển Đức 16 dùng bữa trưa với ngài tại Nhà Trọ Santa Marta nơi ngài cư ngụ.

Trong cuộc viếng thăm hôm 23-12 trước đó tại nhà Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 để chúc mừng nhân dịp lễ Giáng Sinh, ĐTC Phanxicô đã mời vị tiền nhiệm đến dùng bữa với ngài trong những ngày lễ này.

Tham dự bữa ăn trưa thứ năm vừa qua cũng có các vị bí thư riêng của hai Đức đương kim và cựu Giáo Hoàng, cùng với Đức TGM Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Ông Bryan Wells, Phó Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có mặt tại Vatican trong những ngày lễ này.

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

sứ điệp Giáng Sinh

Buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới



Hòa bình đích thực không phải là một sự quân bình giữa các lực lượng đối nghịch nhau. Nó không phải là một ”mặt ngoài đẹp”, nhưng đàng sau có các

đối kháng và chia rẽ. Hòa bình là một dấn thân của tất cả mọi ngày khởi đầu từ ơn của Thiên Chúa, từ ơn thánh Người ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, nhưng cần được tiếp tục.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 130.000 tín hữu và du khàch hành hương tham dự buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới tại quảng trường Thánh Phêrô trưa ngày lễ Giáng Sinh 25-12-2013.

Lúc 11 giờ 15 ban quân nhạc và đại diện các lực lượng binh chủng Italia đã được xe cảnh sát dẫn đường diễn hành từ Lâu Đài Thiên Thần tiến theo dọc đại lộ Hòa Giải để vào quảng trường Thánh Phêrô dàn hàng chào danh dự trước thềm đền thờ. Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô. Hai ban nhạc của Đội cận vệ Thụy sĩ và Cảnh sát Italia đã trình tấu Quốc thiều Vaticăng và Quốc thiều Italia.

Mở đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nói: ”Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Anh chị em Roma và thế giới thân mến, xin chào và chúc mừng lễ Giáng Sinh anh chi em! Tôi lấy lại làm của tôi tiếng hát của các thiên thần hiện ra với các mục đồng tại Bếtlehem trong đêm Chúa Giêsu sinh ra. Một tiếng hát hiệp nhất trời và đất, hướng lên trời lời chúc tụng và vinh danh, và hướng xuống đất lời cầu chúc hòa bình cho loài người. Tôi mời gọi tất cả mọi người hiệp nhất với tiếng hát này: tiếng hát đó là để cho mọi người nam nữ vọng thức trong đêm, hy vọng vào một thế giới tốt lành hơn, lo lắng cho các người khác bằng cách khiêm tốn chu toàn bổn phận của mình. Rồi Đức Thánh Cha nêu bật điểm đầu tiên của sứ điệp như sau.

Vinh danh Thiên Chúa. Đó là điều trước hết lễ Giáng Sinh mời gọi chúng ta: làm vinh danh Thiên Chúa, bởi vì Người nhân lành, trung thành và thương xót. Trong ngày này tôi cầu chúc tất cả mọi người nhận biết gương mặt thật của Thiên Chúa, là Cha đã ban Đức Giêsu cho chúng ta. Tôi cầu chúc tất cả cảm nhận được rằng Thiên Chúa gần gũi, sống trước sự hiện diện của Người, yêu mến Người và thờ lậy Người. Và từng người trong chúng ta có thể làm vinh danh Thiên Chúa nhất là với cuộc sống, một cuộc sống tiêu hao vì tình yêi đối với Người và với các anh chị em khác.

Bình an cho loài người. Hòa bình đích thực không phải là một sự quân bình giữa các lực lượng đối nghịch nhau. Nó không phải là một ”mặt ngoài đẹp”, nhưng đàng sau có các chống đối và chia rẽ. Hòa bình là một dấn thân của tất cả mọi ngày khởi đầu từ ơn của Thiên Chúa, từ ơn thánh Người ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, cần được tiếp tục sống.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã duyệt qua các tình trạng khốn khổ buồn thương của cuộc sống con người, trước hết là thảm cảnh của các trẻ em. Ngài nói:

Khi nhìn Hài Nhi trong máng cỏ, Hài Nhi của hòa bình, chúng ta nghĩ tới các trẻ em nạn nhân yếu đuối nhất của chiến tranh, nhưng chúng ta cũng nghĩ đến những người già cả, các phụ nữ bị ngược đãi, các bệnh nhân... Chiến tranh bẻ gẫy và đả thương biết bao nhiêu cuộc sống!

