label

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Họp mặt tu sĩ giáo phận Long Xuyên
Gần 200 tu sĩ thuộc 25 dòng tu, tu hội, tu đoàn trong Giáo phận đã tụ họp về Toà Giám Mục để tham dự Ngày Họp Mặt từ lúc 8 giờ đến 14 giờ, ngày 26/1/2013. UB Tu sĩ tổ chức ngày họp mặt này để chúc Tết Quí Đức Cha và cũng là dịp để các tu sĩ trong Giáo phận gặp gỡ và chúc Tết nhau. Đây cũng là dịp để các tu sĩ học hỏi, chia sẻ và trao đổi về đề tài: Củng cố Đức Tin, sống Đức Tin và Rao Truyền Đức Tin. Ngoài ra, giới tu sĩ cũng được cha Phêrô Phạm Minh Tâm, Trưởng ban Phụng Tự và Nghệ Thuật Thánh của Giáo phận, giúp đào sâu về đề tài: Thừa Tác Viên Ngoại Lệ Trao Mình Thánh Chúa.
Đức Cha Giuse đã cảm ơn sự hiện diện và phục vụ của giới Tu sĩ trong Giáo phận. Ngài nhắn nhủ các tu sĩ luôn trung thành với sứ vụ của dòng mình, đồng thời tích cực xây dựng Giáo hội địa phương trong tinh thần tham gia và hiệp thông.
Trước khi chia tay, các tu sĩ đã tham dự giờ Chầu Thánh Thể, cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa và xin Chúa chúc lành cho năm mới với quyết tâm sống yêu thương và phục vụ Chúa trong mọi người.
                                                                                                Lm. GB. Trần Hữu Hạnh

 
 
 
 

Giáo phận Vĩnh Long: Cáo phó: Đức giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu đã an nghỉ trong Chúa



TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3 tháng 2 
Vĩnh Long, Việt Nam
 
“Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)
CÁO PHÓ
Tòa Giám Mục Vĩnh Long
trân trọng báo tin:
 
ĐỨC CHA GIACÔBÊ NGUYỄN VĂN MẦU
Nguyên Giám mục giáo phận Vĩnh Long
 Khẩu hiệu: Amor et Labor (Yêu Thương và Lao Khổ)
Sinh ngày 21 tháng 01 năm 1914 tại Bà Rịa Vũng Tàu
Nhập chủng viện Thánh Giuse năm 12 tuổi (1926)
Thụ phong linh mục ngày 21 tháng 09 năm 1940
Sau khi thụ phong linh mục, ngài dấn thân vào việc mục vụ giáo xứ cùng khắp giáo phận Sài Gòn, lúc đó bao trùm cả Đà Lạt, Xuân Lộc, Mỹ Tho và Vĩnh Long:
– Lương Hòa Thượng (1940),
– Bến Gỗ (1943),
– Cái Thia, Cái Sao, Cái Bèo, Mỹ Lợi (cho đến 1947),
– Côn Đảo (1948),
– Bảo Lộc (1949),
– Đơn Dương, Cầu Đất, Lạc Lâm, Bắc Hội (1950),
– Vũng Tàu (1953),
– Chợ Quán (1960). Trong thời gian đó, ngài còn làm bề trên nhà phước Chợ Quán và làm Giáo sư Đại Chủng viện.
 – Từ năm 1966, cha làm Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse cho đến ngày 12/07/1968, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Vĩnh Long.
Ngày 12/09/1968 ngài được tấn phong bởi Đức Khâm sứ Angelo Palmas với hai vị phụ phong là Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, tại Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn.  
Sau đó, ngài nhận Giáo phận Vĩnh Long ngày 19 tháng 09 năm 1968. 
Ngày 03 tháng 07 năm 2001, Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu được toà Thánh chấp thuận cho nghỉ hưu vào tuổi 87, sau 33 năm làm Giám mục Giáo phận Vĩnh Long. Ngài trao giáo phận lại  cho người kế vị là Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân.
đã an nghỉ trong Chúa
lúc 03 giờ sáng, thứ Năm, ngày 31 tháng 01 năm 2013,
hưởng thọ 99 tuổi, với 73 năm linh mục và 45 năm giám mục.
– Linh cữu Đức cha Giacôbê được quàn tại Nhà thờ chính toà Vĩnh Long. 
– Nghi thức tẩn liệm vào lúc 16 giờ 30, thứ Năm ngày 31/01/2013
– Thánh lễ An táng sẽ được cử hành vào lúc 10 giờ 00, sáng Thứ Hai 04.02.2013,  
Ngài sẽ an nghỉ nơi phần mộ tại khuôn viên Nhà thờ chính toà Vĩnh Long.
Xin hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Đức cha Giacôbê.
 
 
Tòa giám mục Vĩnh Long

Nền ngoại giao của Tòa Thánh trước những căng thẳng hiện nay trên thế giới


Nền ngoại giao của Tòa Thánh trước những căng thẳng hiện nay trên thế giới
WHĐ (31.01.2013) Frédéric Mounier, cây bút xã luận của báo La-Croix (Pháp), ngày 28-01 vừa qua đã viết bài “Sur le terrain, les tensions mettent au défi la diplomatie vaticane” (tạm dịch: Những căng thẳng hiện đang đặt thách thức cho chính sách ngoại giao của Vatican).
Bài viết trình bày nhận định và suy nghĩ của tác giả, một nhà báo bám sát các hoạt động đối ngoại của Tòa Thánh, về sự linh hoạt trong việc thực thi những nguyên tắc ngoại giao nhất quán của Vatican trước những xung đột chính trị, ngoại giao, và cả quân sự tại nhiều nơi hiện nay trên thế giới.
Sau đây là toàn văn bài viết.
* * *
Tòa Thánh đã từng nêu rõ quan điểm của mình về ngoại giao: mọi lúc, mọi nơi đều ủng hộ những sáng kiến nhằm thực hiện việc đối thoại, hòa giải, tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, nhân quyền (quyền chủ yếu nhất là tự do tôn giáo) và dân chủ.
Tất nhiên, từ nguyên tắc đến thực hiện, là cả một bước dài, không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm –như những liên hệ với Bắc Kinh (hoặc với Hà Nội)– thì cuộc đối thoại với Hồi giáo, những sáng kiến hòa bình cho vùng Trung Đông đều gặp những phản ứng trong thực tế.
Tại sao lại chìa tay cho nhà cầm quyền Trung quốc hoặc Việt Nam trong khi các tín hữu vẫn còn bị kiểm soát gắt gao? Tại sao, ở Vienne, lại cùng Ả rập Saudi thành lập trung tâm đối thoại liên tôn, trong khi Hoàng gia Wahabi coi lãnh thổ của mình như một đền thờ và tuyệt đối không cho bất kỳ tôn giáo nào khác được thực thi tín ngưỡng? Tại sao lại kêu gọi hòa giải tại Syria, trong khi việc hòa giải chỉ còn là một ảo tưởng và không gì bảo đảm các Kitô hữu được tôn trọng trong một nước Syria mới?
Những căng thẳng này xuất hiện nhiều nơi, về nhiều vấn đề.
Mới đây, tôi (Frédéric Mounier) được nghe hai quan chức cao cấp tại Giáo triều Rôma, không nêu danh tánh, phát biểu triệt để chống lại khả năng về một cuộc đối thoại với Hồi giáo. Một vị bảo đừng có tin, vị kia nói phải đề phòng tham vọng bá quyền Hồi giáo.
Đối với tôi (Frédéric Mounier), sự căng thẳng này luôn gắn với một tổ chức mang tính toàn cầu, có trách nhiệm đối với hơn một tỉ tín hữu trên một hành tinh đang bị giằng xé bởi những căng thẳng và những phát triển chưa từng thấy.
Mang Tin Mừng cao cả, Giáo hội thấy mình phải đưa ra lời minh định rõ rệt nhất về những nguyên tắc tối cao, nhất là khi Giáo hội, trong thực tế, bị đưa vào những cám dỗ của đám ma quỷ lâu đời: cuộc thập tự chinh, sự va chạm của các nền văn minh, thói ăn miếng trả miếng…

 
Thành Thi chuyển ngữ

Tin Thiên Chúa là Cha toàn năng là tin nơi quyền năng tình yêu thương cứu độ của Người



Khi chúng ta nói ”Tôi tin nơi Thiên Chúa toàn năng” là chúng ta diễn tả niềm tin của mình nơi quyền năng tình yêu thương của Thiện Chúa, là Đấng nơi Người Con chết và phục sinh của Người đã đánh bại thù hận, sự dữ, tội lỗi và mở ra cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, cuộc sống của con cái ước mong luôn mãi được ở trong ”Nhà Cha”.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 30-1-2013.

Trong số các phái đoàn hiện diện có một nhóm 12 chị Việt Nam thuộc tu hội ”Nước Hằng Sống” Bỉ mặc áo dài. Trong bài huấn dụ ngài đã suy tư về lời tuyên xưng đầu tiên trong Kinh Tin Kính ”Tôi tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng”. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Ngày nay nói về chức làm cha thật không luôn luôn dễ dàng. Nhất là trong thế giới Tây phương, nơi có nhiều yếu tố có thể ngăn cản một tương quan an bình và xây dựng giữa các người cha và con cái như cảnh các gia đình bị tan rã, các dấn thân của công việc ngày càng thu hút, các lo lắng và thường khi sự mệt mỏi phải quân bình các chi tiêu trong gia đình, sự xâm lấn của các phương tiện truyền thông trong cuộc sống thường ngày của gia đình.

Đôi khi việc truyền thông trở thành khó khăn, sự tin tưởng giảm sút và tương quan với gương mặt người cha có thể gặp vấn đề; và cả hình ảnh về Thiên Chúa như một người cha cũng trở thành vấn đề, vì không có các mô thức quy chiếu. Đối với ai đã có kinh nghiệm về một người cha qúa quyền bính và cứng cỏi, hay lãnh đạm và ít trìu mến hoặc còn vắng bóng, thì không dễ mà thanh thản nghĩ tới Thiên Chúa như một người Cha và tín thác nơi Người.

Nhưng mạc khải kinh thánh, đặc biệt là Tân Ước, giúp chúng ta thắng vượt được các khó khăn này, khi giới thiệu với chúng ta Thiên Chúa là Cha, Đấng yêu thương loài người đến độ ban chính Con của Người cho ơn cứu rỗi của nhân loại. Trong các giáo huấn của Người Đức Giêsu cho chúng ta hiểu biết một chút về gương mặt và tình yêu thương hiền phụ của Thiên Chúa, là Đấng vô cùng cao cả hơn, trung tín hơn và toàn vẹn hơn bất cứ người cha nào.

Khi chỉ cho các môn đệ gương mặt của Chúa Cha, Đức Giêsu nói: ”Có người nào trong các con khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc khi nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu các con vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha các con, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những ai kêu xin Người sao?” (Mt 7,9-11; x. Lc 11,11-13).

Thiên Chúa là Cha bởi vì Người đã chúc phúc cho chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ (x. Ep 1,3-6) và cho chúng ta được trở thành con cái của Người trong Đức Giêsu (x. Ga 3,1). Và như là Cha, Thiên Chúa đồng hành với tình yêu trong cuộc sống chúng ta, bằng cách ban cho chúng ta Lời Người, giáo huấn của Người, ơn thánh và Thần Khí của Người.

Như Đức Giêsu mạc khải Thiên Chúa là Cha, Đấng nuôi dưỡng chim trời là loài không gieo không gặt, và mặc cho hoa đồng nội các mầu sắc tuyệt vời còn đẹp hơn cả áo của vua Salomon (x. Mt 6,26-32; Lc 12,24-28). Và chúng ta là người thì còn giá trị hơn hoa đồng nội và chim trời rất nhiều. Thiên Chúa tốt lành, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ lành người dữ và cho mưa rơi trên người công chính và người không công chính (Mt 5,45). Vì thế chúng ta sẽ luôn luôn có thể hoàn toàn tín thác nơi sự tha thứ của Thiên Chúa Cha khi lầm đường, mà không phải sợ hãi. Thiên Chúa là Cha nhân lành tiếp đón và ôm hôn người con đã mất và sám hối (x. Lc 15,11 tt.), Người ban nhưng không cho những ai xin Người (x. Mt 18,19; Mc 11,24; Ga 15,23), Người cống hiến bánh từ trời và nước hằng sống khiến cho con người được sống đời đời (x. Ga 6,32.51.58).

Cũng chính vì thế người cầu nguyện trong Thánh Vịnh 27, bị bao vây bởi các thủ địch và tấn công bởi các kẻ gian ác và vu khống, tìm kiếm sự trợ giúp từ Chúa, khẩn cầu Người và có thể cống hiến chứng tá niềm tin tràn đầy và khẳng định rằng: ”Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì vẫn còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10). Thiên Chúa là một người Cha không bao giờ bỏ rơi con cái Người, một người Cha yêu thương nâng đỡ, trợ giúp, tiếp đón, tha thứ, và cứu vớt với lòng trung tín vô cúng vượt xa sự trung tín của con người, để rộng mở cho các chiều kích vĩnh cửu. ”Vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”, như thánh vịnh 136 tiếp tục lập lại ở mỗi câu khi đi lại con đường lịch sử của dân Israel. Tình yêu của Thiên Chúa Cha không bao giờ suy giảm, không mệt mỏi đối với chúng ta. Đó là tình yêu trao ban cho tới cùng tận, cho tới hiến tế của Người Con. Đức tin trao ban cho chúng ta xác tín trở thành một đá tẳng vững chắc trong việc xây dựng cuộc sống: chúng ta có thể đương đầu với tất cả mọi lúc khó khăn và nguy hiểm, kinh nghiệm của khủng hoảng đen tối và thời gian đau khổ, vì được nâng đỡ bởi sự tin tưởng Thiên Chúa không để chúng ta một mình; Người luôn luôn gần gũi chúng ta để cứu vớt và đem chúng ta đến sự sống vĩnh cửu.

Chính nơi Chúa Giêsu tỏ lộ tràn đầy gương mặt nhân lành của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Và khi biết Người và trông thấy Người là chúng ta cũng có thể biết và trông thấy Thiên Chúa Cha (x. Ga 8,19; 14,7), bởi vì Người ở trong Cha và Cha ở trong Người (x. Ga 14,9.11). Người là ”hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” như thánh Phaolô định nghĩa trong thư gửi tín hữu Côlôxê, là ”Trưởng Tử trước mọi loài thọ tạo... là Trưởng Tử của những kẻ từ cõi chết sống lại”, ”nhờ Người chúng ta được ơn cứu rỗi, và sự tha thứ tội lỗi”, và sự hòa giải mọi sự ”nhờ máu Người đổ ra trên thập giá Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất cũng như trên trời” (Cl 1,13-20).

Niềm tin nơi Thiên Chúa Cha đòi hỏi tin nơi Chúa Con, dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần, bằng cách thừa nhận nơi Thập Giá cứu độ việc vén mở vĩnh viễn tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha chúng ta, khi ban Con của Người cho chúng ta; khi tha thứ tội lỗi chúng ta và đưa chúng ta tới niềm vui của cuộc sống phục sinh; khi ban Thần Khí làm cho chúng ta trở thành con cái và cho phép chúng ta gọi Người là ”Abba, Cha ơi” (x. Rm 8,15). Vì thế khi dậy chúng ta cầu nguyện, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nói ”Lạy Cha chúng con” (Mt 6,9-13; Lc 11,2-4).

Như vậy chức làm cha của Thiên Chúa là tình yêu vô tận, là sự dịu hiền cúi xuống trên chúng ta là những đứa con yếu đuối cần mọi sự. Thánh vịnh 103 là bài ca vĩ đại của lòng xót thương của Thiên Chúa kêu lên: ”Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. Người qúa biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ ta chỉ là cát bụi” (Tv 103,12-14). Chính sự bé bỏng, chính bản chất nhân loại yếu đuối, chính sự giòn mỏng của chúng ta kêu gọi lòng thương xót của Chúa, để Người biểu lộ sư cao cả và hiền dịu là Cha của Người bằng cách trơ giúp, tha thứ và cứu rỗi chúng ta.

Thiên Chúa đáp trả lời kêu gọi của chúng ta bằng cách gửi Con của Người đến chết và sống lại vì chúng ta; bước vào trong sự giòn mỏng của chúng ta và làm điều mà con người một mình sẽ không bao giờ có thể làm được: đó là mang lấy trên mình tội lỗi của thế giới, như chiên con vô tội, tái mở con đường sự hiệp thông với Thiên Chúa và khiến cho chúng ta trở thành con cái Chúa. Và chính trên Thập Giá vinh quang xảy ra việc biểu lộ tràn đầy sự cao cả của Thiên Chúa như ”Cha toàn năng”.

Nhưng làm sao chúng ta có thể nghĩ đến một Thiên Chúa toàn năng khi nhìn lên Thập Giá Chúa Kitô? khi nhìn quyền năng của sự dữ đi tới độ giết chết Con Thiên Chúa? Chúng ta muốn một sự quyền năng của Thiên Chúa theo các lược đồ tâm trí và ước muốn của chúng ta: một Thiên Chúa toàn năng giải quyết các vấn đề, can thiệp để tránh cho chúng ta các khó khăn, chiến thắng các quyền lực đối nghịch, thay đổi dòng chảy của các biến cố và xóa bỏ khổ đau. Ngày nay nhiều thần học gia nói rằng Thiên Chúa không thể toàn năng, nếu không thì đã không có biết bao khổ đau, biết bao sự dữ trong thế giới. Thật ra đứng trước sự dữ và khổ đau, đối với nhiều người, đối với chúng ta, tin vào một Thiên Chúa Cha và toàn năng là một vấn nạn, là điều khó khăn. Một số người tìm ẩn náu tong các ngẫu trượng bằng cách nhượng bộ cám dỗ tìm câu trả lời trong một quyền năng ”ma thuật” và trong các hứa hẹn ảo tưởng của nó.

Nhưng niềm tin nơi Thiên Chúa toàn năng thúc đẩy chúng ta đi theo các con đường khác, học biết rằng tư tưởng của Thiên Chúa khác với tư tưởng của chúng ta, và các đường lối của Thiên Chúa khác với các đường lối của chúng ta, và cả quyền năng của Người cũng khác.

Sự toàn năng của Thiên Chúa không được diễn tả ra trong bạo lực, trong tàn phá một quyền lực đối nghịch như chúng ta mong muốn, nhưng được diễn tả ra trong tình yêu, trong lòng thương xót, trong sự tha thứ, trong việc chấp nhận sự tự do của chúng ta, và trong lời không mệt mỏi mời gọi chúng ta hoán cải con tim, trong một thái độ xem ra yếu đuối. Thiên Chúa xem ra yếu đuối, nếu chúng ta thấy Đức Giêsu Kitô cầu nguyện, mời gọi, làm cho chúng ta bị giết, nhưng đó là thái độ xem ra yếu đuối được làm bằng sự kiên nhẫn, hiền dịu và tình yêu, chứng minh cho thấy đó mới là kiểu quyền bính và sức mạnh đích thật. Và quyền bính ấy sẽ chiến thắng...

Chỉ có ai quyền năng mới có thể chịu đựng sự dữ và tỏ ra thương xót; chỉ có ai thực sự quyền năng mới có thể thực thi sức mạnh của tình yêu một cách tràn đầy. Và Thiên Chúa, mà mọi sự đều tùy thuộc Người vì tất cả đều do Người tạo dựng, vén mở sức mạnh của Người bằng cách yêu mến mọi sự và tất cả mọi người trong sự chờ đợi kiên nhẫn mọi người hoán cải, mà Người ước ao như con của Người. Thiên Chúa chờ đợi sự hoán cải của chúng ta.

Tình yêu quyền năng của Thiên Chúa không biết ranh giới, đến độ đã không tha Con của Người, nhưng trao nộp vì tất cả chúng ta” (Rm 8,32). Quyền năng tình yêu của Thiên Chúa không phải là quyền năng của thế giới, mà là quyến năng của sự cho đi hoàn toàn, và Đức Giêsu Con Thiên Chúa vén mở cho thế giới thấy quyền năng đích thực của Thiên Chúa Cha, bằng cách hiến sự sống cho chúng ta là những kẻ tội lỗi. Đó chính là quyền năng đích thực và toàn vẹn của Thiên Chúa: đáp trả sự dữ không phải băng sự dữ nhưng bằng sự thiện, đáp trả lăng nhục bằng tha thứ, hận thù sát nhân bằng tình yêu trao ban sự sống. Và như thế sự dữ bị thua thực sự, vì được tình yêu của Thiên Chúa tẫy rửa; cái chết vĩnh viễn thất bại vì được biến đổi thành ơn sự sống.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài chúc họ những ngày hành hương bổ ích, sau cùng ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Công giáo và Tin lành Luther sắp phát hành một tài liệu chung



Công giáo và Tin lành Luther sắp phát hành một tài liệu chung
WHĐ (28.01.2013) – Thông tin từ Đài phát thanh Vatican hôm 24-01 cho biết: Gần đến dịp kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải cách Tin lành (1517), người Công giáo Tin lành Luther sẽ thực hiện một tập tài liệu chung với nhan đề “Từ xung đột đến Hiệp thông”.
Điều này đã được Đức hồng y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, xác nhận với các hãng tin Công giáo Kathpress và APIC. Trong khi đó các nhà lãnh đạo Tin Lành bày tỏ lo ngại sau khi Roma đưa ra khả năng về việc thiết lập một Giáo hạt tòng nhân để đón nhận các tín hữu Tinh lành Luther.
Theo Đức hồng y Koch, tài liệu này sẽ đề cập đến lịch sử cuộc xung đột giữa người Công giáo và Tin lành, và cũng nói đến “cuộc đối thoại đại kết đã được tiến hành trong suốt 50 năm qua“con đường dẫn đến sự hiệp thông rộng lớn hơn”.
Một thời điểm tế nhị cho cả hai Giáo hội
Tài liệu này, được cả hai bên mong đợi, sẽ ra mắt vào một một thời điểm tế nhị trong quan hệ giữa Công giáo và Tin lành Luther. Cách nay vài ngày trước, Tổng thư ký Liên đoàn thế giới Tin lành Luther đã bày tỏ lo ngại về một tuyên bố gần đây của Đức Tổng giám mục Gerhard Ludwig Müller, Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Đức TGM Müller tin rằng các tín hữu Tin lành Luther muốn quay trở về với Roma cho rằng Giáo hội Công giáo Roma cần đón nhận họ, đồng thời vẫn cho họ giữ lại “những truyền thống hợp pháp, như đã thực hiện trong những năm vừa qua với việc thiết lập các Giáo hạt tòng nhân cho các tín hữu Anh giáo muốn hiệp thông với Roma.
Trước đó, vào tháng Mười năm ngoái, Đức hồng y Koch cũng đã nêu lên vấn đề này. Khi ấy, ngài nói rằng việc đón nhận các tín hữu Anh giáo không phải là một sáng kiến của Roma mà là của Giáo hội Anh giáo.
(Theo la-croix, 25-01-2013)
 
Minh Đức

Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân



VATICAN. Nhân dịp Ngày thế giới các bệnh nhân lần thứ 21 sắp tới, ĐTC ban ơn toàn xá cho các bệnh nhân và những người chăm sóc và cầu nguyện cho họ.

Ân xá là sự tha thứ hình phạt tạm thời mà một người phải chịu để đền bù những tội đã được tha thứ.
Trong Sắc lệnh công bố hôm 28-1-2013, ĐHY Monteiro de Castro, Chánh Tòa Ân Giải tối cao, và Đức Ông Krzyssztof Nykiel, Phó Chánh Tòa, cho biết ĐTC Biển Đức 16 ban ơn toàn xá để ”Các tín hữu, thành tâm thống hối và do đức bác ái cũng như tấm gương người Samaritano nhân lành thúc đẩy, trong tinh thần đức tin và từ bi, dấn thân phục vụ những anh chị em đang chịu đau khổ”. Ngài đã quyết định rằng:

- Các tín hữu, với lòng thống hối chân thành, có thể được hưởng ơn toàn xá mỗi ngày một lần, với những điều kiện thường lệ là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý ĐTC, và có thể chỉ ơn này cho các linh hồn quá cố, nếu trong những ngày từ mùng 7 đến 11-2 tới đây, tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting bên Đức, hoặc tại bất kỳ nơi nào do Giáo quyền chỉ định, họ sốt sắng tham gia một buổi lễ được cử hành để cầu xin Chúa cho những ý chỉ của Ngày Thế Giới các bệnh nhân, và họ đọc Kinh Lạy Chúa, kinh Tin Kính và khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria.

- Các tín hữu làm việc tại các nhà thương công cộng hoặc tại bất kỳ nhà tư nào, trợ giúp các bệnh nhận theo tinh thần bác ái như người Samaritano nhân lành, và vì công việc phục vụ ấy, họ không thể tham gia cac buổi lễ nói trên, thì họ cũng được hưởng ơn toàn xá, nếu trong những ngày ấy, họ quảng đại trợ giúp trong vài giờ như thể làm cho chính Chúa Kitô (Xc Mt 25,40) và họ đọc Kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính, khẩn cầu Đức Mẹ, với tinh thần xha tránh mọi tội lỗi, và với ý hướng chu toàn vừa khi có thể các điều kiện được yêu cầu để hưởng ơn toàn xá.

- Những tín hữu vì bệnh tật, già yếu hoặc vì lý do khác tương tự, bị ngăn trở không thể tham dự các lễ nghi nói trên, cũng sẽ được ơn toàn xá, miễn là với tâm hồn xa tránh bất kỳ tội lỗi nào và quyết tâm chu toàn vừa khi có thể những điều kiện thường lệ, tham dự trong tinh thần các buổi lễ thánh trong những ngày đã định, đặc biệt là trong các buổi lễ phụng vụ và Sứ điệp của ĐTC được truyền đi qua truyền hình hoặc đài phát thanh, sốt sắng cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân, và dâng những đau khổ thể lý và tinh thần, nhờ Mẹ Maria là Sức khỏe của các bệnh nhân.

Sau cùng, ĐTC ban ơn xá bán phần cho tất cả các tín hữu, mỗi khi họ hướng về Thiên Chúa từ bi, với tâm hồn thống hối, trong những ngày từ 7 đến 11-2 nói trên, sốt sắng cầu nguyện trợ giúp những người đau yếu trong tinh thần của Năm Đức Tin hiện nay.

Ngày 11-2-2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Đức TGM Zygmunt Zimowski Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ các nhân viên y tế, Đặc Sứ của ĐTC, sẽ chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting, nam Đức, và cuối lễ, ngài sẽ ban bí tích xức dầu bệnh nhân.

Altoetting, cách thành phố Munich 100 cây số về hướng đông, là nơi có Đền thánh Đức Mẹ nổi tiếng nhất nước Đức và thuộc giáo phận Passau. Thị trấn Altoetting, tuy chỉ có 13 ngàn dân cư, nhưng vẫn được coi là ”Con tim tôn giáo của miền Bavière”. Mỗi năm có hơn 1 triệu tín hữu từ các nơi ở Đức và các nước Trung Âu, đến hành hương trước tượng Đức Mẹ Đen cao 65 centimet, bồng Chúa hài đồng, được đặt trong Nhà Nguyện Ân Phúc của Đền Thánh này. Pho tượng bằng gỗ, bị ám khói nến qua dòng thời gian. Nhà nguyện này có từ khoảng năm 1300, nhưng trở nên nổi tiếng từ năm 1489, với hai cuộc hiện ra của Đức Mẹ. Trong nhà nguyện có rất nhiều bảng tạ ơn Đức Mẹ. Trước tượng Đức Mẹ, có một hòm bằng bạc đựng trái tim của tất cả các vua miền Bavière và các nhân vật nổi bật khác thuộc gia tộc Wittelsbach.

Riêng đối với ĐTC Biển Đức 16, Đền thánh này đã giữ một vai trò quan trọng trong các kỷ niệm thời thơ ấu. Ngài kể: ”Tôi được may mắn sinh ra gần Altoetting. Và các cuộc hành hương của tôi với thân nhân tại đây thuộc vào những kỷ niệm đẹp nhất của tôi trong thời thơ ấu”... Hồi tháng giêng năm 2005, tức là 3 tháng trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, ĐHY Ratzinger cùng với bào huynh của ngài đã đến hành hương riêng cũng tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting”. (SD 28-1-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Sống Ngày "Hôm Nay" Trong Chúa



VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa Chúa nhật 27-01-2013, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy đón nhận Ơn cứu độ và sự hiện diện của Thiên Chúa trong ngày sống của mình bằng cách lắng nghe lời của Ngài.
Trong một ngày nắng đẹp, hàng chục ngàn tín hữu hành hương quần tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô để nghe lời giáo huấn của Đức Thánh Cha. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài đã giải thích ý nghĩa của đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca(Lc 1,1-4; 4,14-21) và nhắn nhủ các tín hữu hãy sống ngày hôm nay như là ngày hồng ân cứu độ. Giải thích về ý nghĩa của đoạn Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói rằng:

Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta hai đoạn trích khác nhau trong Tin Mừng theo thánh Luca. Đoạn thứ nhất là lời tựa, là một lời nhắn nhủ tới một con người cụ thể có tên là “Thêôphilô”; vì tên này trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là Yêu mến Thiên Chúa, nên chúng ta có thể nhận ra nơi ông hình ảnh của những người tín hữu biết mở ra với Thiên Chúa và khao khao hiểu biết về Tin Mừng. Trong khi đó, đoạn thứ hai trình bày cho chúng ta sự kiện Đức Giê-su, “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy”, đi vào hội đường Na-da-rét. Nhìn kỹ ta thấy rằng Thiên Chúa đã không xem thường những nghi lễ phụng vụ hàng tuần và Ngài vẫn thường quây quần bên những người đồng hương để cầu nguyện và lắng nghe Kinh Thánh. Nghi thức này bao gồm việc đọc một đoạn văn trong Kinh Torah hay Ngôn sứ và sau đó là một vài diễn giải. Vào ngày này, Đức Giê-su đã đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần khí của Ðức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Ðức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân,
công bố một năm hồng ân của Ðức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than” (Is 61, 1-2). Origen diễn giải rằng: “Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Ngài mở sách và tìm thấy đoạn ngôn sứ Isaia nói về Ngài, nhưng đây chính là hành động quan phòng của Thiên Chúa”. Sau khi đọc xong đoạn Sách Thánh, Đức Giê-su đã thinh lặng, rồi Ngài nói: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe" (Lc 4,21). Thánh Cirillo Alessandria xác nhận rằng, “hôm nay” được đặt giữa lần đến đầu tiên và cuối cùng của Đức Giê-su, được nối kết với khả năng của người tín hữu trong việc lắng nghe và hoán cải. Nhưng trong ý nghĩa cụ thể hơn, Đức Giê-su chính là “hôm nay” trong lịch sử cứu độ, bởi vì ng”ài đã đến và hoàn tất công trình cứu độ. Thuật ngữ “hôm nay” có ý nghĩa rất phong phú trong Tin Mừng thánh Luca, nó gợi nhắc cho chúng ta chủ đề Kitô học rất được ưa thích bởi Thánh sử Luca. Trong tường thuật về việc sinh hạ, chủ đề này đã được trình bày trong lời của các Thiên Thần: “Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa” (Lc 2,11).
Sau khi diễn giải bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu phải sống cụ thể ngày “hôm nay” trong đời sống thường ngày. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,
Đoạn Tin Mừng này đòi chúng ta phải chất vấn về chính ngày “hôm nay” của chúng ta. Trên hết chúng ta phải nghĩ về cách chúng ta sống ngày Chúa Nhật: ngày để nghỉ ngơi, ngày của gia đình, và trên hết là ngày dành cho Chúa, bằng cách tham dự Thánh Lễ, nơi đó chúng ta được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Thánh Chúa Kitô và Lời sự sống của Ngài. Thứ đến, trong thời đại đầy xáo trộn và đổi thay này, bài Tin Mừng hôm nay cũng mời gọi chúng ta chất vấn chính mình về khả năng lắng nghe của chúng ta. Trước khi có thể nói về Thiên Chúa và nói với Thiên Chúa, chúng ta cần lắng nghe Ngài, và phụng vụ của Giáo Hội chính là “trường học” lắng nghe Thiên Chúa, Đấng luôn nói với chúng ta. Cuối cùng, bài Tin Mừng cũng nói cho chúng ta rằng mọi khoảnh khắc đều có thể trở thành hôm nay để chúng ta có thể hoán cải. Mỗi ngày có thể trở thành ngày cứu độ, bởi vì ơn cứu độ là một lịch sử được tiếp nối bởi Giáo Hội và bởi mỗi một người môn đệ của Đức Giê-su. Đây chính là ý nghĩa Kitô giáo của thuật ngữ “Hãy sống với ngày hôm nay" (carpe diem), hãy nắm bắt khoảnh khắc Thiên Chúa kêu gọi bạn để trao ban ơn cứu độ.
Đức Trinh Nữ Maria chính là mẫu gương cho chúng ta và là Đấng hướng dẫn chúng ta trong việc mở ra để đón nhận mỗi ngày trong đời sống chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng cứu độ của chúng ta và của tất cả nhân loại.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nhắn nhủ một cách đặc biệt vì hôm nay cũng là ngày tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa diệt chủng Phát-xít. Ngài nói:
Hôm nay cũng là “Ngày tưởng niệm” những nạn nhân của Holocaust của Phátxít. Việc kỷ niệm thảm họa kinh hoàng này phải là một lời nhắc nhở dành cho mọi người rằng, chúng ta không nên lặp lại những lỗi lầm trong quá khứ. Và chúng ta phải nỗ lực để vượt qua mọi thái độ ghen ghét và các hình thức phân biệt chủng tộc, đồng thời phải thăng tiến và tôn trọng phẩm giá con người.

Sau Angelus, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng hôm nay cũng là ngày Thế Giới bệnh nhân. Ngài nhắn nhủ tới mọi người như sau:
Tôi muốn diễn tả sự gần gữi của tôi tới những người phải chịu đau khổ vì bệnh tật, những nhà nghiên cứu đầy can đảm, các nhà thiện nguyện, những người hoạt động trong lĩnh vực y tế và cụ thể là biết bao nhiêu người đang tham gia vào các tổ chức Công giáo và Tổ chức những người bạn của Raoul Follereau. Tôi cũng nguyện xin Thánh Damien de Veuster và thánh Marianna Cope, những người đã hiến trao đời mình cho những người phải chịu đau khổ vì bệnh phong, xin các ngài cầu bầu cho tất cả các bạn.
Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng, Chúa nhật hôm nay là ngày đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình trên Đất Thánh. Và Ngài cảm ơn tất cả những ai đang nỗ lực để thăng tiếng hòa bình trên mọi miền của thế giới và ngài đặc biệt chúc mừng những người hiên diện nơi đây. Sau đó, Ngài cũng chào mừng khách hành hương bằng các thứ tiếng khác nhau: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, Phần Lan và Tây Ban Nha. Và cuối cùng, Đức Thánh Cha ban phép lành tòa thánh cho toàn thể mọi người hiện diện.


Nguyễn Minh Triệu sj

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Ủy ban Giáo dân chúc mừng Năm mới Quý Tỵ










 
UB Giáo dân / HĐGMVN

Đức Thánh Cha tiếp đoàn thẩm phán Tòa Thượng Thẩm Rota



VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 26-1-2013, dành cho Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới, ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi đề cao quan hệ mật thiết giữa đức tin và đời sống hôn nhân.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có 150 người, trong đó có hơn 20 vị thẩm phán của tòa Rota. Các vị thuộc nhiều quốc tịch dưới sự điều động của vị tân niên trưởng là Đức Ông Pio Vito Pinto.

Lên tiếng trong dịp này, trong bối cảnh Năm Đức Tin, ĐTC đặc biệt khai triển mối liên hệ giữa đức tin và hôn nhân, xét vì cuộc khủng hoảng đức tin ngày nay tại nhiều nơi trên thế giới cũng đưa tới một cuộc khủng hoảng hôn nhân, kèm theo những đau khổ và cơ cực cho con cái.

ĐTC nhận xét rằng “Giao ước bất khả phân ly giữa người nam và người nữ, để thành bí tích, không đòi phải có đức tin bản thân của đôi hôn phối, nhưng chỉ đòi điều kiện thiết yếu là ý hướng làm điều mà Giáo Hội làm”. Dầu vậy, đức tin vẫn giữ một vai trò quan trọng và ảnh hưởng tới đời sống hôn nhân của đôi vợ chồng.. ”Niềm tin nơi Thiên Chúa, được ân thánh của Chúa nâng đỡ, là một yếu tố rất quan trọng để sống sự tận tụy đối với nhau và sự chung thủy vợ chồng” (Giáo lý trong buổi tiếp kiến chung ngày 8-6-2011).

Về điểm này, ĐTC trưng dẫn giáo huấn của một số giáo phụ như Tertulliano, và thánh Clemente thành Alessandria về đời sống vợ chồng dưới ảnh hưởng của đức tin, và ngài nói: ”Cácthánh đã sống sự kết hiệp hôn nhân và gia đình trong viễn tượng Kitô, đã thành công vượt thắng những hoàn cảnh khó khăn nhất, qua đó họ đạt được sự thánh hóa người phối ngẫu và con cái với một tình yêu ngày càng được củng cố nhờ niềm tín thác vững chắc nơi Chúa, nhờ lòng đạo đức chân thành và đời sống bí tích nhiệt thành.” ĐTC cũng nói rằng ”Chính những kinh nghiệm ghi đậm đức tin như thế giúp hiểu rõ hơn ngày nay, sự hy sinh của người vợ hoặc người chồng bị bỏ rơi, hoặc bị ly dị, nếu họ nhìn nhận sự bất khả phân ly của mối giây hôn phối hữu hiệu, không để cho mình đi tới chỗ tái hôn.. Trong trường hợp đó, gương chung thủy và sống hợp với đạo lý Kitô có một giá trị chứng tá trước mặt thế giới và Giáo Hội” (Tông huấn Familiaris consortio, 22-11-1981, 83: AAS 74 [1982], p.184)

Thánh lễ với ĐHY Bertone

Trước khi được ĐTC tiếp kiến, các thẩm phán, nhân viên, các luật sư và cộng tác viên của tòa Thượng Thẩm Rota đã tham dự thánh lễ do ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, chủ sự lúc 9 giờ 15 tại Nhà nguyện Paolina trong dinh Tông Tòa.

Trong bài giảng, ĐHY nhắc đến tấm gương và hoạt động của hai thánh Timôthê và Tito với lễ kính trong ngày 26-1-2013. Ngài đặc biệt nhắc đến lời nhắn nhủ của thánh Phaolô Tông Đồ với môn đệ Timôthê, để kêu gọi mọi người đừng sợ sệt trong bối cảnh xã hội tục hóa ngày nay: ”Thiên Chúa không ban cho chúng ta một tinh thần nhát sợ, nhưng can đảm, bác ái và khôn ngoan thân trọng. Vì vậy con đừng hổ thẹn khi làm chứng về Chúa chúng ta” (2 Tm 1,7-8).

ĐHY Bertone nhận xét rằng ”Chúng ta đang bị một môi trường vây quanh, môi trường này nhiều khi tỏ ra dửng dưng lãnh đạm đối với tôn giáo hoặc công khai bất chấp mọi lời kêu gọi về những giá trị cao cả của Tin Mừng. Sự tục hóa ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm thức ngày nay, biến thành một chủ thuyết duy thế tục nơi lương tâm nhiều người. Chúng ta không thể không nói đến những khó khăn theo đó một bầu không khí văn hóa như thế chống lại hoạt động rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh khích lệ các vị thẩm phán và nhân viên thi hành sứ vụ tư pháp sẵn sàng ”chịu đau khổ vì Tin Mừng”, vì không được cảm thông, và can đảm góp phần mang lại an bình và công lý cho các tín hữu. Sứ vụ này cũng có tính chất mục vụ và là một sự tham gia đặc biệt vào sứ mạng của Chúa Kitô Mục Tử. ĐHY nói: ”Không thể dẫn đưa các linh hồn về Nước Trời, nếu ta tách rời khỏi thái độ bác ái và khôn ngoan là thái độ phải linh hoạt cả công tác dấn thân giúp tuân giữ trung thành luật pháp và các quyền của mọi người trong Giáo Hội” (SD 26-1-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

NĂM HỒNG ÂN CỦA CHÚA (27.1.2013 – Chúa nhật 3 Thường niên, năm C)


NĂM HỒNG ÂN CỦA CHÚA 
Lời Chúa: Lc 1, 1-4; 4, 14-21
Thưa ngài Thêôphilô đáng kính, có nhiều người đã ra công biên soạn bản tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.
Ðược quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.
Rồi Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
Suy nim:
Khi đã khá có tiếng tăm ở vùng Galilê,
Ðức Giêsu trở về Nadarét, nơi Ngài sinh trưởng.
Làm sao Ngài quên được mảnh đất làng quê đã ấp ủ mình,
nơi có bà con họ hàng, láng giềng, bè bạn.
Hơn nữa Ngài cũng không cắt đứt với tôn giáo của cha ông.
Ngài vẫn là một người Do Thái ngoan đạo,
quen lui tới hội đường cùng với dân làng vào ngày sabát,
để thờ phượng Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.
Chúng ta cần chiêm ngắm Ðức Giêsu đứng đọc Sách Thánh.
rồi ngồi xuống giải thích Lời Chúa cho mọi người.
Cử chỉ của Ngài thật trang trọng, đĩnh đạc,
khi nhận sách, mở sách, cũng như khi cuộn sách để trả lại.
Có một bầu khí cầu nguyện sâu lắng ở hội đường.
Mọi người đều chăm chú nghe lời Ngài giảng.
Ðoạn sách Ngài đọc hôm ấy là của ngôn sứ Isaia.
Isaia đã nói lên ơn gọi và sứ mạng của mình.
Ông được xức dầu để trở thành ngôn sứ
cho những người Do Thái mới thoát khỏi cảnh lưu đày.
Ông được sai đi để loan báo thời cùng khốn đã chấm dứt
và công bố khai mở một thời kỳ đầy ân sủng và tự do.
Ðức Giêsu đã bị đánh động bởi đoạn sách này.
Ngài thấy nó phản ánh chính ơn gọi và sứ mạng của mình.
Ðây là một hướng đi mà Ngài phải theo đuổi,
một chương trình hành động mà Ngài muốn hoàn thành.
Ðức Giêsu là người đầy tràn Thánh Thần cách đặc biệt.
Thánh Thần chi phối toàn bộ lời nói, việc làm của Ngài.
Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo,
nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói.
Ngài được sai đến với những kẻ bị giam cầm
bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam.
Ngài cho người mù được sáng mắt và thấy trong niềm tin.
Ngài trả lại tự do cho cả người bị áp bức
lẫn người gây áp bức bóc lột.
Ngài mời gọi cả hai sống thanh thoát như Ngài,
sống như con của Cha và anh em của nhau.
Ngài khai mạc một Năm Thánh, Năm Hồng Ân cứu độ.
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
Chúng ta phải có thể nói một câu tương tự như Ðức Giêsu.
Có nhiều đoạn Lời Chúa chẳng được ứng nghiệm bao giờ
vì thiếu sự cộng tác của bản thân tôi.
Con người hôm nay khao khát niềm vui, ánh sáng, tự do,
nhưng ít người chịu tin vào Ðức Kitô
chỉ vì đời tôi đầy sầu muộn, bóng tối và nô lệ.
Thậm chí có khi tôi lại là kẻ áp bức anh em,
kẻ bịt mắt và giam hãm tha nhân trong ngục tù.
Lời ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm trong đời Ðức Giêsu.
Ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong đời tôi,
để ngày hôm nay của Chúa được kéo dài đến tận thế.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Ngài
giữa lòng thế giới,
trong lòng mọi người.
Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối,
nhưng vẫn có những đóm sáng rực rỡ:
khi con người ngồi lại gần nhau
để giải quyết tranh chấp, tìm kiếm hòa bình;
khi cả thế giới lo chung một mối lo:
bảo vệ trái đất, ngăn chận sida,
tận diệt ma tuý;
khi có những người nghèo
quan tâm đến những người nghèo hơn;
khi trẻ thơ và người già được chăm sóc;
khi hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ;
khi không còn nạn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, màu da;
khi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật
làm cho con người sống hạnh phúc;
khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau,
liên đới với nhau và chịu trách nhiệm về nhau,
sống trên cùng một hành tinh,
dưới mái nhà bầu trời.
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin cho chúng con thấy Ngài
nơi nụ cười người ta trao cho nhau trên đường phố,
nơi những hy sinh vô vị lợi,
và cả nơi những thao thức của ai đó,
muốn xây dựng một thế giới huynh đệ hơn.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