Đức Thánh Cha kêu gọi các chính quyền tôn trọng tự do tín ngưỡng
VATICAN. Sáng ngày 10-1-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã mạnh mẽ bênh vực tự do tôn giáo dưới mọi khía cạnh và ngài cũng nhắc đến Việt Nam.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh gồm đại diện 178 quốc gia, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. ĐTC tố giác nạn bách hại, kỳ thị các tín hữu Kitô, kêu gọi bãi bỏ đạo luật bất công chống phạm thượng tại Pakistan, kêu gọi các nước Âu Mỹ đừng gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề xã hội và hãy tôn trọng quyền tự do phản kháng lương tâm của những người thi hành nghề nghiệp trong lãnh vực y tế và luật pháp.
Riêng về Việt Nam, ĐTC nói: ”Tôi muốn hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận để tôi chỉ định một Đại diện, qua các cuộc viếng thăm cộng đồng Công giáo quý mến tại nước này, vị ấy sẽ bày tỏ sự quan tâm ân cần của Người Kế Vị Thánh Phêrô”.
Dưới đây là một số đoạn nổi bật trong diễn văn của Đức Thánh Cha:
Khát vọng tự do tôn giáo
”Giữa lúc năm mới bắt đầu, trong tâm hồn chúng ta và trên thế giới còn âm vang lời loan báo vui mừng bừng lên cách đây 20 thế kỷ trong đêm tại Bethlehem, đêm tượng trưng tình cảnh của nhân loại cần ánh sáng, tình thương và an bình. Với những người thời đó cũng như con người thời nay, đạo binh thiên quốc đã mang tin vui Đấng Cứu Thế giáng lâm: ”Dân tộc bước đi trong tăm tối đã thấy xuất hiện luồng sáng lớn; một ánh sáng đã chiếu dọi trên những những người ở trong xứ tối tăm” (Is 9,1).
Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người chắc chắn vượt quá sự mong đợi của loài người. Trong sự nhưng không tuyệt đối, biến cố cứu độ ấy là câu trả lời đích thực và trọn vẹn cho mong ước sâu xa của tâm hồn. Sự thật, sự thiện, hạnh phúc, đời sống sung mãn mà mỗi người tìm kiếm, dù ý thức hay vô tình, đã được Thiên Chúa ban cho họ. Khi mong ước những điều thiện hảo ấy, mỗi người tìm kiếm Đấng Sáng Tạo nên mình, vì ”chỉ có Thiên Chúa mới đáp ứng khát vọng trong tâm hồn mọi người” (Tông Huấn Verbum Dei, 23). Suốt trong lịch sử, qua những tín ngưỡng và lễ nghi, nhân loại chứng tỏ một sự không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa và ”những hình thức diễn tả ấy có tính cách phổ quát đến độ người ta có thể gọi con người là một hữu thể có tôn giáo” (SGLCG n.28). Chiều kích tôn giáo là một đặc tính không thể phủ nhận và cưỡng bách của con người và hành động của con người, mức độ thực hiện vận mạng của họ cũng như việc xây dựng cộng đoàn của họ. Vì thế, khi một cá nhân hoặc những người xung quanh thờ ơ và phủ nhận chiều kích cơ bản ấy, thì sẽ xảy ra tình trạng mất quân bình và những xung đột ở mọi cấp độ, trên bình diện bản thân cũng như bình diện liên chủ thể.”
Chính trong chân lý tiên quyết và cơ bản đó có lý do tại sao tôi đã coi tự do tôn giáo như con đường nền tảng để xây dựng hòa bình, trong Sứ điệp để cử hành Ngày Thế Giới về hòa bình năm nay. Thực vậy, hòa bình chỉ được xây dựng và bảo tồn khi con người có thể tự do tìm kiếm và phụng sự Thiên Chúa trong tâm hồn, trong cuộc sống và trong những quan hệ với tha nhân.
Thưa quí vị Đại Sứ, sự hiện diện của quí vị trong dịp long trọng này là một lời mời gọi làm một vòng chân trời tất cả những quốc gia mà quí vị đại diện và trên toàn thế giới. Trong khung cảnh toàn diện này, phải chăng không có nhiều hoàn cảnh trong đó rất tiếc là quyền tự do tôn giáo bị thương tổn hoặc bị phủ nhận? Nhân quyền này, trong thực tế là quyền đầu tiên, vì xét về lịch sử, quyền này được khẳng định đầu tiên, và đàng khác, nó có đối tượng là chiều kích cấu thành con người, nghĩa là quan hệ của con người với Đấng Tạo Hóa, phải chăng quá nhiều khi quyền này bị đặt lại vấn đề hoặc bị vi phạm? Tôi thấy xã hội, các vị lãnh đạo và dư luận quần chúng ngày nay ý thức hơn về vết thương trầm trọng chống lại phẩm giá và tự do của con người tôn giáo, tuy rằng sự ý thức ấy không luôn luôn chính xác, và nhiều lần tôi đã muốn lưu ý mọi người về những vi phạm ấy.
Tôi đã lưu ý như thế trong các cuộc tông du của tôi hồi năm ngoái tại Malta và Bồ đào nha, tại đảo Chypre, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha. Ngoài những đặc tính khác nhau, từ tất cả các cuộc viếng thăm ấy, tôi đều giữ mãi một kỷ niệm đầy lòng biết ơn về sự tiếp đón đã dành cho tôi. Thượng HĐGM đặc biệt về Trung Đông, diễn ra tại Vatican hồi tháng 10 năm ngoái, là một thời điểm cầu nguyện và suy tư, trong đó người ta liên tục nghĩ đến các cộng đồng Kitô tại vùng này của thế giới, các cộng đồng ấy bị thử thách nặng nề vì lòng gắn bó của họ với Chúa Kitô và Giáo Hội.
Những vụ vi phạm tự do tôn giáo tại Đông phương
”Đúng vậy, khi nhìn về Đông Phương, chúng ta cảm thấy đau buồn sâu xa vì các vụ khủng bố đã gieo chết chóc, đau thương và hoang mang nơi các tín hữu Kitô Irak, đến độ thúc đẩy họ rời bỏ phần đất nơi cha ông họ đã sống trong bao thế kỷ. Tôi lo âu tái kêu gọi chính quyền các nước ấy và các vị lãnh đạo Hồi giáo hãy hoạt động để các đồng bào Kitô hữu của mình có thể sống trong an ninh và tiếp tục đóng góp cho xã hội mà họ là những thành phần với đầy đủ danh nghĩa. Tại Ai cập cũng thế, ở Alexandria, khủng bố đã giáng xuống một cách tàn bạo vào các tín hữu đang cầu nguyện trong một thánh đường. Hàng loạt các vụ tấn công ấy mang thêm một dấu chỉ cho thấy các chính phủ trong vùng cần cấp thiết đề ra những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, mặc dù có những khó khăn và hăm dọa. Phải chăng cần phải nói lại điều đó một lần nữa? Tại Trung Đông, ”các tín hữu Kitô là những công dân nguyên thủy và đích thực, trung thành với tổ quốc của họ và chu toàn tất cả các bổn phận quốc gia. Dĩ nhiên là họ cũng có thể được hưởng mọi quyền công dân, tự do lương tâm và tự do phụng tự, tự do trong lãnh vực giáo dục và giảng dạy, cũng như trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông” (Sứ điệp Thượng HĐGM về Trung Đông gửi Dân Chúa, n.10). Về vấn đề này, tôi đề cao sự chú ý đối với các quyền của những người yếu thế hơn và chính sách nhìn xa trông rộng mà một số quốc gia Âu Châu đang chứng tỏ trong những ngày gần đây, khi yêu cầu có một câu trả lời có phối hợp của Liên hiệp Âu Châu để các tín hữu Kitô tại Trung Đông được bảo vệ. Sau cùng, tôi muốn nhắc lại rằng quyền tự do tôn giáo không được áp dụng đầy đủ tại những nơi mà chỉ có quyền tự do phụng tự được bảo đảm, và tệ hơn nữa với những hạn chế. Ngoài ra, tôi khuyến khích tháp tùng sự bảo vệ hoàn toàn quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác bằng những chương trình giáo dục tôn trọng mọi người trong nhân loại, từ cấp tiểu học và trong khuôn khổ việc giáo dục tôn giáo. Về những quốc gia thuộc Bán đảo Arập, nơi có nhiều người công dân Kitô di dân sinh sống, tôi mong ước rằng Giáo Hội Công Giáo có thể có những cơ cấu mục vụ thích hợp.
Kêu gọi bãi bỏ luật kỳ thị tôn giáo
Trong số những qui luật làm tổn thương quyền tự do tôn giáo của con người, cần đặc biệt nhắc đến luật chống phạm thượng tại Pakistan: tôi tái khuyến khích chính quyền nước này đề ra những nỗ lực cần thiết để bãi bỏ luật đó, nhất là vì hiển nhiên luật ấy được dùng như một cái cớ để tạo nên những bất công và bạo lực chống các nhóm tôn giáo thiểu số. Vụ ám sát thê thảm vị Thống đốc tỉnh Punjab chứng tỏ cần cấp thiết tiến hành theo chiều hướng này: đó là sự kính thờ Thiên Chúa thăng tiến tình huynh đệ và tình thương, chứ không phải sự oán ghét và chia rẽ. Những hoàn cảnh đáng lo âu khác, nhiều khi có kèm theo những hành vi bạo lực, có thể được nhắc đến ở miền Nam và Đông Nam Á châu, tại những nước vốn có một truyền thống các quan hệ xã hội an bình. Tầm quan trọng đặc thù của một tôn giáo trong một quốc gia không bao giờ bao hàm điều này là các tín đồ thuộc một tôn giáo khác bị kỳ thị trong đời sống xã hội, hoặc tệ hơn nữa người ta dung dưỡng bạo lực chống lại các tín đồ ấy. Về vấn đề này, điều quan trọng là cuộc đối thoại liên tôn tạo điều kiện dễ dàng cho một sự dấn thân chung để nhìn nhận và thăng tiến tự do tôn giáo của tất cả mọi người và mọi cộng đoàn. Sau cùng, như tôi đã nhắc lại, bạo lực chống các tín hữu Kitô cũng xảy ra tại Phi châu. Những vụ tấn công chống các nơi thờ phượng ở Nigeria, trong lúc người ta cử hành lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô, là một bằng chứng đau buồn về điều đó.
Mặt khác, tại các nước khác, Hiến Pháp nhìn nhận một sự tự do tôn giáo nào đó, nhưng trong thực tế, đời sống của các cộng đoàn tôn giáo trở nên khó khăn, và đôi khi bấp bênh (Dignitatis Humanae, n.15), vì cơ cấu pháp lý hoặc xã hội chiếu theo các hệ thống triết lý hoặc chính trị đòi có một sự kiểm soát chặt chẽ, nếu không muốn nói là sự độc quyền của Nhà Nước trên xã hội. Cần phải chấm dứt những mơ hồ như thế, để các tín hữu không bị giằng co giữa sự trung thành với Thiên Chúa và trung thành với tổ quốc của mình. Tôi đặc biệt yêu cầu bảo đảm cho các cộng đoàn Công Giáo ở khắp nơi được hoàn toàn tự quyết trong việc tổ chức và tự do chu toàn sứ mạng của mình, phù hợp với các qui luật và tiêu chuẩn quốc tế trong lãnh vực này.
Lúc này đây, tôi lại nghĩ đến cộng đoàn Công Giáo tại Hoa Lục với các vị Mục Tử cảu Giáo Hội này, đang sống trong thời kỳ khó khăn và thử thách. Đàng khác, tôi muốn gửi một lời khích lệ đến chính quyền Cuba, hồi năm 2010, quốc gia đã mừng kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao liên tục với Tòa Thánh, để cuộc đối thoại đã được khởi sự tốt đẹp với Giáo Hội càng được củng cố và mở rộng.
Tự do tôn giáo bị vi phạm tại Tây Phương
”Di chuyển cái nhìn của chúng ta từ Đông đang Tây, chúng ta đứng trước một loại đe dọa khác chống lại sự thi hành trọn vẹn quyền tự do tôn giáo. Trước tiên, tôi nghĩ đến những nước trong đó người ta dành một tầm quan trọng cho sự đa nguyên và bao dung, nhưng tại đó tôn giáo ngày càng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Người ta có xu hướng coi tôn giáo, tất cả mọi tôn giáo, như một nhân tố không quan trọng, xa lạ với xã hội tân tiến, thậm chí họ coi tôn giáo là một yếu tố làm mất sự ổn định và người ta dùng những phương thế khác nhau để ngăn cản mọi ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội. Thế là người ta đi đến chỗ đòi các tín hữu Kitô khi thi hành nghề nghiệp, không được tham chiếu các xác tín tôn giáo và luân lý của họ, và thậm chí đi ngược với những xác tín ấy, ví dụ như tại những nơi có các luật lệ hạn chế quyền phản kháng lương tâm của các người hành nghề sức khỏe hoặc một số luật sư.
Trong bối cảnh đó, chúng ta vui mừng vì hồi tháng 10 vừa qua, Hội đồng Âu Châu đã thông qua một Nghị quyết bảo vệ quyền của các nhân viên y tế được phản kháng lương tâm đứng trước một số hành vi làm thương tổn trầm trọng quyền sống, như phá thai.
Một biểu hiện khác chứng tỏ sự gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề, và đặc biệt là gạt Kitô giáo, đó là sự cấm những ngày lễ và các biểu tượng tôn giáo trong đời sống công cộng, nhân danh sự tôn trọng đối với những người thuộc các tôn giáo khác hoặc những người không tín ngưỡng. Làm như thế, không những người ta giới hạn quyền của các tín hữu được công khai bày tỏ đức tin, nhưng còn cắt bỏ những căn cội văn hóa nuôi dưỡng căn tính sâu xa và sự gắn bó xã hội của nhiều quốc gia. Năm ngoái, một số nước Âu Châu đã liên kết với chính phủ Italia trong vụ kiện được biết đến nhiều liên quan đến việc treo Thánh Giá tại những nơi công cộng. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền các nước ấy, cũng như tất cả những người dấn thấn theo chiều hướng đó, các hàng Giám Mục, các tổ chức và hiệp hội dân sự hoặc tôn giáo, đặc biệt là Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva và các đại diện khác của hàng giáo phẩm Chính Thống giáo, cũng như tất cả những người - dù là tín hữu hay không có tín ngưỡng - đã muốn bày tỏ lòng gắn bó của họ đối với biểu tượng này vốn mang các giá trị phổ quát.
Ngoài ra, nhìn nhận tự do tôn giáo có nghĩa là bảo đảm cho các cộng đoàn tôn giáo có thể tự do hoạt động trong xã hội, với những sáng kiến trong lãnh vực xã hội, từ thiện hoặc giáo dục. Đàng khác, khắp nơi trên thế giới, người ta có thể nhận thấy các hoạt động phong phú của Giáo Hội Công Giáo trong các lãnh vực này. Thật là đáng lo âu vì công việc phục vụ ấy mà các cộng đồng tôn giáo mang lại cho toàn thể xã hội, đặc biệt là cho việc giáo dục các thế hệ trẻ, bị thương tổn hoặc cản trở vì những dự luật có nguy cơ tạo nên một thứ độc quyền của Nhà Nước trong vấn đề trường học, như người ta nhận thấy ví dụ tại một vài nước Mỹ châu la tinh. Trong khi nhiều nước thuộc đại lục này mừng kỷ niệm 200 năm độc lập, một cơ hội thuận tiện để nhớ lại sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho sự hình thánh căn tính quốc gia, tôi khuyên tất cả các chính phủ hãy thăng tiến các hệ thống giáo dục tôn trọng quyền đầu tiên của các gia đình trong việc quyết định việc giáo dục cho con em và chiếu theo nguyên tắc phụ đới, là nguyên tắc nền tảng để tổ chức một xã hội công bằng.
Tiếp tục suy tư của tôi, tôi không thể im lặng trước một sự vi phạm khác chống lại tự do tôn giáo của các gia đình tại một vài nước Âu Châu, nơi mà ngừơi ta ép buộc các học sinh phải tham dự các lớp giáo dục tính dục hoặc công dân có những quan niệm về con người và về sự sống, mệnh danh là trung lập, nhưng trong thực tế, chúng phản ánh một thứ nhân loại học trái ngược với đức tin và lý trí đúng đắn.
Nguyên tắc mà Tòa Thánh theo đuổi
”Thưa quí vị Đại Sứ, trong dịp long trọng này, xin cho phép tôi giải thích vài nguyên tắc mà Tòa thánh, cùng với toàn thể Giáo Hội Công Giáo, lấy hứng từ đó trong các hoạt động của mình cạnh các tổ chức Quốc tế liên chính phủ, để cổ võ sự tôn trọng tự do tôn giáo hoàn toàn cho tất cả mọi người. Trước tiên là xác tín theo đó người ta không thể thiết lập một thứ các nấc thang trong mức độ trầm trọng của sự bất bao dung đối với các tôn giáo. Đáng tiếc là thái độ như thế là điều thường xảy ra, và chính những hành vi kỳ thị chống các tín hữu Kitô bị coi là ít trầm trọng, ít đáng được các chính phủ và dư luận quần chúng chú ý. Đồng thời người ta cũng phải loại bỏ sự tương phản nguy hiểm mà một số người muốn thiết lập giữa quyền tự do tôn giáo và các quyền khác của con người, làm như thế là quên đi hoặc phủ nhận vai trò trung tâm của sự tôn trọng tự do tôn giáo và việc bảo vệ phẩm giá cao trọng của con người. Những toan tính đối nghịch quyền tự do tôn giáo với những cái gọi là những quyền mới là điều càng ít có thể biện minh hơn. Những cái gọi là quyền mới này được một số thành phần xã hội cổ võ và được tháp nhập vào những luật lệ quốc gia hoặc trong những chỉ thị quốc tế, nhưng trong thực tế, đó chỉ là biểu hiện những ước muốn ích kỷ và không có nền tảng trong bản tính đích thực của con người. Sau cùng, cần phải khẳng định rằng một sự tuyên bố trừu tượng về tự do tôn giáo thì không đủ: quy luật nền tảng này của đời sống xã hội phải được áp dụng và tôn trọng ở mọi cấp độ và trong mọi lãnh vực; nếu không, thì mặc dù có những khẳng định đúng về nguyên tắc, người ta có nguy cơ phạm những bất công sâu xa đối với các công dân muốn tự do tuyên xưng và thực hành tín ngưỡng của họ”.
Hoạt động của Tòa Thánh bênh vực tự do tôn giáo
Trong phần kế tiếp của bài diễn văn, ĐTC cho biết việc thăng tiến quyền tự do tôn giáo trọn vẹn của các cộng đồng Công Giáo cũng là mục đích mà Tòa Thánh theo đuổi khi ký kết các hiệp định hoặc các thỏa thuận khác với chính phủ các nước trên thế giới. Hoạt động của các vị Đại diện Tòa Thánh ở các quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng nhắm phục vụ cho tự do tôn giáo. Ngài nói: ”Tôi muốn hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận để tôi chỉ định một Đại diện, qua các cuộc viếng thăm cộng đồng Công giáo quý mến tại nước này, vị ấy sẽ bày tỏ sự quan tâm ân cần của Người Kế Vị Thánh Phêrô. Tôi cũng muốn nhắc lại rằng trong năm qua, hệ thống ngoại giao của Tòa Thánh càng được củng bố tại Phi châu, với sự hiện diện ổn định từ nay được thiết lập tại 3 nước, trong đó có vị Sứ Thần Tòa Thánh thường trú. Nếu Chúa muốn, tôi sẽ trở lại đại lục Phi châu, tại Benin, vào tháng 11 năm nay, để trao Tông Huấn đúc kết thành quả Thượng HĐGM đặc biệt kỳ hai về Phi châu”.
ĐTC nói thêm rằng “Sau cùng, trước cử tọa quan trọng này, tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định: tôn giáo không phải là một vấn đề đối với xã hội, tôn giáo không phải là một nhân tố gây ra xáo trộn hoặc xung đột. Tôi muốn lập lại rằng Giáo Hội không tìm kiếm đặc ân và cũng không muốn can thiệp trong những lãnh vực xa lạ với sứ mạng của mình, nhưng chỉ muốn thi hành sứ mạng này trong tự do”.
ĐTC đặc biệt đề cao sự đóng góp của các tôn giáo trên thế giới cho sự phát huy nền văn minh.. Sự chân thành tìm kiếm Thiên Chúa đã dẫn tới sự tôn trọng hơn đối với phẩm giá con người.. Ước gì không một xã hội loại người nào tự ý từ bỏ sự đóng góp cơ bản là những người và các cộng đồng tôn giáo!”
G. Trần Đức Anh OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét