label

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

7 NGUYÊN TẮC CẦN NHỚ KHI GIẢNG LỜI CHÚA

7 NGUYÊN TẮC CẦN NHỚ KHI GIẢNG LỜI CHÚA
Là linh mục, có bao giờ chúng ta được nghe sự phàn nàn ca thán của giáo dân về bài giảng của mình không?
Có bao giờ chúng ta hiểu cảnh hàng trăm người thuộc mọi địa vị xã hội, ngồi đó để cho một người trên bục cao với micro trên tay tuôn ra những lời đay nghiến hoặc lời thâm ý độc thay vì Lời của Tin vui, lời của Sự Sống không?
Đã bao giờ chúng ta là nạn nhân của một buổi giảng lễ vừa dai, vừa dài, vừa dở, lại thêm âm điệu đều đều buồn tẻ, với những câu văn sáo rỗng chưa?
Có khi nào ta rơi vào cảnh bị ngồi nghe và nghĩ rằng ông cha này không chuẩn bị bài giảng? Ông cha này chộp được bài trên internet vv... Và có bao giờ chúng ta muốn hét lên bởi ta đến nhà thờ để nghe Lời Chúa chứ không muốn nghe “ba hoa chích chòe” chưa?
Có bao giờ chúng ta cảm được sự khó chịu của giáo dân đến mức họ tự hỏi không biết họ có thể chịu đựng nổi đến cuối thánh lễ không?
Trong Tông huấn “Evangelii Gaudium”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các linh mục rằng “người giảng thuyết cũng cần để tai nghe dân và tìm xem các tín hữu cần nghe những gì. Người giảng thuyết phải nhìn xem thế giới, nhưng cũng phải nhìn xem người dân”. Ngài nói thêm: “các mục tử cần phải xem xét nghiêm túc chuẩn bị bài giảng. Bài giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng. Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng, và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng”.
Vẫn biết rằng, mang bản tính “nhân bất thập toàn”, các linh mục không ngay lập tức hoàn hảo như Lòng Chúa mong ước và như mọi người mong đợi. Vẫn biết rằng chẳng cha nào giống cha nào, mỗi thánh mỗi thể, cha này cha khác ... Luôn có những linh mục được nhiều người yêu mến, thích thú để lắng nghe; và ngược lại, cũng có các linh mục mà người nghe sợ hãi, coi thường, thậm chí chán chường. Tuy vậy, như ý kiến của Thomas W. Ladanye, một diễn giả nổi tiếng, hiện là giám đốc một học viện ở Beloit Wisconsin, cho rằng: các nguyên tắc thu hút thính giả vẫn luôn có đó, nhưng các linh mục đã không áp dụng.
Trong tinh thần hiệp thông, tôi xin chia sẻ một số nguyên tắc rút ra được từ việc học hỏi cũng như từ những lời góp ý đơn thành:
1. Đừng nói những gì quá xa lạ với mình hay với thính giả. Trong thực tế, không có MC đa khoa, không có thuyết trình viên cho mọi đề tài. Mỗi người chỉ  giỏi về một vài lĩnh vực nhất định. Người bán hàng giỏi là người am hiểu tường tận món hàng của mình. Cũng thế, một linh mục phải hiểu và thích thú bài giảng của mình, trước khi mong chờ nó được người khác đón nhận. Hãy luôn nhớ chọn đề tài thích hợp với mình và với giáo dân của mình.
2. Chân thành. Khác với chuyện bán buôn nơi thường bị lừa bịp, bài giảng rất dễ bị phát hiện giả dối hay không. Bởi lẽ giáo dân và linh mục là một cộng đồng thân cận. Rất gần gũi. Hành động và lời nói của cha xứ được giáo dân săm soi kỹ lưỡng. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy linh mục trong tư cách là Alter Christus được yêu mến và được quan tâm như thế nào. Và như thế, đòi buộc linh mục phải luôn nỗ lực và chân thành với sứ vụ của mình, trong đó có sứ vụ của người rao giảng Tin Vui. Chắc chắn chúng ta không bao giờ nghe thấy giáo dân ca tụng sự khiêm nhường khi linh mục rửa chân cho họ trong thứ 5 Tuần Thánh, vì họ biết đấy là nghi thức. Tuy nhiên giáo dân luôn thực sự xúc động khi thấy một linh mục xin lỗi và cầu mong được tha thứ về những yếu đuối, giới hạn của mình. Điều này cho thấy tác động của sự chân thành mạnh mẽ như thế nào.
3. Đừng bào chữa, rào đón. Bởi ưa thích sự chân thành và đơn giản, nên có nhiều người cảm thấy khó chịu, khi ngay từ đầu bài giảng linh mục nại tới lý do này nọ cho tình huống đang xảy ra: rằng mình nhỏ bé không xứng đáng, rằng mình bị bắt buộc đứng đây, rằng mình rất bất ngờ vv và vv... đây là sự chân thành quá mức cần thiết, bởi nó sẽ được hiểu rằng hoặc linh mục đang nâng khả năng biến báo của mình lên một tầm cao mới, hoặc đó là tín hiệu cho biết linh mục không soạn bài cách kỹ lưỡng, chứng tỏ của sự không  tôn trọng người nghe. Vậy, không nên tìm cớ bào chữa cho bài giảng của mình.
4. Tôn trọng thời gian và tập trung đề tài. Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum nói rằng: Giáo Hội khuyên làm bài giảng ngắn, vào ngày Chúa Nhật đừng bao giờ giảng tới 20 phút, nhưng cũng đừng dưới 6 (sáu) phút”. Như vậy, thời lượng bài giảng cho các Chúa Nhật thông thường nên khoảng 8-10 phút hay hơn một chút. Vì thời lượng ngắn, nên hãy hết sức tập trung vào trọng tâm bài giảng. Người nghe sẽ cảm thấy thú vị và nhẹ nhõm khi nghe một linh mục giảng thuyết cách tự tin, mạch lạc về một đề tài, bằng không họ sẽ rất tức bực, cảm thấy nặng nề khi phải nghe một bài giảng với những từ ngữ dao to búa lớn nhưng vô hồn. Một bài giảng ngắn gọn, cô đọng, với một vài điểm nhấn gây xúc động bằng các câu chuyện đời thường sẽ luôn có tác động tốt. Một bài giảng hay nhưng quá dài và khi trời nóng bức sẽ dần dần trở thành thảm họa, trừ khi đó là dịp đặc biệt, và người nghe đã được chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đón nhận.
5. Nói rõ ràng, dễ nghe. Một linh mục lớn tuổi trong địa phận Long Xuyên- cha Đaminh Vũ Hồng Nho - đã rất chí lý khi nói rằng: “linh mục là chiến sĩ của Lời, và do vậy, hệ thống âm thanh chính là vũ khí cần thiết. Người chiến sĩ rất cần tới vũ khí tốt để hỗ trợ cho khả năng chiến đấu của mình”. Hệ thống âm thanh tốt là điều thiết yếu, nhưng quan trọng không kém là cách nói của người giảng. Người giảng cần nghe được giọng nói của mình và cảm được tác động của nó trên cử tọa. Những kiểu nói sau rất dễ gây nặng nề cho thính giả: “vuốt đuôi lươn”, đầu câu nói thì lớn nhưng cuối câu thì nhỏ; hoặc bắt đầu thì chậm rãi nhưng rồi nhanh dần nhanh dần như không thể làm chủ được; nói liên tu bất tận, không có nhấn nhá to nhỏ những chỗ cần nhấn mạnh; nói lầm bầm thì thào, giọng đơn điệu không âm sắc, không có những khoảng lặng vv.... Các kiểu nói này làm cho công sức soạn bài giảng đổ sông đổ biển. Chỉ cần bình tĩnh và để ý một chút đến cách nói và giọng nói của mình, linh mục sẽ dễ dàng chiếm được tình cảm của người nghe.
6. Nhiệt tình và vui tươi. Bên cạnh sự thành thật, tự tin, đi sát chủ đề, nói rõ ràng, ngắn gọn và tránh kéo dài thời gian không cần thiết, linh mục còn cần có sự vui tươi phấn khởi. Một bài giảng mười phút mà không có lấy một nụ cười, không một chút thanh thản, nhẹ nhàng, thì làm sao truyền giảng tin vui? Thì làm sao truyền lửa cho người khác? Hình ảnh Đức Phanxicô vừa diễn giảng vừa xoa đầu em bé và để bé lên ghế ngồi của mình đã gây một hiệu ứng tích cực gấp bao nhiêu lần những lời nói hùng hồn khác. Hình ảnh này cũng làm các linh mục vốn rất nghiêm khắc và hay la mắng các trẻ nhỏ đi lại trong nhà thờ khi giảng, phải suy nghĩ lại.
7. Kể chuyện và hài hước. Một hiệu ứng mạnh mẽ rấr tốt cho bài giảng là khả năng kể chuyện. Bài diễn văn tốt cần phải được xây dựng trên kinh nghiệm cá nhân hay trên thực tế, và được thích ứng với từng loại khán thính giả. Câu chuyện thú vị và thích hợp sẽ làm cho các điểm nhấn luân lý trở nên dễ hiểu, cũng như được yêu mến. Rất nhiều câu chuyện trong bài giảng được giáo dân nhớ kỹ lưỡng. Thế nên, hãy tập sử dụng các câu chuyện minh họa cách nhuần nhuyễn để làm cho giờ giảng giải trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả.
Hài hước rất quan trọng nhưng cần thận trọng. Đó có thể là điệu bộ, là câu nói ý vị hay là câu chuyện vui, và cần phải được dùng đúng chỗ và hết sức tinh tế để tránh lố bịch, vì chúng ta đang đứng trên tòa giảng. Vị linh mục đại diện cho Chúa Kitô, cần tránh các từ ngữ không xứng đáng với Chúa và cần để ý tới tính nhạy cảm của địa phương cũng như của từng giới thính giả.
Ngoài 7 yếu tố trên, xin đừng quên suy niệm Lời Chúa trước khi soạn giảng. Cầu nguyện để biết Chúa muốn nói gì qua đoạn Thánh Kinh đó, chứ không phải ta sẽ nói gì và dùng đoạn Thánh Kinh để củng cố điều ta nói. Tông huấn Evangelii Gaudium đưa ra một số lời khuyên rằng: “hãy dành một lượng thời gian dài cho việc học hỏi, cầu nguyện, suy tư và óc sáng tạo mục vụ, đồng thời kính trọng sự thật bằng cách cố gắng hiểu đúng ý nghĩa sứ điệp trọng tâm của một bản văn (số 145-148). Cầu nguyện sẽ sinh ra an bình, và như thế chúng ta dễ dàng vượt qua ngưỡng tâm lý bực bội nếu có, khi tâm trí đang đầy tràn các việc làm, lời nói khó chịu của người khác. Bình an sẽ giúp tâm trí sáng suốt, minh mẫn, tươi vui, và vì thế, giúp cho người thuyết giảng phấn khởi để có thể truyền lửa cho người nghe.
Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét