label

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Linh mục đồng hành với Dân Chúa



Linh mục đồng hành với Dân Chúa
(Gợi ý từ trình thuật về hai môn đệ trên đường Emmau: Luca 24,13-35.
Bài này đã được trình bày cho các linh mục thuộc Giáo tỉnh Miền Trung
tại Đền thánh La Vang, trong “Năm Linh mục”)
Trong bầu khí hiệp thông huynh đệ, xin phép dựa trên trình thuật về câu chuyện Chúa Giêsu Kitô đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau, để chia sẻ với anh em linh mục thân yêu về đề tài: “Linh mục đồng hành với Dân Chúa”.
Với thiên chức linh mục, chúng ta trở nên “Tư tế, Tiên tri và Mục tử” theo gương Chúa Giêsu Kitô và trong truyền thống Tông đồ của Hội thánh Công giáo. Vậy, với ơn Chúa Thánh Thần, trong tình yêu thương của Mẹ Maria, chúng ta có thể rút tỉa bài học cho sứ vụ đồng hành của chúng ta đối với Dân Chúa.
Thánh Luca giới thiệu với chúng ta 6 điểm nhấn trong cuộc đồng hành của Chúa Giêsu với hai môn đệ Emmau:
1. Đang lúc họ chuyện vãn với nhau (Lc 24,15).
2. Chúa Giêsu tiến lại gần mà đi với họ (Lc 24,15).
3. Ngài dẫn giải cho họ các điều đã viết về Ngài (Lc 24,27).
4. Và họ nhận biết Ngài (Lc 24,31).
5. Ngay giờ đó, họ trỗi dậy (Lc 24,33).
6. Về các điều ấy, các ngươi là chứng nhân (Lc 24,48).
*
1. ĐANG LÚC HỌ CHUYỆN VÃN VỚI NHAU (Lc 24,15)
Thánh Luca mở đầu câu chuyện như sau:
“Và này, cũng ngày hôm ấy, vào lúc trời đã xế chiều, hai người trong nhóm họ đang đi tới một làng kia… tên là Emmau”.
Hai người trong “nhóm họ”. Họ là ai? Đó là nhóm người đã được Đức Giêsu gọi và chọn, cho ở với Ngài; Ngài ra vào ở giữa họ để họ thấy và nghe biết về Ngài, được Ngài chia sẻ các mầu nhiệm về Nước Trời một cách rõ ràng, chứ không như quần chúng chỉ được nghe qua các dụ ngôn, đến nỗi sau này Thánh Phêrô có thể nói: “Vậy trong hàng ngũ những người đi với chúng tôi… … phải chọn thêm một người để cùng với chúng tôi làm chứng cho sự sống lại của Ngài” (Cv 1,22). Như vậy hai người đi đến Emmau ít nhất cũng thuộc nhóm quan hệ mật thiết với các tông đồ và với Chúa Giêsu. Họ là tiền thân của hàng linh mục, những người thân cận nhất của các giám mục, kế vị các tông đồ và chăm lo việc của Chúa ; họ cũng là tiền thân của tất cả những ai có tương quan mật thiết với Thiên Chúa mà chúng ta gọi chung bằng một danh xưng: Dân Thiên Chúa.
Hai người trên đường đến Emmau vừa đi vừa chuyện vãn… và hơn nữa còn “bàn cãi” với nhau. Từ ngữ “bàn cãi” này, Thánh Luca sẽ dùng lại một lần nữa trong sách Công vụ để nói về cuộc tranh luận tại Công đồng Giêrusalem: Giáo hội cần phải quyết định có nên bắt dân ngoại phải cắt bì và giữ luật Môisen không (Cv 15,6). Và như vậy, câu chuyện hai người đang còn bàn có tầm mức quan trọng như động đến tiền đồ của Hội Thánh. Thật vậy, Luca viết: Họ chuyện vãn với nhau về mọi chuyện mới xảy ra đó. Việc gì? Việc về Đức Giêsu người thành Nadarét; việc mới xảy ra cho Ngài là bị bắt, bị xử, bị kết án, bị đóng đinh và chết trên thập giá. Những việc ấy thiết thân với hai người, vì như trên đã nói, họ thuộc nhóm của Ngài. Họ đã đặt để cả cuộc đời của họ vào hoạt động của Ngài. Nhưng việc mới xảy ra cho Ngài là thảm kịch, không của riêng Ngài, nhưng cũng là của chính bản thân họ. Một trong hai người tên là Clêôphas, đã nói: “Phần chúng tôi đã hy vọng rằng chính Ngài sẽ là Đấng phải giải thoát Israel. Nhưng ngần ấy cơ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi”.
Với cái giọng chua chát này, Thánh Luca đã nhìn thấy bộ mặt ảo não của hai người. Tuy nhiên câu than thở trên cũng kín đáo bộc lộ một tâm trạng chưa mất hết niềm tin. Tất cả những việc ấy chưa rõ rệt, y như cảnh chiều tà ở chung quanh hai người. Họ còn phải chuyện vãn và bàn cãi với nhau. Họ đang lý giải vấn đề. Thế nên người ta có lẽ thường nghĩ quá về họ khi coi hai người như những môn đệ thất vọng, thất thểu đi về Emmau. Nhưng, thái độ này bộc lộ ra chân tướng của họ: Họ là những con người rất dấn thân, thấy thành công đã ở trong tầm tay khi thầy trò đi vào Giêrusalem, rồi đột nhiên diễn biến đổi chiều, không còn gì nữa. Dường như Thánh Luca đã muốn chúng ta hiểu về hai người như vậy để viết tiếp câu sau đây: Chính lúc họ đang còn chuyện vãn và bàn cãi, thì Ngài tiến lại gần bên mà nói với họ... Tâm trạng của hai người môn đệ này nhiều khi rất thiết thực đối với chúng ta và qua kinh nghiệm làm việc mục vụ ở các giáo xứ, chúng ta cũng nhận ra nơi chính đời sống của Dân Chúa.
2. ĐỨC GIÊSU TIẾN LẠI GẦN BÊN MÀ ĐI VỚI HỌ (Lc 24,15)
Thánh Luca viết: “Xảy ra là đang lúc họ chuyện vãn và bàn tính với nhau thì chính Đức Giêsu tiến lại gần bên mà đi với họ. Nhưng mắt họ bị ngăn ngừa sao, làm họ không nhận ra được Ngài” (24,15-16).
Có thể vì đang trao đổi ráo riết và bàn cãi say sưa, họ không chú ý đến sự hiện diện của một người thứ ba vừa đến nhập cuộc. Đúng hơn, dựa vào kiểu nói của Thánh Luca và cũng là kiểu nói rất hay gặp trong Kinh Thánh, mắt họ bị ngăn trở sao đó, làm họ không nhận ra được Ngài.
Họ đã không hiểu gì về các lời Đức Giêsu tiên báo cuộc Tử nạn của Ngài (Lc 18,34), họ cũng không thể đoán trước được Ngài có thể sống lại một cách nhẹ nhàng không ai biết. Họ cứ nghĩ là nếu có sự Phục sinh, thì việc này sẽ xảy ra cực kỳ hùng mạnh, khả dĩ làm chấn động cả đối phương và đem lại sự thống trị trên toàn xã hội. Do đó, họ không thể nào nhận ra được Ngài, khi Ngài tiến lại gần bên mà đi với họ.
Và sự thật là chính Ngài đã nhẹ nhàng đến nhập đoàn với họ, lắng nghe họ nói, hiểu rõ tâm trạng của họ mà họ vẫn không hay biết. Đức Giêsu phải lên tiếng trước; Ngài hỏi: “Chuyện gì làm đề cho các ông đi đàng cùng nhau trao đổi?” (24,17). Câu hỏi nhập cuộc rất tự nhiên. Dường như Ngài đã phải kiên nhẫn đợi đến lúc thuận lợi hơn cả để xen vào, và nói đúng hơn, để giúp gỡ rối vấn đề cho họ. Nhưng câu trả lời lại không được như thế. Nó sỗ sàng như muốn đánh bốp vào mặt người ta. Clêôphas nói: “Duy chỉ có ông ngụ tại Giêrusalem mà đã không biết các việc xảy ra ở đó mấy ngày nay” (24,18). Sao ông có thể nói vậy? Dựa vào đâu ông có thể bảo ông khách ngụ tại Giêrusalem? mọi người ở Giêrusalem phải biết các việc xảy ra ở đó như các ông sao? Giọng điệu trách móc của Clêôphas làm chứng các ông rất thiết thân với các việc ấy; họ bắt bất cứ ai cũng phải tham dự, chia sẻ như chính bản thân mình, chẳng phải là lấy mình làm thước đo mọi người sao?
Ngài khoan thai nhẹ nhàng nhập cuộc. Ngài nhẫn nhục lắng nghe tất cả. Phong thái này của Chúa Giêsu thể hiện sứ mạng “đồng hành” một cách tuyệt vời. Thật vậy, như đã nói, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI yêu cầu các giám mục ba điều mà ngài nói ra như ba mệnh lệnh, nhân dịp tiếp các giám mục Việt Nam trong chuyến viếng thăm ad limina 2009: “– Anh em hãy lo lắng cho các linh mục; – hãy hiếu biết các linh mục cách thấu đáo; – và hãy giúp đỡ các linh mục hoàn thành việc thường huấn”. Lời khuyên nhủ này khác nào nhắc các giám mục “hãy đồng hành với các linh mục của mình”. Vâng, có biết bao tâm tư của linh mục mà giám mục không biết; từ đó, chúng ta có thể nói thêm: có biết bao nhiêu trăn trở của giáo dân mà linh mục không hay; có trăm nghìn thành kiến của đồng bào mà người Công giáo chúng ta không thể ngờ được. Đạo nhập thế, nhưng tín hữu, nhất là các mục tử trong đạo, nếu không quan tâm, sẽ là những người xuất thế! Thái độ “đồng hành của Chúa” như soi sáng cho chúng ta.
Đoạn Phúc âm hôm nay cho thấy rõ Đức Giêsu không những lắng nghe, mà còn gợi ý cho hai người nói. Vì sau lời trách móc chua chát của Clêôphas, Ngài đã thản nhiên hỏi thêm: “Những việc gì vậy?” (24,19). Giá như chúng ta biết bắt chước Ngài, đừng vội nóng tai, đỏ mặt, cắt ngang lời người khác. Để cho người ta nói, đã là mở đường cứu độ cho họ rồi! Ngược lại khiến họ không nói nữa, thì trước sau, sẽ rơi vào cảnh Chủ Chiên chẳng biết đoàn chiên và đoàn chiên cũng chẳng muốn nghe tiếng Chủ Chiên.
Và thái độ đối thoại, đồng hành của Ngài rất công hiệu. Họ đã nói ngay, nói hết, nói rất thật. Họ biết và chứng kiến các việc xảy ra trong cuộc Tử Nạn – Phục sinh của Đức Giêsu, nhưng họ không nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa trong các sự việc này. Họ không hiểu sao Đức Giêsu lại để cho cừu địch bắt, xử, đánh đập, đóng đinh. Họ cũng chẳng biết tại sao các Thượng tế lại làm như vậy. Họ không bắt được ý nghĩa của mồ trống và lời các chứng nhân thuật lại. Chưa tìm ra manh mối, họ chưa lý giải được. Tất cả còn như những đống xương khô trong thị kiến của tiên tri Ezêkiel (Ez 37), chưa có Thần khí thổi vào để ráp lại với nhau mà sống lại. Họ chỉ ghi nhận sự kiện mà không giải thích được. Ngược lại sau này ta sẽ thấy, khi Đức Giêsu giải thích xong, lời loan báo các sự việc kia sẽ mở mắt, mở lòng cho họ và dẫn họ đến dấn thân, chia sẻ và đoàn tụ. Nó đem sự sống vào các dữ kiện khiến người ta được cứu độ.
Sau này, khi nhận xét về lời dẫn giải của Chúa Giêsu, chính hai người đã phải thú nhận: “Lòng chúng ta đã không cháy bừng bừng lúc dọc đường Ngài ngỏ lời với ta… đó sao?” (32). Ngài đã biết loan báo. Ngài là người rao giảng gương mẫu. Ngài đồng hành với họ và tế nhị can thiệp đúng lúc. Ngài không nỡ làm tắt tim đèn còn sáng (Gs 42,3), lại còn khêu lên để nó được sáng hơn. Ngài chịu nghe người ta kể lể, dù đã thấu tỏ được tâm tư nguyện vọng của họ. Và cuối cùng, Ngài đã đem được niềm tin lại cho con người để họ được cứu độ và được sống.
3. NGÀI DẪN GIẢI CHO HỌ CÁC ĐIỀU ĐÃ VIẾT VỀ NGÀI (Lc 24,27)
Và giờ đây, Ngài bắt đầu nhiệm vụ cứu chuộc.
Thánh Luca viết: “Ngài đã dẫn giải cho họ các điều đã viết về Ngài”. Đó là công việc lớn, chiếm hết đoạn đường Ngài đi với họ. Suy niệm đoạn văn này, chúng ta như khám phá ra nội dung sứ vụ của chúng ta trong việc “đồng hành với Dân Chúa”. Thật vậy, nội dung việc mục vụ của Hội Thánh và của chúng ta là dẫn giải, làm chứng cho người ta nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu chuộc mọi người.
Trước hết đối tượng của việc tông đồ mục vụ là chính Đức Kitô, Đấng đã được Chúa Cha sai đến để nhân loại được sống và được sống dồi dào. Ngài chính là Đấng Cứu độ loài người. Ngài phải được loan báo cho đến tận cùng thế giới. Và loan báo về Ngài không phải chỉ là nói về Ngài, nhưng còn phải dẫn giải để người ta biết, với nghĩa mạnh của từ ngữ Kinh Thánh là đưa người ta đến kết hiệp mật thiết với Ngài để làm nên một thân thể. Và việc này có thể được vì Ngài không còn là một nhân vật lịch sử, thuộc quá khứ, xa lạ với chúng ta; nhưng Ngài đang sống vì đã kinh qua đau khổ để đạt tới vinh quang. Đó chính là điều Đức Giêsu đã dẫn giải cho hai người trên đường Emmau. Các điều Clêôphas nói trước đây về Đức Kitô chỉ là một mớ những dữ kiện rời rạc. Đức Giêsu đã dẫn giải cho hai người thấy cái lý trước sau, thánh ý cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa trong tất cả những sự việc trên, làm cho họ nhận ra khuôn mặt toàn vẹn của Đức Kitô. Như vậy, Thánh Phaolô thật có lý khi viết: “Tôi chỉ muốn rao giảng một Đức Kitô mà thôi và chính là Đức Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1,23).
Sau khi nghe hai người nói, và trước khi dẫn giải cho họ, Ngài đã bảo họ: “Hỡi những người kém tin, những tâm hồn chậm tin”. Trước đây, khi còn ra vào giữa họ, nhiều lần Ngài đã khiển trách họ như thế. Dường như họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, bởi vì giác quan của họ chưa biết bắt gặp những sự về Thiên Chúa. Trường hợp của Nicôđêmô cũng vậy. Họ đã nghe đã thấy gì đó - và có khi nhiều nữa - nhưng họ không hiểu. Nhiệm vụ của người dẫn giải là đi từ các dữ kiện này để mở mắt mở lòng người ta hiểu biết. Như vậy, đừng người tông đồ nào vênh vang như được khởi sự từ con số không. Ngược lại việc mục vụ chân thật phải biết đi từ những dữ kiện sẵn có, là các ơn của Chúa đã âm thầm làm việc nơi người ta từ lâu rồi. Nhiều khi chúng ta chỉ là người gặt, chứ không phải là người gieo. Và dù có đi gieo chăng nữa, ruộng đất và hạt giống không phải là của ta. Chính Chúa đã dọn sẵn tất cả qua sự xếp đặt kỳ diệu của Ngài và nhờ nhiều người đi trước. Chúng ta quý trọng các nhân tố quan phòng đó và khiêm nhường để “đồng hành với Dân Chúa” cho thích hợp.
Và kìa xem, trước khi dẫn giải, Đức Giêsu đã nắm vững chủ đề, Ngài nói: “Há Đấng Kitô không phải chịu đau khổ như thế rồi mới được vinh quang sao?”. Ngài là Chúa mà không coi thường phương pháp làm việc. Chúng ta còn phải học hỏi với Ngài nhiều lắm.
Mà quả thực ở đây cần có một chút khiêm nhường: Muốn “dẫn giải”, thì việc đầu tiên là phải biết. Nhưng chúng ta đã biết rõ về Chúa Giêsu chưa để loan báo Ngài? Mầu nhiệm Đức Kitô không chỉ nằm trong sách vở và không phải chỉ dùng trí mà hiểu được. Đó là mầu nhiệm sống, bao la sâu thẳm như đại dương. Thánh Gioan nói: “Ai bảo mình biết Chúa mà không giữ giới răn của Ngài, thì chỉ là người nói láo” (1Ga 2,4). Do đó chúng ta phải tự nhủ: Mình chưa biết Chúa đủ, chưa biết bao nhiêu; và như vậy suốt đời còn phải tìm hiểu, còn phải học về Chúa.
Biết mình chưa biết là điều kiện tiên quyết để có thể biết nhiều hơn. Biết người còn khó hơn nữa, vì chỉ cần mất tình thân mật của họ là trở về ngu muội đối với họ. Do đó không phải việc đọc sách, kể cả sách Thánh, cho chúng ta biết về Đức Giêsu, nhưng là đời sống kết hiệp với Ngài. Rao giảng Chúa mà không sống thân mật với Ngài thì rao giảng gì? Cùng lắm là một Đức Giêsu đã chết, như lời ông Clêôphas nói thao thao bất tuyệt. Còn nếu muốn loan báo một Chúa Giêsu đang sống, lòng phải bừng bừng bốc cháy khi nói về Ngài.
Quả đúng như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói về chương trình thường huấn nhằm mục đích chính yếu là giúp các linh mục trở nên người dẫn đường chính thực cho Dân Chúa, và phương tiện cần thiết để đạt được mục đích ấy là “đào sâu đời sống nội tâm và lo hướng tới sự thánh thiện theo gương Thánh Gioan-Maria Vianney, cha sở khiêm nhường của họ Ars”.
Chúng ta trở lại với Chúa Giêsu. Ngài khởi sự từ Môisen và các Tiên tri để dẫn giải toàn bộ Kinh Thánh cho hai môn đệ. Chắc chắn con đường đi Emmau chẳng dài đủ và thời gian cũng chẳng cho phép làm công việc này. Nhưng Thánh Luca vẫn viết như vậy, để cho các thế hệ tông đồ biết phải nắm vững toàn bộ kho tàng Lời Chúa và dẫn giải có phương pháp cho người ta nhận biết Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế.
Biết rõ công việc phải làm và cách thức làm công việc ấy, người tông đồ còn phải học với Chúa Giêsu mà bắt đầu cho thật đúng. Các sách Tin Mừng hay viết: Đức Giêsu bắt đầu làm, bắt đầu nói... Ngài chọn lúc, Ngài chọn sách để khởi sự. Trong đoạn văn này, Ngài đã khởi sự đến gần bên hai người mà đi với họ. Ngài luôn sống đúng với chân tính của mình là Đấng phải đến, đã đến và sẽ đến. Thiên Chúa đã hứa ban Ngài đến với chúng ta; các ngôn sứ nhắc nhủ dân trông chờ Đấng phải đến; và khi đến, Ngài kêu gọi những người lầm than vất vả đến với Ngài. Và Ngài loan báo cho môn đệ biết phải chờ Ngài lại đến trong vinh quang. Hôm nay Ngài đến với hai người mà họ chưa nhận ra. Đợi đến lúc thuận lợi nhất, Ngài đã can thiệp.
Các môn đệ đầu tiên đã biết bắt chước Ngài. Như Ngài đã đến trong thế gian và đã đến gọi họ, họ cũng theo lệnh Ngài mà đi ra khỏi nhà, đến với người ta trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,14), khởi sự việc đến với muôn dân cho đến tận cùng trái đất. Và theo gương Ngài, Thánh Phêrô đã biết bắt đầu thật đúng lúc, đúng chỗ. Thấy người ta đang bàn tán: “họ bứ rượu rồi”, ông lên tiếng nói: “Những người này không bứ rượu như anh chị em nghĩ đâu...”, rồi ông bắt đầu giảng bài đầu tiên (Cv 2,14-15). Sang đến bài thứ hai, khi thấy người ta kinh ngạc chạy đến nhìn mình cùng với Gioan, Thánh Phêrô nói với dân chúng rằng: Sao anh chị em cứ chăm chú nhìn xem chúng tôi... (Cv 3,11-12). Và khi ra trước toà, Phêrô một lần nữa lại vào thẳng vấn đề: Hôm nay toà tra hỏi chúng tôi về việc chúng tôi làm ơn cho một người tàn tật... thì xin toàn dân nhận rõ rằng: Chính nhân danh Đức Giêsu... mà người ấy được lành mạnh (Cv 4,10). Rồi vừa vào nhà Cornêliô, Thánh Phêrô đã nói thẳng: Cấm chỉ người Do Thái không được làm thân hay đi gặp người biệt chủng, nhưng Thiên Chúa đã tỏ cho tôi biết không được gọi ai là tục hay là nhơ... (10, 28) và ngài xin Cornêliô nói cho mọi người biết ông mời ngài đến đây để làm gì... hầu từ đó, ngài bắt đầu rao giảng Đức Giêsu.
Các môn đệ đầu tiên của Chúa đã hoàn toàn bắt chước Chúa để rao giảng về Chúa, còn chúng ta thì sao? Có lẽ chúng ta cần xem lại nội dung lời rao giảng của chúng ta có nói về Chúa nhiều không và mục vụ của chúng ta có dẫn người ta thật sự đến với Chúa không? Chúng ta dùng những phương pháp nào để làm những công việc ấy? Và vai trò của Lời Chúa trong cách chúng ta chăm sóc các linh hồn như thế nào? Chúng ta làm mục vụ với uy tín của thế gian hay dựa vào sức mạnh của Thánh giá Chúa Giêsu? Và khởi sự, chúng ta có đến như Ngài và như Ngài đã sai chúng ta đến không?
Trước khi quyết định chọn các Tông đồ, Ngài cho họ tiếp cận với quần chúng mang đủ mọi thứ bệnh tật và khổ đau, để các ông nhìn thấy cách Ngài chăm sóc họ. Rồi đưa các ông lên núi, Ngài cầu nguyện suốt đêm, đến sáng mới đặt họ làm tông đồ. Ngài dẫn họ xuống núi, gặp lại quần chúng, vẫn một quần chúng nhiều khổ đau và bệnh tật (Lc 6,12-19). Ngài sai họ đi rao giảng và chữa lành. Có thể Thánh Luca là y sĩ, ông lặng lẽ muốn đồng hoá cứu độ và chữa lành (Lc 9,1). Chữa lành biểu lộ ơn cứu độ, nhưng đồng thời muốn cứu độ cũng phải làm như việc chữa lành. Muốn chữa lành phải biết bệnh và cho đúng thuốc. Người tông đồ phải hiểu và đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người.
Muốn đạt được kết quả này có lẽ phải nhớ lại câu nói của Thánh Gioan Tẩy Giả: Oportet me minui, ille autem crescere (Tôi phải nhỏ đi, để Ngài phải lớn lên - Ga 3,20). Hoặc phải lấy lại tiếng “Fiat - Xin Vâng”của Đức Mẹ (Lc 1,37) và của chính Chúa Cứu Thế khi vào đời “Ecce venio – Này con đến” (Hp 10, 7-9). Thật vậy, chúng ta đều được sai đi không phải để muốn làm gì thì làm, nhưng để làm theo ý Đấng sai chúng ta. Mà Ngài muốn anh em được thánh hoá. Ngài ban Thần Khí thánh hoá cho những người lãnh chức linh mục để đồng hành với Dân Chúa. Chúng ta hãy thi hành 3 chức năng chính yếu của Linh mục theo tinh thần trên.
Khi rao giảng, linh mục hãy cố gắng làm cho cái tôi của mình được nhỏ lại, để Đức Kitô lớn lên trước mắt và trong lòng mọi người. Linh mục không giảng về mình, không giảng công việc mình muốn làm, cũng không kể lể công lao của mình... nhưng giảng về Chúa, giảng công việc của Chúa, làm sáng tỏ khuôn mặt của Chúa và công lao của Chúa. Tất cả đã được mặc khải trong Lời linh ứng. Và trong câu chuyện trên đường Emmau, chính Đức Giêsu cũng đã khởi sự từ Môisen và các tiên tri để diễn giải về Đấng Kitô phải chết và sống lại.
Lúc cử hành các mầu nhiệm thánh, tinh thần bỏ mình để Chúa lớn lên có thể được diễn tả trong thái độ ngoan ngoãn lắng nghe Lời Chúa và cung kính cử hành đúng phụng vụ theo tinh thần và phép tắc của Hội thánh. Đây là lúc Chúa đến thật.
Và khi chăm sóc đoàn chiên, làm sao chiếu tỏa được tấm lòng của người mục tử, quảng đại, bao dung, làm triển nở đức bác ái huynh đệ là giới răn mới, giới răn duy nhất, giới răn xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô, trong đó chỉ có Ngài là thủ lãnh, là đầu, là Thầy, là Cha, và tất cả chúng ta chỉ là môn đệ, là anh em và là chi thể của Ngài.
Đức Kitô phải lớn lên. Chúng ta phải vươn lên đến tầm vóc viên mãn của Ngài. Hôm nay trong thái độ và cung cách dẫn giải cho hai người trên đường Emmau, Ngài đã trở thành gương mẫu cho chúng ta khi làm mục vụ, đồng hành với Dân Chúa.
4. VÀ HỌ NHẬN BIẾT NGÀI (Lc 24,31)
Đức Giêsu còn đang dẫn giải cho hai người về Đấng Kitô, thì đã tới làng họ định đến. Emmau cách Giêrusalem 60 dặm, tương đương với 12 cây số, con đường ấy phải đi mất 3 giờ. Như vậy rõ ràng chẳng ai xác định được Emmau nằm đúng ở chỗ nào. Chỉ biết đó là nơi hai người định đến. Nhưng Đức Giêsu làm ra vẻ còn muốn đi xa hơn. họ nài xin Ngài ở lại. Rồi khi ngồi ăn, Ngài cầm bánh, làm phép, bẻ ra, trao cho họ. Mắt họ liền mở ra, và họ nhận biết Ngài.
Từ lúc Ngài tiến đến gần bên mà đi với họ, hỏi biết vấn đề của họ, rồi dùng Kinh Thánh dẫn giải cho họ hiểu ý nghĩa các sự việc, bề ngoài không có yếu tố nào khác nhưng thật sự đã có một hiện tượng khá quyết định mà sau này hai người mới nói ra: Lòng chúng ta đã không cháy bừng bừng lúc dọc đường Ngài ngỏ lời với chúng ta và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao? (24,32).
Như vậy, không chỉ phải có lời dẫn giải Kinh Thánh, mà ngay từ đầu, từ lúc Ngài ngỏ lời, và suốt dọc đường, đã có lòng cháy bừng bừng nơi hai người lắng nghe. Chúa Thánh Thần đã cùng làm việc với Đức Giêsu. Hoặc Lời của Chúa đã như lửa làm lòng hai người cháy lên bừng bừng. Dĩ nhiên chúng ta ao ước điều này vì chúng ta thâm tín, không có ơn Thánh Thần kèm theo, việc làm tông đồ của chúng ta nào ích lợi gì?
Nhưng sao chúng ta lại ao ước điều ấy, đang khi Chúa đã thổi Thánh Thần vào môn đệ trước khi sai họ đi (Ga 20,22) và khẳng định họ sẽ làm việc với sức mạnh của Thánh Thần (Cv 1,4)? Có thể là chúng ta đã không thi hành Lời Chúa căn dặn và không làm việc theo tông truyền? Chúa bảo các tông đồ: Đừng khởi sự khi chưa nhận được ân ban của Thiên Chúa. Theo chỉ thị của Ngài, chúng ta không được bắt tay vào mục vụ khi chưa cầu nguyện để lãnh nhận được Thánh Thần. Linh mục tiếp nối công cuộc cứu thế của Đức Giêsu, cũng là công cuộc thánh hoá trần gian. Thế mà chính Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá và là Đấng ban sự sống. Ngài đã được sai đến sau khi Đức Giêsu đã về trời, để đồng hành với Hội Thánh. Giáo hội có truyền thống: Trước khi làm gì cũng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Chúng ta có nhớ điều này không, đặc biệt trong những hoàn cảnh tế nhị hoặc khó khăn? Đời sống mục vụ phải nằm trong bầu khí cầu nguyện xin ơn Thánh Thần. Và Chúa Cha không bao giờ từ chối ban Thánh Thần cho kẻ cầu xin (Lc 11,13). Chúng ta phải quan tâm cổ vũ và nâng cao đời sống cầu nguyện của các giáo xứ, hướng việc cầu nguyện vào mục tiêu truyền giáo và mục vụ. Đừng coi thường các Hội cầu nguyện trong giáo xứ và lời cầu nguyện của các người cao tuổi cũng như của các em nhỏ. Cần tham gia cầu nguyện chung với giáo dân. Sách Công vụ viết về cộng đoàn tín hữu ban đầu luôn luôn “tất cả đồng tâm kiên trì cầu nguyện” (Cv 2,42). Lịch sử của Giáo hội Việt Nam chúng ta cũng đã chứng minh điều ấy. Có thể nói ngay tại mỗi phần đất trong 26 giáo phận thân yêu của chúng ta, tổ tiên chúng ta đã cầu nguyện. Và có biết bao thế hệ tín hữu, ngay cả lương dân, cũng đã đến và sẽ đến cầu nguyện tại các Đền thánh, như Linh địa La Vang hẳng hạn. Vì vậy sinh hoạt của Giáo hội sẽ rất mạnh mẽ, khi tất cả các tín hữu “đồng tâm kiên trì cầu nguyện”.
Tác động của Thánh Thần đi kèm lời dẫn giải, như ta thấy trong câu chuyện trên đường Emmau. Tác động ấy còn cần hơn biết bao khi chúng ta - chứ không phải là Chúa - làm công việc rao giảng. Chính Thánh Thần phải đến dạy dỗ chúng ta thông hiểu mọi sự thật về Thiên Chúa và của Chúa Giêsu để chúng ta truyền đạt được chính Chúa cho anh chị em của chúng ta (Ga 16,13). Ngài là Đấng đã dùng miệng các tiên tri mà phán dạy, nên chính Ngài có thể mở lòng mở trí chúng ta lãnh nhận được Lời hằng sống. Hai người trên đường Emmau đã làm chứng và nhắc nhở chúng ta về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong mục vụ của Hội Thánh để chúng ta không bao giờ làm việc một mình mà không cậy dựa vào sức mạnh của Ngài.
Hai người cũng nói với chúng ta là họ đã nhận ra Chúa Giêsu khi ngồi bàn với Ngài và thấy Ngài cầm lấy bánh, làm phép, bẻ ra, trao cho họ. Ngàii đang hiện diện; và chỉ cần làm một cử chỉ quen thuộc để họ nhận ra Ngài. Rõ ràng Thánh Luca có ý nói với chúng ta là những người không có hạnh phúc được Chúa Giêsu hiện diện ở trước mặt, nên phải nhờ bí tích Thánh Thể mà nhận biết Chúa. Bí tích Thánh Thể cho chúng ta được phúc như hai môn đệ: có Chúa Giêsu đã chết nhưng đã sống lại ở trước mặt. Thật vậy, hai người nhận ra Chúa là nhận ra Đức Giêsu mà họ thấy đã chết, nay đang sống ở trước mặt mình. Và đây là khám phá mới. Trước kia, họ mới thấy Ngài là vị tiên tri quyền năng trong việc làm và lời nói. Rồi họ thấy Ngài bị nộp, bị xử, bị giết, và được an táng trong mồ. Giờ đây họ thấy Ngài đã đến đồng hành với họ, nói với họ, ngồi bàn với họ, tức là Ngài đã sống lại và đang sống.
Trong nháy mắt, họ nhận ra con người đích thật của Chúa, mà trước đây, khi ở với Ngài, họ không bao giờ hiểu. Họ cứ tưởng Ngài là vị tiên tri xuất chúng, là Đấng đến để tái thiết nước Israel và sẽ cho họ được là quần thần của Ngài. Nay họ thấy Ngài là Đấng chịu đóng đinh đã sống lại trong vinh quang, và cuộc khổ nạn cũng như sự chết của Ngài, chỉ là cái cửa mở ra cho họ bây giờ được thấy Ngài đang sống trong Nước Thiên Chúa. Đúng như lời các tiên tri đã nói về Đấng Kitô. Càng đúng hơn nữa như chính Ngài đã nói trước: Khi treo Ta lên, các người sẽ thấy “chính là Ta” (Egô eimi – từ ngữ hy lạp dịch tiếng Giavê trong tiếng Do Thái) (Ga 8,28), nghĩa là chân tính của Đức Giêsu chỉ hiển hiện trên thập giá. Ngài là Đấng duy nhất như vậy.
Khám phá này cho hai người thấy ngay: trước đây họ chỉ thấy Ngài theo xác thịt, dựa vào giác quan xác thịt. Thật có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Không phải vì Ngài che giấu họ, hoặc không nói với họ; nhưng vì chính lòng trí họ đã điều khiển giác quan, bắt chúng cung cấp những điều họ chờ đợi. Họ muốn có một Đấng Cứu Thế theo kiểu thế gian, nên đã không nhận ra Con Người thật của Ngài. Từ nay, như Thánh Phaolô nói, họ không còn nhìn Ngài theo xác thịt nữa, thì rõ ràng Ngài là Chúa Cứu Thế như lời Kinh Thánh nói. Ngài là Đấng vinh hiển trên thập giá. Nghĩa là muốn biết Đức Kitô, phải đến bên Thập giá của Ngài. Và đương nhiên tại đó, chúng ta sẽ gặp và hiểu rõ vai trò và sứ mạng của Mẹ Maria.
Nhìn Ngài trên Thánh giá người ta mới thấy Ngài là Con Chiên gánh tội thiên hạ (Ga 1,46), là Người Tôi Tớ bị treo lên để ai ngắm nhìn thì được cứu độ. Chính Thánh Gioan đã làm chứng, trên thập giá Ngài không bị đánh giập xương nào và vào thời điểm ấy, trên đền thờ Giêrusalem đang sát tế các con chiên vượt qua mà không để gãy một cái xương nào. Khi người lính đâm cạnh sườn Ngài, Máu và Nước đã chảy ra. Máu hy tế rửa sạch tội lỗi và Nước ban sự sống của Thánh Thần. Thánh Gioan nhìn xem và nhận ra Ngài là Đấng Kitô (Ga 19,31-37). Còn Thánh Luca muốn cho chúng ta nhận ra Ngài trong hành vi bẻ bánh tức là cũng trong mầu nhiệm Ngài tự nộp để bị đóng đinh. Thánh Luca còn lưu ý chúng ta, chính khi Ngài ở trên thập giá, một tội nhân đã nhận ra sự công chính của Ngài và anh đã được Ngài ân thưởng hạnh phúc Nước Trời.
Như vậy, sự nhận ra Ngài trong câu chuyện Emmau, có ý nghĩa sâu xa hơn lúc đầu chúng ta có thể nghĩ. Không phải hai môn đệ chỉ nhận ra Thầy, mà còn nhận ra Ngài là Đấng Kitô mà Kinh Thánh đã loan báo phải đi qua đau khổ để được vinh quang. Và đây là điều mới đối với họ, vì trước đây họ vẫn không thể hiểu vì sao Ngài lại có thể bị bắt, bị giết v.v... đang khi Ngài vẫn không ngớt nói cho họ hay những việc này. Bây giờ nhìn lại cuộc đời của Ngài, họ mới thấy thật đúng như vậy.
Thánh Luca kể ở chương 4,14-30: Hôm ấy, Ngài đến Nadarét... vào hội đường... người ta trao cho Ngài sách Isaia, gặp đoạn viết về Người tôi tớ Đức Chúa được Thần trí Chúa ngự đến để sai đi rao giảng năm hồng ân của Thiên Chúa... Gấp sách lại, Ngài ngồi xuống. Mắt mọi người đăm đăm nhìn Ngài. Và Ngài lên tiếng nói cùng họ... Mọi người thán phục các lời về ân sủng xuất bởi miệng Ngài.
Thánh Luca có thể chấm dứt ở đó, để người ta chiêm ngưỡng một Đức Giêsu vinh hiển. Nhưng ông đã chân thật kể tiếp, qua giây phút thán phục, người ta quay ra hỏi nhau: Ngài có phải là con ông Giuse không nhỉ? Ngài không làm gì cho quê hương của Ngài ở đây sao? Thấy lòng ham hố vụ lợi của người ta, Đức Giêsu nói thẳng cho họ biết không nên chờ đợi những sự như vậy ở Ngài. Thế là họ phản ứng, kéo Ngài ra, dẫn đến triền núi, định đẩy Ngài xuống sâu. Nhưng Ngài đã “ngang qua họ mà đi”.
Ngày trước, hai môn đệ của câu chuyện Emmau chắc chắn đã tiếc vì sự việc đã xảy ra như vậy. Vì sao Ngài không lợi dụng lúc thiên hạ thán phục. Nhưng bây giờ nhìn lại họ mới hiểu: trước sau Ngài vẫn là Ngài. Ngay lúc mới vào đời. Ngài cũng đã tỏ ra Ngài phải đi vào con đường bị la ó và đẩy đi cho chết; Ngài ngang qua lòng tham, dục vọng, ích kỷ của người ta mà đi, vạch ra con đường mới cho ngững ai chấp nhận vác thập giá mà đi theo.
Chúng ta là môn đệ của Ngài, là linh mục của Ngài, là tông đồ của Ngài. Chúng ta có đời sống đồng hình dạng với Đấng vác thập giá đi trước không? Và chúng ta có nỗ lực làm cho người ta nhận ra Ngài trong mầu nhiệm Thập giá cứu độ không, để nếu họ có bằng lòng chết với Ngài thì mới được hy vọng sống với Ngài?
Chắc chắn cuộc đời linh mục có nhiều thập giá và đau thương. Khi ấy linh mục có chấp nhận với tâm tình cứu thế của Chúa Giêsu không? Chúng ta có để ý đến những anh em linh mục ở trong những hoàn cảnh như vậy không? Những anh em già yếu, những anh em gặp hoạn nạn, những anh em khổ sở vì thất bại, vì thiếu tài, vì bị hiểu lầm, đều là những nạn nhân trên đường đi Giêrikô. Các tư tế đạo cũ đã lách sang bên mà đi. Các tư tế đạo mới thế nào, cho dù Phúc âm nói đây là hiện thân của Đức Giêsu bị đóng đinh đó? Dầu, thuốc nào công hiệu đối với những người anh em, bằng chính sự săn sóc của anh em linh mục. Chỉ linh mục mới an ủi đắc lực được linh mục. Chúng ta cứ nghĩ mà xem.
Nhưng cho được có thái độ bác ái huynh đệ quý hoá đó, linh mục phải có một mục vụ trong quan điểm này. Nếu làm mục vụ mà muốn hái ngay được những tràng pháo tay và lời tán tụng, thì không thể giống Đức Giêsu người thành Nadarét. Người mục tử đích thực phải dâng mạng sống mình vì chiên, phải sẵn sàng băng bó những con chiên bị thương và săn sóc những con chiên đau yếu. Một linh mục như thế mới là “Sacerdos et victima” (linh mục là lễ vật hy tế) và mới sống các mầu nhiệm cử hành nơi bàn thờ.
Mọi người đều đồng ý gắn liền chức linh mục với công việc dâng lễ. Hầu như hằng ngày linh mục là những môn đệ trên đường Emmau. Các ngài cũng cầm bánh Chúa Giêsu Tử nạn - Phục sinh trao cho họ. Họ có biết nhận ra Ngài không? Họ có loan báo Ngài trong cuộc khổ nạn cứu độ không? Và khi loan báo như thế, đời sống linh mục có phải mang dấu vết Thánh giá không? Và mục vụ của linh mục phải dành bao nhiêu phần cho những người đau khổ và bé mọn? Chính đời sống linh mục chứ không phải lời nói khiến người ta công nhận, quả thật vinh quang của ta là Thánh giá Chúa Kitô và Hội thánh đã lựa chọn đi với người nghèo.
5. NGAY GIỜ ĐÓ, HỌ TRỖI DẬY (Lc 24,33)
Mắt họ vừa mở ra nhận biết Ngài, thì đã không còn thấy Ngài nữa. Ngài biến đi không phải để đến một nơi nào khác, nhưng để ẩn vào thế giới của Ngài, thế giới vô hình đang bao bọc họ. Họ yên tâm không ngó tìm xem Ngài đi về phía nào, vì họ biết Ngài đã sống lại và đang sống, không đâu xa, ngay trong chính con người của họ đang bừng bừng yêu mến. Ngay giờ đó, họ trỗi dậy, trở về Giêrusalem, không chỉ gặp lại các bạn, mà có thể nói họ gặp lại Giáo hội, gặp lại tất cả những người được Chúa kêu gọi và quy tụ...
Tại đây chúng ta lại thấy ơn Chúa cứu độ càng trở nên phong phú. Ơn ấy như một hạt cải nhỏ có sức sống mãnh liệt đã nhoi lên khỏi mặt đất. Hai môn đệ đã đi trong bóng đêm, nhưng trong lòng họ đã có ánh sáng tuyệt vời của mầu nhiệm phục sinh. Vì vậy, chúng ta phải nói: họ như đã ra khỏi tăm tối của tâm hồn để đi vào thế giới đầy ánh sáng. Họ có sức mạnh chan chứa trong tâm hồn, nhưng như sức sống của hạt cải, nhoi lên khỏi đất, nhận thêm ánh sáng mặt trời và dưỡng khí của không gian. Thật vậy, họ đã trỗi dậy lập tức và trở về Giêrusalem để loan báo; nhưng khi họ vừa mới nói: Chúa sống lại hiện ra với chúng tôi, thì những người khác đã nói ngay: Thực tế, Chúa đã sống lại và hiện ra cho Simon Phêrô. Như vậy họ đã kể lại câu chuyện của mình trong bầu khí của cộng đoàn tại Giêrusalem hiện đã tập trung quanh con người của Simon Phêrô.
Thánh Luca coi Simon Phêrô là người đầu tiên được Chúa gọi làm môn đệ (5,1-11). Tác giả này rất chú trọng đến việc truyền giáo và có thể nói 2 tác phẩm của người là những đúc kết kinh nghiệm của người về truyền giáo, khởi đầu với Đức Giêsu và kết thúc với nỗ lực truyền giáo của các tông đồ, tức là của Hội thánh.
Đức Giêsu đã bắt đầu truyền giáo từ hội đường Nazareth rồi đến Capharnaum. Ở đây khi ra khỏi hội đường, Ngài đã vào nhà của Simon. Chúa chữa bà nhạc của ông (Lc 4,38-39). Rồi có hôm, dân chúng chen sát vào Ngài để nghe lời Thiên Chúa... Ngài xuống một trong hai chiếc thuyền đang đậu ở ven bờ hồ, và đó là thuyền của Simon. Đang giặt lưới, ông này nhảy ngay lên thuyền, chèo ra xa một chút theo lệnh của Đức Giêsu. Ngài ngồi xuống đó mà giảng. Simon giữ thuyền. Luca không cho chúng ta nghe Chúa giảng gì cả. Có lẽ Simon chứng kiến sự ngưỡng mộ đối với Chúa trong mắt thính giả hơn là để tai nghe lời Thiên Chúa. Ông giật mình khi Chúa bảo: Ra khơi mà thả lưới đánh cá. Ngài lại bảo mình làm tiếp một việc mà phản ứng tự nhiên coi là kỳ lạ: Ra khơi thả lưới vào giờ này, sau một đêm vất vả chẳng bắt được gì. “Nhưng thể theo lời Thầy, tôi xin thả lưới”: một sự lựa chọn ngược với tất cả kinh nghiệm của quá khứ và bất chấp mọi rủi ro bị mọi người coi là khờ dại. Đây là chiến thắng đầu tiên của Simon trong đời sống đức tin. Không dấn thân như vậy, không thể đi xa trên con đường sự nghiệp tông đồ.
Nhưng thành quả đã đến quá sức tưởng tượng. Có thể nói, chỉ trong giây lát đã có hơn hai thuyền đầy cá. Rõ ràng đây là một hiển linh, khiến Simon đã vội quỳ xuống: Xin hãy xa tôi, lạy Ngài, vì tôi là kẻ tội lỗi! Đó là tiếng kêu của người phàm tục đối diện với Đấng thiêng thánh, của kẻ dơ uế đối với Đấng tinh sạch. Quãng cách bỗng nhiên được xoá bỏ qua hai tiếng: Đừng sợ ! Simon đã được cứu chuộc, được đưa vào thế giới của Thiên Chúa. Những lời sau chỉ xác định thêm vai trò ở trong thế giới này: Simon sẽ đi chài lưới người, sẽ lên đường truyền giáo để cứu lấy các linh hồn. Và Simon không ngần ngại bỏ mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu.
Tuy nhiên đó chỉ là bước đầu. Simon còn phải học và tập. Ba năm ở bên cạnh Chúa, dưới mái trường của Chúa chẳng khác nào những năm ở Chủng viện, Học viện của chúng ta. Điều quan trọng nhất là Simon đã nắm được: đời sống thân mật với Chúa và được Chúa tín nhiệm trao cho tất cả sự việc của Người. Simon luôn đứng đầu sổ những người thân cận với Chúa (Lc 9,28- 36; Mc 14,33) Simon được những đặc ân hơn các môn đệ (đi trên nước : Mt 14,28-29; trở nên đá xây Hội Thánh: Mt 16,18). Simon được Chúa liên kết với mình (nộp thuế cho Thầy và con: Mt 17,26) và được Ngài cầu nguyện riêng cho (Lc 22,31-32). Đến nỗi Simon dám có thái độ xếp đặt các việc Nước Trời, khi muốn dựng 3 lều cho Chúa, cho Môisen và cho Êlia (Lc 9,33). Đồng thời Simon cũng làm trách nhiệm đối với anh em đến nỗi bao trùm được tất cả cảm nghĩ của anh em dù chưa thật rõ rệt, như khi khẳng định thay mặt anh em: Chúng con đã bỏ hết để theo Thầy (Mc 10, 28). Chúng con không đi đâu nữa, chúng con biết Thầy là Con Thiên Chúa có lời hằng sống (Ga 6,68-69), chúng con sống chết với thầy (Lc 22,33). Nếu Chủng viện, Học viện của chúng ta đào tạo được những con người như thế đối với Chúa, đối với anh em, đối với tiền đồ của Chúa và của Giáo hội... , thì hạnh phúc biết bao!
Dù vậy, cũng xin phép nói ngay, trong thời gian tập tu đó, Simon cũng có những nghi vấn mà không dám nói ra. Đặc biệt, sao Thầy lại chửi mình là Satan, khi can Thầy bi quan về tương lai: Con Người sẽ bị nộp và bị giết! (Mc 8,33). Hơn nữa, sao Thầy lại nghĩ mình có thể chối Người? (Ga 13,36-38). Những chấm hỏi chưa được lý giải, và là những nghi vấn, trăn trở hiện sinh, nằm trong cốt lõi của cuộc sống, vì có hệ đến tương quan thầy trò và do đó đến tất cả lựa chọn của cuộc đời.
Chưa lý giải được thì sự cố đã đến. Quân dữ ập tới bắt Thầy. Phản ứng tự nhiên của con người rất mực trung thành, tuốt gươm chém địch để cứu Chúa (Ga 18,10) một cách liều lĩnh không kịp tính toán. Nhưng chỉ cần một câu nhẹ nhàng của Thầy thôi: “Chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao?”, thanh gươm của Simon đã rụng rời rơi xuống (Ga 18,11). Gioan đã nói vắn tắt. Trong Matthêô, trước đó, Chúa nói một câu thực tế hơn nhưng cũng thấm thía lắm: “Hay ngươi tưởng là Ta không thể xin cùng Cha Ta cấp ngay cho Ta hơn 12 cơ binh thiên thần ư?” (26,53).
Simon thấy rõ Chúa có đường lối khác, không như mình nghĩ. Ông không bỏ Chúa được, nhưng chỉ có thể theo xa xa (Lc 22,54), để quan sát, để tìm hiểu. Có thể nói, ông mải xem quá, nên đột nhiên vấp 3 lần, 3 lần chối Chúa, rồi ngửng lên tiếp tục nhìn. Chúa quay lại nhìn Phêrô, cái nhìn của Người khiến quên tất cả hoàn cảnh thảm thương của mình để chứng tỏ tình yêu sâu đậm, sắt son. Simon chịu thua, ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Cứ tưởng mình cứu Chúa, nhưng quả thật Chúa cứu mình, cứ nghĩ mình bỏ mạng sống vì Chúa, nhưng rõ ràng Chúa đang bỏ mạng sống vì mình.
Vì thế, ngày hôm nay, ngày thứ nhất trong tuần, mọi lời nói, mọi ánh mắt như đều quy hướng về Simon: Chúa đã hiện ra với Simon. Lời đó như hiệu lệnh tập họp. Lời đó như là một lời tuyên xưng đầy phấn khởi. Chúa đã hiện ra với Simon, có nghĩa là Ngài đã tha thứ cho Simon; và như vậy Ngài cũng tha thứ cho mình, vì mình cũng đã bỏ Ngài và đã không hiểu Ngài. Mọi người có thể an tâm vì Chúa đã hiện ra với Simon như để nói rằng Ngài đã tha thứ cho tất cả và cho mọi người. Sự trở lại của Simon củng cố niềm tin của anh em như Chúa đã nói trước. Và vì thế, chúng ta nên nhìn vào con đường thiêng liêng của Simon như là hình ảnh của đời mình và noi gương hai môn đệ trên đường Emmau cũng như các môn đệ khác tại Giêrusalem quy tụ quanh Simon Phêrô, hiệp thông và hiệp nhất với Simon Phêrô.
6. VỀ CÁC ĐIỀU ẤY CÁC NGƯỜI LÀ CHỨNG NHÂN (Lc 24,48)
Chúng ta nói tiếp câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau. Họ đang còn nói thì Đức Giêsu Phục sinh đã đứng giữa họ. Và Ngài đã tuyên bố: “Về các điều ấy, các ngươi là chứng nhân” (24,36). Kinh hoàng khiếp đảm, họ tưởng mình thấy ma, khiến Ngài phải nói vội: Hãy coi tay Thầy đây, chân Thầy đây… ... Hãy rờ nắn mà xem, ma nào lại có xương có thịt như các ngươi thấy Thầy. Rồi để làm chứng mạnh hơn nữa, Ngài đã ăn trước mặt họ.
Có lẽ Chúa muốn dùng cách hiện ra này để phá tan mọi nghi ngờ về việc Ngài sống lại. Ngài đã chìa tay chân ra, tay chân bị đóng đinh dĩ nhiên, để nói chính là Ngài đó, làm vọng lại câu: Khi nào Ta được treo lên, các ngươi sẽ thấy chính là Ta (Egô eimi). Rồi Chúa lại đòi ăn để làm chứng chính Ngài chứ không phải là ma đang ở trước mặt họ. Chứng này phải coi là cần thiết để không ai còn lầm tưởng về việc sống lại. Phục sinh là việc Người đã chết và sống lại, chứ không phải là hồn thiêng còn sống.
Như vậy lần hiện ra này có vẻ như bù đắp lần hiện ra ở Emmau. Lần trước, Ngài bẻ bánh mà chưa ăn: lần này Ngài ăn. Đúng hơn lần này hiện ra với nhiều người, Ngài muốn đánh tan mọi nghi ngờ còn sót lại, nghi ngờ của quần chúng có khuynh hướng coi việc hiện ra tựa như là thấy ma. Do đó, cũng có thể là cách Ngài giúp môn đệ làm chứng. Mặc dù họ phải làm chứng về nhiều điều; nhưng việc sống lại và hiện ra với họ là điều đầu tiên, mà những người khác không biết. Việc làm chứng này không dễ và ở đây, Thánh Luca nói đến phản ứng chung họ đã gặp phải. Vì thế ông đã nói tỉ mỉ về việc Chúa hiện ra với đông người như chúng ta vừa thấy. Tuy nhiên, câu trả lời có giá trị cuối cùng là chính đời sống đổi mới và sự làm chứng bằng chính cuộc đời của các tông đồ.
Lại một lần nữa, Ngài giải thích vì sao Ngài đã phải chết như thế? Cũng lại khởi từ Môisen và các tiên tri, Ngài dẫn giải toàn bộ Kinh Thánh. Nhưng ở đây ta thấy Ngài mở trí trước cho họ hiểu… Các tông đồ có thể vững tâm hơn để làm chứng khi quần chúng đã được Chúa Thánh Thần chuẩn bị đón nhận lời làm chứng của họ. Họ chỉ tuyên chứng sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Chúng ta thấy Chúa cưng các người được chọn. Người yêu họ hơn mọi người. Rồi hơn mọi người, họ là những người được Chúa ra vào ở giữa suốt cả thời gian từ lúc Gioan thanh tẩy. Phải nghĩ rằng, cho đến trước khi Thánh Thần hiện xuống, họ chậm tin hay có gì đi nữa cũng là lẽ đương nhiên để như Thánh Phaolô nói: Sự yếu đuối của chúng ta làm nổi hơn quyền năng của Thiên Chúa. Có chăng đáng tiếc là chúng ta đã nhận được hết mặc khải mà vẫn cư xử dường như chưa thấy đường lối của Chúa.
Ơn tông đồ, do đó là ơn để tông đồ đáp trả tình yêu của Thầy. Người ta phải đón nhận như một hồng ân do lòng Chúa thương xót, và khi gặp khổ đau còn phải lấy làm sung sướng được cơ hội để tỏ lòng cảm mến, trước khi coi như phần đóng góp vào công cuộc cứu độ của Chúa. Và như vậy, sứ mạng tông đồ là làm chứng như Phaolô đã tóm lược trong câu: “Thật là lời đáng tin, đáng nhận mọi đàng, là Đức Kitô Giêsu đã đến trong thế gian để cứu các kẻ tội lỗi, mà trong số đó, tôi là người thứ nhất. Song vì lẽ này tôi đã được thương xót, là để nơi tôi người thứ nhất Đức Kitô bày tỏ, phác sơ qua, tất cả sự đại lượng của Ngài ra cho những ai sẽ tin vào Ngài để được sống đời đời” (1Tm 2,15-16). Một lời chứng như vậy rõ ràng rất thâm tín và rất khiêm nhường dưới những hình thức khác nhau tuỳ theo ân ban cho mỗi người.
Việc tông đồ do đó rất đa dạng (xem Ep 4,7… ). Cách riêng ở thời nay, nhưng chỉ có một nguồn mạch và một đích điểm (Ep 4,4-6-7), phát xuất từ một sự thông ban của Chúa Kitô Phục sinh và chỉ mặc một hình thức là làm chứng tá của Chúa, không phải chỉ kể về cuộc đời của Ngài, càng không phải chỉ nói về những quan niệm và chủ thuyết, nhưng là biểu hiện sức sống mới của Người trong mọi chân tơ kẽ tóc của con người, đặc biệt trong các quan hệ với Thiên Chúa, tha nhân và bản thân.
Công việc tông đồ cũng chỉ có thể thực hiện được sau khi đã nhận được Thánh Thần. Đó là sức mạnh không những đồng hành mà còn chủ động nơi người tông đồ. Như vậy phải cầu nguyện, phải kết hiệp với Chúa Thánh Thần. Và phải đi tới tận cùng trái đất, thấu hết mọi lãnh vực. Con đường này không bắt đầu từ hôm nay, nhưng từ ngày Chúa sống lại, liên tục qua mọi thời đại, nên người tông đồ phải ở trong luồng Tông đồ truyền, phải yêu mến và ở trong Giáo hội, mà Đức Maria là hình ảnh. Chính Người cũng đã dần dần được đưa vào mầu nhiệm cứu độ, kinh qua việc bỏ mình và đau khổ ở dưới chân thập giá, để trở thành Mẹ của Giáo hội.
Người môn đệ Chúa yêu phải lĩnh lấy người về nhà mình (Ga 19,27) để nhờ sự quy tụ của người, cả nhóm được đầy Thánh Thần với những đặc sủng khác nhau, nhưng luôn luôn hành động như Phêrô: Tất cả chúng tôi đều làm chứng. Đẹp thay một đoàn linh mục như thế! Và đó, những nhân tố đã khiến buổi đầu của Giáo hội thật là mùa gặt phong phú, cho dù hoàn cảnh tỏ ra bất lợi, bởi vì Đức Giêsu đã chết nhưng đang sống. Chúng tôi là các môn đệ của Người từ ngày Chúa phục sinh chứ không còn là những người Galilê nữa (Cv 2,7).  
 
Gm Giuse Võ Đức Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét