label

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Phỏng vấn Đức Hồng Y Jean Louis Tauran về chuyến viếng thăm Algeria

Phỏng vấn Đức Hồng Y Jean Louis Tauran về chuyến viếng thăm Algeria



Trong các ngày từ 29-4-2014 tới mùng 3-5-2014 Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Đối thoại liên tôn, đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã viếng thăm Algeria và chủ sự lễ tái thánh hiến Vương cung thánh đường thánh Agostino tại Annaba. Đền thờ này xây tại nơi xưa kia là thành phố Ippona, nơi thánh Agostino làm Giám Mục, và đã được mở cửa lại hồi tháng 10 năm 2013, sau khi được tu bổ trong vòng hai năm rưỡi, với sự đóng góp của nhiều ân nhân, trong đó có cả Đức Giáo Hoàng Biến Đức XVI, là người có lòng kính mến đặc biệt đối với thánh Agostino.

Trong ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm Đức Hồng Y Tauran đã gặp Bộ trưởng Tôn giáo vụ và ngoại trưởng Algeria ở thủ đô Alger. Ngày 30-4-2014 ngài đã gặp Chủ tịch Thượng Viện Algeria và chủ sự thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phi châu trên đồi cao nhìn xuống thủ đô.

Ngày mùng 1-5-2014 Đức Hồng Y đên Annaba, nằm trên bờ biển đông bắc Algeria, xưa kia là thành Ippona. Hồi thế kỷ thứ V thành này trở thành một trung tâm quan trọng của Kitô giáo, nơi thánh Agostino làm Giám Mục (354-430) trong 34 năm trời, từ năm 396 đến khi ngài qua đời năm 430. Ngày mùng 2-5-2014 Đức Hồng Y đã nhân danh Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tái thánh hiến Vương cung thánh đường thánh Agostino và mừng 100 năm nhà thờ này. Tiếp đến ngài đã tham dự một hội nghị và thảo luận về đối thoại liên tôn. Sau cùng ngày mùng 3-5-2014 Đức Hồng Y Tauran đã gặp các nhà nghiên cứu về tôn giáo đối chiếu tại Đại học Hồi giáo Emir Abdelkader trước khi trở về Roma.

Trong thánh lễ mừng 100 năm nhà thờ thánh Agostino tại Annaba Đức Hồng Y Tauran đã tuyên đọc sứ điệp Đức Thánh Phanxicô gửi cộng đoàn tín hữu Algeria trong dịp này. Đức Thánh Cha khích lệ tín hữu kitô làm chứng cho một Giáo Hội luôn luôn rộng mở cho tình bạn và sự đối thoại, một chứng tá ngày càng đáng tin cậy hơn, vì kitô hữu được mời gọi sống trong một quốc gia trong đó đa số công dân theo Hồi giáo.

Giảng trong thánh lễ Đức Hồng Y Tauran đã giải thích rằng một Vương cung thánh đường xây ngoài thành phố Roma là dấu chỉ của một sự hiệp thông sâu xa hơn với Vương cung thánh đường thánh Phêrô của Đức Thánh Cha. Cũng như Vương cung thánh đường thánh Phêrô nhắc tới vị thánh cần noi gương, tại Annaba này vị đó là thánh Agostino. Thánh nhân vẫn còn thông truyền các giáo huấn của người: kiếm tìm sự thật qua con người nội tâm; tình yêu đối với công lý và hòa bình; việc khám phá ra Thiên Chúa trong cùng thẳm mỗi người, trong vẻ đẹp của thiên nhiên, trong cái trong sáng của một tư tưởng và trong tình bằng hữu chia sẻ. Các viên đá của nhà thờ này còn vang vọng tư tưởng của thánh nhân. Nhưng các viên đá sống động là các tín hữu công giáo của cộng đoàn trung thành với ơn gọi liên tôn tiếp tục sống và làm việc cho công ích của xã hội Algeria. Đức Hồng Y đã xin Đức Cha Paul Desfarges, Giám Mục Costantina-Ippona, mở cửa vương cung thánh đường để bất cứ ai cũng có thể trông thấy một ngôi nhà, nơi họ có thể dừng chân hay kiếm tìm chân lý, tình yêu, sự tự do, các ý tưởng mà triết gia thành Tagaste ưa thích.

Đức Hồng Y Tauran cũng nhắc lại rằng thánh Agostino đã đương đầu với các thách đố của thời ngài với lòng can đảm và một sự hữu hiệu khiến cho ngài khá gần gũi với thời đại ngày nay, đang bị ghi dấu bởi các thay đổi văn hóa và chính trị sâu rộng. Đức Hồng Y cầu mong rằng con người ngày nay có thể học nơi thánh Giáo Phụ Agostino sự thông hiểu của con tim, cho phép lắng nghe và tiếp nhận tiếng gào thét đau đớn của con người đơn độc, không công ăn việc làm, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi, cầm tù và tra tấn”; nghĩa là biết để cho mình được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan và thánh thiện của thánh Agostino.

Ngoài các giới chức chính quyền kể trên, Đức Hồng Y Tauran cũng đã gặp các Đức Tổng Giám Mục hai giáo phận Lyon và Marseille hiện diện trong địp này. Sự kiện này trao ban an ủi, vì làm cho người ta cảm thấy mình là phần của một đại gia đình. Và trong những lúc khó khăn luôn có Giáo Hội, luôn có một đại gia đình đứng đàng sau để hỗ trợ chúng ta.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y dành cho phóng viên Tiziana Campisi, về chuyến viếng thăm Algeria.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y nghĩ gì về lễ mừng 100 năm nhà thở thánh Agostino tại Annaba, mà Đức Hồng Y đã chủ sự những ngày vừa qua bên Algeria?

Đáp: Tôi nghĩ rằng nó là một dấu chỉ của sự trưởng thành lớn, bởi vì đây là môt dân tộc lãnh nhận lấy lịch sử của mình. Tại đây dĩ nhiên các kitô hữu đã hiện diện trước Hồi giáo và đã biết tới trang này trong lịch sử của họ, nhất là thừa nhận rằng thánh Agostino là một người Algeri... và là một người Algeri tốt lành chừng nào!

Hỏi: Gương mặt của thánh Agostino đang góp phần xây dựng sự phát triển của cuộc đối thoại liên tôn như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết thánh Agostino hiệp nhất hai bờ Địa Trung Hải. Ngài là một tư tưởng gia, nột thiên tài. Ít người có được chiều kích như thánh nhân! Điều đã luôn luôn gây ấn tượng cho tôi đó là nghĩ rằng ngài đã viết các trang thần học hay đẹp nhất, trong khi thành Ippona đang bị bao vây; đồng thời ngài đã quảng đại lo lắng cho các người tỵ nạn. Ngài đã là một chủ chăn theo dõi cuộc sống thường ngày của tín hữu. Sự đóng góp to lớn của thánh Agostino là điều này: đó là không có sự đối nghịch giữa đức tin và lý trí.

Hỏi: Đâu là sứ điệp Đức Thánh Cha gửi tín hữu Algeri qua Đức Hồng Y trong dịp kỷ niệm này?

Đáp: Dĩ nhiên bức thư Đức Thánh Cha đã gửi cho tôi nói tới việc đối thoại liên tôn và lòng biết ơn của Giáo Hội công giáo đối với sự cảm thông và lòng quảng đại của các tín hữu hồi, bởi vì chính quyền cũng đã đóng góp tài chánh cho việc tu sửa nhà thờ rất đẹp này.

Hỏi: Vương cung thánh đường thánh Agostino muốn là dấu chỉ gì trong một quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo như Algeria, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi nghĩ rằng nó nhắc cho tất cả mọi người biết rằng chúng ta được tạo dựng nên để nhìn thấy Thiên Chúa: và đây là một dấu chỉ rất mạnh mẽ, nhất là trong một quốc gia hồi giáo, nơi lời cầu nguyện có một vai trò quan trọng. Tín hữu hồi cầu nguyện nhiều lần trong ngày, nơi công cộng, cách riêng tư và công khai, và như thế cũng thật là tốt, khi các kitô hữu với ngôi nhà thờ uy nghi này nhớ rằng chúng ta cũng chúc tụng Chúa là Thiên Chúa duy nhất, và chúng ta trung thành với các bổn phận của mình.

Hỏi: Theo Đức Hồng Y, sự kiện các kitô hữu hành hương sang Algeria tới những nơi còn có các dấu tích chứng tá của Giáo Hội, có tầm quan trọng nào?

Đáp: Riêng cá nhân tôi, tôi rất tin nơi các cử chỉ nhỏ bé này của cuộc sống thường ngày, và vì thế tôi cũng tin nơi các cuộc hành hương, bởi vì chúng dệt thành các tương quan nhân bản rất sâu xa, không phải trên bình diện thương mại hay du lịch. Và tôi nghĩ rằng các nhà thờ của chúng ta phải luôn mở cửa để tiếp đón ai muốn tìm một chút thinh lặng giúp suy tư, để cầu nguyện, để nhắc cho mọi người nhớ rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh.

Hỏi: Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn, mà Đức Hồng Y là Chủ tịch có thể góp phần vào việc khiến cho cuộc đối thoại giữa các tín hữu kitô và hồi giáo tiến triển thế nào?

Đáp: Mục đích của Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn là tạo thuận tiện và điều hợp các sáng kiến cho mục đích này, vì thế chúng tôi đã tiếp xúc với Hội Đồng Giám Mục, các Giám Mục địa phương để cho cuộc đối thoại được làm tại chỗ, chứ không phải ở đại lộ Hòa Giải ở Roma là nơi có văn phòng của Hội Đồng. Vì thế tại Algeria, cuộc đối thoại được làm trong các giáo xứ, nơi người dân sống và sinh hoạt. Và cuộc đối thoại này của cuộc sống rất là quan trọng: chung sống, đương đầu với cùng các vấn đề, cùng các khó khăn như là tín hữu... Và tôi nghĩ rằng sự tự phát này trong các tương quan là nền tảng của mọi cuộc đối thoại, và cuộc đối thoại liên tôn luôn luôn dựa trên tình bạn: cần phải biết nhau, yêu mến nhau và cùng đi một đoạn đường với nhau.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Vương cung thánh đường thánh Agostino tại Annaba giống như một chiếc đèn pha đối với thành phố, được đặt trên một ngọn đồi. Nó nói gì với người dân Algeri ngày nay?

Đáp: Nó nói rằng các tôn giáo không phải là một nguy hiểm, trái lại là một suối nguồn của hòa bình và sự hiệp thông huynh đệ. Vì vậy Vương cung thánh đường này nhắc nhớ rằng không có tương lai, nếu không phải là một tương lai được chia sẻ.

(APIC 29-4-2014; RG 1.5-5-2014)

Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét