label

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Bài giảng trong Thánh lễ Phục sinh 2013 của Đức Tổng giám mục Fouad Twal, Thượng phụ Giêrusalem



Bài giảng trong Thánh lễ Phục sinh
của Đức Tổng giám mục Fouad Twal, Thượng phụ Giêrusalem
tại Nhà thờ Mộ Thánh, Giêrusalem
31 tháng Ba 2013
WHĐ (03.04.2013) – Như đã đưa tin, từ năm 2013, Giáo hội Công giáo tại Thánh Địa cử hành lễ Phục sinh theo lịch Giulianô cùng với Chính thống giáo. Đức Tổng giám mục Fouad Twal, Thượng phụ Công giáo Latinh Giêrusalem, đã mời gọi các linh mục trong giáo phận của ngài (gồm Palestine, Jordan, Israel và Cypre) cử hành lễ Phục sinh theo lịch Giulianô của Chính thống giáo. Vì vậy, năm nay 2013, lễ Phục sinh tại Thánh Địa sẽ được cử hành vào ngày 5 tháng Năm. Tuy nhiên, theo thỏa ước giữ “nguyên trạng - status quo” về thời biểu cử hành nghi lễ giữa các Giáo hội, riêng hai khu vực Giêrusalem và Bêlem vẫn mừng lễ Phục sinh theo lịch Grêgôrianô, tức ngày Chúa nhật 31-03 vừa qua.
Tại nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, Đức Tổng giám mục Fouad Twal đã cử hành Thánh lễ trọng thể mừng Chúa Phục sinh với hơn 1000 người tham dự, đa số người hành hương.
Đồng tế với Đức Thượng phụ Giêrusalem có Đức giám mục Kamal Bathish, nguyên giám mục phụ tá Giêrusalemn và Palestine; Đức giám mục Ilario Antoniazzi, tân Tổng giám mục Tunis, Tunisia; cùng nhiều linh mục tại Thánh Địa hoặc các linh mục đi hành hương.
Đây là Lễ Phục sinh yên tĩnh nhất từ nhiều năm năm nay. Theo truyền thống, Thánh lễ cử hành bằng tiếng Latinh.
Trong bài giảng, Đức Thượng phụ nói đến sự cần thiết của đức tin: Ngôi mộ trống, như chúng ta thấy ở đây hôm nay, là khởi đầu của con đường đức tin. Đức tin của chúng ta dựa trên lời chứng của các Tông đồ. Chúa đòi hỏi chúng ta không thấy mà tin: Phúc cho ai không thấy mà tin”.



Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Tổng giám mục Fouad Twal.
***
Quý anh em trong hàng giám mục và linh mục thân mến,
Các bạn thân mến,
Chúc mọi người một lễ Phục sinh vui tươi và thánh đức! Chúa Kitô đã sống lại thật! Alleluia! Phục Sinh là lễ mừng ánh sáng: Đấng Phục Sinh soi sáng chúng ta, Người đem đến cho cõi lòng chúng ta niềm vui bao la và hy vọng lớn lao và đổ đầy tình yêu của Người.
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện Phêrô và Gioan chạy theo Maria Mađalêna đến ngôi mộ đã an táng Chúa Giêsu. Hchỉ thấy ngôi mộ trống; nhưng ngay lập tức Gioan đã thấy và đã tin rằng không phải người ta đã đem Chúa Giêsu đi, mà là Người đã sống lại. Vì thế, đức tin là một món quà và có tính cá vị. Đó là lý do tại sao cần có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, được xây dựng trên sự cầu nguyện nơi sâu thẳm tâm hồn, trước một sự hiện diện vắng mặt, ​​ngôi mộ trống là bằng chứng. Ngôi mộ trống, như chúng ta thấy ở đây hôm nay, là khởi đầu của con đường đức tin. Đức tin của chúng ta dựa trên lời chứng của các Tông đồ. Chúa đòi hỏi chúng ta không thấy mà tin: Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29).
Sự sống lại là cốt lõi của đức tin Kitô giáo: Nếu Đức Kitô đã không sống lại, đức tin của anh em hóa ra vô ích (1 Cr 15,17). Dù vậy, người Công giáo, Chính thống và Tin lành lại mừng lễ Phục sinh vào những ngày khác nhau. Chúng ta biết rằng sự khác biệt này không do t Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta đã quyết định trong giáo phận của chúng ta Thánh Địa, ngoại trừ Giêrusalem và Bêlem, mừng lễ Phục sinh theo lịch Giulianô để các gia đình theo nhiều hệ phái có thể cùng nhau cử hành mầu nhiệm này, như trường hợp ở Jordan, Syria và Ai Cập. Sự kiện các Kitô hữu ở khắp Thánh Địa cùng hân hoan cử hành Lễ Chúa Phục Sinh một cách long trọng có thể trở thành một chứng từ xác thực và đáng tin cho lời Chúa Kitô mời gọi hiệp thông sâu xa hơn, như chúng ta đã đáp lại.
Quyết định thống nhất ngày mừng lễ Phục Sinh không phải dễ dàng, nhưng là bước đầu hướng tới sự hợp nhất trọn vẹn mà chúng ta phải liên lỉ cầu nguyện. Trong Năm Đức Tin –vốn rất phù hợp với thách đố này, chúng ta cũng phải làm cho đức tin và nhiệt huyết của chúng ta trở nên sống động. Loan báo Tin Mừng, qua việc sống đơn giản yêu thương người thân cận của chúng ta, có lẽ là ưu tiên của Đức tân Giáo hoàng Phanxicô của chúng ta. Đức giáo hoàng người Argentina đến từ một lục địa có đến 40% người Công giáo trên thế giới, nhưng chỗ đứng của Giáo hội lại bị thử thách bởi các nhóm Tin Lành các mối tương quan chính trị có phần căng thẳng. Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho các nhà dự báo phải chưng hửng, đã ban cho chúng ta một vị Giáo hoàng hành động của ngài trong nhiều năm qua hoàn toàn phù hợp với định hướng của Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua về “Tân Phúc âm hóa”.
Ngay trong bài phát biểu đầu tiên, Đức Thánh Cha đã nói với các tín hữu rằng “chúng ta hãy bắt đầu cuộc lữ hành này, cuộc lữ hành của Giáo hội… của tình huynh đệ… của tình yêu và lòng tin tưởng... chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho nhau” (Đức giáo hoàng Phanxicô, 13 tháng Ba 2013)


Trong Tin Mừng
theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Ngài là ánh sáng: ai đi theo Ngài “sẽ không đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống (Ga 8,12). Chúa cũng mời gọi người Kitô hữu chúng ta trở nên ánh sáng cho thế giới, mang lại ánh sáng hy vọng ngay giữa bạo lực, đau khổ, chiến tranh, và bất công. Ngài mời gọi chúng ta hiện diện ở đây để mang ánh sáng đức tin vào trung tâm khu vực Trung Đông, nơi phát sinh Kitô giáo, nơi phát sinh Giáo Hội-Mẹ Giêrusalem, và là nơi sinh ra các Kitô hữu. Đó là lý do tại sao công cuộc tân Phúc âm hóa của chúng ta, để hợp thời và có hiệu quả, phải xuất phát từ Giêrusalem: xuất phát từ cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên “đã chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42);xuất phát từ cộng đoàn đầu tiên ăn rễ sâu nơi Chúa Kitô, có chính nghĩa và sẵn sàng hy sinh đến mức tử đạo. Vì vậy, một lần nữa tôi mời gọi tất cả các khách hành hương khắp nơi trên thế giới hãy đến Thánh Địa, đầu tiên là Đức giáo hoàng Phanxicô của chúng ta; chúng tôi rất hân hạnh đón tiếp ngài.
Cũng như Phêrô và Gioan, anh chị em đến để nhìn thấy ngôi mộ trống. Việc hành hương đến các Nơi Thánh và “các viên đá sống động là một cách thế tuyệt vời để làm mới lại đức tin của chúng ta và của tất cả các khách hành hương. Nó cho phép chúng ta hiểu rõ hơn bối cảnh văn hóa, lịch sử và địa lý của nơi phát sinh các mầu nhiệm chúng ta tin; và của điều quan trọng nhất của ngày lễ hôm nay: sự Phục sinh.
Hành hương là cơ hội để chính mình gặp gỡ Chúa Giêsu. Vì thế, các Kitô hữu ở Thánh Địa ký ức  tập thể và sống động về lịch sử của Chúa Giêsu. Nhưng đồng thời, họ cũng cần đến các tín hữu khác cùng với lời cầu nguyện và tình liên đới của họ. Sự hiện diện của những người hành hương là một chứng từ đức tin và hiệp thông với Giáo hội của đồi Calvar.
Giáo Hội của chúng ta sống trong đau khổ ở Trung Đông. Vì vậy, Năm Đức tin có liên quan đến các vấn đề cụ thể. Trước hết, tôi nghĩ đến tất cả các nạn nhân chiến tranh và tất cả những người tị nạn Syria đang đổ dồn vào các nước láng giềng, đặc biệt là vào Jordan, nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả các Kitô hữu Thánh Địa đang bị cám dỗ ra đi. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại với tất cả anh chị em rằng lễ Phục sinh là lý do để chúng ta hy vọng cho một thế giới đang chịu nhiều thảm họa, thường do bạo lực của con người gây ra. Điều đó không có nghĩa những thập giá trong cuộc sống của chúng ta sẽ được quét sạch vào ngày lễ Phục sinh; Chúa không đến để loại bỏ chúng, nhưng để mở ra con đường hy vọng giữa những đau khổ, và Ngài muốn mở con đường ấy cho chúng ta mỗi ngày.
Sống ở Trung Đông như một Kitô hữu không phải là một chọn lựa, nhưng một ơn gọi. Để hiểu sự sống lại, cần phải biết đến thập giá. “Thập giá thường làm chúng ta sợ hãi, vì xem ra nó là phủ định của cuộc sống. Trong thực tế, ngược lại mới đúng! Thập giá là lời ưng thuận của Thiên Chúa nói với con người, là biểu lộ tình yêu tột cùng của Ngài là nguồn suối bật lên sự sống. từ trái tim của Chúa Giêsu mở ra trên cây thánh giá, đã vọt lên sự sống thần linh, cho những ai luôn hướng nhìn lên Ngài trên thánh giá (Bênêđictô XVI, Ngày Giới trẻ Thế giới Madrid).
Kể từ buổi sáng Phục Sinh, niềm hy vọng Kitô giáo không còn giới hạn. Đêm đen tối nhất cũng được thắp sáng nhờ chiến thắng của ngôi mộ. Không phải các quốc gia mà là các con tim mới cần được chinh phục,. Các con tim phải được hoán cải dạy dỗ theo đường lối hòa bình. Nhưng, một lần nữa và một lần nữa, tôi mời gọi cộng đồng quốc tế, ngoài các bài phát biểu và các chuyến viếng thăm, hãy đưa ra những quyết định cụ thể và hiệu quả để tìm một giải pháp cân nhắc và chính đáng cho Palestine, đang ngay giữa mọi xáo trộn của Trung Đông.
Vào tháng 11-2010, đích thân tôi đã gặp Đức giáo hoàng ở Argentina, chúng tôi đã thảo luận về tình hình các Kitô hữu Đông phương sống tản mát ở châu Mỹ Latinh. Argentina đã tiếp đón nhiều di dân từ Trung Đông. Vì vậy, Đức giáo hoàng Phanxicô biết rõ vấn đề di cư của các tín hữu từ Thánh Địa. Ngài cũng là Đấng bản quyền của các tín hữu thuộc Giáo hội Công giáo Đông phương cư trú ở Argentina. Tôi tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ quyết tâm tiếp tục công việc của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, vì nền hòa bình tại Thánh Địa sự xích lại gần nhau giữa các dân tộc và tôn giáo trên thế giới tại Thánh Địa. Ở tại Thánh Địa này, chúng ta hiệp thông sâu xa với Đức Thánh Cha và tin tưởng tuyệt đối vào ngài. Qua kinh nghiệm, chúng ta biết rằng Tòa Thánh rất quan tâm và nỗ lực cho hòa bình của Tòa Thượng Phụ và Thánh Địa của chúng ta.
Anh chị em thân mến, xin gửi đến anh chị em lời chúc mừng lễ Phục Sinh tốt đẹp nhất. Ước gì chính chúng ta, Giáo hội chúng ta và Thánh Địa của chúng ta cũng được phục sinh. Ước gì buổi sáng Phục Sinh hôm nay sẽ nảy sinh một mùa xuân mới.
Cầu chúc mọi người phúc lành của Chúa trong ngày lmừng Chúa Kitô sống lại! Amen.
+ Fouad Twal, Thượng phụ Giêrusalem
 
Huy Hoàng chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét