label

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Hoán cải không bao giờ là quá trễ

Hoán cải không bao giờ là quá trễ
nhưng đó lại là một việc khẩn thiết
và phải làm ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay

Kinh Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Chay: Ðức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng đó lại là một việc khẩn thiết và phải làm ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay.
Vatican (Vat. 28-02-2016) - Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, 28 tháng 02 năm 2016, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Ðức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng đó lại là một việc khẩn thiết và phải làm ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài huấn dụ của Ðức Thánh Cha:

"Anh chị em thân mến,
Ðiều đáng buồn là mỗi ngày trên sách báo đều xuất hiện những tin xấu, chẳng hạn như những vụ thảm sát, những tai nạn thương tâm, những thiên tai dữ dội. Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Ðức Giêsu cũng đề cấp đến hai sự kiện bi thảm đã từng gây xôn xao thời bấy giờ. Chuyện thứ nhất là những người Ga-li-lê bị tống trấn Phi-la-tô giết khi đang dâng lễ vật trong đền thờ. Chuyện thứ hai là có mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết (x. Lc 13,1-5).
Ðức Giêsu biết rõ tâm thức mê tín của những kẻ đang nghe Ngài giảng và họ sẽ giải thích những sự kiện ấy theo một nghĩa hoàn toàn sai lầm. Thật vậy, dân chúng nghĩ rằng những người chết cách thê thảm như thế là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang trừng phạt vì những tội lỗi nặng nề, ghê tởm mà họ đã gây ra. Dân chúng nói rằng: 'Những kẻ ấy đáng bị như vậy. Những ai thoát khỏi thảm họa, có nghĩa là họ tốt lành, thánh thiện.'
Ðức Giêsu đã quyết liệt lên án và loại bỏ lối nhìn này, vì Thiên Chúa không bao giờ cho phép những thảm họa hay bi kịch xảy ra để trừng phạt những ai tội lỗi. Ngài cũng tuyên bố rằng những nạn nhân bị chết ấy không hề tội lỗi hơn những người Ga-li-lê khác. Trên hết, Ngài mời gọi dân chúng hãy biết đọc ra từ những biến cố ấy một lời cảnh báo dành cho tất cả mọi người, vì ai cũng là tội nhân. Ðức Giêsu khẳng đỉnh: 'Tôi nói cho các ông biết, nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.'
Ngay cả ngày hôm nay nữa, khi đứng trước những thảm họa thiên tai, người ta rất dễ bị cám dỗ 'gán' mọi trách nhiệm cho nạn nhân, hay thậm chí là gán cho Thiên Chúa. Nhưng Tin Mừng ngày hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết suy tư và phản tỉnh: Chúng ta đang có ý tưởng nào về Thiên Chúa? Chúng ta có thật sự nghĩ rằng Thiên Chúa là như thế không? Ðó không phải chỉ là một sự phóng chiếu của chúng ta thôi ư, một Thiên Chúa được dựng nên theo tưởng tượng và hình dung của con người mà thôi? Trái lại, Ðức Giêsu mời gọi chúng ta hãy biến đổi con tim, thực hiện một cuộc hoán cải tận căn trong hành trình cuộc sống của chúng ta, hoàn toàn dứt bỏ những thỏa hiệp với sự dữ, với sự giả hình; để thực sự bước đi trên con đường Tin Mừng. Nhưng một lần nữa chúng ta lại có cám dỗ biện minh cho chính mình: 'Chúng ta sẽ phải hoán cải từ đâu đây? Bởi vì, chúng ta là những người tốt lành. Chúng ta là những tín hữu. Chúng ta tuân giữa và thực hành đạo nghĩa cũng đầy đủ lắm mà.' Chúng ta vẫn hay thường biện minh cho mình như thế.
Ðáng tiếc là mỗi người chúng ta lại giống như cái cây trong vườn mà qua năm này tháng nọ không cho ông chủ thấy được dấu hiệu có thể trổ sinh hoa trái. Nhưng chúng ta cũng may mắn, vì Ðức Giêsu như một Người Làm Vườn, với lòng kiên nhẫn vô ngần, đã xin ông chủ gia hạn thêm cho cây vả: 'Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. [#] May ra sang năm nó có trái. (x. câu 9).' Một 'năm' của ân sủng là thời gian để Ðức Kitô chăm sóc, vun xới; là thời gian của Giáo hội trước khi Ðức Kitô lại đến trong vinh quang và cũng là thời gian của đời sống chúng ta, cách đặc biệt là những ngày tháng mùa Chay mà chúng ta được ban tặng như là cơ hội để ăn năn sám hối và được cứu độ. Một năm ân sủng ấy cũng là thời gian của Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Bởi vậy, sự kiên nhẫn vô cùng vô tận của Ðức Giêsu và mối bận tâm liên lỉ của Ngài dành cho tội nhân phải khơi lên trong chúng ta một sự băn khoăn trăn trở khi đối diện với chính mình! Hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng đó lại là một việc khẩn thiết và phải làm ngay bây giờ! Trong những giờ khắc cuối cùng, lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa vẫn chờ đợi chúng ta.
Anh chị em hãy nhớ lại câu chuyện nho nhỏ về thánh Tê-rê-sa Hài Ðồng Giêsu, khi thánh nữ cầu nguyện cho một phạm nhân bị kết án tử hình. Ông không muốn lãnh nhận sự hòa giải của Giáo hội, không muốn gặp linh mục giải tội. Ông chỉ muốn chết trong tình trạng như thế. Trong tu viện, thánh Tê-rê-sa vẫn hằng liên lỷ cầu nguyện cho ông. Và khi người đàn ông này bước ra pháp trường, trong giây phút chuẩn bị hành hình, ông đã quay về phía vị linh mục và cầm lấy Thánh giá mà hôn. Ðó chính là lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Và lòng nhẫn nại ấy cũng dành cho mỗi người chúng ta. Ðã biết bao lần, khi chúng ta sắp sa ngã, Thiên Chúa luôn có mặt ở đó để nâng đỡ và cứu vớt chúng ta. Thiên Chúa cứu chúng ta vì Ngài có tình yêu thương nhẫn nại vô hạn dành cho chúng ta. Hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng phải nhanh lên, phải thực hiện ngay bây giờ. Chúng ta hãy bắt đầu ngay ngày hôm nay.
Xin Ðức Trinh Nữ Maria gìn giữ chúng ta, giúp chúng ta biết mở cửa tâm hồn trước ân sủng và lòng xót thương của Thiên Chúa. Xin Mẹ giúp chúng ta đừng bao giờ xét đoán người khác những biết đặt mình trước những biến cố không vui, những điều không may mắn, những thảm họa trong cuộc sống thường ngày để xét mình cẩn thận và nhờ đó mà ăn năn hoán cải."
Sau Kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.
Cách đặc biệt, Ðức Thánh Cha nói: "Tôi cầu nguyện và mời gọi anh chị em cầu nguyện cho những người phải di cư, tị nạn vì chiến tranh và trong những hoàn cảnh vô nhân đạo khác. Ðặc biệt là ở Hy Lạp và một số quốc gia, người dân đang gặp khó khăn và chờ đợi viện trợ. Ðồng thời, tôi cũng đang hy vọng những tin tức tốt lành của việc chấm dứt chiến sự tại Syria. Anh chị em hãy cùng tôi cầu nguyện để cánh cửa cơ hội này có thể mang đến hy vọng cho những người đau khổ, thúc đẩy những trợ giúp nhân đạo cần thiết và mở ra những cuộc đối thoại cho những người yêu chuộng hòa bình.
Tôi cũng bày tò niềm cảm thông và sự gần gũi với những người thuộc quần đảo Fiji, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão tàn khốc. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và cho những người tham gia vào các hoạt động cứu trợ."
Cuối cùng Ðức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Vũ Ðức Anh Phương, SJ
(Radio Vatican)

Đức Thánh Cha cám ơn các Hiến Binh Italia cạnh Vatican

Đức Thánh Cha cám ơn các Hiến Binh Italia cạnh Vatican

Đức Thánh Cha cám ơn các Hiến Binh Italia cạnh Vatican - OSS_ROM
29/02/2016 15:00
VATICAN. Sáng ngày 29-2-2016, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn Đại đội hiến binh Roma San Pietro của Italia và ngài khích lệ họ sống tinh thần Năm Thánh Lòng Thương Xót.
 Hiện diện tại buổi tiếp kiến có Đại Tướng Chỉ huy trưởng Hiến binh Italia và 150 quân nhân thuộc binh chủng này. ĐTC ca ngợi và cám ơn họ vì những hoạt động bảo vệ an ninh quanh khu vực Vatican, giúp các tín hữu hành hương và du khách tôn trọng luật pháp điều hành sự sống chung thanh thản và hòa hợp.
 ĐTC cũng nhắc nhở rằng ”Năm Thánh Lòng thương xót đang mở ra trước mọi người cơ hội được đổi mới, đi từ sự thanh tẩy nội tâm, và phản ánh qua cách cư xử và qua các hoạt động hằng ngày. Chiều kích tinh thần này thúc đẩy mỗi người chúng ta tự hỏi về sự dấn thân thực sự của mình để đáp ứng những đòi hỏi trung thành với Tin Mừng mà Chúa mời gọi chúng ta đi từ bậc sống của mình. Năm Thánh trở thành cơ hội thuận tiện để kiểm chứng đời sống cá nhân và cộng đoàn. Và mô thức để kiểm chứng chính là những công việc từ bi bác ái về thể xác cũng như về tinh thần”.
 ĐTC mời gọi các hiến binh Italia hãy để cho giáo huấn của Chúa hướng dẫn mình trong trách vụ bảo vệ trật tự công cộng, thăng tiến tình liên đới trong mọi hoàn cảnh, nhất là đối với những người yếu thế và vô phương tự vệ; bênh vực quyền sống qua sự dấn thân bảo vệ an ninh và sự toàn vẹn của con người. Trong khi thi hành sứ vụ này, anh chị em hãy luôn ý thức rằng mỗi người đều được Thiên Chúa yêu thương, họ là thụ tạo của Chúa và đáng được tiếp đón và tôn trọng” (SD 29-2-2016)
 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Thượng Phụ Chính Thống Etiopi

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Thượng Phụ Chính Thống Etiopi

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Thượng Phụ Chính Thống Etiopi - OSS_ROM
29/02/2016 14:52
VATICAN. ĐTC đề cao chứng tá tử đạo của Giáo Hội Chính Thống Etiopi và kêu gọi các nhà cầm quyền chính trì kinh tế thăng tiến sự sống chung hòa bình.
 Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29-2-Jerusalem, dành cho Đức Thượng Phụ Chính Thống Etiopi, Abuna Matthias I, và phái đoàn đến viếng thăm Tòa Thánh.
 Sau khi nhắc đến bao nhiêu yếu tố chung giữa Công Giáo và Chính Thống Etiopi trong đức tin, truyền thống đan tu và phụng vụ, ĐTC nói rằng:
 ”Giáo Hội anh chị em là một Giáo Hội của các vị tử đạo ngay từ đầu, và ngày nay anh chị em vẫn còn chứng kiến bạo lực tàn phá chống các tín hữu Kitô và các nhóm thiểu số khác tại Trung Đông và một số miền ở Phi châu. Một lần nữa chúng ta không thể không yêu cầu những người nắm vận mạng chính trị và kinh tế thế giới thăng tiến một sự sống chung hòa bình dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hòa giải, trên sự tha thứ và liên đới”.
 ĐTC ca ngợi nỗ lực của đất nước Etiopi đang thực hiện để cải tiến cuộc sống của dân chúng và xây dựng một xã hội ngày càng công bằng hơn, dựa trên chế độ Nhà nước pháp quyền, và trên sự tôn trọng vai trò của phụ nữ. Ngài đặc biệt nhắc đến vấn đề thiếu nước với những hậu quả trầm trọng về mặt xã hội và kinh tế.
 Sau cùng ĐTC nói thêm: ”Chúng ta ý thức rằng lịch sử đã để lại một gánh nặng với những hiểu lầm đau thương và nghi kỵ, chúng ta xin Chúa tha thứ và chữa lành. Chúng ta cầu nguyện cho nhau, cầu xin sự phù hộ của các vị tử đạo và của các thánh trên tất cả những tín hữu được ủy thác cho sự chăm sóc mục vụ của chúng ta”
 Giáo Hội Chính Thống Etiopi hiện có khoảng 35 triệu tín hữu, và giao hảo với Giáo Hội Công Giáo từ lâu. (SD 29-2-2016)
 G. Trần Đức Anh OP

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì?

Xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì?

 
Con có một vài thói xấu, con đã đi xưng tội rất nhiều lần rồi. Nhưng xưng xong lại phạm tội trở lại. Nhiều khi con chán nản, chẳng muốn đi xưng nữa. Xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì?
 
Bạn thân mến,
Kinh nghiệm của bạn là một kinh nghiệm rất thực tế mà bất cứ ai cũng trải qua. Chúng ta luôn cố gắng để không phạm tội. Nhưng chúng ta đã không thể chiến thắng được sự yếu đuối của bản thân, rồi chúng ta phạm tội. Sau đó, chúng ta đi xưng tội và cảm thấy như được giải thoát khỏi một gánh nặng nào đấy. Thế nhưng, không lâu sau, chúng ta lại tiếp tục phạm tội. Vòng chu kỳ phạm tội – xưng tội – phạm tội – xưng tội… nhiều khi làm chúng ta cảm thấy thất vọng về mình, có đôi khi còn khiến ta nghi ngờ về hiệu quả của Bí tích Hoà Giải, rồi dẫn đến chán nản. Từ đó, ta tự đặt câu hỏi nghe có vẻ rất có lý: cứ xưng tội rồi lại phạm tội, vậy xưng tội để làm gì?
 
Có người đã ví von “đối” lại câu hỏi này bằng một câu hỏi khác: ta ăn rồi đói, vậy ăn để làm gì? Thoạt nghe qua, ta thấy “câu đối” này dường như đã là một câu trả lời cho câu hỏi về vấn đề “phạm tội – xưng tội.” Nhưng để ý kỹ, ta vẫn thấy có chút gì đó không được thoả mãn cho lắm. Cơ bản là vì ví việc đi xưng tội với việc ăn uống, việc phạm tội với cái đói xem chừng không chuẩn xác cho lắm. Thứ nhất, việc ăn uống làm ta khoái khẩu; tự bản thân việc ăn khi đói mang đến cho người ta cảm giác sảng khoái, thoả mãn. Trong khi việc đi xưng tội thì chẳng làm ta thích thú chút nào vì nó bắt ta phải đối diện với biết bao điều xấu ta phạm phải. Thứ hai, xem ra việc ăn uống thì dễ dàng hơn, vì ta có thể ăn bất cứ nơi đâu và ăn cái gì ta thích, chẳng cần phải lệ thuộc vào ai. Trong khi muốn xưng tội, ta phải tuỳ thuộc vào một linh mục, giả như vị linh mục đó không chịu giải tội cho ta, hoặc gây khó dễ cho ta thì ta cũng đành chịu, chứ không thể làm gì khác hơn. Thứ ba, việc ăn uống xem ra thiết thực hơn, vì cơ thể của ta sẽ mách bảo cho ta rằng nếu ta không ăn thì ta sẽ đói và có thể sẽ chết; trong khi không phải ai cũng cảm thấy nhu cầu đi xưng tội. Không ăn thì ta trở nên tiều tuỵ và ai cũng nhận ra điều này, trong khi không đi xưng tội thì rất nhiều người vẫn cảm thấy chẳng có gì mất mát. Vì thế, dù ví von việc đi xưng tội với chuyện ăn uống cũng có nét đúng, nhưng có lẽ ví việc ăn uống với bí tích Thánh Thể thì hợp hơn.
 
Những người hỏi câu hỏi “xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì” dường như đã hiểu nhầm ý nghĩa của bí tích Hoà giải. Bí tích Hoà giải không phải là thuốc tiên, ngay lập tức biến người lãnh nhận trở thành một vị thánh, không còn yếu đuối, miễn nhiễm với tất cả mọi thói xấu trên đời. Họ cho rằng chỉ cần xưng tội một lần là mình trở thành một vị thần sáng láng, không cần vướng víu một chút gì nhơ nhớt giữa bụi trần này.
 
Kỳ thực, đi xưng tội là đi hoà giải (vì thế mà nó có tên là bí tích Hoà giải). Phạm tội là làm điều không đúng trước mặt Chúa, làm cho mối dây liên kết giữa mình với Chúa bị rạn nứt, làm cho tương quan giữa mình và Chúa bị sứt mẻ. Người ta tìm đến với Bí tích Hoà giải cũng giống như một đứa con làm gì đó ngỗ nghịch với bố mẹ, khiến bố mẹ buồn, quay về với bố mẹ và nói lời xin lỗi với bố mẹ. Có lỗi thì cần phải cầu xin sự tha thứ, thế thôi, dù ta có phạm lỗi đến trăm nghìn lần. Ta xin lỗi Chúa để nối lại mối dây thân tình và làm cho tương quan giữa ta với Người không còn xa cách. Sau khi xưng tội, ngoài việc được tha thứ, ta vẫn là một con người yếu đuối như trước. Và vì mang thân phận yếu đuối, ta vẫn có thể phạm tội. Đây là chuyện rất bình thường. Nhưng qua việc phạm rồi xưng rồi phạm này, ta càng nghiệm thấy rõ ràng hơn lòng bao dung, tình yêu vô biên và sự kiên nhẫn của Chúa dành cho mình.
 
Tại sao ta phải thường xuyên xưng tội? Vì càng đi xưng tội, ta càng ý thức về tội của mình. Càng ý thức về nó, ta càng có thể tránh được nó và vượt qua yếu đuối của mình hơn. Thực ra, những ai đi xưng tội với một ý hướng chân thành và một quyết tâm chừa tội thì người đó sẽ ít rơi vào cạm bẫy của tội hơn. Họ sẽ cảm thấy đỡ hơn rất nhiều khi phải chiến đấu với cám dỗ. Còn người nào xưng rồi phạm thì có lẽ cũng nên xem xét lại xem liệu mình đã có đủ lòng sám hối chưa, hay chỉ đi xưng tội vì “thủ tục”, theo kiểu “cho có”.
 
Như thế, ta đi xưng tội không phải vì bí tích Hoà giải có hiệu lực biến ta thành một vị thánh ngay trong chốc lát, nhưng là để ý thức hơn về thân phận mỏng dòn của mình và cảm nếm tình yêu dịu ngọt của Chúa. Toà giải tội là một nơi tỏ bày tình yêu, là nơi nối kết những gì rạn nứt, nơi gặp gỡ của sự thống hối và lòng xót thương. Chính qua nhiều lần gắn kết, gặp gỡ đó mà ta mới dần dần trở nên một vị thánh.
 
(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ )

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

HẠI ĐẤT (28.2.2013 – Chúa nhật 3 Mùa Chay, Năm C)


HẠI ĐẤT
Lời Chúa: Lc 13, 1-9
Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.
Rồi Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”.
Suy nim:
Ðiều làm chúng ta khó sám hối
đó là cảm thấy mình ở trong tình trạng an toàn.
Ðức Giêsu nói về hai biến cố nóng hổi tính thời sự,
một do sự tàn ác của Philatô, một do tai nạn lao động.
Cả hai đều dẫn đến cái chết thảm khốc;
những người Galilê bị đổ máu ngay lúc dâng lễ ở Ðền Thờ,
mười tám người chết vì bị tháp Silôa đè bẹp.
Vào thời Ðức Giêsu, họ bị coi là kẻ có tội, bị Chúa phạt.
Những người khác dễ nghĩ mình vô tội, vì còn được bình yên.
Ðiều này đưa đến sự tự hào và an toàn giả tạo.
“Ðừng tưởng...”: Ðức Giêsu đưa ta ra khỏi ảo tưởng về mình.
Ngài nhắc mọi người sám hối vì biết ai nặng tội hơn ai.
Lúc còn được sống yên lành là lúc cần hoán cải.
Có thể đây là cơ hội cuối cùng, trước khi cái chết ập xuống.
Cây vả trong dụ ngôn cũng ở trong tình trạng an toàn.
Nó không cho trái độc, không làm hại nho, không phá cảnh quan.
Nó chỉ phạm một tội thôi: tội làm hại đất,
tội sử dụng đất màu mỡ mà không sinh trái.
Chúng ta có thể cảm thấy an toàn như cây vả cằn cỗi.
Tự hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai,
nhưng lại quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt,
những điều tốt có thể làm được và phải làm.
Có bao nén bạc Chúa giao không được đầu tư (Mt 25,18),
bao người túng thiếu mà ta không giúp đỡ (Mt 25,42).
Khi không làm điều tốt cho đời, cho người,
ta tiếp thêm sức mạnh cho sự dữ tung hoành.
Sống đạo không phải chỉ là lo tránh tội,
mà còn là tích cực gieo rắc phát huy cái tốt.
Một Kitô hữu sống an phận, cằn cỗi là một phản chứng.
Thế giới cần những Kitô hữu dấn thân biết bao!
Dụ ngôn cây vả cho ta thấy khuôn mặt Thiên Chúa.
Chúa Cha là người chủ vườn kiên nhẫn: “Ðã ba năm nay...”
Ngài đã nuôi bao hy vọng: “Tôi ra tìm trái mà không thấy”.
Quyết định chặt cây chỉ đến sau những lần hụt hẫng.
Ngài chỉ phạt khi đã làm đủ cách để lay động tim ta.
Chúa Giêsu là người làm vườn kiên nhẫn không kém:
“Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa”.
Ngài không ngừng ấp ủ chút hy vọng mong manh:
“Tôi sẽ vun xới, bón phân, may ra sang năm nó có trái”.
Nhưng đừng quên lời đe dọa cuối cùng:
“Nếu không ông chủ cứ chặt nó đi”.
Kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng cương quyết đòi hỏi:
đó là thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Ðức Giêsu vừa thôi thúc chúng ta mau mau hoán cải,
vừa chấp nhận cho ta có thời gian trì hoãn.
Hoán cải là đón lấy những săn sóc tế nhị của Chúa,
là đừng để thui chột những ơn lành Ngài ban.
Mùa Chay không phải chỉ là để thú tội,
mà còn thú cả sự cằn cỗi, ì ạch của mình.
Ước gì cây đời của ta có nhiều trái hơn và ngọt hơn.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thư mục vụ của đức giám mục giáo phận tháng 03 năm 2016

Thư mục vụ của đức giám mục giáo phận tháng 03 năm 2016

 
 
MÙA CHAY
SỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT
ĐỂ ĐƯỢC XÓT THƯƠNG
 
 
Anh chị em thân mến,
Hiệp thông với Giáo Hội hoàn cầu, giáo phận chúng ta đã bước vào Mùa Chay Thánh. Chính vì thế, dựa vào sứ điệp mùa chay năm 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô, các giám mục chúng tôi xin gửi đến anh chị em thư mục vụ tháng 3 với chủ đề “Mùa Chay Sống Lòng Thương Xót Để Được Xót Thương”.
Cầu nguyện, chay tịnh và bác ái trong Mùa Chay của năm Thánh Lòng Thương Xót
Trong Mùa Chay Thánh này, cùng với Đức Thánh Cha, giáo phận Long Xuyên suy tư dụ ngôn về người phú hộ và ông Lazarô nghèo (Lc 16,19-31) với ba (03) ý tưởng chính sau đây:
* Thứ nhất: Quyền lực và giầu sang có thể làm cho con tim của con người trở nên mù lòa. Người giầu có và quyền lực trong dụ ngôn đã mù lòa đối với ông Lazarô nghèo ở ngay trước dinh thự. Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, ông Ladarô nghèo lại là hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng qua người nghèo đang thức tỉnh chúng ta hãy hoán cải.
Chính vì thế, trong Mùa Chay Thánh này, giáo phận Long Xuyên thực hiện sự cầu nguyện, chay tịnh và bác ái theo tinh thần của bài Phúc Âm ngày thứ Tư Lễ Tro (Mt 6,1-6;16-18) với quyết tâm thực hiệnsự hoán cải nội tâm để có thể nhìn thấy, yêu thương và phục vụ Chúa Kitô trong anh chị em nghèo (Mt 25,40).
* Thứ hai: Sự mù loà như thế thường đi kèm với một sự ảo tưởng về sự toàn năng của con người, mà chính ta luôn bị ma quỷ cám dỗ như trong vườn địa đàng, “ta sẽ nên giống Thiên Chúa” (St 3, 5); sự ảo tưởng này là gốc rễ của mọi tội lỗi. Kết quả là con người chọn cách sống như không có Thiên Chúa, và vì thế, người ta khai thác và bóc lột tha nhân như một đồ vật một cách ích kỷ và tham lam. Giuđa bán Chúa 30 đồng bạc (Mt 26,15) và tự kết liễu đời mình là một điển hình (Mt 27,5).
Chính vì thế, giáo phận Long Xuyên thực hiện sự cầu nguyện, chay tịnh và bác ái nhằm thức tỉnh hiêng liêngvề sự nguy hiểm cho những người tự hào về giàu có và quyền uy đang tự kết án chính mình và rơi vào trong vực thẳm địa ngục như ông phú hộ trong dụ ngôn.
* Thứ ba: Ảo tưởng về quyền năng do ma quỷ cám dỗ cũng có thể được thấy trong những chọn lựa sự phát triển cuộc sống nhân sinh đặt nền trên việc tôn thờ ngẫu tượng là tiền tài và thụ hưởng, và vì thế, dẫn đến thái dộ thiếu quan tâm đối với người nghèo chung quanh ta.
Chính vì thế, giáo phận Long Xuyên thực hiện sự cầu nguyện, chay tịnh và bác ái như phương thế thực hiện cuộc trở về với con người thật của mình trong các tương quan với tha nhân, là sống với tha nhân như với anh chị em trong gia đình của Thiên Chúa, noi gương Chúa Giêsu “rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).
Chúng ta hãy nghe lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha: Đối với chúng ta, Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời gian thuận lợi để vượt qua sự tha hóa mang tính hiện sinh của mình bằng cách lắng nghe lời Chúa và thực thi các việc lành phúc đức. Từ những việc tốt phần xác, chúng ta chạm đến da thịt của Chúa Kitô nơi anh chị em của mình, những người cần được ăn mặc, che chở và viếng thăm; trong những việc bác ái phần hồn như vấn an, hướng dẫn, tha thứ, khuyên bảo và cầu nguyện, chúng ta đụng chạm trực tiếp hơn đến thân phận tội lỗi của chính mình.
 Giáo Phận Long Xuyên sống Mùa Chay của Lòng Thương Xót
Theo lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha, giáo phận sẽ thực hiện sự cầu nguyện, chay tịnh và bác ái trong 3 công việc thiết thực sau đây:
1.  Cắt giảm chi tiêu để phục vụ người nghèo: Mọi thành phận dân Chúa trong giáo phận được kêu mời cắt giảm những chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân và gia đình. Một cách cụ thể, các cá nhân sống tinh thần chay tịnh trong ăn uống, may mặc, nhất là những chi tiêu không cần thiết như những mua sắm phô trương, cờ bạc, rượu chè, số đề số đuôi… Ngoài ra, các tập thể như gia đình, giáo xứ, giáo họ, giáo phận giảm bớt các tiệc nhậu linh đình, những chi phí xa hoa tốn kém… Riêng tập thể giáo phận, những cuộc hành hương cấp giáo phận, các giáo hạt, các giáo xứ, các đoàn thể, các khách hành hương được khích lệ đóng góp tài chánh để phục vụ người nghèo. Các linh mục đang phụ trách các cộng đoàn tín hữu có trách nhiệm cổ vũ cho những cắt giảm chi tiêu này, và đón nhận những đóng góp để gửi về Tòa Giám Mục cho giáo phận thực hiện các công tác từ thiện bác ái Mùa chay.
2.  Thăm viếng những gia đình rối rắm, trễ nải và nguội lạnh: Đây là cơ hội thực tế để thực hiện bác ái phần hồn là (*) lấy lời lành mà khuyên người, (*) sửa dạy kẻ mê muội, (*) an ủi kẻ âu lo, (*) răn bảo kẻ có tội, (*) tha kẻ dể ta, (*) nhịn kẻ mất lòng ta, (*) cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Đặc biệt là các linh mục đang phục vụ các cộng đoàn, chúng ta có trách nhiệm thực hiện các cuộc thăm viếng để chăm sóc các con chiên đau yếu, gỡ rối cho các đôi hôn phối, hòa giải các mối bất hòa … Thực hiện được như vậy, chúng ta đang xây dựng cộng đoàn thành gia đình của Thiên Chúa trong cuộc lữ hành trần thế.
3.  Tổ chức 24 giờ cho Chúa vào thứ Sáu và thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ IV mùa Chay, tức là ngày 4 và 5 tháng 3 này. Đây là chương trình của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong tinh thần vâng phục và hiệp thông, Tòa Giám Mục sẽ kết hợp với UB Phượng Tự để có hướng dẫn cụ thể cho việc tổ chức 24 giờ cho Chúa. Xin toàn thể cộng đoàn dân Chúa hưởng ứng.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta tiếp tục sống Mùa chay để trao tặng lòng xót thương vì chúng ta cần đón nhận lòng thương xót.
Tháng 3 cũng là tháng kính thánh Giuse, chúng ta cùng chiêm ngắm cuộc đời của thánh Giuse với ơn gọi trao tặng lòng xót thuơng và đón nhận lòng thương xót, bằng cách thể hiện đức ái phần xác và đức ái phần hồn ngay tại cộng đoàn gia đình và làng xóm của mình. Chúng ta cùng xin thánh Cả Giuse bảo trợ gia đình giáo phận.
 
 
+ Giuse Trần Văn Toản                                               + Giuse Trần Xuân Tiếu
Giám Mục Phụ Tá                                                 Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên
 

Giáo hội Chính thống Nga muốn mở cửa các địa điểm hành hương cho người Công giáo





Giáo hội Chính thống Nga muốn mở cửa các địa điểm hành hương cho người Công giáo
WHĐ (26.02.2016) – Người ta thường chỉ nhận định cuộc gặp gỡ giữa Đức giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill vào ngày 12 tháng Hai vừa qua tại La Havana, Cuba theo góc độ địa chính trị, nhưng cuộc gặp gỡ lịch sử này có thể những h quả khác về mặt thiêng liêng: Các Đền thánh của Giáo hội Chính thống Nga sẽ được mở cửa vào cuối năm nay cho khách hành hương Công giáo kính viếng.
Đài phát thanh Vatican đã trích lại tuyên bố trên của Tổng giám mục Hilarion trong một cuộc phỏng vấn. Tổng giám mục Hilarion hiện đang là Trưởng ban Đối ngoại của Toà Thượng Phụ Moskva, trách vụ do chính Đức Thượng phụ Kirill đảm nhiệm từ năm 1989 đến năm 2009.
Theo gương của Bari miền Nam Italia, nơi lưu giữ thánh tích của Thánh Nicôla được nhiều người Chính thống đến kính viếng, Tổng giám mục Hilarion cũng mong muốn có thêm nhiều cuộc hành hương qua lại giữa Chính thống giáo và Công giáo. Chúng ta cần phải đẩy mạnh các làn sóng hành hương này, ngài nhấn mạnh, bởi vì điều quan trọng là các tín hữu của hai Giáo hội gặp gỡ nhau đến viếng các Đền thánh của nhau.
Nên biết rằng các Giáo hội Đông phương rất có lòng sùng kính Thánh Nicôla. Nhiều bàn thờ của các nhà thờ tại Nga đã được dâng kính Thánh Nicôla. Thánh Nicôla từng là giám mục Myra trên bờ biển phía Tây Nam của Anatolia vào thế kỷ IV. Khi Thổ Nhĩ Kỳ bị người Seljuk Hồi giáo xâm chiếm, các cư dân thành phố Bari của Italia quyết định đưa thánh tích của Thánh Nicôla về Bari để bảo đảm an toàn.
Ngày nay, thành phố Bari thu hút rất nhiều khách hành hương Chính thống giáo, đặc biệt là từ Nga. Mỗi năm, có nhiều phái đoàn của Giáo hội Chính thống cùng tham gia hành hương với người Công giáo Roma trong khuôn khổ một cuộc gặp gỡ đại kết; điều này đóng vai trò thúc đẩy việc xây dựng sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga.
 
Minh Đức

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn doanh nhân Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn doanh nhân Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn doanh nhân Italia - ANSA
27/02/2016 12:29
VATICAN. ĐTC kêu gọi các doanh nhân và chủ xí nghiệp đặt con người ở trọng tâm các hoạt động của mình và cổ võ sự can dự của nhiều người vào công trình chung, kể cả những người yếu thế.
 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27-2-2016, tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho 7 ngàn doanh nhân và chủ xí nghiệp Italia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập Liên hiệp các công nghệ Italia (Confindustria), một vị Giáo Hoàng tiếp kiến các thành viên tổ chức này.
 Chiều thứ sáu 26-2 trước đó, cách doanh nhân đã tham dự một hội nghị tại Học viện Augustinianum cạnh Vatican về chủ đề ”cùng nhau hành động”, do Liên hiệp các công nghệ Italia tổ chức, bàn về tương quan giữa luân lý đạo đức và lao công.
 Đi từ chủ đề đó, ĐTC nói: ”cùng nhau hành động”, có nghĩa là đầu tư vào những dự án biết làm cho cả những người nhiều khi bị lãng quên hoặc lơ là được tham gia. Trong số những người ấy có các gia đình, và những thành phần yếu thế nhất và bị gạt ra ngoài lề, như những người già vẫn còn có thể diễn tả tài năng và nghị lực để cộng tác tích cực, nhưng nhiều khi họ bị gạt bỏ như những người vô ích và không sản xuất được... Và phải nói gì về tất cả những công nhân trong tiềm năng, nhất là những người trẻ, nhiều khi phải chịu tình trạng công ăn việc làm bấp bênh, hoặc bị thất nghiệp dài.
 ĐTC nói thêm rằng: ”Tất cả những lực lượng ấy có thể tạo nên sự khác biệt đối với một xí nghiệp đặt con người ở nơi trung tâm hoạt động của mình, đặt chất lượng tương quan của mình, sự dấn thân chân thành trong việc xây dựng một thế giới công bằng hơn, cho tất cả mọi người. Thực vậy, ”Cùng nhau hành động” có nghĩa là bố trí công việc không phải trên một thiên tài đơn độc của một cá nhân, nhưng trên sự cộng tác của nhiều người, nói khác đi, đó là liên kết với nhau để đề cao những năng khiếu của tất cả mọi người, không bỏ qua đặc tính có một không hai của mỗi người. Nơi trung tâm của mọi xí nghiệp của anh chị em, cần có con người, không phải con người trừu tượng, lý thuyết, nhưng con người cụ thể với những ước mơ, những nhu cầu, hy vọng và cơ cực của họ”.
 Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC khẳng định rằng ”Đứng trước bao nhiêu hàng rào bất công, cô đơn, nghi kỵ và ngờ vực vẫn còn được người ta dựng lên thời nay, thế giới lao động, nơi mà anh chị em chiếm vị thế hàng đầu, được kêu gọi thực hiện những bước can đảm, để khẩu hiệu ”họp nhau và cùng nhau hành động” không phải chỉ là một khẩu hiệu, nhưng là một chương trình cho hiện tại và tương lai.
 ”Ước gì con đường chủ yếu của anh chị em luôn luôn là công lý, từ bỏ mọi những lối đi tắt với những thứ tiến cử và thiên vị, những lệch lạc nguy hiểm do sự bất lương và thái độ thỏa hiệp dễ dàng. Ước gì qui luật tối thượng trong mọi sự là quan tâm đếnphẩm giá của tha nhân, là giá trị tuyệt đối và không thể tùy tiện sử dụng. Ước gì chân trời vị tha này là đặc điểm trong sự dấn thân của anh chị em: nó sẽ làm cho anh chị em quyết liệt không để phẩm giá con người bị chà đạp nhân danh những đòi hỏi của việc sản xuất, che đậy sự thiển cận cá nhân chủ nghĩa, sự ích kỷ buồn thảm và sự khao khát lợi lộc. Ước gì xí nghiệp mà anh chị em đại diện luôn cởi mở đối với ý nghĩa bao quát của cuộc sống, giúp nó thực sự phục vụ công ích, với nỗ lực làm gia tăng và làm cho mọi người được hưởng những thiện ích của thế giới này” (E.V, 203)
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Ơn được nhìn thấy những người nghèo khổ đang gõ cửa tâm hồn

Ơn được nhìn thấy
những người nghèo khổ đang gõ cửa tâm hồn

Ơn được nhìn thấy những người nghèo khổ đang gõ cửa tâm hồn.
Vatican (Vat. 25-02-2016) - "Lòng tin đích thật sẽ giúp chúng ta nhìn thấy những người nghèo khổ. Chính ở đó, Ðức Giêsu đang gõ cửa tâm hồn chúng ta." Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, ngày 25 tháng 02 năm 2016, tại nguyện đường thánh Marta.
Những Kitô hữu trong bong bóng phù vân
Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, Ðức Giêsu đã nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn về một ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình và ông không nhận ra có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọn đầy mình, đang nằm trước cổng nhà ông. Khởi đi từ bài Tin Mừng đó, Ðức Thánh Cha mời gọi mỗi người hãy tự hỏi mình xem: "Tôi là một Kitô hữu đang bước đi trên con đường giả dối, chỉ biết nói suông, hay tôi là một Kitô hữu đang bước đi trên con đường sự sống, tức là con đường của hành động, của thực hành?' Ông nhà giàu kia chắc chắn đã tuân giữa tất cả mọi giới răn, mỗi ngày sa-bát đều đến hội đường và mỗi năm một lần đều lên đền thờ. Chắc chắn ông là một tín hữu sùng đạo.
Nhưng ông lại là một người khép kín, tự khóa mình trong một thế giới nhỏ bé riêng tư - thế giới của những ngày yến tiệc linh đình, của lụa là gấm vóc, của những phù phiếm sa hoa - một con người khép kín trong những bong bóng phù vân. Ông không có khả năng nhìn thấy những điều khác nhưng chỉ bó hẹp trong thế giới riêng của mình. Ông không nhận thấy những gì đang diễn ra bên ngoài thế giới đóng kín của ông, không nghĩ đến nhu cầu của rất nhiều người và sự cần kíp của biết bao kẻ đang ốm đau, bệnh tật. Ông chỉ nghĩ đến mình, đến sự giàu sang và cuộc sống êm ấm của mình.
Người nghèo chính là Thiên Chúa đang gõ cửa tâm hồn chúng ta
Ông nhà giàu rõ ràng là một tín hữu mộ đạo, nhưng lại không nhìn thấy những con người khốn khổ xung quanh. Bởi vì ông đóng kín trong chính mình. Có những người đang ở ngay trước cổng nhà nhưng ông không hề nhìn thấy. Ông đã bước đi trên con đường dẫn đến sự giả dối, vì ông chỉ tin tưởng vào chính mình, vào của cải của mình chứ không hề đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Như thế, ông chẳng để lại cho đời được gia sản gì. Và một điều khiến chúng ta tò mò là ông không hề có tên tuổi. Tin Mừng chỉ đề cập đến ông bằng một tính từ chung chung: 'ông nhà giàu kia'. Như thế, tên tuổi của chúng ta cũng sẽ tiêu tan đi, chỉ còn là một tính từ mô tả nếu chúng ta mất đi căn tính và sức mạnh nội tâm của mình.
Ông nhà giàu là hình ảnh tượng trưng cho những người giàu có, quyền lực, có thể làm được mọi chuyện. Ông cũng là hình ảnh của những linh mục chức nghiệp, của những giám mục chức nghiệp. Nhiều lần trong đời, có những người xuất hiện với chúng ta chỉ bằng những tính từ mô tả chứ không phải bằng tên, vì họ không còn căn tính nữa, giống như ông nhà giàu trong Tin Mừng. Nhưng tôi tự hỏi: 'Thiên Chúa là Cha nhân từ có dủ lòng thương xót ông nhà giàu này không? Thiên Chúa có gõ cửa đánh động tâm hồn ông không?' Tôi nghĩ là có. Ngay trước cửa nhà ông, Chúa đã gởi đến La-za-rô, một người có tên tuổi. Anh La-za-rô với những khó khăn, thiếu thốn và bệnh tật chính là Thiên Chúa đang gõ cửa nhà ông. Nếu ông biết mở cửa, lòng thương xót Chúa sẽ đi vào. Nhưng không! Ông đã không nhìn thấy anh La-za-rô khốn khổ này. Ông đã đóng kín mình lại. Ðối với ông, bất cứ ai, bất cứ điều gì ở bên ngoài cánh cửa thì chẳng là gì hết.
Ơn được nhìn thấy người nghèo
Chúng ta đang ở trong Mùa Chay Thánh. Và thật là hữu ích nếu chúng ta cũng biết hỏi mình rằng: 'Tôi đang bước đi trên con đường sự sống hay con đường dẫn tới giả dối? Ðã bao nhiêu lần tôi đóng cửa tâm hồn mình lại? Ðâu là niềm hoan lạc của tôi: nói suông hay hành động? Tôi có dám bước ra khỏi chính mình để gặp gỡ và giúp đỡ tha nhân không? Bởi vì đó chính là hành vi của lòng thương xót. Hay niềm vui của tôi là tất cả mọi sự đã được định sẵn rồi và tôi tự đóng kín trong chính mình?' Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được nhìn thấy những La-da-rô trong cuộc đời hiện tại của chúng ta, đang nằm trước cửa nhà chúng ta. Những anh La-da-rô ấy đang gõ cửa tâm hồn chúng ta. Và nếu chúng ta biết mở cửa và bước ra khỏi chính mình với lòng quả đại và thái độ cảm thương, thì lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đi vào tràn ngập tâm hồn chúng ta."

Vũ Ðức Anh Phương, SJ
(Radio Vatican)

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Không có Chúa, sự tiến hóa là không thể được

“Không có Chúa, sự tiến hóa là không thể được”


  Tất cả chỉ là tình cờ? Đối với nhà sinh học Martin Nowak, tình cờ không thể nào lại ở trên Chúa được. Theo ông, không có Chúa, không có gì có thể tồn tại.
 
 
Nhà toán học và sinh học Martin Nowak là một tín hữu công giáo sốt sắng. Theo báo Pro, đối với giáo sư trường Đại học Harvard này, thì ông chẳng có gì phải lo lắng cho việc một chuyên gia về thuyết tiến hóa như ông lại tin vào Thiên Chúa Tạo Dựng.
Khi người ta hỏi ông tìm Chúa ở đâu, nhà sinh học và toán học người Áo giải thích, “Thiên Chúa luôn hiện diện. Ngài là sự hiện hữu nội tại trong tất cả và còn nội tại ở trong tôi còn hơn cả chính tôi. Chúa không phải chỉ thỏa là tạo dựng tất cả tốt ngay từ đầu. Điều cần thiết là từng giây phút sự sống phải đứng vững”.
 
Báo Zeit Wissen đã phỏng vấn nhà bác học về tương quan của một tín hữu như ông với sự tiến hóa sinh học, và làm sao ông hóa giải được hai vấn đề này. Các ký giả đã không giấu được sự ngạc nhiên khi thấy một nhà khoa học như ông lại hóa giải dễ dàng đức tin công giáo của mình với tính rạch ròi của nhà nghiên cứu. Theo nhà bác học Novak, ý tưởng của một tạo dựng không có gì là nghịch lý với thuyết tiến hóa. Tiến hóa là lý thuyết mô tả cho biết làm sao cuộc sống được tỏ rõ. Nó không loại trừ Chúa: “Tiến hóa mô tả sự xuất hiện và phát triển cuộc sống trên hành tinh này và rất có thể nó cũng xảy ra khắp nơi trên vũ trụ này. Nhưng không có Chúa thì sẽ không nghĩ tới có vũ trụ, không sinh hóa và như thế cũng không tiến hóa. Tình cờ đã không lấy chỗ của Chúa. Chính Chúa đã làm thế nào để mang đến một hiện hữu, như chúng ta cảm nhận như thử đó là thứ bậc của tình cờ và những gì mà chúng ta nghĩ như đã được trang bị cho một mục đích chính xác”.
 
Như thế nhà bác học Nowak cho thấy thuyết tiến hóa là bằng chứng cho một sự sáng tạo vô biên mà cuộc sống đã được trang bị. “Cuộc sống trên quả đất này ngày càng phức tạp. Cách đây ba tỷ năm, quả đất này đầy cả vi trùng và nó đã có thể vĩnh viễn như thế mãi mãi”. Có vẻ như người ta không nhận ra với sác xuất nào tiến hóa có thể sẽ đi một hướng khác. Con người và ngay cả phần lớn súc vật diệu kỳ, đúng là một phép lạ của thiên nhiên.
 
“Sự hiện hữu của Chúa sẽ không chứng nhận được theo cách khoa học”
Đức tin cũng đóng một vai trò trong chính sự hiểu biết. Chẳng hạn cái người ta gọi là tiên đề (axiome) thì thật sự người ta không thể nào chứng thực được. Phải tin là có chúng để làm việc với chúng. Đó là một đức tin còn mạnh hơn đức tin của một tu sĩ. Một tu sĩ luôn có thể nói có một ngày mình sẽ thấy Chúa Giêsu Kitô. Trong khi một nhà khoa học sẽ không biết các tiên đề này có thật hay không.
Sự việc có rất nhiều nhà khoa học xem đức tin là phi lý và không tương hợp với khoa học, thì theo nhà bác học Nowak, là vì khoa học chính nó không cho phép đến được với Chúa. Chúa không phải là một sinh vật ở một chỗ nào đó trong vũ trụ như bất cứ một điểm lamđa nào. Nhưng nếu khoa học không cho phép đạt tới Chúa, thì điều này không có nghĩa là Chúa không tồn tại. Điều này chỉ có thể nói, khi nhất là, sự hiểu biết khoa học hiện đại dựa trên định kiến về mặt vật chất thì bị giới hạn. “Kết luận rằng Chúa không hiện hữu, điều này chẳng có gì là khoa học. Điều này vẫn là một loại tôn giáo. Một tôn giáo của chủ nghĩa vô thần.”
 
Sau khi học sinh hóa, năm 1989 Nowak tốt nghiệp Đại học Vienna về môn toán và ở lại bốn năm sau để làm nghiên cứu. Từ năm 2003, ông dạy ở Đại học danh tiếng Harvard ở Mỹ.
 
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch