label

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Đột phá ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc? TTX Reuters cho biết

Đột phá ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc? TTX Reuters cho biết

 
Thông Tấn Xã Reuters vừa đưa ra nhận định là sẽ có đột phá ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc, có thể xảy ra ngay đầu muà hè này. Bài nhận định do 3 phóng viên có hạng cuả Reuters viết là bà Lisa Jucca ở Ý, trưởng phòng báo chí về ngân sách; ông Benjamin Kang Lim người Hoa gốc Phi, cựu trưởng phòng báo chí ở Bắc Kinh và ông Greg Torode, ký giả người Úc, đang làm việc tại Hồng Kông, chuyên viết về chính trị ở Trung Hoa.
 
 
 
Bài nhận định viết ngày 14 tháng bảy 2016 đúng vào lúc xảy ra cuộc khủng bố khủng khiếp tại Nice bên Pháp cho nên đã bị lu mờ không mấy gây sự chú ý. Tuy nhiên trước sự kiện là Trung Quốc đang cần một bước đột phá ngoạn mục về Ngoại Giao sau khi vừa thất bại ê chề trước phán quyết cuả toà án trọng tài quốc tế The Hague về biển Đông. Với họ lúc này, thì việc liên hệ với Vatican giống như một cái phao, nếu không thì cũng là một thế đòn làm lạc hướng dư luận bất lợi.
 

Vậy xin tóm lước nhận định cuả Reuters như sau:

Những Tín Hiệu:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc đẩy một quyết tâm là làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc, mà trong nhiều thập kỷ trước đã chỉ là nghi ngờ và mâu thuẫn.

Qua những phỏng vấn với khoảng 24 quan chức và giáo sĩ Công Giáo ở 3 nơi là Hồng Kông, Ý và Trung Quốc, cộng thêm các quan hệ trực tiếp với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, người ta biết rằng thỏa thuận sắp tới sẽ chưa là một quan hệ ngoại giao đầy đủ, nhưng sẽ giải quyết một vấn đề cốt lõi đã từng gây ra sự chia rẽ gay gắt giữa Vatican và Bắc Kinh.

Một ủy ban gồm nhiều thành viên của cả hai bên đã được thành lập vào tháng Tư để thảo luận về cái bất đồng chính đó, là việc ai có quyền chọn và tấn phong giám mục tại Trung Quốc. Ủy ban này cũng tìm cách giải quyết tình trạng 8 vị giám mục đã được Bắc Kinh bổ nhiệm nhưng không được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

Bước đột phá ngoạn mục, có thể xảy ra đầu mùa hè này, là việc Đức Thánh Cha sẽ chấp nhận tám vị đó, mở ra con đường lắng dịu.

Trước đây đã từng có tín hiệu về ước muốn sâu xa của ĐGH Phanxicô về việc tái lập quan hệ với Trung Quốc. Một tín hiệu xảy ra vào cuối tháng Chín năm ngoái, là những nỗ lực đằng sau hậu trường của Vatican tìm cách dàn xếp cho một cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa 2 vị lãnh đạo, vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo La Mã và vị lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, khi họ đều ở New York.

Cuộc họp đã không xảy ra. Nhưng những nỗ lực đó đã được Bắc Kinh trân trọng.

Trong khi hai bên vẫn nói rằng họ đang thảo luận về các vấn đề của các giám mục, các nguồn tin đã cho Reuters biết nhiều chi tiết chưa hề được tiết lộ ​​và các bước bí mật của Vatican đã thực hiện để mở đường.

Nhắc lại, cuộc đàm phán hiện tại là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa Vatican và Trung Hoa sau hơn sáu thập kỷ, sau khi chế độ Cộng Sản trục xuất khâm sứ Antonio Riberi cuả Vatican ra khỏi Bắc Kinh năm 1951, và bắt đầu chiến dịch trục xuất các nhà truyền giáo và truy quét tôn giáo.

Vatican là quốc gia Tây Phương duy nhất không có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, và vẫn duy trì mối quan hệ với Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan, mà Bắc Kinh xem như là một tỉnh ly khai.

Đối với Vatican, việc tan băng trong mối quan hệ với Trung Quốc là hy vọng nới lỏng cho hoàn cảnh bị bức hại của các Kitô hữu trên lục địa. Đồng thời cũng sẽ dọn đường cho một quan hệ ngoại giao, giúp cho Giáo Hội được hiện diện chính thức tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Mục đích của các cuộc tiếp xúc giữa Tòa Thánh và đại diện Trung Quốc chưa chủ yếu là để thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng điều đó sẽ tạo thuận lợi cho đời sống của Giáo Hội và góp phần làm cho mối quan hệ trong đời sống Giáo Hội được bình thường và thanh thản," theo lời cuả phát ngôn viên Toà Thánh, LM Federico Lombardi nói với Reuters.

Đối với Trung Quốc, cải thiện quan hệ có thể đánh bóng hình ảnh quốc tế của họ và xoá bỏ những lời chỉ trích về thành tích vi phạm nhân quyền của họ. Đồng thời cũng sẽ là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc làm cô lập hòn đảo tự trị Đài Loan.

"Chúng tôi sẵn sàng, trên nguyên tắc, tiếp tục có đối thoại xây dựng với Vatican, để gặp họ ở giữa đoạn đường và cùng nhau thúc đẩy về phía trước quá trình cải thiện quan hệ song phương", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. "(Chúng tôi) hy vọng Vatican cũng làm như vậy để có một thái độ linh hoạt và thực tế và tạo điều kiện có lợi cho việc cải thiện quan hệ song phương."

Lời mời gọi:

Nhưng một thỏa thuận sẽ không dễ dàng. Vì có sức đề kháng ở cả hai bên.

Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc có khoảng từ 8 đến 10 triệu tín đồ, được chia thành hai cộng đồng: "Chính Thức", điều khiển bởi Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước cuả Nhà Nước, và "Chui", trung thành với Đức Giáo Hoàng ở Rôma.

Phiá Trung Quốc, một số các nhà lãnh đạo lo ngại rằng một thỏa thuận sẽ cung cấp cho Tòa Thánh Vatican một chỗ đứng vững mạnh trên đất liền, thách thức uy quyền tuyệt đối của Đảng Cộng sản.

Về phiá Giáo Hội, trong Giáo Hội "chui" ở Trung Quốc, mà nhiều thành viên đã bị bức hại một cách hệ thống trong nhiều thập kỷ, sẽ cảm thấy bị phản bội bởi thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Vatican.

Dù có phản kháng, nhất là ở Hồng Kông, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa sự cải tiến quan hệ với Trung Quốc lên hàng ưu tiên, cho nên những cố vấn xung quanh Đức Giáo Hoàng đang dồn mọi nỗ lực vào một 'ván bài' (deal.)

Đã có nhiều những sự mời mọc đưa ra từ Vatican, sau khi được bầu làm giáo hoàng vào tháng ba năm 2013, ĐGH Phanxicô đã gửi một thông điệp chúc mừng ông Tập về việc ông cũng trở thành Chủ tịch của Trung Quốc. Sau đó, khi bay ngang qua Trung Quốc để đến Seoul vào tháng 8 năm 2014 - lần đầu tiên Bắc Kinh cho phép một giáo hoàng đi vào không phận - Đức Thánh Cha đã gửi lời chúc tốt nhất của mình đến ông Tập và người dân Trung Quốc. Các tháng tiếp theo, ĐGH Phanxicô gửi một bức thư cho ông Tập qua một chính trị gia người Argentina là ông Ricardo Romano, để mời ông Tập họp mặt, theo lời ông Romano nói với Reuters.

Vào đầu tháng Hai năm nay, Đức Thánh Cha lại gửi lời chúc Tết tới ông Tập, và trên đường từ Mexicô trở về Roma hai tuần sau, trong cuộc họp báo trên máy bay, Đức Thánh Cha nói rằng Ngài "thực sự muốn" đến thăm Trung Quốc.

Sân bay New York:

Dấu hiệu về ưu tiên cho việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc là việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin vào chức vụ Quốc Vụ Khanh vào tháng 8 năm 2013. Từ thời Đức Thánh Cha Benedict XVI, Đức Giám Mục Parolin đã từng là trưởng phái đoàn đàm phán của Vatican với Bắc Kinh và đã gần đạt được một thỏa thuận.

"Trong năm 2009, Tổng Giám Mục Parolin đã có rất gần một thỏa thuận (với Trung Quốc)," theo lời Agostino Giovagnoli, một giáo sư về lịch sử đương đại tại Đại học Công Giáo của Milan cho biết.

Cuối cùng, thỏa thuận đó không được thông qua vì Vatican coi nó là quá hẹp, theo một nguồn tin trong Giáo Hội Công Giáo.

Tổng Giám Mục Parolin sau đó đi làm khâm sứ ở Venezuela. Sự ra đi của Ngài đánh dấu một giai đoạn lạnh nhạt với Trung Quốc.

Vào tháng 6 năm 2014, hai bên lại khởi động liên lạc qua một cuộc họp tại Rome. Một năm sau, Vatican nỗ lực để có một cuộc gặp gỡ giữa Giáo Hoàng Phanxicô và ông Tập Cận Bình ở New York.

Kế hoạch là trong chương trình tông du ở Mỹ, Đức Thánh Cha sẽ bay đến Philadelphia vào sáng 26 tháng 9, khởi hành từ sân bay John F. Kennedy cuả New York, trong khi đó thì ông Tập cũng trên đường từ Washington tới New York.

Sân bay New York, 3 quan chức Công Giáo nói với Reuters, là một địa điểm kín đáo cho hai nhà lãnh đạo, tránh xa sự nhòm ngó cuả các phương tiện truyền thông.

Những nguồn tin thân cận từ Trung Quốc và từ Vatican đã đưa ra nhiều lý do khác nhau vì sao mà hai nhà lãnh đạo đã không gặp nhau, nhưng tất cả đều đồng ý rằng Đức Giáo Hoàng muốn gặp ông Tập và rằng tin nhắn này đã được truyền đạt rõ ràng tới Trung Quốc.

Theo một nguồn tin hiểu biết có liên hệ trực tiếp ở Trung Quốc, thì Bắc Kinh "đã không thể quyết định nên có một cuộc gặp gỡ trước khi có một thỏa thuận hay không."

Tháng mười năm ngoái, một phái đoàn Vatican sáu người đã đến Bắc Kinh, tiếp theo là một cuộc họp vào tháng Giêng. Và một đột phá đã đến vào tháng Tư năm nay, khi hai bên đồng ý thiết lập một nhóm làm việc. Nhóm này được tổ chức theo công thức cuả Nhóm Liên lạc giữa Anh và Trung Quốc để giải quyết các vấn đề trước khi bàn giao Hồng Kông vào năm 1997.

Nhóm làm việc, đã nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cho việc phong chức giám mục tại Trung Quốc. Nhóm hiện đang thảo luận làm thế nào để giải quyết vấn đề 8 giám mục được tấn phong tại Trung Quốc mà không có sự đồng ý của giáo hoàng. Hướng về phía trước, Tòa Thánh muốn ngăn chặn một tình huống trong đó các giám mục được chỉ định bởi một cơ quan nào khác hơn là Đức Giáo Hoàng.

Vấn đề các Giám mục bị vạ tuyệt thông:

Hiện có tới 110 giám mục ở Trung Quốc, hầu hết bị cai quản bởi Đảng Cộng sản. Có khoảng 30 giám mục thuộc thành phần "Chui", trung thành với Đức Giáo Hoàng.

Hầu hết các giám mục được Bắc Kinh công nhận cũng đã tìm cách xin phép Đức Thánh Cha. Nhưng có 8 vị không nhận được sự chấp thuận của Giáo Hoàng. Họ bị coi là bất hợp pháp.

Ba giám mục trong nhóm này đã chính thức bị rút phép thông công, theo tuyên bố công khai cuả Tòa Thánh. Năm vị khác, được thông báo không chính thức rằng Đức Giáo Hoàng chống lại việc thụ phong cuả họ.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn bởi vì ít nhất là hai trong số 8 giám mục đó bị cáo buộc là có con hoặc có bạn gái.

Theo một số viên chức Công Giáo đã nói với Reuters, thì Đức Giáo Hoàng đang chuẩn bị để tha vạ cho 8 giám mục ấy. Sự tha vạ sẽ trùng với Năm Thánh Thương Xót. Vatican hy vọng sự tha thứ này sẽ được Trung Quốc coi như là một cử chỉ thiện chí.

Nhưng cho đến cuối tháng Sáu, thì hai người trong số họ vẫn chưa gửi đơn xin tha vạ lên Toà Thánh.

Bởi vì Vatican không coi 8 giám mục này có khả năng cai quản giáo phận, cho nên hai bên đang thảo luận về một thỏa hiệp để có thể cho phép họ giữ lại danh hiệu của họ, nhưng được giao cho một nhiệm vụ khác.

Chen Jianming, giám đốc văn phòng đối ngoại của Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc, nói với Reuters rằng việc sắp xếp một cuộc phỏng vấn với bất kỳ giám mục nào thì sẽ rất khó. "Họ là những người bận rộn, thường xuyên đi làm mục vụ ở ngoài. Một cuộc phỏng vấn sẽ rất khó khăn ", Chen nói.

Một Giám Mục đổi ý:

Nhóm làm việc đang thảo luận về một vấn đề gây nhiều tranh cãi - một cơ chế theo đó các giám mục mới sẽ được lựa chọn. Hai bên đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề này trong gần 30 năm.

Theo truyền thống Công Giáo từ nhiều thế kỷ thì các giám mục được bổ nhiệm bởi Đức Giáo Hoàng. Nhưng Trung Quốc áp dụng một mô hình trong đó giám mục được lựa chọn bởi các giáo sĩ địa phương, là thành viên của Hiệp hội Yêu nước do Đảng Cộng sản kiểm soát.

Qua một giải pháp đang được thảo luận, các giám mục sẽ được lựa chọn bởi các giáo sĩ ở Trung Quốc. Đức Giáo Hoàng sẽ có quyền phủ quyết các ứng cử viên, những người mà Ngài xét là không thích hợp, nhưng Vatican sẽ cần phải cung cấp bằng chứng về sự không thích hợp ấy.

Mối quan tâm chính cho Vatican là liệu các linh mục ở Trung Quốc có thể bị áp lực hoặc là bị dụ dỗ để ủng hộ cho một ứng cử viên nào chăng.

Một nguồn tin ở Bắc Kinh có quan hệ với lãnh đạo cho biết hai bên đã đạt được một thỏa thuận về các ứng viên tương lai của chức giám mục, nhưng không cung cấp chi tiết.

Nếu có thể thỏa thuận về việc lựa chọn các giám mục mới, thì bước kế tiếp là tập trung vào một thỏa thuận mới để Bắc Kinh thừa nhận các giám mục "Chui".

Một sự đảo chiều đột ngột vào tháng trước là một vị giám mục Trung Quốc nổi tiếng, Đức Giám Mục phụ tá Thaddeus Ma Daqin của Thượng Hải. Bắc Kinh đã tức giận khi Ngài tuyên bố rằng Ngài không thể ở lại trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc tại lễ phong chức của mình trong năm 2012. Sau khi bị quản thúc tại chủng viện Sheshan ở ngoại ô Thượng Hải, đã viết blog vào ngày 12 tháng 6 rằng sau khi nhìn lại, Ngài cảm thấy quyết định rời bỏ Hiếp Hội là "không khôn ngoan."

Chưa rõ tại sao DGM Ma đổi ý, nhưng một số quan chức Công Giáo lo ngại rằng Ngài có thể bị áp lực phải tuyên bố theo ý của chính quyền. Và như vậy thì đó là một điều sỉ nhục đối với Đức Giáo Hoàng. Một nguồn Công Giáo khác cho rằng DGM Ma có thể đã hành động tự nguyện trong nỗ lực nhằm xoa dịu sự đối đầu với Bắc Kinh và giúp cho 'ván bài' được thông qua dễ dàng hơn (help smooth the way to a deal).

Reuters khôgn tìm được một bình luận nào từ các nhà chức trách Trung Quốc về quyết định của DGM Ma.

Sự lo sợ ảnh hưởng ngoại lai:

Trong nỗ lực để tạo nên một bước đột phá với Trung Quốc, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phải làm cho Trung Quốc vượt qua một nỗi sợ hãi sâu xa. Trung Quốc nhìn vào Giáo Hội với một con mắt nghi ngờ, theo nguồn tin có quan hệ với các lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh. Đối với Đảng Cộng sản, một tổ chức dựa trên nền tảng vô thần nhưng công nhận năm tôn giáo - Phật giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Tin lành và Công Giáo - nhưng một tôn giáo mà một nhà lãnh đạo là người nước ngoài thì bị xem như là một mối đe dọa.

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, từng bị tổn thương bởi sự tan rã của Liên bang Xô viết, có một nhận thức lo lắng về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong sự sụp đổ của chế độ cộng sản, cụ thể là vào năm 1989 ở Ba Lan, quê hương của cố Giáo hoàng John Paul II .

Ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản cũng đang có sự tranh giành thế lực có thể phá vỡ thỏa thuận, theo lời các quan chức Công Giáo ở Trung Quốc. Một phiá là Bộ Ngoại giao muốn hòa dịu với Tòa Thánh để cô lập Đài Loan. Nhưng Ban Công Tác Mặt trận, một cơ quan cuả đảng có nhiệm vụ truyền bá ảnh hưởng của Trung Quốc, thì kém nhiệt tình hơn, vì sợ sự xâm nhập tôn giáo từ nước ngoài.

"Trong nội bộ, có sự tranh cãi về việc liệu Giáo Hoàng có thể được tin cậy hay không", nguồn tin có quan hệ với giới lãnh đạo cho biết.

Trong nhiều thế kỷ, Giáo Hội Công Giáo đã tìm cách đi vào Trung Quốc, nơi mà những ảnh hưởng ngoại lai thường bị ngờ vực. Mới đây vào đầu thế kỷ 20, đã có sự bùng nổ cuả một cuộc bạo loạn Nghĩa Hoà Đoàn (Boxer Rebellion), nhằm tiêu diệt người nước ngoài, nhất là các nhà truyền giáo Kitô giáo, và các Kitô hữu Trung Quốc.

Cũng xin ghi nhận rằng mối quan hệ với người ngoại quốc cũng có lúc êm ái không có vấn đề. Như việc LM Matteo Ricci, một linh mục dòng Tên đã đến Trung Quốc vào cuối thế kỷ 16, đã chấp nhận văn hóa Trung Quốc và thành thạo tiếng phổ thông, được phong chức tại triều nhà Minh dưới thời Hoàng Đế Vạn Lịch. LM Ricci qua đời năm 1610 và được chôn cất tại Bắc Kinh.

Ngay trong nội bộ Công Giáo, cũng có những mức độ khác nhau về một thỏa thuận với Trung Quốc. Trong khi Quốc Vụ Khanh Parolin dẫn đầu các cố gắng cho một thỏa thuận, các bộ phận phụ trách công tác truyền giáo nước ngoài cuả Vatican thì thận trọng hơn.

Sự chỉ trích thì đặc biệt mạnh mẽ ở Hồng Kông. Hồng Kông và Macau, là đầu cầu cuả đạo Công Giáo trên đất liền, vẫn duy trì một mạng lưới rộng lớn gồm các linh mục quốc nội và ngoại quốc làm việc ở Trung Quốc, nhiều người làm việc "chui".

Người chỉ trích mạnh mẽ nhất là Hồng Y Joseph Zen, cựu giám mục Hồng Kông, là một thành viên của Ủy ban cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, là cơ quan tư vấn thiết lập bởi DGH Benedict. Một số thành viên của ủy ban này đã phản đối dự thảo thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc trong năm 2009.

"Chính quyền Trung Quốc không có ý định nhân nhượng về bất cứ điều gì," theo lời DHY Zen nói với Reuters.

Dưới triều Đức Phanxicô thì Ủy ban này đã bị "ngồi chơi xơi nước". Dù chưa bị giải tán, nhưng đã không được triệu tập một lần nào. Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang được điều khiển bởi các quan chức Vatican tại Rome.

"Người Công Giáo Trung Quốc muốn được hiệp nhất trong một Giáo Hội", một vị giám mục Trung Quốc được bổ nhiệm bởi Bắc Kinh và cũng được công nhận bởi Đức Giáo Hoàng nói. "Nhưng thật là khó khăn để có thể nghĩ ra một thỏa thuận có thể đáp ứng tất cả mọi người."

Một số thành viên của Giáo Hội "chui", nói với Reuters với điều kiện được giấu tên, thì đặc biệt nghi ngờ về một thỏa thuận với Trung Quốc. Nhiều người trong nhóm họ đã phải đối mặt với những đàn áp khắc nghiệt. Hàng giáo sĩ bị các lực lượng an ninh theo dõi chặt chẽ, và các linh mục bị ép buộc phải đăng ký với Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

China Aid, một hội ở Texas với mục đích theo dõi những hành vi cuả chính phủ đối với các giáo phái Kitô giáo ở Trung Quốc, đã báo cáo thường niên năm 2015 rằng sự đàn áp của nhà nước Trung Quốc đã leo thang. Có nhiều nơi đàn áp là đặc biệt mạnh mẽ, nhiều nhà thờ bí mật bị đóng cửa, một "số lượng lớn các mục tử, lãnh đạo Giáo Hội và Kitô giáo" đã bị bắt và tài sản Giáo Hội bị tịch thu.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời cho câu hỏi về đàn áp tôn giáo.

Nhiều Giám Mục "Chui" đã bị bỏ tù và bị cưỡng bức lao động, theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông Công Giáo. ĐGM Shi Enxiang, giám mục chui của địa phận Yixian ở đông bắc Trung Quốc, vừa mới qua đời năm ngoái sau khi bị bắt giữ từ năm 2001. Theo UCANews, một dịch vụ tin tức Công Giáo tập trung vào châu Á, thì Ngài, 94 tuổi, đã bị giam giữ trong tù hoặc trại lao động một khoảng thời gian dài đến một nửa cuộc đời của Ngài.

"Một sự Hoà Giải cần có thời gian. Nếu bạn đi quá nhanh, một số người của Giáo Hội Chui có thể cảm thấy bị phản bội," theo lời ông Antonio Sergianni, một cựu quan chức Vatican đã từng làm việc về Trung Quốc tại Rome trong 10 năm. " Nhưng nếu Đức Giáo Hoàng chỉ ra một con đường mới, thì chúng ta cần phải đi theo Ngài. ".
 
(Trần Mạnh Trác, VCN 15.07.2016)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét