Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Lời ngỏ
Chỉ còn một tuần nữa,
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ chính thức từ nhiệm (28-2-2013). Tòa Rôma, Tòa
Thánh Phêrô ở trong tình trạng “trống” (sede
vacante), và các hồng y sẽ tiến hành Mật tuyển viện để bầu vị giáo hoàng
mới.
Để bày tỏ lòng biết ơn
và ngưỡng mộ đối với vị mục tử nhân lành, đồng thời để hiệp thông với Giáo hội
trong thời điểm đặc biệt này, chúng tôi xin giới thiệu với độc giả loạt bài về
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI:
– Tiểu sử Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI;
– Những dấu ấn trong
triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI;
– Quyết định từ nhiệm
của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI;
– Giáo hội Công giáo Việt
Nam trước quyết định từ nhiệm của Đức Thánh Cha (Thư
của Đức Tổng giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam kính gửi Đức Thánh
Cha Bênêđictô XVI và Thư
HĐGMVN gửi Cộng đồng Dân Chúa về quyết định từ nhiệm của ĐTC Bênêđictô XVI,
đã đăng trên WHĐ);
– Bầu giáo hoàng mới.
21-02-2013
Ban Biên tập WHĐ
***
TIỂU SỬ ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
Đức Bênêđictô XVI sinh
ngày 16-4-1927 (Thứ Bảy Tuần Thánh) tại Marktl am Inn, thuộc giáo phận Passau,
Đức quốc, và được rửa tội ngay ngày hôm đó. Cha của ngài là một nhân viên cảnh
sát, xuất thân từ gia đình nông dân. Mẹ của ngài trước khi kết hôn từng làm
nghề nấu nướng trong một số khách sạn. Một gia đình công giáo bình dân và đạo
đức.
Thời thơ ấu và thiếu
niên của Đức Bênêđictô XVI trôi qua êm ả ở Traunstein, một ngôi làng nhỏ gần
biên giới Đức-Áo, cách Salzburg
30 cây số. Chính nơi đây, ngài nhận được nền giáo dục căn bản về nhân bản, văn
hóa và đức tin Kitô giáo.
Tuổi thanh niên của ngài
rơi vào một giai đoạn khó khăn của xã hội. Chế độ Đức quốc xã có thái độ thù
nghịch với Giáo hội Công giáo. Chàng thanh niên Joseph Ratzinger tận mắt chứng
kiến cảnh các linh mục bị đánh đập trước khi dâng lễ. Cũng chính trong giai
đoạn này, ngài khám phá ra vẻ đẹp và chân lý nơi Chúa Kitô, phần lớn là nhờ ảnh
hưởng của gia đình luôn sống tốt lành và cậy trông vào Chúa, gắn bó với Giáo
hội trong mọi hoàn cảnh.
Từ năm 1946–1951, ngài
học Triết và Thần học tại Freising và đại học München.
Ngày 29-6-1951, ngài thụ phong linh mục, và một năm sau, bắt đầu dạy học ở
trường Cao đẳng Freising.
Năm 1953, ngài nhận bằng
Tiến sĩ thần học với luận án Dân Chúa và
Nhà Chúa trong tư tưởng của Augustinô về Giáo hội.
Bốn năm sau, dưới sự
hướng dẫn của Gottlieb Söhngen, một giáo sư nổi tiếng về Thần học cơ bản, linh mục
Joseph Ratzinger nhận thêm một bằng Tiến sĩ với luận án về Thời gian và Lịch sử theo thánh Bônaventura.
Sau khi dạy Thần học cơ
bản và Tín lý tại Freising, ngài tiếp tục dạy ở Bonn từ 1959–1963; tại Münster từ 1963–1966, và tại Tübingen từ
1966–1969. Trong năm 1969, ngài dạy về Tín lý và Lịch sử tín điều tại đại học Regensburg, đồng thời là
Phó Viện trưởng tại đây.
Từ năm 1962–1965, ngài
góp phần đáng kể cho Công đồng Vaticanô II trong tư cách chuyên viên, là cố vấn
thần học cho Đức hồng y Joseph Frings, Tổng giám mục Köln (Cologne).
Với những hoạt động trí thức phong phú, ngài được đề nghị làm việc cho Hội đồng
Giám mục Đức cũng như cho Ủy ban thần học quốc tế.
Năm 1972, cùng với Hans
Urs von Balthasar và nhiều nhà thần học nổi tiếng khác, ngài khởi xướng tạp chí
thần học Communio (Hiệp Thông).
Ngày 25-3-1977, Đức
Phaolô VI đặt ngài làm Tổng giám mục München và Freising.
Ngài chọn khẩu hiệu “Người cộng tác của
Chân lý”, và ngài giải thích: “Một đàng, khẩu hiệu này diễn tả mối tương
quan giữa công việc trước đây của tôi, trong tư cách giáo sư, và nhiệm vụ mới.
Cách tiếp cận khác nhau nhưng điều chính yếu vẫn là phục vụ chân lý. Đàng khác,
tôi chọn khẩu hiệu này vì trong thế giới ngày nay, dường như chân lý bị bỏ quên
và bị coi như cái gì đó quá lớn lao đối với con người, tuy nhiên nếu không có
chân lý thì mọi sự đều sụp đổ”.
Cũng trong năm 1977, tại
Công nghị hồng y vào ngày 27-6, Đức Phaolô VI nâng ngài lên hàng hồng y.
Năm 1978, Đức hồng y
Joseph Ratzinger tham dự Mật tuyển viện bầu Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I (ngày
25–26 tháng 8). Đến tháng 10, ngài lại dự Mật tuyển viện bầu Đức Gioan Phaolô
II.
Năm 1980, tại Thượng Hội
đồng Giám mục thế giới về đề tài “Sứ vụ của gia đình Kitô giáo trong thế giới
ngày nay”, ngài đóng vai trò điều phối (relator). Trong Thượng Hội Đồng năm
1983 về “Hòa giải và sám hối”, ngài ở trong Chủ tọa đoàn.
Ngày 25-11-1981, Đức
Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chủ tịch Ủy ban
Kinh Thánh và Ủy ban Thần học. Ngày 15-2-1982, ngài từ giã Tổng giáo phận München và Freising để về làm việc tại Rôma.
Trong thời gian làm Bộ
trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức hồng y Joseph Ratzinger cũng là Chủ tịch Ủy ban
biên soạn Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo, được chính thức công bố vào năm
1992.
Trong những tác phẩm của
ngài đã được xuất bản (trước khi làm giáo hoàng), người ta chú ý đặc biệt đến
cuốn Dẫn vào Kitô giáo là tổng hợp
những bài thuyết trình của ngài về Kinh Tin Kính; cuốn Tín điều và Giảng thuyết (1973) là tổng hợp những bài viết, bài
giảng và suy niệm. Ngoài ra, những cuốn sách được thực hiện dưới dạng phỏng
vấn, như The Ratzinger Report (1985)
về tình hình đức tin trong thế giới ngày nay, Muối cho đời (1996), đã thu hút sự quan tâm của độc giả trên toàn
thế giới.
Sau khi Đức Giáo hoàng
Gioan Phaolô II qua đời, các hồng y đã triệu tập Mật tuyển viện, và ngày
19-4-2005, Đức hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng, lấy tước hiệu
là Bênêđictô XVI. Lời đầu tiên vị tân giáo hoàng gửi đến toàn thể thế giới là:
“Anh chị em thân mến, sau vị giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các hồng y đã
bầu chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm hạ làm việc trong vườn nho của
Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi vì niềm tin rằng Chúa có thể làm việc và hành
động ngay cả với những phương thế bất toàn, và trên hết mọi sự, tôi phó thác
mình cho lời cầu nguyện của anh chị em”.
Trong Thánh Lễ khai mạc sứ
vụ giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI nói với mọi người tham dự và với cả thế giới:
“Mọi ý thức hệ về quyền lực đều hành động như nhau. Những ý thức hệ ấy biện minh
cho việc tiêu diệt bất cứ cái gì có thể cản đường tiến bộ và giải phóng nhân
loại. Còn Thiên Chúa, Đấng đã nên Chiên (xá tội), lại nói với chúng ta rằng:
thế giới được cứu độ nhờ Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, chứ không phải nhờ
những kẻ đóng đinh tha nhân”. Rồi ngài nói thêm: “Xin cầu nguyện cho tôi để tôi
không vì sợ hãi sói dữ mà bỏ trốn”.
(còn tiếp)
WHĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét