label

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

CHÚC MỪNG CHA SỞ 23 NĂM CHỊU CHỨC LINH MỤC

CHÚC MỪNG CHA SỞ 23 NĂM CHỊU CHỨC LINH MỤC


  Hôm nay 31-05-2014 là ngày kỷ niệm 23 năm chịu chức linh mục của cha, Hội Đồng Mục Vụ và toàn thể giáo dân giáo xứ Cần xây chúng con xin chúc mừng cha. Nguyện xin Thiên Chúa đã gìn giữ Cha vượt qua những bước thăng trầm trong 63 năm cuộc đời và 23 năm linh mục, xin Người tiếp tục nâng đỡ cha, ban nhiều hồng ân trên cha để cha đi trọn vẹn con đường mà Chúa đã giao phó. Chúng con luôn sát cánh bên cha, chia sẻ và cầu nguyện cho cha, xin dâng lên cha lẵng hoa chúc mừng của đoàn con thảo.

Hội đồng mục vụ giáo xứ Cần xây

THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY (1.6.2014 – Chúa nhật - Lễ Chúa thăng thiên)

THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY
Lời Chúa: Mt 28, 16-20
Hôm ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Suy nim:
Nếu trời là nơi Chúa ngự
thì chẳng có gì gần ta bằng trời.
Trời ở quanh ta, trời ở trong ta...
Trời vượt xa đất muôn trùng,
nhưng nếu đất trở thành nơi Chúa ngự
thì đất cũng mang dáng dấp của trời.
Thiên Chúa không phải là Ðấng chỉ thích ở trên trời.
Ngài thích con người, Ngài thương trái đất,
nên Ngài đã sai Con Ngài làm người ở đời.
Ðức Giêsu Con Thiên Chúa đã đặt chân lên trái đất.
Ðất chẳng xa lạ gì với Ngài,
vì nhờ Ngài mà nó được tạo dựng.
Ðất đã bắt đầu thành trời
từ khi Con Thiên Chúa đến dựng lều ở đó.
Ðất vẫn luôn thuộc về trời
vì Ðức Giêsu luôn ở với ta cho đến tận thế.
Trời là mẫu mực của đất:
Ý Cha phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Chỗ nào vâng theo ý Cha, chỗ đó thành trời.
Trái tim của chúng ta cũng phải trở thành trời,
phải đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa.
Rốt cuộc, nhiệm vụ của người Kitô hữu
là xây dựng trời cao ở ngay nơi đất thấp,
là cho thấy rằng trời cao thật gần,
chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng.
Trời cao đã gần bên,
khi người Kitô hữu biết sống cho nhau chân tình,
chia sẻ cho tha nhân tất cả những gì mình có,
không bị mê hoặc bởi của cải lợi danh,
không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt,
cũng không chùn bước trước cái chết, khổ đau.
Chúng ta phải làm chứng về thiên đàng có thực
bằng cuộc sống vui tươi hạnh phúc ở đời này.
Hạnh phúc khi hy sinh, tự hiến,
khi chịu thua thiệt, mất mát, lãng quên.
Hạnh phúc cả khi tưởng như không thể nào hạnh phúc được.
Hạnh phúc như thế gợi mở về hạnh phúc viên mãn đời sau.
Chúng ta không thể làm chứng về thiên đàng mai hậu
bằng một cuộc sống ủ rũ, buồn phiền.
Thiên đàng mai sau chớm nở từ bây giờ.
Tôi chỉ được hạnh phúc sống đời sau bên Chúa,
nếu tôi đã bắt đầu sống bên Chúa từ đời này.
Có một thiên đàng nho nhỏ ở trong tôi:
“Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến
và dựng nhà nơi người ấy” (Ga 14,24).
Tôi muốn xây những thiên đàng nho nhỏ ở quanh tôi,
nơi gia đình, bè bạn; nơi phố chợ, học đường...
mong có ngày cả trái đất này
ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

GIAO LƯU DÂNG HOA KINH ĐỨC MẸ MARIA.

GIAO LƯU DÂNG HOA KINH ĐỨC MẸ MARIA.
GIAO LƯU DÂNG HOA KINH ĐỨC MẸ MARIA.
Giáo hạt Châu Đốc lần  II
Ngày 27 tháng 05 năm 2014
 
              Kính thưa: Cha Quản hạt, quý Cha, quý tu sĩ Nam, Nữ, cùng toàn thể cộng đồng dân Chúa qua các đoàn dâng hoa giáo hạt Châu Đốc.
Ban thánh nhạc giáo hạt Châu Đốc luôn mong ước truyền thống giao lưu DÂNG HOA của giáo hạt  mỗi năm được tốt đẹp. Năm nay, được sự nhất trí cao của cha quản hạt và cũng được sự đồng thuận của quý cha ở các giáo xứ. Ban thánh nhạc giáo hạt Châu Đốc xin được phép tổ chức buổi giao lưu DÂNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ lần II: nhằm tôn vinh và tạ ơn tình tương bao la của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đồng thời cũng  để tôn kính Mẹ Maria  trong tháng hoa: qua những đóa hoa tươi, qua những tràng hoa mân côi của đoàn con dâng Mẹ trong tình mến đậm đà. Đây cũng là dịp để 11 đoàn hoa  các giáo xứ  tập hợp về trung tâm giáo hạt: tham gia mọi sinh hoạt đạo đức, chia sẻ kinh nghiệm, thể hiện tinh thần yêu thương hiệp nhất chung trong giáo hạt. Buổi giao lưu dâng hoa Châu Đốc lần II đầy tâm tình, vui tươi và hoành tráng.
Chúng ta hy vọng rằng: qua buổi DÂNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ lần II, tất cả đoàn hoa các giáo xứ sẽ gặt hái được nhiều hoa thơm cỏ lạ trong vườn hoa thiên giáo hạt Châu Đốc.
Xin Thiên Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho chúng ta.
 
 Tm.Ban thánh nhạc
 Lm. Phêrô Phan Thanh Điềm
Tin bài liên quan

Ấn định ngày hai nhà lãnh đạo Palestin và Israel cùng với Đức giáo hoàng cầu nguyện cho hoà bình


Ấn định ngày hai nhà lãnh đạo PalestinIsrael cùng với Đức giáo hoàng cầu nguyện cho hoà bình
WHĐ (30.05.2014) – Hôm thứ Năm 29-05, Toà Thánh công bố cuộc gặp gỡ giữa Đức giáo hoàng Phanxicô, Tổng thống Palestin và Tổng thống Israel tại Vatican để cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa đã được ấn định vào Chúa nhật 08 tháng Sáu sắp tới. Ngày này đã được cả hai vị Tổng thống đồng ý.
Cuộc gặp gỡ được thực hiện theo sáng kiến của Đức giáo hoàng Phanxicô. Trong chuyến tông du Thánh Địa 3 ngày mới đây, ngài đã mời Tổng thống Israel, Shimon Peres, và Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, đến cầu nguyện chung tại Vatican.
Khi kết thúc Thánh lễ tại Bethlehem vào ngày 25-05, Đức giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra đề nghị: “Tôi xin dùng nhà tôi ở Vatican làm nơi gặp gỡ để cầu nguyện.
Tại nơi này, nơi sinh ra của vị Vua Hoà Bình, tôi muốn mời các vị, Tổng thống Mahmoud Abbas và Tổng thống Shimon Peres, cùng với tôi tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban ơn hoà bình.
Đức giáo hoàng nói tiếp: “Tất cả chúng ta đều muốn có hoà bình. Nhiều người xây dựng hoà bình từng ngày qua những cử chỉ và hành vi nhỏ bé; nhiều người phải đau khổ, nhưng vẫn nỗ lực kiên trì trở thành người kiến tạo hòa bình.
Tất cả chúng ta –nhất là những ai được đặt làm người phục vụ dân tộc mình đều nghĩa vụ trở thành dụng cụ và người xây dựng hoà bình, đặc biệt là bằng lời cầu nguyện. Xây dựng hoà bình là điều khó khăn, nhưng sống mà không có hoà bình lại là nỗi khốn khổ khôn nguôi. Những con người nam cũng như nữ của những vùng đất này, và của toàn thế giới, tất cả đều xin chúng ta dâng niềm hy vọng hoà bình thiết tha của họ lên Thiên Chúa.
Trong ngày hôm ấy, cả hai vị Tổng thống đã chấp thuận lời mời của Đức giáo hoàng; Văn phòng Tổng thống Peres nói rằng chúng tôi chấp thuận lời mời của Đức giáo hoàng. Tổng thống Peres đã ủng hộ và sẽ tiếp tục ủng hộ mọi con đường nhằm mang lại hoà bình.
Lời mời của Đức giáo hoàng Phanxicô được đưa ra vào ngày thứ hai của cuộc tông du Thánh Địa, tại đây các diễn văn của ngài  đều tập trung chủ yếu vào đề tài hoà bình.
Ngỏ lời với Tổng thống Mahmoud Abbas và giới chức Palestin vào ngày hôm đó, Đức giáo hoàng than phiền cuộc xung đột kéo dài đã gây ra nhiều vết thương rất khó lành.
Vì lợi ích của mọi người, cần phải gia tăng nỗ lực và sáng kiến ​​nhằm tạo điều kiện cho một nền hoà bình ổn định dựa trên cơ sở công bằng, công nhận các quyền của mỗi cá nhân và an ninh hỗ tương”.
Đã đến lúc mọi người phải can đảm để quảng đại và sáng tạo trong việc phục vụ công ích, can đảm để kiến tạo một nền hòa bình dựa trên việc tất cả thừa nhận cả hai quốc gia đều có quyền tồn tại và sống trong hoà bình và an ninh trong vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận”. Đức giáo hoàng nói thêm rằng phải kiên quyết theo đuổi hoà bình, mỗi bên có phải hy sinh phần nào”.
Gặp Tổng thống Shimon Peres hôm 26-05, Đức giáo hoàng Phanxicô nói rằng kiến tạo hoà bình đòi hỏi trước hết và trên hết là sự tôn trọng phẩm giá và tự do của mỗi con người mà người Do Thái, Kitô hữu cũng như người Hồi giáo đều tin rằng mình được Thiên Chúa dựng nên để sống đời đời. Niềm tin chung này giúp chúng ta kiên quyết theo đuổi các giải pháp hoà bình cho mọi tranh cãi và xung đột.
Ở đây tôi lặp lại lời cầu xin các bên hãy tránh các sáng kiến ​​và hành động mâu thuẫn với quyết tâm đã nêu ra nhằm đạt được một thỏa thuận đích thực; xin hãy quyết tâm và kiên trì xây dựng hoà bình, không mệt mỏi”.
 
Minh Đức

Đức Thánh Cha đau buồn vì sự dửng dưng đối với thảm trạng Siria

Đức Thánh Cha đau buồn vì sự dửng dưng đối với thảm trạng Siria



VATICAN. ĐTC Phanxicô bày tỏ đau buồn vì sự dửng dưng của thế giới đối với thảm trạng tại Siria và kêu gọi các tổ chức từ thiện Công giáo tiếp tục các hoạt động cứu trợ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các đại diện của 25 tổ chức từ thiện Công giáo nhóm họp hôm 30-5-2014, tại Vatican, với Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, để phối hợp các hoạt động cứu trợ các nạn nhân chiến tranh Siria. ĐTC đích thân đến chào thăm và khích lệ các tham dự viên.

Trong sứ điệp ĐTC khẳng định rằng: ”Chúng ta phải đau lòng nhận thấy cuộc khủng hoảng Siria vẫn chưa được giải quyết, trái lại cứ tiếp tục và có nguy cơ người ta quen tới thảm trạng này: quên các nạn nhân hằng ngày, những đau khổ khôn tả, hàng ngàn người tị nạn, trong đó có người già và trẻ em, đang chịu đau khổ và nhiều khi đang chết vì đói và bệnh tật do chiến tranh gây ra. Sự dửng dưng này làm đau lòng! Một lần nữa chúng ta phải lập lại cái tên của căn bệnh làm cho chúng ta rất đau buồn trên thế giới ngày nay, đó là hoàn cầu hóa sự dửng dưng”.
ĐTC đề cao hoạt động kiến tạo hòa bình và cứu trợ nhân đạo mà các cơ quan bác ái Công Giáo đang thi hành trong bối cảnh này chính là một sự biểu lộ trung thực tình thương của Thiên Chúa các con cái Người đang bị áp bức và lo âu.

ĐTC tái kêu gọi lương tâm của những nhân vật chủ chốt trong cuộc xung đột tại Siria, các tổ chức thế giới và công luận. Ngài viết: ”Tất cả chúng ta đều ý thức rằng tương lai nhân loại được xây dựng với hòa bình chứ không phải bằng chiến tranh: chiến tranh tàn phá, giết hại, làm cho dân chúng và các nước nghèo nàn. Tôi xin tất cả các phe hãy nhìn đến công ích, cho thực hiện cấp thời những hoạt động cứu trợ nhân đạo và làm cho võ khí sớm im tiếng, đồng thời dấn thân thương thuyết, đặt lên hàng đầu thiện ích của Siria và toàn dân nước này, và cả những người đang phải tị nạn ở nơi khác, và họ có quyền được sớm trở về quê hương”.

ĐTC đặc biệt nghĩ đến các cộng đoàn Kitô, là khuôn mặt của một Giáo hội đang chịu đau khổ và hy vọng. Ngài viết: ”Sự sống còn của họ trên toàn vùng Trung Đông là mối lo lắng sâu đậm của Giáo Hội hoàn vũ: Kitô giáo phải được tiếp tục sống tại nơi nguyên gốc của mình”.

Sau cùng ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức từ thiện Công Giáo và nói rằng ”Hoạt động bác ái và cứu trợ cảu anh chị em là một dấu hiệu quan trọng nói lên sự gần gũi của toàn thể Giáo Hội, đặc biệt của Tòa Thánh đối với nhân dân Siria và các dân tộc khác ở Trung Đông”.

Khóa họp hôm 30-5-2014 có mục đích tiếp tục hành trình từ hai năm nay của Tòa Thánh và nối tiếp cuộc gặp gỡ trong hai ngày mùng 4 và 5-6 năm ngoái để trợ giúp Siria, cũng như kiểm điểm hoạt động cho đến nay của các cơ quan từ thiện Công Giáo trong việc trợ giúp Siria.

Ban sáng, sau lời dẫn nhập của ĐHY Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Cor Unum, điều hợp viên của khóa họp, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tường trình vấn đề, rồi đến các bài tham luận của
Đức TGM Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Siria, và Đức Cha Antoine Audo, chủ tịch tổ chức Caritas tại nước này.
Sau cùng có bản tường trình về hoạt động của Văn phòng thông tin ở Beirut, thủ đô Liban, được thiết lập hồi năm ngoái để thu thập và phổ biến các dữ kiện về hoạt động của các tổ chức bác ái Công Giáo.

Ban chiều, các tham dự viên thảo luận về những khía cạnh cụ thể trong việc cộng tác giữa các cơ quan từ thiện khác nhau ở Siria và các nước láng giềng.

Theo thống kê mới mất, 3 năm chiến tranh đã làm cho 160 ngàn người chết tại Siria và hơn 2 triệu người nước này tị nạn sang các nước láng giềng, không kể 6 triệu người phải di tản trong nội địa. (SD 30-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

THÁNH LỄ TẠ ƠN GIÁM MỤC

THÁNH LỄ TẠ ƠN GIÁM MỤC - TẠ ƠN VÀ SỨ VỤ
Nguyễn Đức Thắng - Ban truyền thông giáo phận.
Nhà thờ Chính Tòa Long Xuyên 30/05/2014. Tạ Ơn và Sứ Vụ, đó là chủ đề Thánh Lễ Tạ Ơn Giám Mục hôm nay. Thánh lễ diễn ra vào lúc 9.00 giờ tai nhà thờ Chính Tòa với sự tham dự đầy đủ các đại diện của các ban ngành đoàn thể khác nhau thuộc mọi thành phần dân Chúa trong cả địa phận.
Đức tân giám mục chủ tế với sự hiện diện của của Đức Cha Giuse chính tòa và đông đảo các linh mục trong Hội Đồng Linh Mục và các Ủy Ban giáo phận. Cha sở chính tòa Micae Lê Xuân Tân thay mặt cho cộng đoàn chúc mừng hai Đức Cha. Chúc mừng Đức Cha Chính Tòa vì đã có người tài đức phụ tá để giúp giáo phận tốt đẹp hơn nữa, chúc mừng Đức Cha Phụ tá vì được Chúa thương ban tuyển chọn làm đấng kế vị các tông đồ chăm sóc cho đoàn dân được vững mạnh trong đức tin.
Sau bài Phúc Âm, cha tổng đại diện Luy G. Huỳnh Phước Lâm chia sẻ Lời Chúa với bài của Đức Cha Gioan Bùi Tuần, người vắng mặt vì lý do sức khỏe. Bài chia sẻ nhấn mạnh tới khiêm nhường, cầu nguyện và tỉnh thức. Đó cũng là lời cầu chúc của Đức Cha Gioan cho toàn thể dân Chúa và cách riêng cho Đức Giám Mục Phụ Tá Giuse.
Trong bài cám ơn của mình, Đức Cha Phụ Tá làm nổi bật tâm tình tạ ơn và sứ vụ. Tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn mọi người, cả những người hiện diện lẫn vắng mặt, cả những người còn sống cũng như đã qua đời mà cách nào đó đã tác động trên cuộc đời và làm nên con người của Đức Cha hôm nay. Cuộc đời, theo như Đức Tân Giám Mục nói, luôn bao gồm niềm vui nỗi buồn, nụ cười và nước mắt, hạnh phúc và khổ đau, nhưng nếu chúng ta biết thuận theo Ơn Sủng của Thánh Thần, cuộc sống sẽ trở thành tươi đẹp: “Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23). Hay nói như thánh Phaolô, “với người có đức tin, mọi sự đều nên tốt”.
Thánh lễ kết thúc vào lúc 10 giờ 15 phút và mọi người tham dự được mời sang Tòa Giám Mục để chia sẻ niềm vui trong bữa tiệc mừng.

LỄ TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC PHỤ TÁ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

LỄ TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC PHỤ TÁ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
Nguyễn Đức Thắng - Ban truyền thông giáo phận
Long xuyên 29/05/2014. Hôm nay 29/05 nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp trở thành trái tim của giáo phận Long Xuyên, nơi tổ chức Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục Phụ tá, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản.
Ngay từ rất sớm, từng giòng xe cộ từ các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ nườm nượp tuốn về trung tâm của sự kiện trọng đại này, kín cả quốc lộ 80, con đường hướng về Rạch Giá - Hà Tiên ngang qua Đài Đức Mẹ nơi diễn ra lễ truyền chức.
Tiếng vỗ tay vang rền cùng nụ cười trên các khuôn mặt tươi như hoa làm nức lòng các vị khách quý từ phương xa. Vị đại diện Tòa Thánh, Đức Tổng Leopoldo Girelli, và các Đức Giám Mục từ các giáo phận trên khắp miền đất nước, được nhận một vòng hoa tươi thắm ngay khi xuống xe tiến vào Đài Đức Mẹ.
Đúng 9.00 giờ Thánh Lễ bắt đầu. Sau bài ca nhập lễ, khi đoàn đồng tế đã an vị tại lễ đài, các đức giám mục ở vị trí phía sau bàn thờ, mặt quay về hướng giáo dân, riêng đức giám mục tân cử Giuse Trần Văn Toản thì đứng bên phải bàn thờ, Giám Mục giáo phận, Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, trân trọng giới thiệu và đọc diễn văn chúc mừng tới các giám mục và quan khách. Các vị khách được giới thiệu cách đặc biệt gồm có: Đức Tổng Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh, Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, Đức Tổng Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức Cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đức Cha Mathêu Nguyễn Văn Khôi, Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh,  Đức Cha Gioan Vũ Tất, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến và cuối cùng là linh mục giám quản giáo phận Vĩnh Long, cha Phêrô Dương Văn Thạnh.
Sau diễn văn chào mừng, Thánh Lễ tiếp tục như thường lệ với Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu chủ tế.
Kết thúc phần Lời Chúa, nghi thức truyền chức Giám Mục bắt đầu và diễn ra hết sức long trọng, sốt sắng. Hơn 10.000 tín hữu tham dự, (thậm chí có người ước tính khoảng 15.000 người) 21 giám mục và khoảng 300 linh mục cùng hiệp ý khẩn nài các thánh ban ơn lành cho Đức Tân Giám Mục. Hai vị giám mục phụ phong bên cạnh Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, đó là Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên và Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống. Nghi thức truyền chức nhấn mạnh tới chức vụ giám mục là để phục vụ và yêu thương cộng đoàn.
Trước khi ban phép lành cuối lễ là nghi thức chúc mừng Đức Cha Giuse Trần Văn Toản. Đầu tiên là Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, chủ tịch HĐGMVN, thay mặt các Giám Mục Việt Nam, kế đến là Đức Tổng Leopoldo Girelli vị đại diện Tòa Thánh, rồi tới cha Luy G. Huỳnh Phước Lâm, tổng đại diện giáo phận. Sau hết là bài cám ơn của đức tân giám mục Giuse.
Tâm tình vui mừng hôm nay làm nhiều người nhớ lại niềm hạnh phúc năm xưa. Thật vậy, gần 15 năm trước, 29/06/1999, giáo phận Long Xuyên dường như vỡ òa trong cảm xúc trào dâng khôn tả khi cùng một lúc có được hai tân giám mục: Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên là tổng giám mục giáo phận Hà Nội hiện đang nghĩ dưỡng tại tu viện Châu Sơn, Ninh Bình, và đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu hiện là giám mục chính tòa Long Xuyên cũng là đấng chủ phong trong thánh lễ truyền chức giám mục hôm nay.

Phần hai bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô

Phần hai bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay về Roma



Chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn phần hai bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Tel Aviv về Roma tối thứ hai 26-5-2014.

Trong phần đầu của cuộc phỏng vấn các phóng viên, đại diện cho các nhóm nói tiếng Ý, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha, đã đưa ra các câu hỏi liên quan tới: các cử chỉ tự phát của Đức Thánh Cha khiến cho mọi người cảm động, các vụ giáo sĩ tu sĩ và nhân viên của Giáo Hội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, các gương mù gương xấu chi phí chống lại sứ điệp Giáo Hội nghèo và của người nghèo hay không trong sáng trong tiền bạc, phong trào chống âu châu đang lên, và quy chế của thành Giêrusalem.

Sau đây là nội dung phần hai cuộc phỏng vấn. Anh Jan-Christoph Kitzler, phóng viên đài phát thanh Đức, hỏi:

Hỏi: Trong chuyến công du vừa qua Đức Thánh Cha đã nhiều lần gặp gỡ và nói chuyện với Đức Thượng Phụ Bartolomaios. Chúng con tự hỏi không biết hai vị có đề cập tới các bước cụ thể xích lại gần nhau, hay có dịp đề cập tới vấn đề này không, ngoài việc ra Tuyên ngôn chung và cầu nguyện, chắc chắn cũng là một dấu chỉ mạnh mẽ. Con cũng tự hỏi không biết Giáo Hội công giáo có thể học vài điều từ Giáo Hội chính thống hay không, con muốn nói tới sự kiện các linh mục có gia đình. Đây là một câu hỏi mà nhiều tín hữu công giáo, đặc biệt tại Đức, đặt ra, cả dưới ánh sáng bức thư mà các phụ nữ yêu các linh mục gửi cho Đức Thánh Cha?

Đáp: Nhưng mà Giáo Hội công giáo cũng có các linh mục lập gia đình chứ: đó là các linh mục công giáo hy lạp, công giáo Copte. Trong lễ nghi đông phương có các linh mục lấy vợ. Bởi vì độc thân không phải là một tín lý: nó là một luật sống, mà tôi đánh giá rất cao và tôi tin rằng nó là một món qùa cho Giáo Hội. Vì không phải là một tín lý đức tin, nên có cánh cửa luôn luôn rộng mở. Trong lúc này chúng tôi không nói đến chuyện đó, như là chương trình, ít nhất trong lúc này. Chúng tôi có các điều quan trọng hơn cần làm. Với Đức Thượng Phụ Barlolomaios, đề tài này đã không được bàn tới, vì nó thực sự là đề tài phụ thuộc trong tương quan với anh em chính thống. Chúng tôi đã nói tới sự hiệp nhất: mà sự hiệp nhất thì được làm trên đường đi, sự hiệp nhất là một lộ trình. Chúng ta không bao giờ có thể làm ra sự hiệp nhất trong một hội nghị thần học. Và Đức Thượng Phụ đã nói với tôi rằng điều tôi đã biết là đúng, rằng Đức Thượng Phụ Athenagoras đã nói với Đức Phaolô VI: ”Chúng ta thanh thản cùng đi, tất cả các nhà thần học chúng ta để họ trên một hòn đảo, để họ thảo luận với nhau, và chúng ta tiến bước trên con đường cuộc sống”. Thật vậy, tôi đã nghĩ có lẽ... Nhưng không, nó đúng vậy! Trong những ngày này Đức Bartolomaios đã nói với tôi như thế. Cùng bước đi, cùng cầu nguyện, cùng làm việc trong biết bao nhiêu chuyện mà chúng ta có thể cùng làm với nhau, trợ giúp lẫn nhau. Chẳng hạn với các Giáo Hội, tại Roma và biết bao nhiêu nơi khác. Mà tại Roma biết bao nhiêu tín hữu chính thống sử dụng các nhà thờ công giáo vào giờ nọ giờ kia, như một sự trợ giúp để cùng đi, đúng không? Chúng tôi cũng đã đề cập tới một chuyện khác, mà có lẽ trong Hội Đồng liên chính thống người ta làm một cái gì đó: đó là ngày lễ Phục Sinh, bởi vì nó hơi nực cười: “Này bạn, hãy nói cho tôi biết Chúa Kitô của bạn sống lại khi nào vậy? - Tuần tới - Ồ, Chúa Kitô của tôi đã sống lại tuần vừa qua rồi!” Phải, ngày lễ Phục Sinh là một đầu chỉ của sự hiệp nhất, đúng không? Chúng tôi yêu thương nhau, chúng tôi kể cho nhau nghe các khó khăn trong việc cai quản của chúng tôi. Và có một điều mà chúng tôi nói với nhau khá nhiều đó là vấn đề môi sinh. Đức Thượng Phụ rất lo âu và cả tôi cũng thế, chúng tôi đã cùng nhau nói nhiều về một công việc chung liên quan tới vấn đề này.

Cha Lombardi nói: ”Vì chúng ta không phải chỉ là người âu châu hay Mỹ, nhưng cũng có các nhà báo Á châu nữa, nên xin nhường lời cho anh Shoko Ueda của hãng tin Tokyo Nhật Bản hỏi Đức Thánh Cha, vì Đức Thánh Cha cũng đang chuẩn bị cho các chuyến đi Á châu”.

Anh Shoko Ueda hỏi:

Hỏi: Con cám ơn Đức Thánh Cha. Rất tiếc con không nói đươc tiếng Ý, nên con xin hỏi bằng tiếng Anh. Chuyến tông du tới của Đức Thánh Cha là viếng thăm Nam Hàn, vì thế con muốn đặt câu hỏi liên quan tới các vùng Á châu. Trong các nước gần Nam Hàn có Bắc Hàn và Trung Quốc, là những nơi không có tự do tôn giáo và tự do ngôn luận. Đức Thánh Cha có nghĩ làm cái gì cho các anh chị em đang phải khổ đau vì các tình thế này hay không?

Đáp: Tôi quý trọng Á châu. Có hai chương trình viếng thăm: một tại Nam Hàn để gặp gỡ giới trẻ Á châu, rồi vào tháng giêng năm tới có một chuyến viếng thăm Sri Lanka và Philipines trong vùng đã bị tai nạn sóng thần. Vấn đề không được tự do hành đạo không phải chỉ có tại vài nước Á châu, mà cũng có tại các nước khác trên thế giới nữa. Tự do tôn giáo không phải là điều có trong tất cả mọi nước. Có vài nước kiểm soát tự do tôn giáo một cách nhẹ nhàng và an bình, các nước khác đưa ra các biện pháp kết cục trở thành một việc thực sự bách hại các kitô hữu. Có các vị tử đạo, ngày nay có các kitô hữu chết vì đạo. Tín hữu công giáo và không công giáo, nhưng là những người chết vì đạo. Và tại một vài nước không thể đeo Thánh Giá hay không thể có một cuốn Thánh Kinh. Không thể dậy giáo lý cho trẻ em ngày nay. Và tôi tin rằng mình không lầm, tin rằng trong thời đại này có nhiều người chết vì đạo hơn là trong các thời gian đầu của Giáo Hội. Tại vài nơi chúng ta phải tới gần một cách thận trọng để trợ giúp các anh chị em ấy. Chúng ta phải cầu nguyện nhiều cho các Giáo Hội dau khổ này: họ đau khổ nhiều lắm. Các Giám Mục và Tòa Thánh kín đáo hoạt động để trợ giúp các nước này, trợ giúp kitô hữu của các nước này. Nhưng đây không phải là điều dễ dàng. Chẳng hạn, tôi xin nói với anh một điều này. Trong một nước có lệnh cấm cầu nguyện chung với nhau. Nhưng các kitô hữu sống tại đó lại muốn cử hành Thánh Thể. Có một ông thợ là linh mục. Ngài đến và ngồi vào bàn giả bộ uống trả, nhưng họ cử hành Thánh thể. Nếu có cảnh sát đến, họ dấu ngay các sách lễ đi, và đang uống trà. Điều này xảy ra ngày nay đấy. Không dễ dàng đâu!

Cha Lombardi nói: Con hy vọng Đức Thánh Cha cũng sẽ mau đến thăm Nhật Bản nữa... Tốt lằm, hơn nửa giờ rồi. Con tin là chúng ta cũng có bổn phận phải săn sóc sức khỏe của mình và sự nghỉ ngơi của Đức Thánh Cha nữa. Vì thế... Đức Thánh Cha nói là ngài muốn tiếp tục, hay các nhà báo phải tiếp tục. Tiếp tục nữa? Tiếp tục. Vậy thì tốt. Anh chị em thấy chưa, tôi muốn bảo vệ Đức Thánh Cha, nhưng mà ngài không muốn. Như thế chúng ta tiếp tục với nhóm tiếng Ý, với câu hỏi của anh Fausto Gasparoni, phóng viên của hãng tin ANSA.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trong triều đại của ngài Đức Thánh Cha đương đầu với nhiều dấn thân, và ngài làm điều đó một cách rất sít sao đầy đặc, như chúng ta thấy trong các ngày này. Nếu mai kia, trong một ngày không xa, Đức Thánh Cha cảm thấy không còn sức để chu toàn sứ vụ của mình nữa, Đức Thánh Cha có nghĩ tới cùng lựa chọn từ bỏ sứ vụ như vị tiền nhiệm đã làm hay không?

Đáp: Tôi sẽ làm điều Chúa sẽ nói tôi làm: cầu nguyện, tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng tôi tin rằng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI không phải là một trường hợp duy nhất, nhưng đã xảy ra là ngài đã không có sức, và nói một cách liêm chính, ngài là một con người của lòng tin, rất mực khiêm nhường, ngài đã lấy quyết định này. Tôi tin rằng ngài là một sự mở ra: cách đây 70 năm hầu như đã không có các giám mục về hưu. Nhưng bây giờ có rất nhiều. Điều gì sẽ xảy ra đối với các giáo hoàng về hưu? Tôi tin rằng chúng ta phải nhìn vào ngài như là một mở ra. Ngài đã mở ra một cánh cửa, cánh cửa của các Giáo Hoàng về hưu. Sẽ có nhiều vị khác nữa, hay không có. Chỉ có Thiên Chúa biết. Nhưng cánh cửa này đã được mở ra: tôi tin rằng một Giám Mục Roma, một Giáo Hoàng cảm thấy sức lực của mình yếu kém đi, bởi vì bây giờ người ra sống lâu - thì phải tự đặt các câu hỏi như Đức Thánh Cha Biển Đức đã làm.

Bây giờ chúng ta nhường lời cho anh John Allen thuộc nhóm tiếng Anh.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, hôm nay Đức Thánh Cha đã gặp một nhóm những người sống sót của cuộc diệt chủng Do thái. Đức Thánh Cha biết có một gương mặt còn gợi lên nhiều bối rối đối với vai trò của ngài trong cuộc diệt chủng: đó là Đức Pio XII vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha. Chúng con muốn biết tại sao trước khi làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha đã viết và đã nói rằng mình ngưỡng mộ Đức Pio XII, nhưng cũng muốn thấy các văn khố được mở ra, trước khi đi đến một kết luận vĩnh viễn. Như thế chúng con muốn biết - vì Đức Thánh Cha mới tôn hai vị tiền nhiệm lên hàng hiển thánh - vậy Đức Thánh Cha có ý định tiếp tục tiến trình điều tra trước khi quyết định tôn phong chân phước cho Đức Pio XII hay không?

Đáp: Án liên quan tới Đức Pio XII đã được mở. Tôi đã hỏi tin tức, chưa có phép lạ nào, và nếu không có các phép lạ, thì không thể tiến tới được. Và nó dừng ở đó. Chúng tôi phải chờ đợi thực tại, xem thực tại của án phong tiến triển như thế nào, rồi mới nghĩ tới việc quyết định được. Nhưng sự thực là điều này: chưa có phép lạ nào, và cần phải có một phép lạ cho việc tuyên phong chân phước. Án phong của Đức Pio XII ngày nay là như thế. Và tôi không thể nghĩ là có phong chân phước cho ngài hay không, bởi vì tiến trình chậm.

Bây giờ thì đến lượt Argentina từ một nhân vật mà Đức Thánh Cha biết: đó là chị Elisabetta Piqué.

Hỏi: Đây là môt câu hỏi của nhóm nói tiếng Tây Ban Nha phối hợp với Mêhicô. Đức Thánh Cha đã trở thành một vị lãnh đạo tinh thần và cả chính trị nữa, và Đức Thánh Cha đang mở ra nhiều viễn tượng bên trong Giáo Hội cũng như bên ngoài cộng đồng quốc tế. Bên trong Giáo Hội chẳng hạn hhư điều gì sẽ xảy ra với việc cho các cặp ly dị tái hôn được rước Mình Thánh Chúa, và trong cộng đồng quốc tế như việc làm trung gian gây kinh ngạc cho thế giới, về cuộc gặp gỡ tại Vaticăng... Đức Thánh Cha không sợ bị thất bại hay sao? Và bây giờ con xin hỏi bằng kiểu nói Tây Ban Nha ”Đức Thánh Cha không đang bỏ qúa nhiều thịt vào lửa” hay sao, khi dấy lên nhiều chờ mong như vậy; Đức Thánh Cha không sợ gặp vài thất bại nào đó hay sao?

Đáp: Trước hết tôi xin giải thích rõ về cuộc gặp gỡ tại Vaticăng: đó sẽ là một cuộc gặp gỡ cầu nguyện, chứ không phải để làm trung gian hay tìm ra các giải pháp. Không. Chúng tôi sẽ họp nhau để cầu nguyện thôi. Rồi mỗi người trở về nhà mình. Nhưng tôi tin rằng lời cầu nguyện quan trọng và cùng nhau cầu nguyện mà không thảo luận, điều này trợ giúp. Đó sẽ là một cuộc gặp gỡ cầu nguyện: sẽ có một rabbi, một vị lãnh đạo hồi giáo và tôi. Tôi đã xin vị Quản thủ Thánh Địa tổ chức các điều này cho cụ thể một chút.

Thứ hai, xin cám ơn câu hỏi liên quan tới các người đã ly dị. Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ bàn về gia đình, về vấn đề của gia đình, các sự phong phú của gia đình, về tình trạng hiện nay của gia đình. Tài liệu trình bầy trước của Đức Hồng Y Kasper đã có 5 chương: 4 chương về gia đình, các hay đẹp của gia đình, nền tảng thần học, vài vấn đề gia đình; và chương 5 nói về mục vụ cho những người ly thân, việc tiêu hôn và các người ly dị. Trong vấn đề này cũng có việc rước lễ. Tôi không thích nghe nhiều người, kể cả các linh mục, nói: ”Ah, Thượng Hội Đồng Giám Mục cho các người ly dị rước lễ”. Và họ đi đến đó. Tôi đã nghe làm như thể là mọi chuyện được giản lược vào một trường hợp nghi nghĩa (Casistica). Nhưng mà không. Việc này tế nhị và rộng rãi hơn nhiều. Ngày nay chúng ta đều biết gia đình bị khủng hoảng, và nó là cuộc khủng hoảng toàn cầu. Người trẻ không muốn lập gia đình, hay không muốn lấy nhau, nhưng chung sống, hôn nhân bị khủng hoảng và gia đình bị khủng hoảng. Và tôi không muốn chúng ta rơi vào trường hợp nghi nghĩa này: ”có thể hay không có thể” . Vì thế tôi cám ơn chị đã đưa ra câu hỏi này, bởi vì nó cho tôi dịp giải thích vấn đề. Vấn đề mục vụ gia đình rất là rộng rãi. Và phải cứu xét từng trường hợp một. Có một điều đó là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ba lần đề cập tới những người ly dị, và người đã giúp tôi nhiều lắm. Một lần tại Alto Adige, một lần khác tại Milano, và lần thứ ba tôi không nhớ ở đâu, à, tại Hội nghị Hồng Y công khai để chỉ định các Tân Hồng Y, bởi vì hội nghị cuối cùng là hội nghị riêng nhằm duyệt xét các các tiến trình hủy bỏ hôn nhân, cho một ít người, xem xét niềm tin qua đó một người tiến tới hôn nhân và minh giải rằng các người ly dị không bị vạ tuyệt thông, nhưng biết bao lần họ bị đối xử như những người bị vạ tuyệt thông. Đây là vấn đề nghiêm trọng. Thượng Hội Đồng sẽ bàn về gia đình: các phong phú, các vấn đề của gia đình, các giải pháp, việc tiêu hôn. Cũng sẽ có vấn đề liên quan tới các người đã ly dị tái hôn. Trong tháng thứ hai triều đại của tôi Đức Cha Eterovic, thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã tới gặp tôi với ba đề tài mà Hội đồng hậu thượng hội đồng giám mục đề nghị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục tới. Đề nghị thứ nhất rất mạnh mẽ và tốt liên quan tới ”điều Chúa Giêsu Kitô đem tới cho con người ngày nay”. Nó tiếp tục Thượng Hội Đồng Giám Mục về rao giảng Tin Mừng. Tôi đã chấp nhận và chúng tôi đã thảo luận một chút về việc cải tổ phương pháp, và sau cùng tôi nói: ”Chúng ta hãy thêm vào một cái gì đó: điều Chúa Giêsu Kitô đem tới cho con người và gia đình ngày nay”. Thế rồi tôi đi tham dự phiên họp thứ nhất của hội đồng, tôi thấy người ta nói tới toàn đề tài, rồi từ từ người ta nói tới ”điều Chúa Giêsu Kitô đem tới cho gia đình” và ”Thượng Hội đồng giám Mục về gia đình” mà không nhận ra. Tôi chắc chắn là Thần Khí Chúa đã hướng dẫn chúng tôi chọn tựa đề này, bởi vì ngày nay gia đình cần các trợ giúp mục vụ. Chị Elisabetta, tôi không biết đã có giải thích rõ ràng một chút không?

Chúng ta còn vài người trong danh sách nhưng xin mời chị Philipine de Saint Pierre, tân giám đốc đài truyền hình công giáo Pháp, và chúng tôi cũng chúc mừng chị.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi của con cũng là của nhóm các nhà báo tiếng Pháp. Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết đâu là các chướng ngại cho việc cải tổ các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh Roma, và hôm nay chúng ta đang ở điểm nào rồi không?

Đáp: Mà chướng ngại đầu tiên là tôi đây chứ ai... Nhưng chúng ta ở điểm tốt, bởi vì tôi tin rằng tôi không nhớ ngày tháng nhưng ba tháng, phải ba tháng hay ít hơn, sau ngày tôi được bầu làm Giáo Hoàng đã có Hội đồng 8 Hồng Y được thành lập.

(Cha Lombardi nhắc ngài là một tháng).

À, một tháng sau khi được bầu. Rồi trong các ngày đầu tháng 7 chúng tôi đã họp nhau lần đầu tiên, và từ đó tới nay chúng tôi làm việc. Hội đồng làm việc gì? Hội đồng duyệt xét toàn Tông hiến ”Pastor Bonus” và các cơ quan Trung Ương Roma. Hội đồng đã tham khảo ý kiến với các Hội Đồng Giám Mục toàn thế giới, với tất cả các cơ quan trung ương Tòa Thánh và bắt đầu nghiên cứu vài điều. Điều này có thể làm như thế này điều kia làm như thế kia. Nhập vài cơ quan làm một để giảm nhẹ tổ chức ... Một trong những điểm chìa khóa đã là vấn đề kinh tế. Và cơ quan kinh tế sẽ trợ giúp rất nhiều. Nó phải làm việc với Phủ Quốc Vụ Khanh, bởi vì nó là một kết hợp. Mọi người làm việc với nhau. Vào tháng 7 tới chúng tôi có bốn ngày làm việc với Ủy ban này, rồi vào tháng 9, tôi tin vậy, sẽ có bốn ngày làm việc nữa. Người ta làm việc khá nhiều. Và người ta chưa trông thấy tất cả các kết qủa. Nhưng kết qủa kinh tế là kết qủa đầu tiên, bởi vì có vài vấn đề mà báo chí đã nói tới khá nhiều, và chúng tôi phải xem xét thấy chúng. Các chướng ngại là các chướng ngại bình thường của toàn tiến trình. Nghiên cứu con đường... Sự tin chắc rất là quan trọng. Đây là một công việc của sự tin chắc, của việc trợ giúp. Có vài người không trông thấy rõ vấn đề, nhưng mọi cải tổ đều tạo ra các điều này. Nhưng tôi hài lòng, thật sự hài lòng. Chúng tôi đã làm việc khá nhiều, và Ủy ban này trợ giúp chúng tôi biết bao.

Cha Lombardi đã chân thành cám ơn Đức Thánh Cha quá quảng đại, vì sau chuyến viếng thăm ngoại thường khiến mọi ngươi cản động như vậy, đã dành cho các nhà báo gần một giờ phỏng vấn. Cha cầu chúc cuộc gặp gỡ cầu nguyện do Đức Thánh Cha đề ra đem lại nhiều kết qủa và hòa bình trên thế giới mà mọi người mong ước. Đức Thánh Cha cám ơn các nhà báo về sự đồng hành và sự khoan dung. Và ngài xin họ cầu nguyện cho ngài, vì ngài cần nhiều lời cầu nguyện.

Linh Tiến Khải

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đức Thánh Cha họp báo trên chuyến bay trở về từ Thánh Địa


Đức Thánh Cha họp báo trên chuyến bay trở về từ Thánh Địa
WHĐ (27.05.2014) – Như đã hẹn với các phóng viên trước chuyến bay đến Jordan mở đầu cuộc tông du ba ngày đến Thánh Địa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các phóng viên một cuộc họp báo vào ngày 26-05 trong chuyến bay trở về Roma.
Dù đã trải qua một chương trình làm việc dày đặc suốt ba ngày ở Jordan, Palestin và Israel, Đức Thánh Cha vẫn đủ sức trả lời các câu hỏi của 70 phóng viên cùng đi, về nhiều đề tài, trong khoảng gần một giờ.
Đức Thánh Cha nói Giáo hội không được khoan nhượng với nạn các giáo sĩ lạm dụng tình dục, và cho biết ngài sẽ gặp các nạn nhân vào tuần tới, ngày 6-7 tháng Sáu, tại Nhà khách Santa Martha ở Vatican. Đức Thánh Cha ví nạn linh mục lạm dụng tình dục cũng như “cử hành Thánh lễ đen.
Khi được hỏi về các chuyến đi sắp tới, Đức Thánh Cha cho biết cũng như chuyến viếng thăm Hàn Quốc vào tháng Chín, ngài sẽ thực hiện chuyến tông du hai ngày đến Sri Lanka và Philippines vào tháng Giêng năm tới. Nhìn nhận rằng không chỉ châu Á mới thiếu tự do tôn giáo, Đức Thánh Cha nói chúng ta cần phải tiếp cận một số nơi cách cẩn trọng, đến và giúp đỡ họ, cầu nguyện nhiều cho các Giáo hội đang đau khổ... nhưng đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Đức Thánh Cha nói ngài cảm thấy ngày nay nhiều cuộc tử đạo hơn thời Giáo hội sơ khai.
Quay sang các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu mới đây, Đức Thánh Cha nói rằng ngài không biết nhiều về đề tài này, nhưng ngài than phiền về tỷ lệ sinh thấp ở châu Âu, nhất là ở Italia và Tây Ban Nha. Ngài nói về tình trạng người trẻ và người già bị “loại trừ” và chỉ trích tỷ lệ thất nghiệp cao ở châu lục này. Đó là một hệ thống kinh tế vô nhân đạo, chỉ nhắm đến tiền bạc, chứ không phải con người.
Khi được hỏi có bao giờ Đức Thánh Cha tính đến việc từ nhiệm không, ngài nói “tôi sẽ làm những gì Chúa bảo tôi làm, đồng thời cầu nguyện và cố gắng làm theo ý Chúa. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã mở ra khả năng ấy, nhưng “còn có ai làm như thế không thì chỉ có Chúa mới biết. Tôi tin rằng nếu một giám mục Roma thấy mình không còn đủ sức khoẻ, ngài phải tự hỏi mình những câu hỏi tương tự như Đức giáo hoàng Bênêđictô đã làm”.
Về vụ án phong chân phước cho Đức Piô XII, Đức Thánh Cha nói vì chưa có phép lạ được công nhận nên tiến trình đã ngưng lại”.
Trả lời câu hỏi về thái độ của Giáo hội đối với các tín hữu đã ly dị và tái hôn, Đức Thánh Cha nói Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới về gia đình sẽ không chỉ bàn đến một vấn đề này vì chủ đề về gia đình rất rộng lớn. “Điều tôi không thích là có nhiều người, cả trong Giáo hội cũng thế, nói rằng mục đích của Thượng Hội đồng nhằm cho phép những người ly dị tái hôn được rước lễ, như thể toàn bộ vấn đề chỉ gói gọn lại có thế”.
Đức Thánh Cha nói rằng việc lựa chọn chủ đề của Thượng Hội đồng là một “trải nghiệm thiêng liêng mạnh mẽ khi cuộc thảo luận “dần chuyển hướng sang gia đình. Đức Thánh Cha nói “chắc chắn Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn chúng tôi đến chỗ ấy”.
Đức Thánh Cha nói với các phóng viên: “cửa vẫn luôn mở cho việc chấm dứt luật buộc độc thân linh mục vì đó không phải là một tín điều, nhưng ngài đánh giá rất cao luật buộc này và tin rằng đó là món quà cho Giáo Hội.
Với những cáo buộc vi phạm tài chính tại Vatican, Đức Thánh Cha nói một cuộc điều tra về vụ biển thủ 15 triệu euro từ IOR (Ngân hàng Vatican) có thể xảy ra “vẫn còn đang được xem xét. Chúng ta là những người tội lỗi, chúng ta yếu đuối”. Văn phòng Kinh tế sẽ giúp ngăn ngừa các vụ bê bối và các vấn đề. Chẳng hạn, 1.600 tài khoản bất hợp pháp trong IOR đã bị phong toả.
Liên quan đến việc cải tổ Vatican và toàn thể Giáo triều Roma, Đức Thánh Cha nói: Con đường thuyết phục là rất quan trọng. Có một số người không hiểu. Nhưng tôi mừng là chúng tôi đã chịu khó làm việc.
Khi được hỏi về mối quan hệ Công giáo Chính Thống giáo, Đức Thánh Cha cho biết việc mừng lễ Phục Sinh vào hai ngày khác nhau trong Giáo hội Chính thống Giáo và Giáo hội Công giáo là “hơi kỳ cục” và ngài đã bàn về điểm này với Hội đồng Toàn Chính thống giáo và Đức Thượng phụ Bartholomaios vào cuối tuần qua. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự hiệp nhất “sẽ đến sau một quá trình” chứ không bao giờ có thể được tạo ra “ở một hội nghị thần học.
Về chuyến viếng thăm Thánh Địa, Đức Thánh Cha nói việc mời hai Tổng thống Palestin và Israel đến cầu nguyện Vatican là ý định tự phát của ngài. Hai vị muốn thực hiện việc này trong chuyến viếng thăm của tôi, nhưng rõ ràng không thể được. Mục đích của cuộc gặp gỡ là cầu nguyện, chứ không phải suy tư”.
Về tương lai của Giêrusalem, Đức Thánh Cha nói nó phải được giải quyết trong tinh thần huynh đệ và tin cậy lẫn nhau, theo con đường đàm phán. Đức Thánh Cha nói cần phải có can đảm và ngài cầu nguyện cho “hai vị Tổng thống này có can đảm để tiến hành”. “Giêrusalem phải là thành phố bình an của ba tôn giáo”.
 
Minh Đức