label

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

THƯ MỤC VỤ Đức Giám Mục Giáo Phận Tháng 02 năm 2012

THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 02 năm 2012
 
GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
 SÁM HỐI VÀ HOÀ GIẢI
 
          Nhân dịp Mùa Chay thánh đang đến gần, tôi thân ái gửi đến quí Cha, quí tu sĩ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân “Thư Mục Vụ Mùa Chay”, để mọi người chúng ta sống Mầu nhiệm Phục Sinh thật sốt sắng.
          Anh chị em thân mến
          Như một gia đình của Thiên Chúa, giáo phận bước vào Mùa Chay thánh với tinh thần sám hối và hoà giải, là đường hướng mục vụ và tu đức của giáo phận trong tháng hai và trong cả Mùa Chay thánh này.
          1. Trước hết, gia đình giáo phận phải sám hối và hoà giải với Thiên Chúa và là tác nhân cho sự hoà giải giữa con người với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta mãi mãi vẫn như những đứa con hoang đàng, ý thức về tình trạng tội lỗi thê thảm của mình để quyết tâm trở về với Cha, xin được phục hồi tư cách làm con, và được sống hiệp thông trong gia đình của Cha. Chỉ khi chúng ta có cảm nghiệm về tình yêu tha thứ của Cha, ta mới có thể cộng tác với Chúa Thánh Thần tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô, trở thành  tác nhân hoà giải giữa anh chị em đồng loại với Thiên Chúa.
          2. Tuy nhiên, như một điều kiện và như một bằng chứng cho sự hoà giải của con người với Thiên Chúa, chúng ta còn phải sám hối và hoà giải với nhau, và là nhịp cầu cho sự hoà giải giữa con người với con người. Đây là công việc của những người con Chúa, đang làm công việc của Thiên Chúa là thiết lập các liên hệ đúng đắn giữa người với người, để con người được sống và được sống dồi dào trong yêu thương của gia đình nhân loại, nhờ đó Thiên Chúa được vinh danh.
          3. Ngoài ra, con cái Chúa cần phải ý thức để sám hối và hoà giải với  môi trường thiên nhiên, đang bị con người lạm dụng và huỷ hoại đến mức báo động. Quả thật, con người không chỉ tận hưởng công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng còn phải sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm cộng tác với Đấng Tạo Hoá để bảo vệ, chăm sóc và phát triển thiên nhiên. Đây là trách nhiệm của con cái Thiên Chúa tiếp tục công việc của Đấng Tạo Hoá là nâng thế gian lên một tầm cao hơn, để trở thành nơi ở tốt hơn cho con người, chuẩn bị cho Trời Mới Đất Mới.
          4. Cuối cùng, sẽ không có bất cứ sự hoà giải đích thực nào nếu mỗi người không sám hối và hoà giải với chính mình. Sám hối và hoà giải với mình là thái độ chấp nhận chính mình như một ân ban, là biết tha thứ cho chính mình, là thiện chí muốn vươn lên để hoàn thành định mệnh đời mình. Hoa trái của sự hoà giải với chính mình là sự bình an nội tâm và sự tự do của con cái Thiên Chúa.
          5. Sám hối và hoà giải không bao giờ là kết quả của những cố gắng của con người, mà là một hồng ân. Thật vậy, là một hồng ân, vì tình yêu của Thiên Chúa là động lực chính của sám hối và hoà giải. Ý thức này giúp ta vượt qua trở ngại lớn nhất của sám hối và hoà giải là thái độ sợ hãi coi mình như một tội nhân đứng trước Thiên Chúa như một quan toà kết án và ra hình phạt. Cũng là một hồng ân, vì kết quả ta nhận được từ sám hối và hoà giải là bình an và niềm vui không chỉ của riêng ta hay của cộng đoàn mà của cả Thiên Đàng.
          6. Những ý tưởng trên là định  hướng cho những sáng kiến về chương trình mục vụ Mùa Chay tại các cộng đoàn trong giáo phận. Chương trình này chủ yếu hướng về bí tích hoà giải, các cuộc tĩnh tâm, các cuộc thăm viếng mục vụ, đặc biệt dành cho các anh chị em tín hữu đang bị thử thách về đức tin, đức cậy và về đời sống đạo; các sinh hoạt mục vụ gia đình hướng về các gia đình bất hoà, có nguy cơ tan vỡ, hay các gia đình công giáo đang trong tình trạng rối hay ly thân, ly dị; các cuộc làm hoà giữa các cá nhân hay tập thể đang có xung khắc. Chương trình hoà giải này cũng nên bao gồm cả với các tôn giáo bạn, với cộng đồng dân cư địa phương như bày tỏ thiện chí muốn kết thân, và tích cực cộng tác để phục vụ cuộc sống của người dân địa phương.
          Hướng về Nữ Vương Ban Sự Bình An, xưa đã ẵm Chúa Giêsu lên Đền Thờ để dâng Ngài cho Thiên Chúa Cha, nay chúng ta cũng xin Mẹ dâng gia đình giáo phận cho Thiên Chúa và ban cho con cái Mẹ sự bình an nội tâm là hoa trái của sự Sám Hối và Hoà Giải.
          Ngày 2/2, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Các giáo xứ tuỳ nghi cử hành nghi thức dâng trẻ em cho Thiên Chúa. Trong dịp này, giáo phận tưởng nhớ đến Đức Cha Cố Micae, trong dịp sinh nhật thứ 103 của ngài (2/2/1909-2012). Rồi cũng năm nay giáo phận tổ chức lễ mãn tang của ngài vào ngày thứ Sáu 08/6/2012 – thay vì Chúa Nhật 10/6/2012. Giáo phận nhớ ơn Ngài, cầu nguyện cho Ngài, và cũng xin ngài tiếp tục chúc lành cho giáo phận.
          Hiệp thông với ĐC cố Gioan Baotixita, tôi cầu xin Cha ban phép lành Mùa Chay Thánh cho anh chị em. Chúc anh chị em một Mùa Chay thật sốt sắng và hưởng dồi dào Ơn Thánh Chúa.
 
          + GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
          GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
 

Ðối với con người, quyền bính có nghĩa là chiếm hữu, quyền hành, thống trị, thành công.

Ðối với con người
quyền bính có nghĩa là chiếm hữu
quyền hành, thống trị, thành công


Vatican (Vat. 29/01/2012) - 15 ngàn tín hữu đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật 29 tháng 1 năm 2012.
Trong số các tín hữu hiện diện, đặc biệt có hàng ngàn thiếu nhi thuộc Phong trào Công Giáo tiến hành của giáo phận Roma, tham dự một đoàn tuần hành hòa bình qua các đường phố ở Roma đến Vatican.
Ðúng 12 giờ trưa, Ðức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài ở dinh Tông Tòa giữa tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài diễn giải về ý nghĩa bài Phúc âm chúa nhật hôm qua về giai thoại Chúa Giêsu giảng trong Hội đường ở thành Cafarnaum và giải thoát một người bị quỉ ám. Ðức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến!
Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Mc 1,21-28) trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu, vào một ngày thứ bẩy, giảng trong Hội đường ở Cafarnaum, một thị trấn nhỏ bên bờ hồ Galilea, nơi Phêrô và anh là Andrea cư ngụ. Sau bài giảng dạy gây cảm phục nơi dân chúng, Chúa Giêsu đã giải thoát một người bị quỉ ô uế ám" (c.23), quỉ nhìn nhận Ðức Giêsu là Ðấng Thánh của Thiên Chúa, nghĩa là Ðức Messia. Chẳng bao lâu, tiếng tăm của Chúa lan rộng khắp vùng, nơi Ngài đi tới để loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành các bệnh nhân đủ loại bằng lời nói và hành động. Thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét: Chúa "chuyển biến lời nói của Ngài để mưu ích cho người nghe, đi từ những kỳ công đến lời nói và từ giáo huấn về đạo lý của Ngài đến các phép lạ" (Hom. in Matthaeum 25,1: PG 57,328).
Lời Chúa Giêsu nói với con người mở ngay ra con đường dẫn đến ý muốn của Chúa Cha và chân lý về bản thân Ngài. Trái lại, nơi những luật sĩ thì không xảy ra như thế, họ phải cố gắng giải thích những lời Kinh Thánh với vô số những suy tư. Ngoài ra, cùng với hiệu năng của lời nói, Chúa Giêsu liên kết hiệu năng của những dấu hiệu giải thoát khỏi sự ác. Thánh Atanasio nhận xét rằng "truyền khiến cho ma quỉ và trục xuất chúng không phải là công trình của con người, nhưng là của Thiên Chúa"; thực vậy, Chúa "đẩy xa khỏi con người tất cả những bệnh tật đủ loại. Có ai thấy quyền năng của Ngài .. mà còn nghi ngờ không biết Ngài có phải là Chúa Con, là Ðấng Khôn Ngoan, là Quyền năng của Thiên Chúa?" (Oratio de Incarnatione Verbi 18.19: PG 25,128 BC,129 B). Uy quyền của Chúa không phải là một sức mạnh thiên nhiên. Ðó là quyền năng của tình yêu Thiên Chúa Ðấng dựng nên vũ trụ, và khi nhập thể trong Con Duy Nhất của ngài, Ngài xuống trong nhân tính của chúng ta, chữa lành thế giới bị băng hoại vì tội lỗi. Romano Guardini đã viết: "Toàn thể cuộc sống của Chúa Giêsu là một sự diễn đạt quyền năng trong sự khiêm tốn.. là quyền bính tối thượng hạ mình xuống dưới hình thức một người tôi tớ" (Il Potere, Brescia 1999, 141.142)
Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng:
"Nhiều khi đối với con người, quyền bính có nghĩa là chiếm hữu, quyền hành, thống trị, thành công. Trái lại, đối với Thiên Chúa, quyền bính có nghĩa là phục vụ, khiêm tốn, yêu thương; có nghĩa là đi vào trong luận lý của Chúa Giêsu, Ðấng đã cúi mình rửa chân cho các môn đệ (Xc Ga 13,5), tìm kiếm thiện ích đích thực của con người, chữa lành các vết thương, có khả năng yêu thương đến độ hiến mạng sống mình, vì Ngài là Tình Thương. Trong một lá thư, thánh nữ Catarina thành Siena viết: "Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta cần thấy và biết rằng Thiên Chúa là Tình Thương tột đỉnh và đời đời, và không thể muốn điều gì khác hơn ngoài thiện ích của chúng ta" (Ep. 13 in: Le Lettere, vol.3, Bologna 1999, 206).
Các bạn thân mến, thứ năm tới đây, 2-2, chúng ta sẽ cử hành lễ dâng Chúa Giêsu vào Ðền thánh, Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến. Chúng ta hãy tín thác cầu xin Mẹ Maria rất thánh, xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta luôn kín múc nơi lòng từ bi Chúa, Ðấng giải thoát và chữa lành nhân tính của chúng ta, làm cho nó được tràn đầy mọi ân phúc và những điều an lành, nhờ quyền năng của tình yêu Chúa".
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau khi ban phép lành, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng: Anh chị em thân mến, hôm nay tại Vienne, có lễ tôn phong chân phước Hildegard Burjan, giáo dân và là bà mẹ gia đình, sống vào thế kỷ 19 và 20, sáng lập Dòng các nữ tu Bác Ái xã hội. Chúng ta hãy ca ngợi Chúa vì chứng tá đẹp đẽ này về Tin Mừng!
Chúa nhật này cũng là Ngày Thế giới các bệnh nhân phong cùi. Tôi chào thăm Hiệp Hội Italia các bạn hữu của Raoul Follereau, và gửi lời khích lệ tới tất cả những người bị bệnh phong, cũng như những người đang giúp đỡ họ, và đặc biệt là những người đang dấn thân bài trừ nạn nghèo đói và tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội, vốn là những nguyên nhân thực sự làm cho người ta có thể bị lây bệnh này".
Ngoài ra, tôi cũng nhắc nhớ Ngày Quốc Tế cầu ngyện cho hòa bình tại Thánh Ðịa. Trong niềm hiệp thông sâu xa với Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem và Dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa, tôi khẩn cầu hồng ân hòa bình cho miền Ðất đã được Thiên Chúa chúc phúc.
Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã lần lượt chào thăm các tín hữu hành hương bằng tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan và đặc biệt khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ngài nhắc đến đông đảo các thiếu niên thuộc Phong trào Công giáo tiến hành Roma, cùng với các thầy cô và phụ huynh. Ðức Thánh Cha nói:
"Các con thân mến, năm nay các con cũng tổ chức "đoàn lữ hành hòa bình". Cha cám ơn và khích lệ các con hãy mang bình an của Chúa Giêsu đi khắp mọi nơi. Bây giờ ở bên cạnh cha đây có hai đại diện của các con. Chúng ta hãy nghe sứ điệp do bé Noemi đọc.
Bé gái Noemi, sau khi cám ơn Ðức Thánh Cha, cho biết là các thiếu niên Công giáo tiến hành ở Roma đã đóng góp tiền tiết kiệm để tài trợ việc xây cất một trung tâm thay vì nhà tù dành cho các thiếu nữ vị thành niên ở Bolivia, gần thủ đô La Paz. "Chúng con hy vọng với sự giúp đỡ của chúng con, các thiếu nữ Bolovia có thể được khích lệ phục hồi phẩm giá và sự tín nhiệm của người khác. Chúng con cũng xin Ðức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng con, cùng với cha mẹ và các thầy cô và các linh mục của chúng con để các vị huấn luyện chúng con thành những chứng nhân và là công trình Hòa Bình".
Trước đó, khi chào các tín hữu nói tiếng Ðức, Ðức Thánh Cha cho biết ngài đặc biệt hiệp ý với tất cả các tín hữu tham dự lễ tôn phong chân phước vào ban chiều cùng ngày tại Nhà thờ chính tòa thánh Stephano ở thành phố Vienne trong lễ phong chân phước cho bà Hildegard Burjan. Bà đã nói: "Tôi biết chắc chắn rằng chỉ có một niềm hạnh phúc chân thực, đó là tình yêu Thiên Chúa! Tất cả những điều khác có thể làm vui mừng, nhưng nó chỉ có giá trị nếu xuất phát từ tình yêu Chúa, và đặt nền tảng trên tình yêu ấy". Hildegard Burjan đã sống bằng tình yêu ấy. Và trong tư cách là sáng lập dòng các nữ tu Bác ái xã hội, bà đã tập hợp các phụ nữ muốn là nguồn mạch tình yêu ấy, để trợ giúp và an ủi những người lầm than. Noi gương chân phước Hildegard Burjan, chúng ta cũng hãy cố gắng trở thành sứ giả tình thương trợ giúp của Chúa".
Nghi thức phong chân phước cho bà Hildegard Burjan chiều hôm qua, do ÐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ phong thánh, đại diện Ðức Thánh Cha chủ sự. Ðức Hồng Y Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienne sở tại đã giảng trong thánh lễ trước sự hiện diện của các Giám Mục Áo và Ðức, đông đảo các giới chức chính quyền và tín hữu.
Ðức Hồng Y Schoenborn nhận xét rằng: "Tuy có nguồn gốc thượng lưu nhưng chân phước Burjan nhìn thấy rất rõ tình trạng lầm than thực sự của dân chúng. Các nhà chính trị ngày nay cũng có thể nói theo thái độ ấy. Vị tôi tớ Chúa Burjan không quan tâm trước tiên tới chính trị đảng phái, nhưng để ý tới những mong ước xã hội và dấn thân chống lại tình trạng lầm than của con người thời đại".
Ðức Hồng Y Schoenborn cũng đề cao tầm quan trọng của lễ phong chân phước cho nữ tôi tớ Chúa Burjan và nói rằng "Con người ngày nay không cần các lý thuyết, nhưng cần các mẫu gương. Qua sự dấn thân xã hội, chân phước Burjan trình bày trước mắt mọi người thế nào là cuộc sống Kitô ngày nay. Và sự kiện các hoạt động từ thiện bác ái của Giáo hội đang tăng trưởng, đó là một dấu hiệu quan trọng đối với tương lai của Giáo Hội".

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Công bố chương Trình làm việc của Ðức Thánh cha trong những tháng sắp tới.

Công bố chương Trình làm việc
của Ðức Thánh cha trong những tháng sắp tới


Vatican (Vat. 26/01/2012) - Hôm 26 tháng giêng năm 2012, Văn phòng đặc trách những sinh hoạt phụng vụ của Ðức Thánh cha Bênêđitô XVI, đã công bố những sinh hoạt chính của Ðức Thánh cha từ nay cho đến chuyến tông du mục vụ tại Mêhicô và Cuba, từ 23 đến 29 tháng 03 năm 2012, như sau:
Mùng 02 tháng 02 năm 2012, lễ Dâng Chúa Giêsu vào Ðền Thánh, Ngày Cầu ơn gọi tận hiến, tu trì, Ðức Thánh cha sẽ chủ sự Kinh Chiều với các tu sĩ nam nữ trong Ðền Thờ Thánh Phêrô.
Ngày 18 tháng 02 năm 2012, Ðức Thánh cha sẽ chủ sự Công Nghị Hồng Y thông thường để phong tước cho 22 vị Tân Hồng y đã được Ðức Thánh cha công bố danh sách hôm lễ Hiển Linh, mùng 06 tháng giêng năm 2012. Trong dịp Công nghị này, Ðức Thánh cha sẽ thông báo quyết định tôn phong 07 vị thánh mới cho Giáo hội toàn cầu như sau:
1. Thánh Linh mục Jacques Berthieu, Dòng Tên (1838 -1896), nhà truyền giáo chịu tử đạo tại đảo Madagascar.
2. Thánh nữ Kateri Tekakwitha (1656-1680), vị thánh nữ đầu tiên, thuộc sắc tộc thổ dân da đỏ của Bắc Mỹ Châu.
3. Thánh Giovanni Battista Piamarta (1841-1913) sáng lập dòng Thánh Gia Ðình Nazareth.
4. Thánh Nữ Marie du Mont Carmel (1848-1911), người Tây Ban nha, sáng lập dòng Nữ Tu Truyền Giáo Của Ðức Mẹ Vô Nhiễm.
5. Thánh Nữ Marianne Cope (1838-1918) nữ tu người Ðức, phục vụ người Phong Hủi tại Hawaii.
6. Thánh Pedro Calungsod, giáo dân Philuậttân (1654- 1672), tử đạo tại Guam.
7. Thánh Nữ Anna Schaffer (1882-1925), nhà huyền bí người Ðức.
Ngày 19 tháng 02 năm 2012, Ðức Thánh cha sẽ cử hành Lễ Kính Toà Thánh Phêrô cùng với quý Tân Hồng y.
Ngày 22 tháng 02 năm 2012, Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Thánh cha sẽ khai mạc Mùa Chay với nghi thức xức tro và thánh lễ tại Ðền Thờ Thánh Sabina, trên đồi Aventino. Và theo truyền thống, tuần lễ từ ngày 26 tháng 02 cho đến mùng 03 tháng 03 năm 2012, Ðức Thánh cha cùng với Giáo Triều Roma tĩnh tâm thường niên.
Và sau những cử hành phụng vụ Tuần Thánh, sau Lễ Phục Sinh, Ðức Thánh cha sẽ thực hiện chuyến viếng thăm Mêhicô và Cuba, từ ngày 23 đến 29 tháng 03 năm 2012.

R.V.A.

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Pháp: Đức hồng y Tauran khuyến khích đối thoại với Hồi giáo



Pháp: Đức hồng y Tauran khuyến khích đối thoại với Hồi giáo
WHĐ (29.01.2012) / ZENIT.org – “Trong một thế giới đa nguyên và bấp bênh như thế giới chúng ta đang sống, điều quan trọng là các công dân của chúng ta có thể nhận ra rằng đối thoại liên tôn m phong phú cho các xã hội loài người”, đó là lời Đức hồng y Tauran khuyến khích người Công giáo tham gia đối thoại với người Hồi giáo.
Đức hồng y Jean-Louis Tauran đã gửi một sứ điệp cho Vụ quốc gia Pháp đặc trách quan hệ với Hồi giáo (SRI), và đặc biệt cho khoảng 80 người thuộc hơn 50 giáo phận đang tham dự Hội nghị quốc gia của các đại biểu giáo phận đặc trách quan hệ với người Hồi giáo, được tổ chức tại Chủng viện truyền giáo Chevilly-LaRue, Paris, từ ngày 27 đến 29 tháng Giêng 2012.
Đức Hồng y Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên Tôn, đã gửi đến các đại biểu một sứ điệp của “lòng biết ơn”“tình liên đới”. Sứ điệp được đọc trong lễ khai mạc của Hội nghị này hôm thứ Sáu 27-01.
ĐHY Tauran nhấn mạnh rằng “Biết ơn trước hết vì các bạn đã dành thời gian cho công cuộc đối thoại liên tôn, với kỳ vọng duy nhất là gia tăng lòng tin tưởng lẫn nhau và loại bỏ những định kiến thường làm giảm đi phẩm chất các cuộc gặp gỡ của chúng ta”.
“Cũng vậy đối với sự liên đới. Đôi khi ý định của các bạn bị hiểu sai hoặc những nỗ lực trong nhiều năm bị đe dọa vì những sự kiện bất ng hoặc những phán đoán vội vã có thể khiến các bạn mệt mỏi hay nản chí. Hãy biết rằng các bạn không đơn độc! Chúng ta trong tay Thiên Chúa. Khi sai các bạn đi Giáo Hội cũng trang bị hành trang cho các bạn: đó là Thánh Thể và mẫu gương của biết bao “chứng nhân” hôm qua và hôm nay. Hãy nhớ lại lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Assisi vào tháng Mười vừa qua: “khi con người hướng về Thiên Chúa bằng cuộc sống ngay thẳng, đó chính sức mạnh của hòa bình!
ĐHY Tauran viết: “Trong một thế giới đa nguyên và bấp bênh như thế giới chúng ta đang sống, điều quan trọng là các công dân của chúng ta có thể nhận ra rằng đối thoại liên tôn m phong phú cho các xã hội loài người: khi tôn trọng những khác biệt của nhau, các tín hữu có thể lắng nghe nhau, đánh giá cao những gì là thiệnmỹ nơi tha nhân những ngôn sứ của hy vọng”. Và ngài thêm: “Họ có thể sống chung với nhau bởi nhân vị con người còn lớn lao hơn cả những gì họ biểu lộ hay sản xuất ra!
Trong Hội nghị được tổ chức hai năm một lần này, các tham dự viên sẽ suy tư theo hai chủ đề thời sự chính. Trước hết là: Hồi giáo, người Hồi giáo trong các phương tiện truyền thông: truyền thông điều gì và không truyền thông điều gì? Và chủ đề tiếp theo về “Các mối quan hệ giữa Kitô hữu và người Hồi giáo tại Pháp ngày nay.
Cha Bernard Janicot, Giám đốc một trung tâm tài liệu Oran, ở Algérie từ 40 năm nay, sẽ nói về ý nghĩa sự hiện diện của Kitô giáo ở Maghreb ngày nay.
Các tham dự viên Hội nghị cũng sẽ kiểm thảo lại sứ mạng mà các giám mục Pháp trao phó cho họ thảo luận về các dự án làm việc sắp tới, với Đức giám mục Michel Dubost, giáo phận Evry- Corbeil-Essonnes và Đức giám mục François Fonlupt, giáo phận của Rodez .
Đức giám mục Dubost kế nhiệm Đức giám mục Michael Santier, giáo phận Créteil, làm Chủ tịch Hội đồng đặc trách Quan hệ liên tôn của Hội đồng Giám mục Pháp. Đây là lần đầu tiên ngài chủ tọa Hội nghị nàysẽ phác họa đường lối thực hiện cho những vị đặc trách quan hệ giữa người Công giáo và Hồi giáo trong nhiệm kỳ hai năm tới.
(Anita Bourdin, ZENIT, 27-01-2012)
 
Huy Hoàng

Tên tôi là đạo binh (30.1.2012 – Thứ hai Tuần 4 Thường niên)


Tên tôi là đạo binh
Lời Chúa: Mc 5, 1-20
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghêrasa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. Thấy Ðức Giêsu tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” Thật vậy, Ðức Giêsu, đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Ðám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo - chừng hai ngàn con - từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. Họ đến cùng Ðức Giêsu và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo - chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Ðức Giêsu đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.
Suy nim:
Trừ quỷ là việc Đức Giêsu vẫn hay làm.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Ngài trừ quỷ ở vùng đất dân Ngoại.
Tài kể chuyện của Máccô được thể hiện rõ nét qua bài Tin Mừng này.
Hiếm khi có câu chuyện sống động và ly kỳ đến thế!
Đức Giêsu và các môn đệ vượt biển để đến vùng đất Ghêrasa.
Vừa ra khỏi thuyền thì gặp ngay người bị ám bởi thần ô uế.
Anh sống ở nơi mồ mả, nơi thường được coi  là chỗ ở của quỷ ma.
Anh mạnh ghê gớm đến nỗi không xiềng xích nào có thể kiềm chế được.
Sống cô độc, đe dọa người khác, tự hành hạ và làm hại chính bản thân,
đó là thân phận bi đát mà anh không sao thoát khỏi (cc. 3-5).
Rõ ràng anh hoàn toàn bị quỷ dữ chiếm đoạt, chẳng còn chút tự do.
Nhưng lạ thay, chính anh lại chạy đến với Đức Giêsu để gặp Ngài.
Quỷ dữ nơi anh biết rõ Đức Giêsu là ai, là Con Thiên Chúa Tối Cao.
Nhưng cái biết đó lại khiến nó phải run sợ xin Ngài đừng hành hạ (c. 7).
Quỷ dữ biết danh tánh của Đức Giêsu, nhưng không chế ngự được Ngài.
Bây giờ Ngài bắt nó phải khai danh tánh của nó, trước khi Ngài hành động.
Hóa ra đây không phải là một quỷ, mà là một lũ quỷ đông đảo (c. 9).
Đạo binh quỷ này khẩn khoản xin Đức Giêsu một ơn,
đó là chỉ đuổi chúng ra khỏi người này, chứ đừng đuổi ra khỏi vùng này,
vì chúng hy vọng sẽ tìm được một con mồi khác (c. 10).
Đạo binh thần ô uế xin được nhập vào đàn heo vốn bị coi là ô uế.
Sự đồng ý của Đức Giêsu khiến toàn bộ những gì ô uế bị hủy diệt.
Ngài đã thanh tẩy chẳng những anh bị quỷ ám, mà cả vùng anh ở nữa.
Khi người bị quỷ ám được tự do, anh ấy trở nên khác xưa.
Anh ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi, trí khôn tỉnh táo (c. 15).
Người dân trong vùng khiếp sợ nên xin Đức Giêsu đi khỏi đất của họ.
Chỉ có anh vừa được trừ quỷ là xin ở với Ngài như môn đệ (c. 18).
Nhưng ơn gọi làm môn đệ phải đến từ Thầy Giêsu.
Ngài khuyên anh nên về nhà, ở lại vùng đất của mình,
để loan báo mọi điều Chúa đã làm cho anh và thương xót anh (c. 19).
Anh đã vâng lời và trở nên người loan báo về Đức Giêsu nơi dân Ngoại.
Đối với anh, Đức Giêsu chính là Chúa.
Thế giới chúng ta sống thì văn minh hơn, khoa học hơn, hạnh phúc hơn,
nhưng vẫn không thiếu cảnh những người sống như bị ám, như bị ma nhập.
Có những người sống trong cô độc và trở nên nguy hiểm cho tha nhân.
Có những kẻ tự giết mình từng ngày trước khi tự tử.
Tru tréo và lấy đá rạch mình không phải là chuyện hiếm (c. 5).
Ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo
là niềm mơ ước của biết bao gia đình có người thân bị bệnh.
Bệnh tâm thần là căn bệnh mà ít nhiều chúng ta đều dễ mắc.
Lắm khi con người thấy bó tay, không tự mình giải thoát mình được.
Xin Chúa Giêsu tiếp tục trừ quỷ cho chúng ta, cho vùng đất chúng ta sống.
Xin Ngài tiếp tục tẩy trừ sự ô uế đang thao túng ở lòng con người.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

MỘT CÂU TRUYỆN VỀ ÔNG CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG MỤC VỤ


MỘT CÂU TRUYỆN VỀ ÔNG CHỦ TỊCH
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

xuân Nhâm Thìn ông Út chụp với Cha Sở
Ông chụp với người viết bài

Ông út bên cây mai vàng của năm nhâm thìn trong nhà thờ Cần Xây

Khi nhắc đến ông Út Lai ở Cần Xây ai mà không biết, bởi vì ông đã sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Cần Xây. Hơn nữa, ông lại là chủ tịch Hội Đồng Mục vụ giáo xứ dài nhất. Với 17 năm đầy sóng gió của thời kỳ đất nước đổi thay (1992-2008), vinh, nhục, đối đầu, căng thẳng có cả, nhưng ông đã cùng với các cha sở lãnh đạo giáo xứ vượt qua mọi thử thách dù tuổi đã cao. Điều đáng nói nhất là bản thân và gia đình có một nếp sống rất đạo đức, đi lễ hàng ngày, chính vì thế mà Chúa đã dành cho gia đình ông những hồng ân mà sức người không thể có được. Một câu truyện mà bản thân tôi và rất nhiều người phải nghĩ rằng đây là một phép lạ. Đó là cuối năm 2010 ông đã bị bạo bệnh là ung thư gan, các bác sĩ đã thực sự bó tay và khuyên người nhà đem ông về coi như chờ chết. Trở về nhà ông chỉ còn hơi thở thoi thóp, toàn thân phù to, da thì vàng sậm, chỉ truyền nước biển cầm chừng, uống thuốc nghệ gia truyền, không ăn uống được gì, ai cũng nghĩ ông sẽ ra đi trước tết Tân Mão hoặc đúng ngày tết. Mọi người trong gia đình đều đã sẵn sàng chờ đợi giờ phút không muốn đó. Cha sở, quí cha lại thăm đều động viên ông chấp nhận những gì Chúa gửi đến. Riêng bản thân ông lúc nào còn tỉnh cũng sẵn sàng đón nhận nếu Chúa gọi bất cứ giờ nào. Đặc biệt tràng hạt Mân Côi và cây Thánh Giá không lúc nào rời xa ông. Có lẽ nhờ sự trông cậy Chúa và mẹ mà bệnh tình của ông sau nhiều tháng từ từ thuyên giảm, giảm phù, hết vàng da, ông ăn trở lại được, đi đứng khá hơn và đầu xuân nhâm thìn ông đã khỏe mạnh, đi lễ được. Trông ông không ai còn biết người vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Ai gặp ông cũng đều chúc mừng và nói “người về từ cõi chết”.Thật là nhiêm mầu công việc Chúa làm. Qua câu truyện này, nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy cậy trông tin tưởng vào Chúa và Mẹ các Ngài sẽ ban cho ta những ơn mà chúng ta không thể ngờ tới.
                                                                                           Thiên Sinh  

Cầu nguyện cho các nhân viên y tế hoạt động tại những vùng nghèo nhất thế giới.

Cầu nguyện cho các nhân viên y tế
hoạt động tại những vùng nghèo nhất thế giới


Vaican (Vat. 27/01/2012) - Trong các quyền tự nhiên của con người có quyền được sống khỏe mạnh và được săn sóc sức khỏe, khi bị đau yếu và trở thành già nua. Vì vậy song song với việc thăng tiến kinh tế nông nghiệp, phát triển y tế phải luôn luôn là ưu tư hàng đầu của mọi chính quyền biết thương dân thương nước và tôn trọng các quyền con người. Một quốc gia không thể cường thịnh, nếu người dân không khỏe mạnh. Mức văn minh tiến bộ của một dân tộc cũng được đo lường bằng mức độ phát triển y tế, với con số các nhà thương, bệnh xá, trạm phát thuốc và các nhân viên y tế các cấp giỏi, có khả năng, được đào tạo chu đáo. Trong số các nhân viên đó có các bác sĩ thuộc mọi nghành, các y tá, các nhân viên đủ loại phục vụ người bệnh và người già yếu. Họ cần tới lời cầu của chúng ta ít nhất vì hai lý do.
Thứ nhất, các nhân viên y tế phải là những người có sức khỏe tốt, nghĩa là có sự quân bình tâm sinh vật thể lý, và có tương quan liên bản vị phong phú, toàn diện, sẵn sàng phục vụ tha nhân, ủi an, thoa dịu các khổ đau trên thân xác và trong tinh thần của các bệnh nhân và người già yếu. Họ chu toàn nhiệm vụ đó không chỉ như công việc chuyên môn, mà còn trong tư cách là một người bạn, với tất cả tình yêu thương qúy trọng, trìu mến và hơi ấm tình người đối với các ahh chị em đau yếu, tàn tật và già nua, đang trải qua các thời gian khó khăn trong cuộc sống của họ, đang rất cần được nâng đỡ, ủi an, trợ giúp và yêu thương.
Lý do thứ hai là tình trạng mâu thuẫn thường có thể xảy ra trong lãnh vực y tế. Một đàng là các tiến triển kỹ thuật tân tiến trong lãnh vực y khoa đem lại nhiều ích lợi cho các bệnh nhân và người già. Ðàng khác y khoa bị đe dọa trở thành một kỹ nghệ kiếm tiền, lạnh lùng, vô nhân, phản ánh sự phân chia tài nguyên không đồng đều, và tình trạng thiếu thốn cùng cực các phương tiện săn sóc sức khỏe cho người dân tại nhiều nơi trên thế giới. Các tình trạng này không chỉ do nghèo đói chậm tiến gây ra, mà cũng thường là hậu qủa của các chính sách cai trị ý thức hệ vô nhân, và các quan niệm văn hóa lầm lạc khinh rẻ phẩm giá và các quyền con người. Ðiển hình như Bắc Hàn là quốc gia có chính quyền cộng sản độc tài nhắm mắt dồn tài lực vào việc chế tạo vũ khí chiến tranh, kể cả bom và các hỏa tiễn nguyên tử, nhưng lại để cho hàng triệu người dân chết đói thê thảm. Nhiều chính quyền các nước Á châu, Phi châu và châu Mỹ Latinh cũng thường ưu tiên dành ngân khoản cho việc mua sắm vũ khí, trang bị quân đội, mà chỉ nhỏ giọt cho lãnh vực giáo dục, y tế, phát triển khoa học nghệ thuật, và ít chú ý đầu tư cho việc phát triển kinh tế và nông nghiệp, hay có chăng lại chỉ để cung cấp cho nhu cầu của người dân các nước kỹ nghệ giầu. Cuộc sống nghèo túng, và chậm tiến khiến cho nhiều thứ bệnh tật như Sida, ho lao và sốt rét rừng tiếp tục tàn sát nhiều dân tộc trên thế giới. Thêm vào đó là các tai ương thiên nhiên, dịch tễ, các xung khắc và chiến tranh, khiến cho cái vòng luẩn quẩn "chậm tiến, bệnh tật, nghèo đói" cứ quay mãi, và quần nát cuộc sống của hằng trăm triệu người trên trái đất. Tại những nơi có chế độc tài toàn trị như Việt Nam chẳng hạn, nhà nước cộng sản tịch thu hết các nhà thương, bệnh xá, các cơ sử bác ái từ thiện của các Giáo Hội; và tuy bất lực không giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội, chính quyền cộng sản vẫn không chịu để cho các Giáo Hội được tự do hoạt động săn sóc các hệnh nhân và người già cả hay giáo dục người trẻ. Cái vô nhân và vô luân của guồng máy chính trị xã hội cộng sản dẫn đưa tới cảnh chỉ những ai có tiền mới được săn sóc sức khỏe, còn dân nghèo thì chỉ được phép chết. Chính vì thế việc cầu nguyện cho các nhân viên y tế lại càng cấp thiết hơn nữa.
Trong sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị quốc tế về đề tài "Bác ái trong Chân lý: hướng tới các săn sóc sức khỏe công bằng và nhân bản", do Hội Ðồng Tòa Thánh Mục Vụ Y Tế tổ chức tại Roma ngay 15 tháng 11 năm 2010, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã bầy tỏ lòng biết ơn của ngài đối với tất cả những ai đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để thoa dịu các khổ đau của các anh chị em bệnh tật và người già. Ðức Thánh Cha ghi nhận sự kiện ngày nay việc lo lắng cho sức khỏe thái qúa đưa đến chủ trương tiêu thụ dược khoa, y tế và phẫu thuật. Nhưng đàng khác, cũng có hằmg trăm triệu người không đạt được mức tối thiểu để sống, và có các phương tiện độc lập để săn sóc sức khỏe. Ðề tài của hội nghị cho thấy cộng đoàn kitô chú ý tới bản vị, phẩm giá siêu việt và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Sức khỏe là một thiện ích qúy báu đối với các cá nhân cũng như đối với cộng đoàn. Cá nhân khỏe mạnh hạnh phúc, thì cộng đoàn cũng khỏe mạnh hạnh phúc. Một xã hội bao gồm các các cá nhân thiếu ăn, đau yếu, èo ọt, thì không thể lành mạnh và thinh vượng được. Vì thế cần phải thăng tiến, duy trì và bảo vệ sức khỏe của người dân, bằng cách dành nhiều phương tiện, tài lực, nhân lực và năng lực cho việc phát triển y tế. Nhưng rất tiếc ngày nay vẫn còn có nhiều dân tộc trên thế giới không có các phương tiện và tài nguyên cần thiết để thỏa mãn các nhu cầu nền tảng của họ, đặc biệt trong lãnh vực sức khỏe. Cần phải cương quyết hành động trên mọi bình diện để bảo đảm quyền nền tảng của mọi người được săn sóc sức khỏe cách tối thiểu nhất.
Với các tâm tình trên đây trong tháng hai tới này hiệp ý với Ðức Thánh Cha và kitô hữu toàn thế giới chúng ta cầu xin Chúa nâng đỡ cố gắng của các nhân viên y tế trong việc trợ giúp các bệnh nhân và người già yếu tại những vùng nghèo nhất trên thế giới.
(Ý chỉ truyền giáo tháng 2 năm 2012)

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Ðức Thánh Cha kêu gọi thực thi đại kết đúng đắn.

Ðức Thánh Cha kêu gọi
thực thi đại kết đúng đắn


Vatican (SD 27-1-2012) - Trong buổi tiếp kiến sáng 27 tháng 1 năm 2012, dành cho Bộ giáo lý đức tin, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 kêu gọi các tín hữu Kitô hiểu và thực hành đúng đắn tiến trình đại kết, tìm về hiệp nhất trọn vẹn giữa các môn đệ Chúa Kitô.
Bộ giáo lý đức tin nhóm khóa họp toàn thể trong những ngày này tại Vatican về một số khía cạnh đạo lý liên quan tới hành trình đại kết của Giáo Hội với sự tham dự của 19 Hồng Y và 7 Giám Mục thành viên, cùng với nhiều chuyên gia và nhân viên của Bộ, tổng cộng là 70 người.
Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh Cha nhắc đến những thành quả tốt đẹp của các cuộc đối thoại đại kết, nhưng đồng thời ngài cũng kêu gọi các vị chủ chăn của Giáo Hội hãy cảnh giác chống lại chủ trương hòa đồng (irénisme) cực đoan cũng như thái độ dửng dưng, hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Công đồng chung Vatican 2.
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng hiện nay vấn đề chủ yếu trong các cuộc đối thoại đại kết ở đông cũng như tây phương Kitô giáo là đạo lý về Giáo Hội học. Vì thế, một nghĩa vụ cơ bản trong giai đoạn này của các cuộc đối thoại là làm sáng tỏ ý niệm về Giáo Hội, đào sâu các dữ kiện Kinh Thánh và sự đón nhận các dữ kiện này qua dòng lịch sử Kitô giáo. Ngoài ra, cần phải gia tăng nỗ lực đào sâu đức tin của Giáo Hội. Ðây chính là nền tảng không thể thiếu được trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô. Nếu không có đức tin thì toàn thể phong trào đại kết sẽ chỉ là một thứ "khế ước xã hội" mà người ta chấp nhận vì ích lợi chung mà thôi.
Về phương pháp đối thoại đại kết, Ðức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải can đảm đề cập đến những vấn đề gây tranh luận, luôn giữ tinh thần huynh đệ và tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, điều quan trọng là cung cấp một sự giải thích đúng đắn về "chức thánh hoặc phẩm trật" trong các chân lý của đạo lý Công Giáo, như được nêu lên trong Sắc lệnh của công đồng Vatican 2 về hiệp nhất (Unitatis redintegratio 11).
Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng các văn kiện chung, được công bố sau các cuộc đối thoại đại kết ở các cấp, có một tầm quan trọng lớn, không thể bỏ qua, vì đó là một thành quả quan trọng của sự suy tư chung, tuy đó chỉ là thành quả tạm thời. Các văn kiện đó là một đóng góp cho các Nhà Chức Trách có thẩm quyền của Giáo Hội, và chỉ có thẩm quyền này mới được kêu gọi thẩm định chung kết về các văn kiện ấy.
Trong ý hướng đó, Ðức Thánh Cha cảnh giác rằng: "Gán cho các văn kiện ấy một giá trị có tính chất bó buộc hoặc coi chúng hầu như là giải đáp chung kết cho các vấn đề gai góc trong cuộc đối thoại, mà không có sự thẩm định cần thiết của Giáo quyền, thì xét cho cùng thái độ có không giúp ích cho hành trình tìm về hiệp nhất trọn vẹn trong đức tin".
Ðức Thánh Cha không quên kêu gọi các tín hữu Kitô thuộc mọi hệ phái đạt tới một lập trường chung và có cùng một tiếng nói về những vấn đề luân lý quan trọng như sự sống con người, gia đình, tính dục, đạo đức sinh học, tự do, công lý và hòa bình. (SD 27-1-2012)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Ðức Thánh Cha kêu gọi các linh mục nên thánh.

Ðức Thánh Cha kêu gọi
các linh mục nên thánh


Vatican (SD 26-1-2012) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 kêu gọi huấn luyện các chủng sinh để họ trở thành những linh mục thánh thiện, điều mà thế giới ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 26 tháng 1 năm 2012 dành cho ban Giám đốc và các chủng sinh thuộc 3 đại chủng viện miền ở Italia, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập. Ðó là các đại chủng viện miền Campania, Umbria, Calabria. Hiện diện tại buổi tiếp kiến còn có một số Giám Mục thuộc các giáo phận liên hệ.
Ngỏ lời trong dịp này, Ðức Thánh Cha gợi lại những lợi điểm trong việc thành lập các đại chủng viện miền trên đây, với những thách đố mà Giáo Hội tại địa phương cũng như các Ðại chủng viện ấy đang phải đáp ứng, đặc biệt là diễn đạt các truyền thống và lòng sùng mộ vững chắc cũng như cảm thức tôn giáo còn sinh động của các tín hữu qua việc truyền giảng Tin Mừng một cách mới mẻ;.. việc làm chứng tá của các cộng đồng Kitô ở địa phương phải để ý tới những nhu cầu cấp thiết về xã hội và văn hóa, như nạn thất nghiệp, đặc biệt là nơi giới trẻ, và hiện tượng các tổ chức bất lương.
Trong bối cảnh trên đây, Ðức Thánh Cha nhắc nhở cho các chủng sinh rằng việc học thần học phải luôn gắn liền mật thiết với đời sống cầu nguyện, làm sao để trong đời sống hoạt động như linh mục sau này, "luôn có sự hội nhập hòa hợp giữa sứ vụ với bao nhiêu hoạt động đa diện và đời sống thiêng liêng... Ðối với linh mục là người sẽ phải tháp tùng người khác suốt trong dòng đời và cho đến cánh cửa sự chết, điều quan trọng là chính linh mục phải thiết lập sự quân bình giữa con tim và trí tuệ, lý trí và tình cảm, thân xác và linh hồn, và thực sự là 'liêm chính' xét về mặt con người (Thư gửi các chủng sinh, 6).
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng "Ai muốn trở thành linh mục, thì trước tiên phải là một người của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã mô tả (1 Tm 6,11).. Vì thế điều quan trọng nhất trong hành trình tiến đến chức linh mục và trong suốt cuộc đời linh mục là quan hệ bản thân với Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô" (idem 1).
Ðức Thánh Cha cũng nhắc lại huấn dụ của Ðức Chân Phước Gioan 23 khi tiếp ban giám đốc và các chủng sinh đại chủng viện miền Campania nhân kỷ niệm 50 năm thành lập rằng: "Thế giới đang mong đợi các vị thánh... Họ muốn các linh mục thánh thiện và là người thánh hóa, trước khi là những linh mục thông thái, hùng biện, được cập nhật đổi mới".
Và Ðức Thánh Cha nhận xét rằng: "Những lời này vẫn còn vang dội rất thời sự, vì ngày nay trong toàn thể Giáo Hội, và đặc biệt tại các miền của anh em, đang cần có những người thợ của Tin Mừng, những chứng nhân đáng tin cậy và những người thăng tiến sự thánh thiện bằng chính đời sống của mình. Ước gì mỗi người trong anh em có thể đáp lại tiếng gọi ấy". (SD 26-1-2012)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Ðại Học Công Giáo Fribourg, Thụy Sĩ tổ chức Ngày hội luận để mừng biến cố 50 năm khai mạc Công Ðồng Vaticanô II.

Ðại Học Công Giáo Fribourg, Thụy Sĩ
tổ chức Ngày hội luận để mừng
biến cố 50 năm khai mạc
Công Ðồng Vaticanô II

Ðại Học Công Giáo Fribourg, Thụy Sĩ tổ chức Ngày hội luận để mừng biến cố 50 năm khai mạc Công Ðồng Vaticanô II.
Fribourg, Thụy Sĩ (Apic 25/01/2012) - Dự kiến, ngày Hội Luận này sẽ được tổ chức vào ngày mùng 07 tháng 03 năm 2012, với chủ đề chung là: "Tin Mừng và Văn Hoá, Những Ðổ Vỡ và Ðối Thoại", do sự cộng tác của Ðại Học Công Giáo Fribourg và Trung tâm liên giáo phận huấn luyện thần học của Giáo Hội Công Giáo Thuỵ Sĩ vùng Romande.
Hai thuyết trình viên chính của Ngày Hội Luận mùng 07 tháng 03 năm 2012 là Ðức cha Claude Dagens, giám mục Angoulême, và giáo sư Gilles Routhier, giáo sư thuộc phân khoa thần học của Ðại Học Laval, Québec, Canada.
Giáo sư Gilles Routhier, chuyên môn nghiên cứu về việc tiếp nhận giáo huấn Công Ðồng Vaticanô II, sẽ thuyết trình về đề tài: "50 năm sau, còn cần phải làm gì để áp dụng giáo huấn Công Ðồng Vaticanô II?" Là giáo sư thuộc phân khoa thần học Ðại Học Laval, bên Canada, nhưng giáo sư Gilles Routhier, là nột trong những thần học gia nổi tiếng về thần học mục vụ, được biết đến nhiều trong vùng Thuỵ Sĩ nói tiếng Pháp. Ngoài đề tài trên sẽ được trình bày trong ngày Hội Luận mùng 07 tháng 03 năm 2012, giáo sư còn được mời thuyết trình tại Ðại Học Fribourg vào ngày mùng 06 tháng 03 năm 2012, về đề tài: "Các Giáo Xứ và Những Thừa Tác Vụ".
Phần Ðức cha Claude Dagens, ngài sẽ thuyết trình đầu tiên khai mạc Ngày Hội Luận mùng 07 tháng 03 năm 2012, về đề tài: "Thiên Chúa vẫn có tương lai: gia tài giáo huấn Công Ðồng Vaticanô II và công cuộc tái rao giảng Phúc Âm".

R.V.A.

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Ngày mùng ba thánh hóa công ăn việc làm và dụng cụ phương tiện

Ngày mùng ba thánh hóa công ăn việc làm và dụng cụ phương tiện

Trong thánh lễ sáng nay toàn thể giáo dân Giáo Xứ Cần Xây xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, dụng cụ tùy theo nghề nghiệp của mỗi người, phương tiện đi lại. Thánh lễ đồng tế thật trang trọng vì cùng mừng lễ Thánh Phao Lô trở lại bổn mạng cha cố Vũ Sửu một tấm gương khiêm nhường, yêu thương, đơn sơ và suốt cuộc đời phó thác cho Chúa. Cả giáo xứ xin chúc mừng bổn mạng cha và gửi đến cha bó hoa tươi tượng trưng cho tấm lòng thành. Phần dâng của lễ giáo xứ đã dâng lên Chúa những của lễ như lúa, trái cây, nhang, cuốc xẻng mang đậm tính nông nghiệp mà đại đa số giáo dân đang chọn làm nghề nghiệp chính của mình. Kết thúc thánh lễ là làm phép xe cộ là phương tiện di chuyển chính của người dân. Xin Chúa bảo trợ và gìn giữ mọi người trong năm 2012 này. Sau đây là một số hình ảnh thánh lễ mùng ba.

Mừng bổn mạng cha cố Vũ Sửu

Tặng hoa Cha cố



Dâng của lễ

Dâng cây cuốc

Dâng lúa

Dâng gánh trái cây










    
                                                                                                                     Thiên Sinh