label

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

NGÀY CỦA MẸ - VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI CON

NGÀY CỦA MẸ - VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI CON
Viết Cho Những Người Con
 
“Ngày Hiền Mẫu hay Ngày của Mẹ (Tiếng Anh: Mother’s Day) đương thời được khởi xướng bởi bà Anna Marie Jarvis tại thành phố Grafton, tiểu bang Tây Virginia, Hoa Kỳ, để tôn vinh những người mẹ hiền, đặc biệt là trong khung cảnh của mái ấm gia đình. Theo truyền thống của Hoa Kỳ và đa số các quốc gia trên thế giới ngày nay, Ngày Hiền Mẫu được tổ chức hằng năm vào ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng 5. Một số nước khác cũng có các ngày lễ tương tự được tổ chức vào các ngày khác trong năm.” (http://vi.wikipedia.org/wiki/Ngày_của_Mẹ)
 
Hàng năm, toàn thế giới có một ngày để tôn vinh công ơn của các người mẹ là điều chính đáng, vì đây là dịp nhắc nhở những người con nhớ đến công ơn sinh thành và dưỡng dục của những người mẹ đã hy sinh cả đời cho sự lớn khôn và trưởng thành của mình.
 
Thực vậy, để cho một đứa con được sinh ra và lớn khôn, người mẹ phải hy sinh rất nhiều. Mẹ phải hy sinh không những thời giờ, sức lực, mà thậm chí hy sinh cả hạnh phúc của mình cho con. Hy sinh cả hạnh phúc đời mình vì con, mẹ đã phải chấp nhận ngậm đắng nuốt cay, nghĩa là, nếu không vì con, mẹ có thế có cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn, nhưng vì con, mẹ phải chấp nhận những thiệt thòi để cho con được lớn lên trong tình yêu thương, vui vẻ và hạnh phúc. Một ngày con lớn khôn là một ngày mẹ phải chịu sự hao mòn chính mình. Sự trưởng thành và hạnh phúc của con được xây dựng trên nền tảng sự hy sinh của mẹ.
 
Tình mẹ dành cho con thật bao la, chính vì vậy đã có biết bao nhiêu bài hát, bài ca dao diễn tả rất cảm động về tình mẹ. Một trong những bài hát làm tôi xúc động nhất là bài “Bao La Tình Mẹ” của Hà Đăng Đàm. Lời bài hát đó thế này:
 
“Cuộc đời mẹ tôi, vì tôi tóc mẹ hai mầu, ngày ngày đội nắng mưa mòn đôi chân buôn bán nuôi con. Một đời mẹ chắt chiu lo cho con áo ấm cơn no. Mẹ nhìn con khôn lớn lòng mẹ vui cười vui với đời.Nhìn lại mẹ tôi giờ đây tóc bạc thêm nhiều. Tuổi đời chồng chất cao, làn da nhăn đan chéo quanh thân. Chầm chậm từng bước đi, chân tay run trí nhớ mau quên. Giờ mẹ hay đau yếu, nhìn mẹ đau lòng con xót xa nhiều. Còn nhớ từng lời ca dao, giọng hát ngọt ngào du dương, bên song đưa trong đêm khuya, màn trời tình yêu, trăng qua thềm nhìn con say giấc mơ, nhìn con yêu ngon giấc mẹ yên lòng. Vì núm ruột, vì thương con, mẹ suốt một đời hy sinh, khi con yêu kêu than đau lòng mẹ buồn đau. Bao la tình mẹ làm sao con dám quên, ơn sinh thành làm sao con đáp đền.” (https://www.youtube.com/watch?v=W4ve1djcvuk)
 
Tình mẹ bao la là thế; ơn mẹ lớn lao là vậy. Nếu chỉ có một ngày để tôn vinh mẹ, theo tôi, như vậy là không đủ. Với tôi, ngày nào cũng là Ngày của Mẹ, vì ngày nào tôi cũng nhớ tới mẹ, và mẹ, có thể nói trên đời này, là tất cả của tôi, dù cách bày tỏ tình cảm của tôi đối với mẹ không như nhiều người khác. Mẹ là tất cả đối với tôi, và tôi cũng là tất cả đối với mẹ vì, … Tôi xin kể cho bạn về mẹ tôi:
 
Mẹ tôi là một phụ nữ nông dân quê mùa, ít học. Theo như mẹ nói, ngày xưa ông ngoại chỉ cho mẹ học hết lớp năm trường làng. Ông ngoại nói: con gái học để biết đọc, biết viết là đủ. Năm 17 tuổi mẹ lấy chồng, và năm 22 tuổi mẹ góa chồng khi tôi mới được hai tháng rưỡi tuổi. Ba tôi qua đời để lại cho mẹ hai đứa con thơ dại, anh tôi và tôi; và bắt đầu từ đó, mẹ vừa phải chu toàn trách nhiệm của người mẹ, vừa phải chu toàn trách nhiệm của người cha. Mọi gánh nặng của trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái đặt trên đôi vai của người mẹ góa bụa.
Sau khi ba qua đời, mẹ đưa anh em tôi về bên ngoại sống. Mặc dù được ông bà ngoại giúp đỡ, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, và mẹ đã phải bươn trải, làm lụng vất vả để lo cho hai anh em tôi. Tôi còn nhớ mẹ đã từng phải chắt chiu bán từng bó rau muống, từng bó cải để kiến tiền lo cho gia đình, và bao nhiêu những công việc nặng nhọc trong nhà, mẹ phải tự mình gánh vác, xoay sở, tính toán và lo liệu.
 
Cuộc sống của mẹ vất vả là vậy, nhưng vì hai anh em tôi, mẹ sẵn sàng chấp nhận mà không một lời kêu than, không tìm cách thoái lui. Bạn biết đó, một người phụ nữ góa chồng khi tuổi đời mới đôi mươi, chắc chắn mẹ cũng bị cám dỗ để tái hôn trước những lời ong bướn của những người đàn ông, và đó là điều mẹ có quyền chọn lựa. Tái hôn, chắc chắn mẹ sẽ được san sẻ bớt trách nhiệm và gánh nặng gia đình. Mẹ có quyền chọn lựa tái hôn, nhưng mẹ đã chọn lựa ở vậy nuôi con, và đây là điều làm cho mẹ phải chiến đấu rất quyết liệt với bản thân. Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, mẹ dặn hai anh em tôi: nếu các con thấy ông đó, ông kia đến nhà chơi thì các con phải đòi mẹ dẫn các con đến nhà ông ngoại chơi. Còn nhỏ, anh em tôi chỉ biết làm theo lời mẹ dặn, và mỗi khi thấy những người đó đến nhà thì chúng tôi lại đòi mẹ dẫn đến ngoại chơi. Sau này khi lớn lên, nghĩ lại thì tôi nhận ra là, mẹ làm như vậy là vì muốn tránh để không bị những người đó cám dỗ. Mẹ cũng muốn có hạnh phúc cho riêng mẹ, nhưng mẹ không muốn vì hạnh phúc của mình mà phải hy sinh hạnh phúc của các con. Nơi mẹ, tình mẫu tử vượt trên tình cảm cá nhân.
 
Theo năm tháng, hai anh em tôi dần lớn khôn, cuộc sống của mẹ cũng đỡ vất vả hơn, thế nhưng một ngày kia sự đau buồn lại ập đến với mẹ. Đó là ngày anh tôi bỏ mẹ và tôi ra đi vì một cơn bạo bệnh, khi đó tôi mới 11 tuổi. Người mẹ nào mà không đau xót khi phải chứng kiến cái chết của con mình. Khi đó tôi thấy mẹ rất buồn, và phải mất một thời gian dài mẹ mới có thể vượt qua được nỗi đau buồn đó.
 
Anh tôi qua đời, còn lại mình tôi, chắc chắn mẹ không bao giờ muốn mất tôi, thế nên mẹ đã dành trọn tình thương để chăm lo cho tôi được lớn khôn và mạnh khỏe. Mẹ sợ mất tôi nhưng không hẳn là sợ tôi bỏ mẹ ra đi như anh tôi, mà còn là sợ tôi hư hỏng. Đây là điều làm cho mẹ sợ nhất. Chính vì vậy, dù mẹ phải làm lụng vất vả để chăm lo cho tôi được bằng anh bằng em về vật chất, nhưng mẹ cũng rất chăm lo để tôi trở nên người tốt, và xem ra mẹ rất nghiêm khắc. Tôi nhớ khi còn nhỏ, vì là một đứa trẻ hiếu động và ngỗ nghịch, không ngày nào mà tôi không được mẹ cho “ăn lươn” đến nỗi bây giờ, có ai đó hỏi tôi có thích ăn thịt lươn không thì tôi vẫn nói đùa: từ nhỏ ngày nào cũng “ăn” nên cũng ngán. Có điều lạ là, mỗi khi tôi sai lỗi, để phạt tôi, thay vì mẹ đi lấy cây thì mẹ lại bắt tôi phải tự đi lấy cây cho mẹ. Mẹ không nói, nhưng sau này tôi mới hiểu là, qua đó, mẹ muốn cho tôi bài học về việc tự ý thức về những sai lỗi của mình. Có lỗi thì phải nhận, vì để có thể sửa lỗi, điều trước tiên là phải biết nhận lỗi.
 
Đó là chuyện khi tôi còn nhỏ. Khi tôi đã lớn, nhất là khi tôi đã đi học đại học, sống xa mẹ, mẹ không còn dạy tôi theo kiểu cho “ăn lươn”, nhưng là bằng những lời khuyên rất thiết thực. Có một hôm, khi đi học về nhận được thư của mẹ gởi từ quê lên. Trong thư mẹ viết rất nhiều, và có một câu mẹ viết làm tôi xúc động và nhớ mãi, và tôi coi đó là một câu nói và là lời khuyên thay cho tất cả những gì mẹ muốn nói và muốn khuyên tôi. Mẹ viết: Con trai, mẹ chỉ có mình con, con là niềm hạnh phúc và là vinh dự của mẹ, nếu con là người tốt; nhưng con cũng sẽ là sự tủi nhục cho mẹ nếu con không trở nên người tốt. Lời mẹ khuyên tôi là như vậy, rất mọc mạc đơn sơ, nhưng rất thiết thực. Ở nhà, mẹ đã vất vả làm việc kiếm tiền để cho tôi ăn học, chắc chắn mẹ muốn cho tôi thành tài, nhưng điều mẹ muốn nhất đó là muốn tôi thành người.
 
Mẹ tôi là thế, cũng giống như bao người mẹ khác trên đời, nhưng đối với tôi, đó là người mẹ tuyệt vời nhất. Đối với tôi, mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất không phải vì mẹ tài giỏi, giầu sang, quý phái, có địa vị trong xã hội, …, nhưng vì một điều duy nhất: vì mẹ là mẹ tôi.
 
Như đã nói ở trên, với tôi, trên đời này mẹ là tất cả, và ngày nào cũng là Ngày của Mẹ đối với tôi, vì cuộc sống mà tôi có được hôm nay là cuộc sống tôi được trao ban qua mẹ. Dù chỉ là một người góa bụa và quê mùa, nhưng Thượng Đế đã dùng mẹ để trao ban cho tôi cuộc sống; để dạy tôi nên người. Ngài đã dùng sự mộc mạc chân thành, nhưng không kém phần nghiêm khắc của mẹ để dạy tôi cách sống thành người, và cho tôi thấy đâu là giá trị thực của cuộc sống. Giá trị đó không phải là những vinh hoa phú quý, không phải là những hào nhoáng bề ngoài, nhưng là những giá trị thực bên trong, là nhân cách sống của một con người, biết sống và hy sinh không chỉ là cho và vì hạnh phúc của bản thân, mà còn là cho và vì người khác, nhất là những người mình có liên đới và có trách nhiệm.
 
Với tôi, mẹ là tất cả, nhưng, cũng như đã nói ở trên, cách tôi thể hiện tình cảm với mẹ dường như khác với những người con khác. Mẹ thương tôi, rất nhớ tôi khi tôi sống xa nhà, nhưng dường như tôi rất ít gọi điện cho mẹ. Tôi biết mẹ rất buồn, rất muốn tôi thường xuyên gọi điện cho mẹ, nhưng tôi vẫn chưa làm được, mặc dù tôi luôn nhớ và thương mẹ. Trước đây mẹ sợ mất tôi, bây giờ, mẹ đã lớn tuổi, chân yếu, mắt mờ, cộng với nhiều bệnh tật vì tuổi già, thì tôi lại sợ mất mẹ. Sợ mất mẹ, vì khi mất mẹ rồi thì biết tìm đâu ra mẹ của mình, như tác giả của một bài hát đã viết: “Giả như tôi có mất một người bạn trên đời thì quanh tôi vẫn có thật nhiều bạn dễ thương. Nhưng khi cha tôi mất, hoặc mẹ đã khuất xa, ôi sao bơ vơ quá, biết tìm đâu mẹ cha!?”
 
Mất mẹ, đó là một thực tế mà trước sau gì thì cũng xảy ra với những người con. Biết đó là thực tế, nhưng vẫn sợ. Sợ thì phải biết giữ mẹ lại với mình. Giữ mẹ lại bằng cách nào? Bằng cách là hãy sống là người tốt. Đó là cách để mẹ không bao giờ mất mình và mình cũng không bao giờ mất mẹ. Bởi vì, tình mẹ thì thiêng liêng; tình mẫu tử thì thắm thiết và vượt trên tất cả, nên dù mẹ có ở đâu, dù con có thế nào, thì mẹ cũng không bao giờ rời xa con!
 
Bạn thân mến, là những người con, dù bạn và tôi có là gì đi nữa thì bạn và tôi cũng vẫn là những đứa con của mẹ, vẫn luôn cần đến những lời khuyên bảo của mẹ. Vậy, mỗi ngày sống, bạn và tôi hãy sống như thể đó là Ngày của Mẹ, để nhớ và sống những lời mẹ khuyên, và hãy nỗ lực thực hiện ước nguyện của mẹ, đó là hãy sống là người tốt, biết quý trọng và sống nhân cách của một con người. Đây là cách để tôi và bạn báo đáp tình mẹ!
 
Đaminh Hoàng Quốc Việt
 
Ngày của Mẹ 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét