Bản đúc kết
Thường huấn linh mục Giáo tỉnh Hà Nội đợt II
GP THANH HÓA (26.04.2013) – Trong ba ngày, từ 23–25/4/2013, tại Tòa
Giám mục Thanh Hóa, các linh mục trong Giáo tỉnh Hà Nội đã sống trong bầu khí
huynh đệ gia đình thân thương. 477 linh mục thuộc mọi thế hệ khác nhau, từ
những đấng cao niên đáng kính đến những linh mục trẻ vừa bước vào đời linh mục,
từ các giáo phận miền núi đến đồng bằng, từ miền ngược đến miền xuôi, tất cả
cùng về đây sống tình gia đình. “Anh em
sum họp một nhà, bao là tốt đẹp bao là sướng vui”. Ngày thứ nhất còn e dè
lạ lẫm, ngày thứ hai đã trở thành thân quen và ngày thứ ba chia tay trong lưu
luyến.
Những bài thuyết trình của quý Đức cha nhằm tới bốn chiều kích của
chương trình đào tạo linh mục: Nhân bản, Thiêng liêng, Tri thức và Mục vụ.
Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Bắc Ninh, đã giúp hồi tâm xét
mình trong tinh thần Năm Đức Tin. Ngài mời gọi các linh mục cùng duyệt lại mối
tương quan của linh mục với Chúa, với bề trên, với anh em linh mục và với giáo
dân. Những câu chuyện đơn sơ mà chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, gợi ra những bài học
thực hành cụ thể, giúp linh mục nhìn lại mình.
Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã giúp các tham dự viên nhìn lại quan
niệm về vai trò người giáo dân trong bề dày của lịch sử, từ cộng đoàn Kitô hữu
nguyên thủy cho đến đời sống hiện đại, từ Công đồng Vatican I đến Vatican II,
từ Giáo Luật 1917 đến Giáo Luật 1983. Nếu bí tích Thánh tẩy trao cho người giáo
dân sứ mạng cộng tác mật thiết với hàng giáo sĩ, thì vai trò của họ lại bị hiểu
sai hoặc đánh giá thấp. Công đồng Vatican II đã có những cố gắng để dành cho
người giáo dân sự quan tâm và mời gọi họ cộng tác trong việc xây dựng Giáo hội
và tham gia truyền giáo. Tuy nhiên, ngày hôm nay, vẫn cần phải đặt câu hỏi,
người giáo dân đang đứng ở đâu trong các cộng đoàn địa phương.
Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Phát Diệm, người vừa tham dự Thượng
Hội đồng Giám mục thế giới tại Rôma tháng 10 năm 2012, đã chia sẻ với anh em linh
mục bầu khí sôi động của những khóa họp cũng như những ý kiến của các giám mục
trên toàn thế giới. Đức cha phân tích khái niệm Tân Phúc âm hóa theo ý Đức
Thánh Cha Bênêđictô XVI, đồng thời trình bày những nhận định về tình hình hiện
nay của xã hội và Giáo hội tại Việt Nam, nhất là cách thực hành đức tin của số
đông tín hữu Việt Nam. Trong bối cảnh đó, mọi người
cần phải canh tân đời sống, linh mục cũng như giáo dân. Tân Phúc âm hóa không
phải là một “sản phẩm” mới mà Giáo Hội tung ra “thị trường tôn giáo”, nhưng
phải khởi đi từ việc mỗi người gặp gỡ thân tình và cá biệt với Đức Giêsu, gắn
bó với Người và thực thi lời Người dạy.
Cha Piô Ngô Phúc Hậu, với đề tài “Kể chuyện Chúa Giêsu cho người Việt
Nam” đã chia sẻ những kinh nghiệm truyền giáo đối với anh chị em lương dân.
Những câu chuyện bình dị, những lối so sánh rất đời thường nhưng chứa đựng
những nội dung giáo lý thâm sâu, giúp cho người nghe dễ đón nhận Đức Giêsu.
Chương trình thường huấn cũng diễn tả khía cạnh hiệp thông trong thể
thao, qua trận đấu bóng giao hữu giữa các linh mục giáo phận Vinh và giáo phận
Thanh Hóa. Cả hai đội đều ngang tài ngang sức. Những “thày cả” hằng ngày quen
với kinh lễ, mục vụ khi ra sân cỏ trở thành những cầu thủ điêu luyện, thành
thạo, quyết tâm thi đấu vì “màu cờ sắc áo”. Sau hai hiệp, kết quả hòa 1-1. Sau
khi đá luân lưu, đội chủ nhà Thanh Hóa giành chiến thắng trong những tiếng hò
reo vang dậy của các cổ động viên. Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đã trao
cúp danh dự cho đội chiến thắng.
Chương trình văn nghệ “Hát cho nhau nghe” buổi tối 24-4 là cơ hội để
các linh mục thể hiện tài năng. Những vần thơ, những điệu hò câu hát tuy không
chuyên nghiệp nhưng được hát lên với cả tấm lòng, mang theo những trăn trở buồn
vui của đời dâng hiến. Thế mới biết, các linh mục không chỉ lo mục vụ, mà còn
thành thạo trong thơ ca, trữ tình trong văn nghệ và tài giỏi điều khiển nhạc cụ
các loại khác nhau. Những tiết mục được trình bày nói lên niềm vui của đời dâng
hiến, vẻ đẹp của hành trình dấn thân và hạnh phúc của người phục vụ. Các nữ tu
Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa và các em thiếu nhi cũng góp những tiết mục “cây
nhà lá vườn” rất vui nhộn và ý nghĩa.
Trong những ngày thường huấn, có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Hà
Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, và các giám mục trong Giáo tỉnh. Các ngài hiện diện
để đồng hành và lắng nghe anh em linh mục, đồng thời thể hiện mối quan tâm của
chủ chăn đối với những người cộng sự của mình.
Mục đích của tuần thường huấn là giúp cho anh em linh mục lắng nghe
tiếng Chúa, nghe các bề trên và nghe những ý kiến chia sẻ của nhau. Những giờ
hội thảo nhóm là cơ hội để anh em nói lên những trăn trở suy tư của mình cũng
như những khó khăn gặp phải trong khi thi hành bổn phận mục vụ. Các linh mục
tham dự chia làm 10 nhóm hội thảo, mỗi nhóm từ 40 đến 45 người. Những ý kiến
rất đa dạng và cũng rất chân thành mang tính xây dựng và xuất phát từ lòng yêu
mến Giáo hội. Đặc biệt, đây là những nhận định và ý kiến của các linh mục về
chính mình. Xin tổng hợp những ý kiến hội thảo thành 4 loại như sau:
1- Những nhận định về hiện trạng
đời sống đức tin của Giáo hội Việt Nam
Tạ ơn Chúa đã ban cho người tín hữu Việt Nam những đức tính tốt đẹp như
yêu mến Giáo hội, yêu mến chiều chuộng các linh mục và các tu sĩ; vui mừng vì
trong Giáo hội luôn có những linh mục nhiệt thành thánh thiện và tận tâm phục
vụ. Tuy vậy, ai cũng nhận thấy đức tin có phần sa sút nơi nhiều cộng đoàn tín
hữu. Càng ngày càng phổ biến hiện tượng người công giáo thực hành những điều mê
tín dị đoan. Việc đi lễ ngày Chúa nhật cũng như các thực hành đạo đức truyền
thống bị coi nhẹ. Đây đó cũng có những linh mục còn thái độ cha chú, cửa quyền
hách dịch, xa cách giáo dân. Giới trẻ và thiếu nhi bị lãng quên, không được
quan tâm trong giáo xứ. Tại nhiều nơi, việc sống đạo chỉ được hiểu là thực hành
kinh lễ ở nhà thờ, không quan tâm đến người ngoài công giáo và những phong trào
công ích xã hội. Có những nơi quá chú trọng đến việc xây cất và tổ chức kiệu
rước mà coi nhẹ việc học hỏi giáo lý và công việc bác ái.
2- Ước mơ về một mô hình giáo xứ
lý tưởng
Rất nhiều ý kiến mong ước xây dựng một giáo xứ theo mô hình gia đình,
nơi đó các thành viên đều bình đẳng và yêu thương nhau. Người giáo dân được mời
gọi tham gia xây dựng và phát triển giáo xứ, chung tay với cha xứ thực hiện
những hoạt động mục vụ như dạy giáo lý, lập các hội đoàn. Hình ảnh cha xứ lý
tưởng cũng được nhắc tới. Đó phải là một linh mục nhiệt tâm, gần gũi giáo dân,
thăm viếng gặp gỡ giáo dân và lương dân trong làng. Linh mục cũng cần lắng nghe
ý kiến của giáo dân, đối thoại với họ trong tình gia đình. Ngài cũng phải lo soạn
bài giảng chu đáo để có thể nuôi dưỡng giáo dân bằng Lời hằng sống và làm cho
phụng vụ có sức hấp dẫn giới trẻ và anh chị em lương dân.
3- Những thao thức
Rất nhiều anh em linh mục trăn trở về tình trạng đức tin của người công
giáo hiện nay. Các lớp giáo lý rất khó thu hút học viên, vì tâm lý chung là
ngại học giáo lý. Làm thế nào để huấn luyện các tín hữu có một đức tin trưởng
thành, quan tâm đến giới trẻ và thiếu nhi. Đã có những sáng kiến mang lại kết
quả tốt đẹp như cha xứ tổ chức các buổi gặp gỡ các giáo chức, các doanh nhân
công giáo, chia sẻ với họ về đức tin. Tại nhiều giáo xứ đã thường xuyên có lớp
dạy Thánh Kinh và giáo lý cho người trưởng thành. Đa số những ý kiến nêu lên
những trở ngại trong việc huấn luyện đức tin.
4- Những đề nghị
Hội thảo cũng là lúc anh em linh mục nói lên những để nghị với các vị
chủ chăn của mình. Anh em mong muốn Hội đồng Giám mục Việt Nam hay các giám mục
trong Giáo tỉnh có những hướng dẫn cụ thể trong việc dạy giáo lý, nên chăng có
tài liệu giáo lý hôn nhân và dự tòng thống nhất trong Giáo tỉnh. Cần có thời
gian để trao đổi những vấn đề thường xuyên gây tranh cãi như bí tích Hôn nhân. Các
linh mục cũng mong ước các chủ chăn cần có những kế hoạch mục vụ cụ thể hữu
hiệu và cũng cần khơi lên nơi mọi linh mục lòng nhiệt thành mục vụ. Một vài ý
kiến mong ước việc chuyển xứ được thực hiện sao cho hợp tình hợp lý và đem lại
những ích lợi mục vụ.
Đợt II của chương trình thường huấn linh mục Giáo tỉnh Hà Nội năm 2013
được tổ chức tại Tòa Giám mục Thanh Hóa. Đức giám mục và linh mục đoàn của
Thanh Hóa đã thể hiện lòng mến khách qua việc tiếp đón rất chu đáo và nhiệt
tình. Đặt chân tới Tòa giám mục Thanh Hóa, ai mà không ấm lòng khi đọc thấy
dòng chữ ghi ở cổng vào Tòa giám mục “Mỗi
vị khách là một hồng ân”. Vâng, trong những ngày ngày, Thanh Hóa được đón
tiếp 477 hồng ân đến từ 10 giáo phận. Nếu các linh mục là máng thông ơn Chúa,
thì chắc chắn qua các ngài, giáo phận Thanh Hóa còn được đón nhận nhiều ân khác
nữa.
Thánh lễ tạ ơn lúc 10 giờ sáng ngày 25/4/2013 do Đức Tổng giám mục
Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh ở Việt Nam, chủ sự. Trong phần chia sẻ Lời
Chúa, ngài nhấn mạnh đến sứ mạng truyền giáo của mỗi người trong Giáo hội, nhất
là của các linh mục là những thừa tác viên Lời Chúa. Hôm nay cũng là ngày lễ
kính Thánh Máccô thánh sử, Đức Tổng giám mục mời gọi các linh mục chuyên cần
học hỏi Lời Chúa và thực hành lời ấy trước khi rao giảng cho các tín hữu: “Noi
gương Thánh Máccô, anh em hãy đi vào cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng để gặp gỡ Đức
Giêsu, nhờ đó mà chúng ta trở nên hiện thân của Người giữa trần gian”.
Chương trình thường huấn đã khép lại, mỗi linh mục trở về nhiệm sở của
mình. Vẫn còn đó những âu lo và khó khăn thử thách, nhưng chắc chắn mỗi tham dự
viên phần nào trải nghiệm được tình hiệp thông giữa anh em linh mục, nhất là
được ơn Chúa tác động và biến đổi. Ước mong các linh mục trong Giáo tỉnh được
tiếp thêm những nghị lực trong sứ mạng tông đồ, hăng say dấn thân, đem lại
những mùa gặt mới trên quê hương Việt Nam thân yêu.
Thanh Hóa, 25/4/2013
(Ảnh: gpthanhhoa.org)
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét