label

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Nếu phá thai chỉ đơn thuần là quyền của phụ nữ, vậy thì quyền của tôi là gì?

Nếu phá thai chỉ đơn thuần là quyền của phụ nữ, vậy thì quyền của tôi là gì?


Một nạn nhân sống sót sau vụ phá thai nói : Nếu phá thai chỉ đơn thuần là quyền của phụ nữ, vậy thì quyền của tôi là gì?



(CNSNews.com) Một người sống sót sau khi bà mẹ của mình thực hiện phá thai là cô Gianna Jessen đã nói với Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện vào hôm thứ Sáu rằng những người ủng hộ phá thai không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi “ nếu phá thai chỉ đơn thuần là quyền của phụ nữ, thì quyền của cô, một người sống sót sau cuộc phá thai đau đớn ấy là gì.”

Tại cuộc điều trần về Tu Chính Hyde ( Luật cấm dùng quỹ liên bang để trả cho việc phá thai trừ phi để cứu sinh mạng của người mẹ hay việc mang thai do bị hãm hiếp bởi người cùng huyết thống) và Luật Bảo Vệ Quyền Trẻ Em Sinh Ra Còn Sống (Một đạo luật của Quốc Hội nhằm bảo vệ trẻ em sinh ra còn sống sau khi việc phá thai bất thành, được ký bởi Tổng Thống George W. Bush vào năm 2002), cô Jessen nói rằng cô vẫn còn đang nghe thấy những tiếng vỗ tay cuồng nhiệt của những người ủng hộ phá thai và cô đã dẫn câu Thánh Kinh trích từ Phúc Âm Thánh Gioan (Gn 15:13) rằng cô sẽ hiến mạng sống mình cho bất cứ ai. 

Luật Bảo Vệ Trẻ Em Sinh Ra Còn Sống (HR3504) “bắt buộc các bác sĩ phải chăm sóc chu đáo trẻ sơ sinh trong trường hợp đứa trẻ đó vẫn còn sống sau một vụ phá thai.”

Cô Jessen nói tiếp,“Tôi vẫn còn đang nghe thấy những tiếng vỗ tay cỗ vũ cho việc kết liễu đời sống của những đứa trẻ bị phái thai này và cả những người ở phía sau tôi như quý vị cũng vỗ tay. Tôi xin nói với quý vị rằng, nếu cần, tôi sẽ hiến mạng sống của tôi cho quý vị, bởi vì không có gì lớn hơn là việc một người tự hiến mạng sống mình vì bạn hữu.”

“Khi tôi nghe thấy quý vị vỗ tay cho sự chết, tôi muốn nói cho quý vị biết là quý vị đáng giá biết bao và đối với người Mỹ, tôi sẽ nói thế này “Hãy tỉnh thức, chúng ta đã quá lo lắng về mọi chuyện mà lại quên đi chuyện phá thai đang xảy ra dưới gầm trời này. Chúng ta không bàn về vấn đề này”

“Chúng ta bị bối rối về những vấn đề xã hội. Chúng ta bị bối rối bởi những người yêu Thiên Chúa và chúng ta bối rối trong việc bảo vệ những gì dễ tổn thương nhất giữa chúng ta và chúng ta kinh ngạc là tại sao chúng ta lại giết nhau.

“Chúng ta đã đặt sai vấn đề ưu tiên. Chúng ta đã từ bỏ Thiên Chúa. Chúng ta đã xấu hổ vì Người và chúng ta sẽ không được tự do nếu không có Người. Tôi kêu gọi quốc gia chúng ta hãy ăn năn và xin Chúa hãy làm cho chúng ta tỉnh thức.”

Giuse Thẩm Nguyễn(VCN)

Trở lại Công giáo nhờ mạng lưới "Truyền hình lời vĩnh cửu"

Trở lại Công giáo nhờ mạng lưới
"Truyền hình lời vĩnh cửu" của mẹ Angelica

Trở lại Công giáo nhờ mạng lưới "Truyền hình lời vĩnh cửu" của mẹ Angelica.
Dubai (CNA 15-09-2016; Vat. 29-09-2016) - Ông bà Arne và Barbara Sahlstrom đều sinh trưởng trong các gia đình Tin Lành Luther người Thụy điển, nhưng họ không thực hành đạo. Trước khi trở thành bác sĩ, Arne Sahlstrom đã học văn chương Anh và Pháp. Còn Barbara học về giọng hát tại nhiều thành phố khác nhau của Thụy điển. Khi đến học ở thành phố Upsala, cô đã gặp Arne và hai người đã thành hôn với nhau. Sau đó, Arne đã tiếp tục học chuyên về kỹ thuật giải phẫu còn Barbara trở thành giáo sư về giọng hát và là một thành viên trong dàn hợp xướng.
Năm 1989, Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm Thụy điển. Cả hai ông bà đều bị ngạc nhiên ấn tượng về nhân vật này, về con người của ngài. Không lâu sau cuộc viếng thăm này, mẹ của Barbara bị ung thư. Chính lúc đó, Barbara bắt đầu cầu nguyện và cô đã tìm thấy một cuốn Kinh thánh. Dù cho khi còn là một bé gái, từ lúc lên 5 cho đến khi lên 8, Barbara thường đến trường ở nhà thờ Tin lành mỗi Chúa nhật và được nghe đọc Kinh thánh, nhưng vì khi lớn lên, tự cô không bao giờ đọc Kinh thánh, nên cô không thể phân biệt sự khác nhau giữa Cựu ước và Tân ước.
Tháng 7 năm 2001, ông Arne được bổ nhiệm đến làm việc ở Saudi Ả rập, một đất nước hầu hết là dân theo Hồi giáo và được coi là quốc gia của Hồi giáo, nơi các tôn giáo khác không được phép có các sinh hoạt tôn giáo, ngay cả các sách Kinh thánh cũng bị cấm ở nước này. Nhưng chính ở đây, bà Barbara bắt đầu tìm hiểu trên mạng internet về các chương trình tôn giáo. Nhờ đó bà biết được mạng lưới "Truyền hình lời vĩnh cửu" do mẹ Angelica thành lập tại Hoa kỳ. Ðây là một mạng lưới truyền hình Công giáo toàn cầu được truyền qua các kênh truyền hình của các Giáo phận của nhiều nước trên thế giới. Mạng lưới truyền hình này truyền chiếu Thánh lễ mỗi ngày, còn có Ðàng thánh giá, lần hạt Mân Côi, các sự kiên Công giáo quan trọng tại giáo triều Roma và trên toàn thế giới. Chương trình của mạng lưới truyền hình cũng gồm có chương trình giáo lý dành cho người lớn và trẻ em.
Ngày qua ngày, bà Barbara xem các chương trình nói về đạo Công giáo mà mẹ của bà rất thích và bà cũng xem lại với ông Arne chồng của bà. Khám phá Công giáo là một sự ngạc nhiên lớn lao đối với bà Barbara. Bà chia sẻ: "Chúng tôi chưa bao giờ nghe về lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa, chưa bao giờ được biết tình yêu của một Thiên Chúa, Ðấng vô cùng gần gũi với chúng ta: Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Ðấng cư ngụ trong linh hồn chúng ta. Cho đến lúc đó,Thiên Chúa được trình bày cho chúng tôi mà chúng tôi biết đến là một Thiên Chúa thật là xa xôi. Giờ đây chúng tôi cũng biết giáo lý về luyện ngục.
Sau đó ông bà Sahlstrom đã quyết định chuyển đến sinh sống ở Bahrain và Dubai. Ở đó họ đã tìm thấy giáo xứ Công giáo thánh Phanxicô, nơi có Thánh lễ được cử hành vào ngày thứ sáu thay vì ngày Chúa nhật, vì thứ sáu là ngày cầu nguyện của người Hồi giáo còn Chúa nhật lại là ngày lao động ở quốc gia này. Cha Eugene Mattioli đã giúp hai vợ chồng học hỏi về Công giáo và đào sâu lịch sử của Giáo hội. Bà Barbara giải thích: "Ðây thật là một hành trình thật vui. Mọi thứ thu hút chúng tôi. Ðiều chúng tôi đặc biệt thích chính là tầm quan trọng Giáo hội Công giáo dành cho mối liên hệ giữa đức tin và lý trí. Khi Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng vào năm 2005, ông bà Arne và Barbara đặc biệt vui mừng, vì đối với họ, đây là một chúc lành thật sự. Họ thấy trong kiến thức thần học, phụng vụ, thánh nhạc và nhạc phụng vụ của ngài, cách thức ngài diễn tả, sự khiêm nhường vô cùng và sự đơn giản của ngài, các cuốn sách tuyệt vời của ngài, vv. bàn tay của Thiên Chúa.
Trong năm 2005, ông bà Sahlstrom đã đào sâu kiến thức đức tin và phụng vụ, và cuối cùng họ đã tiến đến bước cuối cùng là hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo. Chính Ðức giám mục Anders Arborelius và một số linh mục Opus Dei là những người đã giữ vai trò chính trong việc giúp ông bà tìm thấy con đường của họ.
Sau những tìm tòi khám phá để đến với Giáo hội, ông bà nói rằng Thiên Chúa đã đến gần với họ qua nghệ thuật, âm nhạc, hội họa và kiến trúc. Ông bà chia sẻ: Khi thăm một vài nhà thờ, "dù cho chúng tôi hầu như không hiểu gì, chúng tôi đã dành một thời gian dài để chiêm ngắm các pho tượng, nơi Ðức Trinh nữ Maria mỉm cười nhìn bạn. Nhiều lần chúng tôi ngồi xuống cầu nguyện giữa sự thanh vắng và im lặng đó". (CNA 15/09/2016)

Hồng Thủy
(Radio Vatican)

Đức Thánh Cha tố giác các thế lực kéo dài chiến tranh Siria

Đức Thánh Cha tố giác các thế lực kéo dài chiến tranh Siria

Đức Thánh Cha tố giác các thế lực kéo dài chiến tranh Siria - REUTERS
29/09/2016 13:43
VATICAN. ĐTC tái tố giác những thế lực theo đuổi lợi lộc đen tối kéo dài chiến tranh tại Siria, Irak, tàn phá các đất nước này.
 Ngài bày tỏ lập trường trên đây dành cho 80 người thuộc 40 tổ chức từ thiện Công Giáo quốc tế và các tham dự viên khác tại khóa họp thứ 5 do Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), triệu tập hôm 29-9-2016, tại Roma, để kiểm điểm tình hình và đẩy mạnh công cuộc cứu trợ các nạn nhân tại Siria và Irak.
 ĐTC nói: ”Mặc dù nhiều cố gắng đã được thực hiện trong các lãnh vực khác nhau, lý lẽ của vũ khí và đàn áp, những lợi lộc đen tối và bạo lực tiếp tục tàn phá hai nước ấy và cho đến nay, người ta không biết chấm dứt những đau khổ làm kiệt quệ và những vi phạm liên tục chống lại các quyền con người. Những hậu quả thê thảm của cuộc khủng hoảng ấy hiện nay trở nên tỏ tường, vượt lên trên các biên cương của vùng ấy. Hiện tượng di cư trầm trọng là biểu tượng tình trạng ấy”.
 ĐTC cũng cảnh giác rằng ”bạo lực sinh ra bạo lực và chúng ta có cảm tưởng đang bị cuốn vào cái vòng bất lực và ù lỳ bất động mà dường như người ta không có lối thoát. Sự ác đang vây hãm lương tâm và ý chí như thế phải đặt câu hỏi cho chúng ta. Tại sao con người tiếp tục theo đuổi những lạm quyền, trả đũa và bạo lực, dù có những thiệt hại lớn lao cho con người, cho gia sản và môi trường như thế? Chúng ta hãy nghĩ đến vụ tấn công mới đây chống lại đoàn xe cứu trợ nhân đạo của LHQ..
 Trong bối cảnh đau thương đó, ĐTC ca ngợi hoạt động của ”những người dấn thân giúp đỡ các nạn nhân và bảo tồn phẩm giá của họ, công việc ấy chắc chắn là một phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa, và tự nó là một dấu chỉ chứng tỏ sự ác có giới hạn và không có tiếng nói cuối cùng. Đó là một dấu chỉ hy vọng lớn mà tôi cùng với anh chị em, cám ơn bao nhiêu người vô danh đang cầu nguyện và âm thầm chuyển cầu cho các nạn nhân xung đột, nhất là các trẻ em và những người yếu thế nhất, cũng như hỗ trợ công việc của anh chị em”.
ĐTC cũng ghi nhận rằng ”ngoài những trợ giúp nhân đạo, điều mà anh chị em chúng ta ở Siria và Irak đang cần hơn cả chính là hòa bình. Vì thế, tôi không mỏi mệt khi kêu gọi cộng đồng quốc tế cố gắng nhiều hơn và có những nỗ lực mới để đạt tới hòa bình cho toàn vùng Trung Đông.
 ”Chấm dứt xung đột cũng là điều nằm trong tay con người: Mỗi người chúng ta có thể và phải trở thành người xây dựng hòa bình, vì mỗi tình cảnh bạo lực và bất công là một vết thương trong thân mình của toàn thể gia đình nhân loại”.
 ĐTC không quên nghĩ đến các cộng đồng Kitô tại Trung Đông, đang đau khổ vì hậu quả của bạo lực và lo sợ nhìn về tương lai. Ngài nói: ”Giữa bao nhiêu tối tăm, các Giáo Hội ấy giương cao ngọn đèn đức tin, hy vọng và bác ái. Khi can đảm giúp đỡ những người đau khổ, không phân biệt ai, và hoạt động cho hòa bình và sự sống chung, các tín hữu Kitô Trung Đông ngày nay là dấu chỉ cụ thể về lòng thương xót của Thiên Chúa” (SD 29-9-2016)
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

THƯ MỤC VỤ THÁNG 10

THƯ MỤC VỤ THÁNG 10
MÔI SINH - LÒNG THƯƠNG XÓT – VÀ TÂN PHÚC ÂM HÓA XÃ HỘI
VẤN ĐỀ SUY GIẢM PHẨM CHẤT ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
VÀ SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI
 
Anh chị em thân mến,
Hiệp thông với giáo hội tôn kính Mẹ Maria trong tháng 10, và cầu nguyện cho cộng cuộc Loan Báo Tin Mừng của giáo hội, giáo phận Long Xuyên tiếp tục học hỏi, suy tư, cầu nguyện và dấn thân cho vấn đề “Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung”. Thư mục vụ tháng 10 này tập trung vào vấn đề suy giảm phẩm chất đời sống con người và suy thoái đạo đức xã hội, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cấp đến từ số 43 đến số 47 của thông điệp Laudato Si’.
 
Trước hết, với ý thức rằng cùng với thiên nhiên, con người là thụ tạo trên trái đất này, chúng ta cũng ý thức rằng có những tác động của suy thoái môi trường lên đời sống con người tạo nên suy giảm phẩm chất đời sống con người và suy thoái xã hội (số 43). Về suy giảm phẩm chất đời sống con người, số 44 và 45 đề cập đến sự kiện đô thị hóa phát triển không giới hạn và vô trật tự. Kết quả là dân cư phải chịu đựng sự ô nhiễm do khí thải độc hại, sự lộn xộn trong tổ chức xã hội, những vấn đề của giao thông, những chịu đựng vì tiếng ồn ào và mầu sắc, những lãng phí điện và nước, những mảng màu xanh thiên nhiên bị thay thế vì xi-măng, dầu đường, kim loại... Ngoài ra, cũng có hiện tượng tư nhân hóa một số không gian cho một vài tư nhân, hay nhóm người, và vì thế đã tước quyền hưởng thiên nhiên của đại đa số quần chúng.
 
Riêng vấn đề suy thoái đạo đức xã hội, số 46 và 47 đề cập đến sự thay đổi toàn cầu, cùng với những tiến bộ của khoa học ngày nay. Theo đó, việc thay đổi toàn cầu cũng có thể đưa tới sự loại trừ về mặt xã hội, bất bình đẳng trong các dịch vụ công cộng, sự phân rẽ xã hội, gia tăng bạo lực, việc buôn bán ma túy và gia tăng sử dụng xì ke nơi giới trẻ… Kết quả là sự sa sút về các giá trị tinh thần nơi bản thân và sự đổ vỡ của những tương quan. Cũng vậy, những thành quả của các phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số, làm cho cuộc sống con người bị choáng ngợp bởi những thông tin dữ kiện, nên đưa đến một thứ thỏa mãn tò mò vô bổ, thậm chí có tác hại cho tinh thần. Kết quả là sự choáng ngợp bởi những thông tin và sự ồn ào của quảng cáo làm suy giảm trầm trọng khả năng suy tư, đối thoại, và cùng nhau truy tìm chân thiện mỹ làm phong phú cho cuộc sống con người. Hơn nữa, tương quan giữa con người với con người trở nên máy móc qua mạng và nhân tạo, tùy theo sở thích riêng tư và sự chọn lựa ích kỷ, và vì thế làm suy giảm sự cảm thông, chia sẻ, và hiệp thông.
 
Những suy tư trên của Đức Thánh Cha đang cảnh tỉnh giáo phận Long Xuyên về hiện trạng suy giảm phẩm chất đời sống và sự suy thoái đạo đức trong cộng đồng Kitô hữu của giáo phận. Thực tế cho biết, chúng ta được cảnh tỉnh về sự cám dỗ của quyền và tiền trong đời sống Kitô hữu. Xem ra quyền và tiền đang trở thành giá trị để kiếm tìm và là tiêu chuẩn chọn lựa và họat động của các Kitô hữu đặc biệt nơi thành phần trẻ, không loại trừ các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh. Nguy cơ là quyền và tiền trở thành ngẫu tượng để tôn thờ và vì thế, đang tạo nên sự rạn nứt và phá vỡ các tương quan làm nên cuộc sống của con người: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, và tương quan với trái đất. Đó là nguyên nhân của sự suy giảm phẩm chất đời sống và sự suy thoái đạo đức của cá nhân và tập thể. Có những biểu hiện về suy giảm đạo đức cần cảnh tỉnh cho giáo phận. Đó là:
Với cá nhân, sự chọn lựa cách sống là miễn sao có quyền và tiền, bất chấp luật lương tâm, luật pháp xã hội, và luật luân lý Kitô giáo. Điển hình là sự gian dối trong làm ăn, cho vay nặng lãi, giữ chặt túi tiền trước nỗi khổ của người lân cận...
Với các cộng đoàn gia đình, bậc phụ huynh ưa thích tổ chức gia đình với mục tiêu chính là kiếm tìm những giá trị trần thế từ nghề nghiệp, học hành, giải trí… hơn là phù hợp với giá trị liên đới và giá trị đạo đức trong gia đình. Điển hình là không đoàn tụ trong bữa ăn hàng ngày, không còn đọc kinh tối gia đình, cha mẹ không khích lệ con tham dự thánh lễ và học giáo lý…
Với các cộng đoàn tín hữu (giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn tu…), có thể nhận ra những dấu chỉ của sự suy thoái đạo đức điển hình sau đây. Đó là sự đánh giá một cộng đoàn tín hữu dựa vào cơ sở vật chất, những khả năng và tiềm năng về tài chánh, … hơn là dựa vào sự nhiệt tâm đáp ứng nhu cầu đào tạo con người, xây dựng tình liên đới, dấn thân cho công cuộc loan báo tin mừng. Điển hình là thích xây nhà thờ, đền đài, tháp chuông… hơn là giáo dục đức tin; thích tổ chức lễ lạc hoành tráng hơn là thực hiện thương người có mười bốn mối; thích xây những bức tường che chắn cho cộng đoàn bằng những luật lệ, quy định và sinh hoạt bên ngoài, hơn là nhắc nhở nhau mở rộng tâm hồn để đón nhận nhau…
Từ sự cảnh tỉnh trên, giáo phận cần có những giải pháp dựa trên 3 nguyên tắc từ Laudato Si’:
1.   Giáo phận ưu tiên chọn lựa sứ vụ xây dựng con người toàn diện như là lý do cho sự hiện diện của giáo hội tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. “Sự phát triển đích thực sẽ thăng tiến con người toàn diện phẩm chất cuộc sống con người và xem xét bối cảnh sinh sống của họ… Trong phòng, trong nhà, nơi làm việc và khu xóm của chúng ta, chúng ta sử dụng môi trường như là một cách thể hiện căn tính của chúng ta.” (số 147)
2.   Với óc sáng tạo, giáo phận cần tích cực dấn thân để phát triển những thuận lợi và thay thế những điều kiện bất lợi trong môi trường thiên nhiên và xã hội. Tập trung vào sự xây dựng tình liên đới để thay đổi môi trường sống bằng niềm vui, sự thân thiện và mối quan tâm đến  nhau. “Bằng cách này, bất cứ nơi nào cũng có thể biến từ địa ngục trần gian thành khung cảnh cho một đời sống tử tế” (số 148)
3.   Giáo phận xác tín rằng, tình yêu luôn luôn có sức mạnh biến đổi theo hướng tích cực. Dù trong hoàn cảnh nào, luôn nỗ lực hoạt động cho sự liên kết với nhau, ý thức thuộc về nhau, và cùng nhau phá vỡ bức tường của cái tôi ích kỷ. Lý tưởng là mọi người gặp nhau như cảm thấy đang những người thân trong nhà mình, cùng nhau phục vụ vẻ đẹp của sự thân thuộc, việc gặp gỡ, sự trợ giúp nhau, và cùng nhau thăng tiến (149)
Từ 3 nguyên tắc trên, giáo phận được đề nghị:
 
Cho cá nhân, mỗi người trong giáo phận, không ngoại trừ các giám mục, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân, hãy luôn cảnh tỉnh về quyền và tiền, ảnh hưởng tiêu cực trên cách sống của người phú hộ đối xử vô tâm trong tương quan với ông Lazarô nghèo trước cửa nhà mình (Lc 16, 19-31). Trái lại, hãy học hỏi từ gương mẫu cuả người Samaria nhân hậu, sẵn lòng phục vụ cách thiết thực trong yêu thương và hy sinh (Lc 10, 25-35). Đây là cách tốt nhất để chúng ta sống hoán cải và canh tân đời sống đạo của cá nhân và của giáo phận.
 
Cho công đoàn, như tòa giám mục, linh mục đoàn, các giáo xứ/giáo họ, cộng đoàn tu, và gia đình, mỗi người trong từng cộng đoàn hãy trở thành một thành viên như trong gia đình Bêtania (Lc 10, 38-42) đón tiếp tha nhân như đón tiếp Chúa Giêsu và các tông đồ của Người. Tại công đoàn chúng ta, người lữ hành tìm được sự dừng chân với lòng hiếu khách,  tinh thần phục vụ đáp ứng những nhu cầu vật chất, tinh thần, và tâm linh theo khả năng của cộng đoàn.
 
Cho sự hợp tác, giáo phận rất ước mong được cùng với các tâm hồn thiện chí, các tôn giáo bạn, và với chính quyền cùng quan tâm đến việc phục vụ cho con người theo số 149 của tông huấn Laudato Si’: “Tình trạng cực nghèo xẩy ra ở những vùng thiếu sự hòa hợp, thiếu không gian mở rộng hoặc tiềm năng để hội nhập, có thể dẫn đến những sự cố vô nhân đạo hay bóc lột của các tổ chức tội phạm… Tuy nhiên tôi muốn khẳng định rằng tinh yêu luôn luôn chiến thắng. Nhiều người trong hoàn cảnh như thế vẫn có thể đan dệt những mối liên kết thuộc về nhau và cùng nhau, biến sự quá tải thành kinh nghiệm của một cộng đồng biết phá vỡ bức tường của cái tôi, và vượt qua những rào cản của ích kỷ. Kinh nghiệm về sự cứu rỗi mang tính cộng đồng này làm nảy sinh những ý tưởng sáng tạo cho sự tiến bộ của một tòa nhà hay một khu phố (hay một làng xã)”
Xin Mẹ Maria chúc lành cho giáo phận của chúng ta.â
GM + Giuse Trần Văn Toản
GM + Giuse Trần Xuân Tiếu
 

Máu của thánh Januarius hóa lỏng lần nữa tại nhà thờ Chánh tòa Naples

Máu của thánh Januarius hóa lỏng lần nữa tại nhà thờ Chánh tòa Naples

 
Phép lạ máu của Thánh Januarius hóa lỏng xảy ra một lần nữa tại Nhà thờ chính tòa Naples, Italy, vào ngày 19 tháng Chín, nhân ngày lễ kính của thánh nhân.
 
Thánh Januarius là Giám Mục thành Napoli, ngài đã được phúc
tử đạo khoảng năm 305 trong cuộc bức hại Diocletian. 
Ảnh: ncregister.com
 
Máu của ngài được lưu giữ trong một mặt hộp thủy tinh bịt kín và theo truyền thống máu sẽ hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng Chín, 16 tháng Mười Hai và thứ Bảy trước ngày Chúa Nhật thứ I trong tháng 5.
 
Máu Thánh Januarius hóa lỏng trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Ba năm ngoái, lần đầu tiên nó đã xảy ra trước sự chứng kiến của một vị Giáo Hoàng kể từ năm 1848.
 
Máu của vị thánh bổn mạng thành Naples, thường đã hóa khô, nay đã trở nên hóa lỏng trở lại một phần sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô hôn thánh tích trong chuyến đi thăm của ngài trong ngày tới thành phố miền Nam nước Ý.
 
Theo hãng tin AFP, Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Giáo phận Naples đã trưng kính mặt hộp thủy tinh đựng máu cho cộng đoàn ở nhà thờ Chánh tòa của Giáo phận, ngài nói: “. Máu đã hóa lỏng một nữa , điều đó cho thấy rằng thánh Januarius yêu mến Đức Giáo Hoàng và thành Naples của chúng ta”
 
ĐTC đáp lại rằng: “Đức giám mục vừa công bố rằng một nửa máu hóa lỏng. Chúng ta có thể thấy vị thánh mới yêu thương chúng ta có một nửa. Tất cả chúng ta phải lan truyền hơn nữa, để ngài ngài yêu thương chúng ta nhiều hơn nữa!
 
(GNsP, 25.09.2016/ catholicherald)
 

Chúng tôi không hề nhượng bộ Trung Quốc

Đức Hồng Y Pietro Parolin nói: Chúng tôi không hề nhượng bộ Trung Quốc

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã bảo đảm với các nhà ngoại giao rằng Vatican sẽ không cho phép chính phủ Trung Quốc có vai trò nào trong việc bổ nhiệm các giám mục mới.

Phát biểu tại một cuộc họp với các sứ thần Tòa Thánh về Rôma tham dự ngày Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khẳng định rằng Vatican đang tham gia vào các cuộc đàm phán cấp cao với Bắc Kinh. Mục tiêu của các cuộc đàm phán này là để đạt được một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục mới. Trong thời điểm hiện nay, do còn nhiều vấn đề phức tạp, các cuộc đàm phán không hề nhắm đến việc khôi phục quan hệ ngoại giao.

Ký giả Sandro Magister của tờ L'Espresso tường thuật lời Đức Hồng Y Parolin cho biết trong những cuộc đàm phán, Vatican sẽ không nhượng bộ chính quyền Trung Quốc đòi phải có một tiếng nói trong việc bổ nhiệm các giám mục mới. 

Theo Magister, Vatican sẵn sàng chấp nhận đề nghị cho phép Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc đề nghị các ứng viên giám mục nhưng với điều kiện là các giám mục Công Giáo “thầm lặng” phải được bao gồm trong Hội Đồng Giám Mục Trung quốc và những ‘giám mục’ nào được tấn phong trái phép nghĩa là không được Đức Thánh Cha bổ nhiệm thì không được có mặt trong Hội Đồng Giám Mục Trung quốc.

Bài của Sandro Magister trên tờ L'Espresso 
Đặng Tự Do (VCN

Thụy Điển: Chương trình chuyến đi của Đức Thánh Cha tham dự lễ kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành


Nhà thờ chính toà Lund (Hội Thánh Tin Lành Thuỵ Điển)



Thụy Điển: Chương trình chuyến đi của
Đức Thánh Cha tham dự lễ kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành
WHĐ (27.09.2016) – Hôm thứ Hai 26-09 Toà Thánh đã công bố chi tiết chương trình mới nhất chuyến đi Thụy Điển của Đức Thánh Cha Phanxicô để tham dự lễ kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành, vào hai ngày 31 tháng Mười và 01 tháng Mười Một 2016. Đức Thánh Cha sẽ có hai bài giảng và một bài diễn văn trong chuyến viếng thăm này.
Hoạt động chính trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha là buổi cử hành chung của Giáo hội Công giáo và Liên đoàn Luther Thế giới (LWF), gồm ba sự kiện đại kết diễn ra ở Lund và Malmö. Ngoài ra Đức Thánh Cha cũng sẽ chủ sự một Thánh lễ tại Malmö vào ngày Lễ Các Thánh.
Chương trình:
Thứ Hai 31 tháng Mười
08g20: Khởi hành từ sân bay Fiumicino Roma;
11g00: Đến sân bay quốc tế Malmö;
11g05: Gặp Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven tại sân bay Quốc tế Malmö;
13g50: Thăm hoàng gia Thụy Điển tại Cung điện Hoàng gia “Kungshuset” ở Lund, cách Malmö khoảng 16 km;
14g30: Cầu nguyện đại kết tại Nhà thờ chính toà Luther ở Lund. Giảng;
16g40: Tham gia sự kiện đại kết tại Trung tâm triển lãm Malmö Arena” ở Malmö. Đọc diễn văn;
18g10: Gặp gỡ đại kết với các đoàn đại biểu ở Malmö Arena.
Thứ Ba 1 tháng Mười, Lễ Các Thánh
09g30: Thánh lễ tại sân vận động Swedbank ở Malmo. Giảng lễ;
12g30: Nghi ltạm biệt tại sân bay quốc tế Malmö;
12g45: Lên đường trở về Roma;
15g30: Đến sân bay Ciampino ở Roma.
 
Minh Đức

Người nghèo là trang chính của Tin Mừng luôn rộng mở trước mọi người

Người nghèo là trang chính của Tin Mừng luôn rộng mở trước mọi người

ĐTC Phanxicô nhận của lễ từ một gia đình giáo lý viên trong Ngày Năm Thánh các Giáo lý viên Chúa Nhật 25-9-2016 - REUTERS
25/09/2016 18:40
Người nghèo là trang chính của Tin Mừng luôn rộng mở trước mọi người.Ông nhà giấu bị tật nguyền trầm trọng hơn ông Ladarô đầy vết thương, vì ông bị mù loà trong cuộc sống sung túc giầu sang của ông, nên không trông thấy ông Ladarô nghèo nằm ngay trước của nhà mình.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ Năm Thánh các Giáo lỳ viên cử hành trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô lúc 10 giờ ruỡi sáng Chúa Nhật 25 tháng 9 hôm qua. Cùng đồng tế với ĐTC có 10 Hồng Y, 30 Giám Mục và 650 linh mục. Tham dự thánh lễ ngoài 15.000 giáo lý viên đến từ nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam, còn có  hơn 30 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu.
Như chúng tôi đã loan tin, từ chiều thứ sáu 15.000 giáo lý viên năm châu đã bắt đầu tham dự chương trình cử hành Năm Thánh, với các bài thuyết trình tại 4 nhà thờ ở Roma theo các thứ tiếng Bồ Đào Nha, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Ngày thứ bẩy các giáo lý viên đã chầu Mình Thánh Chúa và lãnh bí tích Hoà Giải tại 3 thánh đường gần Đền thờ Thánh Phêrô, và đi theo lộ trình “theo vết các thánh và các chân phước huấn giáo” trong đó có cả chân phước Anrê Phú Yên giáo lý viên. Chiều thứ bẩy đã có buổi hát kinh chiều và trình bầy chứng từ tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.
Các bài sách Thánh trong thánh lễ đã được tuyên đọc bằng các thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha. Thánh vịnh và Phúc Âm đã đuợc hát bằng tiếng Ý.
Giảng trong thánh lễ ĐTC mời gọi các giáo lý viên không mệt mỏi loan báo Chúa Kitô phục sinh là trung tâm điểm của đức tin kitô, sống chứng tá niềm hy vọng đem lại niềm vui, biết nhìn xa thấy rộng vuợt quá sự dữ và các vấn đề, đồng thời nhận ra và chú ý tới biết bao Ladarô thời nay, mau mắn trợ giúp và đáp ứng các nhu cầu của họ.
Quảng diễn lời thánh Phaolô căn dặn Timôthê “duy trì giới răn của Chúa nguyên tuyền không thể khiển trách được” (1 Tm 6,14),  ĐTC nói thánh Phaolô chỉ nói đến một giới răn chứ không dặn phải chú ý tới nhiều điểm và nhiều khía canh. Xem ra ngài làm cho chúng ta gắn chặt cái nhìn vào điều nòng cốt của đức tin. Nòng cốt ấy là lời loan báo phục sinh: Chúa Giêsu đã sống lại, Chúa yêu bạn, Ngài đã trao ban cho bạn cuộc sống của Ngài; phục sinh, sống động Ngài ở bên cạnh bạn và chờ đợi bạn mỗi ngày. Áp dụng vào việc cử hành Năm Thánh các giáo lý viên ĐTC nói:
Trong Năm Thánh này của các giáo lý viên chúng ta được mời gọi không mệt mỏi đặt để ở hàng đầu lời loan báo chính yếu này của đức tin: Chúa đã sống lại. Không có các nội dung quan trọng hơn, không có gì vững chắc và thời sự hơn. Mỗi nội dung đức tin trở thành xinh đẹp, nếu gắn liền với trung tâm này, nếu được xuyên qua bởi mầu nhiệm phục sinh. Nếu bị cô lập hóa,  nó mất đi ý nghĩa và sức mạnh. Chúng ta được mời gọi luôn luôn sống và loan báo sự mới mẻ trong tình yêu của Chúa: Chúa Giêsu thực sự yêu thương bạn, như bạn là. Hãy dành chỗ cho Ngài, mặc dù có các thất vọng và các vết thương của cuộc sống, hãy để cho Ngài có khà thể yêu thương bạn. Bạn sẽ không bị thất vọng đâu!”.
Điều răn mà thánh Phalô nói tới khiến cho chúng ta suy nghĩ tới điều răn mới của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Chính trong khi yêu thương chúng ta loan báo Thiên Chúa-Tình Yêu: không phải do sức mạnh của việc thuyết phục, không bao giờ đưóc áp đặt sự thật, cũng không phải vì co cứng trong việc tuân giữ vài đòi buộc tôn giáo hay luân lý. Thiên Chúa được loan báo, khi chúng ta gặp gỡ các bản vị con người, chú ý tới lịch sử và con đường đời sống của họ. Vì Chúa không phải là một tư tưởng, nhưng là một Người sống động: sứ điệp của Ngài đi qua chứng tá đơn sơ và chân thật, với việc lắng nghe và tiếp nhận, với niềm vui dãi toả ra ngoài. Chúng ta không nói tốt về Chúa Giêsu, khi chúng ta buồn sầu; cũng không thông truyền vẻ đẹp của Thiên Chúa chỉ bằng các bài giảng hay. Thiên Chúa của niềm hy vọng được loan báo bằng cách sống Tin Mừng của tình bác ái ngày hôm nay, không sợ hãi làm chứng cho Ngài, cả với các hình thức mới mẻ.
ĐTC nói tiếp trong bài giảng thánh lễ Ngày Năm Thánh của các Giáo lý viên: Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay giúp chúng ta hiểu yêu thương có nghĩa là gì, nhất là giúp chúng ta tránh được vài nguy hiểm. Trong dụ ngôn có một người giầu, không nhận ra Ladarô, một người nghèo khổ “nằm trước cửa nhà ông” (Lc 16,20). Người giầu này, thực ra, không làm hại ai, cũng không bị nói là ngươi xấu. Nhưng ông có một tật nguyền lớn hơn tật nguyền của ông Ladarô, là người “đầy vết thương”: ông nhà giầu này bị mù trầm trọng, bởi vì ông không thể nhìn quá thế giới của mình, được làm bằng các bữa tiệc sang trọng và quần áo đẹp đẽ. Ông không trông thấy quá căn nhà của mình, nơi có Ladarô nằm, bởi vì ông không chú ý tới điều xẩy ra ở bên ngoài. Ông không nhìn với đôi mắt, bởi vì ông không cảm thấy trong con tim. Trong tim ông tinh thần thế tục đã bước vào và làm tê liệt linh hồn. Tinh thần thế tục giống như “một cái lỗ đen” nuốt trửng  sự thiện, dập tắt tình yêu, vì nó nuốt mọi sự trong cái tôi của mình. Khi đó người ta chỉ trông thấy các dáng vẻ bề ngoài, và không nhận ra tha nhân, vì người ta trở thành dửng dưng với mọi sự. Ai bị bệnh mù trầm trọng này, thì thường có các thái độ “mắt lé”: nhìn các người danh tiếng, có địa vị cao được thế giới ngưỡng mộ với lòng kính trọng, mà không thèm nhìn biết bao nhiêu Ladarô này nay, không thèm nhìn các người nghèo túng và các người đau khổ, là những người được Chúa ưu ái.
Nhưng Chúa nhìn kẻ bị thế giới lãng quên và gạt bỏ. Ông Ladarô là nhân vật duy nhất được gọi tên trong tất cả các dụ ngôn của Chúa Giêsu. Tên của ông có nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”. Thiên Chúa không quên ông, Ngài tiếp nhận ông vào trong tiệc của Nước Ngài, cùng với tổ phụ Abraham, trong sự hiệp thông phong phú của tình yêu thương. Trái lại, ông nhà giầu trong dụ ngôn cũng không có cả một tên gọi nữa; cuộc sống của ông bị rơi vào quên lãng, bởi vì ai sống cho chính mình thì không làm nên lịch sử. Nhưng một kitô hữu phải làm nên lịch sử! Họ phải ra khỏi chính mình, phải làm lịch sử! Nhưng ai sống cho chính mình, thì không làm lịch sử. Sự vô cảm ngày nay đào sâu các vực thẳm luôn mãi không thể vượt qua được nữa. Và chúng ta, trong lúc này, đã bị rơi vào căn bệnh này của sự thờ ơ, của ích kỷ, của tinh thần thế tục.
ĐTC nói thêm trong bài giảng: Còn có một chi tiết khác nữa trong dụ ngôn, một đối kháng. Cuộc sống sung túc của người không tên này được miêu tả như phô trương: tất cả nơi ông đòi hỏi các nhu cầu và quyền lợi. Trái lại, cái nghèo của ông Ladarô được diễn tả với phẩm giá cao: từ miệng ông không thốt ra các lời than van, phản đối hay khinh rẻ. Áp dụng vào cuộc sống giáo lý viên ĐTC nói:
Đây là một giáo huấn có giá trị: như là các người phục vụ lời của Chúa Giêsu chúng ta được mời gọi không phô trương bề ngoài và không tìm vinh quang; chúng ta cũng không được buồn sầu và than van. Chúng ta không phải là các ngôn sứ loan báo tai ương, ưa thích phơi bầy các nguy hiểm hay lệch lạc; không phải là người sống trong các hầm trú môi trường của mình, bằng cách đưa ra các phán đoán cay đắng liên quan tới xã hội, Giáo Hội, liên quan tới mọi sự và mọi người, bằng cách gây ô nhiễm thế giới với sự tiêu cực. Khuynh hướng nghi ngờ than vãn không phải là của người quen thuộc với Lời của  Thiên Chúa.
Ai loan báo niềm hy vọng của Chúa Giêsu là người đem niềm vui và nhìn xa thấy rộng, có các chân trời, không có một bức tường khép kín họ, họ nhìn thấy xa, bởi vì họ biết nhìn xa hơn sự dữ và các vấn đề. Đồng thời họ nhìn rõ điều ở gần, bởi vì họ chú ý tới tha nhân và các nhu cầu của người khác. Ngày hôm nay Chúa hỏi chúng ta: trước biết bao Ladarô mà chúng ta trông thấy, chúng ta được mời gọi âu lo, tìm ra các con đường để gặp gỡ và giúp đỡ họ, mà không luôn luôn uỷ thác cho các người khác hay nói: “Ngày mai tôi sẽ giúp bạn. Hôm nay tôi không có giờ, ngày mai tôi sẽ giúp bạn”. Và điều này là một tội. Thời giờ mà chúng ta dành để cứu giúp các người khác là thời giờ dành cho Chúa Giêsu, là tình yêu tồn tại: nó là kho  tàng trên trời, mà chúng ta chiếm hữu ở đây trên trái đất này.
Kết luận, các giáo lý viên và anh chị em thân mến, xin Chúa ban cho chúng ta ơn luôn luôn được canh tân mọi ngày bởi niềm vui của lời loan báo đầu tiên: Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta cách cá biệt! Xin ngài ban cho chúng ta sức mạnh sống và loan báo giới răn của tình yêu, bằng cách vượt thắng sự mù loà của vẻ bề ngoài và các nỗi buồn thế tục. Xin Ngài khiến cho chúng ta nhậy cảm với người nghèo, họ không phải là phần thêm vào Tin Mừng nhưng là một trang chính , luôn luôn rộng mở trước mắt mọi người.
Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Bồ Đào Nha, Pháp, Thái Lan, Đức, và Tầu cầu cho các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới. Lời nguyện tiếng Thái xin Chúa mở mắt người mù, soi sáng tâm trí của những người không tin, hoán cải con tim của những người tội lỗi và làm nảy sinh ra các giáo lý viên và những người loan báo Tin Mừng cứu độ. Hàng trăm linh mục đã giúp ĐTC trao Mình Thánh Chúa cho tín hữu.
 Trước khi kết thúc thánh lễ ĐTC nói ngày hôm kia tại Wuersburg bên Đức cha Engelmarr Unzeitig thuộc dòng Thừa Sai Marienhill đã được phong chân phước. Ngài đã bị giết trong trại tập trung Dachau do sự thù ghét đức tin; ngài đã lấy tình yêu chống lại thù hận, sự dịu hiền chống lại tàn ác. Cầu mong gương của ngài giúp chúng ta là các chứng nhân của tình bác ái và niềm hy vọng cả giữa các khốn khó.
ĐTC cũng hiệp ý với các Giám Mục Mêhicô trong việc ủng hộ dấn thân của Giáo Hội và xã hội dân sự cho gia đình và sự sống, đang cần sư lưu tâm mục vụ và văn hoá trên toàn thế giới. ĐTC cũng bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho dân nước Mêhicô để bạo lực chấm dứt. Trong các ngày vừa qua nó đã sát hại vài linh mục.
Hôm qua cũng là Ngày quốc tế người điếc. ĐTC gửi lởi chào tất cả mọi người điếc hiện diện và khích lệ họ góp phần cho một Giáo Hội và một xã hội ngày càng có khả năng tiếp đón mọi người hơn.
Sau cũng ĐTC đặc biệt chào và cám ơn các giáo lý viên vì dấn thân của họ trong Giáo Hội phục vụ việc loan báo Tin Mừng. Ngài xin Mẹ Maria trợ giúp họ kiên trì trên con đường đức tin và làm chứng bằng cuộc sống cho điều họ thông truyền trong giáo lý.
Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

CÓ MỘT VỰC THẲM (25.9.2016 – Chúa nhật 26 Mùa Thường niên, Năm C)


CÓ MỘT VỰC THẲM
Lời Chúa: Lc 16, 19-31

Một hôm, Ðức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Ápraham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bấy giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được’. Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Ápraham đáp: ‘Chúng đã có ông Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’. Ông Ápraham đáp: ‘Ông Môsê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu’.”
Suy nim:
Tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới
còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển.
Bill Gates giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất.
Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông, Liên Hiệp Quốc đủ chi tiêu
cho giáo dục cơ bản, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh
cho cả thế giới trong một thời gian dài.
Khi nhìn sự chênh lệch giữa ông nhà giàu và Ladarô,
chúng ta thấy bức tranh hiện thực của thế giới.
Hố sâu ngăn cách giữa giàu nghèo ở đô thị,
giữa đô thị và nông thôn, càng lúc càng lớn.
Có 800 triệu Ladarô đang đói nghèo cùng cực.
Hơn một tỉ Ladarô bệnh tật không được chăm sóc.
Vẫn có bao người chết đói mỗi ngày,
vì không được hưởng gì từ các bàn tiệc rơi xuống.
Ông nhà giàu trong dụ ngôn có thấy, có biết Ladarô,
nhưng thấy mà như không thấy có Ladarô trên đời.
Tiện nghi vật chất đã thành bức tường kín.
Ông sống an toàn mãn nguyện trong khoảng không gian riêng.
Chính ông đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách.
Không cần Chúa, cũng chẳng cần biết đến anh em.
Có thể nói vực thẳm đó lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau.
Hỏa ngục là sự tự cô lập mình không thể đảo ngược được.
Chẳng ai có thể cho tôi một giọt nước.
Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau
là do chính con người đã tạo ra từ đời này.
Ông nhà giàu bị phạt, không phải vì ông đã bóc lột ai,
nhưng vì ông không bị sốc chút nào
trước sự chênh lệch ghê gớm giữa ông và Ladarô.
Từ sốc mới nẩy sinh thức tỉnh, và dẫn đến hoán cải.
Nhiều nước giàu vẫn trợ giúp các nước nghèo,
nhưng không muốn loại bỏ sự bất bình đẳng.
Các nước nghèo vẫn bị bóc lột về tài nguyên, nhân công,
và bị nô lệ cho những món nợ không sao trả hết.
Ông nhà giàu bị phạt không phải vì ông đã nhận nhiều,
nhưng vì ông đã không san sẻ những gì mình nhận.
Giàu không phải là một tội, của cải tự nó không xấu.
Có bao người giàu tốt như Dakêu, Nicôđêmô, Giuse Arimathia.
Nhưng giàu sang có thể dẫn đến cám dỗ nguy hiểm:
Tích trữ, tham lam, hà tiện, khép kín, tự mãn, hưởng thụ,
bị ám ảnh bởi đồng tiền, bị mê hoặc bởi lợi nhuận.
Chúng ta có thể nghèo của cải, nhưng giàu có về các mặt khác:
giàu kiến thức chuyên môn, giàu thế lực ảnh hưởng,
giàu sức khỏe, giàu tình bạn tình yêu, giàu niềm vui, ơn Chúa.
Hãy tập nhìn xuống để thấy bao người dưới mình.
Chia sẻ là lấp vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình.
Ước gì chúng ta để cho Lời Chúa hoán cải,
để thấy trách nhiệm của mình trước những Ladarô
nằm ngay nơi cửa, trong khu xóm...
Chỉ cần bớt chút dư thừa, xa xỉ của chúng ta
cũng đủ làm nhiều người no nê hạnh phúc.
Cầu nguyn:

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Tu chính qui luật cứu xét phép lạ trong các án phong thánh

Tu chính qui luật cứu xét phép lạ trong các án phong thánh

Tu chính qui luật cứu xét phép lạ trong các án phong thánh
24/09/2016 13:37
VATICAN. Bộ Phong Thánh đã ban hành qui luật mới nghiêm ngặt hơn, điều hành hoạt động của Ủy ban giám định y khoa bộ phong thánh.
 Trong một bài đăng trên báo Quan sát viên Roma, số ra ngày 23-9-2016, Đức TGM Marcello Bartolucci, Tổng thư ký Bộ Phong Thánh, cho biết qui luật đã được Bộ Phong thánh soạn thảo và được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh phê chuẩn theo sự ủy nhiệm của ĐTC ngày 24-8 năm 2016.
 Qui luật mới từ nay đòi phải có đa số phiếu cao hơn khi các bác sĩ chuyên gia của Bộ Phong Thánh cứu xét một sự kiện giả thiết là phép lạ. Đa số đó là 5 trên 7 hoặc 4 trên 6. Một vụ không thể được tái cứu xét hơn 3 lần. Để tái cứu xét một vụ giả thiết là phép lạ thì đòi phải có một ban giám định y khoa với các thành viên mới. Nhiệm kỳ của vị Chủ tịch Ban giám định y khoa chỉ có thể tái bổ nhiệm một lần, tức là 5 năm cộng thêm 5 năm.
 Tất cả những người cứu xét sự kiện giả thiết là phép lạ gồm những người chủ án, tòa án, các thỉnh nguyện viên, các chuyên viên và chức sắc của Bộ Phong Thánh buộc phải giữ bí mật.
 Thù lao trả cho các chuyên gia chỉ được phép chuyển qua phương thức chuyển khoản qua ngân hàng.
 Đức TGM Bartolucci khẳng định rằng ”Mục đích của qui luật này là vì thiện ích của các án phong thánh, và không bao giờ được tách rời khỏi sự thật lịch sử và khoa học của những phép lạ được kiểm chứng. Việc nghiên cứu các phép lạ này phải được thực hiện trong sự trong sáng, khách quan và thẩm quyền chắc chắn của các chuyên gia y khoa có trình độ chuyên môn cao, rồi sau đó được Ban Cố Vấn Thần học cứu xét, trước khi đệ lên khóa họp của các Hồng Y và Giám Mục, sau cùng là đệ lên ĐTC để ngài phê chuẩn. Ngài là người duy nhất có thẩm quyền nhìn nhận một biến cố ngoại thường là phép lạ đích thực” (Oss. Romano 23-9-2016)
 G. Trần Đức Anh OP 

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

4 trên 5 người đàn ông Công giáo xưng tội này

4 trên 5 người đàn ông Công giáo xưng tội này



“Nhờ ơn Chúa, tôi đã thắng cuộc chiến này”. 4 trên 5 người đàn ông công giáo đã xưng tội xem các sản phẩm khiêu dâm và đã thủ dâm
Thật là bối rối khi phải nói thẳng ra chuyện này, nhưng phương cách duy nhất để thắng nạn xem sản phẩm khiêu dâm là thừa nhận mình đã xem.
Một sự đồi bại đã ăn sâu bén rễ thật chặt
Khi tôi còn ở trường trung học, thói quen thèm muốn phụ nữ qua sản phẩm khiêu dâm đã ăn sâu rất kiên cố trong lòng tôi. Vào thời điểm đó, tôi vô thần. Trong những năm này, tôi còn nhớ, tôi đã nghe một chương trình trên đài phát thanh, một nữ chuyên gia tâm lý xác nhận, thủ dâm khi xem sản phẩm khiêu dâm là chuyện tốt, hoàn toàn lành mạnh. Tôi đã không thể cự lại cám dỗ xem phim, tranh ảnh khiêu dâm thường xuyên, và các lời của nữ tâm lý gia đã khuyến khích tôi: tôi có làm gì xấu đâu!
Năm tháng trôi qua, tôi lên đại học. Tôi bị chứng lo âu, có những lúc tôi lên cơn cuồng hoảng và bị suy thoái tinh thần. Tôi xin Chúa cứu giúp và tôi xin ơn Chúa, sau vài tháng, Chúa đã vào trong đời sống của tôi. Nhưng tôi luôn dính vào sản phẩm khiêu dâm. Tôi còn nhớ, khi tôi còn vô thần, các bạn kitô hữu của tôi nói, xem phim ảnh khiêu dâm là một tội. Câu trả lời của tôi là cười vào mũi họ. Tôi cười, vì theo tôi, một người đàn ông cự lại được cám dỗ này là chuyện phi lý. Tôi nói với họ: «Tất cả thế giới làm, ai phủ nhận là người nói dối». Lời nói của tôi là thẳng nhưng gần đúng với sự thật đau khổ này.
Chúa Giêsu không nói thẳng
Khoảng một năm sau, Chúa gọi tôi, tôi theo đạo tin lành phái Phúc âm. Tôi mới vào đạo Kitô và tôi không muốn nghĩ rằng xem phim ảnh khiêu dâm là có tội. Sau đó tôi đọc Lời Chúa Giêsu trong Phúc âm Thánh Matêô: «Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» (5, 27-28). Ay! Tôi đã tìm mọi phương cách để diễn giải lời Chúa theo một cách khác nhưng không có kết quả. Làm sao tôi có thể tự cho mình đã thanh tẩy tâm hồn khi vẫn còn thèm muốn đàn bà? Nhưng tôi nghĩ: «Tôi không thể ngừng. Không thể nào có chuyện này được». Tôi vừa muốn thoát ra khỏi tội này, vừa muốn làm nô lệ cho nó. Và thế là bắt đầu quá trình gay go của tôi.
Tôi bắt đầu chiến đấu như một chiến binh tin lành…
Tôi cầu nguyện rất nhiều để xin ơn Chúa, để Ngài giúp tôi chống xung năng này. Tôi có kỷ luật hơn, tôi thức dậy sớm để cầu nguyện: dần dần tôi tự chủ được. Nhưng khi nào tôi cũng chiều theo cám dỗ: ham muốn thì quá mạnh. Tôi bắt đầu đọc các bản văn công giáo và tôi học ở các Tổ phụ Giáo hội. Những bài học này đã giúp tôi đến với công giáo, một chương mới trong việc thanh tẩy tâm hồn tôi.
… Và tôi thắng trận như một chiến binh công giáo
Khi tôi theo đạo, tôi hy vọng thánh lễ và bí tích giải tội giúp tôi loại hẳn nạn nghiệp ngập sản phẩm khiêu dâm trong đời tôi. Than ôi, các bí tích không phải là phương thuốc mầu. Vậy là tôi kiên trì đi theo một chuỗi – đọc hạnh các thánh, chầu Mình Thánh Chúa, đi lễ hàng ngày, làm việc thiện nguyện, đi xưng tội thường xuyên, vân vân và vân vân…  Tôi muốn xứng đáng nhận được ơn cứu rỗi và được ơn Chúa, ơn thấm đậm qua Giáo hội.
Năm tháng trôi qua, tôi cảm thấy mình lớn lên và được thanh tẩy nhờ ơn Chúa. Không có ngày nào tôi nhượng bộ cho xung năng. Qua cuộc chiến này, Chúa dạy cho tôi nhiều điều: mỗi lần xưng tội, mỗi lần tuyên xưng đức tin, mỗi lần dâng của lễ là mỗi lần đưa tôi đến gần với sự chiến thắng của tình yêu.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển ngữ(phanxico.vn)

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Tuyên ngôn hòa bình của các vị lãnh đạo tôn giáo tại Assisi

Tuyên ngôn hòa bình của các vị lãnh đạo tôn giáo tại Assisi

Tuyên ngôn hòa bình của các vị lãnh đạo tôn giáo tại Assisi - OSS_ROM
20/09/2016 14:39
ASSISI. Các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới bày tỏ quyết tâm dấn thân xây dựng hòa bình, đồng thời lên án mọi hình thức lạm dụng tôn giáo để biện minh cho khủng bố, bạo lực và chiến tranh.
 Lập trường trên đây được các vị bày tỏ trong tuyên ngôn chung vào cuối ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi 20-9-2016 trước sự hiện diện của 500 vị lãnh đạo các tôn giáo và hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường trước Vương cung thánh đường thánh Phanxicô ở Assisi.
 Tại buổi bế mạc này, một số vị lãnh đạo tôn giáo trong đó có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ chính thống Constantinople, Hòa thượng Giáo chủ Tông phái Phật giáo Thiên Thai, Nhật Bản, một số vị khác, sau cùng là ĐTC.
 Buổi lễ được tiếp tục với phần đọc một lời kêu gọi Hòa Bình, được trao cho các em bé thuộc nhiều nước khác nhau.
 Lời kêu gọi hòa bình
 ”Là những người nam nữ thuộc các tôn giáo khác nhau, chúng tôi họp nhau như những người lữ hành tại thành của thánh Phanxicô. Tại đây cách đây 30 năm, vào năm 1986, theo lời mời của ĐGH Gioan Phaolô 2, các vị đại diện tôn giáo toàn thế giới, lần đâu tiên tham dự một cách trọng thể, để khẳng định mối liên hệ không thể tách rời giữa đại thiện ích hòa bình và thái độ tôn giáo chân chính. Từ biến cố lịch sử ấy, đã khởi sự một cuộc lữ hành dài, qua nhiều thành phố trên thế giới, đưa nhiều tín hữu can dự vào cuộc đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình; đã liên kết nhưng không tạo nên sự lẫn lộn, mang lại những tình bạn liên tôn vững chắc và góp phần dập tắt không ít các cuộc xung đột. Đây là tinh thần đang linh hoạt chúng tôi: thực hiện cuộc gặp gỡ trong đối thoại, chống lại mọi hình thức bạo lực và lạm dụng tôn giáo để biện minh cho chiến tranh và khủng bố. Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn còn bao nhiêu dân tộc đang bị thương tổn đau thương vì chiến tranh. Người ta vẫn luôn không hiểu rằng chiến tranh làm cho thế giới xấu hơn, để lại gia sản đau thương và oán thù. Tất cả bị mất mát với chiến tranh, kể cả những kẻ thắng trận.
 ”Chúng tôi đã dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa, xin Ngài ban hồng ân hòa bình cho thế giới. Chúng tôi nhìn nhận sự cần thiết phải liên lỷ cầu nguyện cho hòa bình, vì lời cầu nguyện bảo vệ và soi sáng thế giới. Hòa bình là danh xưng của Thiên Chúa. Ai khẩn cầu danh Thiên Chúa để biện minh cho khủng bố, bạo lực và chiến tranh, thì không đi theo con đường của Chúa: chiến tranh nhân danh tôn giáo trở thành chiến tranh tôn giáo. Với xác tín mạnh mẽ, chúng tôi tái khẳng định rằng bạo lực và khủng bố trái ngược với tinh thần tôn giáo chân chính.
 ”Chúng tôi đã lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, các trẻ em, các thế hệ trẻ, các phụ nữ và bao nhiêu anh chị em đang đau khổ vì chiến tranh; cùng với họ chúng tôi mạnh mẽ nói rằng: Không chấp nhận chiến tranh! Ước gì tiếng kêu đau thương của bao nhiêu người vô tội được lắng nghe. Chúng tôi khẩn thiết xin các vị lãnh đạo các dân nước hãy giải trừ những động lực chiến tranh: sự ham hố quyền bính và tiền bạc, lòng tham lam của những kẻ buôn bán võ khí, những lợi lộc phe phái, những trả thù vì quá khứ. Xin gia tăng sự dấn thân cụ thể để lại trừ những nguyên nhân tiềm ẩn của các cuộc xung đọt: những tình trạng nghèo đói, bất công, và chênh lệch, sự bóc lột và coi rẻ sự sống con người.
 ”Sau cùng, hãy mở ra một thời đại mới, trong đó thế giới hoàn cầu hóa trở thành gia đình các dân tộc. xin thực thi trách nhiệm kiến tạo hào bình chân thực, quan tâm đến những nhu cầu đích thực của con người và của các dân tộc, vượt thắng những xung đột bằng sự cộng tác, chiến thắng những oán thù và vượt lên trên những hàng rào bằng cuộc gặp gỡ và đói thoại. Không gì bị mất mát khi thực sự thi hành đối thoại. Không gì là không có thể nếu chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả đều có thể là những người xây dựng hòa bình; từ Assisi chúng tôi quyết tâm canh tâm dấn thân trở thành những người xây dựng hòa bình với sự phù giúp của Thiên Chúa, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí.
 Sau khi tuyên ngôn hòa bình được công bố, mọi người đã thinh lặng mặc niệm các nạn nhân chiến tranh, trước khi các vị đại diện tôn giáo ký vào Lời Kêu Gọi hòa bình, và thắp sáng hai cây đèn nhiều ngành.
 Ngày cầu nguyện được kết thúc với cử chỉ trao ban bình an giữa các tham dự viên.
 G. Trần Đức Anh OP