label

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

HÃY VUI MỪNG (30.1.2011 – Chúa nhật 4 Thường niên, Năm A)


HÃY VUI MỪNG
Lời Chúa: Mt 5, 1-12a
Thấy đám đông dân chúng, Ðức Giêsu lên núi.  Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa là gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”
Suy nim:
Ðời sống mỗi người đều có những chỗ khuyết, chỗ hụt,
những mất mát, yếu kém không thể bù đắp,
nên ở đời có vẻ chẳng ai được hạnh phúc trọn vẹn.
Ngay giữa lúc hạnh phúc nhất, cũng có điều làm bận lòng.
Trong bài giảng đầu tiên trên một ngọn núi,
Ðức Giêsu đã chỉ cho ta bí quyết để có hạnh phúc.
Hạnh phúc thực sự là quà tặng của Thiên Chúa,
nhưng con người cần sống tích cực để đón nhận.
Ðược Nước Trời, được Ðất Hứa, được thấy Thiên Chúa,
được Ngài ủi an, thương xót, và làm cho no thỏa:
những điều đó có nghĩa là sống thân tình với Ngài,
được vui hưởng hạnh phúc viên mãn của chính Thiên Chúa.
Chỉ nơi Ngài mới có hạnh phúc trọn vẹn, vững bền.
Con người chỉ có hạnh phúc khi gắn bó với Nguồn cội,
với Ðấng đã, đang và sẽ ban cho mình tất cả.
Nói cho cùng, người hạnh phúc là người biết mở ra,
mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.
Người có tâm hồn nghèo khó là người thật sự nghèo,
chẳng có nhiều của cải hay chỗ đứng trong xã hội.
Khi cảm nghiệm nỗi bất lực của mình,
họ khiêm tốn mở ra và phó thác cho duy Thiên Chúa.
Chính lúc đó họ thấy mình bình an, vững vàng.
Người khao khát trở nên công chính là người mong nên thánh.
Nên thánh là sống theo tinh thần của cả Bài Giảng trên Núi.
Nỗi khao khát không nguôi làm cho con người lớn lên.
Nỗi khao khát đào sâu, để con người chứa được nhiều.
Người sầu khổ về mọi mặt sẽ được hạnh phúc,
khi trong cơn đau, họ biết quay về với Thiên Chúa.
Phúc cho ai thấy đau khổ của mình có ý nghĩa:
đau khổ để đền tội, để phục vụ, để triển nở thiêng liêng.
Ngay cả đau khổ vô lý cũng làm ta gần Ðấng trên thập giá.
Người bị bách hại, lăng nhục, vu khống là người có phúc.
Ngay giữa ngặt nghèo họ vẫn cảm được niềm vui (Cv 5,41),
vì họ dám sống và dám chết cho Thầy Giêsu.
Người hiền lành là người có lòng nhân đối với người khác.
Họ học gương hiền lành của Thầy Giêsu (Mt 11,29),
không lấy oán báo oán khi mình bị xúc phạm (Mt 21,5).
Người có lòng thương xót là người biết mở ra để cảm thông,
đau nỗi đau người khác và chia sẻ những gì mình có.
Người có tâm hồn trong sạch là người ngay thẳng, thật thà,
không giả hình, nhưng làm với ý hướng trong sáng.
Chính sự trong sáng của thân xác và tâm hồn
sẽ làm người ấy dễ gặp được khuôn mặt Thiên Chúa.
Người xây dựng hoà bình là người gieo an hoà khắp nơi,
trong gia đình, ngoài xã hội và giữa các dân tộc.
Họ giải toả những bất đồng, tháo gỡ những tranh chấp.
Họ coi mọi người là anh em, con cùng một Cha.
Thời nào con người cũng lao đao đi tìm hạnh phúc.
Phúc cho ai không khép lại để tìm hạnh phúc cho mình,
nhưng biết mở ra để sống cho Chúa và tha nhân.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người - cũng như con -
đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Những năm Mão trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam



CHÚC MỪNG NĂM MỚI TÂN MÃO 2011:
Những năm Mão trong lịch sử Giáo Hội tại Việt NamWHĐ (29.1.2011) Nhân dịp Xuân về, trước thềm Năm mới Tân Mão 2011, WHĐ điểm lại một số sự kiện của lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam diễn ra trong các năm Mão, từ những ngày đầu tiên - khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên quê hương Việt Nam...  
Thế kỷ XVI
1591 – Tân Mão:
Cha Ordoñez de Cevallos dạy giáo lý và ban phép Thánh Tẩy cho công chúa Mai Hoa.
Thế kỷ XVII
1627 – Đinh Mão:
Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) ra Đàng Ngoài truyền giáo và từ Thanh Hóa lên Thăng Long yết kiến Chúa Trịnh Tráng.
1639 – Kỷ Mão:
Chúa Nguyễn Phúc Lan ra sắc chỉ cấm đạo.
1663 – Quý Mão:
Chúa Trịnh Tạc ra sắc chỉ cấm đạo.
Thế kỷ XVIII
1711 – Tân Mão:
Dòng Phanxicô trở lại hoạt động tại Ðàng Trong sau một thời gian tạm gián đoạn.
1795 – Ất Mão:
Nhà Tây Sơn liên tiếp ra hai sắc chỉ cấm đạo.
Thế kỷ XIX
1855 – Ất Mão:
– Vua Tự Đức ra sắc chỉ cấm đạo 1855 (trong tổng số 13 sắc chỉ).
– Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông), chết rũ tù ngày 15-07 tại Mỹ Tho, dưới đời vua Tự Ðức.
Thế kỷ XX
1939 – Kỷ Mão:
Phủ doãn Tông tòa Lạng Sơn được Tòa Thánh nâng lên hàng Giáo phận Tông tòa (ngày 11-07), và bổ nhiệm Ðức cha Felix Hedde (Minh) làm Đại diện Tông tòa.
1951 – Tân Mão:
– Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức làm Đại diện Tông tòa Giáo phận Vinh.
– Công đồng Đông Dương nhóm họp tại Hà Nội (từ ngày 5 đến 10-11-1951), dưới sự chủ tọa của Đức Khâm sứ Tòa Thánh John Dooley. Tham dự Công đồng có 13 giám mục của các giáo phận Việt Nam và Căm-bốt. Công đồng đã gửi Thư chung đến cộng đồng Dân Chúa, trong đó nhấn mạnh phải học hỏi Học thuyết xã hội của Hội Thánh và “đề phòng nạn cộng sản vô thần duy vật”.
– Ngày 29-04-1951, Ðức Piô XII tôn phong 25 vị tử đạo VN lên hàng Chân phước.
1963 – Quý Mão:
– Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Đà Nẵng và bổ nhiệm Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi là Giám mục tiên khởi.
– Tòa Thánh bổ nhiệm các Đức Giám mục: Ðức cha Phaolô Trần Ðình Nhiên (GM phó GP Vinh), Ðức cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn (TGP phó TGP Hà Nội), Đức cha Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng (GM GP Bắc Ninh).
1975 – Ất Mão:
– Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Phan Thiết (30-01) và đặt Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm Giám mục tiên khởi (được tấn phong ngày 5-04).
– Tòa Thánh bổ nhiệm các Đức Giám mục: Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm (ngày được bổ nhiệm: 17-03, GM GP Đà Lạt), Đức cha Alexis Phạm Văn Lộc (27-03, GM phó GP Kon Tum), Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (25-04, GM GP Nha Trang), Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (24-04, TGM phó TGP Sài Gòn), Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần (GM phó GP Long Xuyên), Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách (6-06, GM phó GP Đà Nẵng), Ðức cha Emmanuel Lê Phong Thuận (6-06, GM phó GP Cần Thơ), Đức cha Anrê Nguyễn Văn Nam (6-06, GM phó GP Mỹ Tho), Đức cha Phêrô Phạm Tần (được bổ nhiệm ngày 17-03-1959, được tấn phong ngày 22-06-1975, GM GP Thanh Hóa), Ðức cha Ðaminh Lê Hữu Cung (28-04, GM GP Bùi Chu), Ðức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật (16-06, GM phó GP Xuân Lộc), Ðức cha Raphael Nguyễn Văn Diệp (15-08, GM phó GP Vĩnh Long), Ðức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể (5-09, TGM phó TGP Huế).
– Tháng 8, Đức Khâm sứ Toà Thánh Henri Lemaître và các linh mục thừa sai ngoại quốc bị buộc rời khỏi Việt Nam.
– Các Giám mục miền Nam họp tại Trung tâm Công giáo (15-12).
1987 – Đinh Mão:
– Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn hoạt động trở lại sau 5 năm tạm ngưng (8-02). 
– Phái đoàn Giáo hội Chính thống Nga thăm TGP Sài Gòn (24-11).
1999 – Kỷ Mão:
– Tòa Thánh bổ nhiệm các Đức Giám mục: Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ (được Tòa Thánh bổ nhiệm ngày 5-11-1998, được Đức Gioan Phaolô II tấn phong ngày 6-01-1999 tại Rôma, GM GP Phú Cường), Ðức cha Phaolô Bùi Văn Ðọc (26-03, GM GP Mỹ Tho), Ðức cha Giuse Ngô Quang Kiệt (3-06, GM GP Lạng Sơn), Ðức cha Giuse Trần Xuân Tiếu (3-06, GM phó GP Long Xuyên), Ðức cha Phêrô Nguyễn Soạn (3-06, GM GP Quy Nhơn).
– Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 26 (ngày 19-04) về các hoạt động tôn giáo; dư luận các tôn giáo tỏ ý bất đồng.
– Phái đoàn Toà Thánh sang VN và làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ (từ 15 đến 19-3). 
– Lễ bế mạc Năm Toàn xá 200 năm Đức Mẹ La Vang và Đại hội hành hương lần thứ 25 tại Huế (từ 13 đến 15-8). 
– Phái đoàn Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ thăm Việt Nam. Phái đoàn do Đức TGM J.A. Fiorenza, Chủ tịch, dẫn đầu (từ 26-8 đến 2-9). 
– Hội đồng Giám mục VN họp thường niên tại Nha Trang (từ 11 đến 17-10). 
– Toạ đàm về Chữ Hiếu do Toà Tổng giám mục Huế tổ chức (từ 26 đến 29-10). 
– 25 giáo phận cử hành lễ Khai mạc Năm Thánh 2000 (25-12).

 
WHĐ

UB Giáo dân chúc mừng Năm mới




 
UB Giáo dân / HĐGMVN

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Họp mặt các dự tu dịp Tết Tân Mão 2011

HỌP MẶT CÁC DỰ TU
          Sáng thứ năm, ngày 27.01.2011 gần 300 chú dự tu đã tham dự buổi họp mặt cuối năm tại TGM.
          Trước thánh lễ, cha Giuse Trần Văn Toản, phụ trách dự tu, đã trình bày về sinh hoạt của các chú và cho biết hiện nay con số dự tu trung học khoảng 200 chú và dự tu đại học là 157 chú. Đại diện các chú đã chúc tuổi Đức Cha. Sau đó, Đức Cha đã ban huấn từ. Ngài rất vui mừng vì con số dự tu của giáo phận thật đông đảo, báo hiệu một mùa xuân đang đến cho giáo phận.
          Trong thánh lễ ngài đã liên kết nét của mùa xuân với nét đẹp của ơn gọi với ba điểm chính yếu, đó là tạ ơn và tạ tội, đón nhận và trao ban, đổi mới và hy vọng. Sau thánh lễ, ngài đã chụp hình lưu niệm với các chú trước khi dùng cơm trưa.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tại sao anh em sợ? (29.1.2011 – Thứ bảy Tuần 3 Thường niên)


Tại sao anh em sợ?
Lời Chúa: Mc 4, 35-41
Hôm ấy, khi chiều đến, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”  Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Ðức Giêsu đang ỏ đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?”  Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi ! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.  Rồi Người bảo các ông: “Tại sao anh em sợ? Anh em không có lòng tin sao?” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
Suy nim:
Chẳng hiểu tại sao lúc chiều xuống,
Đức Giêsu lại bảo các môn đệ đưa mình qua bờ phía đông của Biển hồ,
trên con thuyền mà Ngài ngồi giảng các dụ ngôn (Mc 4,1).
Do địa thế đặc biệt, hồ Galilê hay có những trận cuồng phong ập đến bất chợt,
tạo ra những cơn bão lớn trên sóng nước.
Tối hôm ấy, thầy trò đã gặp một cơn bão như vậy.
Thầy Giêsu phó thác mọi sự cho các môn đệ vốn là ngư phủ lành nghề.
Thầy mệt nên ngủ say ở đuôi thuyền, ngủ trên một cái gối.
Trong khi đó các môn đệ phải vật lộn với sóng gió, nước tràn đầy thuyền.
Họ có vẻ mất bình tĩnh khi thấy cơn giông bão không đánh thức Thầy được.
Chính họ đánh thức Thầy bằng một lời trách móc :
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?” (c.38).
Thầy Giêsu đã thức dậy, và đã làm cho biển lặng, gió yên.
Đời con người ai tránh được sóng gió bất chợt.
Nếu biết trước sẽ gặp sóng gió, ai dám vượt biến ban đêm.
Sóng gió xảy ra trong đời riêng của mỗi người, trong gia đình,
trong đất nước, trong Giáo Hội, trên thế giới.
Sóng gió làm ta thấy mình con thuyền đời mình chòng chành, mong manh,
và khiến ta sợ hãi, hoảng loạn.
Giữa cơn sóng gió có khi người tín hữu lại thấy Chúa lạnh lùng, vô cảm.
Như các môn đệ, chúng ta không hiểu tại sao Chúa có thể ngủ được
khi đời ta bị đe dọa bởi cuồng phong,
tại sao Chúa vắng mặt, thinh lặng và khoanh tay
vào lúc chúng ta cần đến Ngài hơn cả.
“Tại sao anh em sợ ? Anh em không có lòng tin sao?” (c.40).
Anh em không tin là Thầy đang ở trong cùng một con thuyền với anh em sao?
Lẽ ra chúng ta phải cảm thấy yên tâm
khi nhìn Chúa ngủ giấc ngủ tín thác của trẻ thơ ngay giữa cơn giông bão.
Nhìn Chúa ngủ bình an, chúng ta hiểu rằng chẳng có gì đáng sợ.
Vâng lời Chúa để qua bờ bên kia, và có Chúa trong con thuyền đời mình,
điều đó không làm chúng ta tránh được giông bão,
có khi lại gặp bão tố nhiều hơn.
Nhưng điều chắc chắn là chúng ta sẽ qua được bờ bên kia
với lòng tin được tôi luyện của người tín hữu dày dạn.
Chúng ta dám tin Chúa có quyền trên sóng gió của đời ta không?
Cầu nguyn:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Bông lúa trĩu hạt (28.1.2011 – Thứ sáu Tuần 3 Thường niên)

Bông lúa trĩu hạt
Lời Chúa: Mc 4, 26-34
Một hôm, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”
Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
Suy nim:
Một người có cái nhìn bi quan về Hội Thánh
chắc sẽ tìm được nhiều dữ kiện để chứng minh.
Tại một số nước phương Tây, có nhiều nhà thờ vắng người,
chủng viện thiếu chủng sinh, tập viện tạm đóng cửa.
Kitô hữu càng lúc càng chiếm tỉ lệ nhỏ
trong tổng số dân trên thế giới.
Có những khủng hoảng đức tin trong giới trẻ.
Người ta tự hỏi Hội Thánh đã lỗi thời chưa.
Có cần phải tin vào Ðức Kitô nữa không?
Vào thời thánh Máccô viết sách Tin Mừng,
cũng có những Kitô hữu bi quan về Hội Thánh.
Hội Thánh ở Rôma chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi
chịu bách hại dưới ách của bạo chúa Nêrô.
Liệu Hội Thánh có tồn tại và phát triển không
dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc?
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta niềm lạc quan.
Ðó là hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa,
cũng là hai dụ ngôn về hạt giống.
Trong dụ ngôn thứ nhất, hạt giống được gieo xuống đất
là bắt đầu nảy mầm và lớn lên,
theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi.
Trước hết mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng
và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt.
Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ.
Nó lớn lên cả đêm lẫn ngày,
chẳng cần con người can thiệp.
Có cái gì mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này
khiến chính người gieo cũng không sao hiểu nổi.
Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng,
hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.
Dụ ngôn thứ hai lại cho thấy một sự tương phản.
Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu,
vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây,
và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác.
Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất.
Nước Trời khởi đầu bằng Ðức Giêsu
và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới.
Sau hai mươi thế kỷ,
Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc.
Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung.
Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi.
Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất,
và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây.
Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái.
Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng.
Ðây là lúc ta phải sống niềm tin:
tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu,
bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người.
Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa,
dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Suy niệm lời Chúa (27.1.2011 – Thứ năm Tuần 3 Thường niên)

Đặt trên đế
Lời Chúa: Mc 4, 21-25
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? Vì chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà không phải là để đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe!” Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay gồm bốn câu có vẻ rời rạc
được Đức Giêsu nói trong những dịp khác nhau.
Thánh Máccô chia bốn câu này thành hai cặp (cc. 21-22 và 24b-25).
Trong mỗi cặp, câu thứ hai được nối với câu thứ nhất bằng chữ “vì”.
Đức Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của bốn câu nói trên
qua việc Ngài nhắc nhở ta phải nghe một cách nghiêm túc (cc. 23. 24a).
Thầy Giêsu vẫn quen giảng khởi đi từ những chuyện hàng ngày.
Thời xưa, khi chưa có điện, ngọn đèn dầu đem lại ánh sáng cho cả căn nhà.
Bởi vậy không thể nào hiểu được chuyện ai đó thắp đèn lên,
rồi lại đặt nó dưới cái thùng hay gầm giường.
Cứ sự thường phải đặt nó trên đế để soi sáng mọi sự.
Ngọn đèn  mà Thầy Giêsu nói ở đây có thể ám chỉ Tin Mừng của Ngài,
và cũng có thể ám chỉ chính Con Người của Ngài.
Tin Mừng ấy không được phép đem giấu đi,
nhưng phải được quảng bá và rao giảng.
Con Người Đức Giêsu không được che kín sau bức màn,
nhưng phải được từ từ vén mở cho mọi người thấy.
Trong sách Tin Mừng theo thánh Máccô, 
Đức Giêsu cấm các môn đệ không được nói với ai Ngài là Đức Kitô (8, 30),
vì chữ “Kitô” khiến người ta lầm tưởng Ngài sẽ đứng lên làm cách mạng.
Nhưng vào cuối đời, khi tay không đứng trước vị thượng tế (14, 61-62),
Đức Giêsu đã nhìn nhận tước vị này, vì nó không còn có thể bị hiểu lầm nữa.
Như thế, những gì được tạm thời che giấu, cuối cùng đã được tỏ lộ,
những gì bí ẩn đã được đưa ra ánh sáng (c. 22).
Đức Giêsu là Kitô, nhưng là một Kitô chịu đau khổ như Người Tôi Tớ (Is 53).
Cuộc đời người Kitô hữu, người đã lãnh nhận phép thanh tẩy,
cũng giống như ngọn đèn đã thắp sáng đặt trên đế.
Không được vì bất cứ lý do gì mà che giấu đi:
vì khiêm tốn không muốn cho ai thấy ánh sáng của mình,
hay vì không dám đương đầu với sức mạnh của bóng tối.
Thế giới hôm nay cần những ngọn đèn Kitô hữu.
Hai tỉ Kitô hữu làm nên hai tỉ ngọn đèn.
Ánh sáng bừng lên xua tan bóng tối của dối trá, hận thù, sa đọa.
Ánh sáng đem lại sự ấm áp của cảm thông, an bình và nâng đỡ.
Khi cảm nhận được ánh sáng, người ta sẽ nhận ra được Kitô hữu là ai.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì ?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa.
(Hélder Câmara)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Giáo phận Long Xuyên phong chức phó tế cho chín thầy

Phong chức Phó tế
     Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu năm mới dương lịch 2011, toàn thể Linh mục, tu sĩ và chủng sinh giáo phận Long Xuyên quy tụ về Tòa Giám Mục để mừng tuổi hai Đức Cha và chia vui với các Thầy Phó tế cùng gia đình trong Thánh lễ Phong chức Phó tế.
     Đúng 9g30, đoàn đồng tế tiến vào nhà nguyện Tôma. Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Giuse mời gọi cộng đoàn cùng tạ ơn Chúa vì năm thánh của Giáo phận vừa mới kết thúc, đồng thời cũng mời gọi cùng nhau đón nhận những hoa trái của Thánh Thần trong năm mới này như một Lễ Hiện Xuống mới, mà cụ thể là hôm nay giáo phận có thêm 9 Thầy Phó tế. Đức Cha hướng ý cộng đoàn trong thánh lễ này dâng lên Thiên Chúa những tân chức đây như là của lễ đầu năm mới. Xin Chúa cho các Thầy luôn hăng say và đầy lửa Thánh Thần trong tác vụ mới của mình.
     Sau phần giới thiệu và thẩm vấn các tân chức, Đức Cha nhắn nhủ với cộng đoàn dân Chúa về những trách nhiệm của các Thầy Phó tế khi được sai đến giữa cộng đoàn.
     Nghi thức phong chức diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và ấm cúng trong âm vang những bài thánh ca về đời tận hiến do các chú Tu sinh và các nữ tu đảm trách.
     Trước khi lãnh phép lành cuối lễ, Cha Tổng Đại diện Phê rô Lê Văn Kim đã thay lời cộng đoàn mừng tuổi hai Đức Cha cũng như mừng tuổi nhau trong năm mới. Sau đó, một Tân chức nói lên lời tri ân quý Đức Cha, quý Cha và mọi người đã nâng đỡ và khích lệ quý Thầy trong suốt quãng đường theo đuổi ơn gọi.
     Sau Thánh lễ, mọi người cũng chia sẻ niềm vui trong bữa cơm đơn sơ tại nhà cơm Tòa Giám mục.
     Nguyện xin Chúa là Mùa Xuân bất tận ban phúc lành cho giáo phận trong năm mới, có thêm nhiều hoa trái thiêng liêng, nhất là những hoa trái của công trình truyền giáo trong Chúa Thánh Thần.

 
   
 
 

Suy niệm lời Chúa (26.1.2011 – Thứ tư Tuần 3 Thường niên – Thánh Timôthêô và thánh Titô, giám mục)


Đặc sủng của Thiên Chúa
Lời Chúa: 2Tm 1, 1-8
Tôi là Phaolô, tông đồ của Ðức Kitô Giêsu, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Ðức Kitô Giêsu, gửi anh Timôthê, người con yêu dấu. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.
Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên; tôi tạ ơn Người khi tôi nhắc nhở đến anh không ngừng, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày. Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui. Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lôít, bà ngoại anh, nơi bà Êunikê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy.
Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
Suy nim:
Khi xa nhau, nhớ nhau, người ta thường viết thư cho nhau.
Ngày xưa phải mất nhiều thời gian một lá thư mới đến tay người nhận.
Nhưng nhận được lá thư từ xa thì thật là hạnh phúc.
Có lẽ thánh Phaolô đã viết thư này cho anh Timôthê
khi ngài đang ngồi tù tại Rôma, vào những năm cuối đời.
Ngài viết trong thư như sau: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế,
đã đến giờ tôi phải ra đi” (2 Tm 4, 6).
Ngài còn viết: “Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ,
tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi” (2 Tm 2, 9).
Nếu đúng thế, thì lá thư này là một thứ di chúc để lại cho Timôthê,
người môn đệ, bạn đồng hành mà ngài gọi là người con yêu dấu (c. 2).
Đọc những câu đầu của lá thư,
chúng ta thấy tình cảm gắn bó của Phaolô đối với Timôthê,
người mà ngày đêm ngài luôn nhớ đến trong lời cầu nguyện (c. 3).
Phaolô cũng nhớ những giọt nước mắt lúc chia tay của Timôthê (c. 4),
lúc anh vâng lời ở lại Êphêsô, còn Phaolô tiếp tục hành trình (1 Tm 1, 3).
Phaolô vẫn không quên truyền thống đức tin nơi gia đình của anh.
Đức tin được thông chuyển đến Timôthê qua mẹ và bà ngoại.
Tên của hai phụ nữ này Phaolô còn giữ trong ký ức (c. 5).
Xem ra chưa phai mờ bao kỷ niệm thời Timôthê đi chung với Phaolô
trong những cuộc hành trình truyền giáo (Cv 16, 1-4; 19, 22).
Chia sẻ bao buồn vui, nhọc nhằn và nguy hiểm, trên đất liền và biển cả,
Phaolô và Timôthê trở thành những người bạn thân thiết cho sứ mạng.
Khi viết thư cho Timôthê trong vai trò một người giám quản,
phụ trách cộng đoàn Kitô hữu ở Êphêsô,
Phaolô muốn nâng đỡ Timôthê trong lúc anh đang gặp khó khăn.
Có vẻ anh muốn chùn bước trước những người dạy giáo lý sai lạc.
Phaolô đụng ngay vào tính nhút nhát của anh khi nhắc nhở:
“Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một tinh thần nhút nhát,
nhưng một tinh thần mạnh mẽ, yêu thương và tự chủ” (c. 7).
Timôthê cần vượt lên trên sự xấu hổ để làm chứng cho Chúa,
dám chia sẻ sự gian khó để loan báo Tin Mừng (c. 8).
Có một ngọn lửa nào cần khơi dậy nơi Timôthê.
Đối với Phaolô ngọn lửa ấy chính là đặc sủng của Thiên Chúa,
đặc sủng mà Timôthê nhận được khi Phaolô đặt tay trên anh (c. 6),
khi hàng kỳ mục ở Êphêsô đặt tay trên anh (1 Tm 4,14).
Timôthê đã được thụ phong rồi, ngọn lửa đã bừng sáng.
Không thể để khó khăn, nguy hiểm nào làm nó tắt được.
Mừng lễ hai thánh Timôthê và Titô, hai phụ tá của thánh Phaolô,
chúng ta cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo Hội trên thế giới.
Khi “dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa” (c. 8),
chúng ta sẽ ra khỏi sự nhút nhát và xấu hổ, sợ hãi và lo âu của mình,
để làm chứng cho Chúa trong một thế giới đầy rối ren và phức tạp.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái tim Chúa,
ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày,
nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau,
và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ
mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng
của những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành
để hết lòng phụng sự Nước Chúa,
lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa
để chúng con đi khắp địa cầu
loan báo về Tình yêu và gieo rắc Tình yêu khắp nơi. Amen.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Con phải làm gì? (25.1.2011 – Thứ ba – Thánh Phaolô tông đồ trở lại)


Con phải làm gì?
Lời Chúa: Cv 22, 3-16
Thưa anh em, tôi là người Do Thái, sinh ở Tácxô miền Kilikia, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Gamaliên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ Ðạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Ðạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thuợng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Ðamát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị.
Ðang khi tôi đi đường và đến gần Ðamát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người nói với tôi: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ.” Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Ðấng đang nói với tôi. Tôi nói: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa bảo tôi: “Hãy đứng dậy, đi vào Ðamát, ở đó người ta sẽ nói cho con biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho con phải làm.” Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Ðamát.
Ở đó, có ông Khanania, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do Thái ở Ðamát chứng nhận là tốt. Ông đến, đứng bên tôi và nói: “Anh Saun, anh thấy lại đi!” Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. Ông nói: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Ðấng ấy phán ra. Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Ðấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tôi lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”
Suy nim:
Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ lạ lùng
giữa Đức Giêsu Nadarét với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu.
Chính Ngài muốn gặp anh trên con đường anh đang đi.
Dưới mắt Saun, Kitô hữu là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống,
để chạy theo một tà phái của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh.
Trong tư cách là một người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c. 3),
Sa-un thấy mình có bổn phận phải trừng trị những kẻ phản đạo,
bằng cách bắt bớ, xiềng xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5).
Chính lúc đang say sưa đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã.
Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời anh từ nay giở sang một trang mới.
Khi anh đang tự tin và hiên ngang tiến bước,
thì ánh sáng chói lòa từ trời làm anh ngã quỵ (c. 7).
Khi Saun nghĩ mình là người sáng mắt,
thì ngay giữa trưa, anh trở nên mù lòa (c. 11).
Khi anh định chỉ đạo cho những kẻ lầm đường lạc lối,
thì bây giờ anh lại cần một người cầm tay dắt đi (c. 11).
Cuộc đối thoại bắt đầu giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói.
Ngài âu yếm gọi tên anh hai lần và tự giới thiệu:
“Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?
Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8).
Bắt bớ các Kitô hữu là bắt bớ chính Đức Giêsu.
Đức Giêsu và các Kitô hữu là một.
Bài học đầu tiên này Saun sẽ chẳng thể nào quên.
“Lạy Chúa, con phải làm gì?” (c. 10).
Lần đầu tiên Saun gọi người mà anh không hề tin là Chúa.
Khi tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Chúa,
anh lập tức phó thác cho Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm.
Nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã không nói gì.
Ngài trao anh cho ông Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu.
Chính ông này cho mắt anh thấy lại và cho anh biết
anh được chọn để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người.
Đamát là nơi Đức Giêsu tỏ mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô,
là nơi ông nghe tiếng gọi trở nên tông đồ cho dân Ngoại,
và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc hoán cải tận căn của ông.
Chính mặc khải của Đấng phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải.
Từ nay cuộc đời của Phaolô đi sang một hướng mới.
Giêsu đã trở nên trung tâm của đời ông.
“Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Ph 3, 8).
Biến cố trên đường đi Đamát đã chia đời ông làm hai.
“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua,
để lao mình về phía trước” (Ph 3, 13).
Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô:
ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải.
Như Phaolô, mong chúng ta để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình,
và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho thế giới.
Cầu nguyn:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Kitô giáo trong thế giới hôm nay



Kitô giáo trong thế giới hôm nay
Trên Internet, tôi đọc một đoạn tin mà tôi cho là thật khó tin.
Một Ủy ban của Cộng đồng châu Âu đã in ra hơn ba triệu cuốn Agenda (Sổ tay), để phân phát cho học sinh các trường trung học của Liên Hiệp Châu Âu, trong đó hoàn toàn không nhắc tới các ngày lễ của Kitô giáo, kể cả lễ Giáng Sinh, thế nhưng các lễ của Do Thái giáo, đạo Hinđu (Ấn Độ), đạo người Sikhs và Hồi giáo thì lại được ghi đầy đủ. Tất nhiên một hành động như thế đã gây ngạc nhiên và thậm chí phẩn nộ trong quần chúng.
Mối thù ghét khó hiểu đối với Kitô giáo
Người ta hoàn toàn có lý khi nói tới một nỗi thù ghét Kitô giáo rất vô lối và vô lý tại châu Âu hiện nay. Người châu Âu lớn tiếng lên án chủ trương bài Do Thái (Antisemitism) và bài Hồi giáo (Islamophoby), và như thế là đúng, trong lúc chính họ lại chống Kitô giáo là đạo đã làm nên nền văn hoá của mình. Ít lâu nay, Đức Thánh Cha thường nói tới thái độ thù ghét này đối với Kitô giáo, (Christianophoby), được biểu lộ ra bằng nhiều cách. Chủ trương này không phải là nguyện vọng chung của quần chúng châu Âu mà do một số nhà chính trị và nhà hoạt động truyền thông tạo ra và tìm cách áp đặt trên dư luận.
Tìm cách xoá bỏ các dấu tích Kitô giáo trong xã hội
Câu chuyện thời sự về những cuốn sổ tay (Agenda) gợi cho tôi nhớ lại cuộc tranh luận chung quanh việc treo tượng thánh giá trong trường học tại Ý cách đây chỉ mấy năm. Đầu đuôi là do bà Lautzi, một phụ huynh học sinh phản đối nhà nước Ý và đòi phải cất các tượng thánh giá ra khỏi các phòng học của trường công, nơi các con bà theo học. Bà đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng quyền của người công dân “được học hành và giáo dục phù hợp với những xác tín tôn giáo và triết lý của họ”, và trong trường hợp này, là sự tôn trọng tính trần tục của nhà nước. Chính quyền Ý coi tượng thánh giá trong các trường học không phải là một biểu lộ của niềm tin tôn giáo nhưng là một biểu thị văn hoá, vì Kitô giáo chiếm một vị trí rất đặc biệt trong văn hoá và lịch sử của nước Ý. Vì các toà án trong nước từ chối lời khiếu nại của bà, nên bà Lautzi đã nại lên Toà án châu Âu về Nhân quyền tại Strasbourg (Pháp). Toà án xét xử cho bà thắng kiện. Nhà nước Ý khiếu nại. Nhưng trong thực tế, phán quyết này đã bị từ chối bởi hầu hết mọi người khuynh hữu cũng như khuynh tả trong một nước vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo công giáo. Một số nước, bắt đầu là Ba Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, rồi 10 quốc gia khác cũng như một số tổ chức tôn giáo và ba mươi dân biểu của Quốc hội châu Âu đã lên tiếng ủng hộ chính phủ Ý.
Tranh cãi liên quan tới Kitô giáo trong Hiến chương châu Âu
Cũng chưa xa chúng ta bao nhiêu, trong cuộc tranh luận gay gắt ở châu Âu liên quan đến nội dung của Lời mở đầu của Hiến chương Liên hiệp châu Âu, đại diện chính quyền Pháp cũng nhất định chống lại việc nhắc tới Kitô giáo như yếu tố cốt yếu và tiêu biểu tạo nên văn hoá châu Âu. Họ bảo: Tây phương còn chịu ảnh hưởng của những tôn giáo khác như Do Thái giáo, Hồi giáo, và những nền văn hoá Hy Lạp, La Mã, celtic, slave. Đúng thế, nhưng không thể chối cãi rằng tất cả đã được tiếp thu, nhào nặn bởi Kitô giáo là nguyên lý sáng tạo, khiến cho văn hoá châu Âu mang một nét riêng tư độc đáo. Ngay cả phong trào Khai Sáng thế kỷ XVIII đề cao tự do, dân chủ, nhân vị, nhân quyền, v.v. mà nước Pháp rất hãnh diện, cũng vẫn còn gián tiếp chịu ảnh hưởng của di sản Kitô giáo bởi vì nếu không có Kitô giáo thì cũng không có những giá trị mới mẻ hiện đại kia. Cũng vậy, khoa học kỹ thuật tuy vẫn có nhiều ít nơi nhiều nền văn minh khác, nhưng cũng chỉ được phát triển quy mô và triệt để ở châu Âu Kitô giáo mà thôi. Nói như thế là để cho thấy vai trò đặc biệt của Kitô giáo đối với văn minh này. Tuy nhiên, sau nhiều tranh luận sôi nổi, cuối cùng người ta đã đi tới một sự thoả hiệp. Lời mở đầu của Hiến Chương Liên hiệp châu Âu hiện nay quy chiếu về “những di sản văn hoá, tôn giáo và nhân văn của châu Âu”. Danh từ “tôn giáo” được sử dụng thay cho “Kitô giáo”. Một thắng lợi đặc biệt của người Pháp.
Thái độ hai mặt
Trong thái độ của giới chính trị và truyền thông hiện nay, rõ ràng có sự kỳ thị đối với Kitô giáo. Hằng ngày, nhiều nơi trên thế giới người Kitô hữu bị đe doạ, bị đàn áp, bị bắt bớ, bị chém giết; nhà cửa họ, nhà thờ họ bị đốt phá. Bi đát nhất có lẽ là thiểu số người Kitô hữu ở Irak; những nhóm khủng bố làm mọi cách, kể cả chém giết để buộc họ phải rời đất nước ra đi. Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy nói tới một sự “thanh lọc tôn giáo”. Ở Pakistan, có luật chống xúc phạm tới nhà tiên tri Mohammed, tới Kinh Koran, thậm chí tới các nhà lãnh đạo Hồi giáo; những ai phạm luật này đều bị phạt hết sức nặng nề, không loại trừ bị xử tử. Bất cứ ai nghe một lời xúc phạm tới Hồi giáo đều có thể đến bót cảnh sát gần nhất và tố cáo. Nhưng ngay cả khi, trong một cuộc cãi vã giữa một người Hồi giáo và một người khác, người này nói xúc phạm tới người kia, người Hồi giáo vẫn có thể tố cáo họ về tội “phạm thánh” (blasphemy) –thật ra là vu cáo– và cảnh sát có quyền bắt họ nhốt ngay. Một vài nước còn có luật chống cải giáo (anti-conversion), theo nghĩa chính xác là cấm bỏ đạo mình đang theo để gia nhập một đạo khác, nhưng trong thực tế, luật này chỉ cấm người Hồi giáo hay người đạo Hinđu cải đạo mà thôi, đàng khác nó còn nhắm tới mọi hoạt động truyền giáo hoặc bị coi là truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp của các tôn giáo khác (thường nhằm vào Kitô giáo) đối với tín đồ Hồi giáo và đạo Hinđu (Ấn Độ).
Tât cả những sự kiện nêu trên đều là vi phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Nhưng lạ thay, hầu hết các chính phủ đều im lặng. Giả sử đó là tình cảnh của một thiểu số tín đồ Hồi giáo hay tín đồ của một tôn giáo khác trong một nước đa số theo Kitô giáo, chắc chắn các chính khách và giới truyền thông châu Âu đã làm ầm ĩ lên rồi. Thái độ hai mặt này mang tính chính trị hay ý thức hệ, chứ không liên quan tới lương tâm đạo đức muốn bảo vệ công lý.
Sứ điệp ngày hoà bình thế giới 1-1-2011
Chúng ta phải đọc và hiểu Sứ điệp của ĐGH Bênêđictô XVI “Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hoà bình” nhân ngày hoà bình thế giới 1-1-2011, trong bối cảnh tự do tôn giáo bị vi phạm nói trên. Ngay trong đoạn mở đầu Sứ điệp, Đức Thánh Cha viết:
Vào đầu Năm Mới, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến tất cả mọi người và từng người; những lời cầu chúc khang an và thịnh vượng, nhưng nhất là lời cầu chúc an bình. Đáng tiếc là trong năm sắp chấm dứt cũng đã có những cuộc bách hại, kỳ thị và những hành vi kinh khủng bạo lực và bất bao dung về tôn giáo”. Rồi Đức Thánh Cha nhắc tới hai loại vi phạm tự do tôn giáo phổ biến hiện nay: “Thật là đau lòng khi nhận thấy tại một số miền trên thế giới người ta không thể tuyên xưng và tự do biểu lộ tôn giáo của mình, vì có nguy cơ bị mất mạng và mất tự do bản thân. Tại các miền khác, có những hình thức âm thầm và tinh vi hơn qua những thành kiến và chống đối các tín hữu và các biểu tượng tôn giáo ” (số 1). Những miền trên thế giới tại đó người Kitô hữu có nguy cơ mất mạng, đó là những nước Pakistan, Irak, Nigeria, Ai Cập (mới đây), Ấn Độ …; còn những nơi Kitô giáo bị kỳ thị và chống đối cách tinh vi nhưng cũng rất nguy hại dù không có đổ máu, đó là nhiều nước phương Tây vốn là những nước Kitô giáo kỳ cựu. Đức Thánh Cha nhắc lại: Tự do tôn giáo có cội nguồn là phẩm giá con người, là bản tính siêu việt của con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Vi phạm quyền tự do tôn giáo là vi phạm nhân quyền. Tự do tôn giáo không giới hạn vào cá nhân mà còn có chiều kích xã hội, nó cũng không thu hẹp vào tự do phụng tự nhưng còn liên quan tới các hoạt động khác của tín hữu và tổ chức tôn giáo trong xã hội. Các cộng đoàn tôn giáo đóng góp không nhỏ cho công ích, đó là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt nên nói tới đóng góp của tôn giáo về mặt luân lý đạo đức trong lãnh vực chính trị. Đức Bênêđitô khẳng định:
 Ta có thể nói rằng, trong số các quyền và tự do cơ bản có căn cội trong phẩm giá con người, tự do tôn giáo có một qui chế đặc biệt. Khi tự do tôn giáo được nhìn nhận, thì phẩm giá con người được tôn trọng trong căn cội của nó và luân lý cũng như các định chế của các dân tộc được củng cố. Trái lại, khi tự do tôn giáo bị chối bỏ, khi người ta toan tính ngăn cản việc tuyên xưng tôn giáo hoặc tín ngưỡng và cuộc sống phù hợp với tôn giáo, thì người ta xúc phạm đến phẩm giá con người, và đồng thời đe dọa công lý và hòa bình, là những điều dựa trên trật tự ngay thẳng của xã hội được xây dựng dưới ánh sáng của Sự Thật và Sự Thiện Tối Cao” (số 5).
Xét cho cùng, vai trò thiết yếu của tôn giáo đối với đời sống con người, cá nhân cũng như tập thể, nằm trong lãnh vực luân lý đạo đức. Cả trong những trường hợp nó không được phép hoạt động trong phạm vi giáo dục, văn hoá và xã hội, một tôn giáo chân chính vẫn hữu ích cho cộng đồng như một “uy quyền” luân lý bảo vệ sự thiện, sự thật và nhân phẩm, và hướng dẫn tín đồ ăn ngay ở lành và trở nên người công dân tốt. Phải chăng chính là trong vai trò bảo vệ sự thật và sự thiện này mà Kitô giáo thường bị con người thời nay ghét bỏ vì họ có một quan niệm khác về tự do, chân lý và sự thiện?
19-1-2011
 
 
Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM