label

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Đêm Canh thức Phục sinh



Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Đêm Canh thức Phục sinh
WHĐ (31.03.2013) – Đêm Canh thức Phục sinh do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự diễn ra lúc 20g30 thứ Bảy Tuần Thánh, 30-03, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô với khoảng 4000 người tham dự.
Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã ban bí tích Rửa tội và Thêm sức cho 4 dự tòng: một người Albania 30 tuổi, một người Ý 22 tuổi, một người Nga 30 tuổi, và một người Mỹ gốc Việt 17 tuổi.
Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người “đừng sợ những điều bất ngờ của Thiên Chúa! Ngài luôn làm chúng ta ngạc nhiên!

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến,
1. Trong bài Tin Mừng của Đêm Canh thức Phục sinh ngời sáng này, trước tiên chúng ta gặp những người phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu, mang theo dầu thơm để xức xác Chúa (x. Lc 24,1-3). Họ đi để thực hiện một nghĩa cử thương xót, một nghĩa cử truyền thống của tình thân lòng yêu mến với một người thân yêu đã khuất, như chúng ta cũng làm. Họ đã đi theo Chúa Giêsu, đã lắng nghe lời Ngài nói, đã cảm thấy được Ngài thấu hiểu trong phẩm giá của họ và đã theo Ngài đến cùng, đến tận đồi Calvar và đến lúc Ngài được đưa xuống khỏi thập giá. Chúng ta có thể hình dung ra cảm xúc của họ trên đường đi đến mộ: buồnChúa Giêsu đã rời bỏ họ, Ngài đã chết, cuộc sống của Ngài đã kết thúc. Cuộc đời lại tiếp tục như trước. Nhưng những người phụ nữ này vẫn cảm nhận được tình yêu, tình yêu đối với Chúa Giêsu bây giờ lại dẫn họ đến mộ của Ngài. Nhưng, vào lúc này, một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ đã xảy ra, điều ấy làm đảo lộn tâm hồn họ và kế hoạch của họ, điều ấy làm đảo lộn cuộc sống của họ: họ thấy tảng đá bị lăn ra khỏi cửa mộ, họ đến gần và không tìm thấy xác Chúa. Sự kiện ấy khiến họ lúng túng hỏi nhau: Đã xảy ra chuyện gì vậy?, “Tất cả những điều này có ý nghĩa gì? (x. Lc 24:4). Chẳng phải điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta khi có điều gì đó hoàn toàn mới mẻ xảy đến trong cuộc sống hng ngày của chúng ta sao? Bỗng dưng chúng ta dừng lại, chúng ta không hiểu, chúng ta không biết phải làm gì. Điều mới mẻ thường làm cho chúng ta sợ hãi, cả điều mới mẻ mà Thiên Chúa mang đến cho chúng ta cũng như điều mới mẻ mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta. Chúng ta giống như các Tông đồ trong Tin Mừng: chúng ta thường thích được an toàn, đứng trước ngôi mộ nghĩ về người đã khuất, về người chỉ còn sống trong ký ức, như những vĩ nhân của lịch sử trong quá khứ. Chúng ta sợ những bất ngờ của Thiên Chúa. Anh chị em thân mến, chúng ta sợ những bất ngờ của Thiên Chúa! Ngài luôn làm chúng ta ngạc nhiên! Thiên Chúa là như thế.
Anh chị em thân mến, chúng ta không được khép lòng lại trước điều mới mẻ mà Thiên Chúa muốn đem đến cho cuộc sống của chúng ta! Có phải chúng ta thường mệt mỏi, chán nản và buồn sầu? Chúng ta cảm thấy bị tội lỗi của mình đè nặng? Chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể đối phó được? Chúng ta đừng đóng cửa trái tim mình, đừng đánh mất niềm tin tưởng, đừng bao giờ bỏ cuộc: chẳng có tình huống nào mà Thiên Chúa không thể thay đổi được, chẳng có tội lỗi nào Người không thể tha thứ, miễn là chúng ta mở lòng ra với Người.
2. Nhưng chúng ta hãy trở lại với bài Tin Mừng, với những người phụ nữ, và đi thêm một bước. Họ nhận thấy ngôi mộ trống, xác Chúa Giêsu không còn ở đó, một điều gì mới đã xảy ra, nhưng tất cả những thứ ấy vẫn không nói cho họ biết điều gì chắc chắn: nó lại gợi ra những câu hỏi, nó làm cho họ bối rối, mà chẳng có câu trả lời. Rồi bỗng nhiên có hai người đàn ông trong y phục sáng chói xuất hiện và nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi” (Lc 24,5-6). Hành động đi đến mộ một hành động đơn giảntình yêunay biến thành một sự kiện, một sự kiện thực sự thay đổi cuộc đời. Chẳng còn gì giống như trước, không chỉ trong cuộc đời của những người phụ nữ ấy, mà cả trong cuộc đời chúng ta và trong lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu không chết, Ngài đã sống lại, Ngài đang sống! Ngài không chỉ đơn giản trở về với cuộc sống, nhưng đúng hơn, Ngài chính là sự sống, vì Ngài là Con Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống (x. Ds 14,21-28; Đnl 5,26; Gs 3,10). Chúa Giêsu không còn thuộc về quá khứ, nhưng Ngài sống trong hiện tại và ​​hướng về tương lai; Chúa Giêsu là ngày hôm nay vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chiến thắng tội lỗi, sự dữcái chết, chiến thắng tất cả những gì bóp nghẹt cuộc sống và làm cho cuộc sống kém phần nhân bản: đó là điều mới mẻ mà Thiên Chúa đem đến cho các phụ nữ, cho các môn đệ và cho tất cả chúng ta. Và đây là một sứ điệp gửi đến cho tôi và cho anh chị em thân mến. Đã bao nhiêu lần Đấng Tình yêu phải nói với chúng ta: Sao bạn đi tìm người sống ở giữa kẻ chết? Những vấn đề và những ưu tư hng ngày của chúng ta có thể giam hãm chúng ta trong chính chúng ta, trong buồn phiền và cay đắng ... và đó là nơi mà cái chết ngự trị. Đó không phải là nơi để tìm kiếm Đấng đang sống! Hãy để Chúa Giêsu phục sinh đi vào cuộc đời của bạn, hãy tin tưởng đón tiếp Ngài như một người bạn: Ngài sự sống! Nếu đến bây giờ bạn vẫn còn ở xa Ngài, bạn hãy tiến về phía trước. Ngài sẽ dang rộng vòng tay đón tiếp bạn. Nếu vẫn còn dửng dưng, hãy thử liều xem: bạn sẽ không phải thất vọng. Nếu đi theo Ngài có vẻ khó khăn, đừng sợ, hãy tín thác vào Ngài, tin rằng Ngài luôn gần bên bạn, Ngài ở với bạn và sẽ ban cho bạn bình an mà bạn đang tìm kiếm và sức mạnh để sống như Ngài muốn thế.
3. Còn một yếu tố nhỏ cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh trong bài Tin Mừng Đêm Canh thức Phục Sinh này. Những người phụ nữ đã gặp điều mới mẻ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài đang sống! Nhưng đứng trước ngôi mộ trống và hai người đàn ông trong y phục sáng chói, phản ứng đầu tiên của họ là sợ hãi: “Họ đều khiếp sợ và cúi mặt xuống đất”. Thánh Luca cho chúng ta biết, thậm chí họ còn không dám nhìn. Nhưng khi nghe được sứ điệp Phục sinh, họ đã đón nhận trong đức tin. Và hai người đàn ông trong y phục chói sáng đã nói với họ một điều hết sức quan trọng: hãy nhớ. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà khi còn ở Galilê ... Và họ nhớ lại những điều Người đã nói (Lc 24,6.8). Đây là lời mời gọi nhớ lại cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Giêsu, nhớ lại lời Ngài nói, việc Ngài làm, cuộc sống của Ngài; và chính việc nhớ lại những trải nghiệm họ đã sống với Thầy khiến họ không còn sợ hãi và ra đi, mang sứ điệp Phục sinh đến cho các Tông đồ và tất cả những người khác (x. Lc 24,9). Nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm và vẫn còn làm cho tôi, cho chúng ta, nhớ lại con đường chúng ta đã đi, điều đó sẽ mở cửa con tim chúng ta để hy vọng cho tương lai. Ước gì chúng ta biết nhớ lại tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời chúng ta.
Trong đêm rạng ngời này, chúng ta hãy khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, Đấng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (x. Lc 2,19.51) và xin Chúa cho chúng ta được chia sẻ sự phục sinh của Ngài. Xin Ngài mở lòng chúng ta đón nhận điều mới mẻ có sức biến đổi, đón nhận những bất ngờ tươi đẹp của Chúa. Xin Ngài làm cho chúng ta biết ghi nhớ tất cả những gì Ngài đã thực hiện trong cuộc đời chúng ta và trong lịch sử thế giới chúng ta. Xin Ngài giúp chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Ngài Đấng đang sống và làm việc giữa chúng ta. Và anh chị em thân mến, xin Ngài dạy cho chúng ta mỗi ngày biết đừng tìm Đấng đang sống ở giữa những kẻ chết. Amen.

 
Huy Hoàng chuyển ngữ

Đức Thánh Cha chủ sự Đàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo



ROMA. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu: Thập Giá là câu trả lời của Thiên Chúa đối với sự ác trên thế giới và ngài mời gọi các tín hữu tín thác nơi tình thương bao la của Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài huấn dụ ngắn vào cuối Đàng Thánh Giá trọng thể tối Thứ Sáu Tuần Thánh 29-3-2013 tại Hý trường Colosseo ở Roma từ lúc 21 giờ 15. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi cám ơn anh chị em đã tham dự đông đảo giờ phút cầu nguyện nồng nhiệt này. Và tôi cám ơn tất cả những người đã hiệp với chúng ta qua các phương tiện truyền thông, nhất là những người bệnh tật và già yếu.

Tôi không muốn thêm nhiều lời. Trong đêm này chỉ có một lời được lưu lại, đó là chính Thập Giá. Thập giá Chúa Giêsu là Lời mà Thiên Chúa trả lời cho sự ác của thế giới. Nhiều khi chúng ta thấy Thiên Chúa có vẻ không trả lời cho sự ác, và Ngài giữ im lặng. Trong thực tế, Thiên Chúa đã nói, đã trả lời, và câu trả lời của Ngài là Thập Giá Chúa Kitô: đó là Lời yêu thương, từ bi, tha thứ. Và đó cũng là sự phán xét. Thiên Chúa xét xử chúng ta bằng cách yêu thương chúng ta. Nếu ta đón nhận tình thương của Ngài, ta sẽ được cứu thoát, nếu ta từ khước, thì sẽ bị kết án, không phải do Ngài, nhưng do chính ta, vì Thiên Chúa không lên án, Ngài chỉ yêu thương và cứu vớt.

”Anh chị em thân mến, Lời của Thập Giá cũng là câu trả lời của các tín hữu Kitô đối với sự ác đang tiếp tục tác động trong và quanh chúng ta. Kitô hữu phải đáp lại sự ác bằng điều thiện, vác lấy thập giá, như Chúa Giêsu. Tối hôm nay, chúng ta đã nghe chứng từ của các anh chị em chúng ta từ Liban: chính họ đã soạn các bài suy niệm thật hay và kinh nguyện này. Tôi thành tâm cám ơn họ vì việc phục vụ này và nhất là chứng tá mà họ trình bày cho chúng ta. Chúng ta đã thấy điều đó khi ĐGH Biển Đức đến Liban: chúng ta đã thấy vẻ đẹp và sức mạnh của tình hiệp thông của các tín hữu ở phần đất này và tình bạn của bao nhiêu anh chị em Hồi giáo, và nhiều người khác. Đó là một dấu hiệu cho Trung Đông và cho toàn thế giới, một dấu hiệu hy vọng.

Vậy chúng ta hãy tiếp tục Đàng Thánh Giánày trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trên con đường Thập Giá, tiến bước và mang trong con tim Lời yêu thương và tha thứ này. Chúng ta hãy tiến bước trong niềm chờ đợi sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta dường nào.

Trước sự hiện của hàng chục ngàn tín hữu và hàng triệu người khác tham dự qua các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình trên thế giới, Thập Giá đã lần lượt được vác đi qua 14 chặng bên trong Hý trường Colosseo do ĐHY Vallini, Giám quản Roma, một gia đình Italia, một gia đình Ấn độ, một người khuyết tật, 2 chủng sinh người Hoa, các tín hữu từ Liban, Nigeria và Brazil, v.v.

G. Trần Đức Anh OP

Hình ảnh thánh lễ Phục sinh tại giáo xứ Cần Xây

Tuần thánh năm nay thật sốt sáng, những ngày tĩnh tâm cho các giới rất đông người tham dự. Các buổi chiều trong tuần thánh từ thứ 2 đến thứ tư, từ 5 giờ đều có các linh mục ngồi tòa. Số người lãnh bí tích hòa giải cũng rất đông, vì vậy số người đi lễ trong ba ngày tam nhật và lễ phục sinh ai cũng rước lễ. Trong ba ngày tam nhật và lễ Đêm  phuc sinh nhà thờ luôn chật cứng người, nhưng rất trật tự và sốt sáng. Cha sở cũng giảng những bài rất xúc tích như đánh động và nâng tâm hồn mỗi người về với Chúa. Cầu chúc mọi người hưởng được nhiều ơn từ tuần thánh và mùa phục sinh.
Rước nến phục sinh

Từ  ngoài nhìn vào phía nhà thờ

Đoàn rước rất dài

Ánh sáng lung linh như những con rồng

đoàn rước tiến về nhà thờ

Đang tiến về nhà thờ nhưng cuối đoàn vẫn còn ở trước cửa nhà thờ

đoàn rước vào nhà thờ

Giáo dân tiến vào các hàng ghế


Chuẩn bị công bố tin mừng phục sinh


Giáo dân tham dự rất đông


Công bố tin mừng phục sinh

Trong nhà thờ không đủ chỗ ngồi phải ngồi phía ngoài hành lang

Công bố tin mừng phục sinh


hát kinh vinh danh

Thánh lễ đồng tế


Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa



VATICAN. Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, 29-3-2013, ĐTC Phanxicô đã chủ tọa nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu, khoảng 30 Hồng Y và 25 GM tại Tòa Thánh.

Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã diễn giảng về đề tài ”Được trở nên công chính nhờ niềm tin nơi trong máu Chúa Giêsu Kitô”.

Cha gọi biến cố Thứ Sáu Tuần Thánh này là cao điểm của Năm Đức Tin, và là lúc quyết định. Chính niềm tin này cứu thoát, niềm tin chiến thắng thế giới (1 Ga 5,5). Trong ngày này, chúng ta có thể đưa ra quyết định quan trọng nhất trong đời, quyết định mở toang các cánh cửa vĩnh cữu: tin! Tin rằng ”Chúa Giêsu đã chết cho tội lỗi chúng ta và sống lại để làm cho chúng ta trở nên công chính” (Rm 4,25).

Vị Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo hoàng cũng đặc biệt nói đến sứ mạng của Giáo Hội và các tín hữu trong việc rao giảng Tin Mừng ngày nay, và khẳng định rằng ”Việc rao giảng Tin Mừng của Kitô giáo không phải là ”chinh phục”, cũng chẳng phải là ”tuyên truyền”; đó là một món quà của Thiên Chúa cho thế giới trong Chúa Giêsu con của Ngài. Đó là mang lại cho Đầu niềm vui được cảm thấy sự sống chảy từ con tim tới toàn thân và làm cho các chi thể xa xăm nhất được sinh động. Chúng ta phải làm sao để Giáo Hội không bao giờ giống như lâu đài phức tạp và cồng kềnh như câu chuyện của Văn sĩ Franz Kafka (Un messagio imperiale) và làm sao cho sứ điệp có thể xuất phát từ Giáo Hội, tự do và vui tươi như khi mới bắt đầu. Chúng ta biết đâu là những chướng ngại có thể cản trở các sứ giả: đó là những bức tường phân cách, bắt đầu là những bức tường chia rẽ các Giáo Hội Kitô với nhau, bệnh bàn giấy thái quá, những tàn tích của guồng máy, những luật lệ và tranh luận quá khứ, nay trở thành những đống gạch vụn.”

Cha Cantalamessa nhắc đến những lời gần đây của ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy đi tới các khu ngoại ô của cuộc sống, những khu vực tội lỗi, đau khổ, bất công, dốt nát và dửng dưng về tôn giáo, của tư tưởng và mọi hình thức lầm than. Cha nhận xét rằng:

”Cũng như với một số tòa nhà cũ kỹ. Qua các thể kỷ, để thích ứng với những đòi hỏi của giai đoạn, người ta làm đầy những tòa nhà ấy bằng những vách ngăn, những cầu thang và những phòng lớn nhỏ. Đến một lúc người ta nhận thấy tất cả những thích ứng đó không còn đáp ứng các đòi hỏi hiện nay nữa, thậm chí chúng còn là một chướng ngại, và phải có can đảm phá đổ tất cả những thứ ấy, đưa tòa nhà trở lại tìnht rạng đơn sơ, hợp với thời nguyên thủy. Đó là sứ mạng mà một hôm, một người cầu nguyện trước cây thánh giá Thánh Damiano, đã nhận lãnh: ”Hỡi Phanxicô, hãy sửa lại nhà của Ta!”.

Cha Cantalamessa nhắc nhở rằng công trình đó không phải là điều chúng ta tự sức mình có thể làm được, nhưng chính Thiên Chúa làm cho chúng ta có khả năng trở thành những thừa tác viên của giáo ước mới, không phải bằng chữa viết, nhưng là bằng Thần Trí (Xc 2 Cr 2,16; 3,5-6).

Và cha kết luận rằng: ”Xin Chúa Thánh Linh, trong lúc đang mở ra cho Giáo Hội một thời kỳ mới, đầy triển vọng, khơi dậy nơi con người sự chờ đợi sứ điệp và nơi các sứ giả ý chí chuyển đạt sứ điệp cho họ, dù phải hy sinh mạng sống”.
Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ. 120 LM đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Lúc 9 giờ 15 phút tối cùng ngày 29-3-2013, theo chương trình, ĐTC Phanxicô chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma. Nghi thức này được hơn 60 đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Hàng chục ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt là các gia đình Italia và Ấn độ, người khuyết tật và những người trợ giúp, hai LM từ Thánh Địa, các nữ tu từ Trung Đông, 2 chủng sinh người Hoa, và các tín hữu từ Phi châu.
Các bài suy niệm trong Đàng thánh giá năm nay do các bạn trẻ Công Giáo Liban soạn, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Béchérai Rai, Giáo Chủ Công Giáo Maronite. (SD 29-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Đức Thánh Cha viếng thăm nhà tù vị thành niên

Đức Thánh Cha viếng thăm nhà tù vị thành niên



ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều 28-3-2013, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm và cử hành thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho các thiếu niên tù nhân ở Nhà tù Casal del Marmo ở Roma.

Nhà tù này cách Vatican lối 8 cây số và hiện có 46 thiếu niên, 35 nam và 11 nữ, đang được cải huấn. Xét về quốc tịch, các em gồm 8 người Ý và 38 người nước ngoài, phần lớn là người Bắc Phi và Slave.

Linh hoạt thánh lễ do các người thiện nguyện giúp tại Nhà tù và thành viên Phong trào canh tân trong Thánh Linh. Các bài đọc và lời nguyện giáo dân do các thiếu niêm đảm trách.

Thánh lễ thật đơn sơ, theo ý muốn của ĐTC. Đồng tế với ngài có ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Cha Gaetano Greco, tuyên úy nhà tù thiếu niên, Đức Ông Xuareb người Malta, người Malta, bí thư riêng của ĐTC. Ngoài ra có hai phó tế hiện diện.

Trong số đại diện chính quyền, có Bà bộ trưởng tư pháp Paola Severino, và Bà Caterina Chinnici, Giám đốc phân bộ công lý thiếu niên, và Chỉ huy trưởng cảnh sát nhà tù ở địa phương.

Vì là nhà tù thiếu niên, nên các ký giả truyền hình không được phép quay phim.

Trong thánh lễ, ĐTC rửa chân cho 12 thiếu niên thuộc các quốc tịch và tôn giáo khác nhau: 10 nam và 2 nữ trong đó cũng có một thiếu nữ Hồi giáo.

Trong bài giảng ứng khẩu đơn sơ và ngắn gọn, ĐTC nói:

”Thật là một cử chỉ cảm động. Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Phêrô không hiểu gì và từ khước. Nhưng Chúa Giêsu giải thích cho ông. Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà làm điều đó! Và chính ngài giải thích cho các môn đệ: ”Các con có hiểu điều Thày làm cho các con không? Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa, và các con nói đúng, vì Thầy là như vậy. Vậy nếu là Thầy và là Chúa mà Thầy rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng làm như Thầy đã làm”. Đó là gương của Chúa: Ngài là người quan trọng nhất, mà rửa chân, vì người nào cao trọng nhất trong chúng ta, phải phục vụ người khác. Đó là là một biểu tượng, một dấu hiệu. Rửa chân có nghĩa là ”tôi là người phục vụ cho anh”. Và cả chúng ta, không phải là chúng ta phải rửa chân mỗi ngày cho nhau, nhưng điều ấy có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng ta phải giúp đỡ nhau. Nhiều khi ta bực mình với người khác, nhưng hãy bỏ qua, và nếu người khác xin bạn giúp, thì hãy làm. Hãy giúp đỡ nhau: đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta và đó là điều tôi làm, và tôi làm hết lòng, vì đó là bổn phận của tôi. Trong tư cách là LM và như là GM, tôi phải phục vụ các bạn. Nhưng đó là một nghĩa đến với tôi từ con tim: tôi yêu mến điều đó và tôi làm vì Chúa đã dạy tôi làm. Và cả các bạn: hãy giúp đỡ nhau, khi làm như thế, chúng ta làm điều thiện. Bây giờ chúng ta cử hành nghi thức rửa chân, và chúng ta nghĩ: mỗi người chúng ta nghĩ: Tôi có thực sự sẵn sàng, phục vụ, giúp đỡ người khác hay không? Chúng ta hãy nghĩ điều đó thôi. Chúng ta hãy nghĩ rằng dấu hiệu này là một sự âu yếm Chúa Giêsu đã làm, vì Chúa Giêsu đã đến để làm điều đó, để phục vụ, để giúp đỡ chúng ta”.

Trong cuộc viếng thăm, các bạn trẻ tù nhân trao tặng ĐTC một thánh giá bằng gỗ và một bàn quì cũng bằng gỗ cho chính họ thực hiện trong xưởng thủ công trong trại tù. Về phần ĐTC ngài tặng cho mọi bạn trẻ trứng sôcôla và bánh chim bồ câu vốn là những món truyền thống trong mùa phục sinh.

Khi ĐTC đến gần nhà tù, dọc đường có rất đông người đứng chào đón ngài.. (SD 28-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Theo gương Giáo Hoàng Phanxicô



 
 
Thưa CHA - con xin noi gương CHA

Cha mới lên ngôi giáo hoàng mấy ngày mà chúng con nhột quá, báo đài càng khen cha nhiều chừng nào, chúng con càng nhột chừng đó, chúng con không thể nào bịt miệng được báo đài, chúng vớ được đức tính lạ, chúng ra rả suốt và dù một người có đui điếc thế nào, cứ nghe, cứ đọc bài vở về cha thì họ không thể nào không so sánh chúng con. Này nhé:

Cha đi xe buýt, chúng con đi xe hơi xịn, quận lỵ chúng con không có đường xá tốt để đi, chỉ cần đi xe hai bánh là được rồi, nhưng chúng con cũng thượng lên xe 4 bánh, lại còn thích mua xe Đức, chưa mua được xe Đức lòng còn ấm ức. Khi xuống xe, lại có người chạy nhanh xuống mở cửa. Chúng con chẳng mắc cở gì cha ạ, kệ, giáo dân cày bừa thì đó là việc của họ, chúng con lo việc trên trời!

Cha ở nhà tầm thường, chúng con ở nhà cao cửa rộng. Khi mới chịu chức, mới đi xứ, việc đầu tiên là chúng con xây nhà thờ, nhà xứ. Của đáng tội, giáo dân thương chúng con lắm, chúng con chỉ cần đăng đàn khơi lên niềm tự hào có một giáo xứ đẹp là bổn đạo người giúp công, người giúp của, chúng con có cơ ngơi tốt đẹp. Kệ, có thực mới vực được đạo. Chúng con khổ cực lâu rồi.

Cha tự nấu ăn, chắc cha có nhiều nữ tính, đàn ông chúng con không ai vào nhà bếp. Bà bếp phải thay đổi món thường xuyên mà cha ơi, không nói, các bà giáo hữu cũng tự động đến nấu, đồ ăn chúng con ăn không hết. Chúng con chưa có phong tục từ chối. Cha trốn các bữa tiệc linh đình, dùng thì giờ đó để đi thăm giáo dân nghèo. Còn chúng con… quên mời là khốn cho họ!

Cha ngồi ở hàng cuối, khi nào đi họp chúng con cũng ngồi theo phẩm trật, quen rồi cha ạ. Thói quen làm nên cá tính, con đứng hạng nhất trong giáo xứ thì phản xạ tự nhiên của con là lên ghế nhất. Xuống ngồi hàng dưới là phải đổi cả một phong cách sống… khó quá cha ơi, ngựa theo đường cũ, với lại thói quen này không có trong bản chất, bây giờ mà con giả bộ xuống ngồi hàng cuối, chính con cũng cảm thấy lúng túng.

Cha tự làm lấy hết các công việc, tự điện thoại (không nhờ thư ký) đến văn phòng cha giám tỉnh để chào cha giám tỉnh. Chúng con có thư ký làm hết, với lại nhiều khi chúng con cũng không nghĩ đến chuyện chào cấp dưới, họ phải đến chào mình trước.

Không phí phạm, cha dặn em ruột của cha ở nhà, đừng qua Rome dự lễ nhận chức của cha, cha dặn các giáo hữu Á Căn Đình đừng qua Rome, để dành tiền đó cho người nghèo. Chúng con gởi giấy mời khắp xứ, khắp tỉnh hết cha ơi, ai không đi dự là chúng con vô sổ đen. Chờ đó… Rồi thì thuộc hạ chúng con làm việc rất sáng tạo, họ nghĩ đủ cách làm vui lòng khách đến, làm vừa lòng khách coi, lắm lúc chúng con cũng bắt chước vua Tàu, mình ngồi trên ngai chễm chệ xem bọn con nít múa. 10 năm, 25 năm, 50 năm… một đời một lần, không làm thì còn dịp nào để làm! Tốn kém là chuyện nhỏ cha ạ. Chúa Giêsu cũng có nói người nghèo thì lúc nào cũng còn đó… Còn con vuột dịp 25 năm uổng lắm cha ạ.., giáo xứ kia còn làm ''hoành tráng'' hơn con nữa đó, với lại con cũng không biết có sống thêm 25 năm nữa để làm 50 năm không, cha thông cảm nhé.

Cha tự trả tiền phòng.. Chuyện lạ với chúng con, các đại gia trong giáo xứ dành làm hết mấy chuyện này, không có đại gia thì trung gia, không trung gia cũng tiểu gia, chúng con quen rồi, gần như không bao giờ xuất tiền riêng để chi vào một việc gì hết, chuyện này không có trong mục tiêu pha của chúng con. Đi ăn, đổ xăng, mua thuốc lá, mua rượu, mua đồ lặt vặt… trừ khi chúng con đi một mình; một khi chúng con đi chung với người thứ hai thì không bao giờ chúng con móc ví hết. Tụi chúng con tối thiểu một người cũng có vài điện thoại cầm tay, vài iPod…, không nhận giáo dân cũng dí vào tay, cái này đời mới hơn này, cái này kỹ thuật mới hơn nè…, con mà dùng quà của ai thì người đó hân hạnh, mừng lắm lắm, từ chối sao đành, chúng con lại nghĩ từ chối là chạm đến đức ái.

Cha có óc hài hước…, hài hước là đặc nét của người có óc thông minh cao độ, không dễ cha ơi, con không được thông minh, con không dám cười trước người khác, lâu dần không cười thì thành nghiêm, đừng ai giỡn trước mặt con. Cha ơi, chúng con có những người không nhếch được một nụ cười, đến mức giáo dân thì
thầm sau lưng, ai bắt cha đó đi tu mà trông khổ ải thế. Chẳng ai hết nhưng chúng con không vượt lên được số phận, bởi vì chúng con nghĩ số phận bắt mình đi tu!

Có một chuyện con chưa hiểu cha ạ, khi vào y khoa, phải thi tuyển rất khó, phải là những người rất giỏi mới đậu; nhưng khi ra hành nghề, tìm một bác sĩ giỏi rất khó cha ạ. Muốn vào chủng viện cũng phải có một trình độ thông minh, thánh thiện trên trung bình nào đó nhưng khi ra làm cha, tìm một cha giỏi và thánh thiện thì cũng khó như Diogène đốt đuốc ban ngày đi tìm người. Vì sao cha vẫn giữ thông minh và thánh thiện lâu như vậy, đó là câu hỏi mà khi có dịp con sẽ hỏi cha. Con biết cha sẽ trả lời cha dùng thông minh thánh thiện của quả tim nhưng chúng con, cũng có những người có quả tim tốt vậy mà sao giáo dân than phiền họ không có được một mục tử thánh thiện.

Cha đơn giản, chúng con rắc rối cầu kỳ, chúng con vừa chịu chức là bố mẹ chúng con dù còn trẻ đã vội lên chức ông cố, bà cố và họ thích lắm, được vị vọng, được nhiều bổng lộc. Chính chúng con cũng chưa hiểu vì sao có truyền thống lên chức cố như vậy. Cha là linh mục chứ cha có phải là cha gia đình đâu mà cha mẹ lên chức ông bà cố có cháu, có chắt.

Cứ mỗi lần cha đi ra ngoài, gặp gỡ ai đó là mỗi lần cha để lại một ấn tượng mới, hôm nay thứ bảy 16-03, cha đi gặp 3000 ký giả, ngay lập tức họ khen cha là bậc thầy của truyền thông. Được ký giả Tây phương khen không phải dễ, họ không có tục lệ nhận phong bì. Họ là những người bỏ lên bàn cân cân từng chữ trước khi hạ bút và họ khen ngay «cha đã tìm đúng chữ để nói chuyện với ký giả.»
- Từ khi đức giáo hoàng Bờnoa từ chức, các bạn có nhiều việc để làm hen, tôi cám ơn các bạn đã làm việc rất chuyên nghiệp.

Xong! Thu được cảm tình rồi (biết nghĩ đến người khác trước…)! Sau 15 phút nói chuyện, cha được 3000 ký giả vỗ tay « Đức giáo hoàng muôn năm! Viva il papa !» đúng theo kiểu các buổi hòa nhạc rock!

Được con cái thương rồi, cha như người cha nhắn nhủ con: «Nhớ nhé, chú ý đến sự thật, đến cái thiện, đến cái đẹp nhé!»

Chính lúc đó, lúc con cái đã lắng nghe, cha mới kể chuyện mật viện và lựa chọn tên Phanxicô: «Khi tình hình trở nên căng thẳng vì số phiếu gần đạt kết quả. Đến khi có kết quả thật sự, bạn thân của tôi là hồng y người Brésil, cha Hummes, ngài ngồi bên cạnh ôm tôi thật lâu để nâng đỡ tôi: «’ Đừng quên người nghèo nghe’ », tôi nghĩ ngay đến Phanxicô Đaxi, đến chiến tranh, Phanxicô là thánh nhân của hòa bình và cái tên Phanxicô đến ngay trong quả tim tôi.» Và thế là cả mật viện xúc động ngay lập tức.

Có hơn 3000 ký giả nhưng chỉ có hơn một trăm ký giả bốc thăm trúng để lên chào cha, ai như muốn quỳ gối là cha đỡ lên ngay, và cũng tỏ ra không bắt buộc phải hôn nhẫn.

Trọng kính cha, chúng con biết chúng con để cả đời cũng không học xong gương của cha, xin cha ôm chúng con vào lòng, cầu nguyện cho chúng con.

De Mateo

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Lễ Dầu

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Lễ Dầu đầu tiên tại Vatican



VATICAN. ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ làm phép dầu sáng thứ 5 Tuần Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô. Ngài mời gọi các vị tư tế hãy trở nên những mục tử tận tụy với đoàn chiên Chúa, tìm đến với dân, rao giảng Tin Mừng cho dân đi vào thực tại cuộc sống thường nhật của họ.

ĐTC đã đồng tế thánh lễ lúc 9 giờ rưỡi sáng với khoảng 1.600 vị gồm các Hồng Y, Giám Mục, các LM triều và dòng, trước sự hiện diện của lối 8 ngàn tín hữu.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế đã cùng với các tín hữu hiện diện đã hát kinh Giờ Ba.
Ngoài các vị Phó tế giúp lễ, còn có 12 phó tế đảm nhận việc mang 6 bình dầu lên gần bàn thờ, trong đó có một Phó tế Việt Nam là thầy Giuse Nguyễn Văn Điệp, thuộc giáo phận Thanh Hóa và đang học tại Trường Truyền Giáo. Dầu được ĐTC làm phép do một hợp tác xã nông nghiệp ở Tây ban nha tặng.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng sau bài Tin Mừng, ĐTC đã diễn giảng về nghĩa việc xức dầu cho các tư tế, gồm các GM và Linh Mục. Ngài nói:

”Anh chị em thân mến,

”Tôi vui mừng cử hành Lễ Dầu đầu tiên trong tư cách là GM Roma. Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, đặc biệt là các tư tế, ngày hôm nay, giống như tôi, anh em tưởng niệm ngày thụ phong.
Các bài đọc nói với chúng ta về ”Những người được xức dầu”: Vị Tôi Tớ của Jahvê trong sách ngôn sứ Isaia, vua Đavít và Đức Giêsu Chúa chúng ta. Ba vị đều có chung điểm này là việc xức dầu mà các ngài nhận lãnh là để xức dầu cho dân tộc trung thành của Thiên Chúa mà các vị phục vụ; việc xức dầu các vị nhận được là cho người nghèo, các tù nhân, những người bị áp bức... Một hình ảnh rất đẹp nói lên sứ mạng của việc chịu xức dầu là ”để phục vụ”, đó là hình ảnh thánh vịnh: ”Như dầu quí giá được đổ trên đầu, chảy xuống râu, râu của Aaron, chảy xuống vạt áo của ông” (Tv 133,2). Hình ảnh dầu chảy lan, chảy xuống râu ông Aaron cho đến vạt áo thánh của ông là hình ảnh xức dầu tư tế, qua người chịu xức dầu, đi tới tận bờ cõi vũ trụ được tượng trưng qua phẩm phục.

Phẩm phục thánh của vị Thượng Tế thật phong phú về biểu tượng, và một trong những biểu tượng ấy là: tên của con cái Israel được ghi khắc trên những viên đá trang điểm vai áo efod, xuất xứ chiếc áo lễ của chúng ta ngày nay: 6 tên trên viên đá bên vai phải và 6 tên trên viên đá ở vai trái (Xc Xh 28,6-14). Trên viên đá đeo ngực cũng ghi tên 12 chi tộc Israel (Xc Xh 28,21). Điều này có nghĩa là vị tư tế hành lễ, mang trên vai dân được ủy thác cho mình và mang tên của họ được ghi khắc trong tim. Khi chúng ta mặc chiếc áo lễ khiêm hạ, có lẽ chúng ta cảm thấy trên vai và trong tâm hồn gánh nặng và khuôn mặt của các tín hữu chúng ta, các thánh và các vị tử đạo của chúng ta.”

ĐTC nhận xét rằng:

”Vẻ đẹp của những gì thuộc phụng vụ không phải chỉ là một sự trang điểm hoặc là một sở thích đối với các phẩm phục, nhưng chúng nói lên sự hiện diện của vinh quang Chúa chúng ta, chiếu tỏa rạng ngời trên dân tộc sinh động và được an ủi của Ngài. Từ vẻ đẹp đó chúng ta nhìn sang hoạt động. Dầu quí giá được xức trên đầu của ông Aaron không phải chỉ mang hương thơm cho con người của ông mà thôi, nhưng còn tản ra và chảy tới mọi khu vực bên lề. Chúa sẽ nói rõ ràng với ông: việc ông được xức dầu là để phục vụ người nghèo, các tù nhân, bệnh nhân và những người sầu muộn, lẻ loi. Việc xức dầu không phải để cho bản thân chúng ta được thơm tho, và càng không phải để chúng ta giữ riêng nó trong một cái bình, vì làm như thế dầu sẽ bị ôi .. và trái tim trở nên cay đắng.

“Người ta nhận ra vị tư tế tốt lành qua cách thức vị ấy xức dầu cho dân như thế nào. Khi các tín hữu chúng ta được xức bằng dầu hoan lạc thì ta nhận thấy ngay điều đó, chẳng hạn khi họ giã từ thánh lễ với với khuôn mặt của người đã nhận Tin Vui. Các tín hữu của chúng ta đã vui mừng đón nhận Phúc Âm được rao giảng với việc xức dầu, họ hài lòng khi Tin Mừng mà chúng ta loan báo đi vào đời sống hằng ngày của họ, khi bài giảng đó chảy xuống như dầu của ông Aaron, tới tận vạt áo của các thực tại, khi nó soi sáng cho những hoàn cảnh cùng cực, ”những vùng ngoại ô” nơi tín hữu phải đương đầu với sự xâm lăng của những kẻ muốn phá hoại đức tin của họ. Các tín hữu cảm ơn chúng ta vì họ cảm thấy chúng ta đã cầu nguyện với những thực tại của đời sống hằng ngày, những cơ cực và vui mừng, những lo âu và hy vọng của họ. Và khi họ cảm thấy rằng dầu thơm của Đấng được xức dầu, của Chúa Kitô, đi tới họ qua chúng ta, họ được khích lệ phó thác cho chúng ta tất cả những gì họ muốn dâng lên Chúa: ”Thưa cha, xin cầu nguyện cho con, vì con bị vấn đề này”, ”xin cha chúc lành cho con”, ”xin cha cầu nguyện cho con”, đó là dấu chỉ sự xức dầu đi tới tận các viền áo choàng, vì được biến thành lời khẩn nguyện. Khi chúng ta ở trong quan hệ này với Thiên Chúa và với dân Ngài, và ơn thánh chuyển qua chúng ta, thì khi ấy chúng ta là những tư tế, là những người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.

”Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phải luôn luôn khơi dậy ơn thánh và phân định trong mỗi lời thỉnh cầu, đôi khi không thích hợp, có khi hoàn toàn là vật chất, và thậm chí là tầm thường, - nhưng nó chỉ có vẻ bên ngoài như thế-, ước muốn của các tín hữu chúng ta, họ mong nhận được sự xức dầu, vì họ biết rằng chúng ta có dầu ấy. Đoán biết và cảm thấy được, giống như Chúa, nỗi lo âu đầy hy vọng của người đàn bà bị hoại huyết khi bà chạm đến viền áo choàng của Ngài. Giai thoại ấy trong cuộc đời của Chúa Giêsu, ở giữa dân chúng bao quanh tứ phía -, tượng trưng tất cả vẻ đẹp của Aaron mặc phẩm phục tư tế với dầu chảy xuống y phục của ông. Đó là một vẻ đẹp thầm kín chỉ chiếu tỏ trước những đôi mắt đầy đức tin của người phụ nữ đang bị băng huyết. Chính các môn đệ, - tuy là tư tế tương lai-, nhưng không thấy được, không hiểu được: nơi ngoại biên của cuộc sống, họ chỉ thấy sự hời hợt của đám đông chen lấn tứ phía đến độ làm nghẹt Chúa Giêsu (Xc Lc 8,42). Trái lại, Chúa cảm thấy sức mạnh của việc xức dầu thần linh đi đến tận viền áo của Ngài.

Tiếp tục bài giảng trong Lễ Dầu, tại Đền thờ Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Chính như thế chúng ta cần đi ra ngoài để cảm nghiệm sự xức dầu của chúng ta, năng lực và hiệu năng cứu độ của việc xức dầu: ”ở những nơi ngoài lề”, những nơi có đau khổ, có máu đổ, có tình trạng mù lòa mong được thấy, có những tù nhân của bao nhiêu chủ nhân xấu xa. Không phải trong sự tự kinh nghiệm hoặc trong sự tự nhìn vào nội tâm được lập đi lập lại mà chúng ta gặp Chúa: những lớp học dạy tự lực trong cuộc sống có thể là hữu ích, nhưng cuộc sống đi từ lớp này tới lớp khác, từ phương pháp này đến phương pháp khác, sẽ làm cho chúng ta trở thành những người duy tự do và duy lý (pelagini), coi nhẹ quyền năng của ơn thánh vốn tác động và tăng trưởng theo mức độ, theo đó, trong niềm tin, chúng ta ra ngoài để trao ban Tin Mừng cho bản thân và tha nhân, trao ban một chút dầu của chúng ta cho những người không có gì cả.

”Tư tế nào ít ra khỏi mình, xức dầu một cách bủn xỉn, - tôi không nói là ”không bao giờ”, vì, cám ơn Chúa, các tín hữu của chúng ta ”lấy trộm” sự xức dầu, thì tư tế ấy sẽ mất đi điều tốt lành nhất trong các tín hữu của dân chúng ta, sẽ mất đi khả năng khơi dậy phần sâu xa nhất trong tâm hồn tư tế của mình. Ai không ra khỏi mình, thì thay vì là một người trung gian, dần dần họ trở thành một người môi giới, một người quản trị. Tất cả chúng ta đều biết sự khác biệt này: người môi giới và người quản trị đã được đồng lương của họ rồi và vì họ không phải trả giá bằng chính bản thân và con tim của họ, nên họ không nhận được lời cám ơn với lòng quí mến, nảy sinh từ con tim. Từ đó nảy sinh sự bất mãn của một số tư tế, rốt cuộc họ trở thành người buồn sầu và bị biến thành một thứ những người sưu tập đồ cổ hoặc những đồ mới, thay vì trở thành những mục tử với ”hương đoàn chiên của mình”, mục tử ở giữa đoàn chiên của mình, và là những người đánh cá người.

”Quả thực, cái gọi là cuộc khủng hoảng căn tính linh mục đang đe dọa tất cả chúng ta và tháp nhập vào cuộc khủng hoảng văn minh; nhưng nếu chúng ta biết vượt thắng làn sóng ấy, chúng ta có thể ra khơi nhân danh Chúa và thả lưới. Điều tốt là chính thực tại thúc đẩy chúng ta đi tới tình trạng chúng ta hiện nay nhờ ơn thánh, thực tại ấy xuất hiện như ơn thánh thuần túy, trong biển trần thế hiện nay, trong đó điều đáng kể là sự xức dầ, chứ không phải là chức năng, và lưới thả xuống chỉ được đầy cá nhân danh Đấng mà chúng ta phó thác, đó là Chúa Giêsu.”
Và ĐTC kết luận rằng:
”Các tín hữu thân mến, anh chị em hãy gần gũi các tư tế của mình với lòng quí mến và cầu nguyện để các vị luôn là những mục tử theo con tim của Chúa.
”Các tư tế thân mến, xin Thiên Chúa Chúa đổi mới trong chúng ta Thần trí Thánh Thiện nhờ đó chúng ta được xức dầu, xin Chúa đổi mới sự xức dầu trong tâm hồn chúng ta để sự xức dầu ấy đi tới tất cả mọi người, cả ở ”các nơi ngoại ô nữa”, nơi mà các tín hữu chúng ta đang mong đợi hơn cả và quí chuộng. Dân chúng ta cảm thấy chúng ta là môn đệ của Chúa, cảm thấy chúng ta mang phẩm phục có tên của họ, và chúng ta không tìm kiếm căn tính khác, có thể nhận được qua những lời nói và hoạt động của chúng ta dầu hoan lạc mà Chúa Giêsu, Đấn gđã được xức dầu, đã đến để mang cho chúng ta. Amen

Làm phép dầu

Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục.

Tiếp đến, ĐTC đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma). Nghi thức này cũng nhấn mạnh mầu nhiệm Giáo Hội như bí tích phổ quát của Chúa Kitô, thánh hóa mọi thực tại và hoàn cảnh của cuộc sống. Vì thế, ngoài dầu thánh hiến, còn có nghi thức làm phép dầu dự tòng cho những người chiến đấu để chiến thắng ác thần, hầu lãnh nhận những nghĩa vụ từ bí tích rửa tội, và sau cùng dầu bệnh nhân, để xức cho những người ở trong tình trạng bệnh tật đang thể hiện nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô. Và thế là từ Dầu, hương thơm tốt lành của Chúa Kitô toả lan cho mọi chi thể của Giáo Hội và lan ra thế giới. Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu xuất hiện 2 lần dưới hình thức hơi được thay đổi. Chúng ta phải nghe cả hai lần với tất cả sự chú ý, để bắt đầu hiểu ít là được phần nào điều cao cả đang được diễn ra. ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật”, rồi Chúa Giêsu nói thêm: 'Lời Cha là sự thật”. Vì vậy, các môn đệ được lôi kéo vào trong nội tâm của Thiên Chúa nhờ sự chìm đắm trong Lời Chúa. Có thể nói, Lời Chúa là sự thanh tẩy làm cho các môn đệ được thanh sạch, là quyền năng sáng tạo biến đổi các môn đệ trong Thiên Chúa.

G. Trần Đức Anh OP