Trong các thời gian qua xung khắc tại Siria đã bẻ gẫy qúa nhiều cuộc sống khi gieo thù ghét và báo oán. Chúng ta hãy tiếp tục cầu xin Chúa để Người tránh cho dân tộc Siria yêu qúy các khổ đau mới, và cho các phe lâm chiến biết chấm dứt mọi bạo lực, và bảo đảm cho các trợ giúp nhân đạo tới được với người dân. Chúng ta đã thấy lời cầu nguyện quyền năng chừng nào! Và tôi hài lòng thấy rằng ngày hôm nay cả tín hữu của các tôn giáo khác cũng hiệp ý với lời khẩn nài của chúng ta cho hòa bình tại Siria. Chúng ta đừng bao giờ mất can đảm cầu nguyện! Can đảm nói: Lậy Chúa, xin ban bình an của Chúa cho dân nước Siria và cho toàn thế giới.

Xin ban hòa bình cho Cộng Hòa Trung Phi thường bị lãng quên. Nhưng lậy Chúa, Chúa không quên ai hết! Và Chúa cũng muốn đem bình an đến cho trái đất này, bị xâu xé bởi vòng xoáy bạo lực và bần cùng, nơi có biết bao người không có nhà ở, nước uống và thực phẩm, không có cái tối thiểu để sống. Xin tạo thuận tiện cho sự hòa hơp tại Nam Sudan, nơi các căng thẳng hiện nay đã gây ra nhiều nạn nhân khác nhau và đe dọa sự chung sống hòa bình của quốc gia trẻ trung này.

Tiếp tục sứ điệp Đức Thánh Cha đã cầu xin Chúa Giêsu Hoàng Tử Hòa Bình như sau:

Lậy Chúa là Hoàng Tử Hòa Bình, xin hãy hoán cải con tim của những kẻ bạo lực ở khắp nơi, để họ buông vũ khí và bắt đầu con đường đối thoại. Xin hãy nhìn đến nước Nigeria, bi xâu xé bởi các tấn kích liên tục không tha cho cả những người vô tội và không được bênh đỡ. Xin hãy chúc lành cho Trái Đất mà Chúa Đã chọn để đến trần gian, và xin làm cho các cuộc thương thuyết hòa bình giữa người Israel và người Palestin đạt kết qủa mỹ mãn. Xin hãy chữa lành các vết thương của dân nước Irak, còn bị đả thương bởi các vụ khủng bố thường xuyên.

Lậy Chúa của sự sống, xin che chở những người bị bách hai vì danh Chúa. Xin ban hy vọng và ủi an cho các người di cư và tị nạn, đặc biệt trong vùng Sừng Phi châu và miền đông cộng hòa Congo. Xin cho các người di cư để tìm một cuộc sống xứng đáng hơn được tiếp đón và trợ giúp. Ước gì các thảm cảnh như thảm cảnh mà chúng con đã chứng kiến trong năm nay với nhiều người chết tại đảo Lampedusa, đừng bao giờ xảy ra nữa!

Ôi, hỡi Hài Nhi Bếtlehem, xin đánh động con tim của những người liên lụy trong việc buôn bán người, để họ ý thức được sự trầm trọng của tội phạm này chống lại nhân loại. Xin hãy hướng mắt nhìn biết bao nhiêu trẻ em bị bắt cóc, bị thương và bị giết trong các cuộc xung đột vũ trang, và các trẻ em bị biến thành các chiến binh, bị cướp mất tuổi thơ của chúng.

Lậy Chúa trời đất, xin hãy nhìn hành tinh này của chúng con, mà sự gian tham và thèm khát của con người thường khai thác bóc lột một cách không phân biệt. Xin hãy trợ giúp và che chở các nạn nhân của các tai ương thiên nhiên, nhất là dân tộc Philippines yêu qúy, bị bão lụt tàn phá mới đây.
Anh chị em thân mến, trong thế giới này, trong nhân loại này hôm nay Đấng Cứu Thế là Chúa Kitô đã giáng sinh. Chúng ta hãy dừng lại trước Hài Nhi Bếtlêhem. Hãy để cho con tim chúng ta rung cảm, hãy để cho nó sưởi ấm bởi sự dịu hiền của Thiên Chúa. Chúng ta cần các vuốt ve của Người. Thiên Chúa cao cả trong tình yêu, xin dâng lên Người lời chúc tụng và tôn vinh muốn đời! Thiên Chúa là hòa bình: chúng ta hãy xin Người giúp chúng ta xây dựng hòa bình mỗi ngày, trong cuộc sống, trong các gia đình, thành thị và quốc gia của chúng ta, và trên toàn thế giới. Chúng ta hãy để cho lòng lành của Thiên Chúa đánh động chúng ta.

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran Trưởng đẳng Phó tế đã loan báo cho tín tín hữu biết Đức Thánh sắp ban Phép lành toàn xá cho thành phố Roma và toàn thế giới theo các nghi thức được ấn định. Đức Hồng Y xin mọi người cầu nguyện cho Đức Thánh Cha được Chúa cho sống lâu và khỏe mạnh và ban cho Giáo Hội và thế giới được hiệp nhất và bình an.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc công thức ban Phép lành toàn xá Urbi et Orbi như sau:

Xin các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô mà chúng ta tín thác nơi sức mạnh và quyền năng, bầu cử cho chúng ta bên Thiên Chúa Amen. Vì lời cầu xin và các công nghiệp của Đức Maria diễm phúc luôn luôn đồng trinh, Tổng lãnh thiên thần Micae, thánh Gioan Baotixita, các Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và tha mọi tội lỗi cho anh chị em, xin Chúa Giêsu Kitô dẫn đưa anh chị em vào cuộc sống vĩnh cửu Amen. Xin Thiên Chúa toàn năng và thương xót ban cho anh chị em ân xá, ơn tha mọi tội lỗi của anh chị em, một thời gian sám hối tinh tuyền và phong phú, một con tim luôn ăn năn và một sự hoán cải cuộc sống, ơn thánh, sự khuyên bảo của Chúa Thánh Thần và sự kiên trì liên tục trong các việc lành Amen. Và xin phước lành của Thiên Chúa toàn năng, Cha Con và Thánh Thần xuống trên anh chị em và ở cùng anh chị em luôn mãi Amen.

Sau phép lành Đức Thánh Cha đã chúc mừng lễ mọi người như sau: Với các anh chị em thân mến, từ khắp nơi trên thế giới tề tựu về đây tại quảng trường này và với tất cả những ai nối kết qua các phương tiện truyền thông, tôi xin gửi tới anh chị em lời chúc mừng lễ Giáng Sinh. Trong ngày được soi sáng bởi niềm hy vọng phúc âm tới từ hang đá khiêm hạ Bếtlêhem, tôi nài xin ơn tươi vui và hòa bình cho tất cả mọi người: cho các trẻ em, người già, giới trẻ và các gia đình, cho các người nghèo và người bị gạt bỏ ra bên lề xã hội. Xin Chúa Giêsu giáng sinh vì chúng ta an ủi những ai bị thử thách bởi tật bệnh và khổ đau; xin Người nâng đỡ những ai hy sinh phục vụ các anh chị em cần được trợ giúp nhất. Chúc anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành!

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ vọng Giáng Sinh

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ vọng Giáng Sinh đầu tiên



VATICAN. Lúc 9 giờ rưỡi tối ngày 24-12-2013, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ vọng Giáng Sinh đầu tiên tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC có 30 Hồng Y, 40 TGM và Giám Mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường. Đây là lần đầu tiên các linh mục cũng được đồng tế với ĐTC trong lễ vọng Giáng Sinh. Phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn Mẹ Giáo Hội gồm 80 ca viên, và Ca đoàn Ba Lan trong y phục truyền thống, đảm trách.

Đầu thánh lễ, ĐTC đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.
Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn lời ngôn sứ Isaia (9,1) trong bài đọc thứ I: ”Dân tộc bước đi trong tối tăm, đã nhìn thấy luồng sáng lớn”. Ngài nói:

1. ”Lời ngôn sứ này không bao giờ ngừng làm cho chúng ta cảm động, nhất là khi chúng ta nghe lời này trong Phụng vụ đêm giáng sinh. Đây không phải chỉ là một sự kiện cảm xúc, tình cảm; lời này làm chúng ta cảm động vì nói lên thực tại sâu xa: chúng ta là ai; chúng ta là dân tộc đang lữ hành, trong và ngoài chúng ta đang có tối tăm và ánh sáng. Và trong đêm này, trong khi tinh thần tối tăm đang vây bủa thế giới, có sự tái diễn biến cố luôn làm cho chúng ta ngỡ ngàng, ngạc nhiên: dân tộc đang lữ hành nhìn thấy một luồng sáng lớn. Một ánh sáng làm cho chúng ta suy tư về mầu nhiệm này: mầu nhiệm bước đi và nhìn thấy.

Bước đi. Động từ này làm cho chúng ta nghĩ đến dòng lịch sử, nghĩ đến hành trình dài là lịch sử cứu độ, bắt đầu từ Abraham, tổ phụ chúng ta trong đức tin, người mà một hôm Chúa đã gọi lên đường, ra khỏi xứ sở của ông để đi tới vùng đất mà Ngài sẽ chỉ cho ông. Từ đó, căn tính tín hữu của chúng ta là căn tính của người lữ hành hướng về đất hứa. Lịch sử này luôn được Chúa tháp tùng! Ngài luôn trung tín với giao ước và những lời Ngài hứa. ”Thiên Chúa là ánh sáng và nơi Ngài không hề có tối tăm nào” (1 Ga 1,5). Trái lại, nơi dân Chúa, có những lúc ánh sáng và lúc tăm tối xen kẽ nhau, trung thành và bất trung, vâng phục và nổi loạn, những lúc dân Chúa như người lữ hành, nhưng cũng có lúc đó là dân lầm lạc.

ĐTC nhận xét rằng ”Cả trong lịch sử bản thân mỗi người cũng có những lúc rạng ngời và tối tăm xen kẽ nhau, ánh sáng và bóng tối. Nếu chúng ta yêu mến Chúa và anh em, chúng ta bước đi trong ánh sáng, nhưng nếu tâm hồn chúng ta khép kín, tìm kiếm tư lợi, thì lúc đó bóng tối phủ xuống trong và quanh chúng ta. Như thánh Gioan đã viết: ”Ai ghét anh em mình, thì ở trong tối tăm, bước đi trong tăm tối và không biết mình đi âu, vì bóng tối làm mắt hắn mù tối” (1 Ga 2,11).

2. ”Trong đêm giáng sinh này, lời loan báo của thánh Tông đồ như một luồng sáng chói: ”Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện, mang ơn cứu độ cho mọi người” (Tt 2,11). Ân sủng xuất hiện trong thế giới là Chúa Giêsu, sinh bởi Đức Nữ Trinh Maria, là người thật và Thiên Chúa thật. Chúa đến trong lịch sử chúng ta, chia sẻ hành trình của chúng ta. Người đến để giải thoát chúng ta khỏi bóng đêm và ban cho chúng ta ánh sáng. Nơi Người, ân sủng, lòng từ bi, sự dịu dàng của Chúa Cha xuất hiện: Chúa Giêsu là Tình Thương nhập thể. Người không phải chỉ là một tôn sư hiền triết, không phải là một lý tưởng mà chúng ta hướng tới và chúng ta biết mình xa xăm vô tận đối với Người, Người là ý nghĩa cuộc sống và lịch sử, Người đã 'cắm lều' giữa chúng ta. 3. Các mục tử là những người đầu tiên đã thấy căn ”lều” ấy, đã đón nhận tin Chúa Giêsu sinh ra. Họ là những người đầu tiên vì họ thuộc vào số những người rốt cùng, những người bị gạt ra ngoài lề. Họ là những người đầu tiên vì đã canh thức trong đêm, canh giữ đoàn vật. Cùng với họ, chúng ta hãy dừng lại trước Chúa Hài Đồng, dừng lại trong thinh lặng. Cùng với họ, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu, cùng với họ chúng ta hãy để cho lời chúc tụng lòng trung tín của Chúa trào dâng từ thẳm sâu con tim của chúng ta: Lạy Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, chúng con chúc tụng Chúa, Chúa đã hạ mình xuống vì chúng con. Chúa là Đấng vô biên, nhưng đã trở nên bé nhỏ; Chúa giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo túng: Chúa toàn năng, nhưng đã trở nên yếu ớt”.

”Trong đêm này, chúng ta chia sẻ niềm vui Tin Mừng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu chúng ta đến độ đã ban Con của Ngài như người anh của chúng ta, như ánh sáng trong đêm đen của chúng ta. Chúa lập lại với chúng ta: ”Các con đừng sợ” (Lc 2,10). Và tôi cũng lập lại với anh chị em: Anh chị em đừng sợ! Cha chúng ta là Đấng kiên nhẫn, yêu thương chúng ta, Ngài ban cho chúng ta Chúa Giêsu để hướng dẫn chúng ta trong hành trình hướng về đất hứa. Ngài là ánh sáng chiếu soi rạng ngời trong đêm tối. Ngài là an bình của chúng ta. Amen”
Cuối thánh lễ, ĐTC đã bồng tượng Chúa Hài Đồng Giêsu đi rước tới hang đá tại nhà nguyện rửa tội trong Đền thờ Thánh Phêrô. Tại đây 10 em bé từ 6 đến 10 tuổi, đại diện cho 5 châu, đặt hoa trước tượng Chúa Hài Đồng. (SD 24-12-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

GIÁNG SINH TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY NĂM 2013



GIÁNG SINH TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY
 NĂM 2013

       Tiết trời se lạnh những ngày gần noel cũng như chính đêm Noel  làm cho đêm Giáng sinh thêm ý nghĩa vì hiểu được phần nào sự lãnh lẽo của Hài nhi Giêsu sinh ra giữa cánh đồng, trong hang đá nơi trú ẩn của bò lừa. Cũng chính không khí này đã làm cho dòng người đủ màu sắc, với đủ các kiểu áo lạnh, trẻ em tay cầm bóng bay  tiến về các Thánh đường tham quan, chiêm ngắm hang đá. Trước cửa nhà thờ Cần xây mới chỉ 18 giờ, nhưng dòng người đã tuôn đổ về như dòng thác lũ. Sân nhà thờ rất rộng nhưng hôm nay trở thành quá chật. Lực lượng giữ trật tự phải rất mệt mỏi để điều tiết giao thông không bị kẹt xe và dòng người tiến vào sân nhà thờ viếng hang đá. Đúng 20 giờ 30 hoạt cảnh diễn nguyện lại lịch sử cứu độ từ khi Chúa tạo dựng Adam Eva. Hai người đã không vâng lời chúa ăn trài cấm bị Chúa phạt, hậu quả của tội lỗi là cảnh sự ghen tỵ và giết em của Cain. Qua dòng lịch sử, Chúa không bỏ con người và hứa cho Người con xuống cứu chuộc nhân loại. Mở đầu tình thương và cứu độ đó bằng việc sứ thần truyên tin cho Mẹ Maria, báo mộng cho Giuse để thành lập một gia đình nghèo với một thai nhi trong lòng trinh nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần. Gia đình Thánh Giuse lên đường đi Belem làm hộ khẩu, hai người đi tìm nhà trọ nhưng vì quá nghèo chẳng nơi nào cho trọ. Ngày sinh Chúa Giêsu đã tới đành phải ra giữa cánh đồng hy vọng tìm được hang đá nào đó trú ẩn. Trong hoàn cảnh đó Chúa Hài Nhi được sinh ra giữa đêm đông lạnh giá không đủ ấm phải đặt Chúa trong máng bỏ cỏ cho bò lừa ăn và nhờ hơi thở của bò lừa hà hơi cho đỡ lạnh. Xen vào các hoạt cảnh là những điệu múa ca ngợi Mẹ và mừng Chúa sinh ra.Tới đây toàn thể giáo xứ cung nghinh Chúa Hài Nhi vòng trước sân nhà thờ. Đoàn rước rất dài và sốt sắng với bài ca hát khen mừng chúa giáng sinh ra đời. Kết thúc cuộc rước là thánh lễ đồng tế thật thánh thiêng khi mọi người đang được chiêm ngắm hình ảnh hang đá xưa mà cảm thấy như hiện tại. Niềm vui khi tới phần rước lễ, số người rước lễ rất đông chứng tỏ mọi người đã ý thức chuẩn bị tâm hồn đón mừng và đón nhận Chúa. Lạy Chúa Hài Nhi chỉ vì thương nhân loại mà Chúa đã chấp nhận kiếp người nghèo hèn, sinh ra không nhà, không cửa, không người thân giúp đỡ, không giường nằm, phải nằm trong máng cho bò ăn hôi hám vì muốn cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con cảm nghiệm được điều này, để biết đền đáp tình Ngài, và sự cảm nghiệm này chỉ có lợi cho chúng con là được làm con yêu của Ngài.

          Cuối cùng là lời cám ơn của cha sở tới Chính quyền các cấp đã đến chúc mừng Giáng sinh, cám ơn quí sơ dòng Nữ Tử Bác Ái, Hội đồng mục vụ, các anh chị em thiện chí và bà con giáo dân đã góp cọng rơm cho Chúa Hài Đồng. Kính chúc toàn thể bà con giáo dân giáng sinh AN BINH, có được nhiều HỒNG ÂN từ Chúa Hài nhi. Thánh lễ kết thúc lúc 23 giờ 15

                                                                                                         Thiên Sinh
ADAM EVA SAU PHẠM TỘI

CAIN VÀ ABEL DÂNG CỦA LỄ

CỦA LỄ CỦA ABEL ĐƯỢC CHÚA CHẤP NHẬN LỬA BỐC CHÁY




THIÊN THẦN TRUYỀN TIN CHO ĐỨC ME


MẸ XIN VÂNG






MỘNG BÁO CHO GIUSE

GIUSE ĐÃ THẤU HIỂU

GIUSE ĐÓN MARIA VỀ LÀM VỢ

2 ÔNG BÀ ĐI BELEM LÀM HỘ KHẨU


CHÚA SINH RA





KIỆU CHÚA HÀI NHI






BẮT ĐẦU THÁNH LỄ